Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Nguyễn Trác Hiếu
Đầu năm 1977, Cộng Sản chuyển chúng tôi từ trại tù Trảng Lớn, Tây Ninh về trại tù Trảng Táo, Long Khánh. Chúng tôi bị dồn nhét ngồi bệt bó gối chật cứng trong những chiếc xe vận tải mà CS trưng dụng của tư nhân. Đường xấu, mỗi lần xe lọt ổ gà, nghiêng qua lắc lại làm chúng tôi té nhào lên nhau. Đường đất đỏ, bụi tung mù mịt. Để che giấu dân, các tấm bạt đàng sau xe được thả xuống kín mít. Trong xe nóng bức và thiếu dưỡng khí, có mấy anh em đã ngất xỉu trên đường chuyển trại.
Trảng Táo là một vùng kinh tế mới bị bỏ hoang, gần đường xe lửa xuyên Việt. Trước đó CS đày dân thành phố về đây, buộc họ phá rừng sinh sống nhưng chỉ sau vài tháng dân đã đốt cả khu bỏ đi tứ tán khắp nơi. Một số lần mò về lại thành phố sống lây lất ngoài đường.
Đoàn tù rách rưới và mệt mỏi được đổ xuống gần đường xe lửa. Tôi nhìn quanh. Cảnh vật sao tiêu điều, thê lương. Xa xa là những mảng đồi thấp cháy đen loang lổ.
Lau sậy khô vàng trong nắng lửa. Đó đây những chiếc cột nhà cháy còn đứng trơ vơ, đen đủi, buồn thiu. Nói nhà thì hơi quá đáng. Đây chỉ là những chiếc chòi tranh lụp xụp, ọp ẹp như những chòi tranh ở các khu kinh tế mới mà chúng tôi đã đi qua trong vùng Đồng Ban, Cà Tum gần biên giới Miên-Việt. Chúng tôi còn thấy được vài "túp lều lý tưởng" kiểu đó đang đứng tựa lưng khu rừng thưa.
Chúng tôi tạm dung thân trong những chiếc chòi tranh được che đậy vội vàng bằng lau sậy. Ban ngày những tia nắng chói chang chiếu xuyên qua mái chòi. Chỉ được có ban đêm, nằm trong chòi có thể nhìn thấy trăng sao. Thỉnh thoảng chúng tôi cố quên thực tại lao tù, thả hồn bay bổng đôi phút về cố quận và gia đình thân yêu đã lâu lắm rồi xa cách.
Chúng tôi đến Trảng Táo vào mùa hè. Nắng chang chang gay gắt. Nắng lóa mắt, rát da. Không một chút gió. Chỉ cần cử động vài phút là mồ hôi vã ra như tắm. Nước vô cùng khan hiếm, không đủ để tắm giặt. Năm giớ sáng, trăng sao còn sáng tỏ trong bầu trời, những anh em làm bếp đã phải trở dậy mò mẫm xuống thung lũng hứng từng thùng đạn nhỏ nước bùn, đem về gạn lọc thổi cơm. Buổi chiều đi phát quang rừng về, chúng tôi phải dùng lon sữa bò hứng từng nửa lon nước bùn để lau mình, cố tẩy bớt lớp bụi và mồ hôi quến chặt trên người. Đêm nằm da tóc ngứa ngáy khó chịu nhưng cũng phải cắn răng dỗ giấc ngủ để lấy sức cho ngày hôm sau lao động cật lực.
Rồi những căn trại cũng được dựng lên. Tranh không có đủ để làm vách và lợp mái.
Quản giáo Cộng Sản bàn tính đưa chúng tôi đến những khu rừng xa cắt lá kè về làm mái. Biết anh em chúng tôi thiếu ăn yếu sức không thể gánh nặng và đi xa mấy chục cây số được, quản giáo CS đề nghị chúng tôi dùng tiền túi mua vé xe lửa đi cắt lá kè.
