Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2021
Tôi là người thiếu thực tế, suốt đời thích đọc những truyện viễn mộng. Mới chín mười tuổi, tôi bắt đầu đọc Bồng Lai Hiệp Khách, Giao Trì Hiệp Nữ… Vào Nam, học đệ thất, đệ lục, tôi mải mê với Lục Kiếm Đồng, Không Không Sư Tổ… cùng những truyện của Đinh Hùng, Lê Minh Hoàng Thái Sơn… Lên đến đệ nhị, tôi bắt đầu làm quen với Kim Dung qua Anh Hùng Xạ Điêu đăng hàng ngày trên nhật báo Dân Việt. Sau đó, suốt mấy năm đại học, tôi trung thành theo dõi bước chân hành hiệp của Vô Kỵ, Kiều Phong qua Vi Tiểu Bảo… Ra trường, đi lính, đi hành quân hay về hậu cứ, tôi bỏ tiền mướn tháng để đọc tất cả truyện kiếm hiệp mới ra, bất kể tác giả là Cổ Long, Gia Cát Thanh Vân hay Nam Kim Thạch…
Miền Nam sụp đổ, tôi ở tù rồi vượt biên.
Có cả ngàn lý do để vượt biên, nhưng thiếu kiếm hiệp cũng là một lý do. Có lẽ chế độ Cộng Sản lúc đó cấm kiếm hiệp chẳng phải nó viễn mơ, thiếu “tính đảng, tính giai cấp, tính hiện thực xã hội chủ nghĩa” mà vì những nhân vật của Kim Dung như Hồng Giáo Chủ, Tinh Tú Lão Quái, Đông Phương Bất Bại... đã gợi đến những lãnh tụ muôn vàn kính yêu của họ một cách quá hiện thực. (*)
Sang đến đất Mỹ thì thời gian này Kim Dung đã ngưng viết, tôi đọc được thêm vài truyện của Cổ Long rồi nhà văn trẻ tài hoa này không may chết sớm, tôi đành quay sang đọc truyện khoa học giả tưởng.
Theo định nghĩa, khoa học giả tưởng là truyện giả tưởng dựa trên căn bản khoa học, thường viết về tương lai. Vì dựa vào khoa học và viết về tương lai nên nhiều điều giả tưởng của loại truyện này đã bị thực tế vượt xa, chẳng hạn những chuyện vòng quanh thế giới hay tàu ngầm dưới đáy biển của Jules Verne. Tôi không biết ai là người đầu tiên viết truyện khoa học giả tưởng, nhưng có lẽ loại truyện này mới chỉ phát triển mạnh mẽ từ sau cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật ở Âu Châu.
Nếu so sánh giữa kiếm hiệp và khoa học giả tưởng, ta thấy hai trường phái văn học cực kỳ viễn mơ này có những khác biệt căn bản.
Người Đông phương thả hồn vào cõi hoang đường bằng cách đắm chìm trong những hoàn cảnh và nhân vật của quá khứ, đồng hoá vào những khả năng và hành động phi thường của nhân vật.
Trong khi đó, người Tây phương để cho tâm hồn vơ vẩn trong những hoàn cảnh tương lai. Nhân vật kiếm hiệp, nếu không kiếm pháp siêu quần thì cũng nội công thâm hậu, nhưng hoàn cảnh thường dựa vào lịch sử có thật như Cô Gái Đồ Long đời Nguyên, Vi Tiểu Bảo đời Thanh, truyện của Lê Minh Hoàng Thái Sơn đời Quang Trung... Riêng nhân vật khoa học giả tưởng và ngay cả nhân vật kiếm hiệp Tây phương như Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ ngày xưa, đa số đều là những con người bình thường, có đủ yêu ghét giận hờn, chỉ có ngoại giới là được giả tưởng hoá.
