Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Đèn thư viện đã chớp lần thứ hai, một nửa dãy đèn bên trái đã tắt để báo hiệu hiệu cho mọi người rõ rằng thư viện sẽ đóng cửa trong vòng 10 phút; cửa vào cũng đã đóng từ mấy phút trước. Đã tắt máy vi tính, tôi đang loay hoay xếp lại mấy tấm thẻ, lau bàn làm việc; định quay cánh cửa sổ xuống thì một cô Sinh viên chạy đến trước cửa sổ vội vã nói:
-Tôi muốn mượn DVD "the Sunset Boulevard "; vừa biết là ông đang có.
Trễ quá; tôi cảm thấy hơi khó chịu vì bị quấy rấy vào giờ chót. Nhìn đồng hồ deo tay. Cô Sinh viên có mái tóc đen dài, dáng dấp một phụ nữ Á-châu, như hiểu ý:
-Xin lỗi tôi đến trễ vì hệ thống tìm sách báo on-line ở đây phiền phức quá, tôi chỉ mới tìm ra được 2 phút trước đây.
-Nhưng xin lỗi vì đây là một trong những DVDs dành cho các Giáo sư; Sinh viên chỉ được xem tại chỗ trong phòng A-V mà không được mượn về nhà.
Đôi chân mày nhíu lại làm cho khuôn mặt có vẻ dày dặn hơn; cô nhìn tên tôi trên tấm thẻ nhân viên trên túi áo và chợt chuyển sang nói chuyện bằng tiếng Việt, giọng miền biển:
-Bác thông cảm, ngày mai cháu phải nộp bài cho bà giáo Anh văn giờ này không còn biết tìm đâu ra cái dĩa này để xem.
Chưa biết phải xử trí ra sao vì nếu cho cô mượn dĩa phim, ngày mai nếu có ông hay bà giáo nào cần dùng đến mà không có thì cũng khó trả lời với xếp. Chợt nghe một tiếng khóc nho nhỏ, giọng con trẻ "mẹ, mẹ, ..."
Phải giải quyết gấp trước giờ đóng cửa.
Không biết từ lúc nào tiếng khóc của trẻ thơ thường cảnh báo tôi: phải xem xét lại mọi chuyện và giải quyết sao cho êm đẹp. Có thể từ những kỷ niệm xa xưa, thời thơ ấu đã đi vào tiềm thức hay rõ nét nhất từ một mùa thi năm xưa.
Gia đình vốn khá đông anh em, nhưng mấy ngưới anh lớn đã phải đi xa, người thì nhập ngũ tòng chinh, người thì do việc học hành. Chiến tranh đã đến hồi khốc liệt; quân đội Đồng minh đã đổ bộ lên mấy tỉnh miền Trung. Gia đình tôi lánh cư về hai căn nhà liền vách ở phía sau dãy phố chính của thị xã. Một ngày trở trời mấy đứa cháu nhỏ lên cơn sốt và dở chứng khóc đêm. Mấy đêm liền liên tiếp, hai người chị dâu đã muốn kiệt sức, mẹ tôi lắm lúc phải giúp các chị dỗ dành các cháu. Đêm khuya thanh vắng tiếng trẻ khóc và tiếng ru của mẹ nghe sao mà não nuột. Chỉ là những câu Ca dao quen thuộc nhưng nghe sao buồn quá:
" Gió mùa Thu mẹ ru con ngủ,
Năm canh chầy thức đủ năm canh..."
Đến lúc mẹ ru:
" Một mai trúc ngã lan quỳ
Bậu lo thân bậu, lo gì thân ai... "
Không biết mẹ tôi có trách móc anh em chúng tôi thiếu trách nhiệm không, nhưng tôi thấy xốn xang quá, tự cảm thấy thiếu trách nhiệm với mọi người trong gia đình, hối hận đã nhiều lúc phung phí thì giờ, và nhất là cảm thấy bất lực, không giúp ích gì cho cha mẹ và các anh chị.Tôi tự hứa phải cố gắng tối đa cho kỳ thi sắp tới. Tiếng khóc trẻ thơ cũng đã có lúc cảnh tỉnh được người lớn.
- Như thế này nhé, sinh viên không thể mượn dĩa phim này ra khỏi thư viện được. Tôi có thể dùng tên tôi để mượn cho cô nhưng cô hứa chắc là phải trả lại cho tôi trước 2 giờ ngày mai.
Ghi số thẻ sinh viên và tên người mượn vào sổ; tên không có dấu: TRUONG THINH HANG; như những lần trước để tỏ ra tôn trọng và cũng để lấy lòng các sinh viên Việt Nam ở đây, tôi hỏi lại:
-Tên của cháu đọc đúng theo chữ Việt có dấu là gì?
-Trương Thịnh Hằng. Tên của cháu trùng với tên của bác.