Mới nghe qua nhiều người lắc dầu bực dọc nhưng cũng có vài anh em hớn hở vì còn giữ được chút đỉnh tiền. Riêng tôi, tuy có sức nhưng tưởng tượng đến gánh lá nặng oằn vai và đôi chân phải khập khễnh bước trên đá nhọn mấy mươi cây số dọc đường xe lửa, tôi rùng mình. Đói khổ, nhọc nhằn nhiều rồi. Chẳng anh em nào muốn phí sức thêm nữa cho những công tác nặng nhọc nầy. Một vài anh em đứng ra gom góp tiền. May mà giá vé xe lửa không quá đắt. Chúng tôi gom đủ tiền mua vé cho cả toán khoảng 20 người. Sau cùng mọi người nhủ nhau coi đây là một chuyến du ngoạn bằng xe lửa. Một anh bạn trẻ cười khúc khích, nói nhỏ vào tai tôi, "Lên đến nơi mà anh điểm danh thấy thiếu vài tên thì cũng ráng báo cáo đủ nghen". Tôi mỉm cười. Ý nghĩ nhảy tàu cũng vừa lóe lên trong óc tôi. Niềm khao khát được sống tự do ngày càng lớn dần trong mỗi anh em chúng tôi.
Từ lúc được chuyển về Trảng Táo, đêm đêm tiếng còi tàu xe lửa đôn cao thêm nỗi nhớ gia đình của những người trai sa cơ thất thế. Có lúc tiếng còi tàu nghe thật buồn. Nhiều đêm tôi có cảm giác như những con tàu cũng đã rã rời, mệt mỏi như chúng tôi, đang thốt ra những lời than vãn trên những sân ga nghèo buồn của đất nước. Cũng có lúc tiếng còi tàu như giục giã chúng tôi mau táo bạo bẻ gãy gông cùm đi tìm một cuộc sống tự do. Đốn gỗ trên núi cao, tôi thường dừng tay đôi phút, lau nhanh suối mồ hôi chảy tràn qua lông mày vào mắt để nhìn những con tàu đen đủi đang chạy chậm qua ga Trảng Táo. Những con tàu và tiếng còi buồn đó cũng nhiều lần mang tôi về lại những ngày ấu thơ nơi quê hương miền Trung thân yêu. Những chuyến cùng bạn bè cỡi tàu đi cắm trại Hướng Đạo đó đây. Qui Nhơn, Bình Khê, Bồng Sơn, Tam Quan, Đại Lãnh... Một thuở hồn nhiên, tự do, vùng vẫy, yêu đời.
Rồi một sáng sớm, chúng tôi một toán tù khoảng 20 người ra ga Trảng Táo chờ lên xe lửa đi cắt lá kè về lợp trại. Mấy anh em trẻ cười nói rộn ràng, náo nức chờ giờ phút bước lên tàu. Tuổi trẻ cố tìm vui ngay cả trong những lúc phải trải qua những ghềnh thác gian nan của dòng sinh mệnh. Có ngưòi nói:
- Lên tàu không chừng mình được gặp lại người quen thì vui dữ há?
Một giọng khác thì thầm:
- Đêm qua thức khuya viết thư cho người yêu rồi phải không?
- Đừng suy bụng ta ra bụng người nghe bạn.
Có tiếng cười khúc khích. Có mấy quản giáo và vệ binh CS kè kè súng AK đi theo canh giữ chúng tôi. Con tàu Sài Gòn-Phan Thiết huýt lên vài tiếng trước khi dừng lại trên sân ga. Bên trong các toa tàu tuy có hỗn độn nhưng không chật lắm. Chúng tôi lần lượt bước lên một cùng một toa có ít hành khách nhất. Trong toa đa số là đàn bà và trẻ em đi buôn bán. Tôi vừa tìm được một chỗ đứng ở giữa toa thì nghe giọng một bà cụ hỏi:
- Ôi cha, mấy cậu mấy chú đi đâu mà đông dữ vậy?
Có tiếng một anh bạn đáp nhỏ:
- Dạ thưa cụ chúng cháu đi công tác.
Bà cụ hỏi tiếp:
- Đi công tác? Ở đâu mà đi công tác? Mà công tác gì vậy mấy cậu?
Anh bạn chỉ tay về phía trại tù của chúng tôi:
- Dạ chúng cháu ở đàng trại kia thưa cụ.
Nhiều người trong toa tàu nhìn theo tay anh. Một bà lớn tuổi nãy giờ chăm chú quan sát chúng tôi lên tàu, chợt hỏi:
- Đó là trại tù mà. Có phải mấy anh em là cải tạo không?
- Dạ phải.
Anh bạn chúng tôi điềm nhiên đáp. Bà lớn tuổi đứng bật dậy khỏi chiếc băng kê dọc thân tàu, nói lớn:
- Cải tạo đây mà! Bà con ơi! Cải tạo đây mà!
