Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
picasso

Tham dự Diễn Đàn
Loading
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012
ñÊM ñEN
Nguyễn Hiền

Tôi đi làm được hai năm thì mất việc. Mất bởi một cái cớ không đâu. Mất bởi thằng cai mặt bành bạnh, luôn kiếm cớ gây sự. Cái sự hắn hay gây, khổ thay, lại nhằm đúng yếu huyệt của tôi. Nó nằm ở một chỗ không làm sao xóa được, không làm sao thay đổi được. Đó là nơi tôi sinh ra, mặc dù chốn quê hương ấy tôi đã phải chối bỏ. Đã phải vất vả chạy đi trong một cùng đường. Trong cái thế phải chấp nhận một chuyện ta không thể chối bỏ được, thường ta phải cường điệu một khía cạnh nào đó của nó để có chỗ mà bám víu. Vì thế tôi mới gân cổ lên bênh vực cho xứ sở tôi. Rằng nước tôi có truyền thống anh hùng, bốn ngàn năm văn hiến. Thế nhưng, tôi quên mất định luật nghiệt ngã của xã hội. Những nền văn minh cổ xưa còn lại được gì, ngoài một vài mảnh đất bị bước chân và bánh xe hơi du khách nghiền đi nghiền lại mỗi mùa nghỉ hè, hay dăm pho sách mối mọt đục nham nhở nằm yên lặng trong tủ kiếng dưới hầm thư viện khóa kín, cách biệt hẳn thế giới bên ngoài? Quy luật phát triển buộc con người nhìn về tương lai và quên quá khứ. Cũng bởi ngu nên tôi mới cãi lại thằng cai bằng tất cả kho vốn ngoại ngữ nhỏ nhoi tôi thu lượm được trong mấy năm ở xứ người. Bằng ngay cả cái vốn ngôn từ tay chân khi tôi không còn lý và đã cạn từ. Để đúng ba ngày sau tôi bị gọi lên phòng nhân viên, cầm cái giấy cho thôi việc, lủi thủi ra về.

Nếu tôi biết trước chuyện gì chờ đợi tôi ngoài đời thì tôi đã cố nhịn thằng cai. Đã cố gắng không thèm để ý đến khuôn mặt bành bạnh, cái cằm lưỡi cày chĩa ra đáng ghét của nó, để mỗi ngày tự chôn đời mình sâu xuống thêm một ly trong nỗi nhục nhằn ly hương ngày mỗi chồng chất lên. Bởi vì thằng cai dầu sao cũng chẳng có liên hệ gì đến tôi. Tiền lương vẫn cứ vào trương mục đều mỗi bốn tuần, nếu tôi vẫn đúng giờ đến sở, nếu tôi không nổi chứng khi không được phép nổi chứng. Tuy thế tự ái lắm khi thắng lý trí. Và khổ thay, lý trí tôi luôn bảo tôi xử sự hợp lý. Điều đó đúng, nhưng lúc đó tôi đã không tiên liệu được rằng cái thằng đàn ông hiên ngang trong tôi cũng đã chết đi một phần cùng với tấm giấy cho nghỉ việc. Phần kia, tôi cố gắng duy trì những đêm lay vợ dậy trong một hối hả cố làm cho người phối ngẫu phải để ý, nhưng cũng chỉ nghe tiếng vọng lại từ hư không trong mật ngữ không cùng của đêm thức trắng. Để ngày hôm sau ngủ vùi tới trưa, trốn tiếng cằn nhằn của vợ nhoi nhói xỉa vào tai một thằng chồng ăn hại. Nếu ai có sống trong cái xứ nam nữ bình quyền, vợ chồng đi làm cả hai buổi thì mới thấy sự khác biệt rõ ràng giữa thằng đàn ông thất nghiệp và con đàn bà thất nghiệp. Đàn bà được sinh ra cùng một lượt với bản năng nội trợ, coi sóc nhà cửa. Thằng đàn ông sinh ra mang theo tính ăn hại, hút xách, chưa kể tật xấu bám váy con gái. Khi bận bịu với áo cơm, khía cạnh người thường bị thời giờ và cơ giới đè nén. Khi không còn việc nữa, con người thực bắt đầu chỗi dậy đòi lên tiếng. Trong xã hội mà những điều tốt đẹp không ai để ý tới, còn những chuyện xấu được đem rêu rao với mọi người sau khi đã được cố ý thổi phồng lên, sự khác biệt kia khỏi cần phải nói, tự nó ràng ràng ra đó. Trong lúc tôi đang oán trời trách đất về những bất công Chúa đã không nghĩ tới khi rút chiếc xương sườn của ông Adam trong cơn bối rối nhằm thỏa mãn một trong những tính xấu của tiền thân tôi, thì tôi gặp Radi Ladino.

