Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2021
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
 
pht
Phongan2

Tôi được biết Y sĩ Chuẩn tướng Phạm Hà Thanh khi anh là SVQY năm thứ tư Y khoa. Trường Quân Y tọa lạc ở phố Hàng Chuối, là một cựu bịnh viện tư tên là Clinique Patterson, ở gần ngay Tòa Đại Học Đông Dương, gồm các Đại Học Y, Dược, Văn khoa, Toán, Luật...Trên đường đi học hàng ngày, tôi nhớ còn đi qua Couvent des Oiseaux, do các Nữ Tu dòng St Augustin điều khiển.

Ngay sát phía sau Trường Quân Y là Trung tâm Huấn luyện Nhảy dù của quân đội Pháp, đi thêm tí nữa là Cơ Thể học Viện (Institut anatomique) với các thầy Montagné, Nguyễn Hữu, Trần Anh, Đỗ Thanh Mai... và đi xa hơn nữa là Viện Pasteur.

Đại Học Hà Nội và các phân khoa (Y,Dược, Luật, Toán...) hồi đó gần như hoàn toàn do người Pháp điều khiển ngoại trừ ít giáo sư hay giảng viên người Việt . Ngôn ngữ và truyền thống sinh hoạt vẫn rập theo các đại học Pháp, như khi khai giảng khóa học đầu năm, các giáo sư đều mặc toge, sinh viên chúng tôi đi thi cuối năm phải mặc đại lễ phục mầu trắng.

Trường Quân Y cũng mới được thành lập kể từ niên khóa 1951-52. Ngoài những sinh viên gốc gác Hà Nội hay Bắc Kỳ, còn có một số ở trong Nam ra như anh Phạm Hà Thanh. Anh vào Trường Quân Y năm 1951 và mang lon Trung úy. Học sau những 3 lớp, chúng tôi là nhóc con, ít khi gặp các vị này vì thời khóa biểu học hoàn toàn khác nhau, tại các bệnh viện hay học lý thuyết. Trong 2 năm sống chung ở Trường Quân Y Hà Nội, họa chăng tôi mới gặp anh Thanh và những anh cùng khóa ở phạn xá, nơi chúng tôi ăn uống một ngày 3 bữa.

Chỉ huy trưởng là Y sĩ Trung tá Nguyễn Đình Hào, cụ thuộc nhóm các bác sĩ thâm niên như BS Trần Văn Đỗ, Trần Quang Đệ, Đinh văn Thắng ..được động viên với cấp bậc Thiếu tá đến Đại tá để điều hành ngành Quân Y của Quân Đội Quốc Gia Viêt Nam mới thành lập. Chúng tôi chỉ họa hoằn gặp BS Hào, trên thực tế nhà Trường được chỉ huy và điều hành hữu hiệu với kỷ luật thép bởi ông Chỉ Huy Phó là Y sĩ Đại Úy Receveur. Kỷ niệm duy nhất đáng nhớ với các đàn anh ở Hà Nội là những buổi diễn hành cùng với các đơn vị quân đội Pháp Việt trên con đường dọc theo hồ Hoàn Kiếm. Diễn hành một năm 2 lần: 14 Juillet quốc lễ của Pháp và Hưng quốc Khánh Niệm thời đó được coi như quốc lễ của nước Viêt Nam Quốc Gia! Anh Thanh cao lớn nên được đi hàng đầu.

Rồi đến ngày 7 tháng 5, 1954, quân Việt Minh thắng ở Điện Biên Phủ và đất nước theo hiệp định Genève phải chia đôi Nam Bắc! Trường Quân Y như đàn chim vỡ tổ, vài Sinh viên vì lý do này nọ không chịu di cư vào Nam cũng như ông Chỉ Huy Trưởng là Y sĩ Thiếu tá Đinh Văn Thắng!

