Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
 
10414505_670869399650649_8137224157612380337_n
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2021

Bị trưng tập từ lúc ra trường cho đến ngày mất nước, Bát Sách ở quân đội được hơn 7 năm. Thời gian này quá ngắn so với cuộc chiến Việt Nam,  nhưng lại quá dài so với tuổi thanh xuân của một đời người.

Là một trường học vĩ đại,  quân đội đã dậy cho Bát Sách nhiều tính tốt và cũng nhiều tật xấu.  Ngày còn sinh viên, Bát Sách rất lè phè, ngang dạ, rất “bát sách”, trong quân ngũ, Bát Sách học được tinh thần kỷ luật và tính ngăn nắp, thận trọng: sáng thứ hai nào cũng quần áo thẳng nếp, giày láng bóng để chào cờ; họp tham mưu, không bao giờ dám trốn ;trước khi đi hành quân, chịu khó thức khuya dậy sớm, sắp xếp kiểm soát thuốc men, y cụ để phòng đụng trận. Với bộ quân phục trên người, Bát Sách cố tránh không làm gì hại đến uy tín của đơn vị mình nói riêng và của quân đội nói chung… Tuy nhiên, ngang thì vẫn còn ngang. Pương châm của quân đội là “thi hành trước, khiếu nại sau”. Bát Sách vì tự ái, nên thường khiếu nại trước, thi hành sau, nhưng rồi cũng phải thi hành đâu ra đó. Ở quân đội mà không tuân thượng lệnh thì có ngày vỡ mặt.

Bát Sách là hạng cá kèo, không thích chơi với quan vì “kính nhi viễn chi” chỉ thích chơi với lính, rất tự nhiên và thoải mái. Mà càng chơi với lính, Bát Sách càng thông cảm và thương lính nhiều hơn. Lương lính chỉ đủ mua gạo, con cái nheo nhóc, vợ thường phải tần tảo bán buôn mới đủ ăn, vậy mà lúc nào họ cũng yêu đời. Họ vui vì những việc rất nhỏ, như bắt được con cá, con rùa để nấu ăn, hay xin được điếu thuốc khi cơn ghiền tới…

Đời lính đầy bất trắc:  buổi sáng, trước khi xuất quân, còn ngồi nhâm nhi ly cà phê, ca nho nhỏ vài câu vọng cổ mà buổi tối về, thân đã gói poncho.

Đời lính đầy đau khổ: có người bị thương nặng, vợ dắt con lên thăm một lần rồi đi luôn, bỏ con ở lại. Bố già phải lặn lội lên nuôi con, trông cháu để đêm đêm, dưới ánh đèn mờ, trong khoảng đất 2x1 thước của chiếc giường sắt, nằm co quắp đủ 3 thế hệ.

Mặc dù vậy, người lính cộng hoà rất can đảm:  can đảm lúc xông pha trên chiến địa, can đảm vì chịu đựng khổ đau mà không hề rên la, than thở.

Quân đội đã dậy cho Bát Sách biết đi tắm hơi sau cuộc hành quân, biết len lén đi thuê phòng ngủ tìm chị em ta, biết chơi đủ loại cờ bạc và nhất là biết nhậu.

Ngày mới về đơn vị, thư sinh mỏ trắng, uống nửa chai la de con cọp là mặt đỏ ké như gà chọi, đêm đêm say khướt, thường có hai  “đệ tử” phải đem cáng khiêng “ông thầy”về.  Vậy mà chỉ mấy tháng sau, Bát Sách đã có thể ngồi ngất ngưởng lai rai ba-xi-đế từ sáng tới chiều mà chưa gục.

