Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Nguyễn Trác Hiếu (QYHD/18)
Khoảng đầu năm 1977, chúng tôi bị CS giam giữ tại trại tù Trảng Táo trong tỉnh Long Khánh. Chiều hôm ấy, một buổi chiều oi bức và nắng sắp tắt sau rặng núi lam. Tôi đang ngồi đan một chiếc rổ tre để đựng rau. Quanh tôi, vài ba bạn tù khác cũng đang ngồi vá áo quần. Đây là một khoảng thời gian thoải mái ngắn ngủi mà chúng tôi có được sau một ngày làm việc cật lực trong rừng sâu hay trên nương rẫy.
Vừa xây dựng trại tù vừa phá rừng trồng bắp mì để tự nuôi sống, chúng tôi bị bắt buộc làm việc nặng nhọc từ mờ sáng đến chiều tối, không một ngày nghỉ ngơi. Bỗng có tiếng ai hỏi vọng ra từ trong trại tôi:
- Ai vậy? Ai vậy? Đau gì vậy?
Tôi quay nhìn ra sân sau. Hai người bạn tù của chúng tôi đang chạy lúp xúp, võng một người bệnh hướng về phía bệnh xá.
- Quỳnh. Đội 13. Sốt rét.
Một trong hai người đang khiêng võng trả lời vừa thở hỗn hễn. Tôi giật mình khi nhận ra hai tiếng "Quỳnh" và "sốt rét." Tôi bỏ vội chiếc rổ tre xuống đất, đi vòng ra sân sau nhưng chiếc võng và người bệnh đã khuất mất sau đám tranh cao bên bìa rừng. Tôi tần ngần quay vào trại, bỏ dở công tác đan rổ.
Quỳnh là tên thật của một bạn tù của tôi. Tôi mới gặp Quỳnh cách đó vài hôm khi anh đi phát rẫy về mình mẩy lem luốt tro bụi. Quỳnh thường đi khập khễnh vì gân gót chân trái bị thương co rút trong một tai nạn lao động ở trại tù Tây Ninh trước đó. Gặp tôi Quỳnh tươi cười:
- Trời nóng quá anh Hiếu ơi. Uống bao nhiêu nước cũng không bớt khát. Ước gì có được một con suối đâu đây...
Quỳnh bỏ lửng câu nói vì có lẽ anh chợt nhận ra rằng những ước mơ cỏn con như vậy sẽ không bao giờ có được trong cảnh lao tù đày đọa nầy. Tôi định bụng chiều hôm sau sẽ ghé bệnh xá thăm Quỳnh sau giờ lao động. Bệnh xá đây là ba căn nhà tranh nhỏ ọp ẹp với mấy chiếc chõng tre. Trưởng bệnh xá là một y tá CS có nước da tái mét, thuộc quân chính quy Bắc Việt. Có hai bác sĩ quân y tù được trưng dụng làm việc tại bệnh xá. Thuốc men ở bệnh xá thì chỉ có vài viên kí ninh và vài viên thuốc tể. Một số anh em chúng tôi chỉ bị kiết lỵ thôi mà cũng phải bỏ thây trên núi rừng. Chúng tôi đi lao động rủi bị tai nạn hay thương tích cũng phải giúp nhau chữa lấy.
Đêm ấy, cơm tối xong chúng tôi được lệnh chuẩn bị hành trang để sáng sớm lên đường cắt lá kè ở một khu rừng xa về lợp trại. Chúng tôi vội vàng đi lãnh gạo, bắp và sắp sẵn dụng cụ cá nhân xong thì đêm đã khuya. Tôi mỏi mệt đặt lưng xuống giường ngủ thiếp ngay, quên cả dự định qua trại 13 hỏi thăm tin tức bệnh tình của Quỳnh nặng nhẹ ra sao.
