Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Tóc Mây
Đêm nay, lần đầu tiên Tấn nếm cái vị đắng cay của con người mất hết quyền căn bản của con người, tay bị trói ở sau lưng và xâu bằng dây vào người đi trước và đi sau mình, rồi dắt nhau đi lầm lủi thành hàng một không biết là đi về đâu, cho ngay đêm nay hay cho cả cuộc đời, đôi chân không quen đi đất, nay cũng phải nếm sơ khởi những con đường đê theo bờ ruộng hay những con đường mòn đi qua làng mạc, thôn xóm nay đều đã điêu tàn vì bom đạn. Cũng may là đường toàn là đường đất nên những đôi chân không quen đi đất cũng chưa cảm thấy gì. Hai bên đường là những bức tường đổ, cột xiêu, những mái tranh chỏng chơ, những cành cây trơ trụi không còn lá mà chỉ là những nhánh vươn ra khẳng kheo trong đêm trăng sáng mờ ảo như những cánh tay ma quái xương xẩu muốn vươn ra để hù dọa khách qua đường. Tấn chợt nhớ tới câu thơ mở đầu trong bài hát Sương trắng miền quê ngoại (mà tác giả là ai thì Tấn không còn trí óc để nhớ nữa).
Gio Linh ơi đất thiêng chừ rung rẩy
Tội lũ chim rừng không chỗ đậu vì bom...
Mọi nơi đều tuyệt đối vắng lặng, không một tiếng động, không một bóng sinh vật, chỉ có những bóng ma đen sì của đoàn tù và những bộ đội áp giải lặng lẽ đi với tiếng chân đất bước trên đường nghe phình phịch... Gần sáng, khi sao Mai vừa ló dạng ở hướng đông thì đoàn tù binh tới một căn nhà lá dột nát giữa chốn đồng không mông quạnh. Từ điểm tụ hội ở một căn nhà tranh thuộc quận Hải Lăng ngày bị bắt đầu tiên (mới hôm qua mà Tấn có cảm tưởng như đã lâu lắm rồi), Bắc quân dời Tấn về phía Bắc cũng vẫn ở trong một cái nhà ngoài ruộng và Tấn không thể biết được mình đang ở đâu, chỉ đoán chừng mình đang ở ngang thành phố Quảng Trị về phía Tây là do cái thời gian di chuyển và vị trí của trăng sao trên trời mà tính phỏng chừng thôi.
Ỏ đó, anh còn gặp được vài anh em hạ sĩ quan và binh sĩ trong đơn vị, còn đa số thuộc các đơn vị binh chủng khác nhưng cái đau đớn là chỉ có mình anh là sĩ quan nên anh đã ‘được’ đối xử đặc biệt hơn người khác, anh bị trói gô lại bỏ ngồi trong xó nhà. Tới khoảng trưa, có một anh tù binh Nam quân với bộ đội cầm súng đi theo canh chừng, gánh hai thúng đựng cơm vắt đến căn nhà nơi đám tù binh của Tấn và bộ đội quẳng bừa hai thúng cơm vắt đó xuống sân để cho tù binh ăn, họ cũng không buồn nhớ đến Tấn để ít nhất là cởi trói cho anh. Những anh tù binh sống cùng căn nhà với Tấn thì có lẽ quá đói trước khi đó, hoặc thấy vắt cơm đó ăn hết một mình cũng chưa đủ no, hoặc vì Tấn không phải là sĩ quan cùng đơn vị họ, có khi họ cũng không ưa gì những sĩ quan, lý do nào thì không biết nhưng chỉ biết là khi họ chia nhau 2 cái thúng cơm vắt (ăn không, không có thức ăn chi cả) rồi người nào cũng cầm vắt cơm của mình để ăn, không ai nhớ tới anh chàng bác sĩ BĐQ đang ở góc nhà, chân bị trói không thể đứng dậy để chia phần cơm cũng như không có tay được tự do để cầm lấy phần ăn hẩm hiu của mình.