Tôi tình cờ gặp Radi trong một buổi trưa, lúc tôi đang tìm quên nỗi ấm ức trong một quán cà phê nhỏ, rẻ tiền, mịt mù khói thuốc. Hắn bước vào quán, bộ điệu chậm rãi, nhưng vững chãi và tự tin. Các bàn khác đã kín người. Hắn xin phép cho có lệ, không đợi tôi trả lời, hắn ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Lúc rỗi rảnh, tâm sự được mở ra nhanh chóng. Hắn ái ngại cho hoàn cảnh tôi. Tôi ngậm ngùi cho số phận của hắn, ở chỗ chúng tôi có một điểm chung: hai đứa tôi đều là dân tị nạn.

An ủi nhau như tự an ủi mình xong, Radi đề nghị với tôi một giải pháp tạm thời, mà theo anh ta có thể giúp tôi chiều cơn thúc giục của thói tiêu vặt. Mở chiếc cặp mang theo, anh ta lôi ra một mớ tài liệu và giấy tờ, hình ảnh. Mỗi thứ được bao trong bọc nylon cẩn thận, cũ nhưng sạch. Tôi trợn mắt nhìn. Vừa mở từng tờ, anh vừa chậm rãi giải thích:

‘Tổ chức của chúng tôi đang vận động mấy năm nay xin tiền cho quân cách mạng của bà Rigoberta Menchu. Anh biết Rigoberta Menchu không?’

‘Không. Tôi lắc đầu, tò mò nhìn những bức ảnh đã nhạt màu. Bà ấy là ai vậy?’

‘Anh không biết thực à?’ Anh chàng nhìn tôi tỏ ý thương hại, và tiếp:

‘Bà Rigoberta Menchu đang lãnh đạo phong trào giải phóng thổ dân tại Guatemala khỏi sự kỳ thị của dân Tây Ban Nha. Bà ấy là một anh hùng. Anh hùng lúc nào cũng xuất thân từ hoàn cảnh thiếu thốn,’ câu này anh ta dằn từng chữ. ‘Tiền bạc không có, chỉ có cái chí. Anh không có tiền. Tôi cũng không có tiền. Chúng mình không có được cái chí như bà Rigoberta Menchu, hay cái chí như những anh hùng khác. Đúng không? Nước anh có ai là anh hùng không? Chắc là có?’

Anh ta vừa nói vừa nheo mắt sau một tràng tấn công bằng chữ nghĩa và lý luận.

‘A… À... có chứ.’ Tôi vừa đáp vừa suy nghiệm lại lời anh ta nói. Quả thực vậy. Điểm trong lịch sử, những bực anh hùng tôi biết như Phù Đổng Thiên Vương, Lê Lợi, Nguyễn Huệ... đều xuất thân bần hàn cả. Cho chí con người đã làm tôi phải bỏ quê hương ra đi, người mà nhiều nước đang ca tụng là anh hùng, cũng có một quá khứ thợ thuyền. Những anh hùng trong giai cấp thượng lưu tôi không thấy. Hoặc chỉ có Hai Bà Trưng. Nhưng lịch sử không bao giờ cho đối chứng, thử nghiệm. Chắc gì hai Bà đã thành anh hùng nếu anh chàng Thi Sách không bị rơi đầu? Tôi bắt đầu tin anh ta.

‘Hẳn thế rồi,’ anh ta tiếp. ‘Anh nghèo, mà cũng không có chí lớn. Nhưng anh có thời giờ. Thế thì sao anh không dùng cái thời giờ đó giúp đỡ cho một bực anh hùng đạt cái chí của mình. Đúng không?’

Anh ta ngừng một lát vừa vặn thời gian để lời nói thấm một chút vào trong đầu tôi, rồi tiếp: ‘Hay là anh cũng đang có người để suy tôn?’

