Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
 
Picture1
Picture2

Vào tháng 2/2021, tác phẩm đầu tay Ik Ga Leven (Tôi Sẽ Sống) của nhà văn nữ trẻ Lale Gül đã gây sôi nổi trong làng văn học Hòa Lan. Lale Gül (sinh năm 1997), người Hòa Lan gốc Thổ Nhĩ Kỳ, viết tác phẩm này khi cô đang theo học ban Văn Chương. Cô sinh trưởng trong một môi trường giáo dục khắc nghiệt theo Hồi giáo chính thống. Ik Ga Leven là cuốn tự truyện của cô, qua đó cô đã xác định quan điểm của mình, là đoạn tuyệt với lối giáo dục nghiêm khắc này. Ngay khi tác phẩm được xuất bản, cô đã bị gia đình cấm cửa và đối mặt với nhiều đe dọa từ phía Hồi giáo. Những lời kêu gọi giúp đỡ cô cũng không được cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Hòa Lan hưởng ứng, nhưng cô đã được Parool, một tờ báo lớn của Hòa Lan, mời viết cho mục xã luận hàng tuần. Cuộc đời cô sẽ được quay thành phim, và tác phẩm này đã được trao giải NS Publieksprijs 2021 (là giải bình chọn tác phẩm tiếng Hòa Lan do công chúng, một giải văn học quan trọng ở Hòa Lan) với 32% trong tổng số hơn 210.000 số phiếu bình chọn. Dưới đây là bản dịch những trang đầu của tác phẩm, đọc để hiểu một phần vì sao cô bị cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tẩy chay.

Nguyễn Hiền

***

Tôi sẽ sống

Giá mà tôi chịu đi theo dòng dư luận thì chuyện này đã không xảy ra với tôi, tôi đã không biến thành một kẻ bị ruồng bỏ. Với sự hiểu biết của ngày mốt, ngay ngày hôm nay tôi sẽ đưa ra một quyết định vội vàng và láo xược. Có rất nhiều điều trong cuộc sống nghe thật tuyệt vời nếu bạn nghĩ ra chúng, nhưng nói chung, tốt hơn là bạn không nên thực hiện chúng. Điều tương tự cũng áp dụng cho việc xuất bản tác phẩm này. Do đó, tôi đưa ra cho quý vị lời khuyên sau đây theo cách của Cruijf (1): hãy giấu mọi thứ mà chúng sẽ làm quý vị hối hận sau này.

Tôi đưa quý vị cùng đi vào câu chuyện của tôi. Hãy cho chúng ta hy vọng là tôi quăng được cục đá xuống ao.

Bây giờ là mười một giờ tối, tôi cắm chìa khóa của mình vào lỗ khóa cửa cái của nhà Bà Nội và vặn nó. Cái mùi quen thuộc, khó chịu, mà tôi luôn cảm nhận được khi tôi bước vào nơi chốn của bà, nhưng tôi nghĩ rằng sau vài giây tôi không còn ngửi thấy nó nữa, ít nhất là nó không còn làm tôi khó chịu nữa, nó khác là ở chỗ đó. Đó là điều rất thường thấy trong trường hợp với không khí hôi hám. Khoảnh khắc bạn từ một môi trường có mùi trung tính đột nhiên rơi vào nơi nào đó có mùi khó chịu - như trong nhà vệ sinh ở các trường trung học hoặc thậm chí ở nhiều trường cao đẳng, trong phòng thay đồ của Fitness4Me Ladies Only ở Bos en Lommer, trong phòng của Freek khi anh ấy hút thuốc lá hoặc hút cần sa xong, nhà của các đấng sinh thành ra tôi nếu Mẹ đã chiên (trong những chuồng gà cổ lỗ ở khu Amsterdam-West chúng tôi không có máy hút hơi) hoặc khi con cừu đẫm máu được giao trong dịp Lễ Tưởng Nhớ Đấng Tiên Tri, Offerfeest, mà ít nhất ba ngày sau đó còn ngửi thấy mùi máu cừu tươi, hoặc tại nhà Bà Nội - nơi bạn bị một bức tường hôi hám tấn công nhưng sau một thời gian bạn sẽ thích nghi được - nhiều thứ trong cuộc sống rồi cũng quen đi.

