Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
 
DÙNG LUẬT ĐÁNH PUTIN

Trần Văn Tích




Cả thế giới đang cùng nhau đánh Putin dưới nhiều hình thức. Nhưng tôi chú ý đặc biệt đến sự kiện ngày thứ năm 10.03, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Kamala Harris nhân dịp công du Ba Lan đã kêu gọi truy tố Putin ra các toà án quốc tế. Đối với tôi, hành động này có tính cách đặc biệt vì nó không theo lệ thường. Theo lệ thường là đi biểu tình hô khẩu hiệu trương biểu ngữ, là lạc quyên tiền bạc yểm trợ hay đóng góp vật dụng giúp đỡ Ukraine, là viết báo đả kích Putin, là tẩy chay như giới túc cầu tẩy chay các trận đấu với các đội Nga, là sa thải những thành phần thân Putin trong các cơ sở hãng xưởng, là đóng cửa rút nhà máy sản xuất ra khỏi nước Nga.

Tuy nhiên các biện pháp này không nhiều thì ít mang tính cách tượng trưng; có khi chúng còn vô hình trung đánh vào dân Nga mà dân Nga thì đang bị Putin lừa dối một cách bỉ ổi bẩn thỉu. Chẳng hạn trong giải túc cầu Europa Leagues, đội RB Leipzig của Đức được sắp xếp tranh giải với đội Nga Spartak Moscow nhưng tổ chức túc cầu Liên Quốc Âu châu FIFA chủ trương loại bỏ các đội Nga nên RB Leipzig không phải đá tranh giải mà đương nhiên được vào bát kết. Putin đánh Ukraine chứ đội túc cầu Nga Spartak Moscow có cầu thủ nào tham gia chiến sự bên Ukraine đâu! Markus Gisdol là huấn luyện viên Đức của đội banh Lokomotive Moscow. Gisdol tuyên bố từ chức tức khắc, không phụ trách huấn luyện đội Lokomotive Moscow nữa vì Putin đánh Ukraine. Putin đánh Ukraine chứ Lokomotive Moscow đâu có đánh Ukraine! Ngay cả tham dự chiến đoàn tình nguyện gia nhập quân đội Ukraine cũng không đánh Putin được trực tiếp vì y đang tạm yên thân sống đâu đó bên nước Nga của y.


Nhưng Bà Kamala Harris thì lại đánh trực tiếp, đánh đích thân, đánh vỗ mặt, đánh chính diện, chỉ mặt mà đánh, nêu tên mà đánh Putin qua lời tuyên bố Hoa Kỳ đang nghĩ đến biện pháp sử dụng công pháp quốc tế để trừng trị tên tội phạm nhân loại Putin, để đưa tên hung thủ Putin ra trước vành móng ngựa hai toà quốc tế là Toà án Công lý Quốc tế và Toà án Hình sự Quốc tế. Chính thị Putin chứ không phải người nào khác. Mà Bà Kamala Harris là chuyên gia về luật học, bà từng đỗ bằng tiến sĩ luật khoa và từng trải qua quá trình hoạt động với tư cách công tố viên.

Họp báo chung với Tổng Thống Ba Lan Andrzej Duda, nữ Phó Tổng Thống Hoa Kỳ tố cáo Nga phạm những điều tàn ác (atrocities) trong hai tuần xâm lược Ukraine vừa qua; Bà nhấn mạnh là cộng đồng quôc tế đã có dịp nhìn tận mắt (been able to see) những tội ác của quân Nga qua hình ảnh và video chụp hay quay tại những trung tâm thị trấn bị tàn phá của Ukraine. Bà Kamala Harris tuyên bố Hoa Kỳ cần tham gia những vụ điều tra của Liên Hiệp Quốc nhằm chứng minh Nga có vi phạm tội ác chiến tranh khi xua quân xâm chiếm Ukraine hay không.

Kiev nộp đơn kiện Putin và Nga tại Toà án Công lý Quốc tế, trụ sở đặt tại The Hague, Hoà Lan về tội diệt chủng ngày 26.02 . Toà họp ngày 07.và 08.03 nhằm mở phiên xử án. Chưa bao giờ Toà án Công lý Quốc tế công nhận tố quyền của một quốc gia nguyên đơn và tiến hành thủ tục tố tụng một cách nhanh chóng như vậy. Toà án Công lý Quốc tế là International Court of Justice, ICJ, Cour Internationale de Justice. Nguyên đơn tố cáo Putin và đồng bọn phạm tội diệt chủng ở Ukraine. Nga từ chối xuất hiện trước toà, khiến Toà rất lấy làm tiếc. Lập luận của Nga là : không có diệt chủng do Nga gây ra, như thế chẳng thể nào triệu tập phiên toà để xử tội diệt chủng. Tuy nhiên Toà án đã căn cứ vào nhiều vụ thả bom nhắm vào nhà cửa của dân chúng, chẳng hạn tại thành phố Irpin, phía bắc Kiev, và như vậy là vi phạm công pháp quốc tế. Cho nên phía Ukraine thay đổi chiến lược : yêu cầu Toà ra án lệnh bắt buộc Putin ngưng xâm lăng Ukraine, trước khi tiến hành các bước điều tra kế tiếp. Ngoài ra, Kiev cũng đi tìm công lý tại các toà án cấp quốc gia và cấp liên quốc khác. Kiev đã lập thủ tục truy tố Putin tại Toà án Âu Châu chuyên về Nhân quyền.


