Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Đỗ Trọng Hùng QYHD-20
30 tháng 4 năm 1975... 30 tháng 4 năm 2004
Hơn 30 năm trời, từ một ngày mùa Đông năm 1973, chúng tôi ra trường khóa 20 Hiện Dịch trong một buổi lễ khác hẳn những năm về trước, năm nay Hiệp Định Paris đã được ký kết; hòa bình sẽ được lập lại. Hy vọng tương lai một nước Việt Nam sáng lạng. Mọi người đều hẹn gặp lại khi quê hương ngừng tiếng súng, và chiến tranh sẽ tàn lụi dể chúng tôi lên dường xây dựng quê hương với lý tưởng: Quên Mình Cứu Người.
Tôi về trình diện Sư Đoàn 25 Bộ Binh và được đưa về Trung Đoàn 49 trấn thủ gần thành phố Tây Ninh. Ngạc nhiên khi phải còn đi hành quân giải toả Đức Huệ mới bị người anh em bên kia lấn chiếm, vẫn còn pháo kích vào trại gia binh lúc nửa đêm về sáng; vẫn chưa được đi công tác dân sự vụ ở những miền quê xa xôi mà đồng bào cần sự chăm sóc y tế.
Mùa Xuân năm 1975 thì tôi không còn hy vọng Hiệp Định Paris sẽ đem đến hòa bình cho quê hương nữa...
Lệnh cấm trại 100% của Trung đoàn phổ biến khi tôi đi họp tham mưu và định xin phép ông Trung đoàn trưởng vế Sài Gòn ăn Tết. Tôi đón giao thừa đầu tiên với các anh em y tá của Đại đội trong câu lạc bộ của bệnh xá Trung đoàn, nghe tiếng đại bác từ xa vọng về mà ngỡ tiếng pháo mừng Xuân mới.
Rồi tin Phước Long bị mất liên lạc. Sư đoàn ra lệnh phòng thủ Tây Ninh bằng mọi giá. Rồi Ban Mê Thuột thất thủ và hành quân di tản trên Quốc lộ 7 với biết bao tang tóc chưa phai mờ trong trí óc tôi thì Huế, Đà Nẵng lần lượt bỏ ngõ và Sài Gòn chuẩn bị bàn giao.
Cả tháng trời vừa qua tôi như sống trong mơ vì quá nhiều sự kiện xảy ra ngoài sự tưởng tượng của tôi về cuộc chiến khi còn ở dưới mái trường; nhưng vẫn vui mừng khi mình vẫn còn sống sót. Cơn mơ và nỗi mừng vui trở thành ác mộng khi tôi nếm mùi cải tạo với những đêm trằn trọc vì đói, vì nhớ nhà, với những ngày lao động nhọc nhằn.
Ba mươi năm qua rồi mà tôi vẫn chưa quên; thỉnh thoảng những giấc mơ hiện về trong giấc ngủ. Trong những giấc mơ đó tôi nhìn lại khuôn mặt nghiêm nghị của anh với đôi lông mày đặc biệt, được nghe tiếng nói ấm áp, nhớ lại biết bao kỷ niệm của những ngày thơ ấu.
Ngày anh bắt đầu học Y khoa thì tôi mới vừa qua bậc Tiểu học. Tôi còn nhớ năm nào cũng thế, cứ mỗi độ hoa phượng nở báo hiệu Hè về, tôi lại thấy anh cùng các bạn ôn bài suốt sáng để chuẩn bị cho kỳ thi lên lớp; anh thường rủ tôi đến trường Y khoa ở đường Trần Quý Cáp để xem bảng “résultat” bằng chiếc xe Vespa cũ rích. Khi biết mình đã đậu, anh chở tôi đi ăn bánh cuốn, đậu đỏ bánh lọc ở ngay trước cổng trường. Từ đó tôi đã có ao ước trở thành sinh viên trường thuốc cũng vì ảnh hưởng của anh một phần và phần khác là khung cảnh êm đềm và tình bằng hữu giữa bạn bè đặc biệt hơn ở những phân khoa khác. Tôi còn được nghe những chuyện xảy ra trong những phiên trực ban đêm, những cảm giác sợ hãi khi gần người sắp chết làm tôi có cảm tưởng như đọc chuyện ma trong Liêu Trai Chí Dị.
Khi tôi tập tễnh bước vào ngưỡng cửa Y khoa thì anh lại phải giã từ nhà thương nhà nhớ, lên đường nhập ngũ theo nhu cầu của chiến trường đang sôi động...
Năm 1968 tôi cũng vào trường Quân Y vì thích bộ đồ trận với đôi cầu vai đỏ. Anh đáo nhậm đơn vị, Thiết-đoàn 11 Kỵ binh trấn đóng ở miền Giới tuyến, tôi ở lại thành phố và nhớ tới anh qua những đêm gác ở các cao ốc và nhìn ánh hỏa châu chiếu sáng ngoại ô.
