Một số người cho rằng bất cứ  bông hoa gì cũng dùng để cúng Phật được, kể cả hoa giả.

Tuy nhiên, hầu như phần đông Phật tử không đồng ý với quan niệm này. Họ cho rằng bông hoa đem dâng lễ Phật cần phải đáp ứng một số tiêu chuẩn đã được chấp thuận qua nhiều thế kỷ. Có hai loại hoa mà người ta không bao giờ đem lễ Phật, đó là hoa lài (nhài) và hoa dâm bụt. Người ta tránh không dùng những hoa có mầu sắc sặc sỡ lòe loẹt, hoặc những hoa có mùi thơm  quyến rũ nồng nàn.

Có hai bông hoa được liệt kê là Thánh hoa vì có liên quan mật thiết với đời sống đức Phật. Đó là hoa đầu lân (hay hoa sala) và hoa sen.

Một số hoa khác được chọn lựa vì có mầu sắc kín đáo, mùi hương thoang thoảng êm dịu nhẹ nhàng. Đó là, hoa ngọc lan, hoa mộc lan, hoa huệ ta, hoa cúc hoa mẫu đơn Việt Nam. Những hoa này được coi như biểu dương cho sự thanh khiết giản dị tàng ẩn trong Phật đạo.

Bài này khảo sát những hoa nêu trên để tìm hiểu học hỏi cũng như để cống hiến qúy bạn vài giây phút giải trí lành mạnh.

 

HOA   ĐẦU  LÂN

 

 

Những tên khác là hoa Sala, hoa ngọc kỳ lân, hoa hàm rồng hay hoa vô ưu.

Tên khoa học là Couroupita guianensis, do nhà bác học J.F.Aublet đặt vào năm 1755.

Xuất phát từ Guyana (Nam Mỹ), cây Sala nay có thể tìm thấy ở Ấn Độ, miền nam dãy  Hy Mã Lạp Sơn và ở  vùng Đông Nam Á.

Có hai loại, một loại hoa mầu đỏ và một loại hoa mầu trắng. Mùi hoa êm dịu, nhưng quả thì không ăn được.

Bách khoa toàn thư Wikipedia viết: "Sala là một loại cây thân gỗ, cây có thể cao tới 30-35m. Hoa sala  mọc ra từ thân cây, suốt từ gốc lên, chùm hoa dài ra liên tục có thể tới 3m. Quả lớn tròn to, đường kính qúa 15-24cm, có 200-300 hạt trong một quả.”

Cây Sala có liên hệ mật thiết với Phật giáo, vì vậy hoa Sala được coi như là một Thánh hoa. Theo kinh điển, Đức Phật đản sinh ở gốc cây Sala trong vườn Lâm-Tì-Ni. Ngài viên tịch giữa hai cây Sala tại Câu-Thi-Na.

 

  Cây và quả (trái) sala

Cây và quả được sử dụng để chữa một số bệnh tật như cảm cúm, sốt rét, đau dạ dày, bệnh ngoài da và đau răng.

Theo kinh điển, tiền thân Đức Thích Ca Mâu Ni  đã dâng hoa Sala cho Đức Phật Nhiên Đăng. Ngài còn trải áo của mình trên đống bùn để cho Phật Nhiên Đăng dẫm bước qua ở thành Xá-Vệ. Do vậy, Phật Nhiên Đăng mới tiên đoán rằng Ngài sẽ trở thành Phật Thích Ca. Cây Sala và cây Bồ Đề thường được trồng trong khuôn viên của các chùa.                                                                               

 

HOA   SEN

    Tên khoa học là Nelumbo nucifera. Tiếng Phạn là Padma.

    Ca dao Việt Nam tả hoa sen (trắng) như sau:

Trong hồ gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng

Nhụy vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

 

Hoa sen trắng

 

Hoa sen hồng

 

Hoa Sen là một Thánh hoa có liên hệ mật thiết với Phật giáo. Theo truyền thuyết, khi Phật mới đản sinh, Ngài đứng lên đi bẩy bước, mỗi bước có hoa sen đỡ bàn chân Ngài. Có đến cả trăm Kinh điển nhắc đến hoa sen, như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Pháp Hoa, Kinh Trữ Cái Chướng Bồ Tát Sở  Vấn, Kinh Phạm Võng....Do vậy không ngạc nhiên gì khi người ta dùng hoa sen làm biểu tượng cho Phật giáo.