‘Không, không.’ Tôi lắc đầu, thất vọng. Những người tôi khâm phục, tuy có đó, nhưng chưa đáng để tôi gọi là anh hùng, nếu hiểu theo định nghĩa của anh chàng Radi kia.

Anh ta tiếp, với giọng tự tin:

‘Thế này nhé. Tôi sẽ cho anh một bộ như tôi,’ anh ta chỉ chiếc cặp và xấp giấy. ‘Anh xuống phố kia, chỗ nào đông người mà đứng...’

Rất nhanh, tôi hiểu những điều Radi vừa nói. Tôi ngập ngừng:

‘Nhưng tôi là người Việt Nam...’

‘Thì ai biết đó là đâu,’ anh ta hơi nổi nóng, giọng cất cao. ‘Hơn nữa, ai cấm anh quyên góp cho dân tộc tôi. Cả một khối giai cấp bị đè nén phải biết giúp nhau chứ. Đúng không? Mà anh cũng da màu, đầu đen như tôi. Chỉ có điều tóc anh không quăn như dân xứ tôi, môi anh mỏng hơn. Nhưng không ai biết đâu. Anh nhớ đừng lấy tiền mặt. Mình mà lấy tiền, họ sẽ nói mình đi ăn mày, hay giả mạo, phiền lắm. Giấy đây, anh đưa họ ký chuyển tiền. Chuyển tiền thì không ai chuyển năm mười đồng cả. Tối thiểu cũng hai mươi lăm. Mình lại có sổ sách phân minh. Tiền quyên được anh hưởng mười phần trăm huê hồng. Tôi cũng thế, không hơn gì. Tiền của tổ chức, họ trả sòng phẳng. OK nhé.’
Anh ta không đợi tôi ưng thuận hay phản đối, đứng dậy bắt tay tôi:

‘Mai anh đến đây, cũng giờ này, gặp tôi mình nói chuyện tiếp.’

Tôi ngơ ngẩn trông theo, chưa kịp hiểu. Cho đến khi hiểu thì anh ta đã mất hút sau khúc quanh ngoài phố.
Hôm sau, như có ma đưa lối, tôi lần mò đến quán cà phê. Radi đã chờ đó từ bao giờ, dường như anh ta có tài đi vào đầu người ta để lèo lái. Thấy tôi, anh nheo mắt như tự bảo: thấy không, tôi biết là anh sẽ đến. Tôi chìa tay bắt, gọi nước uống, rồi bắt đầu bài học vỡ lòng về cái tổ chức của anh ta cùng với quá trình tranh đấu dài dằng dặc của người đàn bà mang tên Rigoberta Menchu xa lạ kia. Tôi sẽ phải học nhận diện bà ta qua một lô ảnh chụp ở đủ mọi tư thế, học cả lịch sử xứ Guatemala, từ nền văn minh Maya huyền bí đến sự đô hộ hà khắc của hậu duệ ông Kha Luân Bố, cho chí đến chi tiết của cái giải Nobel bà ta vừa nhận lãnh tôi cũng phải biết tường tận. Điều này với tôi không khó. Trong quá khứ, có những khi tôi phải nhồi vào trong đầu những chủ thuyết trái tai, những lý luận con tim không chấp nhận nổi, nhưng tôi đã qua một cách không khó khăn lắm, và tài hơn nữa, với một thái độ ra vẻ biểu đồng tình. Radi có vẻ hài lòng sau bài giảng đầu tiên. Anh ta trao cho tôi, với vẻ tin cậy lẫn tin tưởng tôi sẽ làm được việc, xấp tài liệu bọc nylon cẩn thận, và một tập sách nhỏ, ân cần dặn dò:

‘Anh cầm cuốn sách này về đọc thêm. Tài liệu phổ biến hạn chế.’