Những lần nghỉ hè được nghỉ phép thường niên, tôi ra tận miền địa đầu giới tuyến để thăm anh. Anh lại dẫn tôi qua miền Gio Linh cát trắng, tới tận thị trấn Đông Hà bụi đỏ. Thăm cầu Ái Tử bắt qua sông Thạch Hãn để nhớ câu hát mà Chế Linh nức nở trong máy phát thanh... mẹ thương con qua cầu Ái Tử... Những lần sau tôi được anh dẫn vào Huế thăm Đại nội, viếng các lăng tẩm của các vua đời Nguyễn ngày xưa, lên chùa Thiên Mụ cầu nguyện bên giòng sông Hương lững lờ êm ả.
Có lần ghé thăm các bạn anh ở Quân Y viện Nguyễn Tri Phương, Anh gặp lại người lính thiết kỵ ở đơn vị mình đang điều trị ở đấy; người lính cảm động không nói nên lời khi gặp lại người thầy thuốc đã săn sóc mình ở chiến trường. Rồi một lần anh và tôi vượt đèo Hải Vân vào thăm Đà Nẵng, qua Phước Tường, tới tận thành phố nhỏ Hội An. Trên đỉnh đèo Hải Vân bao la, tôi mới thấy quê hương mình đẹp đẽ dù chiến tranh đang còn tàn phá và thấy câu ca dao:
Đường vô xứ Huế quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ...
thật đúng và tôi bắt đầu yêu xứ Huế, thương người xứ Huế.
Mùa Hè đỏ lửa năm 1972, anh được thuyên chuyển về Bệnh Viện Nguyễn Văn Nhứt ở Vũng Tàu sau bốn năm trấn thủ lưu đồn và chúng tôi lại được Trường Quân Y điều động tới phục vụ giúp đồng bào Quảng Trị đang tị nạn ở Đà Nẵng. Lúc ấy tôi mới nhìn thấy mức độ tàn khốc của chiến tranh và cảm phục sự chịu đựng vô bờ của người dân miền hỏa tuyến. Tôi thầm cầu nguyện cho quê hương sớm dược thanh bình, cho hận thù không còn gieo rắc khi lang thang trên đường phố Đà Nẵng trong đêm Vu Lan mưa rơi tầm tã...
Tôi về lại Sài Gòn chuẩn bị cho năm học cuối, thỉnh thoảng lại ra Vũng Tàu thăm anh trong những ngày cuối tuần không bị trực gác. Anh vẫn sống đạm bạc trong căn nhà tôn của Quân Y Viện để có thể đi làm mà không cần xe đưa rước dù anh được hưởng những tiện nghi khá hơn trong chức vụ mới của anh để anh vẫn giữ được hình ảnh người Y sĩ áo trắng với tất cả thiên chức cao cả và trong sạch, để tiền bạc không thay đổi lối sống đơn giản của anh, để những danh vọng không làm xáo trộn đời sống bình dị của mình.
Khi tôi ra trường về trình diện đơn vị mới, anh cũng không gởi gắm với đơn vị trưởng của tôi dù hai người là bạn đồng khoá để tôi được ở lại phục vụ tại hậu cứ Sư đoàn.
Không phải anh không lo lắng cho tôi khin hành quân ở Đức Huệ, Khiêm Hạnh nhưng anh tin ở tôi đã trưởng thành qua những năm dài huấn luyện ở Trường Y Khoa và kinh nghiệm Quân sự ở Trường Quân Y, tôi có đủ khả năng để điều khiển một Đại đội Quân Y và một bệnh xá qua chức vụ Y sĩ trưởng của Trung đoàn; và tôi hãnh diện đã hoàn tất nhiệm vụ đó.
Tôi vẫn cho là người Y sĩ không cần để ý tới chủ thuyết hoặc chế độ này nọ. Họ phải là người Bác sĩ không giới tuyến, tôi vẫn tin là người phía bên kia vẫn còn là người VN, vẫn còn tình tự dân tộc trong con người của họ; tôi ngây thơ đến nỗi đích thân băng bó săn sóc cho cán binh Việt Cộng bị thương để lại chiến trường vì sợ anh em y tá còn hận thù ngược đãi họ, tôi vẫn tin là tình thương xóa bỏ hận thù nếu mình ngồi lại với nhau trong tình huynh đệ.
Quê hương tôi vẫn chìm đắm trong chiến tranh dù Hiệp Định Paris đã ký kết gần hai năm rồi. Vẫn còn hoả tiễn 130 ly bắn từ núi Bà Đen vào căn cứ Trãng Lớn có khi lạc vào trại gia binh, có khi rớt vào thành phố Tây Ninh. Một Bác sĩ ngoài Quân Y Viện bị tử thương vì trúng mảnh trái phá, bạn bè tôi cũng có người gục ngã ở chiến trường. Tôi chưa hiểu tại sao Sài Gòn chuẩn bị bàn giao để tìm một giải pháp chính trị.