Như mọi lần, tôi hay bông đùa vô hại:
-Một cái tên đẹp, chắc cuộc đời cháu sẽ đẹp như cái tên của cháu.
-Vậy tên bác cũng đẹp. Chắc cuộc đời bác đẹp lắm.
-Không tên tôi không đẹp và hay bị các bạn tôi nói trại ra để chọc ghẹo, Ngọc H...,
Tôi đã hãm lại kịp thời trước khi phát âm hai tiếng ngọc hành trước một người trẻ khác phái..
Vừa ký tên nhận DVD, cô sinh viên tiếp tục câu chuyện.
-Mẹ cháu nói tên của cháu được ghép từ tên của hai ông Bác sĩ Quân y đã giúp mẹ cháu sinh ra cháu trên dọc đường di tản năm 1975.
Chút nghi ngờ về cái tên và người con gái trước mặt tôi đã được sáng tỏ, nhưng tôi muốn hỏi thêm cho chắc:
-Cháu sanh ở đâu?
-Mẹ cháu nói ở Cam ranh…
Dãy đèn bên phải chớp lên một lần rồi tắt hẳn, chỉ còn hai ngọn đèn ở lối ra. Bóng tối ập xuống đột ngột, đứa bé oà khóc. Hai mẹ con tiến nhanh về phía cửa ra.
Tắt nốt các ngọn đèn còn lại, ra về theo cửa bên hông, vừa đi vừa suy nghĩ về câu chuyện cũ rõ ràng là có liên quan đến người sinh viên tôi đã tiếp xúc sau cùng ngày hôm nay.
* * * * *
Một ngày đã xa, ba mươi mấy năm về trước, ....
Buổi tối về đến Nha Trang, cứ ngỡ rằng một gánh nặng đã trút khỏi đôi vai, một chén rượu đắng tạm thời thời cất lại, sau giờ phút hàn huyên với người anh và cô em út trong gia đình, tôi muốn trút bỏ sự mệt mỏi, tạm thời quên đi mọi chuyện, tìm một giấc ngủ bình yên bằng một viên thuốc có chút ít tác dụng an thần mà tôi đang có trong túi: viên Diphenydramine 50mg.
Nhưng tôi đã sai lầm, viên thuốc chẳng những đã không cho tôi một cảm giác dễ chịu nào mà còn đem đến một cảm giác ngầy ngật thật khó chịu. Đầu óc bứt rứt và bồn chồn, có cảm giác say nhưng khác với những lần uống rượu quá chén với bạn bè. Tôi chợt nghĩ rằng hay là sự linh cảm về một sự nguy hiểm nào đang xảy ra trong gia đình.
Không ngủ được, tôi tìm giấy bút để viết thư cho cha mẹ và hai người anh lớn đang còn kẹt lại ở Tuy Hoà, nhưng chỉ mới bắt đầu viết được vài dòng là nước mắt đã rơi lã chã,... cuối cùng thì cũng viết xong lá thư nói các anh phải đưa cha mẹ và các cháu đi xa vùng kiểm soát của Cộng quân. Nói thì dễ nhưng có làm được không? Xe cộ? Đường sá? tiền bac?, ..., y' chí và tinh thần của mỗi người nữa.
Dù sao thì tôi cũng đã cố gắng làm được việc gì có thể làm nên yên tâm lại giường nằm nghỉ để ngày mai dậy sớm ra bến xe tìm người quen gửi thư về gia đình (nhưng lá thư đã không bao giờ đến được tay cha tôi và các anh tôi vì ngay đêm hôm đó sau khi những chiếc xe trong đoàn của chúng tôi vùa đi qua thì những chiếc xe sau đã bị phục kích tại Hảo sơn trước khi lên Đèo Cả- (Tin đồn lan truyền rất nhanh và sau này tôi được nghe kể lai rằng sáng hôm sau người anh Cả trong gia đình tôi đã thuê xe đến đó để tìm xác tôi !).
Có lẽ những giọt nước mắt đã giải bớt cái tác dụng bồn chồn do thuốc hay những nỗi đau của tinh thần đã lấn áp cái khổ nhọc của thân xác tôi đã ngủ được vài giờ trước khi trời sáng để cùng anh tôi bàn tính những chuyện trong gia đình. Anh tôi nói rằng Nha Trang đã có lệnh di tản; chiếc tàu nhỏ của Hải Học Viện, nơi anh đang làm việc có thể đưa được nhân viên và gia đình nhưng vấn đề là làm sao lên tàu an toàn vì dân chúng đã đứng đầy nơi cầu tàu và anh cũng nhận định rằng với tình hình và tinh thần chiến đấu của quân đội như thế này thì chừng 6 tháng sau Sài Gòn cũng sẽ vào tay Cộng sản. Lúc ấy tôi nghĩ rằng anh đã quá bi quan nhưng sau này nhớ lại tôi thấy anh đã có những nhận định khá chính xác; thời gian tồn tại của Miền Nam ngắn hơn rất nhiều so với con số 6 tháng mà anh đã nói với tôi.