Ngay khi chậm rãi len vào phòng, tôi vội vàng tung màn cửa sang một bên và, theo thói quen, mở toang cửa sổ. Thời gian gần đây, tôi đã đặt những que tẩm nước hoa khắp nhà để che lấp phần nào những cái mùi mất cảm tình của bà, nhưng chúng lại tạo ra một hỗn hợp mùi chua loét trộn với mùi táo xanh và mùi của thương hiệu Zwitsal dành cho em bé, hơn là thực sự loại bỏ những mùi không mong muốn. Tôi không nghĩ điều đó có hiệu quả, vì nguồn gốc và hiện thân của sự ngột ngạt vẫn còn hiện hữu: đó là Bà Nội. Và quý vị biết họ nói gì về các vấn đề không: chúng phải được giải quyết ngay tại gốc.

Halil, cậu em trai mười tám tuổi của tôi, thường cảm thấy cần phải đưa ra lời phản đối làm cho cuộc diện đen tối thêm khi có nó ở đây: “Cái MÙI gì thế hả mấy người, Giê-Su-Ma, mở cửa sổ ra đi!” Trong khi đó tôi đang tảng lờ. Vậy chứ cái lời phản bác hợp lý sau rốt là gì? Nó hẳn biết đó là vì bà nội đau yếu nằm trên giường đang bốc mùi từ cái thân thể quá nặng của bà, điều này dường như trở nên ngày càng tệ hơn, và từ những lớp quần áo dầy cộm, ngay cả khi chim sẻ ngã từ trên mái nhà xuống (2).

Cơ thể của bà dường như bị các tảng mỡ chiếm mất chỗ, như thể chính bà cũng đang chìm vào trong đó, nhất là khi bà sắp sửa đứng lên. Bà bị bệnh mòn gối (bị đứt dây chằng đầu gối hay cái gì đó, mà Ba không thể giải thích rành rẽ cho tôi được, tiếng Hòa Lan của ông không được trơn tru, mà ông lại là người tiếp xúc với bác sĩ của bà nên tôi cũng không biết thêm chi tiết nào cả). Ngoài ra bà còn bị chứng hóa vôi, hen suyễn, tiểu đường, Parkinson và chỉ có Thượng đế mới biết được tường tận. Kết quả là bà ở trong tình trạng không còn có thể cử động nhiều hoặc thường xuyên được nữa. Bác sĩ cho biết chỉ có thể giải phẫu chân nếu bà giảm được ít nhất 30 kí-lô, bằng không thì ca mổ này có quá nhiều rủi ro. Vậy là chuyện không thành, thật xui. Trong nhiều năm, chúng tôi đã nghe từ những chiếc áo choàng trắng rằng bà cần phải làm sao để giảm được kho mỡ tích trữ của mình, nhưng rồi chẳng xẩy ra chuyện gì cả. Bà Nội rất tự hào về sức khỏe của mình. Nếu như bà được tự quyết định, bà sẽ chết trong một câu rủa và một tiếng thở dài. "Thế là bà được giải thoát rồi," bà sẽ nói như vậy.