Toà án Quốc tế thứ hai tham gia truy tố Putin là Toà án Hình sự Quốc tế, International Criminal Court, ICC, Cour Pénale Internationale, trụ sở cũng ở The Hague, Hoà Lan. Toà án Hình sự Quốc tế hoạt động trên cơ sở của Quy chế La Mã, Rome Statute. Chính quyền Clinton ký vào Rome Statute năm 2000 nhưng không đưa ra Quốc hội phê chuẩn. Chính quyền George W. Bush là chính quyền tại chức vào thời điểm Toà án Hình sự Quốc tế được khai sinh, tuyên bố sẽ không tham gia Toà án. Chính quyền Obama tái lập hoạt động cộng tác với Toà án Hình sự Quốc tế qua tư cách một quan sát viên. Toà án Hình sự Quốc tế hiện có 123 quốc gia tham gia và chỉ nhận đơn kiện do các quốc gia đệ nạp. Trong vụ truy tố Putin, chủ xướng là Anh quốc và các nước đồng thuận đứng đơn kiện Putin có Đức, hầu hết các nước thuộc Liên Âu, Canada, New Zealand, Costa Rica, Thuỵ sĩ; tất cả có 39 quốc gia cùng nhau ký vào cáo trạng nguyên đơn.

Karim Khan, Công tố viên Đặc trách của Toà tỏ ra bằng lòng vì có đủ dữ kiện căn bản để điều tra về các khía cạnh tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại mà Putin và phe đảng đã phạm tại Ukraine. Phạm vi trách nhiệm pháp lý của Toà án Hình sự Quốc tế gồm bồn lĩnh vực : tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại, tội ác diệt chủng và tội ác xâm lược. Cả thế giới đều thấy rõ Putin là một kẻ gây chiến tấn công xứ Ukraine. Khi toà họp ngày 07.03, Nga không gửi đại diện đến tham dụ theo thư mời của Công tố viện. Alexander Shulgin, Đại sứ của Nga tại Hoà Lan, viết thư cho Toà án và cho biết quốc gia của Bà không có ý định tham gia các phiên toà. Anton Korynavych, Đại diện của Ukraine tại Toà án đả kích sự vắng mặt của Nga tại Toà án. Ông ta nói : “Sự kiện chiếc ghế của Nga bỏ trống nói lên tất cả. Người Nga không có mặt tại đây, họ đang có mặt trên các mặt trận nhằm gây nên chiến tranh xâm lược nước chúng tôi. Đó cũng là cách thức Nga giải quyết tranh chấp.“


International Criminal Court không thể truy nã Putin trên đất Nga. Nhưng nếu Putin xuất ngoại sang một quốc gia công nhận luật thẩm quyền tài phán quốc tế thì y có thể bị bắt giữ. Hoặc nếu Putin bị phe đối lập đảo chánh và mất chức thì chính phủ kế tiếp có thể giải giao y cho The Hague. Hoặc cũng có thể xảy ra trường hợp Liên Hiệp Quốc thiết lập một toà án đặc biệt dành cho Nga-Putin trong vụ xâm lược Ukraine, như tiền lệ đã xảy ra đối với xứ Rwanda, xứ Nam Tư cũ, xứ Sierra Leone, xứ Liban, xứ Kenia và cả Cao Miên (xử Pon Pot và đồng bọn vì tội genocide). Tuy nhiên Nga có thể sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
*
Những chính khách, những kẻ cầm quyền phạm tội ác đối với nhân loại không được hưởng quyền bất khả xâm phạm mà có thể bị truy tố trước các toà án quốc tế, liên quốc hay quốc gia trong khuôn khổ luật thẩm quyền tài phán phổ biến, universal principle, universal jurisdiction, loi de compétence universelle, Weltrechtsprinzip. Cho nên:

Henry Kissinger, Colin Powell, Donald Rumsfeld đã bị truy tố trước các pháp đình Anh và Pháp nên hoặc đã phải huỷ bỏ các chuyến du hành sang Châu Âu hoặc đã phải bỏ dở các chuyến du hành đó và trở về nước sớm hơn dự định.

Augusto Pinochet đã bị bắt giam tại Luân Đôn tháng 10.1998 do phán quyết của các Law Lords tức Tối cao Pháp viện Anh quốc.

