Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
 
NHỚ LẠI 50 NĂM XƯA - NHÓM NỘI TRÚ YKH2
VỚI BIẾN CỐ TẾT MẬU THÂN 1968


Tôn Thất Sơn




Sự liên hệ giữa Y Khoa Huế và Trung Tâm Y tế Toàn Khoa Đà Nẵng

Sau khi chế độ Đệ I VNCH bị cáo chung, VC tiếp tục lòn lỏi trong Phật Giáo gây hỗn loạn chống lại chính phủ quân nhân, Viện Đại Học Huế bị nhiều ảnh hưởng bằng những vụ biểu tình, bãi khóa. Vào khoảng năm 1967 SV Y Khoa Huế nghe theo lời xúi bẫy của VC nằm vùng như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân v.v… tham gia cái-gọi-là Đoàn Sinh Viên Quyết Tử, trước tiên vào vùng Quảng Nam cứu trợ nạn lụt cho dân chúng, nhưng sau này biết ra là bị lừa, đi “cứu trợ bọn VC địa phương” thiếu gạo vì nạn lụt. Tiếp theo một đoàn SV Quyết Tử trong đó có sinh viên Y khoa Huế kéo vào Đà Nẵng phụ giúp VC đội lốt sư sãi chống lại Chính Phủ. Người viết nhớ rằng thay vì phá hoại thì chúng tôi được BS Giám Đốc Trung Tâm Y tế Toàn Khoa Đà Nẵng là Đinh văn Tùng thân ái “mời” lên chiếc xe con cóc Volswagen đi thăm khu giải phẫu. Tôi nhớ các đồng môn đi cùng là Đoàn Yến, Hầu Mặc Sửu YKH1, cá nhân tôi YKH2 và Ngô Trọng Thọ YKH3. Gặp lúc Y sĩ Đại Úy Phùng văn Hạnh sắp sữa mổ thường nhân bị thương vì chiến tranh. Bạn Đoàn Yến là người đầu tiên xung phong vào phụ mổ. Theo tôi, đó là một bắt đầu cho sự liên hệ thắm thiết nhiều năm giữa Y khoa Huế và Trung Tâm Y tế Toàn Khoa Đà Nẵng. BS Giám đốc Đinh văn Tùng sắp xếp với Y Khoa Huế và Bộ Y tế để SV Y Khoa Huế từ khóa I trở đi được vào Đà Nẵng làm nội trú.

Người viết và Nhóm Nội Trú YKH2 1967-1968

Tôi vì dốt hóa học, nên học lại năm thứ 1. Đầu vào YK1, đầu ra YK2. Nhóm chúng tôi gồm 14 sinh viên Nguyễn thị Tinh Châu, Lê văn Danh, Võ văn Cầu, Võ văn Đàn, Bùi Xuân Định, Lê văn Điều, Tạ Quang Hát, Đoàn Kim Phước, Nguyễn Quang, Trần Hưng Toàn, Tạ Tích, Nguyễn Đình Hòe, Huỳnh Gia Quang và Tôn-thất Sơn, được chia làm 7 toán trực gác cho bệnh viện vừa Hồi sức, Ngoại thương, Nội thương, Sản Phụ khoa. Rêng Nhi khoa, được thực tập với nhóm bác sĩ thiện nguyện Thụy sĩ. Về Ngoại khoa chúng tôi có nhóm bác sĩ thiện nguyện Hoa Kỳ làm việc vào giờ hành chánh tại phòng mổ. Họ giảng dạy cho sinh viên về lý thuyết và về giải phẫu, từ việc thông lồng phổi bị thương đến cách mổ bụng, nối ruột, và mổ chỉnh hình. Bên cạnh đó, có tàu bệnh viện Tây Đức Helgoland đậu ở bến Bạch Đằng giúp sức đặc biệt bệnh nhân tổn thương về hệ thần kinh và não bộ hoặc bị thương quá nặng. TTYTTKĐN có 2 cơ sở. Cơ sở ở đường Hùng Vương dành cho khu Nội thương, Ngoại chẩn và nơi ở cho SV Nội Trú, được nuôi ăn. Cơ sở đường Nguyễn Hoàng là khu nhà mới xây được dùng cho Ngoại thương, Hồi sức, Sản Phụ khoa, Nhi khoa, ngân hàng máu và xét nghiệm.


