Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
 

204403-RideTheThunder-1-4
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2021


Cho đến khi gặp chiếc bảng thứ tư với hàng chữ “Stau” loé sáng thì cả bốn đứa chúng tôi đều đồng ý là không thể nào đi thêm được nữa, phải tìm chỗ ngủ lại thôi. Lời đề nghị ném ra là phải tìm một nơi nào đó, trước ăn, sau là ngả lưng, không có lời phản đối hay ưng thuận. Bên cạnh tôi, Cử vừa ngồi rột dậy sau một chuỗi những giấc ngủ ngắn. Anh ta vươn vai rồi bẻ khục tay kêu lắc cắc:

- Mẹ bà nó, đi làm chi cho khổ dữ vậy nè trời.

Vừa nói Cử vừa bực dọc quay kính xuống. Nắng chiều xiên khoai ngột ngạt hắt vào trong chiếc xe đang lê những bước con rùa. Tôi quờ tay ra sau cốp, lục trong bị, đưa mỗi người một lon bia, cố tìm một đề tài diễu:

- Nè mấy cha uống đi, giấc này mấy thày cảnh sát đâu có huởn mà tìm bắt dân nhậu.

Không tiếng trả lời. Chất bia phơi nắng đắng nghét chảy vào cổ họng. Đầu váng vất. Mồ hôi nhễ nhại. Các băng nhạc mang theo đã nghe đến lần thứ mấy không biết. Bảo lò mò tìm một chương trình nhạc nhộn, nhưng chỉ gặp những tiếng rột rẹt, rột rẹt nếu không phải là những chuyện lảm nhảm. Hắn tắt radio cái phụp, trả số hai, chiếc xe gầm lên phóng sát đít thằng đồng loại đi trước, chúi mũi hậm hực.
- Ê chạy từ từ giùm cái coi bác tài. Bộ hết chuyện giỡn hả mấy cha?

Câu pha trò xìu xuống như miếng bánh mì mắc mưa. Cả bốn đứa đều ngóng đến một chỗ quẹo nào đó vào trong làng hay một ngôi nhà cạnh trạm xăng với chữ M màu xanh, dấu hiệu của cái motel. Chỉ thấy con đường phía trước quanh co đang bò lên đồi, hai hàng xe đủ màu di động như hai con rết khổng lồ quằn quại ngược chiều nhau. Bảo 'gà tồ' cứ lầu bầu mãi trong miệng:

- Hồi sáng tôi nói mấy già đi sớm mà cứ lừng chừng lừng chừng hoài. Kia kìa quẹo đại vô cái đường kia rồi tới đâu tới.

Chiếc xe chồm lên, lách sang bên phải. Cả bọn ngã nghiêng. Cử bực dọc thảy lên băng trên tiếng chửi thề. Vốn tính xấu đói, lại thuộc hạng nuôi 'heo đất', hắn đang đứng trước một quyết định khá gay go: làm sao thỏa mãn được bao tử, lại vừa bảo đảm được túi tiền. Biết ý hắn, Bảo trấn an:

- Thì từ từ đi vô làng kiếm chỗ nào miễn ngả lưng được thì thôi. Bằng không tao thảy hai thằng xuống trước rồi đi kiếm phòng hai người, tối trở lại rước hai đứa về ngủ ké.

Chiếc xe rề rề thả xuống con dốc xa lộ, ngập ngừng chui vào con đường cỏ tranh cháy nắng. Quang - từ sáng tới giờ vẫn ngồi yên - lừng khừng nói:

- Coi nhà nào có đề chữ Gasthof thì ghé vô, mấy chỗ đó tụi nó không chém đâu.

- Coi bộ thằng cha này rành dữ hé. Dân ngủ lang có khác.

- Ê! đừng có nói tàm xàm.

- Bộ mấy cha tưởng Gasthof nó không chém sao. Có lần tôi đi ngang F., trời tối, tuyết rơi trắng đường, âm mười độ. Tìm nhà thằng bạn cả tiếng không ra. Ghé vào Gasthof, chỉ tình cờ, với mục đích kiếm cái gì dằn bụng. Gặp bà chủ quán cũng lịch sự, tự tay nấu nướng, lăng xăng dọn bàn, còn tiếp đồ ăn và ngồi hỏi chuyện mới chết chứ. Mấy anh nghĩ, tôi độc thân, ngày nào cũng nai lưng trâu làm việc quần quật. Tối cơm hàng cháo chợ, không thì lui cui làm việc nội trợ. Cô đơn lắm. Những ngày mùa đông như hôm ấy thực là lạnh tới tận xương. Bây giờ lại có người hỏi chuyện, chia xẻ nỗi niềm. Hai người ngồi chung bàn, nến chập chờn trên bàn ăn, tình lắm. Bà nói thôi anh ngủ đỡ đây đi chứ giờ tìm nữa không ra đâu. Vừa nói bà vừa dắt mình vào, chỉ cho xem phòng. Cảnh cũng tình, mình vừa no bụng, vừa muốn ngáp, ánh nến chiếu vào cái cổ áo đen xẻ rộng làm mình không dám nghĩ thêm nữa. Thế là ngủ lại. Mà đâu có ngủ được. Rị mọ cả đêm, nghe gió cứ tưởng bà lẻn vào, quay sang chỉ thấy tấm màn cửa phơ phất. Sáng dậy thâm quầng mắt, nhìn con số trên hóa đơn tưởng mơ ngủ. Hỏi, bà nói: ở đây chỗ nào cũng vậy thôi, thành phố lớn mà, đang dịp hội chợ triển lãm gì gì đó... Thế là đành bấm bụng móc cạc trả. Cho nó sang, chứ thật sự trong túi còn có vài tờ chục...

