Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Bút Ký củaTôn Kàn
Hàng chữ La tinh này đập vào mắt tôi khi tôi dừng chân bên đầu cầu bắc ngang sông Yarra, gần bến xe đò ở Melbourne (Yarra bridge). Hàng chữ được ghi dưới một huy hiệu gắn vào một cột trụ. Tò mò, tôi chặn một vài người qua lại và hỏi họ có biết ý nghĩa của câu này không.
Có khoảng độ 10 người đều là dân Úc, người nào cũng ngẩn ngơ xài lắc!
Về nhà, tôi vô Google và khám phá ra rằng đây là một đoạn trích dẫn từ một câu thơ của thi sĩ Virgil: “Fame,malum quo allud velochus ollum, Mobilitate viget, viresque acquirit eundo.” Câu này tả cảnh Nữ Thần Rumour bay lượn trên Phi Châu và có thể dịch nôm na ra như sau: “Nàng tung hoành bay lượn, và tăng sức lực trong khi di chuyển.” Đoạn cuối của câu thơ được nhà học giả và Quan Tòa Willis đề nghị với ông Thị trưởng thời đó lấy làm khẩu hiệu cho thành phố Melbourne.
Quả nhiên thành phố đã đáp ứng tinh thần khuyến khích của ông Quan tòa và đã trở thành thủ phủ của Tiểu bang Victoria và hải cảng lớn thứ nhì của Úc Đại Lợi. Thành phố được thành lập năm 1835. Tên thành phố vinh danh ông W. Lamb,Viscount of Melbourne, là nghị viên của tỉnh Melbourne ở Derbyshire, Anh quốc, và cũng là Thủ Tướng của Anh quốc thời bấy giờ.
Hải cảng nằm phía cực Bắc của Vịnh Port Prince ở miền Nam Úc Đại Lợi. Thời tiết có bốn mùa. Mùa Đông từ tháng 7 đến tháng 9 có thể lạnh tới 0 độ C, nhưng không có tuyết. Mùa Hè từ tháng Giêng đến tháng 3 có thể nóng đến 40 độ C và có thể rất oi bức. Thế nhưng trong cả tháng 2 mà chúng tôi cư trú tại Melbourne, khí hậu rất dịu dàng dễ chịu, có cảm tưởng như đang sống ở Đà Lạt. Tuy vậy, ở các vùng khác thì mưa tầm tã và lụt lội ngập đầu! Người ta thường nói đùa là Úc châu chỉ có 2 mùa: mùa cháy và mùa lụt.
Dân số Melbourne lên đến hơn 4 triệu người, gồm đủ mọi sắc tộc. Tất nhiên, dân da trắng chiếm đại đa số. Rất ít thấy dân da đen gốc Phi Châu. Dân bản xứ Aboriginals da nâu đậm ngả màu đen, sống rải rác khắp nơi. Dân da vàng phần đông là người Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam và Cao mên.
Dân Trung Hoa -phần đông là người Quảng đông- đến lập nghiệp tại Melbourne từ đầu thế kỷ 19. Họ tụ tập tại đường Little Bourke ở trung tâm thành phố và đường này đã trở thành Phố Tầu của Melbourne. Ảnh hưởng của người Hoa rất mạnh, với những cổng chào cao lớn uy nghi, một vài công viên xinh xắn, và chùa chiền đồ xộ nguy nga. Nhan nhản các tửu lầu bán cơm Tầu, Nhật, và Đại Hàn.
Cơm Tầu ở Melbourne ăn ngon hơn ở Sydney, Los Angeles hay SanFrancisco, nhưng thua kém cơm Tầu ở Toronto một bực. Mì vịt quay thì khá, nhưng tỉm xắm và vịt Bắc Kinh không đúng tiêu chuẩn và không chỉnh. Riêng có món cá mú (coral trout) hấp xì dầu hành gừng là hết xẩy khỏi chê!
Đồ hải sản của Úc rất độc đáo tuy rằng rất mắc. Có những con cua tôi chưa từng thấy, như cua tuyết đem từ Nam cực về, vỏ trắng tinh đúng với tên gọi của nó. Cua nhung có những đốm đỏ trên mai, thân cua có thể to bằng chiếc đĩa lớn, càng bự bằng cổ tay, bán 150 đô Úc một ký! Giá một con cua này có thể lên tới 7- 800 đô, chỉ có các đại gia Trung Hoa mới dám đãi nhau món này! Cua bùn -mud crab- giống cua biển Việt Nam, đem rang muối tiêu thì là món nhậu thần sầu!
