Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Loading
Ch¥ng cuÓi hành trình không tܪng cûa chû nghïa xã h¶i
imagesCALACZLY
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010

Hồ Văn Châm (*)
Điểm sách "Chặng Đường Cuối Cùng Của Không Tưởng Xã Hội Chủ Nghĩa." 
Phương Vũ Võ Tam Anh, Nhà Xuất bản Tiếng Quê Hương (**)
(Nguồn trích dẫn)

Trước hiện tình đất nước, “Hành Trình Không Tưởng Của Chủ Nghĩa Xã Hội” là một vấn đề chính trị mà độc giả Việt Nam cần lưu tâm suy gẫm. Đó là nội dung cuốn sách chuyển ngữ tiếng Việt tác phẩm của nhà văn Pháp Jean Francois Revel mang tên là “La Grande Parade, Essai sur la Survie de l’ Utopie socialiste”, (Plon, 2000, Paris), bản dịch tiếng Anh của Diarmid V. C. Cammell mang tên là “Last Exit to Utopia, The Survival of Socialism in a post-soviet era” (Encounter Books, 2009, New York, London). Jean Francois Revel là nhà văn nhà báo nổi tiếng của Pháp ở hậu bán thế kỷ 20. J. F. Revel là thành viên của Viện Hàn Lâm nước Pháp và là giáo sư Triết học đặc biệt lưu tâm nghiên cứu các vấn đề liên quan đến chính trị. Những tác phẩm gây nhiều tiếng vang nhất trên trường quốc tế của J. F. Revel là những ấn phẩm đã chuyển ngữ sang tiếng Anh : Without Marx and Jesus (Phi Marx phi Jésus), How Democracies Perish (Dân Chủ Tàn Lụi Như Thế Nào), The Totalitarian Temptation (Sự Cám Dỗ Của Chế Độ Toàn Trị ) và gần đây là cuốn Anti-Americanism (Tinh Thần Bài Mỹ, nguyên tác của J. F. Revel là L’obsession anti-américaine).

Qua  các công trình biên soạn này, đối tượng độc giả mà J. F. Revel chủ tâm tranh thủ là thành phần tả khuynh trong giới trí thức nước Pháp. Những phần tử tả khuynh này ngẩn ngơ một cách say đắm trong ảo mộng mông lung của thiên đường xã hội chủ nghĩa mà họ tiếp cận được qua sách báo và các phương tiện truyền thông chuyển tải những sự kiện giả trá và những luận điệu lừa mị vang vọng đến từ phía bên kia bức màn sắt. Đi kèm với thái độ sùng bái mê muội chủ nghĩa xã hội là sự ám ảnh bởi tinh thần bài Mỹ một cách cực đoan. Có thể nói một cách không lầm lạc rằng trong giới trí thức nước Pháp, bất kỳ ai có tư tưởng chống Mỹ là có đủ tiêu chuẩn để được đứng vào hàng ngũ phe tả.

Ngoài các thành phần trí thức tả khuynh, J. F. Revel cũng muốn gửi một thông điệp đến chính giới tại nước Pháp cũng như ở một số nước châu Âu, phê phán tinh thần bài Mỹ của họ là thiếu cơ sở thực tế. Các giới lãnh đạo chính trường Pháp quốc và Âu châu sở dĩ chống Mỹ là vì họ muốn tự lập, không muốn phụ thuộc vào Mỹ, không muốn bị Mỹ chi phối, trong lúc bản thân họ không có đủ điều kiện và phương tiện để đứng riêng rẽ một mình. Ngoài ra, họ nghi ngại tinh thần tự do của xã hội Mỹ xuyên qua các chính sách laisser faire nhuốm đậm tính chất tự do cạnh tranh trong các lãnh vực kinh tế xã hội và văn hóa, trong lúc tại nước Pháp và một số quốc gia châu Âu chính quyền thiên về xu hướng kiểm soát và điều khiển các hoạt động này. Kịp đến khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào năm 1989, rồi tiếp theo, Liên bang Xô Viết chính thức tan rã ngày 25 tháng 12 năm 1991, chiến tranh lạnh chấm dứt và cục diện thế giới đổi thay hoàn toàn. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ nghiễm nhiên trở thành siêu cường số một. Các thành phần hữu khuynh chiến thắng ở Bắc Mỹ và Tây Âu đã tỏ ra rất biết tự chế.