Khi đó anh vẫn ở Quân Y Viện, dù có phương tiện ra đi, anh không nỡ bỏ những thương binh dang nằm diều trị sau khi hy sinh một phần cơ thể cho đất nước, họ đang cần sự săn sóc của những người Bác sĩ. Tôi cũng không thể bỏ những bạn bè y tá từng chia sẻ với tôi qua những cuộc hành quân, những dêm văn nghệ và nhất là đêm giao thừa, thầy trò không ngủ để chờ tiếng pháo kích.
Rồi tôi chuẩn bị đi học tập 10 ngày theo thông cáo của chính quyền mới. Anh cũng không thoát khỏi số phận của những người ở lại với quê hương. Anh Hóc Môn, Suối Máu, Trãng Bom, Trãng Táo; tôi Trãng Lớn, Long Giao, Kà Tum, Đồng Ban.
Qua bao nhiêu nhục nhằn gian khổ, sống sót không chết vì sốt rét, vì kho đạn nổ ở Long Khánh. Cuối cùng tôi gặp lại anh sau ba năm trời không tin tức khi về trại cải tạo Hốc Môn, dù chỉ liên lạc với nhau bằng những bức thư viết vội vã và gói đá ném qua hàng rào kẽm gai ngăn cách trong những buổi trưa oi ả nặng nề. Anh gầy hơn xưa nhưng nụ cười vẫn hiền lành và ánh mắt vẫn còn cương nghị. Anh khuyên tôi phải cố gắng chịu đựng. Anh gửi lên cho tôi những khoanh bánh mì khô mà anh để dành để phòng khi chuyển trại bất ngờ. Đối với anh, tôi lúc nào cũng là người em nhỏ dại trong nhà. Đối với tôi anh lúc nào cũng là người anh cả trong chuyên môn cũng như trong gia đình.
Sau 3 năm dài lê thê, sau bốn năm lần chuyển trại, chúng tôi được thả về thành phố, nhưng bây giờ Sài Gòn hoàn toàn xa lạ. Nó không còn là thành phố yêu thương của chúng tôi ngày trước, mà ngược lại đầy giẫy lừa đảo, áp bức, hận thù. Sinh hoạt và ngôn ngữ khác hẳn, tôi như sống câm lặng qua ngày.
Anh quyết định nghỉ việc ở một bệnh xá ngoài thành phố vì tiền lương không đủ trả tiền xe Lam một ngày hai bận và vì sức khoẻ suy yếu không thể chen lấn giành chỗ ngồi đi xe hằng ngày. Tôi lại bị đi kinh tế mới Bo Bo Đức Hòa, Đức Huệ. Nơi đây tôi lại chứng kiến tận mắt, nghe tận tai những lời than trách thống khổ của đồng bào ruột thịt bị tình nguyện đày đi kinh tế mới. Tôi thấy được cái tham nhũng dốt nát của một số cán bộ lên mặt dạy đời... Tôi không nghe những gì họ nói mà nhìn tận mắt những gì họ làm.
Tôi sống im lìm để chờ một ngày mai sáng lạn. Một ngày tôi lại được thở bầu không khí tự do, được nói những gì tôi muốn nói.
Ngày anh quyết định bỏ nước ra đi, tôi đi làm nên không thể tiễn chân anh được hay sợ tôi bị liên lụy sau này, nhưng anh viết cho tôi vài hàng khuyên tôi bình tĩnh rồi có ngày gặp lại. Tháng 12 rồi mà trời vẫn nóng hay tại tôi nóng lòng mong anh được tới chốn bình an.
Một năm, năm năm, mười năm, hai mươi năm và bây giờ là hai mươi lăm năm rồi mà tôi vẫn hy vọng anh còn sống, tôi vẫn tin là anh lạc vào một hoang đảo nào đó, ở một trại tị nạn nào đó mà chưa ai tìm thấy. Tôi muốn nhờ cánh chim mang thư này tới anh báo tin là vợ con anh, anh em của anh đã tới được bến bờ tự do như anh mơ ước.
Tôi vẫn tin anh còn sống vì anh phải sống dù quê hương kia không cần bàn tay anh xây đắp nhưng vợ con anh cần vòng tay anh an ủi và tôi cần anh để được nâng đỡ, học hỏi và khuyến khích.
Nhất là những lúc này khi hồi tưởng lại những ngày xưa thân ái, tôi cảm thấy xúc dộng viết chẳng nên lời... Tôi không hút thuốc sao khói thuốc ở đâu bay lại làm mắt tôi cay làm tim tôi tắt nghẽn. Tôi vội chép lại ý nghĩ vụn vặt và bài thơ để tưởng nhớ anh:
Đại bác đêm đêm dội thánh đường
Xé trời hỏa tiễn phủ tang thương
Bom rơi trái phá lòng đô thị
Đạn gởi điêu tàn trải khắp phương
Xuôi ngược tìm đâu hương mái ấm
Mong manh ghi chặt mảnh tình thương
Chiến tranh kiệt đạn còn xương máu
Nỡ đẩy thây vùi sóng đại dương
Viết ngày 30 tháng Tư năm 2004
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012