Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
tet-thanh-minh-2021_nongnghiep-174501_972
 
TrÀn Væn Tích Tôi Làm LÍ Thanh Minh
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2022
Anh bạn Nguyễn Khoa Phước là anh ruột Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam và là Thượng Nghị sĩ thời Việt Nam Cộng Hòa. Hai chúng tôi từng học chung lớp Đệ ngũ với nhau ở Trường Quốc Học Huế niên khoá 1948-1949. Chị Nguyễn Khoa Phước thuộc ngành sư phạm như bà xã tôi và hai bà biết nhau khá rõ. Được tin bà xã tôi mất, Anh Nguyễn Khoa Phước không gửi lời chia buồn vì nghĩ chỉ làm tôi thêm đau đớn.

Ngày hôm qua bỗng dưng Anh Nguyễn Khoa Phước viết e.mail gửi riêng cho một mình tôi kể chuyện thuở nhỏ Anh cùng đại gia đình tham gia tảo mộ tổ tiên và bà con vào dịp lễ Thanh minh. Vì gia tộc Nguyễn Khoa là một danh gia vọng tộc nơi đất thần kinh nên lễ Thanh minh rất nhộn nhịp, người lớn có công việc của các bậc trưởng thượng, nhi đồng thiếu niên có niềm vui của trẻ nhỏ. Cảnh đúng như Nguyễn Du mô tả :

Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là Tảo mộ, hội là Đạp thanh.
Gần xa nô nức yến anh,

Khác với bạn Nguyễn Khoa Phước, tôi từ bé đến lớn đi học xa nhà xa làng nên chẳng hề tham gia tảo mộ bao giờ và hoàn toàn không có một ý niệm gì về tiết Thanh minh. Cho đến ngày hôm qua.

Ngày hôm qua, thứ ba 05.04.2022, thời tiết vùng Bonn rất xấu, xấu từ mấy ngày trước đó rồi. Mưa rả rích, có khi tuyết rơi nhẹ hay rơi nặng, gió lắm lúc thổi mạnh và nhiệt độ thì không sao leo lên quá 10° bách phân. Nhưng đọc e.mail ngắn gọn bạn Nguyễn Khoa Phước gửi riêng cho tôi, tôi đâm ra thẫn thờ cả buổi sáng.

Bà xã tôi dân Hà Nội. Bả sống chung với tôi được sáu mươi bốn năm. Với mẹ ruột, bả chỉ sống chung có sáu năm. Với ông bố, bả sống chung được hai mươi ba năm. Tính ra thời gian bả sống chung với gã thanh niên dân Quảng Trị xa lạ này dài gần gấp ba thời gian bả sống chung với thân phụ. Ngày kỷ niệm lễ thành hôn sáu mươi năm của chúng tôi, Thị trưởng Thành phố Bonn gửi lời chúc mừng và phóng viên nhật báo General Anzeiger đến làm phóng sự đăng lên báo, kèm theo hình màu của hai vợ chồng.

Bà xã tôi mất và được an táng tại nghĩa trang gần nhà, từ nhà đến nghĩa địa đi bộ mất chừng nửa tiếng, đi xe đạp mất chừng mười lăm phút. Chỉ phải qua hai con đường ráp nhau hình chữ L nhưng phải vượt một cây cầu xa lộ. Tôi không có ôtô và nhờ Trời còn tạm đủ sức để đi xe đạp. Từ ngày bà xã mất, cứ mỗi hai ba ngày thì tôi lại ra thăm bả một lần.

Thứ bảy cuối tuần vừa qua hai cha con chúng tôi ra thăm mộ, con trai tôi lái xe hơi đưa đi. Mộ mới đắp đất và còn chờ đất lún xuống đủ thì mới dựng bia lên được. Mỗi lần viếng mộ là có thủ tục thắp hương đèn. Hương sản xuất ở trong nước nhưng đèn thì made in Germany. Hương cháy đều và cháy bền, luôn luôn cháy đến tận gốc từng cây nhang, mùi nhang thơm ngát. Đèn là những ngọn nến chế tạo thích nghi để cháy ngoài trời, đặt trong những đèn lồng làm bằng kim loại.

Có thứ nến cháy âm ỉ trong sáu mươi giờ, có thứ nến cháy lâu hơn, trong một trăm hai mươi giờ. Nến do tôi mua sắm nhưng đèn lồng thi do bà con tự động mang đến, tôi khỏi phải mua. Có tất cả ba cây đèn lồng, dùng thứ nến cháy sáu mươi giờ. Riêng loại nến cháy một trăm hai mươi giờ thì cao đến mười bốn centimét nên tôi mua một cái vỏ bọc ngoài mạ vàng để đựng chứ không mua đèn lồng vì phải là thứ đèn lớn, quá cồng kềnh. Tôi nhặt một miếng nhôm và chế tạo một cái mái nho nhỏ để che mưa che gió cho cây đèn cầy này. Vốn dĩ bào chế nhôm là nghề tôi từng theo học hậu đại học trong các trại “cải tạo“. Thắp hương đèn tại mộ phần nhiều khi gặp khó khăn vì là ở ngoài trời, thường có gió. Phải tìm thế đứng sao để tránh được hướng gió và che được luồng gió.

