Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
cau-doi-tet-hay-1
 
Hoàng Dung Ngày Xuân Nói ChuyŒn Câu ñÓi


Trước hết, xin dùng hai câu đối của cụ Nguyễn Công Trứ để chúc quí vị:

Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa
Sáng mùng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà

Nếu quý vị nào còn xuân, thì xin mượn hai câu của bà Hồ Xuân Hương để chúc:

Đêm ba mươi tống cựu, khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa qửi tới
Sáng mùng một, lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào

Câu đối được coi là thú vui tao nhã của các cụ hồi xưa, không thuộc loại tứ đổ tường, nhập lưu từ bên Tàu,và được Việt Nam hóa, có lẽ do các cụ ông vì chỉ có các cụ nho sĩ đàn ông, mới không có việc gì làm, ngồi uống trà hút thuốc hoặc uống rượu nói dóc rồi bịa ra.  Còn các bà thường lao động mù mịt, thì giờ đâu mà trà dư tửu hậu. 

Cả ngàn năm qua,  cả ta tàu gì cũng có cả triệu câu đối.  Ở đây, tác giả chỉ muốn nhắc lại những câu đối phổ thông và những câu đối vui, nhất là những câu “tục mà thanh” đọc đỡ buồn  trong mùa xuân Cô Vit.

Trước hết, trong những câu đối nghiêm chỉnh, có câu đối của cụ Mạc Đĩnh Chi. 

Tương truyền khi cụ đi sứ Tàu, đến ải Nam Quan thì đã trễ.  Tàu không cho vào, ra một câu đối, bắt cụ phải đối được mới cho qua.  Câu đối của Tàu:

Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan (qua ải trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan). Câu đối khó vì có 4 chữ quan. Nhưng cụ Mạc đối lại ngay:

Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối. (cũng có 4 chữ đối, nghĩa là ra câu đối thì dễ, đối lại mới khó, mời ông đối trước).  Dĩ nhiên là Tàu để cho cụ qua.

Lại chuyện đi sứ, Một chuyện khác, chắc là bịa, sứ Tàu sang nước ta, vua cho bà Đoàn Thị Điểm giả làm chủ quán rượu bên đường tiếp.  Sứ Tàu thấy bà Điểm liền ra câu đối trêu ghẹo:

An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh (có nghĩa An Nam có 1 tấc đất mà không biết bao nhiêu người cày). 

Tuy nhiên cái chỗ kích thước 1 tấc và việc hì hục cày lại có nghĩa khác.  Bà Đoàn Thị Điểm đối ngay:

Bắc quốc vạn đại phu, giai do thử đồ xuất (Bắc quốc vạn người đều do chỗ đó chui ra).

Trở lại những câu đối nghiêm chỉnh, nhiều người biết đến giai thọai Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhiệm.  Hai người quen biết nhưng Đặng Trần Thường có vẻ đố kỵ vì Ngô Thời Nhiệm giỏi và tiếng tăm hơn.  Ngô Thời Nhiệm theo phe Tây Sơn, Đặng Trần Thường theo Nguyễn Ánh.  Sau khi Quang Trung chết thì Nguyễn Ánh thắng trận. 

Ngô Thời Nhiệm bị bắt.  Đặng Trần Thường ra câu đối có ý xỏ xiên:

Ai công hầu, ai khanh tướng.  Trong trần ai ai dễ biết ai

Ngô Thời nhiệm thản nhiên đối lại:

Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế

Cũng thuộc lọai câu đối nghiêm chỉnh, sử gia đầu tiên của Việt Nam là Lê Văn Hưu cách nay hơn 800 năm, khi còn nhỏ, đi ngang một lò rèn, vào xin làm 1 cái dùi đóng sách. Chủ lò rèn thấy ông còn là học trò, ra vế đối:

“Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi sắt”. 

Ông đối ngay:

Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi mà đỗ khôi nguyên.”

