Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
 
caduceus-medical-icon-in-gold-sticker-1611709104.4088178
Người theo học ngành y ở Việt Nam được các giáo sư, giảng viên trong ban giảng huấn Trường Y Khoa đối xử đặc biệt. Nhiều đồng nghiệp của tôi kể rằng thân phụ của họ đã được đích thân Giáo sư Phạm Biểu Tâm đứng ra phụ trách giải phẫu khi các cụ phải mổ. Phần tôi thì chỉ nhờ vả các giáo sư, các giảng viên chữa trị bệnh tật cho bản thân tôi hay cho thân nhân bên vợ và cho vợ con.

Sau 1975, tự dưng tôi phát hiện mình có một cái bướu nhỏ ỡ mí mắt bên trái. Cái bướu không gây khó chịu gì, không ảnh hưởng gì đến thị giác, nhưng tôi vẫn sợ và tìm cách bàn luận với một đàn anh ra trường trước tôi hai năm chuyên về nhãn khoa. Anh bạn mở sách chuyên môn ra tham khảo rồi cho biết có lẽ đây là loại bướu ác tính, cần phải mổ gấp và có thể phải múc luôn con mắt trái ra khỏi nhãn cầu. Tôi khiếp đảm tìm đến cầu cứu Giáo sư Nhãn khoa Nguyễn Đình Cát. Giáo sư Cát và tôi vốn quen nhau khá thân vì hai chúng tôi đều thuộc tiểu ban biên soạn từ điển chuyên môn y khoa Pháp-Việt do Bộ Y Tế (Việt cộng) chủ trì; chúng tôi gặp nhau hằng tuần hai lần. Tham gia tiểu ban này về phía nhóm trẻ chúng tôi có Ngô Thế Vinh, Đỗ Hồng Ngọc và tôi; về phía cao niên có Giáo sư Nguyễn Đình Cát, Bác sĩ Nguyễn Đức Nguyên và Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Một mình Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là bác sĩ do Pháp đào tạo nhưng tập kết và từ R về. Với kinh nghiệm lâm sàng dồi dào, Giáo sư Nguyễn Đình Cát an ủi tôi, bảo không phải bướu ác tính đâu, cứ lấy hẹn ở Phòng Thư ký Khu Nhãn khoa Bệnh viện Bình Dân, vài ngày sau tôi sẽ được mổ. Quả nhiên mọi chuyện xảy ra tốt đẹp và an toàn, vết mổ bướu mi mắt bên trái ngày nay không còn dấu vết gì hết.

Khi tôi theo học Y khoa năm thứ ba, chúng tôi đi thực tập tại Bệnh viện Chợ Quán, Khu Truyền Nhiễm. Nhóm chúng tôi có chừng mười lăm người và do Giáo sư Auguste Rivoalen phụ trách hướng dẫn. Mỗi ngày, Giáo sư đến Bệnh viện lúc chín giờ để nghe chúng tôi báo cáo về những diễn biến trong phiên trực đêm trước, về những ca bệnh mới nhập viện, về kết quả điều trị những ca bệnh đang nằm điều trị (gồm đủ lứa tuổi và gồm cả nam lẫn nữ). Kể từ mười giờ trở đi là thời gian viếng bệnh. Từ chín đến mười giờ, nếu sinh viên nào có thân nhân cần xin khám bệnh thì Giáo sư sẵn sàng tiếp. Bà thứ mẫu của vợ tôi bị bệnh sạn túi mật, tôi xin Giáo sư khám. Giáo sư khám cẩn thận và giới thiệu đến Bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng, có phòng mạch chuyên về quang tuyến ở Đakao, để xin chụp ảnh túi mật sau khi chích thuốc cản quang. Bác sĩ Hoàng kể lại với tôi khi tôi đến Bệnh viện Bình Dân nhận tập ảnh chụp X Quang túi mật là Ông chỉ còn một ống thuốc cản quang, được thư giới thiệu của Giáo sư Rivoalen nên đã mang ra dùng ngay. Kết quả, bà thứ mẫu của vợ tôi có cái túi mật phình to, chứa đầy sạn lổn nhổn. Bà không dám đi mổ, chỉ ăn uống giữ gìn cẩn thận hơn. Bà sống đến gần chín mươi và mang túi mật đầy sạn theo mình xuống lòng đất.