Đang phân vân không biết phải đi đâu vì theo những suy đoán của chúng tôi thì sư đoàn 22 về Nha Trang để tăng cường cho một lữ đoàn Dù giữ vững phòng tuyến ở Khánh Dương nhưng giờ này biết Bộ tư lệnh sư đoàn đang ở đâu, tướng Niệm, tư lệnh sư đoàn đang ở đâu?
Từ lúc qua khỏi đèo Cả đoàn xe của chúng tôi đã mất liên lạc với nhau, trên xe không có máy bộ đàm, và nhiều chiếc xe của dân chúng hay của những đơn vị khác đã chen vào vào giữa đoàn xe chúng tôi. Bác sĩ Thái, Bác sĩ Đãi và Bác sĩ Quát chắc giờ này cũng đang ở đâu đó ở Nha Trang nhưng biết nhà trọ của họ ở đâu mà tìm. Vì quá vội vã khi quyết định rời Qui Nhơn bằng đường bộ chúng tôi đã quên lấy điểm hẹn gặp nhau sau khi đến Nha Trang. Không còn ai để hỏi ý kiến nhận lệnh, giờ này chúng tôi phải tự quyết đinh và phải khôn ngoan hơn vì bài học ở quân cảng Qui Nhơn hãy còn rõ nét.
Còn luyến tiếc Nha Trang yêu kiều, với nhiều kỷ niệm tôi muốn nhận định tình hình rõ ràng hơn trước khi rời bỏ thành phố thân yêu. Đến viện Pasteur tìm người bạn hỏi thăm tin tức. Không gặp. Đến Quân Y Viện Nguyễn Huệ hỏi thăm tin tức cũng như xin ý kiến các vị đàn anh và xin xăng cho chiếc xe. Quân y viện Nguyễn Huệ vẫn làm việc bình thường; phòng nhận bệnh vẫn đông đảo bệnh nhân.
Gặp một bác sĩ đang lựa bệnh nhân để đưa vào khu giải phẩu của anh, tôi nhận ra là anh Kỳ, khoá 18 Hiện dịch, đã biết từ trước khi đến thực tập về ngoại khoa ở BV Chợ Rẫy trong mùa hè năm thứ ba lúc anh đang làm nội trú uỷ nhiệm ở đó và một lần sau đó khi anh về thăm trường sau lần thoát hiểm ngoạn mục của anh trong "Mùa Hè Đỏ Lửa," hấp dẫn không kém chuyện Papillon.
Không cần giới thiệu, nhìn con rắn vàng thêu trên túi áo bên phài và huy hiệu ba ngọn núi đen, hai dòng sông trắng (hắc tam sơn, bạch nhị hà) huy hiệu của Sư đoàn 22 trên vai trái anh đã hiểu tình trạng của chúng tôi.
Sau khi hỏi thăm về những người bạn đồng khoá với anh hay những người anh quen biết: anh Minh, anh Quát, ... anh Kỳ hỏi chúng tôi tính toán thế nào và cần sự giúp đỡ gì. Không cần úp mở tôi nói thẳng là cần xăng cho chiếc xe.
Anh nói "chắc phải gặp anh chỉ huy phó Quân Y viện hay sĩ quan quản lý trước." Tuy nhiên anh không đi về phía văn phòng của Bác sĩ chỉ huy phó hay phòng của sĩ quan quản lý bệnh viện mà anh đã lấy xe chúng tôi đến kho xăng đổ đầy bình xăng, giao lại chìa khoá xe từ biệt chúng tôi với lời chúc may mắn vì anh phải trở lại phòng mổ gấp. Xưa nay tôi vẫn nghe nói nhiều về những tương trợ và giúp đỡ của các đàn anh Quân y đối với đàn em trên chiến trường, trong trận địa hay trong những trường hợp tế nhị khó xử đối với các sĩ quan khác ngành và lần này tôi đã thấy sự sốt sắng của một người đàn anh.
Đưa xe chạy ngược phía đường Bá Đa Lộc, qua góc trường Võ Tánh, một quân nhân trẻ mặc quân phục của Thủy Quân Lục Chiến nhưng trên người không mang ba lô, súng đạn hay một thứ hành trang gì khác, chận xe chúng tôi lại xin quá giang. Không ai nói gì, chúng tôi không muốn có người lạ trên xe, nhưng Bá Lãng nhận ra là người quen ở gần nhà trong Cư xá Đô thành. Mà cũng khó ai có thể từ chối được khi nhìn khuôn mặt thật ngây thơ của người lính trẻ này. Gương mặt non choẹt tưởng như búng còn ra nước, râu không cạo nhưng chắc không cần cạo vì nó chỉ giống như những sợi lông măng của những đứa bé trai vừa đang tuổi dậy thì thật tương phản với bộ đồ rằn ri, với đôi giày botte cứng ngắc mà em đang đi.