Trong thời gian làm nội trú tại TTYTTKĐN, số bác sĩ cơ hữu dân y rất ít, được phối hợp với BS quân y là Y sĩ Đại Úy Phạm văn Lương -và Phùng văn Hạnh trong coi ngoại thương. BS cơ hữu hậu giải phẫu là BS Hậu chỉ có mặt vào giờ hành chánh, cho nên cá nhân tôi được BS Giám Đốc chỉ định ngoài việc làm ở Cấp cứu và Phòng mổ còn phải lo phòng Hồi Sức suốt năm nội trú. Bệnh nhân ngoại thương cấp cứu do toán BS Hoa Kỳ và Nội Trú chịu trách nhiệm. Về Nội Thương có BS Quyền, tôi quên họ. Ngoại Chẩn có BS Phan Ngũ Châu. Sản Phụ Khoa có BS Phạm Minh Dung.


VC gây nên thảm hoa Tết Mậu Thân 1968


Vào khoảng nửa tháng 10.1967, Hồ Chí Minh đơn phương tuyên bố hưu chiến để bà con Miền Nam vui hưởng Tết Mậu Thân là 08 ngày kể từ 28 tháng Chạp đến mồng 5 Tết. Tổng thống đệ II VNCH Nguyễn văn Thiệu dè dặt hơn, chờ đến trung tuần tháng 12.1967 tuyên bố hưu chiến 03 ngày từ Mồng 1 đến Mồng 3 Tết. Khuya Mồng 1 Tết tức 31.01.1968, VC xua quân đánh chiếm 41 thành phố/thị xã và 72 quận lỵ thuộc VNCH. Như thế có nghĩa là VC gian dối đánh lừa cả Miền Nam, đưa dân chúng vào cơn bão lửa chết chóc oan khiên. Ngoại trừ Huế, các nơi khác trên toàn cõi Miền Nam, VC bị đánh bật ra trong vài hôm và thương vong về phía VC vào khoảng 65.000.


VC lùa 10.000 quân tấn công Huế khuya Mồng Một rạng Mồng 2 Tết và tháo chạy ngày 26 Tết Mậu Thân. Theo BS thiên Tả quốc tịch Canada Alje Vennema thì trước khi rút lui, VC để lại 19 hầm chôn xác người cùng với 500 sọ người ở Bãi Đá Mài, tính được 2.307 xác chết và 1.964 người mất tích. Theo con số thống kê của cựu Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Huế là Liên Thành thì có 5.327 người vộ tội bị giết bằng cách tay bị còng từng chùm ra đằng sau, đầu bị vỡ vì bị đập bằng vật cứng, bị đâm, bị bắn bể sọ từ đằng sau hoặc chôn sống, cùng vào khoảng 1.200 người mất tích. Số người chết gồm số ít quân nhân công chức, phần đông là thường dân, đàn bà, thanh thiếu niên và trẻ con. Vào ngày 31.01.2018, Bộ Chính Trị VC kỷ niệm 50 năm Hội Bản Hùng Ca Xuân Mậu Thân 1968 tại Hội Trường Thống Nhất, Sài Gòn.
Một hành động vô đạo đức, vô lương tâm của ác đảng VC!



Nhóm Nội Trú YKH2 trong Tết Mậu Thân 1968



Vào Tết Mậu Thân, vì tin vào lệnh hưu chiến giữa VNCH và VC, nên một số Nội Trú xin phép về nhà sum họp với gia đình, chỉ còn lại người viết dù gia đình ở Huế nhưng không cảm thấy nhu cầu, Đoàn Kim Phước, Trần Hưng Toàn, Võ văn Đàn, Nguyễn Quang. Chúng tôi có 3 cặp, chia nhau làm việc 24 nghỉ 24. Bệnh viện chịu trách nhiệm vùng Quảng Nam-Đà Nẵng, và cỡ 1 tuần sau đó bắt đầu nhận hàng ngày mấy chục bệnh nhân từ Huế tới tấp nhập viện. Bệnh viện bị tràn ngập. Vào khoảng tuần đầu cao điểm của bệnh nhân, vắng bóng toán bác sĩ giải phẫu Mỹ. Vào thời đó bệnh viện chưa có BS gây mê, các y tá đảm nhận công tác này quá xuất sắc. Chúng tôi làm việc mệt ngất ngư mà không nghỉ được. Nhiều đêm chúng tôi sụm, ngủ vùi trong phòng mổ. Một số bệnh nhân khi nhập viện vết thương có dòi và hôi hám vô cùng. Trong thời gian dầu sôi lửa bỏng với sự tràn ngập bệnh nhân, Nguyễn Diêu YKH3 và Thái Thanh YK Sài Gòn vào tăng viện theo lời kêu gọi của đài phát thanh.