Tiếng cười sùng sục nổi lên rung cả xe.

***
Loanh quanh luẩn quẩn một hồi, cuối cùng cả bọn cũng tìm ra được một nơi khá lịch sự. Khách sạn nằm khuất giữa dãy nhà, một chiếc bảng nhỏ đóng sơ sài bên bờ cỏ ghi lối vào vừa được sơn lại gọi mắt du khách. Phòng ăn vắng. Người chủ, áo ca-rô xanh đỏ đậm phơi rún ngáp vặt trước quầy bia, đối diện chiếc máy jackpot màu đỏ tối. Trong căn phòng hình chữ L, vừa làm chỗ điểm tâm, vừa làm phòng đợi, bốn bộ bàn ăn thô sơ bằng ván dầy. Một hàng ghế mây sắp hàng ngửa mặt rỗ chầu quanh chiếc bục có những dải viền mạ đồng chen lẫn mớ nút bạc. Đúng điệu nhà ngủ bình dân. Thấy chúng tôi bước vào, gã chủ hơi ngạc nhiên trước bộ dáng không giống ai của mấy tên đầu đen, nhưng cũng lịch sự chào và mời ngồi. Chúng tôi mở tờ thực đơn, các món ăn đếm được với ngón của hai bàn tay. Tôi chỉ đại món sườn nướng, món mà đầu bếp dở nhứt thế giới cũng có thể sửa soạn cho khách khó ăn vừa miệng. Ba thằng còn lại mỗi tên cũng giơ một ngón tay ra hiệu cùng một thứ.

Xong cữ cà phê thay món tráng miệng, cả bọn rút lên phòng. Lão chủ quán cũng dễ chịu, nghe tôi bập bẹ kể tình cảnh, có vẻ thông cảm, bốn đứa lấy tiền có hai, bảo là để cho cái phòng có thêm giường xếp. Đêm bắt đầu xuống. Đêm cuối hè ngột ngạt mùi rơm và cỏ khô ẩm sương. Cử và Bảo lăn ra giường. Một thằng thỏa mãn với cái bao tử đầy. Một thằng nằm vật vờ sau buổi chiều điên. Quang hứa sẽ trả tiền phòng để đền tội buổi sáng loay hoay với mấy tách cà phê trễ giờ khởi hành. Bảo nói: tao mới lãnh tiền làm phụ trội, thôi để tao thanh toán khoản ăn uống. Bây giờ ngủ đi, mai dậy sớm đi tiếp.

Hắn 'zap' một vòng các đài truyền hình. Hai đài tin giờ chót giống nhau, hai đài chiếu phim tập chuyển âm, một đài nhạc thời trang, còn đài cuối cùng chỉ còn tín hiệu báo hết chương trình. Quăng cái bấm sang phía chúng tôi, Bảo dặn:

- 'Tớ' đi ngủ đây. Mai mấy già có dậy sớm nhớ kêu mình dậy nghe.

Còn lại tôi và Quang, hai thằng nhìn nhau. Có hai chiếc giường thì hai tên nhanh chân mỗi đứa đã nhảy lên một chiếc, chiếm hết hai phần ba. Trong phòng chỉ còn lại chiếc ghế dài, có thể kéo ra làm chiếc giường đôi ngủ tạm. Quang có vẻ áy náy:

- Chừng nào anh phải về lại?

- Thôi quên chuyện đó đi. Đằng nào mình cũng phải ngủ qua đêm ở đây mà. Chắc phải gọi một tiếng cho tụi nó biết mình bị kẹt mai mới tới. Hồi nãy quên.

Gọi điện dặn dò đâu đó xong, tôi rủ Quang xuống phố đi dạo một vòng cho khuây khỏa. Thực tình là để tự trấn an mình, vì lòng tôi đang nóng như lửa đốt. Tôi là người chủ động buổi đi chơi, nhân có một vài chuyện làm ăn cần bàn với nhóm bạn ở một tỉnh tận cuối miền nam Đức quốc. Tôi dự trù có bốn ngày, một ngày đi, một ngày về, còn hai ngày giữa đầy ngập những cái hẹn, bây giờ phải đảo lộn chương trình lại hết. Cũng bởi tôi có tính bốc đồng, gặp mấy thằng bạn trời đánh không chết nhân bữa tiệc nhậu, nghe tôi rủ chúng ưng thuận liền để đến bây giờ mới ra nông nỗi. Chúng tôi thả bước xuống con dốc. Từ khách sạn xuống đồi chừng nửa cây số, trong cỏ tranh nghe rì rào có tiếng dế lỡ mùa kêu rinh rích. Đêm bây giờ đổ ụp xuống thật mau, mặt trời rơi xuống chân núi nhường chỗ cho mảnh trăng hạ tuần vàng đậm lẫn trong những cột điện đằng ngã tư cuối dốc. Chúng tôi thả nhìn những bước chân lang bạt xiêu vẹo theo đám sỏi lăn theo triền. Đến nửa bờ dốc cũng chẳng có gì lạ hơn. Tôi ngần ngại:

- Tính xuống phố uống ly cà phê nhưng chắc giờ này chẳng còn quán nào mở đâu. Thôi mình về lại khách sạn uống đỡ vậy.