Nghe giọng nói nhè nhẹ khi trả lời những câu hỏi của Bá Lãng về cuộc hành trình vất vả của cuộc di tản nào phải lội bộ từ chỗ đóng quân cao 2000m trên ngọn đồi gần Ái tử; về đến Đà nẵng tưởng đã yên thân lại có lệnh lên tàu Hải quân; bao nhiêu quân trang, quân dụng đã phải vứt bỏ xuống biển hết khi phải bơi ra biển để được kéo lên tàu; đêm qua mới vừa xuống Cam ranh theo người bạn rủ về nhà ở phía Cầu Đá Nha trang nhưng gia đình người bạn đã di tản bằng thuyền đánh cá từ hôm trước nên bây giờ chẳng biết về đâu.
Tôi nhìn em, lại nghĩ đến những đứa cháu nhỏ trong gia đình. Đúng là em chỉ đáng tuổi của những đứa cháu trong gia đình tôi, giờ này em phải được đến trường chứ sao lại phải vất vả nơi chiến trường? Ai đã đưa những thanh thiếu niên đầy mầm sống và thơ ngây này vào trò chơi binh lửa quá sớm?
Không biết phải làm gì, chúng tôi cho xe chạy dọc theo đường Biệt thự. Những ngôi nhà trắng thật tráng lệ và mỹ miều kia sắp sửa phải trải qua một sự thay đổi lớn. Những thiếu nữ một thời làm xôn xao tâm hồn những chàng trai mới lớn ở Nha thành: nào Thụy Khanh, Huê Dung, Diệu Liễu, Huyền Chiêu giờ này đang ở đâu!
Có ai đó đề nghị xuống Cầu Đá, bến tàu xem có gì hay ho không. Bến tàu vắng lặng; chỉ có vài chiếc ngư thuyền neo ở bến. Vòng lại thành phố. Trường Hải quân im lìm, lối vào bị chắn ngang bằng hàng rào dây kẽm có bánh xe di động.
Biển vẫn xanh đẹp, hàng dương liễu trên đường Duy Tân vẫn vi vu đón gió biển; những con dã tràng vẫn hồn nhiên xe cát trên bãi biển. Nhưng, .... vẻ êm đềm này có còn tìm thấy mãi không?
-Hay là qua trường Đồng Đế đi, theo đám sinh viên Sĩ quan mà có khi hay đó, Thịnh đề nghị.
Phòng mạch Bác sĩ Nguyễn Mậu Hoàng và Bảo sanh viện của Bác sĩ Trần Kiêm Phán vắng vẻ lạ thường…
Cổng trường Hạ Sĩ quan cũng đóng kín như Trường Hải quân. Hội thánh Tin lành chỉ tiếp nhận "con cái chúa. "
Cách tốt nhất là theo đoàn người di tản về hướng Nam, đến đâu hay dến đó. Xe vòng ra quốc lộ 1, leo con dốc nhỏ nhìn lên đỉnh Tháp Bà. Đỉnh Tháp Bà vi vút gió, như có những vị thần linh đang nhìn đám tàn binh chúng tôi chê trách, khinh khi. Khác hẳn cảnh đìu hiu một cách bất thường ở Nha Trang, quốc lộ 1 huyên náo lạ thường; trước nay quốc lộ chỉ đủ rộng cho hai làn xe chạy ngược chiều giờ đây xe cộ chen chúc nhau và cùng một hướng; chỉ có một hướng thôi: về phương Nam. Mọi thứ xe cộ xe lớn nhỏ, xe dân sự xe quân sự xe chở hàng xe chở khách, xe bò, xe ngựa lấn cả lề đường hai bên tạo nên 4 đến 5 làn xe đồng hướng về phía Nam, hướng của Tự do và hứa hẹn.
Đi về đâu? Không ai biết. Đâu là trạm dừng chân cuối cùng, không ai biết. Chỉ biết chúng tôi đang đi về hướng Nam, phía nơi Cộng quân chưa đến. Đoàn người (đoàn xe) di chuyển chậm chạp trong nỗi niềm tuyệt vọng của từng nét mặt đăm chiêu. Có thể vì kẹt đường hay vì lý do nào khác đoàn xe di chuyển rất chậm chạp, có lúc dừng hẳn lai, nhiều người xuống xe cho bớt cùn chân và hút thuốc.
Bên cạnh và sau lưng chúng tôi là mấy chiếc GMC 10 bánh, một chiếc Dodge mang dấu Hồng thập tự đỏ giữa lớp sơn màu olive và hình cánh dù bên phải bản số xe. Tôi xuống xe tiến về những chiếc xe có dấu hiệu của lính Nhảy Dù để hỏi tăm tin tức.
