Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
|
Tác giả BS Lê Ánh - bút hiệu Lê Phú Thọ |
|
Lê Phú Thọ
(nguồn trích dẫn)
Năm 1959, tôi được thu nhận vào ngành quân y và bắt đầu vào niên học 1959-60. Ở Sài Gòn, có một Trung Tâm Huấn Luyện Quân Y, thuộc Cục Quân Y, trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Từ đường Trần Bình Trọng, phía Chợ Lớn đi ra gặp đường Hùng Vương. Cổng trường có mang bảng "TRUNG TÂM HUẤN LUYỆN QUÂN Y.” Địa chỉ số 4 đường Hùng Vương Chợ Lớn. Đây là một doanh trại quân đội cũ, từ thời Pháp thuộc, được mang danh là “khu chuồng ngựa.” Tất cả sinh viên Quân Y, Nha, Dược mới vào năm thứ nhất, hai (tính theo thời gian) bắt buộc phải vào ăn ở trong cư xá Trung Tâm Huấn Luyện Quân Y. Một số sinh viên các lớp lớn tình nguyện vào ăn ở trong Trung Tâm. Những sinh viên quân y đã có gia đình được phép ở ngoại trú.
Cơ sở Trung Tâm Huấn Luyện Quân Y được xây dựng từ thời Pháp nên nhà cửa đã xuống cấp quá nhiều. Là một cơ sở quân đội, trước cổng có trạm lính canh gác ngày đêm. Bao quanh Trung Tâm là tường xây gạch cao hơn 3 mét. Dọc theo tường cao là hàng cây cổ thụ cao vút, gốc lớn hơn một người lớn ôm. Từ cổng vào, phía tay trái là những dãy nhà trệt, nằm song song nhau. Tất cả những dãy nhà cửa trong Trung Tâm đều xây dựng cùng một kiểu cách như nhau, đều là những dãy nhà trệt, mái lợp ngói, tường xây gạch, nền tráng xi măng. Mỗi dãy nhà được ngăn ra làm nhiều phòng.
Từ cổng của Trung Tâm đi vào, 2 dãy đầu là văn phòng Bộ Chỉ Huy. và những Phòng Ban cạnh Bộ Chỉ Huy. Dãy nhà thử 3 tiếp theo là Câu Lạc Bộ, các Phòng Tiếp Liệu. Dãy nhà thứ 4 là Kho Quân Nhu, có một Đại Đội binh sĩ lo việc an ninh cho đơn vị.
Khu Cư Xá Sinh Viên quân y gồm có bốn dãy nhà dài cuối cùng, bên tay trái từ cổng Trung Tâm đi vào, nằm song song nối tiếp nhau. Dãy nhà thứ nhì của khu Cư Xá dành cho sinh viên lớp mới vào, hầu hết là sinh viên cùng lớp với tôi. Sinh viên quân y các lớp tự chọn lấy phòng và tự ghép chung vào ở cùng một phòng 2 hoặc 3 người. Trang bị trong mỗi phòng có 3 giường sắt đơn (một người nằm) kiểu nhà binh có nệm và drap màu xám. Ba cái bàn gỗ và ba cái ghế sắt dùng làm nơi để ngồi học. Ba cái tủ sắt đặt vào mỗi góc, nơi móc quần áo. Tất cả đồ dùng đều đã cũ. Lúc mới vào ở trong Cư Xá Sinh Viên, tôi ở chung một phòng cùng với hai bạn Lê Thanh Hà và Nguyễn Đình Văn.