Ngay cả những tù binh không bị trói cũng đã không đủ ăn rồi vì số vắt cơm hình như là không bằng con số tù nên cả đám tù không bị trói gì hết với nhau cũng đã không tránh được cảnh dành giựt thật xấu hổ. Tự ái cá nhân cũng như danh dự của một sĩ quan không cho phép Tấn lên tiếng đòi chia phần ăn với họ được nên anh đã bấm bụng làm thinh nhịn đói. Anh đã tính rồi, người ta phải bị đói hàng tuần cũng không chết được, mình mới đói có 2 bửa ăn thì nhằm nhò gì! Nhưng không dè Tấn đã phải nhịn đói không chỉ có 2 bửa ăn mà là gần 2 ngày tròn không có gì vào bụng. Tấn mỗi sáng được bộ đội vào dẫn đi vệ sinh ngoài đồng (chắc do đó mà người ta gọi là ‘đi đồng’?) nhưng có gì trong bụng đâu để có cái mà tiêu hóa? Anh chỉ có thể uống nước cầm hơi, nước thì không thiếu vì căn nhà bao quanh bởi cánh ruộng bát ngát mà ruộng ở Quảng Trị thì nước lúp xúp ngang giữa bắp chân và trong vắt, có điều mỗi lần muốn uống thì phải kêu gào cho bộ đội đứng gác quanh nhà nghe được để họ vào kè súng dẫn ra ngoài đồng để bò xuống ruộng uống nước (cũng là một kiểu đi đồng!! Có điều chỗ uống nước thì không phải là chỗ đi đồng!!) Tấn ngồi dựa lưng vào tấm phên hở mục nát suy ngẫm về cuộc đời, cuộc đời nói chung và cuộc đời của chính anh. Rõ ràng là anh đã sinh ra dưới một vì sao kém may mắn nếu không muốn nói là bất hạnh hoàn toàn ... Một bác sĩ mới ra trường tương lai đầy hứa hẹn trước mặt, một sớm một chiều trở thành một tù binh của địch quân, bị trói cả ngày, uống nước ruộng cầm hơi sau khi bị đánh đập tả tơi trong ngày đầu tiên bởi đơn vị bắt được anh.
Hừ, còn gì nữa? Không biết rồi sẽ đi tới đâu ? Saigon ơi, chắc là xa lắm rồi không bao giờ còn gặp lại nữa ... Ở nhà vợ giờ nầy không biết ra sao ? Có nghĩ mình như thế nầy hay đã chết trong đám tàn quân? Nàng đã sinh chưa? Con trai hay con gái? Me thì sao? Nghe tin mình không về Me sẽ ra sao ? Không hiểu vợ con mình sẽ sống làm sao sau khi không còn mình nữa? Và Me ơi, chừng nào con được về gặp Me lại đây ? Con vẫn nghĩ khi Me về già, con sẽ là đứa ở với Me để lo cho Me, phụng dưỡng Me nhưng bây giờ, con còn sống cũng như chết, còn tệ hơn chết vì chết là hết, khỏi có suy nghĩ, còn con thì phải suy nghĩ rồi buồn lo lung tung... Nghĩ lan man về gia đình một hồi anh chợt quay lại nghĩ tới Như. Như lúc nầy ra sao nhỉ?
Từ khi ra đơn vị, mãi lo cho công việc cũng như cố lo cho sự sống còn, anh đã không có dịp nghĩ tới nàng hay cái gì khác ngoài việc cố sống sót để trở về, nay mọi sự đã an bày, anh còn làm được gì hơn là nằm duỗi ra dựa vào tấm vách mục nát, chân tay bị trói, vì có muốn làm bất cứ cái gì cũng không làm được thì chỉ còn có bộ óc là rảnh rang suy nghĩ. Sang tới buổi chiều thứ hai trong căn nhà tạm giam thứ nhì nầy thì mấy hạ sĩ quan và binh sĩ cùng đơn vị với Tấn chợt nhớ là còn có anh trong nhà vì tuy cái nhà nhỏ xíu nhưng chen chúc quá đông người với số tù binh khoảng hơn 70 người thì cũng thật khó lòng thấy nhau nhất là Tấn bị trói nên thường nằm dưới đất. Còn Tấn biết rõ số người bởi anh nghe được số vắt cơm chỉ đúng 50 nên anh nghe họ, những người tù binh giống như anh nhưng không là sĩ quan nên không bị trói, cãi nhau ỏm tỏi nói mình có hơn 70 thằng mà chỉ có 50 vắt cơm vậy ai ăn ai nhịn? Thì ra ngay cả những người kia cũng có người nhịn đói, vì vậy mỗi lần phát cơm là mỗi lần dậy giặc!! (Người ta dành giựt nhau không thương tiếc chỉ vì một vắt cơm lạt nhẽo và nhỏ xíu không có cả muối trong khi bộ đội canh gác đứng đó nhìn và cười coi có vẽ thoả mãn lắm!!)
