Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
|
Alexandre de Rhodes |
|
|
Bài giảng đạo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên |
|
Nguyễn Xuân Quang
Những thắc mắc thường gặp trong chữ quốc ngữ là trong nhiều trường hợp ta nên chọn viết theo âm nào, theo ch hay tr, d hay gi, l hay n, r hay d, s hay x... hỏi hay ngã..., i ngắn hay y dài?
Bài viết này giới hạn vào vấn đề nên viết theo âm nào ch hay tr, d hay gi, l hay n, r hay d, s hay x...
Trước hết xin tóm tắt vài điểm chính quan trọng về ngôn ngữ liên hệ với những thắc mắc này.
.Ngôn ngữ của con người là một sinh ngữ. Có những từ (ghi âm tiếng nói) sinh ra, già đi, đẻ ra các từ khàc và có thể chết đi xuyên qua quá trình biến âm.
Tiếng nói, âm nói biến âm theo thời gian, biến đổi theo thời gian. Có rất nhiều yếu tố nội tại và ngoại tại can dự vào quá trình biến âm.
Trong các yếu tố nội tại có yều tố di truyền tham dự vào (ngày nay các nhà ngôn ngữ học cũng dùng yếu tố DNA để nghiên cứu ngôn ngữ, nhất là trong địa hạt đi tìm nguồn gốc các tộc, nhánh ngôn ngữ trên cây ngôn ngữ loài người).
Yếu tố ngoại tại có rất nhiều kể từ ngay thể xác con người đến môi trường sống.
Về thể chất (cơ thể học) người thượng cổ ăn tươi nuốt sống có hàm to, lưỡi dầy, lớn, khẩu cái cứng, dầy, mũi “dạn dầy” với không khí thay đổi theo thời tiết khắc nghiệt... Con người ngày nay ăn dồ nấu chín, tế nhuyễn có hàm, lưỡi, khẩu cái tinh tế hơn... thanh quản người tiền cổ cũng khác người hiện đại. Vì thế người cổ nói âm cổ, chúng ta nói âm kim biến âm của âm cổ. Ví dụ trong Việt ngữ, âm b là âm cổ của âm m như ngày xưa các cụ nói bồ hôi, bồ hóng, thuốc bồi... ngày nay chúng ta thường nói mồ hôi, mồ hóng, thuốc mồi...; âm L là âm kim của âm cổ N như lòng súng là âm kim của nòng súng (xem dưới).
Môi trường sống như thổ ngơi của mỗi vùng ảnh hưởng lên tiếng nói của con người. Vùng biển phát âm khác vùng núi. Vùng biển được cho là có âm nói nặng hơn vùng núi. Vùng có nhiều bão cát, sa mạc con người thường hay phải ngậm miệng khi nói đẻ tránh cát bay vào miệng nên âm nói theo âm ngậm hay pha giọng mũi...
Một yếu tố quan trọng nữa là các cộng đồng con người sống chung hay giao lưu mật thiết. Tại sao Bắc, Trung, Nam Việt Nam nói giọng khác nhau?
Xin thật vắn tắt. Chúng ta thường thấy tiếng Bắc được cho là tiếng dùng làm “chuẩn” (như người Trung, Nam khi hát thường hát theo tiếng Bắc). Tiếng Bắc cổ tiêu biểu là tiếng Kinh Bắc vùng Bắc Ninh, một thứ tiếng được coi là mẫu mực của tất cả các phương ngữ của vùng đất tổ Việt. Nên biết là trong một dân tộc có nhiều phương ngữ thì tiếng nói của vua chúa, dân vùng kinh đô được chọn làm mẫu mực. Ví dụ Anh ngữ có từ ‘either’, có vùng phát âm là ‘i-dơ’, có vùng phát âm là ‘ai-dơ’. Dân Anh ở thủ đô London chọn cách phát âm theo Nữ Hoàng Elizabeth II làm chuẩn. Khi Kinh Bắc dời đô về Thăng Long thì tiếng Hà Nội trước đây được chọn làm mẫu mực cho tiếng nói Miền Bắc. Khi đất nước chia đôi thành Đàng Trong và Đàng Ngoài. Chúa Nguyễn ở Đàng Trong chỉ có mang theo quần thần và binh lính không được bao nhiêu người. Chúa Nguyễn phải dùng tối đa nhân lực địa phương. Tiếng Bắc Thăng Long của những kẻ theo Chúa Nguyễn chỉ là thiểu số và tan loãng vào tiếng địa phương của dân phía Bắc Miền Trung và vùng Trường Sơn giáp Lào tạo thành tiếng Bình Trị Thiên. Tiếng nói Bình Trị Thiên là kết quả của tiếng Bắc pha loãng vào tiếng địa phương. Trong đó tiếng Huế vì là tiếng của hoàng gia nên còn giữ được phần tiếng Bắc nhiều hơn nên có người Huế cho rằng tiếng Huế ‘thanh cao’ hơn hết tiếng địa phương ở đây và ngay với tất cả tiếng Miền Trung vì là tiếng nói của cố đô).