Từ lâu bà đã yếm thế và âu sầu, thứ duy nhất làm cho bà tươi tỉnh hơn một chút là những đồ ăn thức uống có nhiều đường mà bà ngấu nghiến một cách ngon lành, vì thế tôi không muốn tước đi chút xíu cái khoái khẩu cuối cùng đó của bà, những chiếc bánh nướng chết tiệt có nhồi nhân bên trong, bánh táo, nước ngọt, kem sữa và khoai tây chiên giòn, và tôi vẫn tiếp tục mua trữ chúng cho bà nếu bà nhờ tôi chuyện đó. Bà không được học hành đàng hoàng và không thể dành thời gian để làm những việc mà những bà nội bà ngoại khác - những người biết chữ, có thể làm: đọc, theo dõi tin tức, hoàn toàn hiểu bất cứ vấn đề gì - dù chỉ một chút thôi, về các chương trình và phim tài liệu, hoặc chơi sudoku. Ngoài ra, bà nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ ở mức độ dân ruộng, bà không đi học một ngày nào cả, do đó vốn từ vựng của bà cực kỳ nghèo nàn còn chân trời thì khá hạn hẹp, vì vậy bà cũng không thể thực sự theo dõi truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại.

Kiến thức phổ thông của bà quá thảm hại đến nỗi bà nghĩ rằng chỉ có ba quốc gia trên thế giới: Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hòa Lan. Nước Mỹ, bởi vì có quá nhiều người đã nói rất thường xuyên về nơi xấu xa đó, chốn địa lý hiện thân của cái ác. Thế giới hiện đại quá mới mẻ đối với bà đến mức có nhiều thứ không có tên, thế là bà phải chỉ chỏ để có thể nói về chúng, vì vậy quý vị hiểu cho, rằng tôi không bao giờ có thể kể lể nhiều chuyện với bà, tối đa chỉ là những chuyện lặt vặt. Vì vậy, khi vắng tôi, bà thường xuyên sống tĩnh lặng nhưng với tâm trạng không yên, hay đúng ra là buồn chán.

Với các đấng sinh thành ra tôi cũng không có khác biệt gì nhiều, họ cũng mù chữ lúc đến Hòa Lan ở tuổi 25 (khoảng chừng thôi, ngày sinh chính xác của họ không ai biết, cũng không vào sổ sách ở đâu cả). Mặc dù vấn đề này đã được giải quyết một phần vào thời điểm đó, nhưng vẫn còn đủ thứ lĩnh vực khác lúc nào cũng ở trước mắt, cách họ một quãng xa mà họ cần phải đuổi cho kịp, như sẽ thấy trong bài tường trình của tôi. Họ có thể biết thêm vài quốc gia trên thế giới và có thể theo dõi sát sao các sự kiện thời sự, nhưng vì nguồn tin tức và thế giới quan mà họ nhận được từ đĩa ăng-ten chảo của Thổ Nhĩ Kỳ trước tiên đã được cắt gọt cho đối tượng phản động, chủ nghĩa tập thể bầy đàn và cực kỳ sùng đạo, rồi lại được rưới lên đó tất cả các loại nước sốt vô nghĩa, giật gân-khoa trương-bi thảm-hóa để tô điểm thêm cho nó, tốt hơn hết là chúng ta có thể nói đây là những lời tuyên truyền hoàn toàn không có sự thật, với vẻ hào nhoáng rẻ tiền gây chói tai và những quyền lợi đã được khuấy tung lên rặt mùi tuyên truyền.

Các phương tiện truyền thông đó đặt mục đích là loan tải thông điệp của họ một cách rất lôi cuốn theo kiểu một chiều. Không chỉ những tin trong nước, mà cả tin nước ngoài họ cũng không tiếc lời. Chẳng hạn như gần đây, tôi đã vài lần được họ đưa lên, hoàn toàn không tự nguyện, trên chương trình phát sóng của họ, và tôi nghe nói là Rutte (thủ tướng Hòa Lan - chú thích của người dịch) đã nói rằng người Thổ Nhĩ Kỳ phải cút khỏi Hòa Lan và Wilders (Geert Wilders, người sáng lập và là thủ lĩnh đảng Vì Tự Do, ông chủ trương bài Hồi giáo và cực lực ngăn chận những gì ông coi là “Hồi giáo hóa Hòa Lan” - chú thích của người dịch) đã hứa sẽ đưa nước này trở lại thành không còn người Hồi giáo nữa.