Mấy anh chàng cùng đơn vị LĐ5 BĐQ bèn chen tới ngồi bên Tấn hỏi thăm mới biết Tấn đã nhịn đói hoàn toàn vì vẫn bị trói suốt từ khi bị bắt nên không hề có chen lấn dành giựt gì cả. Họ hứa sẽ dành cho Tấn 1 vắt cơm nhưng Tấn nói dành giựt không tốt vì thâm ý của Bắc quân là làm cho mình tự hạ nhân cách của mình để họ vui, chính vì thế họ mới phát 50 vắt cơm cho hơn 70 anh tù. Anh đề nghị tất cả đồng lòng bẻ mỗi vắt cơm thành hai để ai cũng có ăn mà khỏi dành giựt. Người nào yếu đuối, bệnh hoạn hay bị thương (có người bị thương khi bị bắt) sẽ được ưu tiên ăn trọn vắt cơm. Thế là anh trung sĩ BĐQ đơn vị Tấn bắt đầu truyền rao ý kiến nầy và ai cũng đồng ý vì bất chợt không ai nghĩ ra kịp cả, ai thường chỉ thấy cơm tới là chỉ lo dành lấy miếng ăn cho mình vì mình đói quá và quên là mọi người ai cũng đói cả. Thế là mấy ngày còn lại trong căn nhà tạm giam thứ nhì cũng qua đi trong trật tự trước con mắt ngạc nhiên của bộ đội canh gác, họ không hiểu nhờ đâu mà tự nhiên ‘lũ Ngụy quân’ nầy bình tỉnh bóp từng vắt cơm làm hai rồi chia đều cho mọi người? Riêng Tấn thì được đút cho ăn vì hai tay anh bị trói ra phía sau lưng và bộ đội có lệnh cấm những người kia mở trói cho Tấn. Bọn gác cứ mấy phút là nhìn vào chỗ Tấn nằm qua kẻ vách để chắc chắn là Tấn vẫn còn đó, vẫn bị trói và ... chắc là sắp chết đói không chừng nên coi anh có chết chưa?
Căn nhà đầy tù đó được lệnh lên đường vào một buổi chiều sau khi ở đó độ 5 ngày. Và Tấn khởi hành với tay bị trói, chân thì không giày, quần áo thì hôi thối (chỉ có đi đồng ở bên ngoài còn thì tiểu tiện tại chỗ! Tưởng tượng hai tay bị trói về phía sau mà tiểu tiện tại chỗ là tiểu làm sao?) Cho tới khi gặp một sĩ quan khác thì Tấn bị trói nối một sợi dây từ cánh tay anh sang cánh tay anh ta để thành chùm 2 người để tránh trường hợp họ bỏ trốn. Đoàn tù binh kéo nhau thành hàng một đi lầm lũi về hướng Bắc, hạ sĩ quan và binh sĩ thì được đi thong thả, còn sĩ quan thì vẫn đi thành chùm. Có điều tất cả giống nhau ở một điểm là mọi người đều đi chân đất. Sinh trưởng ở thành phố, trừ những lúc còn thơ dại, đi chân đất để chơi với trẻ con hàng xóm, khi lớn lên, lúc nào chân cũng có mang không giày thì dép, nay đi chân đất trong tình trạng bất đắc dĩ như thế này mới biết cái đau, cái thốn của bàn chân như thế nào. Đi chân đất không chỉ hành hạ riêng Tấn mà hầu như nghe ai cũng chắt lưỡi hít hà trong mỗi bước đi. Lúc nầy cũng may là đường đi cũng không nhiều đá sỏi lắm...
Rồi bây giờ thì cái chùm sĩ quan đã đông lắm rồi, khoảng hơn 20 người và Tấn nhận ra đ/úy Tự, tiểu đoàn phó TĐ38, th/úy Hải ban 1 LĐ, th/úy Lăng, sĩ quan trợ y TĐ30, th/úy Chí, TĐ38... Tuy anh em có người chưa từng biết nhau bao giờ như trường hợp Tấn thì anh hầu như chưa biết mặt ai ở tiểu đoàn cả nhưng anh em khi nhận biết nhau cùng chung đơn vị, mọi người đều tỏ ra vui mừng được biết nhau, trước là để kể cho nhau nghe trường hợp bị bắt của mình, sau là để an ủi nhau cho quên đi cái hoàn cảnh khốn nạn nầy. Con đường có lúc đi trên bãi biển cát trắng phau, có lúc đi trên quốc lộ 1 nhưng đa số là đi trên những con lộ nhỏ xíu với những mái nhà tranh, gọi là mái nhà vì không thể gọi là cái gì khác nhưng thực sự tình trạng trông vô cùng thảm thương, cái còn thì xiêu vẹo, đổ nát, nhưng hầu hết chỉ là một cái nền đất với tro tàn và một hai cây cột còn sót lại chơ vơ trên ấy.