Tôm thẻ -tiger prawn- đem hấp thịt ăn rất ngọt, xực độ 5 con là đã ngang bụng. Tôm hùm -người Úc gọi là cray fish, mình gọi là lobster- giống tôm hùm Việt Nam, thân to không có càng mà có râu dài, thường thường đem rang muối ớt ăn với mì xào.
Cá baramundi (cá chẽm) là thủy sản đặc biệt của Úc, nhưng ăn có mùi bùn, tôi không ưa lắm. Món bào ngư tươi làm chúng tôi thất vọng, thái mỏng xào lên ăn giống như ăn con điệp (scallop),không có gì đặc sắc so với giá tiền. Món bào ngư hộp thái mỏng xào với nấm đông cô ăn ngon miệng hơn nhiều. Bào ngư hộp ở Úc bán rất rẻ, khoảng 30 đô một hộp, xo với Toronto bán tới hơn 100 đô một hộp!
Hai đặc sản nữa là thịt Kangooroo và thịt cá sấu. Tôi không thử mấy món này vì không thấy hứng nên không dám phê bình.
Riêng món thịt bò wayagu thì quả thật độc đáo, danh bất hư truyền! Một miếng steak khoảng gần 150gram bán tới 78 đô, rút hầu bao đau như hoạn,nhưng bỏ miếng thịt vô mồm vừa mềm vừa ngọt vừa thơm, đáng đồng tiền bát gạo,tôi thấy ngon hơn bò Kobé vì thịt này mềm nhũn, chưa kịp nhai đã tọt vô cổ họng nên không hưởng được texture!
Thịt bò thường của Úc cũng giống thịt bò Alberta, đây là loại bò nuôi cỏ (grass fed) không giống như bò Huê Kỳ nuôi toàn bằng ngô.
Dân Việt -khoảng 80.000 người- chiếm đóng các vùng ngoại ô, phía Tây có St Albans và Footscray, phía Đông có Richmond, phía Bắc có Preston và phía Đông Nam là Springvale. Tại Richmond có mô hình chợ Bến Thành, tại Springvale có 2 ngôi chùa rất đồ sộ. Các khu Việt Nam rất rộng rãi khang trang, buôn bán tấp nập. Muốn mua gà chạy bộ thì phải tới những khu này, tại đây còn bán đủ loại trái cây như mãng cầu, chôm chôm, xoài, sầu riêng,và măng cụt. Những trái này đều trồng ở Queensland và New South Wales là hai tiểu bang ở phía Đông Bắc Úc Đại Lợi. Nước Úc cấm ngặt đem đồ ăn và cây cỏ từ xứ ngoài vào xứ của họ, ngay cả đến việc đem trái cây từ tỉnh bang này qua tỉnh bang khác cũng bị kiểm soát khắt khe.
Món ăn Việt ở Melbourne và Úc thì cũng cù lủ tàng tàng, không có gì đặc sắc đáng ghi nhớ. Riêng bánh cuốn và phở thì miễn bàn, vì không muốn gây ẩu đả! Theo thiển ý, nếu phải xếp hạng phở quốc ngoại thì đứng đầu là phở Montreal, đứng hàng nhì là phở L.A., hạng ba là phở Alberta., hạng tư là phở Úc và hạng bét là phở Paris. Người ta bàn tán có lẽ phở nấu ở Việt Nam bây giờ cũng đứng đồng hạng với phở Tây!
Kể cũng quái đản, ở nhiều nơi đông người Việt đến thế mà không kiếm ra một tiệm phở ăn cho vừa miệng! Có lẽ người ta nghĩ rằng thời này, người ta chỉ cần ăn phở cho no bụng, chứ không phải để thưởng thức một món quốc hồn quốc túy! Đành chép miệng: Ừ thôi, mỗi thời một triết lý khác . Mai mốt rồi sẽ có phở hổ lốn, tô to bằng chậu rửa mặt, có trộn lẫn thịt cầy ba ba cá sấu thuồng luồng cắc kè kỳ nhông rắn ngóe, tương đen tương đỏ ketchup mù tạc loạn xà ngầu ăn cho no cành hông!! Mà nước phở phải nấu cho trong nhé!
