Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
 

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2021
304
Mỗi năm, cứ vào ngày 30/4, tôi lại thấy buồn và hay cáu giận. Cũng dễ hiểu thôi, cái ngày ấy của năm 1975, bọn VC miền Bắc, cưỡng chiếm VNCH, một quốc gia tự do ở miền Nam, gây đau thương, tang tóc, vật đổi sao dời cho người dân VNCH.

May mắn, tôi được Không quân VNCH gửi đi học khoá Y sĩ Phi hành tại Texas trước ngày mất nước, nên không bị đi tù cải tạo cộng sản, như đa số anh em chiến hữu. Tuy nhiên, nỗi đau buồn và tủi hờn vẫn nặng nề trong tâm tưởng, khiến ngày 30/4 trở thành một ngày buồn trong năm.

Tôi sinh năm 1948, sau đảo chính Nhật, đất nước chúng ta lúc ấy là một Quốc gia với Quốc trưởng và Thủ tướng lãnh đạo. Sau Hiệp định Geneve 1954, quê hương chia cắt, và tôi trưởng thành trong xã hội tự do mang tên VNCH, lãnh đạo bởi Tổng thống và Quốc hội do dân bầu. Trong khi đó, miền Bắc VN rơi vào tay Việt cộng, xã hội độc tài cộng sản, theo chủ nghĩa Mác Lê, đàn em của quan thầy Sô viết và Trung cộng.

Cộng sản Quốc tế chủ trương bành trướng cuộc “Cách mạng vô sản”, sau khi đất nước bị chia hai, miền Bắc bắt đầu gây xáo trộn, qua bình phong Mặt trận Giải phóng Miền nam, xâm lăng VNCH bằng vũ lực. Việt Nam Cộng Hoà với sự giúp đỡ của đồng minh, đặc biệt là Hoa Kỳ, qua chủ thuyết Truman (Be bờ) chặn đứng sự bành trướng của Sô viết CS quốc tế. Chính phủ VNCH, theo chủ thuyết Quốc gia của Tôn Dật Tiên, Tưởng Giới Thạch (Trung Hoa Dân Quốc - Đài Loan). Chiến tranh gây ra tại miền Nam là cuộc chiến “Ý thức hệ” giữa chính nghĩa Quốc gia, chống lại quân xâm lược Cộng sản, độc tài quốc tế. Đấy là niềm tin sắt đá của con dân miền Nam tự do, và trong đó có tôi.

Năm 1972, niềm tin ấy bị lung lay, khi Tổng thống Mỹ, Richard Nixon thăm Bắc Kinh, bắt tay Mao Trạch Đông, và quên đi chủ thuyết Truman. Việt Nam Cộng Hoà thân yêu của chúng ta, một sớm một chiều, trở thành đứa con ghẻ trên bàn cờ quốc tế, từ từ bị bỏ rơi sau Hiệp định Paris năm 1973, đồng minh lũ lượt rút quân, viện trợ quân sự bị cắt giảm thay vì tăng lên như đã hứa. Vào cuối năm 1974, khi tôi lên đường tu nghiệp ở Mỹ, thì vài đơn vị không quân VNCH đã phải ngưng hoạt động vì thiếu nhiên liệu và đạn dược. Người bạn, bên đơn vị Bộ binh cho biết, sau Hiệp định Paris 1973, các đơn vị hành quân phải đếm từng viên đạn, xin pháo binh yểm trợ phải được Tư lệnh Sư đoàn chấp thuận và hạn chế không được bắn quá 5 quả đạn pháo, di tản thương binh không còn trực thăng cứu thương
...

Tiếp xúc với người Mỹ trong thời gian du học, kể cả giới phản chiến, tôi thấy họ yêu tự do, nhưng theo chủ nghĩa Quốc gia như mình thì không! Chia rẽ từ học đường đến xã hội giữa “Tả phái” cấp tiến và “Hữu phái” bảo thủ. Từ gần hai thập niên trước, sau các vụ tố giác gián điệp Sô viết tại Hoa Kỳ, cánh hữu hành xử quá nặng tay, khiến dân chúng Mỹ nghiêng về phe tả. Sau này, tôi mới biết cả hai phái đều theo chủ nghĩa Tự do Quốc tế, đề xướng bởi Tổng thống Woodrow Wilson từ đầu thế kỷ 20, theo đó, sứ mạng của Mỹ là can thiệp quân sự nếu cần để bảo vệ tự do thế giới. Người Mỹ vô tình đã quên, hay không biết, Tôn Dật Tiên thiết lập Trung Hoa Quốc gia qua chủ thuyết “Tam dân” do ông ái mộ bài diễn văn đọc tại Gettysburg ngày 19/11/1863 của Tổng thống Abraham Lincoln.

Dân chúng Mỹ ghét độc tài, và họ nhầm lẫn thuyết “Quốc gia” với “Quốc xã”của Hitler, hay quân phiệt độc tài Tojo (Nhật) và Franco (Tây Ban Nha). Kẻ thù chính của Hoa Kỳ lúc ấy là CS Sô viết, độc tài đảng trị theo XHCN Mác Lê, và thông qua phong trào CS quốc tế để bành trướng. Nếu có, tranh chấp ý thức hệ thật sự, thì đó là giữa Tự do Quốc tế chống lại Cộng sản Quốc tế, theo chính sách của Tổng thống Truman sau Đệ nhị Thế chiến để ngăn chận đế quốc Sô viết. Chủ nghĩa Quốc gia của Đài Loan và Việt Nam Cộng Hoà trở thành cô đơn và lạc lõng trong xã hội Mỹ, mặc dù đó là chính nghĩa cho dân tộc, và lãnh thổ theo truyền thống lịch sử khắp nơi.