Bà vừa mếu máo vừa bước đến ôm chầm lấy một anh bạn trẻ của chúng tôi. Tiếng ồn ào nổi lên trong toa tàu. Một bà cụ cỡ tuổi 65, đầu quấn khăn nâu, cũng bước tới ôm một anh bạn khác. Bàn tay già nhăn nheo sờ lên vai, lên cổ rồi lên má anh. Anh bạn chưa kịp phản ứng, bà cụ đã khóc to:
- Con ơi là con! Trời ơi là trời! Sao tội nghiệp đám con tôi quá dầy trời? Sao con khổ cực rách rưới quá dậy con?
Chúng tôi sững sốt. Quả thật quần áo chúng tôi đã bạt thếch và rách tả tơi sau hơn nửa năm đốn gỗ, xây cầu, đắp đường trên rừng Đồng Ban, Cà Tum. Nhiều anh em chúng tôi đã phải dùng vải bao cát may mũ, áo hay vá áo quần. Thiếu gạo, thiếu rau, chúng tôi đã phải ăn nhiều măng tre để lấp đầy bao tử. Lao động cật lưc, thiếu dinh dưỡng, thương hàn, sốt rét, kiết lỵ hoành hành cộng thêm chất acid độc trong măng tre đã làm cho chúng tôi người nào cũng xanh mét. Chúng tôi đứng gần như hàng đôi giữa toa tàu, dựa lưng vào các cây trụ. Hầu hết hành khách trong toa đã đứng lên vây quanh chúng tôi, hỏi han ríu rít. Có người vừa lau nước mắt vừa hỏi:
- Bác nghe nói chết đói chết bệnh nhiều lắm phải không con?
- Tụi nó trả thù hành hạ con ra sao nói cho ngoại nghe đi con!
- Chú có gặp thằng em của chị tên Nguyễn Văn Bảy ở trại nào không chú?
- Chừng nào tụi nó thả con dìa dới gia đình hỡ con?
Có hàng chục câu hỏi. Anh em chúng tôi tìm cách trấn an mọi người. Tôi nhìn về phía hai đầu toa. Mấy quản giáo và vệ binh CS đã lặng lẽ rút qua các toa khác. Họ lánh mặt vì cũng bị bất ngờ. Chẳng có một viên đá nào từ dân ném vào chúng tôi mà chỉ có những giọt lệ, những ánh mắt yêu thương, những lời thăm hỏi ân cần, trìu mến.
Đây là lần đầu tiên chúng tôi tình cờ tiếp xúc với dân chúng sau gần ba năm bị giam giữ. Nỗi xúc động tuy đến bất ngờ nhưng cũng chợt dâng cao ấm áp trong lòng chúng tôi. Đàng đầu toa một bà chị đang cố nhét mấy trái chuối và ổ bánh mì vào ba lô của một anh bạn trẻ. Anh một mực từ chối:
- Cảm ơn chị nhưng tụi em không có đói đâu. Chị đừng lo. Chị đem chuối bánh về cho mấy cháu nhỏ ở nhà.
Bà chị dỗ dành:
- Em giữ lấy mà chia nhau ăn cho chị dui. Tình cờ gặp được mấy em ở đây chị mừng, chị thương lắm. Chị cũng có mấy đứa em đi cải tạo. Không biết giờ nầy mấy đứa nó bị giam ở đâu?
Bà chị nâng vạt áo lên lau nước mắt. Anh bạn mủi lòng:
- Cảm ơn chị nhưng chỉ xin giữ một ổ bánh mì nhỏ nầy thôi. Chúng em có mang theo đủ thực phẩm cho mấy ngày công tác.
Tôi bỗng cảm thấy như có ai đang kéo ba lô của tôi xuống. Tôi quay đầu nhìn ra sau lưng. Một bà chị khác cỡ tuổi 50 cũng đang cố nhét một trái mít tố nữ vào chiếc ba lô may bằng vải bao cát của tôi. Tôi giữ chặc miệng ba lô, năn nỉ bà:
- Chị ơi, em cảm ơn chị. Chúng em đem theo đủ gạo và thức ăn rồi. Chị đem trái mít về cho các cháu ở nhà.
Bà chị nhìn thẳng vào mắt tôi. Hai mắt bà đã ứa lệ, bà nài nỉ:
- Trông em xanh quá. Ở tù mà gạo cơm đâu ăn cho đủ được. Trái mít nầy là của vườn chị, em giữ lấy, anh em chia nhau mỗi người một múi lấy thảo.