Có một lần đang đi trong đêm bổng dưng có lệnh dừng lại, tất cả nằm sấp xuống đất nhưng không cho ngực đụng đất mà dùng hai tay lót vào giữa ngực và mặt đất, đầu cũng cúi gập xuống, dùng hai bàn tay che chặt hai lổ tai lại. Ngay cả mấy sĩ quan đang bị trói cũng được cởi trói ra để nằm cho đúng cách. Anh em ai cũng ngẩn ngơ trước cái lệnh nầy nhưng cũng làm theo thử coi cái gì. Chừng lát sau thì tiếng bom nổ rền xa xa bắt đầu vang lên, cái tiếng nổ rền liên tiếp quen thuộc của B-52 mà Tấn đã từng xem trên màn ảnh nhưng không ngờ đây là dịp cho anh được nghe tận tai (tuy ban đêm thì chẳng thấy gì hết) Tiếng bom rền vang kéo dài tưởng chừng như bất tận và ánh sáng ửng vàng đỏ một góc trời. Mặt đất bị chấn động như lên cơn động đất, mơ hồ như nhảy tưng tưng lên dưới người Tấn, anh cảm thấy (?) hay sự thật (?) là chính con người của anh cũng tưng bắn lên từng cơn như có lò xo dưới đất đẩy anh văng lên vài centimét khỏi mặt đất. Cuộc bỏ bom kéo dài chừng mấy phút mà tưởng chừng như bất tận. Khi tiếng bom chấm dứt, Tấn nghe như sao không gian im ắng quá chừng, tai anh vẫn còn vang tiếng u u trong đầu, con người thì như tê dại đi. Bộ đội ra lệnh mọi người đứng dậy và đi tiếp. Họ còn hảnh diện nói: Đấy, B-52 của giặc Mỹ đấy! Chúng mầy xem chúng cũng không làm được gì đâu, Cách mạng đã biết trước nó đánh bom lúc nào để nằm xuống trước đó chúng mầy thấy không? Việc đó cho tới hết chiến tranh sau nầy vẫn là cái thắc mắc to tướng trong đầu của Tấn mà anh vẫn không giải thích được tại sao...
Tới một khoảng nào đó thì tù binh được dẫn đi luôn cả ban ngày ban đêm, chỉ dừng lại ngày hai lần buổi trưa và buổi tối để ăn. Cái ăn mới là ly kỳ! Mỗi tù binh được phát một phong bánh giống như bánh in có đậu phọng mà hơi mặn mặn (bộ đội gọi đó là lương khô) Sau khi mỗi người tù ăn một phong bánh thì uống hoặc nước giếng nếu ở gần xóm nhà dân nào đó hoặc ở trong bờ trong bụi thi nước suối, nước vũng vì giờ nầy thì đám tù ở trên vùng cao, không còn thấy ruộng đồng gì nữa hết. Việc uống nước sống làm Tấn rất lo sợ cho dịch tả, kiết lỵ nhưng có cách gì khác khi không thể nấu nướng chi hết? Ngay bộ đội cũng lấy nước cho đầy bình toong của họ mỗi khi có dịp. Còn đám tù, hể có dịp thì uống nhưng uống nhiều đi không nổi, không uống thì khát bỏ mạng sa tràng, nhất là đám sĩ quan bị xỏ xâu với nhau, mỗi lần mắc đi tiểu là một vấn đề lớn!! Cũng may đám bộ đội áp giải bọn Tấn cũng khá dễ dãi, thỉnh thoảng họ cho dừng lại cả đám để đi tiểu. Lúc đó thì họ mở trói cho đám bị xỏ xâu. Còn tiểu vào đâu thì xin miễn bàn, cứ ‘tưới cây’ cho rừng thêm xanh!!
Bộ đội đưa đám tù càng lúc càng đi về hướng bắc ở phía tây Quảng trị vì chỉ cần đi không cần nhìn, Tấn cũng biết mình đi trong vùng núi vì đất đá dưới chân càng lúc càng hành hạ những đôi bàn chân đất của đám tù binh. Chỉ nhìn những gương mặt nhăn nhó của từng bước chân là Tấn biết ngay, cũng như anh, đám tù đang bị đau nhức từ hai lòng bàn chân. Mỗi lần đạp lên một viên sỏi nhỏ là Tấn nghe như có một luồng điện bắn từ lòng bàn chân thẳng lên óc nhói thật mạnh một cái, mồ hôi tuôn ra đầy trán ngay lập tức. Nhưng có ai làm gì khác hơn được là cứ lầm lủi bước khi những sĩ quan vẫn bị xỏ xâu với nhau thành hàng? Bụng ai cũng đói cồn cào nhưng không gớm ghê bằng cái khát rã họng, miệng như khô đắng, nuốt nước miếng nghe cũng đau cổ. Bộ đội thì thỉnh thoảng Tấn thấy họ tạm dừng bước để tu một hai hởp từ bình toong của họ. Ôi, thật là đơn giản mà đau đớn thấm thía, giờ nầy, Tấn có mơ gì ly cà phê sữa đá? Anh chỉ mơ có một ngụm nước lạnh cho dịu cái khát kinh người. Là bác sĩ, anh biết cơ thể mọi người đang bị mất nước trầm trọng vì ai cũng mồ hôi ướt đẩm suốt ngày mà không có nước uống vào để đền bù. Một buổi gần trưa đi trên cái đường mòn nhỏ xíu trong rừng, lên xuống gập ghềnh, đoàn tù đi ngang một cái lạch nước trong veo và nhỏ xíu, bề ngang chỉ độ 1 mét, anh bộ đội cầm súng đi ngang với đám tù binh sĩ quan hỏi trống không về phía đám tù: Chúng mầy có biết cái lạch nước đó là cái gì không? Không ai trả lời, anh ta cười lớn có vẽ thoả thích lắm: Sông Bến Hải đấy! Chúng mầy bây giờ đã ra tới miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa rồi đấy!! Mọi người chắc ai cũng thầm nghĩ: Ôi, ta đã bị đưa ra Bắc rồi sao?