Thuyết “Tự do dân chủ” được đề xướng làm bình phong cho sự phát triển kinh tế của Mỹ làm lợi cho giới tài phiệt, chủ nhân kỹ nghệ khai thác dầu lửa, và chế tạo xe hơi, vào đầu thế kỷ 20 theo tiến trinh của cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ (lúc đó đã 100 tuổi) bước vào một giai đoạn mới: Hoa Kỳ thay Anh trở thành cường quốc số một. Trong khi đó chủ nghĩa Mác Lê ở Nga lại tạo ra những phản ứng trái ngược.

Tiến bộ kỹ thuật không ngừng là nguyên tắc hàng đầu cho sự tiến hoá của “Cách mạng kỹ nghệ”, cộng sản làm ngược lại đưa đến trì trệ kỹ thuật và sa sút kinh tế. Chính vì thế, phong trào Cộng sản Quốc tế cáo chung vào cuối thế kỷ 20. Nixon và Mao bắt tay, tiếp theo là các Tổng thống kế nhiệm tại Mỹ, giao thương với Trung Cộng khiến Sô viết sụp đổ. TC và các nước chư hầu, biến dạng thành “Tư bản đỏ” độc tài, cung cấp nhân công rẻ cho giới tài phiệt toàn cầu hoá, làm giầu cho nhóm chóp bu quyền lực. Việt Cộng hiện nay chính là một loại “Tư bản đỏ”.

Chiến tranh Việt Nam từ 1960-1975 là cuộc tranh chấp “Ý thức hệ” bảo vệ Quốc gia VNCH, chống CS xâm lược. Nhưng người Mỹ và chính phủ Hoa Kỳ đã chọn con đường phát triển kinh tế, qua chủ thuyết “Tự do Quốc tế” cả nửa thế kỷ trước. Vì vậy, khi cơ hội đến, họ không ngại ngùng bỏ rơi VNCH. Sau năm 1990, chính phủ Mỹ trở lại chính sách nguyên thuỷ của Tổng thống Wilson, can thiệp quân sự để bảo vệ nguồn nhiên liệu dầu lửa, khiến chiến tranh xẩy ra tại nhiều nơi ở Trung Đông.

Sau khi bị lừa dối và bỏ rơi, quân cán chính VNCH trả giá đắt với máu và nước mắt sau hàng rào trại tù “cải tạo” cộng sản. Gia đình bị đầy đi vùng “Kinh tế mới” thực chất là những cánh rừng hoang, không hơn không kém, đất cầy ra sỏi đá, cha mẹ, vợ chồng, con cái phân ly trong tang tóc và nghèo đói. Nhiều người đã liều mạng ra khơi bằng mọi giá, đi vào lòng biển tìm tự do, chấp nhận chết để tìm đường sống. Những người Việt may mắn tìm tự do ở nhiều quốc gia trên thế giới, đa số tại Hoa Kỳ, số còn lại định cư tại Úc, Gia Nã Đại, Tây Âu và nhiều quốc gia khác, họ sống trong tự do, nhưng tìm ra đâu một chính thể Quốc gia như VNCH năm xưa?

Ngoại trừ một thiểu số, định cư ở Đài Loan và Do Thái. Khá nhiều người Mỹ gốc Việt tham dự kinh tế thị trường chứng khoán của Mỹ (Hamiltonian) trở thành giầu có. Cùng lúc đó, người Việt ở Châu Âu và Gia Nã Đại ấm no trong nền kinh tế thiên xã hội (Rousseauian) gây khá nhiều hiểu lầm giữa các cộng đồng Việt tỵ nạn với nhau, vì tất cả đều dị ứng với chủ nghĩa độc tài cộng sản. Người Việt tỵ nạn, vốn đã bơ vơ trước năm 1990, giữa sự tranh chấp của hai ý thức hệ quốc tế mà họ xa lạ, vì theo họ cuộc chiến Việt Nam đơn giản là giữa Quốc gia và Cộng sản. Sau năm 1990, lại càng bỡ ngỡ hơn khi các chính trị gia cổ xuý “Toàn cầu hoá” và xoá bỏ biên giới quốc gia.

Chính vì thế, từ năm 2016 đến 2020, khi Tổng thống Donald J. Trump áp dụng chính sách “Nước Mỹ trên hết” để bảo vệ biên giới, giúp Hoa Kỳ tăng trưởng kinh tế trong tự do và thịnh vượng, thì đa số cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ ủng hộ, vì sau 46 năm, họ được sống lại thoải mái trong “Chính nghĩa Quốc gia”. Đáng tiếc cho Tổng thống Trump và nhiều người Mỹ gốc Việt, nhóm “Toàn cầu hoá” đã dùng mọi mánh khoé, mưu đồ, trong và ngoài chính phủ, kể cả khắp thế giới để tuyên truyền, phá hoại những thành quả của Tổng thống Donald J. Trump muốn làm cho nước Mỹ. Nên nhớ, giới thượng lưu “Toàn cầu hoá” và đảng Cộng sản Trung Cộng có nhiều giao thiệp dựa trên quyền lợi chính trị và kinh tế. Cho nên, đầu năm 2020 khi đại dịch “China virus” (Covid-19) tàn phá Hoa Kỳ và thế giới, nhóm này đã khai thác tối đa trên mọi khía cạnh để lật đổ Tổng thống Donald J. Trump, kết quả là cuộc bầu cử “khác thường” vào tháng 11 năm ấy.

Người Việt Quốc gia, cựu công dân VNCH, một lần nữa trở thành cô đơn trong ý thức hệ, vì bị lừa dối bởi Tài phiệt “Toàn cầu hoá” siêu cường.

Phạm Hiếu Liêm
May/06/2021