Bẩy năm ở quân đội, những sự đóng góp của Bát Sách cho quê hương chỉ như một hạt cát trong sa mạc, nhưng Bát Sách đã sống với biết bao nhiêu chuyện vui buồn, đôi khi với những hiểm nguy, nhưng đó là thời gian đã để lại những kỷ niệm khó quên mà Bát Sách thường say sưa kể lại cho các con của mình với một chút tự hào và hãnh diện. Mỗi khi nhìn lại tấm ảnh mặc quân phục ngày xưa, dĩ vãng lại hiện về, sống động và đầy cảm xúc.

Hồi ở Việt Nam, ngày quân lực 19/6, Bát Sách coi như pha:  đó chỉ là dịp để mấy ông quan to súng ngắn trình diễn, làm khổ lính, chứ có ăn nhậu gì đến hạng cắc ké như Bát Sách. Ngày đó dễ nhớ vì trùng với sinh nhật một “người đi qua đời tôi” của Bát Sách lúc thiếu thời. Sau 20 năm sống lưu vong, Bát Sách có dịp đọc nhiều sách báo và xem nhiều phóng sự truyền hình về chiến tranh Việt Nam, mà càng xem thì càng phẫn nộ và đau đớn nên nhân ngày quân lực 1995, Bát Sách mới viết bài này để giải tỏa nỗi lòng.

Quý vị nào có xem qua”Ten thousands days war” hay “Viêt Nam, a true history” đều thấy rằng các phóng sự này chẳng có “true” chút nào cả. Các phóng viên ngoại quốc, nhất là Hoa Kỳ, với mặc cảm tự tôn, với thành kiến sai lạc, đã bóp méo sự thật, gây ngộ nhận, làm tổn thương đến danh dự của quân lực Việt Nam Cộng Hoà.

Trong cuộc chiến Bắc, Nam, chúng ta bị xâm lăng, chúng ta chỉ tự vệ, nhưng qua các phóng sự, mọi người đều hiểu lầm là miền Nam không có chính nghĩa, là tay sai của Mỹ; Chính nghĩa được gán cho phe xâm lược miền Bắc, giống hệt luận điệu tuyên truyền của chúng là chống Mỹ cứu nước. Có ai cướp nước mình đâu? Chúng ta đang sống yên lành, có ai chết đâu mà khiến chúng cứu?Khôi hài như vậy mà cả thế giới đều tin, chỉ vì tụi phóng viên vô lương tâm ra công đánh bóng cáo Hồ và đồng bọn.

Miền Nam có hơn một triệu quân, ngày nào trung bình cũng có cả mấy tram người thiệt mạng trên chiến địa, vậy mà trong các phóng sự chiến trường, bọn phóng viên ngoại quốc chỉ quay các cuộc hành quân của lính Mỹ, khiến cho toàn thế giới, nhất là dân Mỹ tưởng rằng quân lực Việt Nam Cộng Hoà lười biếng, ỷ lại, ngồi chơi xơi nước, để cho Mỹ đánh giặc. Những phóng viên chân chính như Hébert của Gia Nã Đại rất hiếm, chỉ đếm đủ trên đầu ngón tay.

Ông Hébert khi nào cũng theo chân các đơn vị chiến đấu Việt Nam và đã hy sinh trên chiến địa. Ngoài ra toàn là bọn hợm hĩnh nhưng nhát gan, ham bơ sữa, không bao giờ dám đi theo các đơn vị tác chiến của ta, vì chỉ có cơm xấy, nước lã, làm gì có cá thịt, la
de, coca ướp lạnh. Chính vì những phóng sự sai lạc mà phong trào phản chiến ở Mỹ càng ngày càng mạnh, làm gió đổi chiều.

Báo chí Hoa Kỳ hằng ngày rêu rao bêu xấu mấy tên tướng tham nhũng, buôn lậu, lộng quyền. Chúng chỉ nói tới những mụn ghẻ của quân đội, trong khi những vị tướng can trường, tài đức vẹn toàn như Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng thì rất ít khi được nhắc nhở. Mà quân lực Việt Nam Cộng Hoà đâu phải chỉ là mấy ông tướng!Họ là anh Địa Phương Quân trấn giữ những đồn nhỏ ở miền quê, là anh lính gác cầu trên quốc lộ, là các chiến sĩ băng rừng lội suối diệt địch, là anh quân y tá băng bó cho đồng đội dưới làn mưa đạn.

