Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Hội Ngộ Quân Y 2012

Hội Ngộ Quân Y 2012


Loading
Tâm tình cûa m¶t QYHD Không vŠ d¿ H¶i Ng¶ Quân Y
Trần Văn Tích

Khi được biết sắp có dịp gặp mặt của các cựu sinh viên quân y, tôi dự định sẽ cố gắng làm một chuyến Mỹ du dối già.

Có mặt ngày 15 tháng tư tại Cali, tôi tự nhủ mình sẽ có dịp biểu lộ và củng cố lập trường quốc gia thắng cộng. Hội ngộ Quân Y Hiện dịch sẽ có chào cờ và hát quốc ca. Không như một vài tổ chức khác đã gây tai tiếng rất tệ hại vì tránh dương cao quốc kỳ và không đồng thanh hát quốc ca vào dịp khai mạc, Hội ngộ 15 tháng tư sẽ thực hiện tất cả nghi lễ thích đáng để tôn vinh quốc kỳ-quốc ca.

Tham gia Hội ngộ, tôi sẽ có dịp bày tỏ với những kẻ đã từng giam giữ, đày đọa, thậm chí mạt sát, nhục mạ anh em chúng tôi ngày nào ở Long Giao, Suối Máu, Bù Gia Mập là các người đã không thắng được chúng tôi; trái lại, cuối cùng chính chúng tôi mới là những người dành được phần hơn trong cuộc đọ sức quốc-cộng. Các người tưởng đã đánh gục được chúng tôi và chính chúng tôi cũng đã từng tưởng sẽ đời đời bị các người đánh gục. Nhưng chúng tôi đã đứng dậy và đứng vững để tạo cơ hội cùng nhau gặp mặt trên vùng đất tự do, dưới bóng cờ tự do và trong tư thế tự do. Thành quả “cải tạo“ chúng tôi của các người nhằm biến chúng tôi thành những con người mới xã hội chủ nghĩa là như vậy đó ư?

Chiến tranh quốc-cộng vẫn tiếp diễn, chúng tôi vẫn không hề ngừng nghỉ chống đối các người. Hội ngộ 15 tháng tư là một trận đánh mới, kế tục các trận đánh Mùa Hè Đỏ Lửa, Cổ Thành Quảng Trị. Tôi nức lòng thấy chiến trường đã được bày binh bố trận rất chu đáo. Đã có cả một đội Hầu kỳ rất nghiêm chỉnh. Đã có cả một trang web đặc biệt. Đã có cả một tem thư Trường Quân Y Quân lực Việt Nam Cộng Hoà.

Tất nhiên bên cạnh công ích lớn bao giờ cũng có tư lợi nhỏ. Tôi hy vọng có mặt ngày 15 tháng tư để gặp lại một số anh em mà tôi từng tưởng sẽ không còn bao giờ gặp lại được. Trước hết là những người cùng khoá 9 Quân y hiện đang ở Hoa Kỳ. Tôi muốn nhắc đến Vũ Hữu Bao, Vũ Chấn, Lưu Văn Chương, Tăng Nhiếp, Phạm Lê Thăng. Nếu Vũ Chấn ở New York, Phạm Lê Thăng ở Orlando có phần nào xa xôi thì các bạn còn lại đều ở Cali và trong những lần sang Mỹ trong quá khứ, tôi đã từng có cơ may tái ngộ.

Tuy nhiên tôi không đọc được tên các bạn trong danh sách ghi danh tham dự ngày Hội ngộ Quân y. Các bạn không còn đủ sức khoẻ để đến cùng anh em chăng? Hoặc giả bản thân các bạn còn tương đối tráng kiện nhưng gia cảnh không cho phép rời nhà? Vũ Chấn từng đưa hai vợ chồng tôi đi thăm Nữ Thần Tự Do. Phạm Lê Thăng từng đãi chúng tôi món tôm tích hấp. Nếu nay lại có dịp hàn huyên… Bên cạnh các bạn cùng khoá tôi cũng ao ước “tái kiến“ những bạn cùng tù, Nguyễn Đức Liên chẳng hạn (tôi chỉ kể các cựu sinh viên quân y thôi). Bạn Lưu Văn Chương vừa đồng khoá vừa đồng tù. Nhớ ngày nào ngồi bó gối cùng bạn ở Trại 3/A7, HT 1248, Suối Máu vào một buổi chiều, nhìn vọng về hướng Sàigòn để cùng quặn thắt thương nhớ vợ con…

Vì Hội ngộ Quân y mở rộng mời gọi các anh em bên Dân y Trưng tập cùng tham gia nên tôi nghĩ  biết đâu mình chẳng sẽ gặp lại một hay vài khuôn mặt xưa cũ của những tháng năm khổ sai tại Trung đoàn 7, Đoàn Phước Long? Tôi còn mong ước kỳ này sẽ tay bắt mặt mừng những người thân quen như Dược sĩ Thiếu tá Bửu Tập, Y sĩ Trung tá Trần Tấn Phát, Y sĩ Trung tá Nguyễn Hoàng Hải, Y sĩ Thiếu tá Trương Minh Cường hoặc đổi trao tâm sự cùng những khuôn mặt “mới“ như Nguyễn Ngọc Khôi, Phạm Hiếu Liêm, Nguyễn Văn Cơ v.v.. Tôi cũng muốn gặp lại Nguyễn Quốc Quân để trực tiếp nói chuyện về Út Quế, về tụi thằng Tèo thằng Tí con Tũn, thay vì chỉ nghe tiếng nhau qua điện thoại liên lục địa.