Khi bà xã tôi có thai lần thứ nhất, tôi gửi bả đến phòng mạch tư của Bác sĩ Từ thị Mỹ để xin theo dõi. Bà xã tôi người thấp bé và xương hông thuộc loại không chật hẹp nhưng ở mức độ biên giới (bassin limite). Đến ngày sanh, Chị Từ thị Mỹ khuyên tôi đưa vào Từ Dũ cho chắc ăn. Đỡ đẻ cho bà xã tôi là Bác sĩ Trần thị Long. Chị người Nam, cao lớn, tánh tình thuần hậu, vồn vã. Tôi được phép đứng cạnh bàn sanh xem Chị làm forceps kéo thằng con trai của tôi ra khỏi cơ thể mẹ nói. Ngày hôm sau khi đi visite Chị kể : “Tui thấy cái đầu nó đầy tóc đen sì, cứ tưởng là con gái, ai dè lại là con trai.“ Vì cái kìm kẹp vào đầu khá chặt, con trai tôi bị bầm tím một chỗ trên đầu. Nay nó là pathologist ở Bệnh viện Orlando bên Mỹ. Đến lượt con gái tôi thì cũng Chị Long đỡ đẻ. Khi bà xã tôi lên cơn đau đẻ, tôi thuê tắc-xi chở vào Từ Dũ, lên khu Sản Phụ Khoa thì phòng sanh hết chỗ mà cũng không có phòng tiếp nhận sản phụ nào trống nên các anh chị em sinh viên trực sản khoa được lệnh tạm nhường phòng trực của họ cho bà xã tôi nằm chờ! Lần này vẫn là Chị Trần thị Long phụ trách sanh nhưng không kéo forceps mà làm épisiotomie (xẻ rạch cửa mình cho rộng hơn để trẻ sơ sinh dễ chui ra). Con bé do Chị đỡ đẻ hiện là bác sĩ chuyên khoa ung thư trong một bệnh viện Đức. Thằng con trai thứ của tôi nằm trong bụng mẹ không chịu nằm như mọi đứa trẻ khác nghĩa là quay đầu xuống dưới để dễ chui ra mà nó lại tai quái ngồi trong bụng mẹ, quay đầu trên lên, đặt đít xuống dưới. Tôi phải nhờ Giáo sư Sản Phụ Khoa Nguyễn Văn Hồng làm césarienne tại nhà thương tư Saint Paul để kéo nó ra. Sau khi làm césarienne, nhà thương tiếp “nước biển“, các xơ bảo tôi lên Cộng Hoà xin hai chai nước biển về trả lại cho bệnh viện. Tôi liền vào Bình Dân và gặp Chị Trần Kim Hoàn xin hai chai dung dịch truyền tĩnh mạch. Nghe tôi kể chuyện césarienne, Chị Hoàn bảo thằng bé này lớn lên sẽ làm lớn vì nó không chịu chui ra theo đằng dưới. Quả nhiên Chị Hoàn tiên đoán đúng, nó hiện làm đến...nha sĩ có phòng mạch tư ở Đức, gần Bonn và nó hiện ở chung với chúng tôi! Sau khi bà xã tôi về nhà ít lâu, coi như gần hồi phục hoàn toàn, hai vợ chồng chúng tôi mang một chục xoài Long An thứ thật bự đến biếu Giáo sư Nguyễn Văn Hồng. Thành ra bà xã nằm sanh ở nhà thương tư mà chỉ phải trả tiền phòng và tiền công các xơ chăm sóc hậu phẫu mà thôi. Thời tôi học y, nền y tế quốc gia chưa có loại xe y tế cứu cấp, loại xe chỉ cần gọi số 112 là hụ còi inh ỏi chạy tới tức thì, hiện nay nước nào cũng có, có lẽ kể cả nhiều nước Phi châu.