Sau khi Tổng trưởng Y tế BS Trần Lữ Y thăm bệnh viện, vào khoảng 2 tuần sau, 3 SV Nghiêm Đạo Đại, Huỳnh Minh Tòng và Nguyễn Tín từ Y khoa Sài Gòn cùng 2 chuyên viên gây mê ra Đà Nẵng tăng cường. Nghiêm Đạo Đại là Nội Trú “thứ thiệt”, mổ cái gì cũng được, rất đẹp và “bài bản”.  Sau này Đại làm GS Y khoa Sài Gòn và sau 1975 là GS Y khoa ở Hoa Kỳ. Tôi gặp lại hai BS Tòng và Tín khi vào quân y trưng tập khóa 11. Ở Bắc Âu, có lần tôi nhận được lời chào hỏi bằng e-mail của GS Nghiêm Đạo Đại.


Nên nhắc nhở đến tàu Bệnh Viện Tây Đức Helgoland đậu ở bến Bạch Đằng, nặng 3.000 tấn
với 130 giường đã giúp cho Miền Trung từ tháng 10.1967 đến tháng 01.1972. 
Một điểm đặc biệt, Hướng Đạo gửi nhiều đoàn viên đến bệnh viện, túc trực ngày đêm, trợ giúp di chuyển bệnh nhân.

Trong thời gian 1 tháng nhận bệnh nhân ào ạt từ Huế vào, lòng tôi thấp thỏm, sợ chẳng may gặp ngay thân nhân gia đình mình. Cũng may, căn nhà Mạ và em tôi cư ngụ bị sập vì đại pháo VC, mà không ai hề hấn gì. Sau khi VC bị đẩy lui, các Nội Trú lần lượt trở lại nhiệm vụ. Tôi xin phép trở về Huế 1 tháng sau đó. Cả thành phố quàng khăn tang. Nghe mùi tử khí quyện trong khí và không gian đượm màu ảm đạm thê lương. Song song với chúng tôi, một nhóm YK Huế 2 khác vào Sài Gòn làm nội trú ở bệnh viện Grall của Pháp.



Thi lâm sàng với Giáo sư Y Khoa Sài Gòn



Sau đúng 1 năm thực tập, do sự sắp xếp của Khoa Trưởng, Y khoa Huế 2 được thi lâm sàng với các GS Y khoa Sài Gòn, tôi chỉ còn nhớ tên một vị là GS Đặng văn Chiếu. Chúng tôi được BS Giám đốc TTYTTK Đà Nẵng cấp cho vé máy bay cùng với một tờ chứng nhận rằng có đủ khả năng giải quyết các trường hợp chấn thương cấp cứu.


Vì biến cố Tết Mậu Thân, chúng tôi thi lâm sàng vào Mùa Thu năm 1968, và mãi đến tháng 4 năm 1969, tôi mới trình diện nhập ngũ Y sĩ Trưng Tập khóa 11, hai cây đèn cầy (!), cùng với Y khoa Sài Gòn. Khóa Y Nha Dược sĩ Trưng Tập được gửi vào Trung Tâm Huấn Luyện Tân Binh Quang Trung huấn luyện quân sự. VC gài mìn nội hóa trong khu nhà ngủ. Nửa đêm mìn kích hỏa, BS Hiếu nằm kế trái mìn tử thương tại chỗ, và một số Y khoa Sài Gòn khác bị thương. Riêng anh em Y Khoa Huế bình an.



Kết luận:


Khóa thực tập nội trú cho Nhóm YKH2 tại Trung Tâm Y tế Toàn khoa Đà Nẵng 1967-1968 đã để lại dấu ấn khó quên vì phải làm việc quá sức do số bệnh nhân từ Huế tràn ngập bệnh viện trong dịp Tết Mậu Thân.
Sau 1 năm làm nội trú tại Trung Tâm Y Tế Toàn khoa Đà Nẵng, nam sinh viên YK Huế tốt nghiệp có đủ tự tin để làm nhiệm vụ của mình ngoài chiến trường sôi động với những trận đánh đẫm máu vì VC muốn chiếm trọn Miền Nam, và họ đã đạt được ý muốn vào ngày 30.04.1975 khi Việt Nam Cộng Hòa của Miền Nam bị Bạn Đồng Minh quay lưng bức tử.

Bài viết này kể ra một phần triệu những đau thương do đảng Cộng Sản Việt Nam gây nên cho người dân Miền Nam, vết sẹo trong tim và trong não bộ không bao giờ có thể quên được, mặc dù một nửa thế kỷ đã trôi qua.


Tôn-thất Sơn
Bắc Âu, Tết Mậu Tuất 2018
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2022