Tôi gọi cà phê, Quang lấy bia, và nói người chủ khách sạn cho mang lên phòng uống. Ông ta không ưng thuận cũng không phản đối, đưa chúng tôi thêm nửa phích cà phê còn sót lại, và chúc chúng tôi ngủ ngon. Ông nói thêm: mấy cậu có muốn lấy thêm bia nữa không? Quang lắc đầu. Lên đến phòng thì Bảo và Cử đã yên giấc, hai đứa phì phò như bễ lò rèn thổi. Hai chiếc mền xổ tung ra, một nửa trên giường một nửa thõng xuống sàn phòng gỗ vừa được đánh vẹc ni lại, phơi hai cái thân nhễ nhãi mồ hôi. Quen khí hậu lạnh miền bắc, chúng tôi như chết ngộp cả buổi chiều nay. Quang bảo hay mình mang ghế ra ngoài sân ngồi nói chuyện. Hắn thọc tay vào túi quần lấy bao thuốc, đếm. Trong đó còn sáu điếu, tôi nói hút dè dặt cũng đủ cho tới sáng mai. Hắn đưa tôi ba điếu, nói hồn ai nấy giữ.

Từ ban công nhìn xuống, thành phố đã ngủ yên, chỉ thỉnh thoảng có tiếng rên của chiếc xe lạc loài mệt mỏi đang tìm về chỗ ngủ muộn. Chúng tôi trao đổi với nhau những câu chuyện hồi xưa. Quang và tôi lê đít quần trong cùng một lớp. Tôi rủi, hắn may. Tôi thi rớt tú tài hai keo liền, đổ tội giám khảo không biết chấm bài. Cha mẹ riếc móc, tôi bất mãn đăng lính. Hắn đi một lèo trơn tru cái bằng kỹ sư, nhưng cuối cùng gọng kềm quân đội cũng không tha bất cứ một thằng nào ngoài bốn hạng: nhất thân, nhì thế, ba què cụt, bốn con một ở cùng cha mẹ già. Hắn đâm ra bất mãn cuộc đời từ đấy. Trốn vào bưng? Thì cũng đi lính cho bên kia vậy, có khác gì đâu. Hắn thở dài: anh vậy mà may, sau bảy mươi lăm không bị đụng chạm gì. Tôi cải tạo mút chỉ. Thế là câu chuyện tự dưng xoay sang đề tài trại cải tạo. Nhưng nhờ vậy mà tôi có dịp biết thêm về chuỗi ngày long đong của Quang.

***
Hồi đó tôi bị tụi nó thảy lên vùng Long Khánh, Quang kể. Một khu gia binh nào đó bỏ hoang, chỉ còn sót lại những sườn nhà xiêu vẹo đổ nát. Chúng tôi bị lùa vào những dãy nhà đó như đàn bò không sừng ngu ngơ, cứ ba chục thằng, ba tổ, chiếm ngụ một căn. Hai dãy giường dã chiến bằng cây ván và tôn lượm được, khấp khểnh trải dài hai bên vách. Mỗi tên một thước hai mươi phân. Cũng đủ cho cái lưng và hai tay ngọ ngoạy. Thời gian đầu còn rỗi rảnh. Khu gia binh hoang tàn, chi chít dấu vết tàn phá của chiến tranh, sau đó lại qua một trận càn quét của dân hôi của. Chẳng còn căn nhà nào còn giữ được cái mái. Tường đổ xiêu vẹo, giơ những khung cửa sổ màu sơn xanh loang lổ, bạc thếch, toác hoác. Rải rác khắp nơi mảnh quần áo, màu xanh cứt ngựa nhà binh lẫn vải màu sặc sỡ của phụ nữ trẻ em, bấy giờ đã bạc màu trở thành những đám bùi nhùi nham nhở. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp, trong khi đi thu lượm vật dụng dựng tạm chỗ nghỉ, một mớ tóc nằm lăn lóc trong đám bùn đất nhão nhoẹt. Những lúc ấy người thì làm dấu, người niệm Nam Mô. Kẻ không tin Phật Chúa cũng bùi ngùi cho một kiếp người xui xẻo, mặc dù chúng tôi cũng không biết được ai xui hơn ai. Ban ngày lúc thì trần lưng lao động cuốc đất, họ gọi là cải thiện tăng gia ấy mà, nghĩa là gặp đất thì cứ cuốc lên rồi vùi khúc thân mì xuống, kiểu họ học truyền khẩu nhau những ngày trong rừng. Có lúc lên hội trường nhai đi nhai lại mười bài chính trị cũ mèm. Chỉ có tối là được rảnh rang. Chúng tôi nằm hai dẫy, xen kẽ ngược đầu ngược đuôi. Ngó lên trần là hai hàng kệ chạy dài suốt phòng lổn nhổn bao bị chứa đồ tế nhuyễn. Phía trái tôi, sát cửa sổ là giường của Nguyện, trung úy công binh. Kế đó, ông già Long. Ông này mấy ngày đầu chỉ có nằm khóc, thương vợ con ở nhà không biết xoay sở ra làm sao. Dân di cư, ông tự hào có nhiều kinh nghiệm với Việt cộng, ông than trời suốt ngày làm anh chàng Nguyện có lần bực quá gắt lên: Cái ông già này. Than thì sao hồi đó bố không ráng đánh giặc cho hăng đi, đỡ bà con một chút.