Bài học thực tế đầu tiên về danh dự mà Tấn học được trong những ngày làm tù binh đã xảy ra ở đây. Một anh lính Thủy quân Lục chiến, bởi là lính nên không bị trói buộc chi cả, bất ngờ nhảy tới bóp cổ anh chàng bộ đội đang cầm súng đi gần anh ta, miệng chửi rủa Cộng sản và Bác Hồ vĩ đại bằng mọi ngôn từ của người ít học như anh có thể nghĩ ra. Cả đoàn người ngừng ngay lại và nhốn nháo cả lên. Bộ đội cầm súng chạy tới rầm rập rồi một bộ đội khác đã phải bắn một phát AK 47 vào chân người lính TQLC để gở anh bộ đội kia ra khỏi đôi tay gọng kềm của anh lính. Anh ta buông anh bộ đội kia ra và ngã xuống tại chỗ. Sau đó, bộ đội đã đưa một khúc cây và một cái võng cho Tấn và một sĩ quan đi cạnh Tấn, cởi dây trói của hai người rồi bảo hai người cáng anh lính TQLC kia đi tiếp. Anh ta còn nói: Chúng mầy là sĩ quan, quen được lính hầu hạ, hôm nay thì chúng mầy phải hầu hạ trở lại lính của chúng mầy! Anh bạn sĩ quan và Tấn được mở trói, hai người đi tới bên anh lính, đặt chiếc võng xuống đất cạnh anh ta và đỡ anh ta lên nằm trên võng để hai người cáng anh ta đi.
Trong cái thời gian ngắn ngủi đó, Tấn liếc qua vết thương của anh lính, thấy máu chảy không nhiều lắm, có lẽ vì bắn gần và không trúng xương nên viên đạn có thể đã đi luôn qua phía bên kia bắp chân. Anh định bụng sẽ xin bộ đội cho phép anh băng bó tạm thời cho anh lính nhưng chưa kịp gì cả thì anh lính đã lăn người ra khỏi võng để nằm trên đất trở lại. Tấn và anh sĩ quan kia toan đỡ anh lính trở lên chiếc võng nhưng anh nói: Tui khác mấy ông, tuy tui chỉ là thằng lính quèn thôi nhưng đời tui, hể sinh Nam là tử Nam, tui thà chết trong Nam chớ không ra Bắc để chết ngoài đó! Tấn cố thuyết phục anh ta cố sống để hy vọng một ngày nào còn trở về với gia đình nhưng anh ta quyết liệt không cho hai người cáng anh ta để đòi nằm ở lại đó, phía nam cái con sông Bến Hải rộng 1m bề ngang! Bọn bộ đội tới trói anh sĩ quan và Tấn lại rồi xâu với các sĩ quan khác như cũ xong xua đoàn người tiếp tục lên đường, một tên còn nói: Thằng nầy giỏi, mầy muốn tử Nam thì chúng tao cho mầy tử Nam. Khi đoàn người đi khỏi đó không xa mấy thì có một tiếng súng nổ, một tiếng súng cô đơn âm vang lên giữa rừng già rồi tắt hẳn nhưng tiếng dội đã đánh vào lương tri người chiến sĩ của các tù binh còn lại vẫn không bao giờ tắt... Anh lính TQLC đã chết đi tuy âm thầm nhưng quá hào hùng, còn bao nhiêu người cấp bậc tuy cao hơn anh ta nhiều, bình thường vẫn ra lệnh cho anh, mà bây giờ cúi đầu chịu chửi bới đánh đập để chỉ xin 2 chữ sống còn mà thôi trong đó có cả Tấn, tất cả chỉ là những thằng hèn tuy thường nhật vẫn tự hào với cấp bậc nầy khác và đã vẫn coi thường những người lính quèn trong đơn vị.