Tôi vừa dịu dàng từ chối vừa giữ chặc miệng ba lô. Thất vọng, bà chị nhét lẹ vào túi áo tôi một chiếc bánh ú nhỏ. Biết không thể nào từ chối được nữa, tôi nghiêng đầu gần tai bà chị nói nhỏ:
- Cảm ơn chị đã thương chúng em. Em muốn nhờ chị một chuyện nhỏ.
Bà chị mở to mắt nhìn tôi đáp nhanh:
- Chuyện gì nói chị nghe?
- Ở Sài Gòn chị ở đâu?
Tôi hỏi nhỏ. Bà chị cũng xuống giọng:
- Chị ở gần chợ Đa Kao.
Tôi mừng rỡ thì thầm:
- Vợ con em cũng ở gần đó. Chị làm ơn chuyển dùm cho vợ em cái nầy.
Vừa nói tôi vừa dúi nhanh vào tay bà chị một mảnh giấy cuốn tròn như điếu thuốc lá. Bà hiểu ý bỏ ngay vật cấm vào túi áo của bà rồi nói nhanh:
- Em yên tâm. Về tới Sài Gòn chị sẽ ghé lại giao liền. Gắng giữ gìn sức khỏe nghe em.
Tôi thoáng thấy một nét vui hiện lên mặt bà chị khi bà ngồi xuống lại trên chiếc băng tàu. Khắp nơi trong toa tàu, các bà các chị mở xách mở thúng lấy bánh kẹo, trái cây nài nỉ tặng cho cải tạo.
Tàu đã chuyển bánh. Không thấy mấy quản giáo và vệ binh CS trở lại. Cuộc trò chuyện hỏi han giữa dân và tù vẫn tiếp diễn. Bỗng có một tiếng một em bé gái rao hàng:
-Thuốc lá! Thuốc lá đây! Mời mấy chú mua thuốc lá!
Một em bé gái xuất hiện ở đầu cửa toa, tiến nhanh về phía đám đông đàn ông chúng tôi. Một hình ảnh nổi bật đập mạnh vào mắt tôi. Chiếc nón lá nhỏ vàng khè và rách tả tơi úp lửng sau lưng em. Tay bưng một chiếc trẹt nhỏ đựng năm bảy gói thuốc lá, em bé tíu tít mời:
- Mời mấy chú mua thuốc! Chú mua dùm cháu mấy điếu thuốc thơm.
Giọng rao trẻ thơ thật trong trẻo dễ thương. Hầu hết anh em chúng tôi quay nhìn em bé. Một anh bạn trẻ của chúng tôi ngưng nói, nhìn vào mặt em bé vài giây như đang suy nghĩ nhanh điều gì rồi vói tay bốc mấy điếu thuốc. Không hỏi giá, anh thò tay vào túi móc tiền. Bỗng có giọng một bà cụ nhỏ nhẹ:
- Mấy chú đây là cải tạo đó cháu.
Em bé khựng lại, ngước nhìn quanh chúng tôi vài giây rồi như chợt hiểu ra, nói nhỏ:
- Mấy chú là cải tạo.
Nét mặt em chợt tươi hẳn lên, em quay chiếc mẹt sang những người khác tiếp tục mời:
- Mời chú hút thuốc! Mời chú hút thuốc!
Lời rao mời của em đã thay đổi mà chúng tôi chưa kịp nhận ra. Một anh bạn cúi xuống hỏi:
- Cho chú mua vài điếu thuốc thơm đi cháu.
Em bé giờ cười thật tươi và đáp gọn:
- Dạ, mời chú hút đi, cháu không lấy tiền đâu.
Đám tù chợt yên lặng. Một anh bạn khác từ từ quỳ gối xuống sàn tàu gần em bé, một tay chìa ra một gói thuốc rê nhỏ:
- Chú có thuốc rê nhưng chú cũng muốn mua vài điếu thuốc thơm.
Tay kia anh cầm sẵn mấy tờ giấy bạc. Em bé lại mỉm cười lắc đầu:
- Cháu mời chú hút. Cháu đã nói cháu không lấy tiền mà.
Giọng em nài nỉ. Anh bạn tôi cố mỉm cười:
- Cảm ơn cháu. Cháu ngoan lắm nhưng mấy chú không muốn mẹ cháu buồn vì hôm nay cháu lỗ vốn.
Em bé phụng phịu ngay:
- Mẹ cháu sẽ không buồn, không rầy cháu đâu. Ba cháu cũng bị cải tạo mà. Chú hút đi. Chú hút dùm cho cháu một điếu lấy thảo đi chú.