Những khác biệt căn bản kể trên có lẽ bắt nguồn từ những khác biệt về vũ trụ quan và khác biệt trong nội tâm con người. Người Tây phương luôn tìm cách phân tích, giải thích hay làm chủ ngoại giới còn người Đông phương có khuynh hướng hoà đồng với ngoại giới. Trong khi Gallileo, Copernicus quan sát bầu trời, tìm ra những định luật vật lý thì học giả Đông phương vẫn lẩn quẩn ở lưỡng nghi sinh tứ tượng và cố gắng kết hợp con người với thiên nhiên, vũ trụ bằng cách ngắm sao để tính số tử vi hay đoán điềm giải mộng. Vì Đông phương hướng nội nhiều hơn nên khả năng nhân vật kiếm hiệp luôn luôn rất hoang đường. Tuy nhiên, thế giới quan của kiếm hiệp lại rất nhỏ hẹp. Dù có dùng khinh công, phi thân, cân đẩu vân, độn kiếm... thì những nhân vật cũng chỉ bay là đà trên mặt đất. Hơn nữa, vì chỉ viết về quá khứ nên kiếm hiệp phải dựa vào lịch sử và chuyện nào cũng bị đóng khung trong những tranh chấp giữa hai phe phái chính tà. Vì bị giới hạn như thế nên những tác giả kiếm hiệp gần đây như Ôn Thụy An, Thương Nguyệt…đã khai thác thêm những khiá cạnh tâm lý, triết lý hay cá tính con người.
Trong khi đó, khoa học giả tưởng viết về tương lai nên không bị giới hạn trong không gian, thời gian mà còn phát triển trong một phạm vi rộng lớn hơn, bao quát cả chính trị, kinh tế, văn hoá, y học, xã hội… Tuy nhiên, trên những phạm vi khoa học nhân văn, vì trực tiếp liên quan đến con người nên mức độ giả tưởng thường bị giới hạn. Kinh tế thì dù ở thời nào, thế giới nào cũng có một hình thức trao đổi hàng hoá hay tiền bạc, còn chính trị thì dù ở những hành tinh xa xôi trong loạt truyện Star War, những truyện Dunes của Frank Herbert… tất cả đều có các âm mưu tranh giành quyền lực.
Người viết khoa học giả tưởng nổi tiếng nhất mấy chục năm qua là Isaac Asimov. Ông được coi như một tôn sư về khoa học giả tưởng hiện đại. Tốt nghiệp tiến sĩ khoa học, ông đã viết hơn năm trăm tác phẩm trong hơn năm mươi năm, nổi tiếng nhất là bộ truyện Foundation Trilogy, viết về xã hội loài người trong tương lai, khi trái đất đã là một hành tinh chết và loài người phải thiên di đi một hành tinh khác. Những truyện về Foundation thường xoay quanh một lý thuyết giả tưởng của nhân vật Hari Seldon, gọi là lý thuyết tâm lý lịch sử, có thể tiên đoán được những giai đoạn hưng vong của lịch sử. Nhưng xã hội giả tưởng của Asimov vẫn có vua chúa, chính phủ, thống đốc, vẫn có những thủ đoạn chính trị để tìm cách nắm quyền.
Có lẽ người đẩy mức độ giả tưởng về kinh tế chính trị đến mức độ cao nhất là Karl Marx. Ông đã mô tả một xã hội mà nhà nước tiêu vong, không còn tiền tệ, không còn chính phủ, con người chỉ đi làm cho vui. Cuốn sách giả tưởng của ông rất dày và công phu. Nhiều người đọc đã điên loạn say mê và trở nên cuồng tín, tạo nên một thảm họa cho nhân loại.
Trong giai đoạn mà nhiều người say mê bộ sách này, chỉ có một người thấu triệt nhất là Orwell. Ông đã viết cuốn 1984 ngay từ khi chế độ Cộng Sản còn phôi thai, và cuốn sách đã mô tả cái xã hội công an trị của Cộng Sản như một lời tiên tri chính xác.
Như trên đã nói, tầm mức giả tưởng về khoa học nhân văn đã bị giới hạn vì nó trực tiếp liên quan đến con người. Do đó, phần lớn truyện khoa học giả tưởng hiện nay có tính cách khoa học kỹ thuật nhiều hơn. Ngay cả Asimov cũng viết về những truyện vượt thời gian, những đại chiến giữa các tinh cầu và đặc biệt, viết nhiều về người máy robot. Ông đặt ra một qui luật tối thượng cho người máy trong những truyện của ông là không được làm bất cứ điều gì phương hại đến con người. Qui luật về robot mà Asimov đặt ra nhằm mục đích bảo vệ con người trong những truyện của ông. Ông biết bản thân con người dù đã tiến hoá đến hàng trăm ngàn năm sau vẫn còn có những yếu kém, những giới hạn, trong khi người máy được chế tạo ngày càng tinh vi và có thể sẽ vượt xa con người.