Tôi khám phá ra tiếng Bình Trị Thiên có rất nhiều từ cổ thuần Việt và liên hệ mật thiết với gốc Aryan-Phạn ngữ (xem Mô Tê Răng Rứa) như Tê chính là Anh ngữ ‘There’...
Người Việt di cư qua đèo Hải Vân, tương tự như trên, tiếng Việt bị ảnh hưởng các ngôn ngữ địa phương trong đó có Champa trở thành tiếng Quảng. Tiếng Bình Định, Khánh Hòa và tiếng Miền Nam cũng thành hình tương tự như thế...
Ta có thể kiểm chứng bằng một ví dụ mà ta đang thấy ngay trước mắt hiện nay. Đó là những người mà Trung Quốc gọi là dân tộc thiểu số Jing (Kinh). Những người này vốn là những người Việt vào khoảng thế kỷ 16, di cư lên lập nghiệp ở vùng Trường Bình - Bạch Long, bấy giờ thuộc Đại Việt nhưng theo Công ước Pháp-Thanh ký năm 1887 thì Trường Bình bị sáp nhập vào Trung Hoa (vi. Wikipedia). Họ sinh sống chủ yếu trên 3 đảo (Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu), nay gọi chung là Kinh Đảo hay Kinh tộc Tam Đảo, thuộc thị xã Đông Hưng, khu tự trị người Tráng hay Choang Quảng Tây (xem Lạc Việt Tráng Zhuang ở mục Hình Tiêu Biểu Của Tháng Bẩy 2011, tôi mới post lên blog bacsinguyenxuanquang.wordpress.com hôm qua).
Họ còn nói tiếng Việt nhưng với giọng Trung Quốc (như trong chúng ta có người đã được nghe một cô gái Kinh hát bài Qua Cầu Gió Bay trong một video quảng bá du lịch). Tiếng Việt của sắc tộc Kinh này còn rất nhiều tiếng Việt cổ.
.......
Như thế âm nói thay đổi theo các yếu tố nội tại và ngoại tại và vì thế mới có ngành học lịch sử ngôn ngữ dựa nhiều vào biến âm và đi tìm âm gốc, tái tạo ra âm gốc.
Dựa theo dòng tiến hóa của ngôn ngữ chung của loài người ta không thể nói ai đúng ai sai cả, không thể nói âm cổ sai hay âm hiện thời đúng hơn (xem dưới).
Tất cả những điều nói về biến âm ở trên nếu diễn tả bằng chữ quốc ngữ ABC thì sẽ nói và viết theo âm ch hay tr, d hay gi, l hay n, r hay d, s hay x... hỏi hay ngã... mỗi nơi một khác. Do đó người Việt có chổ phát âm theo ch, có chỗ phát âm theo tr, có chổ phát âm theo s, có chỗ phát âm theo x vân vân... là chuyện tự nhiên, không tránh khỏi, không có gì là sai trái cả.
Trong một đại tộc ngôn ngữ, mỗi tộc nói theo một cách phát âm khác nhau như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý là những ngôn ngữ chị em trong gia đình Ấn Âu ngữ mà người Anh Mỹ nói blue (bờ lu), người Pháp nói bleu (bờ lơ), Đức nói là blau, Ý nói là blu là mầu trời.
Ngôn ngữ Việt là một ngôn ngữ cổ hay liên hệ với một ngôn ngữ tối cổ, ở một cành lớn, ở thân hay gốc của cây ngôn ngữ loài người như ở trên ta thấy blue, bleu, blau, blu có gốc từ Việt ngữ blời (bờ lời) là trời vì blue, bleu, blau, blu mầu trời là tính từ nên là chữ phụ còn Việt ngữ blời là danh từ là từ gốc (có trời mới có mầu trời). James Churchward cho rằng ở vùng biển Đông Nam Á cổ đại lúc đó còn có các cầu đất nối liền với lục địa có một Đại Lục Mẹ (Continent of Mu) (Mu chính là Việt ngữ Mụ) gọi là Đất Mẹ (Motherland). Ông cho rằng Ngôn ngữ Đất Mẹ Mu là Tiếng Mẹ (Mother Tongue) của loài người. Ôn Frey, một đại tá hải quân Pháp trước đây cũng đã viết tác phẩm Langue Vietnamienne, Mère des Langues... Tôi cũng đã chứng minh ngôn ngữ Việt là tiếng cổ đại liên hệ với, ruột thịt với nguồn gốc ngôn ngữ loài người (xem bài viết Việt Ngữ và Ngôn Ngữ Thế Giới, Việt ngữ và Nguồn Gốc Ngôn Ngữ Loài Người trong Tiếng Việt Huyền Diệu). James Churchward chứng minh Đức Chúa Jesus Nói tiếng Cổ Đông Á mà ông gọi là Naga-Maya ruột thịt với tiếng Đất Mẹ Mu. Tôi đã chứng minh Đức Chúa Jesus Nói Tiếng Việt (bacsinguyenxuanquang.wordpress.com), nghĩa là tiếng cổ Việt liên hệ với Tiếng Mẹ của Đất Mẹ Mu mà James Churchward cho là Mother Tongue của loài người.