Tôi nghe anh chàng Quang kể mà cứ trố mắt ra nhìn. Từ xưa tới giờ, qua những câu chuyện, tôi chỉ có được cái ý niệm một trại cải tạo như là một nhà tù khổ sai ghê gớm. Không có tiếng cười, không có chuyện ăn tục nói phét. Có lẽ nào tôi bị mọi người bịt mắt. Thấy tôi thắc mắc, Quang cười chế riễu:

- Anh nói đúng. Chuyện cải tạo to như con voi thì làm sao lấy thúng úp cho lọt được. Nhưng bởi vì nó là con voi cho nên có muôn ngàn chuyện, nói tới tết Công Gô cũng chưa hết. Chỉ có điều, thằng sờ được cái chân thì nói chuyện cái chân, tôi rờ nhằm cái vòi thành thử chuyện của tôi chắc cũng lằng nhằng như cái vòi voi.

Hắn ngừng lại, chiêu một hớp cà phê. Còn chút cặn, hắn hắt vào trong chậu bông giấy máng trên bao lơn rồi xoay xoay cái chén như mò tìm những câu những chữ chưa chịu chui ra:

- Sở dĩ tôi phải lòng vòng những chuyện đâu đâu cũng vì hai lẽ. Thứ nhất là hai đứa mình chắc chắn còn ngồi đây ngáp tới sáng. Thứ hai là câu chuyện tôi muốn kể với anh tối nay nó phải có đầu cua tai nheo như vậy thì anh có lẽ mới cảm hết cái đời cải tạo với những buồn vui của tụi tôi.

Tôi nghĩ bụng: thằng cha này cà kê dê ngỗng dữ. Nhưng thôi, mấy đời cóc lại chịu mở miệng. Vì thế tôi không tán thành cũng không phản đối. Chỉ hỏi cho có lệ:

- Tại sao tự nhiên anh lại lôi chuyện tù tội ra kể? Duyên cớ nào…?

- Ấy, có những chuyện tôi cất trong đầu cả bao nhiêu năm. Như chuyện tôi sắp kể anh nghe đây, may ra anh giúp tôi tìm ra đáp số.

Hắn lại ề à tiếp như không thấy có tôi ngồi bên cạnh:

- Tôi kể đến đâu rồi nhỉ. À tới ông già Long. Tôi còn nhớ như in trong đầu cái ông già tội nghiệp ấy. Anh có để ý mấy ông già di cư không. Ông nào cũng cần kiệm, cũng chắt bóp. Vậy mới lạ. Tụi vượt biên như mình có những thằng xài bán mạng, chứ dân di cư họ kỹ lắm, anh có thấy vậy không? Ông già Long lên đường xách theo có ba cái quần xà lỏn, hai bộ quần áo với một lon gô chà bông. Lúc đầu tôi cứ tưởng đó là lon đựng bàn chải, thuốc men gì đó. Những ngày đầu anh em còn dư dả, đồ ăn mang theo bỏ làm của chung. Nhưng rồi cũng hết sạch. Chỉ còn có muối với cải luộc. Đói queo râu. Suốt ngày nghe bao tử kêu óc ách. Anh Sanh, người nằm bên trái tôi, nghĩ ra một cách. Tối lên đèn là anh bắt đầu kể chuyện ăn. Anh gốc Hoa kiều, tên chữ là Woòng Lụng Sáng, chuyển sang tên Việt là Vương Lượng Sanh. Anh Sanh sành nấu ăn, những chuyện anh kể thêm mắm muối vào tôi nghĩ có thể mang ra ăn ngay được, hết mì xào dòn, cá hấp dầu mè, bào ngư nấm đông cô thì tới cá muối mặn chưng với thịt và trứng, rồi chè sâm bổ lượng. Món nào cũng làm người nghe hít hà và nuốt nước miếng. Khổ nỗi bữa ăn suông nào rồi cũng tàn. Cái dạ dày mình nó lại trở về cái thực tại là nó đã bị lừa in như thằng chủ của nó. Thế là nó bắt đầu ăn vạ, cho tới lúc chỉ còn cách là cố ngủ quên đi để sáng mai trở dậy lại dỗ nó bằng mẩu khoai mì, như là mình tự dỗ lương tâm mình vậy.