Theo Mật tông, trái tim con người giống như đóa sen hàm tiếu, khi Phật tính phát triển bên trong thì đóa sen sẽ nở .  Phái Tantra cho đóa sen là biểu thị cơ quan sinh dục nữ, đó chính là nguyên lý âm trong vũ trụ. Đóa sen trắng ở trung tâm Mạn-Đà-La, biểu thị tử cung (Thai tạng) của thế giới.

      

Tượng Phật đản sinh    

 

                              

 

Thai tạng giới Mạn-đà-la

     

Hoa sen TRẮNG (Tiếng Phạn: Pundanka) thường có 8 cánh ứng với Bát Chính đạo. Đây là đặc trưng của  các vị Phật.

Hoa sen ĐỎ  (Phạn: Padma) tượng trưng cho tình yêu, lòng từ bi thương người . Đây là hoa của Quan Thế Âm Bồ Tát.

Hoa sen XANH (phạn: Utpata) tượng trưng cho trí tuệ tối thắng Bát-Nhã Ba-La-Mật. Đây là sen của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.

Hoa sen HỒNG (Phạn: Padma)  tượng trưng cho trí tuệ tối thượng, dành cho các vị Phật lịch sử.

Hoa sen TÍM  là hoa của sự huyền diệu. Đây là hoa đặc trưng của phái Mật tông.

 

       Sen đỏ                        Sen xanh                 Sen hồng            Sen tím

Các tượng Phật thường được tạc ngồi tọa thiền trên tòa sen. Một pho tượng nổi tiếng là tượng Quan Thế Âm Thiên Thủ Thiền Nhãn thế kỷ thứ 17 hiện thờ tại chùa Bút Tháp. 

 

 

Giống như cây chuối, tất cả bộ phận của sen đều được sử dụng.

Hoa thì ngoài việc cúng lễ, còn được làm thành trà hay ướp trà. Ngó sen dùng làm nộm hay gỏi. Lá sen dùng để gói bánh hay ủ rượu nếp. Người theo trà đạo thường sai tiểu đồng sáng sớm đi hứng những hạt sương đọng trên lá sen đem về nấu nước pha trà. Hột sen thì người ta làm mứt hay nấu chè. Rễ hay củ sen thì dùng làm một số đồ ăn chay.

Có một số hồ sen nổi tiếng thế gìới, như hồ sen Chùa Một Cột hay hồ sen ở Tây Hồ  bên Hàng Châu.

 

           

 

 

 

BẠCH  NGỌC  LAN

 

                  

 

Tên khoa học là Michelia alba, thuộc họ Magnoliacea.

Tên khoa học đặt theo tên một nhà thực vật học người Ý  là Pietri Antonio Micheli. Hoa mọc thành cụm giữa các nách lá, chứ không mọc đơn ở đầu cành.

Hoa mầu ngà ngà, có mùi thơm phảng phất nồng nàn nhưng êm dịu, nhất là về xế chiều.

Hoa này có rất đông họ hàng, nhiều cây được trồng làm cây kiểng hoặc để lấy gỗ xây cất hoặc để sản xuất tinh dầu dùng trong công nghệ  sản xuất nước hoa.

 

HOA  MỘC  LAN

Còn gọi là hoa Đại hay hoa Sứ hay chăm pa (Lào).

Tên khoa học là Plumeria rubra thuộc họ Apocynaceae. Tên được đặt theo họ của nhà thực vật học người Pháp là Charles Plumier. Ở Úc Đại Lợi, người ta gọi hoa này là"dead man’s fingers.

Hoa mọc từ đầu các cành khô không có lá. Hoa có 5 cánh mầu trắng, ở giữa là nhụy vàng, mùi hương nhẹ nhàng thường tỏa về đêm để lôi kéo các loài bướm nhận sự thụ phấn cho chúng. Các loại bướm này bị hoa lừa vì hoa không có mật!

Người ta thường hái hoa này thả vô bát nước trong để cúng Phật.

 

 

         

                                                                                 Hoa Đại.                  Cây hoa đại cổ thụ 700 năm Chùa Yên Tử.

 

HOA   HUỆ   TA

 

Sở dĩ gọi như vậy là để phân biệt với hoa huệ Tây hay hoa loa kèn mà tín đồ Thiên Chúa giáo dùng trong dịp lễ Phục Sinh.