Nhưng không phải tác giả nào cũng tôn trọng qui luật của Asimov. Nhiều tác giả khác nhìn vào sự phát triển của máy móc một cách bi quan. Họ nghĩ khi khoa học phát triển, vũ khí càng tối tân hơn, thì có ngày nhân loại hoặc sẽ bị tận diệt, hoặc bị máy móc chế ngự. Trong truyện ngắn Tôi Muốn Gào To Nhưng Tôi Không Có Miệng, tác giả đi xa hơn, viết về một thời gian mà một máy điện toán cực kỳ tinh xảo và vĩ đại chiếm ngự hoàn toàn trái đất, tận diệt hết loài người, chỉ duy trì có một người - nhân vật trong truyện - mãi mãi sống sót để hành hạ. Cũng thế, trong bộ phim Terminator, người máy trong tương lai đi trở ngược về dĩ vãng nhằm tiêu diệt mầm mống khởi loạn của con người. Trong phim này, cũng như phim Back To The Future hay truyện Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn của Nguyễn Mạnh Côn.., những nhân vật trong tương lai đã có thể đi ngược về quá khứ sửa đổi lịch sử.
Khả năng đi lại được trong thời gian, nhất là đi ngược trở quá khứ sẽ đặt ra nhiều vấn đề cho hiện tại.
Lịch sử thường đặt những câu hỏi chẳng hạn như nếu Grouchy tới Waterloo sớm hơn để Napoleon thắng trận đánh này, hay nếu vua Quang Trung sống thêm vài năm (hoặc được ba người lính nhảy dù lâm nạn của Nguyễn Mạnh Côn giúp).. thì có lẽ thế giới đã đổi khác. Cụ thể hơn, mỗi hành động của chúng ta trong hiện tại đều có thể gây ảnh hưởng sâu xa trong tương lai. Con người một khi đi lại được trong thời gian, trở ngược về quá khứ, và thay đổi những biến cố ở một thời điểm nào đó, thì đời sống hiện tại của chúng ta sẽ chỉ là một đời sống ảo, có thể hiện hữu, có thể không. Thời gian như thế không còn là dòng xuôi chảy một chiều mà đã trở nên hai chiều giống như không gian, để Heraclite có thể tắm hai lần trong một dòng sông, để nước sông Hoàng Hà trôi ra biển vẫn có thể phục hồi, và để Bùi Giáng có thể đưa “Em về mấy thế kỷ sau. Hỏi trăng có vẹn nguyên màu ấy chăng?”
Khoa học giả tưởng như thế đã rất gần với Phật giáo về cái hư thực của sự hiện hữu và cũng rất gần với triết học hiện tượng luận của Edmond Husserl.
Để đối phó với vấn đề trở về quá khứ thay đổi lịch sử, mỗi tác giả có một cách giải quyết.
Cách nay hơn ba mươi năm, cuốn truyện Đội Tuần Cảnh Vượt Thời Gian được coi như truyện khoa học giả tưởng hay nhất năm đó. Trong truyện, loài người tương lai lập ra một đội tuần cảnh đi lại trong thời gian để tìm bắt những tên xé rào, đi ngược lại quá khứ nhằm sửa đổi lịch sử.
Loài người tương lai của Asimov thì khác. Họ bảo vệ sự hiện hữu bằng cách thiết lập một rào chắn trong thời gian. Những truyện như Star Trek chỉ viết về một tương lai gần, cách khoảng vài trăm năm nên các nhân vật phải tuân theo một qui luật tối thượng là không được làm điều gì có phương hại đến sự tiến hoá tự nhiên của lịch sử. Bộ truyện Star Trek hàng trăm cuốn này, được viết bởi rất nhiều tác giả, nhưng tất cả đều phải viết về chiếc tàu vũ trụ Enterprise, phải cùng viết về vài nhân vật chính như Kirk, Spock… và đều phải tôn trọng các đặc tính khoa học cũng như cá tính riêng biệt của mỗi nhân vật. Cho tới nay, những truyện này được chia thành nhiều nhóm.