Vì muốn tìm cách giẫy mã đúng vào tiết Thanh minh nên tôi canh chừng thời tiết qua tivi và rađiô cũng như theo dõi trên internet, đồng thời quan sát bầu trời. Cả một buổi sáng mây đen vần vũ, mưa lất phất nhưng quá trưa một chút thì bầu trời hơi sáng lên còn thiên văn Đức thì báo tin bewölkt aber trocknen, có mây nhưng khô ráo. Đã chuẩn bị sẵn tất cả những vật dụng để thắp hương đốt nến nơi mộ phần, tôi đạp xe lên đường. Đi xe nơi hai đoạn đường làm thành hai cạnh của chữ L thì tương đối thoải mái nhưng vượt đoạn đường lên xuống dốc xa lộ có thể khó khăn hơn khi gió thổi mạnh. Cũng may hôm qua vùng Bonn không có gió lớn.

Ra đến nghĩa địa, đứng một mình bên nấm mộ đắp đất, tôi nhận thấy vẫn còn một cây nến đang cháy. Đó là cây đèn sáp cháy được một trăm hai mươi giờ mà hai cha con chúng tôi đốt lên sáng thứ bảy. Nó chờ tôi đến nơi, nó cháy thêm chừng mười lăm phút nữa mới tắt, đủ thì giờ cho tôi kịp thời châm lửa đốt hai nén hương và thắp ba ngọn nến mới.
Vì là mộ mới đào nên chưa dựng bia mặc dầu bia đã sẵn sàng. Trên bia khắc tên họ của bà xã với ngày tháng năm sinh cùng ngày tháng năm mất. Ngoài ra bia cũng khắc tên họ của tôi cùng với ngày tháng năm sinh, chỉ còn chừa trống phần ngày tháng năm mất. Dăm ba năm nữa, sẽ khắc đầy đủ các chi tiết cần thiết còn thiếu.

Tôi giẫy mả một mình trong vùng trời rộng lớn và yên tĩnh, tiếng động cơ xe chạy chỉ nghe xa, rất xa. Không có ai thăm, cúng và chăm sóc mồ mả như tôi vào lúc đó. Gió ngưng thổi. Mưa không rơi.

Đứng tĩnh tâm thương nhớ một lúc lâu, nhìn hai nén hương bốc ngát khói và mấy cây đèn sáp le lói cháy, tôi chợt thấy trên cao mặt trời ngập ngừng ló ra khỏi mây. Nghĩa địa bừng sáng lên một khoảnh khắc. Nói chuyện với bà xã, tôi giải thích cho bả biết là hôm nay lễ Thanh minh, tôi đi tảo mộ cho bả, là việc tôi làm lần đầu tiên trong cuộc đời chín mươi năm. Trước khi nói tschüs với bả, tôi vái ba vái. Sau đó tôi đạp xe qua thăm mộ một bà người quen đồng hương cũng an nghỉ chung nghĩa địa với bà xã.

Ngày hôm qua bỗng dưng tôi được dịp tìm hiểu thêm về lễ Thanh minh. Trong Từ điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh giảng như sau: “Thanh minh: Tiết thanh minh là tiết nhằm vào khoảng đầu tháng ba âm lịch (thường vào ngày 5 hay ngày 6 tháng 4 dương lịch).“ Học giả họ Đào tài thật: sao Cụ biết là ngày hôm qua, 05.04.2022, tại thành phố Bonn, nước Cộng hoà Liên bang Đức, tiết Thanh minh lại về để cho tôi có dịp đi giẫy mã bà xã? Nhưng theo Cụ mô tả thì người ta tổ chức lễ hội Thanh minh một cách khác hẳn với cá nhân tôi.

Câu văn cuối của bài viết này xin dành để cám ơn bạn Nguyễn Khoa Phước đã hết sức tinh tế và vô cùng thân mật nhắc nhở tôi nhớ đi tảo mộ bà xã. Tôi vốn kém cỏi về tập tục lễ nghi nên nếu không có Bạn nói ra cho tôi nhớ thì tôi đã vô tình bỏ qua một dịp thương tưởng. Cũng như trước đó không bao lâu, vì cô em gái ở Việt Nam nhắc nhở mà tôi đã biết xúc một bát cơm mang ra mộ bà xã cúng bốn mươi chín ngày.

Gửi riêng cho Bạn Nguyễn Khoa Phước đọc bài viết về Thanh minh sau khi mới vừa hoàn tất, tôi được Bạn cho nhận xét là đàn ông mất vợ đau khổ hơn đàn bà mất chồng. Bạn kể trường hợp của tôi và trường hợp của Bác sĩ Ngô Kỳ Phong, trên tôi một lớp, cũng cùng Trường Y Sài Gòn. Tôi thấy có vẻ đúng. Mẹ ruột tôi và bà kế mẫu của bà xã mất chồng nhưng cả hai bà đều có vẻ ít đau đớn buồn khổ như tôi. Tôi không rõ khoa tâm lý học có xác nhận điều này hay không.

06.04.2022