Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Bài phát biểu của Bác sĩ Nguyễn Thể Bình
tại Đại Hội Quốc Tế Y Nha Dược Sĩ Việt Nam Tự Do kỳ VII Toronto, Canada 11-14 tháng 8/2011
Kính thưa ban tổ chức,
Kính thưa quý vị giáo sư, các khoa học gia, các nhà nghiên cứu,
Kính thưa quý đồng nghiệp và quan khách,
Chúng tôi xin chân thành cảm tạ ban tổ chức đã có nhã ý mời chúng tôi phát biểu đôi lời trong ngày khai mạc chương trình của đại hội Y Nha Dược năm 2011 tại Toronto. Trong đại hội này, chúng tôi sẽ có cơ hội để học hỏi, trao đổi với quý đồng nghiệp, đồng thời sẽ đón nhận sự hướng dẫn và chỉ dạy của các thầy cô và các bậc đàn anh, đàn chị trong nghề. Trong mấy phút hàn huyên tâm tình tới đây, chúng tôi xin phép chia sẻ cùng quý vị những tư duy (suy nghĩ) của chúng tôi về ý thức, tinh thần và trách nhiệm của giới YND chúng ta ở hải ngoại đối với hiện tình đất nước VN.
Thưa quý vị, chúng ta hãy cùng hướng về tiêu đề ý thức.
(Let’s discuss about our collective awareness of Vietnam)
Mỗi chúng ta có một nhận định riêng về hiện tình VN, dựa trên hoàn cảnh và kinh nghiệm cá nhân. Nhưng có lẽ chúng ta đều có thể chia sẻ một số điểm quan trọng chính yếu như sau:
· Chính quyền Hà Nội là một chế độ cộng sản, độc tài, tham nhũng.
· Xã hội VN có khoảng cách giàu nghèo càng lúc càng gia tăng, với đại đa số dân chúng nghèo túng, nạn thất nghiệp tràn lan.
· Nền kinh tế VN suy thoái, hệ thống giáo dục lạc hậu, bế tắc, văn hóa suy đồi, hệ thống y tế bất công và không hiệu quả.
· Người dân VN thiếu tự do, dân chủ và nhân quyền.
(In VN the citizens do not have freedom, democracy and human rights)
Ở một quốc gia dân chủ, Hiến pháp quy định sự độc lập và phân quyền giữa 3 ngành Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp. Ý kiến của dân sẽ được diễn đạt qua Lập Pháp tạo ra đường hướng của quốc gia, Hành Pháp thi hành các chính sách ích quốc lợi dân, Tư Pháp sẽ bảo vệ những quyền lợi chính đáng của dân qua sự xét xử công minh. Ở VN, bộ chính trị đảng CS chi phối và thao túng cả 3 ngành này; người dân trong sự vận hành chính trị : đảng cử dân bầu với tất cả được sắp đặt từ trước.
(In VN there are no check and balance of the three branches of the government)
Riêng trong ngành y tế, chính sách của chính quyền Hà Nội đã sai lầm và bất lực, tạo ra những bất công, thiếu thốn và chậm tiến; ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Thế kỷ thứ 21 của nhân loại đã đánh dấu những bước tiến vượt bật trong lãnh vực y tế. Những căn bệnh hiểm nghèo có thể được khắc chế, và những cách mổ tinh vi ghép tế bào đã là những thành tựu rực rỡ. Trong khi đó ở VN, những điều kiện căn bản nhất như nước uống, vệ sinh, dinh dưỡng và thuốc men tối thiểu đều bị thiếu thốn trầm trọng. Nền y tế ở VN không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Người công dân VN bình thường không được chữa trị theo tiêu chuẩn quốc tế của ngày hôm nay. Các bệnh nhân nghèo thường thua thiệt và không được hưởng các phương tiện điều trị cần thiết. Giai cấp thiểu số thượng lưu và chức quyền cao thì có các dưỡng đường riêng với giá biểu rất cao và có điều kiện tài chánh để ra ngoại quốc điều trị.
Thưa quý vị, tinh thần dấn thân của 3 thế hệ VN hải ngoại là gì?
(What is our willingness to serve?)
Tại sao giới YND chúng ta phải quan tâm đến hiện tình đất nước?
Chúng ta là những người tỵ nạn, là những người phải di tản ra khỏi quê hương nguồn gốc. Đó là lý lịch, là căn cước chân chính của chúng ta. Khi rời Việt Nam, chúng ta đi tìm một tương lai có sự tự do, có đời sống nhân bản cho chúng ta và thế hệ kế tiếp, với những cơ hội thăng tiến qua giáo dục, làm việc siêng năng trong một xã hội tôn trọng nhân quyền. Qua đó chúng ta đã có một quyết định chính trị. Chúng ta là những người trí thức, là chuyên gia. Chúng ta không nhất thiết phải hoạt động chính trị, nhưng những hành xử trong cuộc sống, được dựa trên sự thông hiểu và cân nhắc, suy nghĩ về chính trị.