Những câu đối có vần điệu thường thấy trong thơ thất ngôn bát cú (7 chữ 8 câu), hai câu thứ 3 và thứ 4 đối nhau, 2 câu 5,6 cũng đối nhau.  Thí dụ bài thơ của cụ Nguyễn Khuyến:

Đã bấy lâu nay bác tới nhà 
Trẻ thì đi vắng chợ thời xa
Ao sâu, sóng cả, khôn chài
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà
Cải chửa ra hoa cà mới nu
Bầu vừa rụng rốn mướp đương hoa
Đầu trò tiếp khách trầu không có
Bạn đến chơi đây, ta với ta

Cụ Nguyễn Khuyến cũng có 2 câu khai bút đón xuân:

Tết đến, rượu ngon, đưa mấy
Xuân về, bút mới, thử vài trang

Cùng thời với Nguyễn Công Trứ, nhưng không may mắn như ông, có Cao Bá Quát, ông này bị đì lên đì xuống đến nỗi phải làm lọan và chết.  Do vậy, ông có những câu đối cay cú khi đi dạy học:

Nhà lá ba gian, một thày, một cô, một chó cái
Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi  

Tuy nhiên, những câu đối “kinh điển” như trên ít được phổ biến. Câu đối nổi tiếng nhất được truyền tụng trong nhân gian có lẽ là câu

“Da trắng vỗ bì bạch”

Câu này khó ở chỗ là nó gợi hình và bì bạch tiếng Hán là da trắng.  Có rất nhiều câu đáp như Trời xanh màu thiên thanh.  Con rể sống tử tế  Rừng sâu mưa thâm lâm…. Nhưng chưa câu nào đối được một cách hoàn chỉnh. Câu đố này được gán vào chuyện Trạng Quỳnh rình bà Đoàn Thị Điểm tắm,  bị bắt gặp và bị ra câu đối khiến Trạng Quỳnh ú ớ. 

Tôi ngờ rằng đó là chuyện hư cấu vì bà Đoàn Thị Điểm là một người làm thơ nghiêm túc.  Nhưng vì bà là đàn bà, bà bị gán cho nhiều chuyện với Trạng Quỳnh với những câu đối hàm ý sex.  Chẳng hạn như câu:

Cây xương rồng, trồng đất rắn, long vẫn hoàn long (long là rồng, ở đây chắc có nghĩa là lung lay)

Trạng Quỳnh đối: Quả dưa chuột, tuột thẳng gang, thử chơi thì thử (thử là chuột)

Hoặc có câu táo bạo hơn: “Trướng nội vô phong phàm tự lập” (trong trướng không gió sao cột cứ dựng lên) và Trạng Quỳnh đối “Hung trung bất vũ thủy trường lưu” (trong bụng không mưa mà sao nước cứ chảy ra hoài).

Trạng Quỳnh vốn rắn mắt từ nhỏ.  Hồi đi học, học ông đồ tên Cát, ông đồ đưa ra câu đối “Trời sinh ông Tú Cát”  Trạng Quỳnh đối ngay “Đất nứt con bọ hung”.  Đất đối với Trời, Hung đối với Cát thật chỉnh

Tuy nhiên, nói đến thơ văn táo bạo, chúng ta phải nhắc tới bà Hồ Xuân Hương.  Ngoài hai câu đối kể trên

“Tối ba mươi, khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đem quỉ tới”                   
“Sáng mùng một, lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào”

Hai câu khác cũng được gán cho bà:

“ Đêm ba mươi tống cựu, khép cánh càn khôn, một then đưa đẩy khìn khin khít khịt”     
“Sáng mồng một nghinh tân, mở lò tạo hóa, hai cánh banh ra toác tọac toàng toang”

Cũng xin nhắc lại hai câu thơ bà mô tả khi bà trượt chân té chỏng gọng:

“Dơ chân với thử trời cao thấp “                                                                                        
“Xọac cẳng đo xem đất ngắn dài”

Bà Hồ Xuân Hương không bị gán với ông Trạng Quỳnh mà lại bị gán với ông Phạm Đình Hổ. Chẳng hạn bà Hồ xuân Hương ra câu đối:

”Lọng tía, tán vàng, che đầu nhau mỗi khi nắng cực”. Cái key word của câu đối là chữ nắng cực nói lái.  Ông Phạm Đình Hổ đối ngay “Thuyền rồng, mui vẽ, vén buồm lên rồi sẽ lộn lèo”.  Ai hiểu sao thì hiểu.