Từ đó tôi bắt đầu đi vào con đường anh ta đã vạch sẵn cho tôi. Cũng không khó khăn gì. Chọn một nơi trên con phố đông người dẫn đến nhà ga, tôi bắt đầu bài thực tập vỡ lòng. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, gặp người nào tôi cũng vớ lấy và chào mời với tất cả nhiệt tâm. Cuối ngày tính sổ, kết quả thật thảm hại. Cả mấy giờ rã họng quảng cáo, thu được có sáu phiếu ủng hộ, vỏn vẹn một trăm mười lăm đồng. Nếu họ giữ lời, chuyển đủ số tiền đã hứa vào trương mục, và nếu tổ chức của Radi trả đúng tiền huê hồng như lời hứa, tôi được mười một đồng năm mươi xu! Trời ạ. Chưa bao giờ tôi cảm thấy khốn nạn và tủi nhục cho con người của tôi như thế. Một thằng đàn ông xuống chó đến như tôi, phải nhờ vào lòng tốt của mọi người và một sự mạo danh, thì hẳn là không có đến một người thứ hai. Tôi thú nhận sự bất lực với Radi. Hắn bảo:

‘Anh chưa gì đã thối chí. Anh xem bà Menchu kìa. Bà đi vận động cả thế giới không biết mỏi mệt. Bởi thế tôi đã nói mình đâu có bằng được một góc của bà ta.’

Một lần nữa thằng đàn ông nhỏ nhoi trong tôi cố vùng dậy. Tôi nói:

‘Nhưng anh nghĩ coi. Tôi nói rã họng một ngày trời, uống mười lần nước trong cầu tiêu mà được có bấy nhiêu. Thà tôi nghỉ phứt, đi kiếm đại việc nào khác làm còn hơn đứng phơi nắng kiểu này.’

Radi cười toé nước bọt:

‘Anh đừng làm vậy. Anh nghỉ bây giờ cũng đâu có việc ngay. Mà có việc anh cũng phải chui đầu vào sở tám tiếng. Làm chuyện này vừa nhàn hạ, trợ cấp thất nghiệp anh vẫn lãnh, vừa giúp dân tôi, vừa khuây khỏa.’

Tôi nghe bùi tai, gật gù. Chừng như cũng thương hại cho tôi, anh ta bảo:

‘Mai anh theo tôi. Xem tôi một ngày, tôi chỉ cho mánh lới.’

Thế là tôi đã từ từ đi vào con đường ấy một cách say mê. Tôi đã biết nhìn người qua một khía cạnh khác, nhìn để biết họ có sẵn lòng bỏ ra chút ít tiền hay không. Con người dần dà với tôi mang đồng một nghĩa với cái bóp dày mỏng. Có lúc tôi đã đánh giá tình thương của con người bằng số tiền tôi thu được, nhưng dần với kinh nghiệm, tôi thấy là không phải vậy. Không hẳn người giàu mang nhiều tình thương trong tim. Có khi chỉ vì muốn khoe khoang. Có khi chỉ vì không muốn mất thời giờ cho những chuyện rầy rà. Có khi chỉ vì một phút bốc đồng, khi may mắn hưởng được chút lộc bất ngờ. Nhưng cũng có người ân cần hỏi tôi về đất nước Guatemala với sáu vùng đất, mỗi vùng một thổ ngữ riêng. Những lúc ấy tôi lại chạnh nhớ đến quê hương mình. Để tủi thân. Phải kể cho người nghe về một thứ quê hương tưởng tượng, còn gì đau hơn. Tôi chỉ còn một niềm an ủi là nhờ những mẩu chuyện vặt đó, mà mỗi ngày tôi mỗi thêm thắt thành một câu chuyện dễ lọt tai hơn, tôi đã có được chút hãnh diện rằng mình cũng đóng góp phần nào cho những người đang bị áp bức.

Một hôm trong lúc đang đứng vẩn vơ nhìn những khuôn mặt qua lại trong dãy phố đã bắt đầu trở nên quen thuộc, một người đàn ông lạ dừng lại tò mò đọc chiếc bảng tôi đang treo trước ngực. Ông ta nhíu mày, nhìn tôi, châm một tràng líu lo. Tôi lắc đầu, ra dáng không hiểu. Mà thực tôi không nghe lọt một chữ. Ông ta quay sang tiếng Anh:
‘Anh không phải người Guatemala?’

Tôi chột dạ, đáp lửng lơ:

‘Vậy chứ ông là người Guatemala?’

‘Phải.’

‘Ông ủng hộ giùm tổ chức của chúng tôi...’

Tôi bắt đầu mở máy nói, nhả ra một tràng những câu quảng cáo với tôi đã trở thành sáo mòn, nhưng ông ta ngăn lại:

‘Anh vào tổ chức này lâu chưa?’