Nhóm đầu tiên là những truyện Star Trek nguyên thủy, viết về những chuyến du hành thám hiểm không gian của con tàu vũ trụ Enterprise.
Nhóm thứ hai là loạt truyện Star Trek, The Next Generation, viết về thời gian sau loạt truyện trước năm mươi năm với một nhóm nhân vật khác.
Sau đó là nhóm Deep Space Nine với đề tài xoay quanh một trạm gác không gian ở tận cùng vũ trụ chúng ta, canh gác một hố trùng (worm hole), không cho sinh vật từ vũ trụ khác xâm lăng.
Tiếp theo là một con thuyền không gian vô tình vượt khỏi hố trùng đi vào một vũ trụ khác, khởi đầu cho loạt truyện The Voyager. Sau này, lại có thêm loạt truyện New Frontier.
Những loạt truyện này gần với khoa học hiện đại nhất, chẳng hạn hố trùng là ý niệm của Einstein gồm hai hố đen kết hợp nối hai miền không gian xa xôi, hoặc những tác giả đã cho tàu vũ trụ của họ di chuyển bằng phản vật chất (kết hợp với vật chất bình thường của chúng ta để thành năng lượng).
Ý niệm đi lại trong thời gian trong khoa học giả tưởng đến gần hơn với thực tế từ khi Einstein chứng minh được thời gian và không gian thực sự liên đới nhau thành một liên thể không-thời gian bốn chiều.
Chúng ta không thể quan niệm được điều này vì chúng ta quá nhỏ bé và chậm chạp. Thời gian và không gian co giãn chỉ có thể hiển lộ rõ ràng khi chúng ta có vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng hay ở gần một khối lượng nặng gấp triệu lần trái đất.
Như thế, trường hợp “nửa năm tiên cảnh, một bước trần ai” tưởng như là chuyện cổ tích thần tiên thật ra trên lý thuyết có thể thực hiện được nếu Từ Thức hay Lưu Nguyễn có thể di chuyển gần bằng vận tốc ánh sáng hay sống gần bên một hố đen (black hole).
Ngoài việc đi lại trong thời gian, việc đi lại trong không gian cũng đặt ra những vấn đề cho khoa học giả tưởng. Vũ trụ quá bao la, vô bờ bến, mà tốc độ nhanh nhất chúng ta biết hiện nay là vận tốc ánh sáng. Với vận tốc này, chúng ta có thể đi vòng quanh trái đất bảy lần trong một giây đồng hồ. Dù cho với vận tốc ánh sáng này, muốn đi đến những hành tinh cách xa chúng ta hàng ngàn hàng triệu năm ánh sáng thì đời sống con người quá ngắn.
Để giải quyết, cách di chuyển hay nhất mà tôi được đọc là cách của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn. Trong truyện ngắn Giấc Mơ Của Đá đăng ở báo Văn hơn năm mươi năm trước, ông cho một nhân vật trong truyện dùng phi thuyền bay đến một nơi gọi là siêu không gian. Từ siêu không gian, nhân vật đó tập trung ý lực, hội nhập với siêu không gian để siêu không gian sẽ đưa phi thuyền đến nơi đã định bằng tốc độ tức khắc của tư tưởng. Cách di chuyển gọn ghẽ này, gần đây tôi mới bắt gặp một lối tương tự trong một cuốn Star Trek nhan đề Crossroad. Con người đa năng đa tài Nguyễn Mạnh Côn, từng là đại biểu quốc hội năm 1945, từng lập thuyết xây dựng lại đất nước trong hoà bình, từng viết những truyện tình, truyện giả tưởng... Ông đã lạc đường vào lịch sử để chết trong tù, nhưng giờ này linh hồn ông đã bay cao, bay xa trong cái không gian cao rộng mà ông từng viết tới.