Lúc bấy giờ tôi phải nhìn nhận với các nhà làm chương trình rằng trong trường hợp này họ đã không nói sai sự thực quá xa, dựa trên khẩu hiệu ‘Hòa Lan, hãy quay trở lại thành nước của người Hòa Lan’ - bất kể điều đó có thể mang ý nghĩa nào đi nữa, còn cụm từ ‘cút đi’ là thủ tướng muốn chỉ những người trẻ đa văn hóa nhưng mang tính khích động, nhưng thôi, tôi ngờ rằng, không biết việc lập lại chính xác lời người khác và dịch xác thực hơn một chút trong trường hợp này có tạo ra sự khác biệt đáng kể nào đối với người nhận hay không. Họ đã gắn thêm vào đó các hiệu ứng âm thanh khoa trương và hình ảnh về một ông Geert giận dữ, gầm rú, như chúng ta biết về ông ta trong môi trường sống thường nhật của ông, và lặp lại mọi thứ liên tục, giống như Tel Sell, như thể những người xem chương trình của họ là đám dân ăn lông ở lỗ vậy.

Một lần sau đó, tôi nghe họ nói rằng Hòa Lan áp dụng chính sách đặc biệt, giao những đứa con nuôi Thổ Nhĩ Kỳ cho những người giám hộ đồng tính để chọc tức người Hồi giáo. Cha mẹ ruột của em Yunus ở Den Haag (3) đã kể câu chuyện của họ cho những phóng viên khát tin. “Chúng tôi đã nêu ra là điều này trái với đức tin của chúng tôi, nhưng lòng thành của chúng tôi đã bị gạt đi. Họ cố tình làm điều đó, bởi vì chúng tôi là người Hồi giáo!” Một lần khác, tôi hiểu rằng một dân biểu quốc hội thuộc Đảng Xã Hội lại là một tay PKK lão luyện ra mặt, nhưng bà ta không bị bôi nhọ vì những điều bà phát biểu. Thế rồi cái bà Karabulut ấy lại được ca ngợi và nhận được sự ủng hộ cho sự căm thù của bà đối với Thổ Nhĩ Kỳ từ những người Hòa Lan phân biệt chủng tộc bẩn thỉu, những người luôn chia rẽ và thống trị, nhằm biến Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai gần thành một lò lửa và thành một quốc gia vệ tinh, xét cho cùng, đó là những tên đồi trụy mang trong người cái gen da trắng và là những con chó con quái dị dễ sợ tuân theo lệnh Mỹ và Do Thái mà mọi người đều biết.

Câu chuyện này không biết bao lần đã được xác nhận bởi Kuzu, một chính trị gia Hòa Lan gốc Thổ Nhĩ Kỳ, người đôi lần đã lên truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng Hòa Lan phân biệt chủng tộc từ đầu đến chân; không, tôi muốn nói là phát xít kia, không những chỉ có thường dân như vậy, mà còn cả những quan tòa, cảnh sát và thực ra là tất cả các cơ quan nữa. Người ta còn thậm chí hành xử ngược lại Hiến pháp mỗi khi có chuyện liên quan đến người Hồi giáo hoặc những người khác màu da. Ông ta cũng đã nhắc tên những chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ khác ở Hòa Lan chống lại ông hoặc chống lại ý tưởng của ông, để cho họ phải nhức đầu nhức óc sau chương trình phát sóng và coi như tiêu tùng luôn cả chuyến đi chơi ở Thổ Nhĩ Kỳ của họ.