Nói một cách nhún nhường thì Việt ngữ nằm tận gốc (tránh không nói là nguồn gốc để cho một số người khỏi bực bội) hay liên hệ với một ngôn ngữ gốc của loài ngươi. Như thế ngôn ngữ Việt là một ngôn ngữ đa tộc vì thế mà trước đây Việt ngữ được cho là thuộc nhóm Tầy Thái (H. Maspero), có tác giả cho là có gốc Hoa ngữ, Bình Nguyên Lộc cho là có gốc Đa Đảo, ngày nay cho là thuộc nhóm Nam Á. Tôi lại khám phá thấy tiếng thuần Việt liên hệ mật thiết với Aryan-Phạn ngữ nên liên hệ với Ấn Âu ngữ như Anh, Pháp, Đức, Phạn ngữ ... Ví dụ Việt ngữ mỏng theo từ láy mỏng dính thì theo qui luật Grimn d = th thì dính = Anh ngữ thin, mỏng; theo từ láy mỏng manh thì manh chính là Pháp ngữ mince, mỏng (mince lame, dao cạo râu); theo từ láy mỏng tang, mỏng tanh, mỏng teng thì tang, tanh, teng ruột thịt với Phạn ngữ tan là mỏng...
Điểm này cũng dễ hiểu vì như đã nói ở trên tiếng Việt là một ngôn ngữ tối cổ mà gốc Aryan-Phạn ngữ cũng được cho là rất cổ.
Và Việt ngữ dĩ nhiên liên hệ với với cả ngôn ngữ Thổ Dân Mỹ Châu vì những người này từ Đông Nam Á cổ qua. Người Maya có DNA giống cổ Việt Đông Nam Á nên tiếng Maya ruột thịt với tiếng cổ Việt (xem Đức Chúa Jesus Nói Tiếng Việt)...
Ngôn ngữ Việt đa dạng, đa tộc. Điểm này cũng dễ hiểu vì Việt Nam là một hợp chủng thu nhỏ lại của Bách Việt của liên bang Văn Lang. Do đó ngôn ngữ Việt biến âm gần như với tất cả các đại tộc của ngôn ngữ loài người (Tiếng Việt Huyền Diệu).
Vậy thì muốn chọn một qui tắc làm chuẩn để viết chữ quốc ngữ ta phải chọn theo âm nói của một ngôn ngữ ruột thịt ở gần hay tận gốc của cây ngôn ngữ loài người, theo tôi, đó là Aryan-Phạn ngữ vì nó được coi là một ngôn ngữ rất cổ (xem dưới).
.Chữ quốc ngữ do các giáo sĩ Tây phương đặt ra dựa vào các mẫu tự ABC mới có cách đây hơn năm thế kỷ.
Chữ quốc ngữ ABC cũng như các chữ viết khác chỉ là một ký tự ghi lại âm của tiếng nói. Tiếng nói (âm) cổ Việt có từ ngàn xưa.
Chữ cổ Việt (nếu có), chữ nôm dựa vào chữ Hán và chữ quốc ngữ cũng chỉ là những ký tự dùng ghi âm tiếng nói. Không có một ký tự nào có thể ghi âm trung thực một tiếng nói, một ngôn ngữ trăm phần trăm được. Chữ quốc ngữ còn tệ hơn chữ Nôm vì do người ngoại quốc đặt ra. Các giáo sĩ không phải là người Việt (không có DNA Đại Tộc Việt) và dựa vào các chữ ABC và các ký hiệu dấu giọng đã có sẵn trong chữ viết Âu châu như thế chữ quóc ngữ dù gì củng đã bị “đổ khuôn” ít nhiều theo các qui luật chữ viết ABC Tây phương. Hiển nhiên chữ quốc ngữ không thể nào diễn tả được trăm phần trăm âm Việt. Các giáo sĩ dựa vào tiếng nói của người Việt mà họ tiếp cận được, những nơi họ tới truyền đạo được... Như đã nói ở trên, âm nói thay đổi theo từng vùng từng miền vì thế chữ quốc ngữ họ dùng chỉ ký âm được theo tiếng nói của vài địa phương. Chữ quốc ngữ ghi âm lại âm nói theo ch, tr, s, x của các xóm đạo, giáo phận tất nhiên khác các nơi khác.