Thằng con trai đầu lòng của chúng tôi thỉnh thoảng lên cơn sốt hay ho. Tôi để bà xã đưa nó đến phòng mạch tư của Giáo sư Phan Đình Tuân xin khám bệnh điều trị. Chúng tôi thanh toán y phí như mọi bệnh nhân khác. Có lần nó ho dai dẳng, tôi bế nó vào Nhi Đồng nhờ Giáo sư Phạm Gia Cẩn khám bệnh, Giáo sư cho chích thuốc ho tan trong nước pha với Vitamin C, mỗi lần một phần ba ống thuốc. Tôi quên tên đặc chế của thuốc rồi. Những dịp tôi mang con vào nhờ các Giáo sư ở Nhi Đồng khám thì không phải chờ đợi lâu la, các cô y tá hay thư ký để cho tôi ngồi chờ ngay trong phòng làm việc của chư vị Giáo sư, khi chư vị tới là con tôi được khám liền. Ngoài ra tôi nhớ mỗi lần các con tôi ấm đầu hay nóng sốt là thuở bấy giờ chúng được cho uống euquinine, dưới hình thức thuốc bột trắng. Khó ngủ, khóc nhè, hay quấy thì có sirop Phénergan.

Tôi làm thèse chậm vì còn lo đi học tiếng Đức và học Đông y. Tôi xin Anh Nguyễn Thế Minh cho đầu đề. Đầu đề là “Contribution à l‘étude des fièvres typho-paratyphoides en milieu hospitalier vietnamien“. Thật ra thèse của tôi chẳng có gì đặc sắc, chỉ là một thủ tục hành chánh bắt buộc, không có không được. Gì chứ contribuer thì contribuer cái gì chả được! Kể thêm vài chục cas thương hàn và phó thương hàn cũng là contribuer vậy! Tôi nộp những cuốn thèse cho văn phòng Trường Y thì lại gặp rắc rối với ông thư ký phụ trách nhận thèse. Cuối cùng, tôi cũng trình được luận án ngày 08.05.1967. Sau khi tôi trình thèse xong thì Anh Nguyễn Thế Minh có dịp qua Canada dự hội nghị y tế gì đó. Anh nhắn tôi mang thèse đến gấp cho Anh để Anh mang ra nước ngoài trình bày, cùng chung với các dữ kiện khác. Một lý do khác khiến tôi chậm trình luận án là do điều lệ cấm các bác sĩ quân y hiện dịch không được phép mở phòng mạch tư. Không biết chuyện cấm đoán này xảy ra từ bao giờ và năm nào tháng nào thì hết cấm. Tôi chỉ còn nhớ là muốn mở phòng mạch tư, bác sĩ quân y phải được phép của Tổng Tham mưu trưởng. Giấy phép mở boutique cấp cho Y sĩ Đại uý Trần Văn Tích do Đại tướng Cao Văn Viên ký. Cùng một danh sách với tôi, tôi nhớ có Y sĩ Đại uý Vũ Chấn, cùng khoá với tôi và hiện ở bên Hoa Kỳ, NY.