Nhưng thôi. Anh thấy là chúng tôi cũng có những lúc khốn đốn như vậy đó. Mỗi tuần hai lần trông xe cá từ chợ quận đổ cá vào trại. Có hai con mụ hàng cá đi theo, đít to như cái lu, ụt à ụt ịt như vịt mới đẻ, hôi hám như heo. Hai con mụ xúc cá ra mấy cái mủng tre, chỉ rặt một thứ cá ngừ mủn như bột. Mà chúng tôi, trong thời gian ấy, cũng chỉ ăn rặt có một thứ cá ngừ nấu với muối, món tụi tôi gọi là cá kho. Ăn xong ngày sau nổi phong gãi bằng thích. Sau này đọc sách mới biết là cá ngừ để ươn sinh ra chất histamin gây phong ngứa. Mà thôi, đó là chuyện sau này, lúc đó nghĩ cho cùng, cá kho quẹt với nước mắm nhỉ có khác gì nồi cá nấu muối của tụi tôi đâu. Xem ra cũng chỉ có cá và muối, thêm chút thính làm màu. Bởi vậy nhiều lúc tôi lẩn thẩn cứ nghĩ đến những chuyện đó rồi lại nghĩ đến thân phận mình. Tự lừa nhau cả thôi. Như ông già Long tôi nói hồi nãy đó. Trong khi anh em đói queo râu, thêm cái gãi vì bị phong do cá ngừ thì ông già mỗi tối thủ lon gô đi ra giếng. Trước cứ tưởng ông ngượng, tối mới đi tắm, bởi vì chúng tôi lúc tắm cũng có nhiều anh ở truồng tô hô, té nước đùa giỡn nhau như bầy khỉ. Thế nhưng tôi đã lầm. Một buổi tối ông già theo lệ cắp lon gô ra giếng. Đường đất sét trơn, ông cụ mắt kèm nhèm vấp ngay bờ đất gần lán, lon gô văng ra, thịt chà bông đổ tung toé. Có mấy anh nghe tiếng la, chạy ra đỡ ông cụ dậy. Thấy thịt chà bông, họ cười tồ tồ, có đứa chêm vào vài câu mỉa. Thế là ông già cục cục cắp lon gô đi thẳng một mạch về phòng, bò lên giường nằm thở. Cả đêm tôi thấy ông cụ hết chép miệng lại thở dài. Thật tội. Bí mật bị lộ, hôm sau ông cụ tẩu hết cả gia tài chà bông, chẳng biết giấu chỗ nào, hay lại giấu vào trong bao tử. Bởi vì bọn cùng phòng đâu có tha. Chờ lúc ông cụ đi tăng gia, một anh đứng gác, một anh lục bị tìm, nhưng chỉ thấy cái lon gô không.

Trong tổ tôi còn một anh chàng tên là Thu. Tụi tôi thường gọi là Thu Đạm, để phân biệt với một ông già khác, cũng tên Thu nhưng với hỗn danh 'Thu Đội'. Anh biết đấy. Tụi tôi chỉ có những cái thú tẩn mẩn như gọi lái tên nhau mà quên thời gian. Anh chàng Thu lé một mắt, lúc nào cũng nghiêng nghiêng đầu như để che cái cố tật của mình. Được cái anh ta cũng dễ thương, thường làm công chuyện giúp người này người khác. Buổi sáng mới đẽo lại đôi guốc cho anh bạn mới quen, buổi chiều đã thấy anh ta loay hoay cột lại mấy cái vạt giường của mình cho thẳng thớm. Nhờ vậy, và nhờ cái miệng khéo chuyện, anh ta quen với đủ hạng người. Bất kỳ gặp ai, anh chàng cũng có thể bắt chuyện một cách dễ dàng, chỉ trong một vài câu là anh ấy có thể hòa nhập ngay với người ấy và với câu chuyện như người trong cuộc. Vì vậy Thu Đạm cũng còn mang thêm cái tên 'thằng con cặc gì cũng biết'.

Tôi cười bảo Quang:

- Mấy anh nói chuyện sao tôi nghe như chỗ chơi chứ đâu có như trại tù.

- Bây giờ nghĩ lại tôi cũng không biết tại sao hồi đó mình lại có thể cà rỡn trong khi người ở nhà chạy gạo hộc bơ. Có lẽ thời gian đầu chúng tôi còn nhiều hy vọng. Hy vọng một ngày về không xa. Con người ta chỉ sống với hy vọng cho một tương lai sáng hơn. Vì vậy, càng ở lâu, thời gian càng mù mịt, hy vọng mất lần thì cũng sinh lắm chuyện. Có người đành đem cái mầm hy vọng đem trồng ở một chỗ mà họ nghĩ rằng nó có thể nẩy thành cây được. Nhất là từ khi loáng thoáng có một vài anh được thả cho về lại thế giới người. Từ đấy mới phát ra chuyện ăng ten. Cũng không rõ nó phát xuất từ đâu, nhưng nhiều người tin là lấy điểm cán bộ sẽ được 'đề bạt' cho về sớm. Người ta đâm nghi ngờ nhau. Bất cứ cử chỉ có vẻ khả nghi nào đều bị coi là hành động 'ăng ten'. Anh nào được quản giáo gọi lên văn phòng, dù chỉ để hỏi một câu vu vơ, hay viết lại chỗ nào đó chưa rõ ràng trong bản tự kiểm, khi trở về trại thấy ở đâu cũng có con mắt dòm mình nghi kỵ. Ngay cả với những người nằm cùng một phòng, ăn cùng một mâm. Kỳ lắm. Thời gian đầu còn chiến tranh lạnh, lườm nguýt nhau hay nói bóng nói gió. Sau tới cả màn đấm đá, nhưng may thay lúc ấy tôi đã đi chỗ khác rồi...

Tôi cãi:

- Tôi đọc sách cũng nhiều mà đâu thấy trong truyện nào có những mẩu chuyện như anh nói...

- Như làm sao?

- Tôi thấy truyện nào tôi đọc cũng chỉ nói đến tình huynh đệ chi binh, anh em với nhau chứ đâu có gì mà gấu ó nhau đến vậy.

Quang chặc lưỡi:

- Chắc anh đọc mà không chịu suy nghĩ cho kỹ. Trên đời này đâu tìm ra được một thứ xã hội lý tưởng như trong sách. Có lẽ tôi bi quan, nhưng anh thử nghĩ xem. Đến tuổi quân dịch là họ vơ tất, chẳng chừa cao thấp sang hèn. Thế thì anh dựa vào cớ nào mà bảo có một cái thế giới lính nào đó khác với cái xã hội bên ngoài đời...

- Nhưng tôi nghĩ quân đội là cái lò đào tạo nhân tài...