Theo đúng tinh thần mã thượng của truyền thống phương Tây, họ không reo hò ầm ỹ để tự tán dương và để hạ nhục kẻ chiến bại. Tổng thống Mỹ George W. Bush đã tế nhị không nghe lời tả hữu đi Bá Linh ngay ngày hôm sau bức tường ô nhục bị sụp đổ. Giới hữu khuynh chiến thắng đã âm thầm để mặc cho mọi việc lặng lẽ trôi qua, cơ hồ như không quan tâm đến cái quá khứ kinh hoàng của thế giới cộng sản mà một phần nhân loại vừa mới kinh qua.

Trong lúc đó, các thành phần tả khuynh vừa thoát qua cơn thảng thốt bàng hoàng trước sự sụp đổ quá chóng vánh của xã hội cộng sản đã nhanh chóng ẩn mình bên trong các tháp ngà của chủ nghĩa xã hội để lẫn tránh thực tại và để ru hồn trong mộng ảo của tư duy xã hội chủ nghĩa. Họ cố tình làm ngơ trước các dữ kiện đầy lỗi lầm, đầy tội ác đã xảy ra dưới chế độ cũ bấy lâu được che dấu nay bỗng chốc hiện nguyên hình thành thực tại hiển nhiên do các văn khố của chế độ Xô viết đang mở toang cửa đưa ra trình bày trước búa rìu công luận.

Họ ngoan cố chối bỏ thực tại, và lì lợm bám chặt lập luận kỳ quặc cho rằng chủ nghĩa xã hội là tốt đẹp, chỉ có việc thực hiện chủ nghĩa xã hội là chưa tốt đẹp mà thôi. Dần dà hồi tỉnh sau cơn choáng ban đầu, họ lại rục rịch a tòng với các thành phần lưng chừng phê phán chủ nghĩa tư bản và mở lại cuộc chiến tấn công chủ nghĩa tự do. Chính trong bối cảnh chính trị kinh tế và xã hội hậu cộng sản này tại các nước phương Tây mà cuốn sách “La Grande Parade, Essai sur la Survie de L’Utopie socialiste” được J. F. Revel cho chào đời.

Tác giả cảnh báo giới trí thức nước Pháp và các nước phương Tây phải biết rút tỉa đúng mức bài học lịch sử về toàn trị, và đặc biệt phải biết giải trừ ra khỏi tâm trí cái ma lực của tư tưởng xã hội chủ nghĩa mà thực chất chỉ là những điều thuộc về thế giới ảo mộng, không bao giờ trở thành hiện thực, nghĩa là không tưởng. J. F. Revel là một nhà tư tưởng có lập trường chính trị dứt khoát chống đối chủ nghĩa cộng sản. J. F. Revel chống cộng không phải vì lý do quyền lợi, địa vị, tín ngưỡng, giai cấp, địa phương, quốc gia, hay chủng tộc. J. F. Revel chống đối chủ nghĩa cộng sản bởi lẽ những điều chủ nghĩa này hứa hẹn mang lại cho nhân loại chỉ là những điều hoang tưởng, nghĩa là không bao giờ trở thành hiện thực, nhưng được trân tráo khoa trương và gian trá che đậy một cách tinh vi và mầu mè xuyên qua hình thái chủ nghĩa xã hội được xem như là bước quá độ để tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Những người chủ trương và thực hiện chủ nghĩa xã hội như là bước quá độ để tiến lên chủ nghĩa cộng sản đã phạm phải những  tội ác tày trời, có thể nói là vô tiền khoáng hậu trong lịch sử tiến hóa của loài người, cho dù mức độ tàn ác, bất nhẫn và vô luân của vó ngựa Attila, Gengis Khan, hay những lò hơi ngạt Hitler cũng không tài nào sánh bằng. Thiết tưởng không cần nhắc lại thời kỳ man rợ mà một phần lớn cư dân châu Á và châu Âu sống dưới sự dày xéo của các đoàn kỵ binh Hung nô và Mông cổ, mà chỉ cần so sánh các chế độ toàn trị phát xít và cộng sản của thời cận đại. J. F. Revel lưu ý phân biệt hai hệ thống toàn trị đó. Chế độ phát xít là loại ý thức hệ mà J. F. Revel gọi là Toàn trị trực tiếp. Mussolini và Hitler thường minh thị xác nhận họ chống lại dân chủ, chống lại tự do phát biểu, tự do văn hóa, chính trị đa nguyên và tổ chức nghiệp đoàn.