Như ta đã thấy, truyện khoa học giả tưởng tuy căn bản là viết về những điều không thể có thật hay chưa thành sự thật, nhưng đa số dựa trên những lý thuyết khoa học và một số đã trở nên những tiền đề cho công cuộc nghiên cứu. Người đọc khoa học giả tưởng sẽ ít nhiều thu lượm được một số kiến thức về khoa học hiện đại. Ngược lại, kiếm hiệp viết về quá khứ nên dễ dàng mở rộng thêm cho độc giả sự hiểu biết về lịch sử, địa lý, văn hoá.
Tuy nhiên không thể nói truyện khoa học giả tưởng thiếu tính cách văn chương. Không khí nổi bật trong truyện 1984 của Orwell là nỗi thê thảm tuyệt vọng của con người sống trong một xã hội công an trị. Truyện Giấc Mơ Của Đá vừa là một truyện giả tưởng vừa là một truyện tình. Trong khi đó người đọc sẽ bắt gặp ngay cả người máy của Asimov vẫn có tình yêu.
Trong hàng mấy trăm cuốn truyện Star Trek, dù ở một thế giới xa xôi nào, ở trong một hoàn cảnh lạ lùng nào, luôn luôn nổi bật một tình bằng hữu gắn bó giữa các nhân vật trong truyện. Hãy đọc một câu văn về nhân vật Spock, người của hành tinh Vulcan : “Nếu anh ta biết bạn anh ta đang gặp nguy hiểm thì dù có phải ngược xuôi khắp vùng thiên hà, anh ta cũng sẽ tìm tới.”
Khẩu khí về tình bạn của câu văn không khác câu văn của Cổ Long khi viết về Lý Tầm Hoan và Tiểu Phi hay của Kim Dung khi viết về Lưu Chính Phong và Khúc Dương.
Những năm gần đây, thế giới như nhỏ lại, nhiều tác giả khoa học giả tưởng Tây phương đã bắt đầu hư cấu nhiều hơn đến cái khả năng siêu nhiên của nhân vật, chẳng hạn trong loạt truyện Star Trek, có quyển The Wounded Sky, khi liên thể không-thời gian bị hư hỏng, một nhà khoa học chữa nó bằng một bài hát. Hoặc là trong Star War, khi vị thày Jedi Yoda dạy nhân vật Skywalker vận dụng Lực - The Force: “Lực ở khắp mọi nơi, hãy quên tự ngã, quên giác quan, mà chỉ tin vào Lực.” Đọc lên, ta liên tưởng lúc Vô Kỵ học Cửu Dương Chân Kinh: “Người ta mạnh mặc nó mạnh, gió mát thổi qua đỉnh núi. Nó ngang tàng mặc nó ngang tàng, ánh trăng vẫn chiếu qua núi.” .
Trong khi đó, kiếm hiệp Trung Hoa cũng biến đổi. Sau Kim Dung và Cổ Long, xuất hiện Tiêu Đỉnh (Tru Tiên), Thương Nguyệt (Thính Tuyết Lâu), Phượng Ca, Tiểu Đoạn. Những hư cấu ngày càng huyền hoặc, khiến khai sáng ra một loại kiếm hiệp mới mà họ gọi là tiên hiệp hay huyền huyễn, trong đó những nhân vật không còn có nội lực mà có những từ ngữ lạ tai như linh lực, nguyên lực, hồn lực…, Trình độ sức mạnh của nhân vật được phân thành đẳng cấp (trúc cơ, kim đan…). Thế giới quan của tiên hiệp cũng mở ra, nhân vật đã qua lại giữa các hành tinh, không còn phi thân mà dùng truyền tống trận (giống như phi thuyền). Những nhân vật gặp kỳ duyên cũng đi trở về quá khứ hay một vùng không gian xa xôi khác. Họ cũng dùng cả những ý niệm khoa học hiện đại hay giả tưởng như hố đen, xé rách không gian, thế giới song hành…
Đã từ lâu, khoa học giả tưởng cũng như kiếm hiệp hình như chỉ được coi là một chi lưu phụ, bị gạt ra ngoài dòng văn chương “chính thống.”