Gần đây, người ta nói tới nói lui về việc cải đạo, hay ‘trở lại đạo’ - theo như cách gọi của người Hồi giáo, bởi vì mọi người sinh ra đều là người Hồi giáo, chúng tôi tin rằng tổ tiên đã dẫn họ đi lạc - của ông Joram van Klaveren đến với đức tin của chúng tôi. Mừng hết biết với cái may mắn mới tới này, đảng viên thứ hai của đảng PVV (Đảng Vì Tự Do, cực hữu - chú thích của người dịch) đã qua một lần biến thái, không thể có may mắn nào hơn; đang từ thù ghét Hồi giáo khét tiếng, ô uế dơ bẩn, méo mó dị dạng và nhờm tởm giờ thành Hồi giáo sùng đạo.

Từng là một vị tướng ở tuyến đầu của đội quân áo nâu chống Hồi giáo ở Vùng Đất Thấp, người đã nướng mọi thứ thành một màu còn nâu hơn cả LPF hoặc Baudet (Liên danh Pim Fortuyn và Đảng Diễn Đàn Dân Chủ của Thierry Baudet, là hai đảng cực hữu dân túy - chú thích của người dịch), nhưng giờ đây đã trở thành một anh hùng được những người anh em cuồng tín trìu mến đón chào bằng vòng tay rộng mở, khẳng định nền tảng của họ. Cộng đồng Hồi giáo đã một lần nữa bắt được một con cá béo mập mà họ sẽ không ngừng treo ngoài cửa sổ, một linh vật mới, một vật được mang đi trưng bày. Đạo giáo cũng giống như làm ăn, cứ muốn vơ những tên tuổi nổi tiếng vào mình; giống như những diễn viên nổi tiếng lúc lắc cặp bưởi của họ và bò lê trên sàn cho một nhãn hiệu nước ngọt, chúng tôi giờ đã có con đĩ của mình mà chúng tôi muốn cô ta làm gái điếm cho giáo trưởng, tên giả hình giả dạng của chúng tôi.

Chắc chắn là có những đài đứng đắn hơn trên truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng tôi không biết đài nào như vậy cả; các đấng sinh thành của tôi lúc nào cũng bật cái chương trình điên rồ này, vì vậy tôi nghĩ rằng không có gì ngoài những tin tức quá phiến diện và được ngô nghê tô vẽ từ một góc nhìn hạn hẹp, một cơn tiêu chảy không thể nín nhịn dành cho những sinh vật đã bỏ bê chất xám trong hộp sọ của chúng. Chẳng hạn, tôi đã xem một cuộc phỏng vấn trong đó Ali với chiếc mũ lưỡi trai mua từ đường phố xứ Tiểu Á được người ta hỏi ý kiến về chuyện vừa qua khi ban biên tập của tờ Charlie Hebdo bị đánh bom nát như tương; với giọng điệu là: tất nhiên đó không phải là một điều tốt, họ nói rằng họ ghê tởm sự khủng bố, nhưng mà những tên đó, cả một đám con buôn hài hước xấu tính và những nhà được gọi là quán quân trong cuộc tranh đấu cho cái gọi là tự do ngôn luận, đã ít nhiều muốn điều đó. Rồi cái ông nào đó nói rằng người ta còn mơ ngủ. “Ai có đầu óc đều có thể nghĩ là nếu bạn chế nhạo một bậc thánh nhân của bao nhiêu người trên thế giới thì bạn sẽ rước bạo lực đến cho mình, vì thế nên tôi không hiểu tại sao mọi người lại ngạc nhiên.” Ý thức chung của đại chúng hầu như luôn luôn là một sự loại bỏ kiến ​​thức và không chịu đi sâu vào chuyên môn. Nhưng có lẽ ông ấy có lý. Khi chọn kẻ thù, tốt hơn là bạn đừng động tới những loại thực sự nguy hiểm.