Những hành động hy sinh, can trường của quân sĩ Cộng Hoà mà chúng ta thấy hằng ngày không bao giờ được báo chí ngoại quốc nhắc tới, trong khi đó, hình ảnh một anh lính bám càng trực thăng khi di tản thì bị chiếu đi, chiếu lại nhiều lần trên màn ảnh cho toàn thế giới để bêu riếu quân lực Việt Nam. Họ bêu xấu chúng ta chỉ để tự bào chữa cho sự bội tín của Hoa Kỳ đối với miền Nam.

“Ví dầu tình bậu muốn thôi,
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu đi”

Ca dao Việt Nam có lẽ đã nói trúng tim đen của báo chí Hoa Kỳ. Báo Time, tuần báo uy tín của Mỹ in lại không biết bao nhiêu lần tấm hình tướng Nguyễn Ngọc Loan đưa súng Colt bắn vào đầu tên VC Bẩy Lớp, coi đó là tượng trưng cho sự tàn ác của quân lực VNCH, nhưng họ lại QUÊN, hay CỐ Ý không nói rõ, trước đó ít lâu, chính tên Bẩy Lớp này đã sát hại rất dã man cả gia đình một đàn em của ông tướng.

Chiến tranh nào mà không tàn ác! Chúng ta không đem vụ tàn sát ở Mỹ Lai ra để kết tội quân đội Hoa Kỳ, không đem vụ giết người ở Rwanda để kết tội quân đội Gia Nã Đại, nhưng hình như cả thế giới đã về hùa với nhau để kết tội chúng ta chỉ vì tấm hình độc đáo đó! Những vụ thảm sát tập thể của bọn Cộng Sản ở Huế vào Tết Mậu Thân thì hình như bị báo chí ngoại quốc CỐ TÌNH bỏ quên.

Nói tóm lại, giới truyền thông ngoại quốc đã làm việc cẩu thả, vô trách nhiệm, đầy ác ý, đã thiên vị phe cộng, đã dẫn dắt dư luận theo ý của họ, và đã bôi nhọ tận tình quân lực VNCH.

Cái đau cũ chưa hết thì cái đau mới lại đến: 20 năm sau, đài CNN chiếu một phóng sự mới về Việt Nam vào cuối tháng 4 năm 1995:  cộng sản “hồ hởi “kỳ niệm chiến thắng;Võ Nguyên Giáp, đi không vững, mà vẫn huyênh hoang tự đắc, Westmoreland thì ấp a ấp úng, không còn một chút nào hào khí ngày xưa. Đám phóng viên Mỹ bây giờ, có lẽ vì tự ti mặc cảm, vẫn tiếp tục luận điệu cũ, vẫn tiếp tục thần thánh hoá phe cộng. Chúng không đủ thành thật và can đảm để nhận là mình đã sai lầm khi làm phóng sự 20 năm về trước. Những phóng sự của họ ngày xưa đã góp phần vào việc làm sụp đổ chế độ VNCH;những phóng sự của họ ngày nay đã làm nhục vong linh của gần một triệu chiến sĩ VNCH và hơn 58. 000 chiến sĩ Hoa Kỳ đã hy sinh cho lý tưởng tự do.

Viết đến đây, Bát Sách vẫn còn ức lòng, thấy danh dự của quân lực VNCH, tức là danh dự của chính mình, bị chà đạp, nên phải luận thêm đôi lời về chữ danh dự.