Ngoài ra Hitler còn chủ trương kỳ thị chủng tộc và chống Do thái. Trái với toàn trị trực tiếp là chủ nghĩa cộng sản mà J. F. Revel gọi là Toàn trị không tưởng. Đây là loại ý thức hệ xây dựng trên sự gian dối, lừa đảo, hứa hẹn những điều tốt đẹp không thể thực hiện để che đậy những việc làm gian ác, vô luân. Tập đoàn lãnh đạo hệ thống quyền lực của chế độ toàn trị không tưởng luôn luôn công bố thành công này đến thành công khác trong khi trên thực tế thì những kết quả hoàn toàn trái ngược với những điều khoa trương. Cộng sản hứa hẹn sung túc thì đem lại nghèo khó, hứa hẹn tự do thì áp đặt sự phục tùng, hứa hẹn bình đẳng thì đưa đến chỗ bất bình đẳng nhất trong mọi xã hội xưa nay với những kẻ ăn trên ngồi trốc, hưởng thụ đặc quyền đặc lợi mà ngay cả vua quan trong những xã hội phong kiến trước đây cũng không bì kịp. Cộng sản hứa hẹn tôn trọng đời sống con người thì lại hạn chế tự do cư trú, cấm đoán tụ họp, hành quyết tập thể. Cộng sản hứa hẹn đem văn hóa đến cho mọi người thì đem lại sư u mê, hứa hẹn đào tạo “con người mới xã hội chủ nghĩa” thì làm cho con người tha hóa để trở thành cổ hủ, gian dối, lọc lừa, hèn hạ, và ngu đần như bầy cừu của Panurge.

Trong khi đó thì quần chúng vô tâm vẫn bàng quan với thế sự, và những kẻ cuồng tín trong giới trí thức cánh tả tiếp tục chấp nhận những mâu thuẫn giữa lời nói với việc làm của những người chủ trương và thực hiện chủ nghĩa xã hội được xem như là bước quá độ để tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Lý do là vì không tưởng luôn luôn ở trong tương lai. Đã vững tin vào không tưởng thì những chuyện xảy ra trong thực tế trước mắt ở các xã hội xã hội chủ nghĩa không bao giờ chứng minh được sự sai lầm của ý thức hệ xã hội chủ nghĩa.

Giới trí thức cánh tả khư khư bám víu lập luận kỳ quặc, bất nhân và vô đạo rằng cứu cánh biện minh cho phương tiện, hoặc trân tráo, lì lợm ngụy biện rằng mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là tốt đẹp, chỉ duy phương thức thực hiện chủ nghĩa xã hội nhất thời có mặt chưa hoàn hảo mà thôi. Như vậy, so sánh hai chế độ toàn trị phát xít và cộng sản thì cộng sản tệ hại hơn phát xít nhiều phần. Chế độ toàn trị trực tiếp phát xít thực hiện khát vọng thống trị theo như chủ trương đã minh thị công bố. Chế độ toàn trị không tưởng cộng sản thực hiện khát vọng thống trị bằng áp đặt, đày đọa và khủng bố dưới chiêu bài khoan hồng và yêu chuộng tự do, bằng bất bình đẳng dưới chiêu bài chủ nghĩa bình quân, bằng láo khoét, lừa gạt dưới chiêu bài thành khẩn. Tóm lại, chế độ toàn trị không tưởng cộng sản hoàn tất cái Ác nhân danh cái Thiện.

Các chế độ toàn trị trực tiếp Quốc xã Đức, Phát xít Ý bị toàn thể nhân loại ghê tởm, và đã bị đánh đổ. Chế độ toàn trị không tưởng cộng sản sau ngày bức tường Bá Linh sụp đổ vẫn còn lây lất tồn tại ở một vài nơi. Được vậy là nhờ vào bộ máy quyền lực chuyên chính được vũ trang tinh thần bạo lực cách mạng, khéo léo và gian trá che dấu dướí cái lốt tắc kè liên tục thay đổi màu sắc cho phù hợp với hoàn cảnh để lừa gạt quần chúng khờ khạo. Thật là đáng ghê tởm. Chính bản thân những người lãnh đạo Xô viết đã tự xếp chế độ mình vào hàng ngũ toàn trị.

Nguyên tắc khủng bố và độc tài đã được nêu lên và thi hành ngay chính bởi Lenine. Staline thì liên thủ với Hitler qua hiệp ước bất tương xâm giữa Quốc xã Đức và Cộng sản Nga năm 1939 để thôn tính Ba Lan và tiến hành cuộc tàn sát man rợ ở Katyn. Cộng sản Nga chỉ chống Quốc xã Đức sau khi bị Quốc xã Đức trở mặt tấn công vào tháng sáu năm 1941, và đã hớ hênh để lộ bản chất khủng bố của chế độ qua lời Chủ Tịch Liên Xô Staline giới thiệu trùm mật vụ Nga Beria với Tổng Thống Mỹ Franklin Rosevelt: “Thưa Ngài, đây là Himler của chúng tôi”. (Sergo Beria: Beria, mon père. Plon, Kriterion 1999).

