Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Lời nói đầu của Ban Biên Tập.
Để sửa soạn cho Hội Ngộ 40 năm của lớp Y Khoa Sài Gòn 1967-1974 được dự định tổ chức vào năm 2014, Ban Biên Tập Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y xin giới thiệu một bài viết về Hội Ngộ 20 năm của tác giả Phạm Anh Dũng đã viết từ 29 năm trước.
Phạm Anh Dũng
Ngày 20 tháng 8, 1994 là ngày hội ngộ, kỷ niệm 20 năm ra trường của các sinh viên Y Khoa Sài Gòn khóa 67-74.
Buổi chiều cuối Hạ, như đã hẹn trước từ lâu, từ khắp nơi trên thế giới, bạn bè đem theo tình thương mến đổ về Anaheim, Orange County, California. Có những người ở ngay tại Nam California như Nguyễn Chí Vỹ, Nguyễn Thúy San, Nguyễn Phan Khuê, Nguyễn Văn Lũy, Nguyễn Hữu Thanh... Nhiều người về từ miền Bắc California như Trương Thế Phiệt, Nguyễn Thị Bích Liên, Huỳnh Minh Châu, Lê Vĩnh Thịnh, Phan Mỹ Dung... Từ miền Đông có Chu Kỳ Đức, Lê Kim Lạc, Bùi Ngọc Sĩ, Nguyễn Việt Cường... Rải rác các tiểu bang khắp nước Mỹ đều có bạn về họp. Kentucky có Nguyễn Tiến Dũng, Trần Ngọc Khuê... Tiểu Bang Washington thêm được Phạm Xuân Hiển. Arkansas với Nguyễn Cao Khoa và Hoàng Văn Ngọc. Nguyễn Văn Tân ở Michigan đến. Lưu Tiền Thiện từ New Mexico. Florida có Phạm Hồng Lạc. Phái đoàn Canada gồm Nguyễn Đức Đỉnh, Trần Quang Hiếu... Và cả từ những nước ngoài xa xôi, ở mãi mù khơi bên Úc như Bùi Trọng Cường và Nguyễn Thị Kim Dzung, Hòa Lan có Lại Mạnh Cường. Tất cả cũng đã về với nhau, để được gặp lại nhau.
Những phút đầu vừa đến, ghi danh là lúc vui nhất. Gặp nhau, mừng qua những nụ cười thật tươi, tay bắt chặt và có khi mắt có chút ngấn lệ vì cảm động. Hàn huyên, nhắc nhớ lại những ngày tháng cũ. Ngậm ngùi nhìn nhau, đa số đã đeo kính để nhìn rõ hơn, nhiều những mái tóc đã thấm sương, mầu bạc. Thăm hỏi về những ngày vừa qua của bạn, những khó khăn của gia đình bạn. Mừng khi biết bạn thi đỗ, vào nội trú, được hành nghề trở lại. Bùi ngùi, kể và nghe tin tức của những người bạn cùng lớp nay đã qua đời. Những câu chuyện dài không bao giờ hết của những người có cả đến hơn 20 năm không gặp gỡ...
"Tuyển Tập Y Khoa 67-74," do Trần Thế Kiệt đảm nhận phần lớn trách nhiệm, được phân phát. Trong quyển tuyển tập, đặc biệt có hai bài phỏng vấn Giáo Sư Cựu Khoa Trưởng Y Khoa Vũ Quí Đài và Giáo Sư Cựu Phó Khoa Trưởng Y Khoa Đào Hữu Anh do Trần Thế Kiệt và Nguyễn Thanh Châu thực hiện. Một bài khác là Tài Liệu Lịch Sử Những Biến Cố Liên Quan Tới Đại Học Y Khoa Sàigòn Từ 1954 Đến 1975 của Bác Sĩ Nguyễn Vị Nhân. Giáo Sư Hoàng Tiến Bảo góp vào hai bài viết về lớp 67-74. Còn lại là những sáng tác về văn, nhạc, thơ, ký... của các anh chị em trong lớp như Lại Mạnh Cường, Trần Thị Mộng Trâm, Bùi Trọng Cường, Nguyễn Xuân Ngãi, Nguyễn Minh Quốc, Nghiêm Hữu Cường, Vương Đức Hậu, Lê Minh Đức, Vũ Duy Hiển, Trần Trung Hòa...