Tôi do dự:

‘Cũng được vài tháng...’

‘Có bao giờ anh hỏi tổ chức của anh đã làm gì cho đồng bào tôi không?’

‘Có chứ. Tôi đáp liều, vừa rút trong xấp giấy một tờ truyền đơn. Tôi cho ông địa chỉ đây, muốn biết thêm ông cứ liên lạc với họ. Ông biết, tôi không phải dân nước ông, nhưng thấy chuyện phải làm thì làm.’

Tôi hơi bực mình, nhất là khi nhìn thấy vài người qua đường bắt đầu để ý đến câu chuyện chúng tôi đang trao đổi. Có lẽ ông ta cũng nhận thấy điều ấy từ giọng gắt gỏng. Cầm tờ giấy, ông ta không nhìn nó mà nhìn vào mắt tôi:
‘Có lẽ anh không hiểu tôi. Tôi chỉ muốn nói với anh là coi chừng họ lợi dụng lòng tốt của anh...’

Tôi cảm thấy tất cả mạch máu trong đầu đang nở ra, sẵng giọng:

‘Vậy ông cho tổ chức của chúng tôi là giả mạo?’

‘Không, không. Tôi chỉ nói thế thôi,’ ông ta vội vàng cải chính. ‘Còn tin hay không là tùy anh. Tôi đâu có bắt anh phải nghe tôi.’

Ông ta nhún vai, quày quả bước sang bên kia đường, để lại tôi trơ vơ với tiếng chửi thề thầm trong bụng.

Cũng may là đám đông đã dãn ra, và không ai chất vấn gì thêm. Nhưng câu chuyện ông ta nói bắt đầu gieo vào lòng tôi một nỗi hoang mang ngay từ phút ấy. Có phải đó là chuyện thực? Hay ông ta chỉ muốn thử mình. Tôi mong điều thứ hai này là đúng. Bởi vì, nếu như thế, thì tôi vẫn còn có ít đồng lẻ uống cà phê, có chuyện mang về nhà kể cho vợ nghe, có tiền thỉnh thoảng ru ngủ cho lòng áy náy của tôi nơi xứ người bằng những đóng góp nhỏ nhoi tôi cố dành cho một vài tổ chức đang tranh đấu cho dân tôi, cho nước tôi. Tóm lại, tôi vẫn là một cái gì đó có ích cho xã hội.
Tuy thế, dấu hỏi vừa cấy trong đầu tôi mỗi ngày một lớn thêm dần, cho đến lúc tôi không còn cảm thấy hăng hái trong những lần níu gọi người qua lại. Có một cái gì đó trúc trắc trong lời chào mời. Dường như trong tôi không còn sự tự tin như những ngày trước đó. Làm nghề quảng cáo chào hàng mà thiếu tự tin là hỏng việc. Tôi cũng không dám hỏi Radi cho rõ trắng đen về cái tổ chức của hắn. Có thể vì tôi biết Radi sẽ trả lời ra sao. Nhưng cũng có thể vì tôi sợ. Sợ phải nghe những điều mình không muốn nghe. Hơn nữa, hình như tôi đã trở thành mù quáng. Không chấp nhận những gì khác hơn điều mình nghĩ, khác hơn điều mình cố nghĩ. Tôi không còn là tôi nửa năm trước nữa. Chắc chắn như vậy. Tôi sợ đến không dám soi mặt mình trong gương mỗi lần uống nước trong cầu tiêu công cộng.

Cho đến một buổi sáng, sau khi đã chịu hết nổi những dằn vặt trong lòng, thay vì lấy xe xuống góc phố quen, tôi ghé vào phòng Thương mại thành phố. Nơi đấy người ta có thể lật xem trong sổ ghi danh tánh cơ quan, hội đoàn có giấy phép hoạt động. Nếu muốn, tôi có thể xin họ một trích lục những chi tiết cần thiết về cơ quan mình muốn tra cứu. Thế là, sau khi điền vào một mẫu đơn nhỏ, tôi hân hoan ra về, như vừa trút được một nỗi ấm ức trong lòng. Một tuần sau, giấy về, tôi run run mở ra xem thì... trời ơi. Điều tôi nghi ngờ hiện rành rành trước mắt. Tên Radi Ladino nằm chễm chệ nơi mục người chịu trách nhiệm pháp nhân trên tờ giấy như giễu cợt sự ngu si cả tin của tôi. Tôi lồng ra đường, lên thẳng phố nơi ông bạn vàng Radi vẫn đứng. Hắn không có đó. Tôi nhắn ông già bán xe nước giải khát nói hắn đến gặp tôi tại quán nhậu quen. Tối đến, hắn thủng thẳng vào quán, bước ngay tới bàn chúng tôi vẫn ngồi. Thấy tôi tay không, mặt hầm hầm, hắn hỏi, vẫn với giọng tự tin:

