Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2021
Kính thưa chị Liêm và tang quyến thân mến
Kính thưa quý quan khách, quý thân hữu xa gần
Quý anh chị em trong khóa 66-73 Y Khoa Saigon
Quý vị Niên Trưởng trong TĐQY Sư Đoàn Nhảy Dù
Kính thưa Chị,
Đầu năm 1974, hơn 160 bác sĩ, nha sĩ và dược sĩ tốt nghiệp năm trước được động viên vào khóa Trưng Tập 16 Y Nha Dược. Sau gần nửa năm huấn luyện tại trường Quân Y, chúng tôi được cho chọn đơn vị. BS. Nguyễn Thanh Liêm là một trong 7 bác sĩ, trong đó có tôi, đã tình nguyện chọn phục vụ Quân Y Nhảy Dù. Tôi vẫn còn nhớ hồi đó BS. Liêm mập mạp, trắng trẻo, với đôi mắt kính trên khuôn mặt thư sinh. Vậy mà Liêm cũng chịu đựng được 1 tháng luyện tập cực khổ tại trung tâm huấn luyện nhảy dù để trở thành chính thức một y sĩ Nhảy Dù. Bảy samurai chúng tôi rất hãnh diện là những quân y sĩ nhảy dù trực tiếp phục vụ các tiểu đoàn tác chiến của Sư Đoàn Nhảy Dù ngay tại mặt trận.
Sau biến cố mất nước năm 1975, Miền Nam trở thành nhà tù lớn, hàng triệu người bầm dập khốn khổ, hàng trăm ngàn người phải rời bỏ quê hương. Để từ đó, đường chia muôn ngả, đời rẽ vạn lối đi, và Liêm với tôi đã mất tin tức của nhau cũng từ đó. Mãi cho đến khoảng trên mươi năm nay, chúng tôi mới bắt đầu liên lạc lại với nhau, tình thân càng ngày càng gắn bó theo thời gian.
Chị Liêm mến, tôi rất mến Liêm vì không những Liêm hiền hòa, giản dị, chân thật, chí tình với bạn bè, mà Liêm còn có một thái độ sống rất lạc quan. Chính thái độ lạc quan này đã giúp Liêm trốn thoát được khi bị bắt làm tù binh tại mặt trận Khánh Dương vào tháng 3, 1975 trong khi đang là Y Sĩ Trưởng của Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù. Sự kiện đáng nhớ này đã được BS. Liêm biên soạn lại rất hoàn hảo trong một hồi ký mang tên “Cuộc Vượt Thoát Kỳ Diệu” được bạn hữu thích thú khen ngợi và được Đặc San Mũ Đỏ đăng trong năm 2017. Hồi ký này cũng được in đăng trên nhiều diễn đàn khác.
Lần gặp Liêm và chị vào cuối tháng 10 vừa qua tại một buổi tiệc mừng Liêm được xuất viện trong một tình trạng sức khỏe tạm ổn định, mọi người đều khen ngợi Liêm giữ vững tinh thần lạc quan của mình với nụ cười luôn nở trên môi. Một dự định cho một buổi tiệc khác đang xúc tiến thì Liêm phải nhập viện trở lại.
Dù biết sức khỏe Liêm không khả quan, nhưng tin Liêm bình thản nhảy saut cuối cùng làm cho tôi bàng hoàng xúc động, lòng chợt chùng xuống nghĩ đến một Thiên Thần Mũ Đỏ vừa được thánh tổ Micae của binh chủng Nhảy Dù âu yếm dang tay đón nhận.
Chị Liêm mến, đời người ví như một con tàu, con tàu đi mãi thì cũng có lúc phải dừng lại, cho người xuống trước kẻ xuống sau. Để rồi mọi người cũng găp lại nhau ở một nơi an bình vĩnh viễn. Tôi tin chắc Liêm hiện đang vui chơi hát hò với các bạn đồng môn xưa cũ, hay đang lắng nghe những chuyện chinh chiến từ các đồng đội Nhảy Dù, bên cạnh BS ND Bùi Cao Đẳng, người đầu tiên ra đi trong nhóm 7 Samurai chúng mình, và Trung Tá Bùi Quyền, người Tiểu Đoàn Trường TĐ 5 ND của Liêm, cũng vừa nhảy saut cuối, trước Liêm chỉ 5 tháng.
Xin chị Liêm cho tôi nói lên lời ngưỡng mộ chị theo sát anh Liêm từng phút từng giờ, chờ chực bên giường bệnh trong nhiều lần Liêm nhập viện, săn sóc bón từng miếng cơm, đút từng muỗng cháo, hà hơi cho chồng những lúc Liêm trở nặng. Mong chị bảo trọng.
Nhân đây, tôi xin được thay mặt cho quý bác sĩ Niên Trưởng trong Tiểu Đoàn Quân Y Sư Đoàn Nhảy Dù, Y Sĩ Đại Tá Hoàng Cơ Lân, Y Sĩ Trung Tá Vũ Khắc Niệm, Y Sĩ Trung Tá Nguyễn Văn Cơ (từng là Y Sĩ Trưởng của TĐ5ND mà BS. Liêm phục vụ sau này), Y Sĩ Trung Tá Trần Tấn Phát, Y Sĩ Thiếu Tá Trần Đức Tường, Y Sĩ Thiếu Tá Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Gia Đình Mũ Đỏ Trung Ương và Ban Biên Tập Đặc San Mũ Đỏ, Dược Sĩ Đại Úy Nguyễn Mậu Trinh, Y Sĩ Đại Uý Phạm Gia Cổn, Y Sĩ Đại Úy Đặng Vũ Báy, Y Sĩ Đại Úy Nguyễn Đức Mạnh, Đại Úy Nhảy Dù Trần Minh Hồng, Chi hội trưởng Chi hội GĐMĐ Hoa Thịnh Đốn (là người ở cùng phòng với BS. Liêm trong tù cải tạo), Đại Úy Nhảy Dù Hoàng Tấn Kỳ, Chi hội trưởng Chi hội GĐMĐ Nam CA, và cùng nhiều vị bác sĩ đàn anh trong TĐQY Nhảy Dù, đồng kính gởi lời chia buồn và thành kính phân ưu đến chị Liêm và tang quyến.
Tôi cũng xin chia sẻ nỗi buồn với khóa 1966-1973 Y Khoa Saigon, vừa mất đi một người bạn thân thương hiền hòa, một đồng môn đồng khóa nổi tiếng văn nghệ từng tổ chức nhiều buổi văn nghệ cho các bạn cùng lớp.
Cuối cùng, tôi xin nói lời vĩnh biệt với bạn Liêm bằng cách đọc lại đoạn cuối của bản nhạc “Người Lính Già Xa Quê Hương” mà bạn tôi rất thích hát khi có dịp:
“Người lính già xa quê hương
Nhưng trong tim chưa tàn ánh lửa
Vẫn ước một ngày theo bước Quang Trung
Vẫn thấy quê hương đêm ngày réo gọi
Vẫn thấy trong tim canh cánh đường về
Vẫn thấy nơi đây chỉ là đất tạm
Thầm hẹn ngày về chết giữa quê hương”
Mong hương hồn bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm đươc an nghỉ nghìn thu.
Ngày 15 tháng 12, 2020.
Vĩnh Chánh
Y Sĩ Trưởng TĐ 1ND và TĐ 15ND