Kinh nghiệm làm thèse với Anh Nguyễn Thế Minh khiến tôi nảy ra ý kiến cần giúp đỡ người khác làm thèse thay vì chỉ ngồi viết những bài nghiên cứu lẻ tẻ bằng Anh hay Pháp ngữ để gửi đăng trên Tập san Quân y. Vốn dĩ tôi vẫn thích viết lách. Dịp may hiếm hoi đến với tôi khi Cục Quân y biệt phái tôi sang làm cố vấn cho các cố vấn Mỹ ở Trung tâm Khai thác Quân dụng Hỗn hợp, Combined Material Exploitation Center, trụ sở bí mật đóng trong phi trường Tân Sơn Nhứt. Làm việc ở Trung tâm này, tôi thường cùng các đồng nghiệp Hoa Kỳ đến cơ sở bệnh viện tư Dung Anh cũa Giáo sư Trần Đình Đệ, lúc bấy giờ được phái đoàn WRAIR - Walter Reed Army Institute of Research - thuê mướn làm trụ sở. WRAIR cung cấp thường xuyên và đều đặn cho tôi các công trình nghiên cứu y khoa của họ liên quan đến các chứng bệnh nhiễm trùng thuộc vùng đồng bằng miền nhiệt đới như giun chỉ, sốt rét. Tôi yêu cầu họ cho phép tôi tu chỉnh lại và viết thành luận án y khoa bằng Pháp ngữ. Họ rất hoan nghênh.

Ngoài ra tôi cũng hướng dẫn hay viết giúp một số sinh viên y khoa Huế soạn luận án về đông y. Luận án về “hổ khẩu tam quan“ - còn gọi là “thấu quan xạ giáp“ - khiến Miền Bắc khâm phục nền y học Miền Nam vì đã biết đề cao khía cạnh tìm hiểu khai thác y học cổ truyền, lại còn giới thiệu nền y học của tiền nhân bằng ngoại ngữ nữa! Luận án đó tôi viết cho một sinh viên y khoa Huế, không còn nhớ là viết giúp cho ai. Hổ khấu tam quan là phương pháp xem văn tay nơi ngón tay trỏ ở trẻ em. Ngón tay này có ba đốt, đốt liền với bàn tay, đốt thứ nhất, là phong quan, tiếp đến đốt thứ hai là khí quan, đốt cuối, đốt thứ ba là mệnh quan. Chỉ văn hiện rõ ở phong quan là bệnh còn ở biểu, còn nhẹ. Chỉ văn vươn tới khí quan là bệnh đã khá nặng. Chỉ văn lan toả tới mệnh quan thì bệnh càng nghiêm trọng hơn. Tóm lại đây là một phương pháp triệu chứng học giúp ước định tiên lượng bệnh tật ở nhi đồng. Tất nhiên không thể chỉ sử dụng riêng rẽ mỗi một cung cách chẩn đoán này mà còn phải kết hợp toàn bộ cả tứ chẩn. Với tôi, phải đi bước đầu tìm hiểu nền y lý cổ truyền, phải mở đường khai lối cho biết về những đặc điểm, chi tiết, dữ kiện chưa được giới y khoa biết tới, nhằm làm cơ sở tìm hiểu rộng hơn, sâu hơn, rõ hơn nền y học của tiền nhân. Phái đoàn của Miền Bắc vào “điều nghiên“ nền y học Miền Nam sau 75 do Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Bộ trưởng Y Tế, nguyên Viện trưởng Viện Đông Y hướng dẫn. Phái đoàn tổng kết những điều ghi nhận thành một báo cáo gửi cho Đảng đoàn Bộ Y Tế và cho Bộ Y Tế. Trương Thìn cho tôi đọc bản báo cáo này. Anh Bùi Duy Tâm cũng có một bản sao liên hệ và hiện vẫn còn giữ.