Qua thời kỳ chiến tranh lạnh, đảng Cộng sản Nga xiển dương nền dân chủ mới, hô hào thực hiện công bằng xã hội bằng cách đem cái thây ma Quốc xã Đức ra mổ xẻ để tấn công chủ nghĩa tư bản bóc lột. Vào thời điểm này, đối với người cộng sản, chủ nghĩa phát xít đồng nghĩa với chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tự do, nói cách khác, những ai chống lại chủ nghĩa xã hội đều là phản động, đều là phát xít. Đến thời kỳ hậu Xô viết, giới trí thức cánh tả phương Tây dựa vào tình trạng kinh tế hỗn loạn của Đông Âu để kết tội chủ nghĩa tự do vô tổ chức, và ở Việt Nam thì nhà cầm quyền cộng sản đưa ra mô thức kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đúng là những chế độ đội lốt tắc kè, bề ngoài rêu rao đổi mới nhưng lời nói không đi đôi với việc làm, bản chất toàn trị không hề thay đổi.

Thực vậy, toàn trị không tưởng Cộng sản Nga ra đời trước toàn trị trực tiếp Quốc xã Đức, làm mẩu mực tàn ác, bất nhân, vô đạo cho Quốc xã Đức, cấu kết với Quốc xã Đức để chia cắt lãnh thổ Ba Lan, tàn sát quân dân Ba Lan, chống lại chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tự do, thế mà ngày nay, trong bối cảnh hậu Xô viết, tại Pháp và một vài nước châu Âu, giới trí thức cánh tả vẫn mơ hồ chưa có được một chút ý niệm về bản chất tương đồng giữa Cộng sản và Quốc xã. Cũng cùng một loại tội ác chống nhân loại, tại sao người ta làm ầm ĩ vụ Oradour-sur-Glane do Quốc xã Đức làm mà lại im lặng trước vụ Katyn do Cộng sản Nga làm. Ngay Tổng Thống Pháp Jacques Chirac cũng đã đến thăm Oradour-sur-Glane vào tháng bảy năm 1993, và giữ im lặng trước vụ Katyn. Điểm quan trọng khác mà J. F. Revel muốn nhấn mạnh là thái độ lập lờ mang tính chất đạo đức giả của giới trí thức cánh tả phương Tây khi bàn luận về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.

Thật vậy, người ta cứ nhất mực so sánh giữa sự hoàn hảo không có thật - chủ nghĩa không tưởng cộng sản - với cái không hoàn hảo mà có thật - chủ nghĩa tư bản dân chủ. Thí dụ rõ nét về trường hợp này là khi Đức Giáo Hoàng Jean-Paul II viếng thăm Ba Lan vào tháng sáu năm 1999, một ký giả đài phát thanh France-Info truyền tin như sau : “Ba Lan trở lại chế độ tư bản đã đem lại ít nhiều thịnh vượng nhưng đã hủy diệt công bằng xã hội”. Loan tin như thế, người ký giả thiên tả này muốn ám chỉ rằng chế độ cộng sản có điểm ưu việt là đã đem lại công bằng xã hội. Rõ ràng là chủ nghĩa tư bản không đem lại bình đẳng trong việc phân phối lợi tức, không theo chủ nghĩa bình quân, nhưng thử hỏi cộng sản đã mang lại công bằng xã hội như thế nào? Sự bình đẳng trong xã hội cộng sản là tất cả mọi người đều nghèo khó, công bằng xã hội trong xã hội cộng sản dựa trên hình thức bần cùng hóa nhân dân.

Như vậy là một lần nữa người ta đã xét đoán cộng sản căn cứ trên những điều mà cộng sản định đem lại, và sẽ không bao giờ đem lại, và tư bản trên những điều mà tư bản thực sự đã đem lại. Nhiều công trình nghiên cứu với thống kê đầy đủ và chính xác cho thấy rằng năm 1989, năm cuối cùng của cộng sản châu Âu, một người thất nghiệp ở phương Tây được trợ cấp bằng tiền mặt nhiều hơn từ năm đến mười lần tiền lương một người thợ đang lao động ở Đông Âu. Nói cách khác, những xã hội tư bản dân chủ đã có chính sách an sinh xã hội rất hữu hiệu cho những cách biệt và rủi ro trong đời sống kinh tế. Nhưng sự thật hiển nhiên đó không được thừa nhận khi người ta cứ nhất mực so sánh giữa sự hoàn hảo không có thật với cái không hoàn hảo mà có thật. Cái không hoàn hảo mà có thật đó là chủ nghĩa tư bản dân chủ, là nền móng của định chế kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường xây dưng trên sự tự do kinh doanh và tư bản dân chủ, một thứ tư bản tư nhân, tách khỏi chính quyền nhưng tôn trọng luật pháp. Và đó cũng là chủ nghĩa đang được cổ vũ khắp hoàn cầu. Nhiều nhà lập thuyết cánh tả đã cho rằng chủ nghĩa cộng sản và các trào lưu dân chủ đã có cùng một căn bản.