Một dãy nhà trống vách, lợp fibrocement, nằm dọc dài theo tường, gần từ cổng vào, dành cho sinh viên để xe hai bánh. Có nhà để xe, nhưng không có xe nào để tại nhà xe. Khu Cư Xá nằm trong phiá sau cùng của Trung Tâm nên hầu hết các sinh viên cho xe chạy trên hành lang của mỗi dãy để đưa xe vào nằm trong phòng ngủ luôn. Xe gắn máy hoặc Lambretta chạy trước phòng ngủ gây ồn ào lắm. Có một lần suýt xảy ra tai nạn. Chuyện xảy ra như sau: Hà Thúc Nhơn, sinh viên quân y năm thứ hai chọn ở một phòng gần tận cùng trong dãy nhà của đám sinh viên mới vào. Anh Nhơn có tiếng là khó ngủ. Một hôm, giờ trưa, một anh sinh viên quân y (tôi quên tên) đi xe Lambretta ngang qua phòng anh Nhơn. Có lẽ bực mình vì không ngủ được, tiếng máy xe gây ồn ào, nên anh Nhơn từ trong phòng xô cửa ra. Nhưng cũng may là chiếc Lambretta chạy nhanh, thoát qua khỏi cửa phòng anh Nhơn, nên không bị cánh cửa đập vào xe. Anh Nhơn nổi cơn la lối om sòm. Thật ra trước đó ai cũng né anh Nhơn lắm. Có lẽ vì mất ngủ nhiều nên anh đâm ra cau có. Gần gủi Anh Nhơn, tôi nhận thấy anh tốt bụng lắm. Tính tình cương trực, trong quân ngũ, là một thầy thuốc, anh không chịu khuất phục những sĩ quan chèn ép cấp dưới. Sanh ra trong gia đình nghèo, anh Nhơn rất thương và bênh vực người nghèo. Vụ xảy ra ở quân y viện Nguyễn Huệ Nha Trang năm 1970, thật là đáng tiếc và thật là tội nghiệp anh Nhơn. Anh Nhơn là cựu học sinh Võ Tánh Nha Trang. Học hết năm Đệ Lục, anh bỏ vào Sài Gòn, học nhảy lớp. Lúc bấy giờ tôi học Đệ Thất Võ Tánh Nha Trang. Vì thế khi vào quân y, tôi học lớp BCP, anh Nhơn đã là sinh viên y khoa năm thứ hai.
Tất cả sinh viên nội trú trong Trung Tâm dùng các bữa ăn chính tại Câu Lạc Bộ. Mỗi sáng thứ hai, tất cả sinh viên mặc quân phục chào cờ. Sân chào cờ nằm phiá trên đầu cùng của các dãy nhà trước khu Cư Xá Sinh Viên. Hằng tháng, Trung Tâm Huấn Luyện Quân Y tổ chức những buổi sát hạch sinh viên quân y, nha, dược, các môn đã học trong niên học. Thời gian Y sĩ Trung Tá Hoàng Văn Đức, Chỉ Huy Trưởng, mỗi tháng còn có lịch sinh hoạt cho sinh viên quân y. Tất cả sinh viên quân y, mặc lễ phục, tập trung tại Câu Lạc Bộ Sĩ Quan An Đông, Chợ Lớn. Mỗi bữa sinh hoạt có khách mời để thuyết trình một đề tài về văn chương, thời sự, v.v... Sau đó là bữa ăn thân mật. Cũng trong thời gian này, sinh viên quân y tập dượt diễn hành. Đến ngày lễ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19/06, sinh viên quân y có tham gia diễn hành với các quân binh chủng khác.
Qua năm thứ hai y khoa, số vinh viên mới gia nhập vào ngành quân y khá đông. Cư Xá Snh Viên không đủ chỗ nên những sinh viên đã ở hai năm trước được phép ở ngoại trú. Lúc bấy giờ tôi đã quen với Hiền từ khi đi thực tập bệnh viện. Hiền và tôi cùng nhau ra Câu Lạc Bộ Sĩ Quan An Đông ở Chợ Lớn thuê phòng ăn ở.
Nhận vào ngành Quân Y, các sinh viên tốt nghiệp Tú Tài 2 phải qua một kỳ thi tuyển chọn. Sinh viên quân y gồm cả ba ngành: y, nha và dược. Các sinh viên vào năm thứ nhất, tính theo thời gian, được mang cấp bậc thượng sĩ, năm thứ hai, chuẩn úy, năm thứ ba và thứ tư, thiếu úy, năm thứ năm, thứ sáu và năm thứ bảy, mang cấp bậc trung úy đến khi tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp. việc thăng cấp bậc theo quy chế của quân đội và tùy theo từng quân binh chủng, đơn vị của vị y sĩ đang phục vụ. Mỗi năm vào mùa hè, trường Quân Y gửi sinh viên quân y đi thụ huấn quân sự tại các trường Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức, trường Võ Bị Đà Lạt, hoặc có năm thụ huấn tại trường Hạ sĩ quan Đồng Đế Nha Trang. Thời gian học quân sự thường là khoảng hai tháng hè cho các sinh viên quân y. Sinh viên y khoa đi thụ huấn quân sự đến cuối năm thứ hai y khoa. Hè năm thứ ba y khoa, sinh viên y khoa phải đi thực tập tại các bệnh viện rồi. Sinh viên quân y cùa ba ngành y, nha, dược khoa đều học chung với sinh viên dân sự trong các trường Y, Nha, Dược Đại Học Sài Gòn.