Tình cờ từ trên xe Dodge một người người lính Dù người hơi dong dỏng cao cũng vừa bước xuống xe. Nhìn ba bông mai đen trên cổ áo, theo phản xạ tự nhiên tôi đưa tay lên chân mày phải chào kính. Anh ta chào lại tôi và tiện tay vuốt tóc; lọn tóc hoe hoe đỏ. Tôi nhận ra là Bác sĩ Mạnh thuộc khóa 19 Hiện dịch, đàn anh trên chúng tôi 2 khoá. Vì khác khóa, không quen thân nhưng có biết biết nhau vì Mạnh chơi thân với Hãn, bạn của người anh trong gia đình tôi; chưa kể những lúc gặp nhau trong sân Trường Quân y trong những buổi chào cờ sáng thứ hai hàng tuần; trong các hành lang bệnh viện hay trong mùa quân sự ở Thủ -đức.
Thăm hỏi về tình hình chiến sự, Mạnh trả lời không vồn vã mấy có lẽ vì sự ê chề trong sự suy sụp mau lẹ tinh thần chiến đấu của các đơn vị bạn. Một phần Lữ đoàn 3 còn đang kẹt ở Khánh dương; giờ này không có tin tức của Nguyễn Kiêm (Kiêm máu), Phước, Thằng "nghé " và Liêm "show" chưa có tin tức.
Anh Tường và anh Cổn chưa dám đưa mấy tên tân binh Liêm, Thanh, Thịnh, Hầu, Như của khoá 21 ra thử lửa. Mạnh vân vê điếu thuốc có lẽ là điếu thuốc cuối cùng trong bao thuốc lá; anh vỗ đấu thuốc vào hộp quẹt Zippo, gắn điếu thuốc lên môi nhưng không buồn châm lửa.
-Tụi moa được lệnh rút về Cam ranh. Bi đát!
Một vài hành khách ngồi trong chiếc xe lambro đậu bên trước xe chúng tôi vừa nói chuyện vừa đưa tay chỉ chúng tôi; co' lẽ họ đang bàn tán câu chuyện của chúng tôi chăng. Một người đàn bà từ trên xe bước xuống xe, uốn mình mấy lượt qua phải rồi qua trái rồi đưa tay, một tay ôm bụng chống vào bẹ sườn và vùng thắt lưng bên phải. Thì ra là một bà bầu, nhìn cái bụng căng tròn dưới chiếc áo cánh in hình hoa xanh nhạt tôi đoán chừng thai kỳ đã dến tháng thứ 8. Người đàn bà tiến về phía tôi và Thịnh hỏi chuyện:
- Xin lỗi, các ông là Bác sĩ Quân Y?
- Phải, sao bà biết?
-Vì tôi nhìn thấy dấu hiệu con rắn màu vàng trên ngực áo các ông.
Người đàn bà có khuôn mặt trái xoan và có vẻ đoan trang và tóc cắt uống theo kiểu thời thượng của Sylvie Vartan. Tôi nhìn bà ta, nhận ra vài nét quen quen nhưng chưa nhớ ra đã gặp ở đâu.
Người đàn bà nhìn Thịnh rồi nhìn tôi hỏi:
- Các ông đi về đâu; tôi có thể đi theo các ông được không?
-Không biết về đâu, tôi trả lời nhanh, chúng tôi trên đường di tản, đang đi tìm đơn vị… Nhưng bà chị muốn theo chúng tôi để làm gì.
Người đàn bà không trả lời; lấy tay xoa bụng và cuối mặt. Tôi hiểu ý.
Chợt từ đâu chiếc xe của Quân cảnh Dù chạy tới. Từ trên xe một anh Quân cảnh và vài người lính dù bồng súng M16 đi bộ sau xe chiếc xe jeep ép đoàn xe trên đường đang kẹt cứng trên quốc lộ dạt vào lề đường, chừa lối đi cho đoàn xe của Lữ đoàn Dù. Mấy chiếc xe của đơn vị Dù từ trước chạy xen kẽ lẫn lộn trong nhũng chiếc xe quân sự và dân sự khác lúc này từ bò ra sắp thành một hàng liên tục từ từ tiến về phía trước. Bác sị Mạnh vẫy tay chào chúng tôi như muốn gửi một lời chúc may mắn. Đoàn xe của Lữ đoàn 3 Nhảy dù tiến về phía trước đã khá lâu nhưng chiếc xe jeep quân cảnh và mấy người lính dù vẫn chưa lên xe. Hình như họ có lệnh không cho những chiếc xe của đoàn người di tản bám theo họ. Vì bí mật quân sự họ không muốn tiết lộ điểm đến hay vì chiến thuật trong lúc di chuyển tôi không rõ lắm.
Trời đã ngã về chiều.