Theo họ, trong những xã hội tự do thì đảng cộng sản đứng vào vị thế đối lập với chính quyền, đấu tranh theo chương trình hành động là hoàn thiện dân chủ và thực thi công bằng xã hội. Nhưng chủ nghĩa cộng sản đã đặt nền móng trên một định đề là muốn đẩy mạnh dân chủ thì phải hủy bỏ chủ nghĩa tư bản. Những môn đệ của biện chứng duy vật lịch sử đã chối bỏ một sự kiện rất đơn giản là xã hội dân chủ duy nhất hiện hữu từ xưa đến nay là xã hội tư bản, ít ra trong xã hội đó dân chúng được quyền có tài sản riêng tư, có tự do buôn bán và văn hóa được tự do phát triển. Định đề này một lần nữa đã đi ngược lại sự thật lịch sử. Như vậy là đã xẩy ra sự lẩn lộn giữa cái hiện hữu và cái không hiện hữu, và đó là một sự chế nhạo lịch sử.

Một điều hiển nhiên không chối cải được là bất cứ nơi nào cộng sản nắm chính quyền, công việc đầu tiên là hủy bỏ quyền tự do. Không có biệt lệ trong chính sách này. Dân chủ không thể thấy được trong lịch sử các chế độ cộng sản, mà chỉ thấy được trong những chế độ cởi mở ở những nước tư bản. Thế nhưng theo những nhà lãnh đạo Quốc tế Cộng sản thì toàn trị Xô-viết đại diện cho giai đoạn tối thượng của nền dân chủ chân chính, được gọi là dân chủ mới, dân chủ tập trung. Như vậy nếu những sử gia căn cứ vào những tuyên bố của các nhà lãnh đạo cộng sản cho rằng họ đấu tranh cho dân chủ, thì cũng phải căn cứ vào tuyên bố của Hitler và Mussolini huênh hoang rằng họ đã thể hiện ước vọng của tuyệt đại đa số quần chúng. Khi họ tập trung quyền lực vào trong tay, họ có đủ tự tin để huênh hoang là đã thiết lập một hình thức dân chủ “một triệu lần” tiến bộ hơn chế độ đại nghị. Nếu viết lịch sử mà chỉ theo sát từng chữ những diễn văn của các nhà độc tài thì đúng vậy, chủ nghĩa cộng sản là đấu tranh cho dân chủ! Nhưng chủ nghĩa cộng sản là uyên nguyên của chế độ toàn trị, đào tạo ra con người toàn trị.

Con người toàn trị, tức là “con người mới xã hội chủ nghĩa” của chế độ cộng sản đã được nặn ra bởi một tổ chức trong đó quyền tự trị của xã hội dân sự bị hoàn toàn triệt tiêu. Trong cỗ máy kềm kẹp và hủy diệt có tổ chức đó, con người chỉ là cái bánh xe trong toàn thể cỗ máy, họ đã hoạt động ngoài ý muốn, tuy đôi khi cũng do tự nguyện, ít ra là lúc ban đầu. Hệ thống toàn trị này có thể mô tả tóm lược như sau: đó là một chính quyền độc đảng, nắm giữ độc quyền kinh tế, chính trị và văn hóa. Lẽ tất nhiên, hệ thống độc đảng độc quyền này phải đi kèm với một bộ máy công an đàn áp, kiểm soát tư tưởng và nhân thân toàn bộ dân chúng. Những tiêu chuẩn đó là mô hình duy nhất được tìm thấy trong tất cả các chính thể cộng sản. Cần phải thêm rằng sự đàn áp  của cộng sản không phải chỉ nhằm vào kẻ thù chống đối chế độ không thôi mà nhằm luôn cả vào hằng triệu người vô tội không bao giờ nghĩ tớí việc chống phá hay phê bình.