‘Sao vậy? Mất đồ nghề hả?’

‘Không.’ Tôi đáp với giọng bực bội.

‘Sao coi anh quạu dữ vậy?’

Tôi không đáp, rút trong túi tờ giấy, mở ra, dí vào mũi hắn. Hơi ngạc nhiên, hắn rút kính hấp háy xem, xong thản nhiên gấp lại, trả cho tôi. Tôi gầm lên:

‘Đồ khốn nạn. Anh lừa tôi như vậy hả.’

‘Sao lại lừa anh.’ Hắn thong thả nói. ‘Tôi lừa anh chỗ nào?’

‘Cái tổ chức của anh chỉ là một thứ bịp bợm. Từ lâu tôi vẫn cứ tin anh răm rắp. Anh không nói rõ ràng trắng đen ra sao thì coi chừng...’

‘Coi chừng gì. Hắn bắt đầu trở nên gay cấn.’

‘Tôi sẽ đi thưa anh tội lường gạt.’

‘Anh thưa ai? Bằng cớ đâu. Hồi đó anh chịu điều kiện của tôi. Tôi trả công anh sòng phẳng, không sai một đồng cắc. Khi không anh dựng đứng chuyện, nói tôi lừa. Lừa chỗ nào? Còn việc của tôi, tiền đó đi đâu, làm gì thì không phải là việc của anh, mà của sở thuế. Tôi làm tôi chịu.’

Tôi á khẩu. Hắn bồi thêm, giọng nhỏ nhẹ:

‘Tôi nói thật với anh nhé. Anh thử nhìn lại những tổ chức tranh đấu cho nước anh xem. Có phải tổ chức nào cũng đàng hoàng không?’

Câu nói như một gáo nước lạnh dội vào mặt, buốt từng thớ thịt. Một lần nữa, hắn đúng. Hoặc hắn chỉ vừa nói ra điều mà ai cũng biết. Đời không bao giờ có thuần kẻ tốt. Tôi lao đao. Còn hắn. Hắn vẫn thản nhiên, đôi mắt có hàng lông mày rậm soi mói, thăm dò từng phản ứng của tôi. Cuối cùng, hắn đứng dậy, chìa tay ra:

‘Chúng mình sòng phẳng, ông bạn ạ. Anh có tự do của anh. Tôi không ép anh phải theo tôi, hay theo tổ chức của chúng tôi. Vấn đề là tin nhau hay không. Nếu anh không thích, mai mang đồ nghề ra trả tôi, xong mình chia tay.’

Tôi chia tay Radi cũng từ buổi ấy. Không phải tôi muốn phủ nhận những lời anh ta đã nói với tôi buổi tối cuối cùng. Nhưng sự thực tôi cần thời gian để suy nghĩ. Vả lại, tôi sợ. Tôi sợ cho cái tổ chức thỉnh thoảng tôi vẫn góp ít đồng lẻ, phần lớn để xoa dịu nỗi bứt rứt trong những ngày tha hương, biết đâu nó cũng cùng một dọc với cái tổ chức quái quỉ của anh chàng Radi. Thà tôi nghỉ ngang, về  nhà trùm mền coi ti-vi và không thắc mắc gì nữa. Thà mang tiếng nhục bám váy vợ, còn hơn cứ thắc thỏm sợ bị người lừa. Cái đốm hy vọng nhỏ nhoi tôi không muốn đào bới tìm tòi sâu thêm, bởi vì nếu quả thật cái cố gắng nhỏ nhoi của tôi cũng bị phụ bạc, thì tôi không thể nào sống được. Suy cho cùng, người ta chỉ sống khi nào còn hy vọng.