Mấy ngày cắt lá trên rừng thật nặng nhọc. Anh em chúng tôi trở lại trại với những gánh lá kè còn tươi nặng quằn vai. Ai nấy cũng uể oải. Quần áo của chúng tôi đã tả tơi càng tả tơi thêm. Da thịt bị gai cào trầy trụa khắp nơi. Tôi đang đếm những bó lá để giao lại cho đội trưởng thì một bạn tù lại gần tôi nói nhỏ:
- Anh Hiếu nầy, anh Quỳnh đau nặng lắm. Đêm qua anh ấy bị kinh giật và hiện giờ đang hôn mê ở bệnh xá. Anh để tôi lo vụ đếm lá nầy cho anh. Anh chạy lên bệnh xá xem bệnh tình ảnh ra sao.
Hai tiếng "hôn mê" làm tôi lo quắn quít. Tôi trao chiếc ba lô của tôi cho anh bạn. Anh bạn chỉ tay về phía đám tranh thưa:
- Anh đi theo đường mòn nầy đến bệnh xá lẹ hơn.
Tôi bương bả chạy về hướng bệnh xá trên đồi. Con đường mòn đã nhỏ lại ngoằn ngoèo, lồi lõm. Lau sậy cao quá đầu người. Dây leo, dây gai chằng chịt cứa vào chân vào mặt tôi đau điếng. Trí tôi rối rắm với nhiều câu hỏi, "Sốt rét não rồi sao mà kinh giật rồi hôn mê?", "Họ chữa Quỳnh ra sao?", "Thuốc đâu mà chữa?", "Làm sao cứu Quỳnh đây?" Hình ảnh những đồng đội của tôi bị sốt rét não hôn mê trong Quân Y Viện chợt vụt hiện về mồn một trong trí làm tôi càng lo âu cho Quỳnh. Gần đến bệnh xá tôi chạy chậm lại để thở và để quan sát xem có vệ binh canh giữ bệnh xá không. May thay, có lẽ lúc ấy là giờ ăn trưa nên chẳng thấy vệ binh nào. Nội qui trại không cho phép chúng tôi đến gần bệnh xá nếu không có lý do chính đáng. Tôi bước nhanh vào một trong ba căn nhà tranh.
Quỳnh được đặt nằm trên chiếc chõng tre ngay giữa nhà. Cả hai bạn y sĩ tù đều đang có mặt ở đó. Hai anh nhận ra tôi nhưng không ai nói một lời. Mặt người nào cũng buồn xo. Tôi sà nhanh lại bên Quỳnh, nâng đầu anh lên, nhìn vào đôi mắt mở hờ. Tròng mắt trắng dã, hai con ngươi đã nở lớn từ lúc nào. Da mặt Quỳnh lạnh ngắt. Tôi quay nhìn hai người bạn y sĩ như có ý hỏi chuyện gì đã xảy ra cho Quỳnh. Một người, mắt đỏ ửng, nói trong nghẹn ngào:
- Sốt rét não. Cố hết sức rồi. Kim ngắn quá không chích thấu tim được.
Tôi cảm thấy bủn rủn. Mớ tóc đen của Quỳnh rối bùng. Vầng trán thật rộng. Môi Quỳnh tím nhạt, hai mắt mở hờ khô héo. Tôi cầm lấy bàn tay Quỳnh. Bàn tay lạnh như đá, vô tri. Tôi biết mọi sự đã trễ quá rồi. Quỳnh đi nhanh quá. Cả ba chúng tôi còn đang đứng lặng nhìn Quỳnh thì tên y tá CS bước vào hỏi:
- Bệnh zì thế?
Một trong hai người bạn y sĩ của tôi tần ngần đáp:
- Sốt rét...