Nhiều nhân chứng cho thấy từ năm 1918, cấp chỉ huy cơ quan mật vụ Tcheka (tiền thân của KGB) hay chính Lénine đã đưa ra vô số chỉ thị, ra lệnh là không cần tìm tòi bằng cớ về tội trạng của các cá nhân trong một nhóm sắc tộc, một tập hợp cộng đồng hay giai cấp xã hội thuộc danh mục phải thanh toán, mà chỉ cần họ thuộc về thành phần đó là đủ để quy thành tội phạm.

Cộng sản Việt Nam sau này cũng đã rập khuôn hành trạng tàn bạo và bất nhân đó khi tiến hành chiến dịch “đào tận gốc, trốc tận rể ”các thành phần xã hội trí phú địa hào, cho dù họ đã không hề phạm tội mà còn có công lớn với kháng chiến. Tàn sát tập thể những người vô tội không phải bởi vì họ có tội mà chính vì họ là ai. Trong huyết quản con người cộng sản sôi sục sự thù ghét con người không cộng sản, cũng giống như Quốc-xã đã thù ghét Do Thái không phải là chủng tộc Aryen. J. F. Revel đã trích dẫn Maxime Gorki: “Thù ghét giai cấp phải được nuôi dưỡng bởi sự kinh tởm thể xác đối với kẻ thù, họ là những kẻ hạ cấp, suy đồi về thể xác cũng như về tinh thần.” J. F. Revel đã thẳng thừng phản biện những lập luận của giới trí thức cánh tả phương Tây muốn che đậy những lỗi lầm và tội ác của chế độ toàn trị xã hội chủ nghĩa, đồng thời bẻ gẫy các mũi dùi phản công của họ nhằm vào chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản dân chủ. Mặt khác, J. F. Revel khẳng định các chế độ độc tài cộng sản không bao giờ có thể cải thiện được, chúng chỉ có thể giậm chân tại chỗ hoặc bị sụp đổ: “Cách duy nhất để cải tiến cộng sản là loại bỏ nó đi “. Đó chính là điều mà các dân tộc trong Liên Bang Xô Viết và các nước chư hầu ở Đông Âu đã làm giữa những năm 1989 và 1991.

Thực tế là từ năm 1970 chế độ toàn trị bên trong bức màn sắt đã thất bại trong mọi lãnh vực, và nền móng tòa lâu đài xã hội chủ nghĩa bắt đầu lung lay. Vào cuối thời kỳ Brejnev, tầng lớp đặc quyền trong đảng Cộng sản Liên xô từng bước hình thành. Trong hai thời kỳ Đại hội Đảng cấp tỉnh từ 1978 đến năm 1981, chỉ có 5 trong số 156 vị trí bí thư tỉnh ủy có sự thay  đổi nhân sự.

Vào năm 1978, độ tuổi trung bình của 58 vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Bộ trưởng là 70. Hàng ngũ lãnh đạo già nua, đương chức suốt đời này là hạt nhân hình thành tầng lớp đặc quyền trong đảng Cộng sản, và là nguyên ủy của sự chuyển biến từ vô sản sang hữu sản, từ cộng sản sang tư bản của chính quyền Liên xô. Đặc quyền đi kèm đặc lợi và tham ô. Con trai Yuri của Brejnev trở thành Thứ trưởng thứ nhất bộ Ngoại thương. Con rể Rubanov của Brejnev trở thành Thứ trưởng thứ nhất bộ Nội vụ. Cả hai còn rất trẻ và mau chóng trở nên rất giàu có. Con gái Galina và con trai Yuri của Brejnev liên can đến một vụ buôn lậu kim cương và ngoại tệ bị phát hiện tháng giêng năm 1982 tại sân bay Moscow vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Cũng dưới thời Brejnev, một số quan chức bộ Ngư nghiệp đã cho đóng trứng cá Caviar sản xuất tại Sochi và Astrakhan vào hộp dán nhãn cá Trích xuất khẩu sang phương Tây bán với giá cá Trích để chia chác lợi nhuận, làm thiệt hại công quỹ hàng triệu mỹ kim tiền thuế, nhưng rồi tội trạng cũng được bao che, nội vụ cho chìm xuồng. Đến thời Gorbachev, tầng lớp đặc quyền mong muốn chiếm hữu lâu dài đặc lợi hiện có, đồng thời niềm tin của quần chúng vào chủ nghĩa xã hội đã bị xói mòn, ánh hào quang đảng viên đảng Cộng sản mang trên mình không còn giá trị thực dụng, nên nhận thấy rằng những tiện ích đang chiếm hữu cần được thay đổi hình thái, và chủ nghĩa tư bản là chế độ thích hợp nhất để hợp thức hóa những đặc quyền đặc lợi hiện có. Do đó mà chủ nghĩa tư bản đỏ hình thành, đưa đến sự sụp đổ chính thức Liên bang Xô viết ngày 25 tháng 12 năm 1991.