Tấn nghĩ ra rằng cấp bậc chỉ là cái để làm việc, còn tư cách và danh dự cùng phẩm giá con người thì rõ ràng anh lính kia đã vượt trên hẳn các sĩ quan thuờng ngày vẫn coi thường anh. Bản thân Tấn, anh rất muốn làm được như anh lính đã làm nhưng trường hợp anh, cuộc sống và gia đình, cái quá khứ cực khổ nuôi anh của Me, anh thấy mình không có quyền tuẩn tiết như thế nhưng anh vẫn cảm thấy tủi hổ là đã tiếp tục sống khi người lính kia đã chết nên anh tự nguyện với lòng, nếu phải sống thì ta sẽ cố sống, nhưng hèn hạ thì nhất định là không. Cuối cùng cái giá nếu cần phải trả cũng chỉ là một cái chết mà thôi. Đoàn tù lại lầm lũi đi và đặc biệt là cái xâu sĩ quan, ai cũng trầm ngâm suy nghĩ về câu chuyện ở ‘sông’ Bến hải ... Chắc cũng như Tấn, nhiều người cũng tự thẹn với chính mình ...
Đây là lần đi bộ đầu tiên thật xa của Tấn, nhiều lúc tưởng chừng như sắp tới nơi (nơi nào? Tấn cũng không biết, chỉ mong được ngã lưng xuống ngủ một giấc vì quá mỏi mòn) nhưng sau khúc quanh nầy là khúc quanh khác, hết lối mòn nầy sang lối mòn khác, lúc trưa thì có ăn cơm vắt cũng ở một nhà dân bên đường, dĩ nhiên là không thấy dân chúng đâu cả (hôm nay thì các sĩ quan được mở trói và phát cơm vắt đàng hoàng). Bây giờ trời sắp tối trở lại mà hồi trưa chỉ có cái vắt cơm nhỏ xíu không bổ khoẻ gì cả nên không riêng gì Tấn mà tù binh ai cũng bụng đói như cồn. Không có ăn thì đói lã người nhưng khi có ăn không phải là ai cũng được sung sướng, Tấn còn nhớ trong đám sĩ quan có anh chàng tên Điệt, th/úy TQLC, người VN 100% mà sao râu ria quá trời quá đất, bị bắt tới giờ khoảng độ hai tuần mà râu quai nón đen thui đã che kín cả nửa mặt dưới của anh ta (tóc anh chàng cũng dài như mọi người và nối liền luôn với đám râu rậm rạp kia) cho nên mỗi khi ăn, tuy cái vắt cơm nhỏ xíu mà cũng dính vào râu của anh ta hết phân nửa. Mỗi lần muốn đưa cơm vào miệng là tay kia phải vén râu lên rất ư khổ sở! Rồi đêm đã vào khuya khi đoàn tù đến một láng trại rộng giữa rừng, cây cối chung quanh rất là rậm rạp.
Không một lời giới thiệu đây là đâu nhưng không ngờ Tấn đã ở lại chỗ nầy hơn 10 ngày và anh nghe các bộ đội gọi đó là K8, K8 là cái con khỉ gì Tấn cũng không màng, chỉ sau nầy biết được nơi đó thuộc huyện Vĩnh Linh là một huyện thuộc tỉnh Quảng Trị nhưng lại ỏ phía bắc vĩ tuyến 17. Cũng vì gần sát miền Nam nên đời sống trong trại nầy thật kinh hoàng vì cách đối xử của Bắc quân đối với tù binh hoàn toàn chỉ nhắm vào việc không cho tù binh trốn trại ... Còn tiện nghi, hay những nhu cầu thông thường thì không màng tới.
Cái láng ở K8 để nhốt các tù binh sĩ quan có hình vuông vức với mái là những cái lá hình cánh quạt thật to như loại lá dùng gói bánh chưng ở ngoài Bắc xếp thật khéo lên nhau để chống mưa (nhưng lâu ngày thì bị dột như thường, chỉ đỡ hơn đứng ngoài mưa thôi, điều đó ở đây có mấy ngày gặp mưa là biết liền) còn kiến trúc thì toàn là cây rừng, nhỏ lớn tùy theo công dụng, hễ sườn nhà thì cây lớn hơn, sườn mái nhà thì nhỏ hơn chút, còn vách và giường thì nhỏ hơn nữa và đã nói là cây rừng thì không có vấn đề thẳng thớm gì cả mà cong quẹo loạn cả lên theo hình thể của thiên nhiên. Bởi vậy hể là vách thì tù có thể nhìn được ra ngoài cho buồn thêm cũng như ở ngoài có thể nhìn vào để kiểm soát tù đang làm gì? Còn hễ dùng làm giường (không có vấn đề giường cá nhân mà là một cái sạp dài theo suốt bề cạnh của căn láng) thì nằm trên đó, ta sẽ có cảm giác nằm trên bàn chông!! Đã vậy để bảo đảm tù binh sĩ quan không thể trốn thoát, mỗi đêm mọi người đều phải đút chân vào cái cùm.