Tuy nhiên, hai người cũng có 2 câu đối được truyền bá rộng rải, và được Tuấn Khanh và Hoài Linh dựa theo ý và phổ nhạc trong bài “Giọt Lệ Vu Qui”:

Hồ Xuân Hương : “Khấp như thiếu nữ vu qui nhật”                                                          
Phạm Đình Hổ “Tiếu tựa thư sinh lạc đệ thi”                                                                            
(Cô gái về nhà chồng vui như tết lại khóc.  Anh thí sinh thi rớt đau như họan lại cố cười)

Trở lại những câu đối dân gian.  Trước hết có những câu đối về Tết:
“thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”                                                                                            
“Cây nêu, tràng pháo bánh chung xanh”

Sau 1975, có những câu đối, được xếp hạng R như:

Cô gái Củ Chi, chỉ cu hỏi củ chi”  
                                                                                        

và được đối: “cậu trai Giải Phóng, phỏng giái khi giải phóng”, hoặc: “Con trai Bắc Cạn, bán rau(?) ở Bắc Cạn”.

Có mấy câu khác như : “Trai Hóc Môn, vừa hôn vừa móc” “ đối  “Gái Gò Công, vừa gồng vừa co”
Có những câu đối,  khó ở chỗ có cùng một chữ đầu,  tả hoàn cảnh thời đại:

“Thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt”                                                                           
“Lọc lừa, lươn lẹo, lại lên lương”

Lại có những câu đối cần sự tưởng tượng như hai câu

“ Nhi nữ đồng hành, tung hoành tứ khẩu”                                                                           
“Tam giai đồng tọa, thượng hạ lục đầu”.

Tại sao hai cô cùng đi mà có 4 cái miệng, ba anh cùng ngồi nhưng lại có 6 cái đầu thì tùy sự suy diễn của người đối diện.

Ngoài ra, trong dân gian, có những câu đối rất phổ biến như

“Vợ cả vợ hai, hai vợ đều là vợ cả”                                                                                   
“Người ta người mọi, mọi người đều giống người ta”

Vì chữ Việt có nhiều chữ từ chữ Hán, nên chuyện câu đối cũng có những mẹo nhỏ trong đó.  Chẳng hạn chuyện một bà ở đâu ngòai Quảng Nam ra Huế thường ngồi trước cửa nhà một ông quan  trong Thành Nội để bán hàng.  Bà bị đuổi hoài nên bỏ nghề và than thở, vô tình thành 2 câu đối:

“Bán mãi cửa quan sợ cụ” (mãi là bán, quan là cửa, cụ là sợ)                                           
Không vô trong nội nhớ hoài” (vô là không, nội là trong, hoài là nhớ).

Tuy không đối chỉnh lắm nhưng hai câu trên cũng có khía cạnh thú vị.của nó  Tương tự, một vị vô danh nào đó đã có hai câu đối Pháp Việt đề huề:

Nước Lô thủy chảy cùn mé biển “ (Lô: L’eau, Cùn : Couler (!), Mé: (Mer)                        
Núi Mông sơn cao hốt sen trời” ( Mông: Mont, Hốt : haut, Sen (Ciel (!!!) )

Một câu đối khó, hình như chưa ai đối được là câu “Hai cha con ông thày thuốc về quê, gánh một gánh hồi hương phụ tử”. Khó là hồi hương và phụ tử là hai vị thuốc Tàu và cũng có nghĩa là cha con về quê.

Sau hết, chúng tôi xin kết luận bằng một lời chúc quí vị (không phải câu đối ), qua hai câu thơ trích trong google:

Chúc nhau sống khỏe như trâu
Sống dai như đỉa, sống lâu như rùa

Tiền tài như nước mùa mưa
Sống vui với vợ lại vừa lòng con


Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2022