Tên y tá trề giọng:
- Xốt zét cấp tính mà chữa thế lào được. Đi báo cáo cho đồng chí M. biết đi. Giọng tên y tá CS làm tôi bực mình dù lòng đang tái tê. Tôi mắng thầm, "Mi là con ếch dưới đáy giếng biết chi mà khoác lác." Dù vậy, tôi cũng phải nuốt hận vuốt mắt cho Quỳnh rồi bước ra khỏi căn nhà tranh mà lòng trĩu nặng tiếc thương lẫn uất ức. Đồng chí M. mà tên y tá nói đến có lẽ là tên quản giáo trại trưởng.
Tôi quen Quỳnh từ ngày chúng tôi bị giam chung ở trại tù Trảng Lớn gần sát phi trường Tây Ninh. Tôi mường tượng nhớ lại dạo đó, 1976-1977, Quỳnh khoảng 29 hay 30 tuổi, cấp bực Trung Úy nhưng không rõ thuộc binh chủng nào. Giờ nầy, cả họ và tên lót của anh tôi cũng không nhớ nổi. Quả thời gian và nếp sống đa đoan của xứ sở nầy đã bắt đầu xóa nhòa những chi tiết trong ký ức tôi. Trong tù Quỳnh thường hay chuyện trò với tôi. Anh lập gia đình được một tháng thì biến cố 30 tháng 4 xảy đến và anh bị bắt đi tù. Có lần Quỳnh nắn bóp gót chân bị thương tật của anh rồi hỏi tôi:
- Gân gót chân tôi bị rút. Mai mốt mãn tù về mổ sửa lại được không anh Hiếu?
Tôi trấn an anh:
- Được chớ sao không. Dây thần kinh bị đứt lìa mà còn nối lại được huống hồ gân gót chân.
Quỳnh cười tin tưởng:
- Hy vọng vậy. Đi khập khễnh hoài vợ chê cho phải không anh?
Có một đêm, tôi đang ngồi đun nước ở một bếp lửa cạnh bìa rừng thì Quỳnh lò mò đến. Mặt anh buồn thiu. Quỳnh ngồi xuống bên tôi nói nhỏ:
- Tôi bị ngón tay hành hạ mấy hôm nay. Chiều nay nó nhức nhối quá làm tôi bị sốt...
Anh chìa ngón tay giữa bên trái cho tôi xem. Lóng tay chót sưng tấy và đang nung mủ. Tôi trách Quỳnh:
- Sao để tới độ nầy mới cho tôi biết? Bị dập phải không?
- Không anh. Gai móc mèo. Tôi moi mãi mà không cách nào lấy nó ra được.
Quỳnh đáp. Tôi làm bộ tự tin:
- Dễ mà. Gắng chịu đau vài giây. Tôi lấy nó ra cho anh.
- Chích cho tôi chút thuốc tê chớ bác sĩ!
Quỳnh đùa thôi chứ Quỳnh thừa biết trong tù chúng tôi nhổ răng sâu, mổ nhọt hay khâu vá vết thương bằng cách nào rồi. Làm gì tìm được thuốc tê trong hoàn cảnh nầy. Tôi đề nghị Quỳnh ngồi sau lưng tôi, cánh tay phải Quỳnh ôm chặc lưng tôi. Tôi kẹp cánh tay trái của Quỳnh trong nách trái của tôi. Chờ cho chiếc "dao mổ" tí hon, chế tạo từ mảnh thép máy bay, nóng đỏ lên trong lửa, tôi bảo Quỳnh cắn răng, nín thở và tôi rạch nhanh đầu ngón tay nung mủ của Quỳnh. Máu mủ tuôn ra trên đất. Tôi nghe Quỳnh rên nhỏ. Tôi moi nhanh cái gai móc mèo nằm sâu trong ngón tay anh ra. Nó còn cứng, nhọn, cong và đen bóng như cái móng mèo tí hon thật. Quỳnh cảm ơn tôi trong lúc nét đau còn hiện rõ trên khuôn mặt lấm tấm hồ hôi. Tôi băng ngón tay Quỳnh bằng một miếng vải rách đã luột sẳn phơi khô. Tôi nói đùa cho Quỳnh đỡ đau:
- Chân đi khập khễnh thì không sao chứ ngón tay giữa nầy mà không giữ cho nó được mềm mại, không mơn trớn vợ được là vợ bỏ đấy!