Cuối cùng, J. F. Revel không dấu diếm lòng ngưỡng vọng đối với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Từ sau ngày cộng sản sụp đổ, và nhất là sau cuộc khủng hoảng ở Á châu và những khó khăn ở Đức, Mỹ vẫn dẫn đầu kinh tế thế giới vì đã giữ vững sự tăng trưởng, tạo đầy đủ công ăn việc làm, cân bằng ngân sách và giải trừ nạn lạm phát. Về kỹ thuật thì Mỹ có những tiến bộ vượt bực, nhất là trong lãnh vực viễn thông. Về quân sự thì Mỹ là nước duy nhất có thể can thiệp bất cứ lúc nào  và nơi nào trên thế giới. Về ưu thế văn hóa thì Mỹ dẫn đầu về khoa học và kỹ thuật cũng như trong việc giáo dục đại học. Báo chí và truyền thông Mỹ phổ biến khắp thế giới. Lối sống theo kiểu Mỹ - áo quần, âm nhạc, ăn uống giải trí - đã chinh phục giới trẻ khắp nơi. Điện ảnh và truyền hình Mỹ đã thu hút hằng triệu khán giả trên khắp các đại lục. Đã từ lâu Anh ngữ là ngôn ngữ quốc tế của khoa học và trên Internet. Một số khá đông chính trị gia và khoa học gia nổỉ tiếng khắp thế giới đã tốt nghiệp từ các đại học Mỹ. Bởi vậy, J. F. Revel rất ngạc nhiên và bất bình trước tinh thần bài Mỹ của chính giới nước Pháp và một số nước châu Âu, cũng như của giới trí thức cánh tả còn mang nặng hoài niệm về chủ nghĩa xã hội.

Trào lưu chống Mỹ bắt nguồn từ chủ nghĩa quốc gia cực đoan nơi các cường quốc Âu Châu và xu hướng chống đối xã hội tự do nơi những người thiên cộng sản. Điển hình cho lòng tự ái dân tộc bị tổn thương trước vai trò nổi bật của Mỹ trên chính trường thế giới là Tổng Thống Pháp Charles de Gaulle. Năm 1997, Jacques Toubon, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Tư pháp đã tuyên bố trên tuần báo Mỹ US News and World Report rằng sử dụng Anh ngữ lan tràn trên Internet là một hình thức thức dân, trong lúc vào thời điểm này, Pháp có số máy vi tính nối với Internet mười lần ít hơn Mỹ, hai lần ít hơn Đức, đứng sau cả Mễ Tây Cơ và Ba Lan.

Cũng may mà còn có Thủ Tướng Pháp Lionel Jospin sau một chuyến tham quan Mỹ trở về đã biết thừa nhận hiệu năng của sự quản trị kiểu Mỹ theo chủ nghĩa tư bản dân chủ và tinh thần tự do cạnh tranh: “Ở Mỹ với 258 triệu dân mà từ năm 1974 đến 1994, đã tạo ra 40 triệu công việc mới, trong khi đó ở Âu Châu với mười hai nước, với 270 triệu dân, với hàng tỷ bạc tài trợ, và trong cùng một thời gian đó mà chỉ tạo được có 3 triệu việc làm”. Mà không riêng gì J. F. Revel ở Pháp cổ vũ cho việc quản trị xã hội theo kiểu Mỹ, ngay chính tại Trung Hoa cộng sản, mới gần đây, Lưu Á Châu (Liu Yazhou) là con rể của Lý Tiên Niệm cũng đã viết trên Tuần báo Phượng Hoàng (Phoenix Weekly) của HongKong số phát hành ngày 12 tháng 8 năm 2010 rằng sự trỗi dậy của Trung quốc phụ thuộc vào việc cách tân theo thể chế quản trị kiểu Mỹ hơn là  thách thức vai trò thống trị của Mỹ tại vùng ven biển phía Đông của Trung quốc.

Cuốn sách của J. F. Revel chủ yếu là một bản liệt kê những lỗi lầm và tội ác của chế độ toàn trị không tưởng cộng sản vừa mới bị đánh đổ tại Liên xô và Đông Âu, nhằm cảnh tỉnh giới trí thức cánh tả phương Tây về thực tế hiển nhiên là lời nói của người cộng sản không đi đôi với việc làm của họ. Đối với những chế độ toàn trị còn đang hiện hữu, J. F. Revel chỉ nhắc nhở sơ lược về những trại lao cải ở Trung quốc, và những trại tập trung cải tạo ở Việt Nam, được thiết lập nhằm mục đích ép buộc mọi người phải đi theo con đường thẳng độc đoán xã hội chủ nghĩa. Những trại tập trung đó sử dụng nhân lực với chi phí không đáng kể, và trong thực tế là những trại tù giam giữ những tội nhân không hề được tuyên án, mà lại được cải biến thành những người lao động nô lệ. Của cải vật chất họ làm ra với giá thành rất thấp được xuất khẩu để cạnh tranh trên thị trường thế giới một cách thiếu lành mạnh.