Những quyển tự điển cổ do các giáo sĩ viết ra chỉ ký âm theo tiếng nói của vài địa phương của ngôn ngữ Việt toàn diện. Đó là chưa kể họ ký âm theo âm giọng quen thuộc, theo di thể ‘gene’ có trong máu (có khi không phải họ có chủ ý) và đầu óc Tây phương, nói một cách khác là theo ch, tr, s, x..., hỏi ngã có âm hưởng chút ít nào đó của Tây phương. Ví dụ cổ ngữ Việt Nõ là cọc, là bộ phận sinh dục nam, nhưng trong Từ Điển Việt Bồ La Alexandre de Rhodes ta thấy: “lõ, con lõ: cơ quan sinh dục của đàn ông”. Có thể có nhiều xác suất là giáo sĩ Đắc Lộ đã ghi âm theo L (lõ) ở dạng nam hóa của N (nõ) (Tiếng Việt Huyền Diệu) theo sắc thái duy dương của Thiên Chúa giáo, vì cho tới hiện nay còn nhiều vùng ở Miền Bắc Việt Nam vẫn còn nói và viết Nõ. Rồi từ đó từ âm lõ xuất hiện trong chữ quốc ngữ như mũi lõ... (xem từ Nõ với Lõ ở dưới).
Chỗ lợi của chữ quốc ngữ ABC rất nhiều không ai chối cãi. Nhưng chữ quốc ngữ cũng có khuyết điểm. Riêng về các dấu (không dấu, sắc, huyền, hỏi, ngã nặng) giúp cho phân biệt, nhận ra được ý nghĩa nhanh, đúng theo qui ước và tránh tranh cãi nhiều như ma khác mà. Nhưng cũng vì những dấu giọng này mà chữ quốc ngữ đã làm tiếng Việt phiến diện hơn, đơn nghĩa, làm mất đi nhiều ẩn nghĩa và đôi khi mất gốc cổ (như nõ và lõ). Với dấu giọng, nghĩa của một từ đã bị đóng khung vào một diện thôi, chữ chỉ ký âm được một âm-nghĩa theo cái dấu thôi. Ví dụ chữ cổ Việt không có dấu như âm /Ke/ là âm lưỡng tính phái chỉ cả bộ phận sinh dục đàn ông và đàn bà (Alexandre de Rhodes, Từ Điển Việt Bồ La). Nếu nói theo âm mang tính dương (âm hùng, mạnh ‘như mũi nhọn’ của kích thích tố nam androgen, đục ồ ồ của phái nam) thì /ke/ có nghĩa là bộ phận sinh dục nam. Ke biến âm với que (bộ phận sinh dục nam). Nếu nói theo âm mang tính âm, nữ thì /ke/ có nghĩa là bộ phận sinh dục nữ. Ke biến âm với kẽ (khe hở như kẽ tay), khe (bộ phận sinh dục nữ). Ke phát âm thêm hơi vào thành khe. Một ví dụ nữa từ ma theo âm cổ gồm nhiều nghĩa tùy theo khi nói âm /ma/ diễn tả theo giọng nói như thế nào. Ma có thể nói biến âm thành má, mạ, mã... và tùy trường hợp /ma/ của cổ Việt có những nghĩa khác nhau trong khi viết theo ABC ma không thể là mã, mả, mà, mạ... được mà bắt buộc phải phát âm theo nghĩa con ma, ma quái, ma thuật. Anh ngữ không có dấu phát âm theo âm nghĩa nên viết lời nhạc dễ viết hơn lời nhạc Việt có dấu.
. Ngữ pháp hay văn phạm.
Ngữ pháp (văn phạm) chỉ là một Qui Ước được đặt ra để viết một ngôn ngữ cho tiện, lợi và thống nhất trong lãnh vực giáo dục và vài lãnh vực khác như luật pháp, kinh tế, tài chánh... Hàn lâm viện, các nhà ngữ học, ngữ pháp học, các “thầy cô” dậy chữ nghĩa đã sửa đổi, hệ thống hóa ngôn ngữ nhằm mục đích chính là để viết theo một khuôn mẫu chung, để tiện dụng, minh bạch, tránh không bị lầm lẫn và cho thống nhất.