Quang cười sằng sặc:

- Nhân tài cái khỉ mốc. Thầy nào trò nấy. Nếu anh có thể bảo đảm với tôi là đại đa số cấp chỉ huy trong quân đội thời ấy là bậc gương mẫu thì tôi chịu thua. Hắn chép miệng, tiếp: mà nếu như vậy thì giờ này anh và tôi đâu có ngồi đây nói chuyện với nhau giữa đêm thế này.

Tôi thấy nhói đau khi nghĩ đến anh tôi đang lê chiếc chân giả trong những ngày tháng cực nhọc cố quên đi dĩ vãng một sĩ quan. Không biết anh có nghĩ gì đến thằng em là tôi đang lưu lạc, thỉnh thoảng gửi về cho anh vài chữ chiếu lệ. Tôi nói vớt vát:

- Thì tôi đọc trong sách thấy sao nói vậy mà anh.

Hắn rít điếu thuốc:

- Nhưng thôi để tôi trở lại câu chuyện. Chúng tôi tuy có vậy nhưng cũng còn chia xẻ cho nhau lắm chứ. Duy chỉ có bữa cơm là không. Bởi đói quá. Mỗi sáu người cứ tới bữa cử một đại diện đi lãnh một lưng thau cơm với một đĩa cá, nếu hôm đó có xe chở cá vào trại. Khi cá hết thì còn rau. May lắm mới được con mắm. Mang về mâm ăn, sáu người, mười hai con mắt đăm đăm ngó. Đúng ra là mười một rưỡi, vì nửa con mắt của anh chàng Thu lé mải nhìn chỗ khác. Cơm xắn ra làm sáu phần đều nhau, nếu mà có ai tò mò đem đếm thì số hột cơm mỗi phần cũng không khác nhau bao nhiêu đâu. Cá ngừ sáu khúc bằng thắng. Sau này nghĩ lại thấy mình có lúc đúng như con vật. Nhưng nếu anh mà có ở trong cảnh ấy mới thấy. Con người, ngẫm ra, nhiều lúc chỉ khác con vật ở chỗ khéo giấu hơn thôi. Nhất là mấy bà, giấu ở những nơi không ai dám khám. Chỉ có một năm đôi lần, nhân ngày lễ lớn, họ thí cho được mẩu thịt bằng ngón tay. Lễ nhỏ thì chẳng có gì, mà với bọn họ, lễ nào cũng lớn cả. Có lần, nhân ngày hai tháng chín, họ kéo đâu về được một con bò. Con bò ốm cho cả tiểu đoàn. Xẻ ra mỗi người được năm mươi cà ram, kể cả xương, tức là vừa đủ ngoạm một miếng. Nhà bếp sẵn muối, đem kho một nồi đầy. Thịt cắt vuông vức quân cờ, mỗi anh một cục. Hai trăm mười hai người, hai trăm mười hai cục thịt, không thừa không thiếu. Phải chi nếu trôi chảy thì không sao. Đằng này...

Quang ngừng lại, rút điếu thuốc, châm lửa. thở một vòng khói. Lim dim mắt như để hưởng cho đã chút khói, dập mẩu thuốc, anh kể tiếp:

- Bọn chúng tôi sáu đứa. Tụi tôi chia phần xong. Mỗi đứa một góc cơm, một miếng thịt. Bây giờ nghĩ lại lúc đó thật bần tiện. Thau cơm chia làm sáu. Đĩa thịt cũng sáu. Ông già Long quay thau và quay đĩa một vòng. Đĩa và thau ngừng ở đâu thì phần người ấy. Hôm đó tôi may mắn chiếm được miếng hơi lớn. Anh chàng Thu số đen, gặp miếng thịt mỡ lẫn bạc nhạc trắng bệch. Hắn phân bua với mọi người, đòi chia lại. Thế rồi... thế rồi…

- Rồi sao? Tôi nôn nóng hỏi.

- Hắn vừa đứng dậy tìm tổ trưởng thưa kiện thì chuyện xẩy ra. Anh chàng láo ăn ngoảnh lại dòm chừng đĩa thịt thì - Quang bỗng cười ngặt nghẽo - thì miếng thịt đâu đã không cánh mà bay.

- Anh nói miếng thịt tự dưng biến mất?

- Ừ. Tôi rợn cả tóc gáy, không tin ở mắt mình. Năm người còn lại trợn mắt nhìn chiếc đĩa chỉ vỏn vẹn còn năm miếng.

- Lạ nhỉ.

- Tôi cũng không hiểu sao. Chúng tôi nhìn nhau. Đúng hơn chúng tôi nhìn miệng nhau. Cả năm cái miệng ngậm tăm. Miếng thịt mất đúng là của anh chàng Thu, miếng thịt bạc nhạc có dính tí mỡ ở đầu.

- Còn anh Thu đâu?