Khi tôi mới vào học quân y, Ysĩ Trung tá Nguyễn Văn Thư, làm Chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quân Y. Y sĩ Trung tá Nguyễn Văn Thư là ba của Nguyễn Mạnh Đôn, bạn cùng lớp khi tôi còn học Trung học Võ Tánh Nha Trang. Thời gian này, sinh viên quân y “lè phè” lắm. Tiếp theo là Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức. Sinh viên quân y trong thời gian này được khép vào nề nếp. Đến năm 1961, Trung Tâm Huấn Luyện Quân Y đổi tên là Trường Quân Y. Sau biến cố chính trị ngày 1/11/1963, Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức không còn giữ chức vụ Chỉ Huy Trưởng Trường Quân Y nữa. Y sĩ Đại Úy Lê Phước Thiện, Chỉ Huy Phó trường Quân Y đãm nhiệm Quyền Chỉ Huy Trưởng trường Quân Y. Khoảng sau năm 1963, trường Quân Y được dời về cơ sở mới xây cất tọa lạc trên đường Nguyễn Tri Phương, Chợ Lớn ( sau chợ cá Trần Quốc Toản, Chợ Lớn).
Về việc học y khoa, các sinh viên quân y cùng học với các sinh viên dân sự tại Đại học Y Dược, đường Trần Qúy Cáp, Sàì Gòn. Cũng như những sinh viên dân sự, sinh viên quân y thực tập tại các Bệnh viện ở Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định. Sinh viên quân y học Nha khoa theo học tại trường Đại Học Nha khoa, Sài Gòn. Nếu được nhận vào ngành dược, các sinh viên quân Dược sẽ theo học dược khoa tại trường Đại Học Dược khoa Sài Gòn.
Trường Đại học Y Dược Sài Gòn toạ lạc tại số 28 đường Trần Quý Cáp, Sài Gòn. Khoảng năm 1961, trường Đại Học Dược khoa dời đến tại cơ sở số 169 Công Lý, góc đường Hiền Vương, Sài Gòn. Sau biến cố chính trị 1/11/1963, trường Đại Học Dược Khoa dời về Thành Cộng Hòa, số 41 Cường Đễ, Sài Gòn. Khoảng sau năm 1965, trường Đại học Y khoa dời về Trung Tâm Y Khoa, đường Hồng Bàng , Chợ Lớn.
Tôi tìm gặp vài người bạn năm vừa qua học lớp Sinh Lý Hóa (BCP: Biology, Chemistry and Physics). Lớp BCP sau này đổi tên là lớp Dự Bị Y khoa (APM : Année Prémédicale). Tôi gặp anh Long tại nhà anh ở trọ tại Sài Gòn. Anh Long, người tôi quen khi còn học ở Nha Trang, học trên tôi một lớp. Gặp nhau trao đổi vài câu chuyện, tôi hỏi anh mượn ngay một số bài vở anh đã học BCP năm qua. Anh vui vẻ đưa cho tôi tất cả các bài học in ronéo và một số hình vẽ học ở các phòng thí nghiệm. Người thứ hai tôi gặp là anh Trương Ân. Anh Ân là anh của Long Ái, học cùng lớp vơi tôi (tôi học lớp Đệ Tứ 2, Long Ái, học Đệ Tứ 3) thời còn học Trung học Võ Tánh Nha Trang. Anh Ân học Lycée Yersin, Đà Lạt. Cũng như anh Long, anh Ân vui vẻ và bảo tôi rằng: “Tôi cho anh tất cả những bài học ở BCP và anh rán học nhé…”. Năm sau đó, cả hai anh Long và anh Ân đều không theo học BCP nữa. Anh Long theo học Khoa học Đại học Sài Gòn, còn anh Ân học Đại học Sư Phạm Sài Gòn.
Tôi ôm một số bài vở về nhà trọ, sắp xếp lại ngay ngắn. Đầu óc tôi luôn suy nghĩ
đến những khó khăn trong việc học của niên học sắp tới. Ngày ghi danh học của niên học mới tại Viện Đại học Sài Gòn, đường Duy Tân. Số học sinh ghi danh đông vô số kể.
Tôi chỉ ghi danh học BCP cho niên khoá tới. Đa số các học sinh sau khi đỗ Tú Tài 2 đều ghi ít nhất là hai lớp khác nhau, có anh ghi đến ba lớp. Số học sinh ghi tên học lớp BCP niên khoá 1959-60 có trên 4.800 người. Tôi có phối kiểm lại số sinh viên ghi danh vào lớp PCB năm ấy với bác sĩ Lê Quang Dũng, bạn học cùng lớp, làm việc tại Bệnh viện Galveston, Texas.
|
Lễ mãn khóa 21 HD 1974 Trường Quân Y QLVNCH |
|
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012