Giọng em bé chân thành, dễ thương. Một cơn xúc động bất ngờ dâng lên ngực, tôi nghiến chặc hàm, quay mặt để khỏi bật khóc. Con bé tuổi tác, dáng dấp trông gần giống con gái tôi. Bé gầy và nước da xanh tái. Đôi mắt bé đen láy, lông mi dài. Tóc bé hoe vàng trước trán, lâu ngày không được cắt tỉa. Khuôn mặt bé trông thông minh và dễ thương. Tôi đóan bé chừng khoảng chín hay mười tuổi. Bé mặc một chiếc áo trắng đã ngã màu vàng và một chiếc quần vải thô đen cũng đã bạc màu. Bé ăn nói lanh lẹ, khôn ngoan. Tôi nghĩ chắc cũng đã lâu lắm bé không được cắp sách đến trường mà phải theo tàu bán thuốc lá giúp mẹ.
Anh em chúng tôi thật sự xúc động trước quyết định nhanh chóng và thân thiện của em bé. Hai anh bạn tôi, muốn mua thuốc lá giúp em, tiến lại gần em với gói thuốc rê trong tay. Một anh nói:
- Cháu nè, hai chú có thuốc rê nhưng lâu quá không được hút thuốc thơm. Hai chú muốn mua một gói Hai Tầng để chia hai.
Em bé cười:
- Dạ, cảm ơn chú. Cháu tính hai chú nửa giá thôi.
Em nhanh nhẹn đặt gói thuốc lá vào tay anh bạn tôi. Anh nầy dẫy nẩy, tiếp tục đấu trí với em bé:
- Không được, không được cô bé ơi! Dzậy là hai chú đành chịu thèm thuốc chớ không mua thuốc của cháu nữa đâu. Bán cho người khác sao thì bán cho hai chú dậy thôi. Có chịu không? Ngoan chú thương!
Em bé mỉm cười suy nghĩ. Có tiếng bà cụ lúc nãy xen vào:
- Mấy chú nói phải đó cháu. Bán cho người khác sao bán cho mấy chú dậy.
Em bé cố nài nỉ:
- Dạ cũng được nhưng cháu muốn biếu hai chú mỗi người một điếu lấy thảo. Mấy chú là cải tạo mà.
Hai anh bạn nhìn nhau một giây rồi chấp nhận đề nghị của em bé. Cả ba cười vui vẻ. Vài ba anh bạn khác cũng chấp nhận mua thêm mấy gói thuốc cách nầy và không quên cảm ơn em bé đã biếu mấy chú mấy điếu thuốc tình thương. Bán xong thuốc, em bé lững thững chưa chịu sang toa khác, em lại gần hỏi nhỏ một người trong chúng tôi:
- Chú có gặp ba cháu ở đâu không chú? Ba cháu tên là Trần Văn Tâm. Mẹ cháu và chúng cháu nhớ ba cháu lắm. Hai em cháu cứ khóc đòi đi thăm ba cháu hoài.
Bao tử tôi chợt co mạnh. Mắt tôi chợt cay. Tôi vội vàng quay mặt đi để em bé đừng thấy tôi xúc động. Đến lúc đó tôi muốn bước đến ôm em vào lòng, hôn lên khuôn mặt trẻ thơ như tôi đã từng hôn các con tôi. Một anh bạn tôi nhanh nhẹn quỳ xuống sàn tàu, kéo em bé lại gần hỏi nhỏ:
- Cháu có biết ba cháu hồi trước cấp bậc gì trong lính?
- Dạ Trung úy.
Em bé đáp. Anh bạn nhỏ nhẹ vỗ về:
- Mấy chú không gặp vì đông quá nhưng chú nghĩ ba cháu cũng bị giam lẩn quẩn trong Nam thôi và chắc cũng khỏe mạnh như các chú đây.
Một anh bạn khác cũng cúi xuống hỏi:
- Mẹ cháu đã đi thăm nuôi ba cháu lần nào chưa?
Em bé suy nghĩ vài giây:
- Dạ, dường như có một lần và ba cháu bị giam ở trong rừng.
Em bé hỏi tiếp:
- Chú có biết chừng nào ba cháu được về không?
Hai anh bạn tôi thay nhau trấn an em bé:
- Chú thật tình không biết vì đông quá nhưng chú nghĩ chắc không lâu đâu. Cháu gắng giữ gìn sức khỏe. Cho mấy chú gửi lời thăm mẹ cháu và các em cháu. Biết đâu chú cháu mình sẽ lại gặp nhau ở Sài Gòn.