Nhưng qui ước chỉ là “nhân tạo” được đặt ra và chỉ những người theo qui ước tôn trọng thôi. Vì thế ngữ pháp không áp dụng và không thể áp dụng triệt để cho đám quần chúng mù chữ, dốt chữ nghĩa hay coi nhẹ hoặc không màng tới qui ước ngữ pháp.
Ví dụ một người Miền Nam quốc gia cũ ở Việt Nam bây giờ phải viết theo qui ước pháp ngữ do nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay đặt ra để viết chính tả được điểm cao, để đi thi đậu, để viết vặn kiện đúng theo qui luật hiện hành hầu được chấp thuận... Nhưng đối với những người khác mà không bị ràng buộc bởi các qui ước ngữ pháp hiện nay nhất là khi thấy không chỉnh của nhà nước Việt Nam như các Việt kiều hải ngoại thì họ vẫn nói và viết theo “gia sản” cũ vốn có của họ.
......
Bây giờ ta thử góp ý về những tranh luận là nên viết ch hay tr, d hay gi, l hay n, r hay d, s hay x...
1. Ch với tr
Xin đưa ra một ví dụ về đúng hay sai theo âm cổ Ch và âm kim Tr.
Trước đây tôi có gởi một bài viết Sự Liên Hệ Giữa Việt Ngữ và Ấn Âu Ngữ cho Tập San Y Sĩ ở Canada với nhan đề là Nêu Cao Chàng Pháo Bánh Trưng Xanh... Ban biên tập không đăng và trả lời cám ơn rất lịch sự, trong mục thư tín và không quên “sửa lưng” tôi cho là tôi viết sai “Tràng pháo” chứ không phải “Chàng pháo...”. Ban biên tập rất đúng vì là những vị có nhiều chữ nghĩa và tuân thủ cách viết hiện nay. Nhưng đâu có biết rằng bài viết của tôi là một bài viết khảo cứu về ngôn ngữ học có liện hệ với chữ cổ Việt. Người cổ Việt đâu đã học chữ quốc ngữ mà đặt ra vần đề viết tr hay ch. Tôi dùng ch vì chàng (hiện vẫn còn dùng ở nhiều nơi ở Miền Bắc) biến âm mẹ con với từ thuần Việt chằng (sợi dây buộc, từ đôi dây chằng có dây = chằng), chuyền, chuỗi (dây đeo cổ), chăng (căng dây), chàng nhạc là bệnh lao hạch, ở cổ có nhiều hạch như là đeo một chuỗi lục lạc (lạc = nhạc), cổ Việt chão (dây lớn), liên hệ với Pháp ngữ chaine, Anh ngữ chain (production en chaine: sản xuất dây chuyền)... Hiện nay đa số hay không có ai nói là dây trằng hay trằng dây cả.
Tôi viết Ch vì cho Ch là âm cổ của Tr vì đang so sánh với Ấn Âu ngữ có gốc Aryan-Phạn ngữ mà theo tôi đa số các từ thuần Việt (từ nôm) đều ruột thịt với gốc Aryan-Phạn ngữ. Việt ngữ chàng biến âm với mẹ con với Anh ngữ chain, Pháp ngữ chaine.
Ngôn ngữ thay đổi theo thời gian nên chúng ta không thể đem áp dụng một cách mù quáng những qui luật ngữ pháp, văn phạm của chữ quốc ngữ hiện nay vào công việc nghiên cứu tiếng cổ Việt. Thời cổ Việt không có chữ quốc ngữ, người cổ Việt không học chữ quốc ngữ nên không thể nói người cổ Việt nói n, l, ch, tr, s, ch… hỏi, ngã, sắc, nặng, huyền, không dấu sai ngữ pháp hiện nay hay nói ngọng. Vì thế khi nghiên cứu cổ ngữ Việt, tôi thường chọn viết theo biến âm mẹ con khi so sánh Việt ngữ với các ngôn ngữ khác mà không quan tâm lắm là người Việt hiện nay viết như thế nào.
Tuy nhiên đây là dựa vào biến âm thuần Việt liên hệ với Phạn ngữ.
Có một tác giả nào đó, cũng có thể nhìn theo cách biến âm với một tộc ngôn ngữ khác vì ngôn ngữ Việt đa dạng. Một vị nghiêng nhiều về Hán học chẳng hạn sẽ chọn viết theo âm Tr (mà tôi cho là âm mới, âm kim). Tôi đã chứng minh Hoa ngữ mang dương tính, ‘macho’ vì người Hoa vốn gốc du mục, võ biền. Khi chuyển từ âm Việt cổ sang Hán Việt kim thì thường mang âm có tính dương của xã hội phụ quyền ‘macho’ ví dụ như âm cổ N thành âm kim L như từ nang (cau) thành âm kim mang dương tính L là Hán Việt Lang, Binh Lang (cau); Nác (nước) thành Hán Việt Lạc (nước dương như Lạc Long Quân); Nọc (nọc là cọc, là con hươu sừng như thấy trong Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc) chuyển qua Hán Việt là Lộc (con hươu nọc, hươu sừng) (Tiếng Việt Huyền Diệu).