Ngoài ra, J. F. Revel cũng điểm lướt qua nạn đói ở Trung quốc sau “bước nhảy vọt vĩ đại”, các cuộc tàn sát tập thể và đấu tố man rợ trong các chiến dịch cách mạng văn hóa ở Trung quốc, cải cách ruộng đất ở Việt Nam, cũng như nạn diệt chủng ở Kampuchia. Cũng cùng là tội phạm chống nhân loại, tại sao Pinochet và Milosevic bị đưa ra tòa án quốc tế còn Pol Pot thì được để yên? Có phải là vì vuốt mũi thì còn phải nể mặt! Cho nên J. F. Revel đã không một chút đồng tình với thái độ xun xoe của các giới ngoại giao và doanh nghiệp phương Tây nườm nượp lui tới Bắc Kinh và Hà Nội để tìm cách cầu thân cũng như vì động cơ hám lợi. Cho dù Giang Trạch Dân đưa ra chủ trương “Ba thành phần đại diện”, và Hà Nội tuyên bố đổi mới với cơ chế “Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” chăng nữa thì các chế độ hiện nay tại Trung quốc và Việt Nam cũng chẳng mảy may thay đổi bản chất, chuyên chính vẫn hoàn toàn chuyên chính như cũ.      

Cuốn sách của J. F. Revel được viết cho độc giả ở Pháp, nhưng sau khi ra đời đã rất được hoan nghênh ở Mỹ, và sau đó  ít lâu đã được Diarmid V. C. Cammell dịch ra Anh ngữ. Trong khi nguyên tác tự xưng danh là tiểu luận về sự tồn vong của chủ nghĩa  xã hội không tưởng thì nhan đề bản dịch Anh ngữ khẳng định sự bế tắc lâm vào ngõ cụt cuối cùng củachủ nghĩa không tưởng ở các xã hội hậu Xô viết.

Riêng tại Việt Nam, trong lịch sử đã có một tiền tích, đó là phong trào Tây sơn. Khi tầng lớp nông dân đoàn kết đứng sau lưng ba anh em họ Nguyễn chống phong kiến Lê Trịnh Nguyễn thì Tây sơn là vô địch. Khi phong trào Tây sơn phong kiến hóa, tầng lớp lãnh đạo biến chất, kiêu sa, chia rẻ và xa rời quần chúng thì Tây sơn nhanh chóng tan rã, bị phong kiến chính thống quay trở lại tiêu diệt. Ngày nay, chế độ toàn trị vô sản chuyên chính xã hội chủ nghĩa cũng đã biến thái, tầng lớp lãnh đạo đã tư sản hóa, trở thành tư bản đỏ, tư bản gia tộc, chẳng những xa rời quần chúng mà còn đối đầu với quần chúng, quay lại đàn áp, bóc lột nhân dân.

Chế độ tư bản toàn trị này đã đi vào chặng cuối hành trình không tưởng, sớm muộn gì cũng bị chủ nghĩa tư bản dân chủ và tinh thần tự do kinh doanh quật ngã và chôn vùi. 

Tháng mười, năm 2010 

* Minh Vũ Hồ Văn Châm, tốt nghiệp bác sĩ y khoa ĐH Sài Gòn, và tiến sĩ y tế học ĐH Columbia, New York. Trước 1975, lần lượt giữ chức vụ Tổng trưởng các Bộ Chiêu Hồi, Cựu Chiến Binh, và Dân Vận Chiêu Hồi trong các chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1993 di cư sang Canada. Hiện nay cư trú tại thành phố Ottawa, Ontario, và là Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Sách lược của Đại Việt Cách Mạng Đảng.

(**) Bản chuyển ngữ tiếng Việt: Chặng Đường Cuối Cùng Của Không Tưởng Xã Hội Chủ Nghĩa, Phương Vũ Võ Tam Anh, Nhà Xuất bản Tiếng Quê Hương, PO Box 4653, Falls Church, VA 22044, USA, 2010. 

Dân Đức phá đổ Bức tường Bá Linh

Dân Đức phá đổ Bức tường Bá Linh