Quỳnh bật cười lớn:
- Nhớ vợ quá anh Hiếu ơi! Nhớ quay nhớ quắt. Nhiều lúc muốn trốn trại về thăm vợ vài hôm rồi ra sao thì ra.
Câu nói của Quỳnh làm tôi chợt nhớ về vợ con tôi. Đã lâu lắm rồi chúng tôi không được nghe tiếng vợ nói, tiếng các con cười. Nhiều đêm tỉnh giấc thổn thức vì nằm mơ thấy được hôn vợ hôn con. Mỗi lần nghĩ nhớ về gia đình là mỗi lần ngày tù cứ dài ra như thiên thu bất tận. Vết mổ trên ngón tay Quỳnh lành hẳn sau một tuần dù chẳng có thuốc men gì.
Chúng tôi bị bắt phải lao động liên miên. Mì bắp thì ngày càng bị cắt xén. Có những cơn đói làm tôi bủn rủn, run rẩy. Chỉ cần nghĩ đến một miếng khoai mì luộc thôi thì nước miếng cũng đã ứa ra trong miệng. Tôi uống nước lã để làm dịu cơn cồn cào của bao tử. Mỗi chiều đoàn tù mệt mỏi, nhớp nhúa, đói lã cố lê bước từ rừng về trại.
Có một buổi chiều đi làm về tôi nặng nề thả người xuống chiếc ghế tre cạnh chiếc bàn con tôi tự tạo. Một gói lá xanh bằng nắm tay nằm trong góc bàn.Tôi tò mò mở gói. Một củ khoai lang luộc nhỏ và một mảnh giấy với hàng chữ "Anh Hiếu. Mới kiếm được vài củ khoai, mời anh một củ. Q." Tôi cảm động nuốt miếng khoai lang ngọt lựng trong cổ và thầm cảm ơn Quỳnh. Ngay cả khoai lang cũng không phải dễ kiếm. Chúng tôi đã phải ăn cả ếch nhái, rắn chuột mà chúng tôi tìm bắt được trong khi đi lao động.
Một chiều khác, Quỳnh đang làm anh nuôi, thấy tôi mình mẩy đầy tro bụi mà không tìm được nước để lau rửa, Quỳnh ngoắt tôi lại gần nhà bếp:
- Có cái nầy cho anh
.
Quỳnh chỉ cho tôi một thùng đạn nhỏ nước trong mà Quỳnh để trong góc bếp. Thấy tôi còn ngần ngừ Quỳnh giải thích:
- Sáng nay tôi đi lấy nước tận trên núi cao để nấu bếp, đã tắm rửa giặt giũ rồi. Anh đừng ngại. Không lau rửa lớp bụi đất đó đi thì đêm nay ngứa chết làm sao ngủ được.
Tôi cảm ơn Quỳnh. Quỳnh cười vui nói nhỏ vào tai tôi:
- Gắng sống cho sạch thì tương lai mới hy vọng có nước chứ anh.
Tôi hiểu ngay Quỳnh muốn nói gì. Một miếng khoai, một lon nước, một lời an ủi khích lệ trong hòan cảnh tù tội nầy càng làm cho chúng tôi gần gũi nhau hơn.
Tin Quỳnh mất đột ngột làm xôn xao tất cả anh em chúng tôi. Các bạn tù trong bệnh xá khiêng xác Quỳnh ra đặt nằm trên một chiếc chõng tre giữa đám lau sậy.