Bạn có thể, sau mỗi cuộc tấn công, nhân danh đức tin của chúng ta mà vặn đồng hồ lại, làm cho hành động của cộng đồng và động cơ thúc đẩy nó tách rời nhau ra, để rồi sau đó bày tỏ sự phẫn nộ trước sự phẫn nộ; một biểu hiệu của sự vượt trội về mặt đạo đức tự nó luôn khiêu khích thôi thúc mỗi khi nó được gợi ra bởi những người thấp kém về mặt đạo đức.

Tôi tò mò muốn biết nếu chúng ta làm cuộc thăm dò người Thổ Nhĩ Kỳ thì sẽ thâu lượm được gì, nhất là trong cộng đồng người lưu vong ở đây, về quan điểm của chúng tôi đối với các họa sĩ biếm họa tầm cỡ Hebdo. May mắn thay, quyền tự do ngôn luận khác với quyền lên bục phát biểu.

Trò đùa mà chúng ta không thể cười sẽ phơi bày chúng ta một cách đau đớn. Rất ít cách có thể làm người ta hiểu thâm thúy hơn là một sự nghiêm trọng của một câu chuyện giễu đặc sắc. Với tất cả lòng tận tình, tôi khinh bỉ họ, những người từ bỏ nghĩa vụ đạo đức để làm tổn thương mọi thứ bằng quyền lực và khiêu khích một cách thường xuyên. Và những người cũng có can đảm ghê gớm để coi thường những người khác làm tròn bổn phận đó, là hiện thân của cái ác. Tôi nghĩ rằng một số cách diễn đạt không phải là quan điểm, mà là một mối đe dọa thực sự và nghiêm trọng đối với quyền tự do ngôn luận.

Chỉ trích là một vấn đề của văn minh, không phải là yêu sách của sự đứng đắn lịch sự. Sự lịch sự là để dành cho những kẻ ăn thịt người khi họ ăn tươi nuốt sống những người sống bằng nghề châm biếm. Một người bạn chân chính hoàn toàn cảm nhận được mức độ nghiêm túc trong những câu chuyện giễu của bạn mà không ngăn cản anh ta cười.

Thật là tò mò khi biết bằng cách nào mà các phương tiện truyền thông nhào nặn con người mà lại không nói dối. Ví dụ, trong ngày hôm qua người ta thấy trên các phương tiện truyền thông địa phương: ‘Wilders bị phê phán vì đã phát biểu bớt-đi-bớt-đi’ (3), rồi lại bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: ‘Không ra lệnh trừng phạt với Wilders, bất chấp ngôn ngữ diệt chủng’. Lần cuối cùng tai tôi vô tình bị xâm nhập bởi những âm thanh do đài truyền hình này tạo ra, lúc có cuộc phỏng vấn đang diễn ra với những người Thổ Nhĩ Kỳ đến từ Đức, Pháp và Hòa Lan, những người thích sự chăm sóc sức khỏe của họ ở Thổ Nhĩ Kỳ hơn là ở những nơi họ đang cư ngụ.

Họ bị thuyết phục về một sự chăm sóc đáng được khen ngợi hơn ở đó và đưa ra đủ loại giai thoại từ gia đình cho đến bạn bè, những người khi ở Hòa Lan được bảo là cơ thể của họ không có điều gì bất thường, rằng cơn đau và những tiếng than vãn là có liên quan đến căng thẳng, và tiếp theo sau đó là tại quốc gia gốc của họ người ta đã phát hiện ra đó là một loại ung thư da độc hại đã bùng phát tràn lan và họ đã bỏ lỡ rất nhiều thời gian. Rồi đến trường hợp của dì Kadriye, hiện đang ở giai đoạn trầm trọng của bệnh ung thư buồng trứng. Bà ấy cũng đã được chữa cho bớt ở quê hương khi đã quá muộn, còn ở đây bà thường xuyên bị chuyển hết từ chỗ này sang chỗ nọ, và cuối cùng bị tống ra khỏi cửa với những chẩn đoán vô giá trị. Sau này, chúng tôi phát hiện ra rằng Bà Nội không chỉ bị mòn đầu gối mà còn bị áp xe di căn, cũng lại được phát hiện quá muộn, nhưng thôi, ta đừng nên đi quá xa.