Số còn lại được các cán bộ như Y sĩ Đại úy Nguyễn Thìn điều động leo lên các phi cơ dân sự hay quân sự của Pháp bay vào Sài Gòn. Định cư trong Nam đối với các SVQY trong mấy tháng đầu sau Hiệp định Genève là một kho truyện dài viết thành sách được, nhưng từ dạo đó tôi không được gặp lại anh Thanh trong hơn một chục năm , không biết anh đã phục vụ ở đâu ? Tôi chỉ nhớ là sau này khi anh làm Y sĩ điều trị Ngoại khoa, rồi Chỉ Huy Trưởng / Tổng Y Viện Cộng Hòa tôi có dịp đến gặp anh để anh chỉ dẫn thêm ký thuật giải phẫu. Anh lúc nào cũng điềm đạm, không bao giờ to tiếng, tôi còn nhớ hai lần anh dạy tôi cắt bỏ bao tử, gastrectomie selon la méthode de Polya. Quả thật hồi xưa bên Viêt Nam loét bao tử (ulcère) nhiều lắm! Có thể lý do là đời sống bị giao động không ít vì chiến tranh mà thuốc chữa thì rất hạn chế!

Năm 1972, Y sĩ Thiếu tướng Vũ Ngọc Hoàn Cục trưởng Cục Quân Y chỉ định tôi làm Chỉ Huy Trưởng /Trường Quân Y. Rồi đến cuối năm 1974, Thiếu tướng Hoàn được Y sĩ Chuẩn Tướng Phạm Hà Thanh, đang là Chỉ huy trưởng Tổng Y Viện Cộng Hòa lên thay thế. Trong cương vị này, tướng Thanh đến thăm Trường Quân Y hai lần trước khi miền Nam tan hàng. Cũng xin nhắc là Trường Quân Y như các Quân trường khác trực thuộc Tổng Cục Quân Huấn / Bộ Tổng Tham Mưu, Cục Quân Y chỉ kiểm soát hàng ngang về vấn đề quân số và chuyên môn. Tuy nhiên đấy chỉ là lý thuyết, vì Trường Quân Y quá chuyên môn, Tổng Cục Quân Huấn để tôi làm việc gần như hoàn toàn với Cục Quân Y.

Trong hai lần đến thăm, Y sĩ Chuẩn Tướng Thanh chỉ nghe tôi thuyết trình về đời sống học hành của các Sinh Viên Quân Y và các khóa sinh Hạ sĩ quan Y tá, rồi đi thăm doanh trại.

Tôi nhớ là trong chuyến thăm Trường Quân Y lần thứ hai, tôi có trình với anh Phạm Hà Thanh ý kiến thành lập một Trung tâm Huấn Luyện Quân Y Cao Cấp bằng cách sát nhập Trường Quân Y với Quân Y Viện Trần Ngọc Minh tọa lạc bên cạnh. Sinh viên Quân Y các lớp sẽ có nơi thực tập tại chỗ, bớt phải đi đến các bệnh viện dân sự... Chương trình này hợp tình hợp lý và thực hiện quá dễ dàng ! và anh em chúng tôi có thể nói là đã được sự đồng ý trên lý thuyết của vài nơi có thẩm quyền tại Bộ Tổng Tham Mưu, phái bộ AMA Mỹ tại Đại học Y khoa, và ngay cả trong Chính phủ. ! Nhưng mộng đã không thành!


Anh Bác Sĩ Phạm Hà Thanh là một người bạn tốt, hiền lành, một đàn anh đáng kính. Tuy nhiên, trên phương diện chỉ huy ngành Quân Y phức tạp của QLVNCH gần 1 triệu người trong thời chiến, chúng ta cần có một Ban Tham Mưu thật giỏi điều khiển. Tiếc thay, mọi việc đã chấm dứt vào ngày Quốc Hận 30/4/1975./.

Y Sĩ Đại tá Hoàng Cơ Lân

*******************************************************