Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
amaerx_logo

Tham dự Diễn Đàn
Loading
So Sánh Y Khoa ñÙc - MÏ

Trần Văn Tích

Tạp chí Deutsches Ärzteblatt của Y sĩ đoàn Đức số 22-23, ngày 04.06.2012 có bài phỏng vấn ngắn BS Peter W. Carmel, Chủ tịch American Medical Association. BS Carmel là chuyên gia giải phẫu thần kinh, đứng đầu Bộ môn Neurosurgery Đại học Y Khoa New Jersey và hiện sống ở Manhattan. BS Carmel tham dự Đại hội đồng Thường niên Y sĩ đoàn Đức và nhân dịp này, đã trình bày suy nghĩ cá nhân về hai nền y khoa Đức-Mỹ. Tôi dịch thoát một số ý kiến hỏi đáp.

T.V.Tích.

Hỏi: Thưa Bác sĩ, Bác sĩ đã hai lần tham dự Đại hội đồng Y sĩ đoàn Đức. Điều gì khiến Bác sĩ lưu tâm tham gia như vậy?

Đáp: Chế độ Bảo vệ sức khoẻ của Đức khiến chúng tôi rất chú ý. Đây là chế độ lớn nhất và thành công nhất ở châu Âu. Tôi đặc biệt chú ý đến lập luận theo đó sự thành công của chế độ này là do con số cao những bác sĩ toàn khoa ở Đức, bộ phận này đảm trách chức năng chăm sóc cơ bản cho dân chúng. Đại hội đưa ra con số thống kê cho biết 15 phần trăm nam nữ bác sĩ Đức là bác sĩ toàn khoa, và như vậy, có cần phải tìm cách nâng tỷ số này lên không. Tuy nhiên phải thừa nhận là không có dữ kiện khoa học chính xác nào cho biết tỷ lệ lý tưởng giữa tập thể bác sĩ toàn khoa và đội ngũ bác sĩ chuyên khoa. Vấn đề này tùy thuộc từng quốc gia, tùy thuộc phương tiện tài chánh dành cho y tế và cũng tùy thuộc nhu cầu của quần chúng.

Hỏi: Khi so sánh hai nền y tế Đức và Mỹ, Bác sĩ thấy những ưu và khuyết điểm nào?

Đáp: Vấn đề lớn nhất của nền y tế Hoa Kỳ là sự tốn kém. Chúng tôi chi tiêu đến 19 phần trăm tổng sản lượng quốc gia cho y tế. Không thể cứ như vậy mãi được. Hai chương trình Medicare dành cho người lớn tuổi và Medicaid dành cho người lợi tức thấp đều thiếu tiền. Medicaid trả tiền thấp đến nỗi hầu như không còn bác sĩ nào muốn nhận chữa trị cho bệnh nhân thuộc chương trình liên hệ. Quí vị ở Đức giải quyết vấn đề bảo hiểm sức khoẻ cho người đau ốm hay hơn. Nhưng cả Đức lẫn Mỹ đều gặp khó khăn vì không đủ số bác sĩ chịu đi xa về các vùng quê. Chúng ta chưa có toa thuốc hữu hiệu để điều trị chứng này.

Hỏi: Bác sĩ vừa trình bày sự khiếm khuyết của nền y khoa Mỹ trên khía cạnh bảo vệ sức khoẻ cho nhiều công dân Hoa Kỳ. Phải chăng những cải cách về y tế của Tổng thống Obama là một bước tiến hợp lý nhằm giải quyết vấn nạn này?

Đáp: Hiện nay ở Hoa Kỳ có 50 triệu người không có bảo hiểm sức khoẻ. Chương trình cải cách của Tổng Thống Obama sẽ khiến cho lối 32.5 triệu người Mỹ sẽ được bảo hiểm sức khoẻ. Đó là một tiến bộ to lớn. Nếu chỉ đọc báo chí thì có thể có cảm tưởng là biện pháp canh tân này hết sức không đại chúng (unpopulär, unpopular). Nhưng không phải vậy. Quần chúng mong muốn có biện pháp bảo hiểm sức khoẻ toàn diện và giới bác sĩ cũng muốn thế. Mọi người Hoa Kỳ đều phải được bảo hiểm sức khoẻ.

Hỏi: Phải chăng đây cũng là lập trường của American Medical Association?

Đáp: Chúng tôi lên tiếng rõ rệt nhằm thực hiện bảo hiểm sức khoẻ cho tất cả mọi người. Ai không đủ khả năng tài chánh thì phải được Quốc gia yểm trợ. Nếu cuối tháng sáu này mà Tối cao Pháp viện phán quyết rằng bộ luật cải cách y tế của Tổng Thống Obama vi hiến thì vấn đề cung cấp dịch vụ y khoa ở Hoa Kỳ sẽ lâm vào một trong những tình trạng khủng hoảng nặng nề nhất.

Hỏi: Từ Đại hội đồng Y sĩ đoàn Đức, Bác sĩ mang theo những gì về nhà?

Đáp: Từ năm ngoái, khi tham gia Đại hội ở Kiel, tôi đã ngưỡng mộ tinh thần đấu tranh của các đồng nghiệp Đức nhằm bảo vệ tự do nghiệp vụ và độc lập tại phòng mạch. Nhiều người có thành kiến rằng chế độ y tế xã hội ở Âu châu là một toàn khối, do quốc gia kiểm soát. Phải trao đổi với những tổ chức nghề nghiệp nhiều quốc gia khác thì mới mở mắt ra.

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012