Không thể nói đó là vì khoa học giả tưởng và kiếm hiệp viết về những chuyện xa vời, không thật. Đã là sáng tác, dù hiện thực đến mấy cũng vẫn có tính giả tưởng. Cũng không thể nói đó là vì khoa học giả tưởng viết về tương lai, kiếm hiệp viết về quá khứ nên không đưa ra được những vấn đề thiết thực của đời sống. Trong Câu Chuyện Của Dòng Sông, giải Nobel văn chương, Herman Hesse chẳng đã viết về quá khứ và những điều hoàn toàn mơ hồ không tưởng hay sao? Ngoài những thu nhập thêm về kiến thức lịch sử như khi đọc Kim Dung, chúng ta biết thêm về gốc gác nhà Minh, nhà Thanh, về trà, về rượu, đọc Đinh Hùng, mới nhớ có thời Hà Nội là Đại La, đọc Star Trek, biết Alpha Centauri là ngôi sao gần mặt trời nhất, biết về không gian bị bẻ cong…
Ngoài ra, tất cả các truyện trong cả hai loại đều phảng phất có những mối tình, tình yêu lãng mạn của Kim Dung, tình duyên nghiệt ngã của Thương Nguyệt, mối tình khó khăn của nhân vật của Phú Đức trong Châu Về Hiệp Phố.. . Về văn pháp, tôi phải nói thêm là hơn sáu chục năm qua, tôi vẫn còn nhớ câu văn của một nhân vật của Lê Minh Hoàng Thái Sơn nói với người bạn tù : “Ta là Nguyễn Trường Sơn, hơn nửa đời người lưu lạc trên đất khách, bước chân đã từng lê trên vạn nẻo giang hồ. Này anh bạn đồng hương của ta. Ta cũng là người Việt’’. Câu văn hơi cải lương, nhưng đã đánh đậm vào tâm hồn trẻ thơ của tôi lúc đó.
Trên đây là những ý kiến về hai loại truyện kiếm hiệp và khoa học giả tưởng của tôi. Giờ đây tuổi đã già, lười đọc sách, nhưng nhìn lại cuộc sống mấy chục năm qua, khi đất nước đã trải qua biết bao nhiêu tang thương ngẫu lục, khi cuộc đời mình đã trải qua biết bao nhiêu giai đoạn cam go. Trong những giai đoạn sóng gió đó, hai loại truyện viễn mơ này đã phần nào giúp cho tôi có được những giờ phút mà tâm hồn thấy thanh thản, bình yên.
CƯỚC CHÚ:
(*) Cách nay mấy năm, anh Thiên Ân cho tôi một bộ sách dày cộm của Vũ Đức Sao Biển bàn về truyện Kim Dung, trong đó tác giả bàn luận đủ thứ, rượu, trà, hoa, lá, thuốc men… nam phụ lão ấu, nhưng tuyệt không bài nào nhắc nhở đến Đinh Xuân Thu, Hồng Giáo Chủ, Đông Phương Bất Bại… với những câu nịnh nọt như “Phước Như Đông Hải, Thọ Tỷ Nam Sơn …”
Dĩ nhiên sống trong nước, anh ta phải kỵ húy.
Mới đây, được đọc bài Chuyện Ít Biết của Dương Danh Di, cựu tổng lãnh sự Bắc Việt ở Quảng Châu có đoạn :
“Ngày 26 tháng 12 là sinh nhật của chủ tịch Mao Trạch Đông. Đúng ngày 26/12/1967 trên trang đầu và ở vào vị trí trang trọng của Nhân Dân nhật báo Trung Quốc đã đăng mấy dòng chữ viết tay bằng chữ Hán của Bác chiếm chỗ khoảng bằng một danh thiếp: “Kính chúc Mao chủ tịch Vạn Thọ Vô Cương
26/12/1967. Hồ Chí Minh
Bỗng nhiên tôi thấy quen quen, vì khi viết về Tinh Tú lão quái hay Hồng giáo chủ, Kim Dung đã ít nhiều ám chỉ Mao trạch Đông. Nhưng có lẽ người có khả năng làm đại dệ tử của Đinh Xuân Thu, Hồng Giáo Chủ nhất.... vẫn là Tố Hữu