Tôi trở lại thăm Quỳnh. Quỳnh vẫn mặc bộ treilli rộng đã bạc màu. Một chiếc áo cũ được cuộn tròn làm gối lót dưới cổ Quỳnh. Quỳnh nằm thẳng, hai tay để xuôi theo thân, mắt nhắm như người đang ngủ say. Chỉ có da mặt Quỳnh là hơi nhợt nhạt. Trên đầu chiếc chõng tre có một chiếc đĩa sành và hai nắm cơm vắt nhỏ. Có anh em nào đó đã hái mấy cánh hoa rừng màu trắng và tím đem cắm trên đầu chiếc chõng tre cạnh đầu Quỳnh. Tôi đứng nhìn Quỳnh thật lâu, cố thu vào trí nhớ một hình ảnh thân thương của một người trai trẻ bị bức tử, phí phạm.
Quỳnh nằm đó thản nhiên. Gió rừng lành lạnh thổi rung rinh những sợi tóc đen nhánh lòa xòa trên vầng trán rộng của Quỳnh. Vài con chim sâu nhỏ vô tình bay đậu trên chiếc chõng tre Quỳnh nằm. Nắng chiều yếu ớt vàng vọt. Trên không trung những đám mây xám như đang thờ thẫn, buồn bã trôi chậm về một nơi nào.
Anh em chúng tôi chung nhau lo việc an táng Quỳnh. Những tấm ván cũ dùng vẽ bản hiệu trước kia được thu góp lại để đóng thành chiếc quan tài. Chiếc huyệt được dào ngay dưới gốc một cây cổ thụ với hy vọng là cái mốc cho thân nhân Quỳnh có cơ may tìm kiếm được mộ Quỳnh trong tương lai.
Trước giờ hạ huyệt, anh đội trưởng của Quỳnh ra dấu cho anh em chúng tôi, khoảng mươi người, đứng quanh xác Quỳnh để cầu nguyện cho ngưòi bạn xấu số. Một vài phút yên lặng trôi qua. Anh đội trưởng cất giọng nghẹn ngào, "Đời... rồi ai cũng đến lúc nầy... nhưng Quỳnh đã bỏ anh em mình ra đi quá sớm... trong một cảnh ngộ khó khăn mà anh em chúng ta đang phải trải qua..."
Tiếng anh nói nhỏ đi và đứt quãng trong một nỗi xúc động tột cùng. Tôi không còn nghe rõ được những câu chót của anh đội trưởng. Tai tôi đã bùng, mắt tôi đã mờ lệ. Quanh tôi có nhiều dòng lệ đang lăn trào trên má những người trai sa cơ thất thế, đang cố nuốt đau thương và uất hận.
Mặt trời sắp lặn sau dãy núi lam. Không gian đổi màu tím nhạt u buồn. Trong cảnh biệt ly thống thiết giữa núi rừng, chúng tôi mỗi người ném một nắm lạnh vào huyệt Quỳnh và chào vĩnh biệt anh. Chúng tôi đắp mộ Quỳnh thật cao bằng những viên đá lớn với hy vọng thời gian và mưa gió không mau chóng xóa đi những dấu vết nơi an nghỉ của một người bạn tù. An táng Quỳnh xong, chúng tôi không ai nói với ai lời nào, lặng lẽ đếm bước trên con đường mòn quanh co dẫn về trại tù.
Giờ cơm tối, tôi ngồi nhai chén bắp luộc mà cảm thấy một khoảng trống vắng to lớn trong hồn. Tôi nhớ lại có lần Quỳnh mời tôi nửa trái bắp luộc:
- Ăn đi anh. Bạn bè chia xẻ mới vui. Ăn một mình thì bao tử đầy thêm một chút chứ có nghĩa gì.
Bữa ăn hôm ấy thật u buồn. Mọi người nhu chẳng ai muốn nói lớn. Tôi miên man suy tư. Một anh bạn tù trẻ bưng chén bắp lại ngồi sát bên tôi thì thầm:
- Hy vọng thân nhân anh Quỳnh có thể đến đây được trong vài hôm.