Bởi thế, nhiều anh em bạn tù của Tấn vẫn gọi K8 là Trại Cùm. Cùm là hai khúc cây to và thẳng được gọt theo hình chữ nhựt để áp vào nhau theo chiều dài dọc theo ở dưới chân của cái sạp. Mỗi cây có khoét sẳn nửa vòng bán nguyệt cây nầy đối xứng với cây kia và chia ra khoảng cách đều đặn để khi người tù binh đặt hai chân mình lên trên cái cây phía dưới thì cai tù chỉ việc đặt cái cây phía trên úp lên, thế là hai chân mình nằm trong hai cái lổ vừa vặn với hai cổ chân, ở hai đầu của hai cái cây nầy, cai tù chỉ việc đóng một khúc cây nhỏ làm mọng vào cho 2 cây dính lại vào nhau và cái mọng nầy ngoài tầm với của cả người nằm ngoài bìa nên không cách nào người tù có thể tự tháo ra được. Cái ghê gớm của cái cùm thô sơ nầy là người bị cùm không thể co chân lên được vì cái lổ vừa vặn với cái ống chân của mình nên mình chỉ có thể nằm thẳng chân mà thôi. Nếu chỉ nằm ‘thẳng cẳng’ một lúc là mình đã mỏi chân rồi huống chi cả đêm không co chân lên được, không trở mình qua lại gì được thì làm sao ngủ được, đó là chưa nói việc còn phải nằm trên cái bàn chông nữa? Thậm chí nếu người tù ban đêm mắc đi tiêu hay đi tiểu thì thật hết biết. Nếu đi cầu bình thường thì còn hy vọng nín được tới sáng, còn nếu bị kiết lỵ (như trường hợp tr/úy Bé, đ/đ trưởng đ/đ 2/30 bị bắt trước khi LĐ tan hàng trong trận đánh lớn hôm còn ở phía bắc thôn Ái Tử) thì đi đại tiện cứ ngay tại chỗ và anh em nằm chung quanh cũng cứ việc ‘thông cảm’ thôi!
Mấy tù trẻ tuổi như Tấn còn nín tiểu cả đêm, mấy anh lớn tuổi hơn cũng đành ‘chơi tại chỗ’, vì vậy chỉ một hai ngày sau là mùi hôi thối đã xông lên nồng nặc vì tù binh sĩ quan đâu có nước mang vào đó để rửa (chưa nói rửa cũng không thể nào hết mùi và đêm đến cảnh cũ lại tái diễn!) Nhưng cũng may, chuyện cùm nầy không hiểu do đâu mà chấm dứt mấy ngày sau đó để anh em được tự do thoả mái tay chân trong láng! Nhờ vậy mà chuyện vệ sinh không còn tới nổi quá tệ nữa vì ngay sau khi tháo cùm xong là anh em được bộ đội dẫn đi tắm rửa, giặt giũ quần áo (không chừng chính bộ đội ngủi thấy tù thối quá họ chịu cũng không nổi!) và sau đó là mỗi lần đi vệ sinh là anh em được dẫn vào rừng. (Rừng thì thiếu gì, quanh trại toàn là rừng cả!) Nói chuyện vào rừng Tấn còn nhớ, nếu ở nhà quê Quảng trị thì là đi đồng, còn ở Vĩnh Linh chắc phải gọi là ‘đi rừng’!! ‘Đi đồng’ thì còn có nước ruộng để rửa, còn ‘đi rừng’ thì chỉ có lá rừng để chùi và lá ở đây (trong tầm tay với) thì vừa láng lẩy, lại có sớ lại ướt sũng do mưa không ngớt mấy ngày nay nên chỉ chùi nhẹ là đã không sạch gì lại còn bị rách toẹt. Rốt cuộc, cái mình muốn chùi sạch đã không sạch mà ngón tay mình cũng bị dơ luôn! (Và cũng không có nước để rửa!!) Thật là khổ trăm bề...
Cũng ở K8, ngoài tr/úy Bé, Tấn còn gặp được các sĩ quan khác trong LĐ như đ/úy Thọ, trưởng ban 3, đ/úy Thu, đ/đ trưởng trinh sát, th/tá Khang, TĐT TĐ38 (như vậy là TĐ38 bị bắt cả hai ông xếp chánh và xếp phó) cũng như rất nhiều sĩ quan trong TĐ, tổng cộng chỉ một LĐ5 BĐQ mà có tới 18 sĩ quan bị bắt làm tù binh. Đặc biệt là Tấn không hề thấy đại úy Vàng, người đại đội trưởng đại đội 3 của TĐ33 đêm thất thủ Đông Hà, sau nầy mới biết đêm đó anh ta đã dẫn đại đội của anh ta thoát khỏi vòng vây và đi thoát luôn về tuyến bạn.