Mấy tiếng nổ lớn nghe rõ từ hướng Nam, vài phút sau hai chiếc phản lực cơ A 37 lượn một vòng trên đầu chúng tôi rồi trở lại hướng Nam bay mất hút. Chiếc xe Quân cảnh Dù và mấy người lính Dù đã lên xe chạy từ lúc nào tôi không để ý; có lẽ họ đã lên xe lúc 2 chiếc A 37 đang gầm gừ trên đầu chúng tôi. Đoàn xe vẫn chưa nhúc nhích.
Những tiếng nổ và sự xuất hiện của hai chiếc phản lực cơ A 37 hình như ít nhiều gây hoang mang cho đoàn người di tản. Vài tin đồn nhanh chóng được tung ra: có giao tranh ở phía trước, Lữ đoàn dù bị phục kích, ... Không xe nào muốn tiến lên dẫn đầu chạy trước; vài chiếc rẽ vào những hướng khác, một số rẽ trái về phía bờ biển và phần lớn hướng về phía bến xe. Đến một ngã ba, thấy có bảng chỉ dẫn với một mũi tên chỉ hướng Ty Y tế Cam ranh, nhìn trời chiều đang xuống nhanh, tôi nói với Thịnh và mọi người: hay là mình vào Ty Y tế xin thêm xăng và hỏi thăm tin tức đi. Không ai trả lời. Tôi hỏi lại một lần nữa; Lãng góp ý:
-Cũng nên lắm và kiếm chút gì cho bữa tối chứ; nên dưỡng sức.
Ty Y tế Cam ranh chỉ là cơ sở hành chánh giờ này vắng ngắt; Cổng không khoá, chúng tôi chạy xe thẳng vào sân. Phòng trực và phòng tiếp nhận không có ai hết. Từ sân sau, một bà cụ chừng 60 dắt một em bé gái trạc 13-14 tuổi tiến về phía cổng ngoài như muốn ra đường chợt thấy chúng tôi, quay lại chào hỏi:
-Quý ông tìm đến đây có việc gì?
-Có, tôi trả lời, cơ quan không có ai trực sao? Bà làm việc ở đây?
-Vâng, ngưới đàn bà trả lời giọng Bắc, Chú Dụng trực hành chánh vừa có người nhà đến gọi về nhà có việc cần. Phần tôi thì lo việc vệ sinh ở đây. Bác sĩ cần gặp người trực thì tôi bảo cháu đi gọi. Tôi tên Thái, cần việc gì mấy ông thầy cứ gọi. Cách nói chuyện của bà Thái cho chúng tôi cảm giác an toàn, gần gũi và quen thuộc. Vâng cách xưng hô của những nhân viên y tế nghe thật thân mật; tôi nghĩ nghư mình đang thực tập ở các bệnh viện Sài Gòn.
Tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao lần đầu gặp chúng tôi bà cụ đã biết chúng tôi. Nhìn lại hai bông mai đen vẫn còn trên cổ áo; con rắn vàng vẫn còn trên túi áo, tôi chợt hiểu ra.
Tôi nói thẳng:
- Chúng tôi di tản từ Qui-nhơn, đến đây có ý nhờ các đồng nghiệp và người cùng ngành y tế giúp đỡ và cũng để hỏi thăm tin tức.
Ty Y tế không có kho xăng riêng nên không có chuyện xin xăng. Bà cụ cho biết rằng có tin khuya nay sẽ có tàu Hải Quân vào bến cảng Cam Ranh.
Dù chưa quen biết nhau từ trước, nhưng người bà Thái tỏ ra vồn vã với chúng tôi và không có chút ngại ngùng gì với những những nguòi lính lạ mặt đang mặc áo trận. Tôi tự nhủ rằng dân miền Nam vẫn còn nhiều cảm tình với người lính. Bà dẫn mấy người lính đi về phía nhà bếp. Tôi lấy mấy bao cơm sấy, tôm khô và mì gói mà Dược sĩ Diễm đã mua ở Qui Nhơn mấy hôm trước. Bà cụ bảo Can và Hải dẹp những thứ thức ăn khô đi, nói rằng nhà còn thức ăn tươi và gạo mới. Thật tình chúng tôi có đòi hỏi gì đâu nhưng đã phải mang ơn và thầm hỏi có dịp nào để đền ơn...
Từ ngoài đường có tiếng la: “Cấp cứu!, cấp cứu!”
Như một phản xạ tự nhiên tôi, Thịnh và mấy quân y tá bước vội ra phía trước xem việc gì.
Chiếc xe xích lô chở người đàn bà, ngưới đàn bà, người đàn bà mang bầu sắp sanh mà chúng tôi chúng tôi thấy trên xe Lambro ngoài quốc lộ. Tôi đã hiểu chuyện gì.
-Sao không vào nhà hộ sinh Cô Mười ở phía dốc cầu? bà Thái hỏi.