Bà xã tôi thấy tôi thèm phở quá bèn ra chợ mua gà chạy bộ rồi đem về nhà anh chị BS Dũng hì hục nấu một nồi phở gà. Thịt gà đi bộ của Úc ăn ngon không kém gì gà Cali, da vàng óng và dòn, thịt thơm, mềm và đậm đà . Điểm thêm chút lòng gà và rau thơm, ăn tô phở thật tuyệt cú mèo,không gì hạnh phúc bằng, bạn bè khen rối rít! Vậy tiện đây xin vinh danh bà xã, tài nấu phở nay đã vang dội khắp năm Châu làm tôi thơm lây! Nếu còn trẻ tôi đã xúi bà ra mở quán hốt bạc để tôi về hưu sớm.
Đến đây thì phải viết về anh chị Trần Xuân Dũng. Bác sĩ Dũng là Y Sĩ Thiếu Tá TQLC, tác giả các cuốn thơ NHƯ SÓNG THẦN LÊN, CHIẾN SỬ TQLC, QUÂN Y QLVNCH. Anh sáng tác nhiều bài đăng rải rác trong các báo chí Việt hải ngoại trong đó có Tập San Y Sĩ. Anh Dũng được mệnh danh là Bác sĩ nghèo nhất nước Úc. Anh rất hãnh diện là một hàn sĩ nhưng được dân chúng kính nể. Châm ngôn của anh là “quân tử hòa nhi bất đồng,” anh rất thận trọng trong việc giao tế. Anh rất kị những tên đi hai hàng, bợ đít xun xoe đón các phái đoàn Cộng Sản về nhà hầu tiếp khoe của.
Chúng tôi thường trêu chọc anh Dũng là ngoài nghề đốc tờ,anh còn thêm 2 nghề cao quý. Đó là nghề sợ vợ và nghề rửa chén. Tối nào khi cơm nước xong anh cũng độc quyền dành lấy công việc này, không cho ai đụng tới! Khách quý lắm thì anh mới nhường cho.
Chính anh chị Dũng đã khuyên chúng tôi nên qua Úc nếu muốn tránh mùa Đông Canada. Chúng tôi đã nghe theo lời khuyên bảo, và từ nay chúng tôi đã chịu anh chị Dũng một món nợ rất lớn! Thịnh tình anh chị dành cho vợ chồng chúng tôi là một món quà quý báu vô giá trong lúc tuổi già.
Trong thời gian chúng tôi ở Melbourne, gia đình anh chị Dũng đã chăm lo cho chúng tôi từ chỗ ở đến nơi ăn, đã giàn xếp cho chúng tôi gặp các bạn bè và các đồng nghiệp, đã tổ chức cho chúng tôi đi thăm những thắng cảnh và giới thiệu chúng tôi với nhân sĩ địa phương qua một buổi ra mắt sách.
Ngoài ra, chúng tôi còn may mắn được tiếp xúc với anh chị Bác Sĩ Lê Thanh Cảnh. Bác Sĩ Cảnh là niên trưởng của Y gìới gốc Việt tại Melbourne. Anh Cảnh là cựu Nội trú của Thầy Nguyễn Hữu vào thập niên 60. Anh chị BS Cảnh đã khoản đãi chúng tôi tại gia một bữa tiệc có nhiều món Huế rất đặc biệt chưa từng được nếm! Nhà anh chị Cảnh ở vùng sang nhất Melbourne, anh chị có ba con trai đều làm Bác Sĩ chuyên khoa tại Melbourne.
Người con trai út của anh chị Dũng, Dược Sĩ Trần Xuân Vũ, đã bỏ rất nhiều thời giờ và công lao để đưa chúng tôi đi du ngoạn. Chú Vũ sinh trưởng tại Úc nhưng nói tiếng Việt rất sành sõi. Chú rất thành thuộc lịch sử và địa dư nước Úc nên đi chơi với chú học hỏi được rất nhiều điều hay và mới lạ.
Bốn hobby của Vũ là chụp hình, nấu ăn, trồng trọt và nuôi gà. Đặc biệt ở bên Úc, tại một vài cộng đồng, người ta cho phép nuôi gà tại tư gia nếu không có ai than phiền thưa kiện. Vũ nuôi khoảng 10 con gà theo lối organic nên sáng nào cũng có vài quả trứng gà nóng hổi ăn vừa bổ vừa ngon.
BS Dũng đã giàn xếp cho tôi được tham dự buổi họp hàng năm của Hội Y Sĩ Việt Nam tại Victoria và của Ban Tổ Chức Hội Nghị Quốc Tế Y Nha Dược VN kỳ 8 sẽ tổ chức tại Melbourne vào năm 2014.