 

          

                  Huệ Ta.               Thiếu nữ bên huệ Tây

Tên khoa học là Polianthes tuberosa, hoa huệ ta còn được gọi là dạ lai hương hoặc vũ lai hương (thơm ban đêm hay thơm lúc mưa).

Huệ ta bông ngắn, hoa trắng thường nở trên cây, tỏa hương vào ban đêm để thu hút côn trùng thụ phấn, mùi thơm khá nồng nàn.

Huệ được trồng nhiều ở miền Bắc Việt Nam và một số tỉnh miền Trung.

Theo truyền thống, hoa huệ được dân Việt Nam dùng rất nhiều trong việc cúng lễ.

 

HOA   CÚC

 

Cúc thuộc họ Asteraceae có đến cả trăm loại khác nhau.Người ta dùng một số loại hoa cúc trong việc cúng lễ.

 

Hoa cúc trắng (daisy hay marguerite) tên khoa học là Bellis Perennis. Mỗi cánh hoa là một hoa riêng biệt gọi là"asterales," chính giữa là cả trăm hoa vàng nhỏ xíu.                        

Cúc Vạn thọ tên khoa học là Tagetes. Ở Việt Nam, người ta trồng giống T.patula. Hoa có mùi xạ và hăng hăng, nở kéo khá lâu nên thường dùng  thờ Phật và tổ tiên.

Cúc Đại đóa tên khoa học là Chrysanthemum. Đây là hoa biểu tượng của hoàng gia Nhật Bản và là một trong bốn"quân tử" của Trung Hoa - mai, lan, cúc, trúc.

 

Hoa này được trồng từ thế kỷ thứ 15 trước Công Nguyên và có nhiều tính chất thần dược.
 

 

HOA  NAM  MẪU  ĐƠN

Tên khoa học là Ixora coccinea, thuộc họ Rubiacceae, khác với hoa mẫu đơn Trung Hoa (peony) thuộc họ Paeoniaceae.
 

Các tên khác là Trang đỏ  hay  Long thuyền hoa. Hoa mọc thành chùm ở đầu cành, mầu đỏ hay vàng hoặc trắng . Hoa có mật nên thu hút nhiều loại côn trùng, nhất là bướm. Cây có thể cao tới 2 thước. Quả màu đỏ tím, mỗi ô có một hạt.


Người ta trồng cây này để làm cảnh hay làm thuốc. Rễ cây dùng làm thuốc lợi tiểu, hoa dùng để chữa bệnh kiết lỵ.

 

Cây mẫu đơn cổ thụ

 

HOA   NGÂU   VIỆT

Gọi Việt hay Ta để phân biệt với loài Ngâu ngoại lai từ Trung quốc tràn sang.

Loài này xuất phát từ Việt Nam và nay đã lan tràn khắp vùng Đông Nam Á.  Tên khoa học là Aglaia duperreana thuộc họ Meliaceae.

 

               

                      Hoa ngâu                                                                Bụi  ngâu

 

Bụi cây có thể cao tới 3.6m. Hoa mầu vàng, nhỏ li ti, có mùi thơm dịu thanh khiết.

Đình chùa thường có bóng dáng cây ngâu, hoa được dâng lễ Phật. Người ta cũng dùng hoa để ướp trà hay quần áo.

                               

Nụ cười như thể hoa ngâu

Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.

 

LỜI   BÀN

 Thật ra, cũng chẳng ai chê trách  phải quấy gì khi người ta ra vườn hoặc đồng cỏ ngắt chùm hoa dại về lễ Phật. Cử chỉ này xét ra còn hơn là dâng hoa giả, điều mà người ta cho là khiếm lễ. Cần nhất là lòng thành kính chân thật.

Chọn hoa lễ Phật là một cử chỉ bình thường nhưng không kém phần  quan trọng. Cùng với Đông bình Tây quả, bàn thờ Phật được bầy biện trang nghiêm, tránh rườm rà lòe loẹt, cúng lễ tụng niệm theo đúng nghi thức, tất cả cộng lại đưa tinh thần tín ngưỡng dân tộc từ chỗ có văn hóa đến chỗ có văn minh.

 A di đà Phật,

Tôn  Kàn kính bút.

Đầu HẠ 2012

 

TÀI  LIỆU  THAM  KHẢO

 

                    1. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam.

                          Đỗ thúc Lợi, 1981.

                    2. Một trăm bài kinh Phật.

                          Đoàn Trung Còn-Nguyễn Minh Tiến .

                    3. Wikipedia, the free Encyclopedia.