-Có đến nhưng họ khóa cửa. Cô Mười, Cô Bảy gì cũng đã di tản hết rồi.
Người sản phụ trả tiền xe, anh phu xe không cần đếm tiền thót vội lên xe và đạp nhanh về phía quốc lộ, ý chừng muốn giao phó mọi chuyện cho người khác và không muốn dây dưa vào những chuyện rắc rối.
Sản phụ mặt nhăn nhó và bước đi nặng nhọc xô cửa vào thẳng phòng tiếp nhận của Ty Y tế không cần biết có ai phản đối gì không.Tôi và Thịnh đi vào theo.
Sản phụ leo lên nằm ngay trên bàn bàn giấy đặt ở giữa phòng.
Người đàn bà chỉ nhìn tôi và Thịnh;
-Chắc tôi phải sanh con ở đây thôi, các bác sĩ giúp cho; tôi không còn cách gì khác.
Tôi và Thịnh nhìn nhau không nói.
Không còn cách gì khác, nhưng ở đây không phải là nhà của tôi, cũng không phải cơ quan hay văn phòng của tôi. Điều lo ngại của chúng tôi là liệu chùng tôi có thể giải quyết trường hợp này kịp trước khi phải di chuyển không? Chưa kể những bất trắc và diễn biến bất thường có thể xảy ra; nhưng mà cũng không còn sự lựa chọn nào khác. Tôi mở ba lô lấy ống nghe và áp huyết kế, xem lại tình trạng tổng quát của sản phụ.
Huyết áp 120/80; mạch 96/phút. Đưa ống nghe vào vùng ngực nghe tim. Không có tiếng tim bệnh lý bất thường và rồi tự nhiên tôi kéo vạt áo sản phụ lên, nắn nhẹ vào cái bụng đang căng tròn; đưa ống nghe rà xung quanh rốn để để tìm nghe tiếng tim thai; đây rồi tiếng tim thai nghe rõ ở vùng hông trái chênh chếch về phía rốn.
-Céphalique; O.I.G.A. chắc không đến nỗi nào đâu Thịnh., tôi nói như để khuyến khích Thịnh một sự đồng tình giúp đỡ sản phụ.
- Thì mày cứ lo đi, tao là nội trú thần kinh giải phẩu của thầy Chiếu, chỉ biết đục sọ chắc không giúp được gì mày đâu. Nhưng nếu sanh khó hay trục trặc gì thì mày tính sao?
-Khoan đã; đừng hù tao. Sao không nghĩ đến chuyện sinh đẻ bình thường trước.
Tôi rửa tay và khám nốt phần phụ khoa. Túi nước ối đã vỡ từ lúc nào; cổ tử cung đã nở trọn và đã xóa hết; chỏm đầu của thai nhi đã nhô ra một phần. Chợt nhìn xuống chân và nhìn ra phía cửa, cửa ra vào chưa đóng kín và chân tôi vẫn còn đi đôi giày trận. Trông thật kịch cợm quá: hai người đàn ông đang mặc đồ trận với một sản phụ còn trẻ trong phòng hộ sinh; Giáo sư Hồng, Giáo sư Giệp nếu trông thấy tình cảnh này chắc phải đòi lại phần tốt nghiệp Bệnh lý Sản phụ khoa của chúng tôi. Tôi nói với Thịnh:
-Giúp gọi bà Thái hay em bé gì đó vào; Chỉ 2 thằng nhà binh của mình ở đây trông kỳ cục quá!
-Được rồi, nhưng tao ra luôn nhé.
Hình như Thịnh muốn dọa tôi.
-Không, mày phải vào đây để nhắc nhở tao nếu tao có thiếu sót điều gì, và tao cũng cần mày giúp tao thêm tự tin. Mày chơi thân với Vương Đức Hậu chắc cũng học được nhiều kinh nghiệm Sản khoa.
Và việc sinh đẻ dễ dàng và nhanh chóng hơn chúng tôi lo lắng. Một bé gái chào đời trong hoàn cảnh khá đặc biệt.. Kiểm soát nhau lần cuối, bánh nhau tròn và các bờ mép đều đặn, bà Thái giúp làm vệ sinh và lau dọn lại căn phòng.
Xin một tờ giấy trắng để tạm thời làm phiếu điều trị vì biết đâu sẽ có những diễn biến gì về lâm sàng và và chỉ số APGAR mà một đồng nghiệp nào đó cần biết để tiếp tục theo dõi.
-Tên gì?
- Khánh Huyền, Võ thị Khánh Huyền
Tên nghe quen, tôi đã nhớ ra.
-Có phải Khánh Huyền hồi trước học Nguyễn Huệ cùng thời với Ngọc Anh, Kim Tuyến, Kim Thanh, Kim Mai?