Các từ Hán Việt chuyển từ các từ thuần Việt thường mang dương tính của xã hội phụ quyền vì thế nếu tìm ra trong một quyển từ điển Hán Việt nào đó có chàng viết Tr thì Tr cũng là âm kim. Giống như ngày nay viết Tràng là viết theo âm kim của âm cổ Chàng.
Nói tóm lại ví dụ này cho thấy ch viết theo một âm cổ và tr theo âm kim dựa vào ngữ pháp hiện nay của chữ quốc ngữ. Đúng hay sai tùy theo hướng nhìn. Khi viết Chàng thì đối với ban biên tập Tập San Y Sĩ dựa theo ngữ pháp hiện nay cho là sai, phải viết là Tràng nhưng đối với tôi dựa vào âm cổ liện hệ với Ấn Âu ngữ có gốc Aryan-Phạn ngữ ruột thịt với các từ thuần Việt, từ nôm trong đó có từ chằng, chàng thì tôi chọn viết Ch và chàng không sai.
Ta phải nhận thấy dựa vào âm cổ Việt có vẻ đúng hơn vì như đã nói ngữ pháp của chữ quốc ngữ mới có cách đây hơn năm thế kỷ và không hoàn chỉnh trăm phần trăm và tiếng Việt là ngôn ngữ rất cổ.
2. D với gi
Xin lấy một ví dụ cho thấy viết theo gốc Phạn ngữ qua Ấn Âu ngữ đúng hơn.
Nếu dựa theo Anh ngữ (qua gốc Phạn ngữ), hãy lấy một ví dụ là từ between, giữa, (theo qui luật ngữ pháp hiện nay phải viết là giữa). Thật ra Việt ngữ dữa đúng nghĩa hơn giữa nếu nhìn theo gốc thuần Việt của dữa tức liên hệ với Aryan-Phạn ngữ. Dữa liên hệ biến âm mẹ con với với đũa (hai cái que), với đôi, với Pháp ngữ deux, double (đúp, đụp), với Hy Lạp duò, Latin duo, Phạn ngữ dva, Tây Ban Nha dos, Nga ngữ dba (dva-)... gốc tái tạo proto-Indo-European *dw...
(lưu ý dữa biến âm với mẹ con có mặt chữ in hệt Phạn ngữ dva).
Dữa là ở điểm hay khoảng nằm cách đều, cách bằng hai đầu, hai bên. Anh ngữ giữa between là be- và tween (là twin, two, hai) là “be two in”, nằm giữa hai. Một thời “be” được coi như một mạo từ cổ (old article) như thấy trong believe, begin, berate…
Kiểm chứng lại ta cũng thấy Dữa đúng hơn Giữa. Theo biến âm chị em d = n (dòm = nom) ta có dữa = nửa (nửa là chia đôi ngay ở dữa) trong khi biến âm gi = n không thấy, nếu có cũng là biến âm họ hàng xa.
Ngày nay chúng ta dùng giữa theo qui ước ngữ pháp hiện nay (theo đa số) đã mất “gốc” (dựa theo Aryan-Phạn ngữ) vậy mà các nhà nhiều chữ nghĩa hiện nay cho là viết dữa là sai, nhiều người châm chọc dân ở một số vùng đất tổ miền Bắc nói theo âm dữa là nói ngọng.
Ta cũng biết âm gi chỉ có trong chữ quốc ngữ Việt Nam nên khó tìm được âm gi biến âm với một ngôn ngữ khác dựa vào Roman-hóa.
Do đó không thể cho từ giữa viết theo gi theo qui ước hiện nay đúng
hơn dữa viết theo d.
3. N với L
Ví dụ này cho thấy viết theo âm kim L hiện nay không có nghĩa.
Tôi khám phá ra âm N là âm cổ của âm L một trăm phần trăm.
Biến âm này là một hóa thạch hay địa khai ngôn ngữ (language fossil) giúp ta có những bằng chứng vững chắc và thuyết phục hơn.
Chữ quốc ngữ Việt ABC (cũng như các ngôn ngữ khác của thế giới dùng ABC là di duệ của chữ viết nòng nọc vòng tròn-que do tôi khám phá ra, xem Chữ Nòng Nọc). Đặc biệt là tiếng Việt còn thấy rõ hơn các ngôn ngữ khác là có những âm Nòng âm, cái và các âm Nọc dương, đực (xem Dịch Lý và Tiếng Việt).