Năm 1972-73, vì bị áp lực mạnh của phong trào phản chiến, chính phủ Hoa Kỳ đã quyết định rút chân ra khỏi Việt Nam. Quyết định này gây phẫn nộ cho quân lực Việt Nam, và cả những quân nhân Mỹ đang tham chiến tại đây. Họ có niềm tự hào của một đoàn quân bách thắng. Nếu cứ thả dàn chiến đấu, họ không thể bị thua bọn dép râu, nón cối, nhưng họ chiến đấu mà bị dân trong nước phản đối, khinh bỉ, coi như kẻ ác, bị đám chính khách ở toà Bạch Ốc trói tay. Bọn này, vì sợ bể nồi cơm, sợ mất phiếu mà bịa ra trò” Việt Nam hoá chiến tranh, tìm hoà bình trong danh dự “.

Cái quan niệm về danh dự của mấy ông chóp bu Hoa Kỳ kể cũng lạ: cứ nhắm mắt, nhắm mũi rút quân, mặc cho đối phương hoành hành, ngồi xoa tay, nói “chiến tranh Việt Nam coi như chấm dứt “là cứu vãn được danh dự, và phây phây nhận giải Nobel hoà bình. Chắc đại đa số dân chúng Hoa Kỳ cũng nghĩ như vậy nên sau này họ mới bầu một anh phản chiến, trốn quân dịch lên làm tổng thống. Lẽ dĩ nhiên, đó không phải là quan niệm của các cựu chiến binh Hoa Kỳ: họ thấy bị mất danh dự, bị mặc cảm thua trận;mặc cảm này đã hành hạ họ 20 năm nay và sẽ còn hành hạ họ mãi mãi.

Những kẻ chiến thắng chúng ta thì sao? Theo thiển ý, họ là những kẻ nhổ rồi lại liếm, không có một chút liêm sỉ, danh dự nào cả. Ngày xưa, họ vênh vang tự hào “đánh đuổi Mỹ Nguỵ”thế mà ngày nay, vì đói rách, vì cần đô la, họ lại thảm thiết kêu gọi Mỹ, Nguỵ về đầu tư, phát triển kinh tế. Điều đáng buồn là một số người Việt ở hải ngoại, ngày xưa bán sống bán chết, vắt giò lên cổ để chạy cộng sản, bây giờ thấy chúng đem lợi ra nhử, lại mon men về hợp tác. Nếu họ cứ âm thầm làm ăn thì chẳng ai thèm để ý, nhưng họ lại hung hăng tuyên bố vung vít, ra cái điều thương nước thương nòi làm ngứa mắt thiên hạ. Cũng may, số này không nhiều. Bát Sách nhớ tới con chó cún của mình:  khi bị Bát Sách giận đá cho mấy cái là nó cúp đuôi chạy thục mạng, nhưng thấy Bát Sách cầm miếng thịt ve vẩy là nó mừng rỡ trở về, vẫy đuôi nịnh bợ, liếm chân Bát Sách rất tận tình.

Về phía quân lực VNCH, chúng ta quả thật đã thua trận. Chúng ta thua không phải vì thiếu chính nghĩa,  không phải vì kém tinh thần, không phải vì thiếu can đả
m. Không phải vì kém khả năng tác chiến. Chúng ta thua vì đám phóng viên ngoại quốc phản tuyên truyền, vì bị đồng minh bội tín, đâm sau lưng.

Ngày 30/04/1975, quân lực VNCH tan rã, mỗi người một số phận:

-Những người liều mình như các tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vĩ, Trần Văn Hai.
-Những người sống lưu vong ở ngoại quốc, đã can đảm làm lại cuộc đời, hết sức vun đắp cho đàn con để đào tạo một thế hệ Việt Nam mới.
-Những người không may, kẹt lại, đã bị đối phương tù đầy hành hạ rất dã man mà không một lời than thở:  Họ nhẫn nhục chịu đựng, nhưng không chịu khuất phục.

Chúng ta thua trận, nhưng chúng ta không mất danh dự.

Bát Sách.
(Tháng 6, năm 1995)