Tháng tư năm 2012, mười kiều dân Bỉ gốc Guinée tỵ nạn tại Bỉ nộp tố trạng cho Công tố viện Vương quốc Bỉ để yêu cầu truy tố một số chính khách người Guinée và được nền công lý Bỉ chấp đơn.
Những người Trung Hoa tu tập theo Pháp Luân Công ở nhiều quôc gia trên thế giới đã tố cáo bè lũ cầm quyền Trung cộng về nhiều tội. Tháng 11.2009, Giang Trạch Dân và bốn Uỷ viên Trung ương đảng cộng sản Trung Hoa bị Thẩm phán Toà án Quốc gia Tây Ban Nha Ismael Moreno truy tố về tội ác diệt chủng và tra tấn các học viên tu tập theo Pháp luân công ở Bắc Kinh, Liêu Ninh, Sơn Đông.

Tháng 12.2009, Thẩm phán Liên bang xứ Argentine Octavio Aaroz de Lamadrid đã kết án Giang Trạch Dân và Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị La Can vì hai tội diệt chủng và tra tấn.
Còn rất nhiều án lệ khác nữa.

Cộng hoà Liên bang Đức có bộ luật Völkerstrafsgesetzbuch (VstGB). Bộ luật này được biểu quyết ngày 26.06.2002 và có hiệu lực kể từ ngày 30.06.2002. Nó nhằm theo đuổi, điều tra, truy tố, trừng phạt các tội trạng diệt chủng, tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh (genocide, crimes against humanity, war crimes). Công dân bất cứ nước nào cũng có tố quyền. Tội ác xảy ra tại bất cứ quốc gia nào cũng có thể bị truy tố.

Ngày 01.03.2011, lần đầu tiên pháp đình Đức quốc vận dụng Weltrechtsprinzip để xét xử công dân xứ Rwanda tên Ignace Murwanashyaka, cư trú tại thị trấn Mannheim, về các tội chống nhân loại, tội ác chiến tranh và tội tham gia tổ chức khủng bố Force Démocratique de Libération du Ruanda. Thụ lý vụ án là Toà Thượng thẩm Tiêu bang Baden-Württemberg ở thành phố Stuttgart.

Ngày 21.05.2015, Toà án Tối cao Liên bang Đức Bundesgerichtshof ở Karlsruhe xử Onesphore Rwabukombe cũng người xứ Ruanda về tội tàn sát hơn 400 người trong một ngôi nhà thờ.

Báo chí Đức và đài truyền thanh truyền hình Đức đồng loạt đưa tin ngày 09.03.2022 là Tổng Uỷ viên Công tố Liên bang ở Karlsruhe bắt tay ngay lập tức vào công việc thu thập một cách có hệ thống các dữ kiện liên quan đến tình huống có thể Putin và bè lũ đang phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine. Nguyên nhân đưa đến điều tra là các bản tin liên quan tới những vụ tấn công các khu dân cư, các bệnh viện cùng các cơ sở dân sự đồng thời với sự sử dụng bom rải, sát thương trên diện tích rộng lớn. Giai đoạn sơ khởi có mục tiêu gom góp bằng chứng mà không nhắm cụ thể vào cá nhân phạm tội. Đối tượng cung cấp bằng chứng là những người tỵ nạn Ukraine, đang đến Đức mỗi ngày mỗi đông hơn.

Không phải chỉ một mình Phó Tổng Thống Kamala Harris tuyên bố phải dùng các toà án quốc tế để truy tố tên tội phạm nhân loại Vladimir Putin. Hình sự tài phán quốc tế vốn đã có những án lệ rất đa dạng và cụ thể. Nhiều tội nhân chính trị đã bị kết án và có kẻ đã đền tội trước nền công pháp quốc tế tại nhiều quốc gia, thuộc nhiều đại lục.

Thực trạng về mối giao hảo giữa chính quyền Hoa Kỳ và các toà hình sự liên quốc như International Criminal Court hay International Court of Justice vốn phức tạp. Phó Tổng Thống Kamala Harris biết rõ điều đó. Lên tiếng tại một diễn đàn quốc ngoại, lên tiếng bên cạnh một nguyên thủ quốc gia bằng hữu, Phó Tổng Thống đã nêu vấn đề tuy rất tổng quát nhưng cũng rất dứt khoát. Phó Tổng Thống đã nói lên tiếng nói được nhiều người trông đợi.

Hoà điệu cùng Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Kamala Harris, ngày 02.03.2022, Bà Iratxe García, Trưởng khối Dân chủ Xã hội thuộc Quốc hội Liên Âu, tuyên bố : “Chúng ta sẽ không nghỉ ngơi chừng nào Putin còn chưa bị kết án tội phạm chiến tranh.“

Riêng công việc cụ thể - kết tội Putin - thuộc thẩm quyền các cơ quan tư pháp có nhiệm vụ theo dõi, truy tố và xét xử các vụ phạm pháp và kiện tụng.

12.03.2022

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2022
puytin