Lê Minh Đức, trong bài nói chuyện mở đầu đã nhắc qua những nét chính trong 7 năm Y Khoa, những ngày tháng bắt đầu bằng năm Dự Bị Y Khoa lý thuyết ở khu Cơ Thể Học Viện cũ ở đường Trần Hoàng Quân và thực tập tại trường Đại Học Khoa Học. Rồi chỉ có 300 trong tổng số khoảng 400 người của năm Dự Bị Y Khoa thi đỗ được về trường Y Khoa học năm thứ nhất, còn thì ở lại lớp hay nhập ngũ. Những ngày sau đó là những ngày dài của bạn bè, với thầy cô, trong những giảng đường lớn, trong những phòng thực tập của trường Y Khoa và rồi các bệnh viện. Ngày ra trường của lớp, ngày ra đơn vị của các bạn trong Quân Y đều được nhắc lại.
Môt số thầy cô cũ có mặt trong buổi lễ được mời lên sân khấu để sinh viên được phép tặng quà và quý vị giáo sư cũng nói vài lời. Thầy Hoàng Tiến Bảo kể chuyện ăn canh chua của Huỳnh Quang Lang nấu, nghe Phạm Gia Nghị hát, Bạch Thế Thức dục thầy học, chuyện Mục Sư Phạm Hồng Lạc phân phát Thánh Kinh... Giáo Sư Lê Quốc Hanh nhắc lại kỷ niệm với Cố Giáo Sư Trần Anh, người mà giáo sư Hanh vừa thân là bạn, vừa trọng là thầy. Cô Đỗ Thị Nhuận và những kỷ niệm "khó khăn" như bị cắt móng tay, phải cột tóc dài lại... của khu Ký Sinh Trùng Học cũng được nhắc nhở lại.
Cùng lúc dạ tiệc, Nghiêm Hữu Cường, Trần Thế Kiệt và Lã Hoàng Trung từ sân khấu nêu danh từng người trong lớp có mặt ngày hôm đó và để nhắc lại những đặc điểm, biệt hiệu riêng, kỷ niệm đáng nhớ... của mỗi một "nhân vật" khác nhau. Những trận cười thú vị đến với mọi người.
Mục nhẩy đầm thường thấy trong những buổi họp Y Sĩ được thay bằng Video "Trường Tôi Lớp Tôi". Những hình ảnh của lớp 67-74 được Lã Hoàng Trung thu thập và chọn lọc rất là công phu để hoàn thành cuộn phim video này. Ngôi trường mẹ yêu quý xuất hiện. Hình ảnh bạn bè khi tóc hãy đang xanh, khi nụ cười vẫn còn hồn nhiên... Lần lượt trên màn ảnh là những thời điểm như Mùa Hè Đỏ Lửa, những kỷ niệm khó quên như Quân Sự Học Đường, thời gian huấn nhục của Quân Y, rồi lúc Dân Y vào trưng tập nhập ngũ, Sàigòn thân yêu và tháng ngày đen tối 1975...
Những người còn ở lại Việt Nam, bây giờ cách xa vời vợi như Nguyễn Đình Ngọc, Trần Thu Bảo, Quách Anh Dương, Dương Thanh Trắc, Đỗ Danh Toàn, Trần Chấn Thanh ... biết bao giờ gặp lại? Và, rưng rưng nước mắt, khi chiếu đến hình ảnh những bạn sẽ không bao giờ gặp lại nữa. Đoàn Trung Bửu hy sinh ở mặt trận. Chết hào hùng như Vũ Đức Giang và bất khuất như Hoàng Lộc trong trại học tập. Nguyễn Đăng Chương Dương chết khi kho đạn ở Xuân Lộc, Long Khánh nổ. Vượt biên mất xác như Nguyễn Trọng Nghĩa, Nguyễn Xuân Thiều, Thái Văn Châu, Châu Kim Sơn, Nguyễn Thị Ngọc Yến... Trần Công Đức tự tử.
Cuối cùng Vũ Quốc Phong và Nguyễn Lê Hương đã dí dỏm và linh hoạt điều khiển Chương Trình Văn Nghệ thật là đặc sắc với các nghệ sĩ nổi tiếng như Mai Hương, Lệ Thu, Lê Uyên Phương... và các nghệ sĩ tài tử nhưng có đôi nét nhà nghề của lớp 67-74 như Trương Văn Như, Đào Duy Anh, Phạm Xuân Cầu, Phan Mỹ Dung, Vũ Duy Hiển, Phạm Gia Nghị, Vương Đức Hậu, Phạm Anh Dũng...
Buổi họp mặt chấm dứt gần lúc nửa đêm.
Có chút sương mù phủ dần xuống
Trời hơi lành lạnh.
Nhưng lòng người sao lại thấy ấm hơn...
Ngày 9, tháng 9, năm 1994
Santa Maria, California, USA