-Phải rồi, còn anh.., xin lỗi Bác sĩ hồi đó học trước Huyền một lớp, lớp chị Ngọc Điệp, Ngọc Chơn, Thuý Diệp ? Huyền đã nhận ra anh từ lúc gặp anh ngoài quốc lộ nhưng không dám hỏi.
Nhìn lại khuôn mặt khá phúc hậu của sản phụ, dần dần những kỷ niệm xưa hiện ra trong ký ức. Khánh Huyền, một trong những hoa khôi ở Tuy Hòa thuở ấy. Hoa khôi ở tỉnh nhỏ thường đã là đối tượng của các ông giáo trẻ, các sĩ quan hào hoa hay vài người đã có địa vị. Thời ấy tôi chỉ là một chú nhóc còn phá phách, tuy cũng có đôi lúc đam mê, ngơ ngẩn nhìn nàng từ xa mà "trông theo tà áo tiểu thơ. "
-Sao chị Huyền lại lưu lạc ở đây?
-Đi tìm ông xã, nghe nói đang bị kẹt ở Pleiku. Chưa có tin tức.
- Nghe đâu anh nhà làm việc ở Bộ Công Chánh mà sao lại bi kẹt ở Cao nguyên?
-Nhà tôi bị động viên, đôn quân sau Mùa Hè Đỏ Lửa. Còn anh? Học Y khoa sao cũng đi lính?
-Tôi tình nguyện thi vào Quân Y từ năm thứ hai Y khoa…
Tôi ghi nốt những chi tiết bệnh lý và tình trạng tổng quát vào phiếu điều trị.
Trao tấm "phiếu điều trị," một ít thuốc men và lời dặn dò cho sản phụ tôi sao tôi bỗng thấy áy náy với một mặc cảm bỏ rơi một bệnh nhân, một người cần được giúp đỡ. Thật tình mà nói, tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Tôi an ủi sản phụ:
- Mọi việc sẽ tốt đẹp; rất tiếc là khuya này chúng tôi sẽ di chuyển; có thể sẽ ra bến tàu chờ tàu Hải Quân, cũng có thể len lỏi theo đường bộ vào Phan Rang.
-Cảm ơn anh Hằng nhiều lắm. Xin anh một đặc ân. Tôi có thể lấy tên anh để đặt tên cho con tôi không?
- Hay nhỉ!
Tại sao không? Đâu còn là thời phong kiến nữa huống hồ tôi có là gì đâu mà chị Huyền lại sợ phạm húy. Nhưng tên tôi đâu có hay đẹp gì đâu? Hay chị Huyền lấy tên của anh bạn tôi đi.
- Tôi sẽ ghép cả hai cho tên của con tôi:Thịnh-Hằng. Tôi mong một điều may mắn cho con tôi. Anh vào Phan Rang giúp tôi đến gặp bác Bửu Yến, nhờ bác báo tin cho gia đình tôi.
-Bác Bửu Yến? Tôi hỏi lại, có phải bác làm ở Toà Hành Chánh tỉnh Phan Rang? Toi có biết Vĩnh Hoè,Vĩnh Tích con của bác; Hoè hoc cùng lớp với tôi hồi trước và chị Tường Vi rất dễ thương.
-Anh Hằng đến gần đây Huyền nhờ chuyện này.
Tôi bước lại gần cạnh bàn giấy. Sản phụ nhét một gói nhỏ vào túi quần sau của tôi:
-Một chút lệ phí cho anh đi đường nhé.
Tôi ngoái cổ nhìn xuống, một cuộn tiền. Tôi móc vội ra,
-Sao vậy, tôi có giúp được gì cho chị mà chị trả công? Xưa nay tôi chưa hề nhận tiền của bệnh nhân, tôi làm việc cho quân đội và quân đội đã trả lương cho tôi rồi.
-Chuyện này khác. Anh cần tiền trên đường di tản, anh phải đến nơi bình yên.
-Chị đang cần tiền hơn tôi. Tôi tiếc là chưa giúp được gì .
Vâng tôi chưa giúp được gì cho ai!
... và rất nhiều năm qua mỗi lần ai nhắc đến địa danh Cam Ranh, Phan Rang tôi vẫn áy náy về một nhiệm vụ chưa hoàn tất.
… Tiếng khóc chiều nay của một bé thơ như là lời cảnh tỉnh rằng tôi hãy còn nhiều nhiệm vụ chưa hoàn tất; lắm việc làm còn dang dở từ bao nhiêu năm qua. Mãi nghĩ đến những bước chân của hai mẹ con cô sinh viên trẻ dẫn tôi một dĩ vãng xe đã vào xa lộ lúc nào tôi không biết. Gió mát từ hồ Michigan đưa tôi về thực tại còn nhiều việc phải làm.
Chicago mùa Xuân năm Nhâm Thìn 2012
Phan Bảo Thư
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012