(Civic activism or community involvement is not synonymous with politics).
Chính trị không phải là một căn bệnh nên chúng ta đừng sợ bị truyền nhiễm. Nhưng chúng ta là những công dân trí thức và có văn hóa. Gia đình, bạn bè, thầy cô, xã hội đã nuôi nấng, dạy dỗ và bảo bọc chúng ta, để chúng ta có được ngày hôm nay. Ý thức, tinh thần và trách nhiệm của từng cá nhân chúng ta đối với gia đình và xã hội không phải là gánh nặng, mà là một ân sủng, một sự biệt đãi, là một hân hạnh hoàn trả trong vui thú.
(Awareness, willingness and responsibility are not a burden but a privilege).
Lớp trẻ VN hải ngoại đã có những điều kiện ưu tiên so với các bạn quốc nội. Từ những cuộc sống ổn định, qua những cố gắng học hỏi, tìm tòi, cải tiến trong nghề nghiệp với nền giáo dục tối cao, được trang bị kiến thức chuyên môn, có khả năng xuất sắc, các bạn đến từ khắp nơi trên thế giới và đại diện cho thành phần ưu tú của cộng đồng VN hải ngoại mà bản thân tôi rất cảm phục.
Kính thưa quý vị, trách nhiệm của chúng ta là gì?
(What are our responsibilities?)
Là công dân của quốc gia nơi chúng ta cư ngụ nhưng chúng ta cùng có chung một nguồn gốc: Việt Nam; vì thế, sự tranh đấu cho thế hệ đồng song và các lớp người tiếp nối là một bổn phận của mọi người ở mọi nơi . Nhân quyền là điều căn bản cho mọi người ở khắp nơi, người dân tại Việt Nam không có nhân quyền, rất căn bản như cơm no, áo ấm, phát biểu tư tưởng, giáo dục nhân bản, y tế với phòng bệnh và chữa trị.
Chúng ta, những người sinh sống ở một nước tự do dân chủ, như Canada, Mỹ, Âu châu và Úc châu nghĩ sao nếu ngày hôm nay chúng ta không còn được phát biểu tự do, không được quyền sử dụng lá phiếu một cách chính đáng, không được hành nghề theo đúng lương tâm nghề nghiệp?
Chúng ta có thể làm gì?
(How can we fulfill our responsibilities?)
Tìm hiểu môi trường, nhận xét về hoàn cảnh là những điều chúng ta nên làm để có những dữ kiện và tùy thuộc vào khả năng riêng mà hành động. Dựa trên hoàn cảnh và khả năng cá nhân, chúng ta đều có thể đóng góp trên nhiều phương diện. Một trong những điều quan trọng nhất là xây dựng và bồi đắp cho thế hệ trẻ và cộng đồng nơi chúng ta sinh sống. Vì những cộng đồng này là nơi chúng ta lưu lại những di sản và tương lai cho con cháu chúng ta. (Let’s preserve our heritage and develop our future generation!)
Giáo dục là nền tảng của văn hóa. Chúng ta bắt đầu từ học đường, từ lớp tuổi ấu thơ qua thiếu niên. Tập luyện thân thể khỏe mạnh cường tráng, giúp cho có trí óc trong sáng minh mẫn. Siêng năng chăm chỉ để đạt được thành công tốt đẹp. Định hướng sự nghiệp về những kiến thức chuyên môn, tạo dựng khả năng cao, tạo cơ hội được tuyển chọn. Ủng hộ và đóng góp cho những chương trình cộng đồng giáo huấn Việt Ngữ có hệ thống, duy trì, phát triển văn hóa Việt. Phát huy tiềm năng, hướng dẫn nhằm đào tạo những lớp lãnh đạo giỏi dang từ giới thanh niên. Xây dựng, trợ giúp những người gốc Việt có điều kiện thuận lợi và cơ hội khả hữu tham gia vào cơ chế vận hành chính trị dòng chính, từ địa phương cho đến quốc gia, từ quận hạt qua tiểu bang lên liên bang. Hoạt động với những tổ chức hay mạng lưới đứng đắn trong sáng, bất vụ lợi để tranh đấu và bảo vệ quyền lợi quy định chính đáng của dân Việt định cư tại các quốc gia cũng như ở Việt Nam. Trợ giúp và cộng tác trong những sinh hoạt của các tổ chức trong cộng đồng, tránh không để các ảnh hưởng xấu xâm nhập làm lũng đoạn, phá vỡ sự đoàn kết trong cộng đồng gốc Việt tại hải ngoại. Xử dụng những ảnh hưởng tạo được vào chính sách kinh tế, đầu tư, doanh thương; đóng góp bằng lá phiếu và tài chánh để có thể đạt được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và quốc gia với các mục tiêu của chúng ta.