Ở đây để tóm gọn và đơn giản hóa, xin đưa ra vài ba ví dụ để chứng minh trong Việt ngữ có những âm cổ biến chuyển thành âm kim, có những âm thời mẫu quyền mang âm tính như N chuyển thành âm kim L mang dương tính thời phụ quyền ngày nay.
-Nõ với Lõ.
Tiếng cổ Việt Nõ là cái cọc, nọc như đóng nõ mít. Nõ vì thế cũng chỉ bộ phận sinh dục nam như thấy qua từ đôi nõ nường (nọc nòng). Nõ là cọc là c...c (Quân tử có thương thì đóng cọc, Hồ Xuân Hương). Âm cổ Nõ biến âm thành âm kim Lõ (tôi cũng gọi biến âm này là âm N nam hóa thành L). Lõ có một nghĩa với Nõ là bộ phận sinh dục nam còn thấy rõ trong từ điển Việt Bồ La của Alexandre de Rhodes: “lõ, con lõ: cơ quan sinh dục của đàn ông” và “lõ: làm dương vật cương lên như khi con vật giao cấu”. Từ lõ sau này là một tính từ cho thấy lõ ruột thịt với danh từ nõ nguyên thủy có nghĩa là cây cọc. Tính từlõ chỉ dương vật cương lên như cây cọc nõ. Từ lõ trong tiếng Việt hiện nay chỉ vật gì đâm ra như cây nọc nhọn như mũi lõ, c...c lõ.
Như vậy nếu không hiểu lõ có gốc gác từ nõ ta không hiểu nghĩa lõ là gì. Lõ vô nghĩa.
Ta thấy trăm phần trăm lõ là âm kim biến âm từ âm gốc cổ Nõ.
-Nòng với Lồn(g).
Tiếng cổ nòng là vòng tròn. Cổ Việt nói nòng vòng ngày nay chúng ta nói lòng vòng. Theo qui luật từ đôi của Nguyễn Xuân Quang ta có nòng = vòng. Con nòng nọc là con có thân hình nòng vòng tròn và đuôi hình nọc que. Chữ viết nòng nọc vòng tròn-que của tôi là chữ viết có hai chữ cái là Nòng vòng tròn O phát gốc nguyên thủy từ bộ phận sinh dục nữ và chữ nọc que I phát gốc nguyên thủy từ bộ phận sinh dục nam (cây nọc, nõ như vừa nói).
Cổ Việt nói nòng, nồng (nòng biến âm với nường chỉ bộ phận sinh dục nữ) là vòng tròn chỉ bộ phận sinh dục nữ, ngày nay chúng ta nói là Lồng, L...n.
Ở đây ta thấy rõ một điều là xã hội Tây Phương là xã hội phụ quyền cực đoan, “macho” (các giáo sĩ theo Thiên Chúa Giáo coi Đức Chúa Trời là toàn năng thiên về phụ quyền cực đoan) nên các giáo sĩ Tây phương CÓ THỂ đã phiên âm Nõ (dù cố ý hay theo bản năng Tây phương, tôn giáo) theo duy dương là Lõ chứ thật ra một số vùng Việt Nam còn giữ chế độ mẫu quyền vẫn nói âm Nõ như ngày nay chúng ta còn thấy. Đây là điểm cho thấy viết theo biến âm của ngôn ngữ nào thì có từ Việt viết theo một âm khác nhau theo tính nòng nọc, âm dương của ngôn ngữ, ở đây viết theo ngôn ngữ duy dương Âu Châu của các giáo sĩ nên Nõ viết thành Lõ (con Lõ thay vì cổ ngữ Việt con Nõ).
-Nòo với Lòng
Mường ngữ (tiếng Việt cổ) nòo có nghĩa là lòng (ruột).
Rõ như ban ngày âm cổ Nòo biến thành âm kim Lòng.
-Thòng Nọng với Thòng Lọng.
Cổ Việt nọng là cổ như “đầu trọng nọng khinh” (thịt đầu, thịt sỏ thì quí trọng còn thịt cổ thì khinh rẻ vì có nhiều mỡ; nọng cổ chỉ phần mỡ xệ xuống dưới cổ). Còn từ thòng, theo biến âm th = tr như Mường ngữ Then = Việt ngữ Trên, Mường Then = Mường Trên. Mường ngữ Then ruột thịt với Hán Việt Thiên (Mường Then là Mường Trên, Mường Thiên); như tháng = trăng (một tháng là một trăng, là một nguyệt, một month, một mois, một mes là một moon) ta có thòng = tròng.
Như vậy người Việt cổ nói thòng nọng chỉ cái tròng đeo vào cổ, tròng vào cổ. Ngày nay chúng ta nói thòng lọng. Lọng vô nghĩa. Lọng nhất định không phải là cái lọng (parasol)!