Tôi ngạc nhiên nhìn anh hỏi:
- Sao thân nhân anh ấy biết mà đến được?
Anh bạn giải thích:
- Có mấy anh em mình đang làm gỗ ngoài ga Trảng Táo đã biên thư cho gia đình anh Quỳnh và lén gửi qua khách buôn bán trên tàu. Gia đình anh ấy ở Sài Gòn.
Tôi định hỏi sao anh em mình không giúp gởi thư cho gia đình anh ấy sớm hơn khi anh ấy còn đang bệnh và cần thuốc nhưng tôi chợt nhớ ra Quỳnh trở nặng khi đa số anh em gần gũi đang phải đi cắt lá ở xa. Không ai ngờ Quỳnh trở nặng nhanh như vậy.
Vài hôm sau khi Quỳnh được an táng thì chị Quỳnh từ Sài Gòn lên đến trại tù chúng tôi. Chị đi thẳng vào trại quản giáo xin phép được thăm chồng. Quản giáo CS nói quanh không cho chị vào. Chị dõng dạc nói:
- Chồng tôi bệnh nặng, các ông không chữa chạy, không báo cho gia đình anh ấy biết. Chồng tôi chết, các ông không cho tôi đi thăm mộ. Mấy đêm nay hồn chồng tôi đã liên tục về báo mộng là ảnh đã bị chết oan uổng rồi. Tôi muốn gặp cấp trên của các ông.
Quản giáo CS hoang mang chuyện hồn oan báo mộng nên đành cho chị vào trại.
Anh đội trưởng của Quỳnh và vài bạn thân được phép đưa chị Quỳnh đến nơi chôn cất Quỳnh. Chị Quỳnh mặc quần đen, áo bà ba trắng, đội nón, tay xách một túi vải. Chị đi không vững. Hai mắt chị thâm quầng. Có lẽ chị đã khóc thật nhiều khi nhận được hung tin. Chị phủ phục ôm lấy mộ chồng khóc ngất, "Anh ơi ... sao anh nỡ... bỏ em..." Tiếng khóc xé lòng chúng tôi. Anh em chúng tôi, người xúm xít khuyên giải chị, người lo thắp nhang, bày biện hoa quả trước mộ Quỳnh. Chị Quỳnh cúng lạy chồng trong cơn mê sảng của đau thương chất ngất.
Trời chiều ảm đạm. Chị Quỳnh gắng gượng đứng lên cắm mấy cành hoa lên mộ chồng rồi trao mấy trái cây vào tay anh đội trưởng. Chị nức nở:
- Gia đình em cảm ơn quý anh đã chung lo cho anh Quỳnh của em có được nơi an nghỉ...
Chị lại khóc lớn. Anh đội trưởng dìu chị ra ga lên tàu trở lại Sài Gòn. U buồn, mất mát đè nặng tâm hồn chúng tôi. Không ai động đến những trái cây chị Quỳnh trao lại cho anh đội trưởng.
Quỳnh ngã bệnh đột ngột, ra đi đột ngột. Hình ảnh người vợ tù trẻ đau thương phủ phục ôm mộ chồng làm tôi thao thức nhiều đêm. Tôi nhớ về những tiếng khóc não ruột trong Tết Mậu Thân bên những nấm mồ tập thể ở Huế. Tôi nhớ về những lần đưa tiễn đồng đội về nơi an nghỉ cuối cùng trong đó có những người vợ trẻ và những đứa con thơ đầu quấn khăn tang, dìu nhau trong những bước đi nghiêng ngã vì đau thương. Trong cảnh lao lý đày đọa nầy, bất cứ ai trong chúng tôi mà không may bị sốt rét như Quỳnh thì cũng khó có cơ sống sót. Mạng tù rẻ mạt. Nhiều anh em chúng tôi đã oan uổng nằm xuống trên rừng sâu núi thẳm vì mìn bẫy, tra tấn, biệt giam, tai nạn, sốt rét, kiết lỵ, thương hàn, lao tổn, kiệt sức... Chính sách trả thù hèn mạt vẫn đang tiếp diễn trên khắp quê hương.