Chúng tôi xin nhắc lại lời của giáo sư Brezenski, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Carter, khi nói về sự tranh đấu tại Ba Lan, có bình luận: "Một yếu tố quan trọng góp phần làm chế độ toàn trị áp bức tại Ba Lan sụp đổ mau chóng là sự trình bày của các người Ba Lan ở quốc ngoại, nay có quốc tịch của nhiều nước, khi nói chuyện với bạn bè về nhân quyền thì bạn bè thông cảm hơn, và những người bạn có chức vụ then chốt đã giúp rất nhiều".
Kính thưa quý vị,
Từ những công tác từ thiện, xã hội, văn hóa và chính trị, chúng ta xây dựng cộng đồng nơi chúng ta sinh sống, và có thể mở rộng kích thước hoạt động về VN. Chúng ta có thể làm việc theo cách thức cá nhân hoặc với những tổ chức phi chính phủ, nhưng cần tránh không cộng tác, bị ảnh hưởng hay bị chi phối bởi chính quyền Hà Nội. Chúng ta cần giúp đỡ các cá nhân hay tổ chức quốc nội đã hy sinh to lớn để đóng góp và tranh đấu cho đất nước VN có được nhân quyền căn bản. Để người dân được hưởng một nền y tế tân tiến, công bằng và đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng là một tranh đấu nhân quyền.
Những biến động gần đây tại Bắc Phi, Trung Đông, những thay đổi tại Đông Âu 20 năm trước là những chứng minh về luật động của tạo hóa, khi một chính quyền không phản ảnh ý nguyện người dân, không tạo cơ hội bình đẳng để người dân có cơm no áo ấm, không tôn trọng những nhân quyền căn bản về giáo dục, chính trị, y tế thì sẽ bị đào thải với thời gian, qua sự nổi dậy chống đối mãnh liệt, sẵn sàng hy sinh tính mạng của người dân. Chúng ta đã chuẩn bị chưa và chẩn bị ra sao, như thế nào khi có những sự thay đổi, sự thay đổi này chỉ là một định luật bất biến của thiên nhiên, đó là sự thay đổi trong cuộc sống để có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có nhân quyền, có các điều kiện về giáo dục, y tế, chính trị trong một xã hội văn minh, tự do và dân chủ.
Kính thưa quý vị, chúng tôi xin phép được chia sẻ những suy nghĩ của thế hệ chúng tôi.
Chúng tôi mong rằng thế hệ đi trước tiếp tục dẫn dắt, chỉ bảo và truyền dạy kiến thức kinh nghiệm. Chúng tôi đại diện cho thế hệ chuyển tiếp. Thế hệ chúng tôi cần gìn giữ những di sản của thế hệ trước, kế tục phát huy và phát triển để hội nhập với xã hội địa phương. Mục đích chính là xây đắp cho thế hệ trẻ VN hải ngoại được vươn cao, đi xa và thành công hơn nữa trong tương lai.
(We represent a transition generation. Our responsibility is to preserve the heritage of the previous generation, to develop upon this foundation, and to enhance the potential and success of the next generation).
Để kết thúc, chúng tôi xin tóm lược lại. Chủ đích của ý thức, tinh thần dấn thân và trách nhiệm của giới YND hải ngoại đối với đất nước VN gồm có:
· Không quên nguồn gốc.
· Gìn giữ kinh nghiệm và kiến thức của thế hệ trước.
· Trau dồi chuyên môn, bồi đắp khả năng, thăng tiến nghề nghiệp.
· Phát triển và xây dựng cho thế hệ kế tiếp.
· Bảo tồn, phát huy truyền thống, văn hóa Việt và xây dựng cộng đồng.
· Đóng góp vào công cuộc xây dựng một thể chế chính trị dân chủ, tự do và nhân bản trong đó các nhân quyền căn bản của người dân VN được tôn trọng và bảo vệ.
(Working together for a democratic government in VN, free and humane society and protect the basic human rights of the Vietnamese).
Wiston Churchill có nói: "Cao niên có sự suy nghĩ chín chắn, tuổi trẻ có sự hăng say nhiệt thành." Sự kết hợp của 3 thế hệ chúng ta gồm có kiến thức. kinh nghiệm dấn thân đóng góp và sự hăng say sẽ là viễn kiến, lộ trình cho sự thành công của cộng đồng Việt Nam hải ngoại.
Một lần nữa chúng tôi xin cám ơn BTC và chúc đại hội YND 2011 thành công rực rỡ. Rất mong được gặp lại quý vị ngày mai để trao đổi thêm về đề tài phát huy và hội nhập của giới YND ở hải ngoại.
|
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear, Bác sĩ Nguyễn Thể Bình |
|
|
Bác sĩ Nguyễn Thể Bình phát biểu trong lễ khai mạc Đại Hội Y Nha Dược Toronto, Canada |
|