Sau cùng, em bé cảm ơn các chú đã mua thuốc lá và nói chuyện với em về ba em.
Em lững thững rời toa tàu chúng tôi đi sang toa khác. Tôi nhìn theo bóng dáng em bé với chiếc nón lá rách úp trên lưng cho đến khi em đi khuất ở đầu toa. Nước mắt tôi cứ chực trào ra. Hình ảnh, tiếng nói, tiếng cười của các con tôi chợt ập về tràn ngập tâm trí tôi. Nỗi nhớ thương vợ con, gia đình không còn âm ỉ mà giờ đây đã dâng lên ngút ngàn.
Đêm ấy, chúng tôi ngồi quanh đống lửa giữa rừng, chia nhau những món quà vụn vặt nhưng đầy ắp tình thương. Một anh bạn trẻ nhắc chuyện em bé bán thuốc lá trên tàu:
- Con bé con nhà ai mà tuổi đó đã không ngoan, lanh lẹ. Chỉ tội là đã phải nhập cuôc chịu khổ quá sớm.
Một anh khác lớn tuổi hơn, có con dại ở nhà, trầm ngâm:
- Mình ở đây chắc không khổ hơn vợ con mình ở ngoài. Khi nghe con bé hỏi thăm cha tôi nghẹn ngào. Con gái tôi cũng khoảng tuổi đó...
Anh bỏ lửng câu nói, yên lặng cúi đầu. Một anh bạn khác thì thầm:
- Tù trong tù ngoài. Thương cho vợ con mình.
Anh vân vê điếu thuốc lá em bé tặng anh, đưa lên mũi ngửi rồi đưa lên môi hôn. Anh không hút mà cẩn thận bỏ điếu thuốc vào túi áo trên. Bên kia đống lửa, một anh bạn lớn tuổi chậm rải hít nhẹ một hơi thuốc lào rồi khép mắt trầm ngâm. Dưới ánh lửa chập chờn, tôi thoáng thấy một ngấn lệ ứa ra trên khóe mắt của người tù lương tâm.
Tôi lớn lên trong 9 năm kháng chiến chống Pháp ở Liên Khu 5. Khoảng năm 1950, tôi cũng ở tuổi em bé bán thuốc lá trên tàu. Tôi thường theo phụ giúp mẹ tôi buôn bán ở những phiên chợ đêm để nuôi gia đình. Cha tôi, một trắc lượng viên công chánh, bị CS trưng dụng đi vẽ bản đồ đường sá, cầu cống trên núi rừng cao nguyên. Năm bảy tháng ông mới được cho về thăm nhà vài tuần, mình đầy chí rận, ghẻ lở. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ, mỗi lần cha tôi vắng nhà như vậy, tôi buồn da diếc và nhớ ông quay quắt. Tôi thường hỏi má tôi chừng nào ba tôi về. Má tôi dỗ dành tôi một hồi rồi chính bà cũng quay mặt đi lau nước mắt. Tính đến ngày gặp em bé bán thuốc lá trên tàu, chúng tôi đã bị giam giữ gần 3 năm. Tôi biết các con tôi đang nhớ tôi nhiều và ngày ngày chờ đợi cha về. Tôi thường băn khoăn không hiểu vợ tôi làm thế nào để trả lời một cách thích đáng những câu hỏi của các con tôi về sự vắng nhà quá lâu của tôi.
Rừng đêm tĩnh mịch. Sương khuya đã thấm ướt áo tù mà không ai trong nhóm chúng tôi nhắm mắt ngủ được. Tôi lắng nghe tiếng củi rừng cháy tí tách trong đống lửa và lắng nghe những xao xuyến tột cùng của lòng mình. Tôi không dám tưởng tưọng ra vóc dáng bé bỏng của hai đứa con gái tôi với chiếc nón lá rách và chiếc mẹt thuốc lá.
Miên man suy tưởng, tôi tự dưng thấy lòng mình chùng xuống. Sáng hôm ấy, chúng tôi đã thật sự nghẹn ngào xúc động trong cuộc gặp gỡ bất ngờ với người dân miền Nam. Đêm ấy và nhiều đêm sau nữa trong kiếp tù lương tâm, có biết bao người cha, người chồng đã thổn thức khổ đau trong uất hận ngút ngàn vì đã lỡ sa cơ thất thế, phải ngồi nhìn tuổi xuân bị phí phạm trong rừng sâu núi thẳm của một nước Việt điêu tàn.
Nguyễn Trác Hiếu
Florida, đêm 19 tháng 10 năm 1998
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012