Những người được phỏng vấn khác với chiếc mũ trùm kín đầu xuống tới dưới mũi cho biết là họ cảm thấy dễ chịu hơn trên bàn mổ ở nước họ, bởi vì họ không yên tâm về sự phân biệt chủng tộc, hận thù và bài ngoại đang gia tăng ở Hòa Lan nhanh như cải đang mọc, những tình cảm có thể cũng còn đang nằm trong lồng ngực của các bác sĩ của họ đã xui giục mấy vị này. Một bà ăn mặc ra vẻ sang trọng nói như sau: “PVV có rất đông cử tri, có thể là vị bác sĩ của con tôi cũng là một trong số đó. Tôi không thể tin tưởng họ một cách mù quáng, mà tin tưởng là chuyện quan trọng.” Niềm tin quả thực rất quan trọng nếu bạn muốn xây cầu, nhưng những gì tôi đã thấy là những cây cầu vốn đã lung lay nay bị phá bỏ. Chiến hào ngày càng sâu, kẻ thù đã không còn có thể nhìn thẳng vào mắt nhau, huống chi là nói. Thông cảm được với kẻ thù của bạn chỉ đòi hỏi một số kiến ​​thức bổ sung từ bản thân.                  

Chiều nay, tôi cũng nghe được tin từ cùng một đài rằng một nhóm tín đồ cực đoan ở Mỹ đã xuống đường biểu tình chống phá thai. Thậm chí, họ còn muốn mức án tử hình dành cho những kẻ sát hại thai nhi. Tôi chợt nhận ra rằng tôi cũng ủng hộ án tử hình, nhưng chỉ dành cho những kẻ đã giết chết đứa trẻ trong mình họ bằng cách thả trôi mọi tâm hồn cởi mở.

Bà Nội được miễn làm việc nhà. Tôi sẽ lo việc đó, mặc dù tôi phải lưu ý rằng gần đây Mẹ làm nhiều hơn tôi, vì tôi hầu như không về nhà từ khi tôi có hai công việc làm phụ thêm ngoài việc học, và một mối quan hệ khá xa và bí mật.

Bạn có thể ngửi thấy mùi của những lọ thuốc mà Bà Nội uống hàng ngày toát ra từ những lỗ chân lông của bà. Chẳng được ích lợi gì khi bà không bao giờ có ý tưởng tự mình mở cửa ra ban công hoặc mở cửa sổ, nhất là nếu tôi vắng nhà lâu ngày. Tôi đã nhiều lần xin bà, sắp xếp cho bà, ngay cả năn nỉ bà cho mọi thứ trong phòng được thông thoáng khi tôi vắng nhà. Bà chẳng chịu làm. Nó có thể oxy hóa tất cả mọi thứ ở hậu môn của bà. Vì vậy, bà là một đống đau khổ bị phá hủy khắp nơi bởi quá khứ của bà, chịu hàng chục năm mệt mỏi với cuộc sống và niềm u uất, trong giòng đời cuốn đi bà không còn có thể hoạt động bình thường nữa, vì vậy tôi không thể trách bà. Bà Nội đã chịu rất nhiều khổ cực rồi, việc bà chưa bị cối xay đời nghiền nát là phép mầu của thượng đế, cho dù thượng đế cũng đã thất bại thảm hại trong cuộc đời bà.