Tôi có ý định viết về bạn tôi từ 21 năm trước khi mà tôi vừa đặt được chân lên đảo tị nạn Pulau Bidong ngoài khơi Mã Lai Á vào tháng 10 năm 1978 nhưng mãi đến hôm nay tôi mới làm được việc nầy. Muộn còn hơn không. Tôi tự an ủi vậy. Dầu sao, đêm nay tôi cũng thấy vơi đi được phần nhỏ nào những cưu mang còn chất chứa nơi lòng về một quá khứ đau thương. Tôi viết như để được thêm một lần tưởng nhớ và thương tiếc về hàng ngàn bạn tù lương tâm như Quỳnh đã oan uổng nằm xuống hay đang còn bị giam giữ trên khắp quê hương Việt Nam nghèo khó.
Nguyễn Trác Hiếu
Orlando đêm 24 tháng 11 năm 1999
Tái bút:
Một buổi tối giữa năm 2003, điện thoại nhà tôi reo. Tôi bắt điện thoại. Bên kia đầu dây có tiếng một phụ nữ khóc nức nở. Tôi giật mình nghĩ ngay đến bà mẹ già của tôi còn đang sống ở quê nhà. Tuy vậy, tôi cũng cố giữ bình tĩnh hỏi:
- Xin lỗi ai ở đầu dây?
Có tiếng khàn khàn của một phụ nữ trả lời:
- Xin lỗi có phải đây là nhà của anh chị Hiếu đó không?
- Dạ phải.
- Em là T. vợ của anh Quỳnh bạn của anh ngày xưa đó.
Tôi thấy nhẹ người đi ngay vì ngưòi phụ nữ nầy không phải là một trong các em gái tôi. Tuy vậy tôi vẫn chưa biết ngưòi gọi là ai, vợ anh Quỳnh nào.
- Chào chị. Chị đang gọi từ đâu?
- Em gọi từ tiểu bang Washington, miền tây bắc Mỹ. Em tên là T., vợ của anh Quỳnh bạn của anh bị mất trong trại tù Trảng Táo đó.
Tôi lại giật mình:
- Dạ chào chị. Tôi đã nhớ ra anh Quỳnh bạn tôi rồi. Chị có được khỏe không?
Sau đó, cuộc điện đàm kéo dài khoảng nửa gìờ. Chị Quỳnh cho biết chị đang cư ngụ ở tiểu bang Washington. Hai hôm trước, tình cờ người chị ruột của chị mang về cho chị một tờ báo tiếng Việt trong đó bài Quỳnh của tôi được trích đăng lại từ một tờ đặc san ở California. Chị nói trong nuớc mắt:
- Em đã khóc suốt hai đêm nay vì đọc bài anh viết về anh Quỳnh và tình bạn của hai anh. Em cảm ơn anh nhiều.
Tôi ân cần hỏi thăm hoàn cảnh chị. Chị được gia đình chồng giúp vượt biển không lâu sau khi Quỳnh mất trong tù. Tôi không nhớ chị đến bến bờ tự do nào vào năm 1978, cùng thời gian tôi vượt biển. Tin chị Quỳnh đọc được bài Quỳnh của tôi đến bất ngờ, sau nhiều năm tôi viết bài ấy, làm tôi thấy như mình vừa làm được một việc gì nho nhỏ hữu ích. Ngày chị phủ phục bên mộ chồng tôi không được dịp kể cho chị nghe về tình bạn của chúng tôi trong những ngày lao lý. Tôi tự nhủ quả đất vẫn tròn tuy đang nhỏ dần lại.
Orlando, đêm 9 tháng 12 năm 2007
Nguyễn Trác Hiếu