-Nang với Lang
Cổ Việt và Mường ngữ nang là quả cau. Mo nang là cái bao hoa cau.
Việt, Mường Nang ruột thịt với Mã Lai ngữ nang cũng là cau như Pinang (Anh ngữ) Pénang (Pháp ngữ) là Đảo Cau, chỗ Bá Đa Lộc và Hoàng Tử Cành đã tá túc.
Nang biến âm thành Hán Việt Lang, binh lang chỉ cau. Nên biết rằng người Trung Hoa không ăn trầu nên từ cau Lang, binh lang là từ họ nhập cảng của Bách Việt, nói một cách khác Nang là gốc là mẹ của Lang. Lang biến âm từ Nang. L biến âm của N. Chúng ta có Truyện Trầu Cau do nho sĩ viết có hai anh em sinh đôi là Tân sinh và Lang sinh. Tân có gốc tấ-, tá là đá khi chết biến thành hòn đá vôi và Lang là Cau khi chết biến thành cây Cau. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có bài hát Truyện Trầu Cau, ông cho Tân sinh chết biến thành cây Cau và Lang sinh chết biến thành hòn đá vôi là sai.
Ví dụ này cho thấy âm N của Việt, Mường biến âm qua Hán Việt thành L. Điểm này dễ hiểu vì xã hội Trung Hoa gốc là du mục, võ biền, «macho» nên dùng âm nam tính nhiều như các giáo sĩ Tây phương đã nói ở trên.
Và con nhiều nữa... (xem Tiếng Việt Huyền Diệu).
Vậy ta thấy rất rõ âm N là âm cổ luôn luôn có nghĩa còn L là biến âm hiện kim của N nhiều khi vô nghĩa.
Ở đây ta thấy viết theo âm cổ N đúng trăm phần trăm vì có nghĩa còn âm kim có khi vô nghĩa. Nhưng ngày nay chúng ta nói theo âm kim L cũng không phải hoàn sai hay có lỗi vì chúng ta phải sống theo dòng chuyển hóa của ngôn ngữ, của xã hội (mà chúng có khi ta không hề biết những biến chuyển này) (ngoại trừ trường hợp do lỗi của các giáo sĩ đã viết sai, đã ghi âm sai từ âm N thành âm L quen thuộc của ngôn ngữ của họ). Nếu là biến âm tự nhiên thì chúng ta không thể đi ngược lại để sống trong xã hội cổ.
Mặt khác các vùng ở miền Bắc Việt họ vẫn nói theo âm cổ N theo di thể gene từ tiếng nói của mẹ sinh ra mình, theo xã hội cổ họ còn bảo tồn được... và với âm N còn giữ được cái ý nghĩa của âm nói có gốc từ ngàn xưa. Ngôn ngữ của họ nói chung, âm N nói riêng, là những hóa thạch, những địa khai ngôn ngữ quí giá vô cùng cho các nhà ngôn ngữ học. Họ không phải là những người nói... ngọng hay hạng người... quê kệch, vô học.
Vì thế chúng ta không nên nhái tiếng, nhái N và L để chế riễu họ vì
thứ nhất tục ngữ có câu “Chửi cha không bằng pha tiếng”, thứ nhì
chúng ta nói N và L theo ngày nay chưa chắc đã đúng vì nhiều khi vô nghĩa.
Ở đây ta cũng thấy rất rõ, như đã nói, không thể áp dụng nhửng ngữ pháp của quốc ngữ ABC hiện nay một cách mù quáng vào công việc khảo cứu tiếng Việt cổ vì người cổ Việt không có học chữ quốc ngữ. Vì thế khi nghiên cứu cổ ngữ Việt tôi không theo ngữ pháp quốc ngữ hiện nay một cách máy móc. Tôi chọn một âm, một từ thích hợp viết theo ch, tr, n, l. s, x... hỏi ngã tùy nghi để có biến âm mẹ con, dù cho có người nói tôi thất học hay viết sai ngữ pháp hiện nay.
Tóm tắt lại phần này ta thấy rõ có biến âm trong ngôn ngữ loài người
theo những yếu tố nội và ngoại tại. Tiếng Việt cũng vậy. Người ba miền nói âm khác nhau.
Chữ quốc ngữ chỉ mới có cách đây hơn năm thế kỷ do người Tây phương đặt ra. Ngữ pháp chữ quốc ngữ chỉ là một qui ước và được cho là rất lỏng lẻo, không thoàn chỉnh. Vì thế những qui ước chữ quốc ngữ về ch tr, n, l, s, x... hỏi ngã... chưa qui về được một mối.
(Xem tiếp phần hai)
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010