- Anh ấy la hoảng lên, gây lộn. Tổ trưởng nhào đến hỏi. Ai nấy phân bua. Mà quả thực. Chúng tôi ngồi cạnh nhau, con ruồi bay qua cũng thấy, miếng thịt bò tuy nhỏ thực đấy nhưng nó cũng còn lớn bằng mấy chục con ruồi. Chả lẽ một trong năm đứa chúng tôi thừa dịp đớp trọn miếng thịt. Chúng tôi hết nhìn nhau lại nhìn đến ông tổ trưởng đang ngơ ngác và anh chàng Thu bù lu bù loa kể lể. Năm cái miệng ngậm tăm tắp, không dám nuốt nước bọt. Nhưng sau, để chứng tỏ mình ngay thẳng, chúng tôi đồng ý từng đứa há miệng cho hắn ta kiểm soát. Thật tởm. Hắn dí mũi ngửi miệng từng đứa. Tôi vừa ngượng vừa tức cười, tự ví mình như con cá sấu hay con sư tử trong rạp xiếc há toác miệng cho thằng nhãi đút đầu vào thử. Ước gì miệng mình rộng một chút thì tợp một phát cho nó tởn. Nghĩ tới đó, ngượng thì ngượng, nhưng phải cố bấm bụng sợ mình sặc phun nước bọt vào mặt nó thì bỏ mẹ. Cả năm cái miệng sạch trơn. Hắn hầm hừ chửi đổng, dọa thưa quản giáo thì ông già Long can lại. Sau cùng ông tổ trưởng - tụi tôi gọi là tổ bố - để cho êm chuyện, nhường hắn nửa phần thịt. Cũng chẳng hay ho gì. Ông tổ trưởng nhà ta biết tối hôm đó đi họp ban, biết đâu chả được chia chác thêm. Chả là ông ta thường lên bộ chỉ huy trại, phần nhiều là họp, nhưng cũng có khi lên dậy bóng chuyền cho tụi vệ binh, cái thèm đồ ăn có lẽ do đó cũng không đến nỗi quá quắt như lũ tù đói tụi tôi.

- Còn anh chàng Thu rồi ra sao? Tôi hỏi Quang.

- Thì cũng đành chịu nửa miếng thịt chứ sao. Hình như thằng cha đó nó là ăng ten thực, vì mấy hôm sau cán bộ xuống dũa tụi tôi một chặp, nào là học tập rồi mà cũng chưa tiến bộ, nào là chụp cho đám lính thua trận chúng tôi một chồng mũ. Mũ nào cũng có, ngoài mũ cối. Nào ăn cắp ăn trộm gà của dân, rồi hãm hiếp đàn bà con gái, giết người lớn và thui sống trẻ con, một dọc. Mình thất thế đành ngồi nghe, vừa ức vừa mắc cười. Mấy con mẹ hàng cá hôi hám đó có đứa nào bị hiếp đâu, bộ đội làm thì có, với lại nói thực sức đâu mà hiếp với đáp, Sục cặc cả ngày không xuất nổi, còn bị giết thì chỉ có một tên trốn trại bất thành bị tụi nó bắn ngoài rào. Câu chuyện thành một đề tài tán gẫu cho cả trại suốt thời gian sau đó, mà không ai tìm ra đáp số. Nhưng rồi nó cũng qua đi, như bao chuyện khác trên đời. Nhất là lúc ấy tụi tôi còn trăm thứ bà dằn phải lo. Phần tôi, mấy tháng sau chuyển trại, tuy không gặp lại mấy người trong nhóm ăn nữa, nhưng câu chuyện ngày hôm đó cứ ám ảnh tôi hoài. Thỉnh thoảng tôi nhớ lại và lần nào cũng thử tìm một giả thuyết nào đó cho cái bí mật, nhưng vẫn chưa tìm ra....

***
Câu chuyện vừa tình cờ nghe Quang kể làm tôi bần thần. Tôi nhớ mình đã có nghe ở đâu đó một chuyện tương tự. Ký ức mù mờ không còn dấu để trở lại. Tôi hỏi bâng quơ:

- Rồi sau này anh còn gặp lại mấy người trong trại nữa không?

- Có chứ. Mắt Quang sáng lên như có chỗ giải thoát cho những câu chuyện từ lâu chôn chặt trong trí. Lúc tôi được thả có đến nhà anh Nguyện công binh, lúc anh chuẩn bị lên đường về quê. Chúng tôi trở thành bạn thân từ đấy. Hiện nay thỉnh thoảng tôi vẫn thư về anh ta, dưới Long Xuyên. Còn những người kia trong tổ ăn chung sau cũng lần lượt về hết, nhưng tôi không gặp ai nữa, ngoại trừ có mấy lần gặp anh chàng Thu lé ngoài chợ Huỳnh Thúc Kháng, nhưng tôi không nhìn mặt. Cái thứ ăng ten ấy đâu đáng để cho mình chơi, anh nhỉ. Chỉ có anh chàng Nguyện lẩm cẩm. Nhắc lại chuyện xưa, anh ta cười xòa, bảo: ôi hơi đâu để ý mấy thứ tạp nhạp đó...

Tôi suýt 'à' lên một tiếng. Phải rồi. Câu chuyện Quang kể đứt ngang, để lại dấu hỏi cho bao nhiêu người, thì tôi lại tình cờ nghe được phần kết ấy, do chính anh chàng Nguyện kia kể, trong một lần chúng tôi ngồi quán cà phê tán gẫu với nhau lúc chờ mối giao hàng. Chuyện cải tạo đúng là chuyện con voi, bởi thế tôi mới không kịp nhận ra là anh chàng Nguyện tôi có lần gặp với anh chàng Nguyện trong câu chuyện của Quang là một người, nếu không có cái tên Thu lé vừa được chêm vào. Thế giới đúng là nhỏ bé.