Không rõ Ban Tổ Chức Ngày 15 tháng tư có nghĩ đến một danh sách tưởng niệm các cựu sinh viên Quân y đã mệnh một? Đỗ Vinh, Lê Đình Cao, Nguyễn Hữu Thường chẳng hạn. Tất nhiên không thể nào đầy đủ; nhưng bên kia và trên kia chắc chẳng có bạn nào nỡ lòng trách cứ mà sẵn sàng cười xoà tha thứ.

Có những khuôn mặt cựu sinh viên quân y hiện dịch còn sống sờ sờ mà tôi không muốn nhìn lại, và chắc chính họ cũng không muốn tái hồi anh em. Đã chẳng muốn nhìn lại nhau thì thôi, kể họ kể tên ra làm gì nữa.

Trong số các cựu Chỉ huy trưởng Trường Quân Y, tôi mong có dịp chào hỏi lần cuối Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức vào ngày 15 tháng tư sau hai lần gặp mặt anh ở Paris năm 1991 và ở Anaheim năm 2002; không dè đàn anh đã nhẹ nhàng thanh thản nhanh chân đi trước mất rồi. Như vậy - và nếu tôi không nhầm - Y sĩ Đại tá Hoàng Cơ Lân là vị cựu Chỉ huy trưởng Trường độc nhất còn tại thế. (Tôi biết Y sĩ Đại úy Lê Phước Thiện hiện sinh sống tại Canada, nhưng anh Thiện chỉ giữ chức vụ Quyền Chỉ huy trưởng Trường có vài tháng). Anh Hoàng Cơ Lân cho hay không sang Cali kỳ này vì bận.

    
Ôm ấp trong lòng mong chờ thực hiện những dự kiến vừa kể, tôi cố sắp đặt việc nhà để sang Cali. Nhưng rồi không thu xếp được. Tôi ngậm ngùi buồn tiếc thông báo cho các anh Phạm Gia Cổn-Phạm Anh Dũng-Lý Văn Quý...

Nếu gặp các anh Nguyễn Ngọc Khôi, Phạm Hiếu Liêm v.v..tôi có câu chuyện này muốn trực tiếp hỏi các anh. Chả là lúc chúng tôi theo học Trường Quân Y thì chúng tôi được xem như những sĩ quan hiện dịch thực thụ của Quân lực Việt nam Cộng hoà.

Cụ thể chúng tôi mang lon như tất cả các sĩ quan bộ binh khác, một hoa mai vàng, hai hoa mai vàng. Chế độ thăng cấp từ chuẩn úy lên thiếu úy rồi từ thiếu úy lên trung úy cũng là chế độ chung nhất dành cho tất cả những sĩ quan trong Quân đội. Lương bổng, phụ cấp gia đình tất nhiên cũng y hệt sĩ quan bộ binh. Nhưng về sau này, các anh em sinh viên quân y không còn mang dấu hiệu cấp bậc như các khoá trước nữa mà mang alpha.

Tôi ra Trường Quân y năm 1962, rời Ngành Quân y khoảng năm 1968 nên không có cơ hội theo dõi sự thay đổi này. Đó là một sự thay đổi tự nguyện, do Cục Quân y và Trường Quân y phúc trình lên Bộ Tổng Tham Mưu-Tổng Cục Quân Huấn hay do chỉ thị ban hành từ cơ quan tham mưu tối cao của Quân đội, có thể là nhằm mục đích thống nhất hình thức galon của tất cả các sinh viên đang thụ huấn tại những quân trường? Khoá sinh viên quân y số mấy là khoá đầu tiên chuyển sang mang alpha? Và dưới chế độ alpha, lương bổng của các anh em có còn y như cũ?
  
Truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc vốn rất coi trọng mối giao tình khắng khít giữa những người cùng xuất thân từ một ngôi trường. Cựu học sinh sinh viên thường thành lập các hội đồng môn, hội đồng song, hội đồng học. Hơn nữa, trong một trường học, một lớp học bao giờ cũng có một môn đệ được suy cử lên giữ vị thế thay mặt Trường, thay mặt Thầy. Đó là người trưởng tràng.

Học sinh cùng thụ huấn một vị thầy, cùng được đào tạo từ một ngôi trường đối với người trưởng tràng đều có thái độ tôn kính nể sợ như đối với người anh cả trong gia đình. Với anh em chúng ta, người trưởng tràng đương nhiên chỉ có thể là cố Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức, Quân y Hiện dịch Khoá 1. Nhưng người anh cả không may mệnh một sau khi đã nhận lời tham gia Hội ngộ 15 tháng tư. Anh sẽ được anh em kính cẩn và thân thương tưởng nhớ.

Không về được Cali kỳ này, tôi hy vọng sẽ còn có cơ may gặp mặt lại anh em trong một kỳ Hội ngộ tới. Qua hoài bão đó - đúng ra là qua xác tín đó - tôi sẽ hướng tâm tư tình cảm về thủ đô người Việt tỵ nạn cộng sản vào ngày chủ nhật 15 tháng tư.
Bonn, 02 tháng tư 2012

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012