Tuổi thơ mồ côi vô cùng nghèo khó với người cha bị bệnh nan y, ăn nhờ sống gửi, lúc mười hai tuổi bị đem gả cho người anh họ, nhiều lần bị cưỡng hiếp và lạm dụng trong hôn nhân, chịu những cơn bạo hành trong gia đình không sao quên được, làm mẹ ở tuổi mười ba, một người bạn đời đã phung phí tài sản vào cờ bạc và hóa ra là một tên côn đồ tàn bạo, tính tình không ai có thể lường, thường xuyên uống rượu và đã giết hoặc ngược đãi tàn nhẫn nhiều đứa trong đám con của họ (trong đó có cả Ba nữa) và làm chú Bahattin của tôi bị tàn tật suốt đời bởi những trận đòn liên miên và nghiêm trọng, sau đó ông lại bỏ Bà Nội khi ông đến Hòa Lan sinh sống, và trong thời gian đó kết hôn với một phụ nữ kém ông bốn mươi tuổi sống trong một ngôi làng Thổ Nhĩ Kỳ xa tít mù nào đó khuất mắt cả thượng đế, người mà ông đã dụ dỗ qua thông hành Hòa Lan - và cũng nhờ cả tiền bạc nữa - và lôi kéo trở thành người bạn đời của mình. Hiện ông cũng có năm người con với bà ta, một trong số đó chỉ mới ra đời được có vài ngày, nghe người ta đồn vậy. Ông nội đã hơn bảy mươi, nhưng guồng máy truyền giống của ông dường như vẫn còn xuất sắc.

Nguyễn Hiền
________

Chú thích của người dịch

(1) Theo kiểu Cruijf: lối nói theo kiểu úp mở, dùng lẫn lộn hoặc bóp méo từ ngữ và thành ngữ một cách cố ý. Thuật ngữ này do cách phát biểu của Johan Cruijf (1947-2016), một cầu thủ nổi tiếng của Hòa Lan.

(2) Chim sẻ ngã từ trên mái nhà xuống: thành ngữ Hòa Lan chỉ trời đang nắng gắt, mái ngói nóng tới mức chim sẻ vừa đậu xuống bị phỏng chân té lăn xuống đất.

(3) Em Yunus lúc được 9 tháng tuổi (năm 2004) bị Văn phòng Săn sóc Thiếu nhi yêu cầu tòa giao em cho người giám hộ vì họ nghi ngờ em và hai người anh bị cha mẹ ngược đãi, cộng thêm sự bất lực của người mẹ trong giáo huấn. Năm 2007 tòa phán quyết, theo đơn kháng cáo của gia đình, cho cả 3 em trở về với cha mẹ đẻ vì không đủ bằng chứng buộc tội. Nhưng năm 2010 tòa trên lại phán quyết cho Yunus có quyền ở với gia đình người giám hộ vì em đã sống xa gia đình quá lâu. Vụ án này gây dao động mạnh trong cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Hòa Lan, ngay cả người dân tại Thổ, đưa đến nhiều cuộc biểu tình và cả sự can thiệp của tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, một phần cũng vì gia đình người giám hộ là “cặp đôi” phụ nữ đồng tính.

(4) Vào tháng 3/2014, trong buổi diễn thuyết trong chiến dịch tranh cử vào hội đồng thành phố Den Haag, ông Geert Wilders, chủ tịch Đảng Vì Tự Do đã khích động khán giả đến nghe để cuối cùng dẫn đến câu ông hỏi: “vậy quý vị muốn là trong thành phố này và trong Hòa Lan có thêm hoặc bớt đi những người Maroc” và cử tọa đã phấn khích hò reo “bớt đi, bớt đi, bớt đi”. Vì khúc này, ông đã bị hơn 6400 người kiện về tội phát biểu mang tính kỳ thị chủng tộc và gieo rắc thù hận. Vụ kiện dằng dai do hai quan điểm đối nghịch nhau: ranh giới của tự do ngôn luận, và giới hạn của một chính trị gia trong phát biểu. Sau nhiều phán quyết khi có tội lúc không tội, tháng 7/2021, tòa án Tối cao Hòa Lan đã kết luận là các chính trị gia cũng phải tuân thủ những quy định dành cho dân thường.

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2022