Nhưng thôi. Tôi có thể bỏ qua phần đầu, vì nó cũng chẳng hay ho gì khi kể lại những sứt mẻ của tình bạn, hay tình đồng ngũ, đồng tù, và từ đó đưa tới chỗ căm thù nhau thực không xa bao nhiêu. Nguyện gặp tôi chỉ là một tình cờ, như những con người khác tình cờ ta gặp nhan nhản suốt ngày. Dạo ấy chợ trời bị bố ráp thường xuyên. Có nhiều tay buôn hàng không còn đúng nghĩa là người buôn bán nữa, bởi vì họ không có hàng bày bán. Quán cóc bên lề đường là trụ sở tụ họp. Vài chiếc ghế đẩu lỏng chỏng, đen cáu bụi đường. Một tủ thuốc lá chưng mấy bao không làm màu. Một hỏa lò đun nước, vừa để pha trà, vừa pha cà phê. Thế là có một chỗ để hội họp một cách tương đối hợp pháp. Chúng tôi thường tụ nhau tại những quán con con như thế, vừa chờ mối, vừa nói chuyện gẫu. Người mua tấp xe bên lề, hỏi một hai câu, có khi dấm dúi chìa ra một mảnh giấy con ghi vài chữ loằng ngoằng. Giá cả thỏa thuận, cả hai dắt nhau lấy hàng và trao tiền. Thường chúng tôi có hàng giao ngay ở một ngõ hẻm gần đấy. Nhưng có khi phải đạp xe vài cây số đến nhà người quen. Cũng có nhiều khi gặp món gay go, phải hẹn ngày khác.

Cuộc sống vì thế trở nên kỳ quái. Cả ngày uống cà phê, hút thuốc và tán nhảm. Mà vào thời đó, chuyện giết thời giờ nhanh nhất vẫn là những kỷ niệm còn nóng hôi hổi trong lò cải tạo. Thân tôi lính quèn, chỉ biết ngồi nghe mấy bực đàn anh tán gẫu với nhau, trong đó có anh tôi, một nửa chân bỏ lại chiến trường đổi lấy hai ba cái huy chương, sau đó bị vứt ra khỏi giường quân y viện để nhường chỗ cho những người của phía bên kia. Cũng nhờ cái chân cụt đúng lúc mà anh thoát khỏi đày đọa trong gang tấc. Nguyện, anh bạn đồng ngũ, lãnh đủ năm năm.

Nguyện kể cho anh tôi nghe về anh chàng Thu lé lắm tài vặt mà anh hay tâng bốc một cách mỉa mai mỗi khi thấy anh ta khoe khoang về một thành tích nào đó. 'Nhất anh Thu đó nhé'. Thoạt đầu ai cũng cho là lời nói vô tư, sau có kẻ mách lại 'nhất lé nhì lùn', Thu giận anh Nguyện ra mặt. Nhưng thôi, Nguyện nói, cái thứ mặt lưỡi cày đó tao không ưa, lại thêm thói làm ăng ten.

Thấy anh ta mân mê trong tay hoài mấy con bù lon như nhà ảo thuật, tôi hỏi:

- Anh tính ra nghề bài ba lá hả?

Anh ta cười tủm:

- À. Lâu lâu không có gì làm, tập mấy ngón tay, chứ không lại bắt thèm thuốc lá.

Chợt anh ta quay sang anh tôi, bảo:

- Tao vừa nói chuyện với mày về thằng Thu. Cũng nhờ cái tài vặt này mà tao cho hắn một bữa ná thở, và cho cả tổ một trận cười no.

Tôi nôn nóng chêm vào:

- Chắc anh dụ ông Thu đó chơi bài?...

- Không. Bài đâu mà chơi, cha nội. Chỉ vì một bữa ăn. Hôm ấy lễ lớn, đâu như ngày hai tháng chín ấy. Cả bếp được chia một cái đùi bò, cắt ra vừa vặn mỗi người một miếng con. Mươi gram cũng gọi là huy hoàng lắm trong thời buổi đó. Cái đùi bò dai nhách, kho mặn thịt tóp lại còn bằng ba ngón tay. Mẹ kiếp. Đứa nào cũng hau háu nhìn. Nhất là cái thằng Thu. Cặp mắt ăng ten của nó dòm đâu cũng lấm lét. Lấm lét tao cho mầy lấm. Tao lừa lúc nó lơ đãng, thịt đã chia phần rồi, tao tóm gọn miếng thịt của nó quăng tọt vào gậm sập. Cho mày chết. Cả tổ xôn xao...

***
Tôi không cần nhắc lại đoạn này từ lời kể của một người cũng trong cuộc. Chỉ có điều, anh chàng Nguyện, khi hể hả kể xong câu chuyện, chiêu một ngụm trà, chắp chắp lưỡi, nói như tiếc nuối:

- Giờ nghĩ lại cũng tội cho nó. Mẹ. Cả mấy tháng chờ có miếng thịt, giờ chót lại không được hưởng. Lắm lúc mình cũng thấy tàn nhẫn. Trừng phạt bằng cách cúp miếng ăn, nghĩ lại cũng tội. Chỉ có tụi Việt cộng mới thích trò này. Mà biết đâu nó chỉ làm ăng ten vì hoàn cảnh, con vợ túng thiếu chỉ cầu mong vào thằng chồng mang tờ giấy tạm tha về trình phường khóm? Hay biết đâu nó chỉ bị tụi quản giáo đưa vào trò xiếc như lũ tụi mình?

Tôi nhìn xuống chiếc đĩa của mình, còn hai điếu thuốc cuối cùng nằm phơi sương. Tôi đưa cho Quang một điếu, hai đứa im lặng ngồi rít, mỗi tên nghĩ đến tình đời theo cách riêng của mình.

Nguyễn Hiền
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2021