Tôi may mắn được gặp rất nhiều Y Nha Dược Sĩ đang hành nghề tai Tỉnh bang Victoria, phần đông còn trẻ tuổi.Họ đều tỏ vẻ hăng say ủng hộ Đại Hội,sốt sắng giúp đỡ tài chánh cho Đại Hội theo lời kêu gọi của Bác Sĩ Phạm Phúc Nhân là Trưởng Ban Tổ Chức và cũng là Chủ Tịch Hội Y Sĩ VN tại Victoria. Cộng tác mật thiết với Bác Sĩ Nhân có Bác Sĩ Phạm Sỹ Liệu, Phó Trưởng BTC; Nha sĩ Phạm Hồng Đức và Nha sï Tường Lễ phụ trách Nha Khoa; Dược Sĩ Trần Hải và DS David Trần phụ trách Dược Khoa. Dược sĩ Trần Xuân Vũ đảm trách chương trình Giới Trẻ. Bác Sĩ Trần Xuân Dũng, BS Trần Quốc Đông và một số đồng nghiệp làm Cố Vấn. Người ta cũng trông đợi sự tham gia nhiệt tình của các đồng nghiệp ở các Tỉnh bang khác.
Tôi đính kèm theo đây lá thư mời tham dự Đại Hội QT YND VN Kỳ 8 tại Melbourne và thành phần Ban Tổ Chức của Đại Hội. Mong sự tham gia ủng hộ đông đảo của anh chị em Y Nha Dược trên Thế Giới Tự Do. Nhận thấy tinh thần của các anh chị em Y Nha Dược ở Victoria, tôi khấp khởi mừng thầm hy vọng Hội YND VN sẽ tồn tại trong tương lai. Người Việt ở Úc đã thành công trong việc hội nhập vào xã hội mới, phần đông con cái của họ đã vươn lên nắm giữ những địa vị quan trọng trong cộng đồng như luật sư, giáo sư, bác sĩ, nha sĩ và dược sĩ. Có hai tuần báo Việt ngữ xuất bản tại Melbourne, tờ TV Victoria và tờ Nhân Quyền.
Vợ chồng chúng tôi thuê một condo nhỏ trên đường Little Bourke, ngay giữa trung tâm thành phố. Bước xuống là phố Tầu, đi bộ 5 phút là phố Tây, ngày nào cũng la cà quán cóc vỉa hè cơm Tầu cơm Ý, thoáng một cái đã thấy hết tháng Hai!
Thành phố Melbourne rất dễ thương, có cái đồ sộ hùng vĩ của các đô thị Bắc Mỹ điểm thêm cái duyên dáng của các thị xã Âu Châu như Paris hay Amsterdam. Phố xá rộng mênh mông, sạch sẽ an toàn, vỉa hè thênh thang mời người ta tản bộ . Đặc biệt có những đường hẻm rộng lớn đâm vô các trục phố chính, trong hẻm đầy rẫy các boutiques xinh xắn và café Terrasse, khách khứa bộ hành lúc nào cũng đông nghịt! Những đường hẻm này họ gọi là Arcades, giới du khách chiếu cố rất kỹ!
Phương tiện giao thông trong thành phố rất nhiều và rất dễ xử dụng. Có cả xe điện miễn phí chạy quanh vòng đai, thật là thú vị! Tuy nhiên, nếu các bạn phiêu lưu muốn lái xe thì phải thận trọng, vì bên Úc người ta lái xe bên tay trái.
Vài hàng giới thiệu tỉnh Melbourne với quý bạn, mong giúp quý bạn dễ quyết định hơn khi muốn tham dự Đại Hội YND VNTGTD kỳ 8. Đây là dịp gặp gỡ lại bạn bè cũng như thăm viếng tìm hiểu một xứ sở mới lạ.
Trước khi chấm dứt, Kàn tôi có lời nhắn nhủ với mấy thương gia Úc gốc Việt ở Melbourne. Nên cho người đi học nấu phở nghiêm chỉnh rồi về mở một tiệm phở ở Trung Tâm thành phố. Tiệm phải ở trong một đường hẻm lớn, theo kiểu café terrasse. Bàn ghế phải theo kiểu bình dân lối phở vỉa hè.
Ngồi ghế đẩu bên lề đường xì xụp ăn một tô phở ngon và nóng trong một buổi sáng mùa Đông đẹp trời, đó là một thích thú tuyệt vời!
Cầu mong sẽ được hưởng thú vui nho nhỏ này tại Melbourne năm 2014 khi sang tham dự Đại Hội!
TÔN KÀN
Đầu Xuân 2012
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012