Không chỉ cho thèse cho ngành Y, tôi còn được bạn Trương Mạnh Khải, corps enseignant Trường Dược - Bạn Khải coi như cùng promotion với tôi - nhờ tôi cho thèse về Dược giúp cô em gái đã tốt nghiệp Dược sĩ. Thèse có nội dung là Dược thảo Đông Y. Bạn Khải đến nhà gặp tôi và hỏi cho thèse thì có références chứ? Tôi bảo đương nhiên. Références ư? Đó là JAPTA, một thứ Physician Desk Book hay Vidal của Nhật; đó là Dược điển Nhật Bản (hồi đó đã được tôi giới thiệu trên Tạp chí Phương Đông); đó là những bộ Materia Medica Nhật ngữ đồ sộ và huy hoàng với hình ảnh cây cỏ làm thuốc của phương đông trình bày bằng màu tuyệt đẹp v.v.. Không may chưa kịp làm gì thì mất Miền Nam. Thực ra có thể viết một luận án bằng tiếng Pháp giới thiệu chi tiết Bộ Dược Điển Nhật Bản ấn bản thứ tám, phát hành năm 1973 gồm hai tập dày khoảng 1.400 trang. Tài liệu tham khảo này được Bộ Y Tế Xã Hội Nhật gửi biếu Bộ Y Tế Việt Nam Cộng Hoà ngay sau khi sách hoàn tất ấn hành vì người Nhật xem đây là một niềm tự hào dân tộc của họ. Những tài liệu vừa kể là cơ sở khiến tôi có dịp đăng đàn diễn thuyết nhiều lần tại trụ sở Trường Đại học Dược Khoa Sài Gòn hay tại Hội Trí thức Yêu Nước sau khi ra tù cộng sản.

Tôi chú tâm nghiên cứu về dược liệu cổ truyền nên trước 1975, tôi đã biết là ngoài Bắc có Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi cũng chuyên về lĩnh vực này. Ngay sau ngày 30.04, khi tư nhân tại hai miền Nam Bắc được phép trao đổi thư từ với nhau, tôi viết thư cho anh Đỗ Tất Lợi, đề địa chỉ Trường Đại học Dược khoa Hà Nội. Anh Lợi nhờ ngay một người bà con ở Sài Gòn tìm mọi cách đến gặp tôi vì theo Anh, tôi dẫu ở Miền Nam nhưng biết rõ những việc làm của anh ấy hơn rất nhiều người ở Miền Bắc. Sau khi tôi đi tù cộng sản về, Anh Lợi đến gặp tôi rất nhiều lần và Anh làm quen với cả gia đình tôi. Thậm chí có hôm Anh tới nhà tôi vào buổi trưa và bảo bà xã tôi : “Hôm nay tôi đến thăm Anh Chị và chủ động xin Anh Chị cho ăn trưa!“. Sau đó Anh xin tôi cho anh ấy mượn cái máy đánh chữ với bộ chữ cái Việt ngữ hiệu Hermes do Tây Đức sản xuất. Qua những lần gặp gỡ tự nhiên, thân thiện đó, tôi đã cung cấp cho Tiến sĩ Dược Khoa Đỗ Tất Lợi nhiều chi tiết về các dược liệu đông y nên khi tái bản lần thứ tư cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, ngày 15.03.1981, Anh Đỗ Tất Lợi cám ơn ba “dân nguỵ“ là Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Giáo sư Lê Văn Thới và cá nhân tôi! Sau khi tôi rời Việt Nam sang tỵ nạn tại Tây Đức, Anh Đỗ Tất Lợi vẫn tiếp tục thư từ qua lại với tôi cho đến khi anh mất. Qua những người do chế dộ cộng sản đào tạo như Giáo sư Nguyễn Tấn Gi Trọng, Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi v.v..tôi có dịp tìm hiểu một cách tự nhiên và thú vị thực chất của chế độ cộng sản. Có lần Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp kể với tôi là Giáo sư Hồ Đắc Di một hôm nằm trên võng đưa đi đưa lại rồi bỗng dưng chỉ vào buồng chuối chín treo trên trần nhà và nói : “Je n‘aime que ce régime!“ Thực là thâm thuý.

Trong ngành nghề nào cũng có mối thâm tình nghiệp vụ. Môi trường ngành y khiến bản thân tôi và gia đình vợ con cùng tứ thân phụ mẫu được đối đãi đặc biệt mỗi khi chúng tôi cần được điều trị bệnh tật. Đổi lại tôi cố gắng góp phần mình vào sự giúp đỡ tương thân tương ái giữa những người đồng ngành - y và dược - coi như một khía cạnh tự nhiên của bổn phận kẻ ở trong nghề.

22.11.2021


Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2022