Niên trưởng của Tấn ở ‘trại cùm’ còn có cả bác sĩ Vũ Vi Tiến (TĐ4 TQLC) trên Tấn một lớp trong trường ĐH Y khoa mà hôm Tấn mới ra ngoài Quảng trị, anh đã nghe nói TĐ 4 của BS Tiến đã bị đánh tan hàng ở căn cứ Sarge (tức căn cứ C2 ở Hướng Hoá, Quảng Trị) và không biết anh ấy ra sao. Tấn có nghe đồn anh Tiến đã bị tử trận nữa là khác có điều lính tráng thì hay đồn lung tung nên Tấn không tin lắm. Hôm tới Trại cùm, Tấn mới gặp anh Tiến là lần đầu. Anh chàng người thư sinh, trắng trẻo, tuy không quen Tấn hồi trong trường nhưng gặp nhau ở đây, vừa là đồng nghiệp lại biết thêm nhà anh cũng ở vùng Tân định, Saigon nên hai người đều cảm thấy ấm lòng một chút tuy cái chân thì lúc nào cũng đau vì ảnh hưởng của cái cùm! Y Nha Dược coi như cùng nhà, trong đám tù sĩ quan còn có thêm dược sĩ Mậu, người lùn thấp lại yếu đuối, nguyên là dược sĩ của BV Quảng Trị. Hôm Quảng Trị mất, anh đã không chạy nổi mà chỉ đi lững thững (theo anh nói, chính anh cũng không biết là đi đâu?) nên Bắc quân đã tóm được anh dễ dàng.
Anh Khang, Alpha của 38 là con người có số rất không may. Năm 71, trong chiến dịch Lam Sơn 719 ở Hạ Lào, anh là TĐT TĐ39 thuộc LĐ1 BĐQ cũng bị Bắc quân vây hãm cực kỳ nguy ngập nhưng anh đã cầm quân mở đường máu và đi thoát. Sau đó, anh được đổi về làm TĐT 38 của LĐ5 ở Quân đoàn 3 nhưng lại bị đưa trở ra Vùng 1 và trận Quảng Trị nầy anh lại bị bắt nên sau nầy, trong thời gian ở trong trại tù binh, anh là người bị bên kia ‘chiếu cố’ rất nhiều nhưng anh vẫn cương cường, thái độ anh hùng của anh cũng là một cái gương cho Tấn noi theo. Ỏ K8 cũng như suốt thời gian trong trại tù binh, anh là người có cấp bậc cao nhất trong LĐ bị bắt nên trừ đ/úy Thọ và đ/úy Xê thì là bạn cùng khoá 19 Võ Bị Dalat với anh nên 3 người là coi nhau như bạn ngang hàng, còn thì tất cả anh em đều coi anh như người anh cả. (Đ/úy Xê, trưởng ban truyền tin, người đã cầm đầu đám tàn quân trong ngày vượt sông bị Bắc quân đuổi tới bắn, tên là Lâm Văn Xê nhưng khi bị bắt, anh khai là Lê Văn Sâm và giữ tên nầy suốt thời gian trong tù. Mỗi cá nhân sống trong tù đều có cá tính riêng biệt, hay cũng có mà dỡ cũng có và phải nói tuy ở tù ngoài Bắc khổ hơn chó nhưng quãng đời đó của Tấn đã cho Tấn rất nhiều kinh nghiệm sống rất hay sau nầy ...)
Thời gian ở K8 thì ngoài việc dơ dáy ngứa ngáy khó chịu suốt ngày, không hiểu người khác thì sao riêng Tấn thì cái đói nó hành hạ anh cũng thảm thiết không cùng. Cái ăn cái uống thiếu thốn tưởng như bất tận. Mọi người đều gầy ốm xanh xao. Có lần vào buổi trưa, Tấn đã nhìn ra bên ngoài qua khe hở giữa các nhánh cây làm vách và nhìn thấy cái nồi cơm mà mấy bộ đội đã ngồi xúm xít ăn vừa xong, ăn xong rồi họ đã đi đâu hết chỉ còn nồi cơm chỏng chơ bỏ lại đó với một nhúm cơm trắng còn dính trên thành nồi mà anh thèm nhỏ nước bọt!! Trong trí thầm nghĩ không biết đến bao giờ mình mới được có miếng cơm ăn cho đàng hoàng nữa nhỉ ?
Cái sống ở K8 cứ thế mà trôi. Đau đớn (cổ chân) đói khát triền miên và buồn tủi vô cùng, mỗi người đều nghĩ bụng, không lẽ cuộc đời mình cứ mãi thế nầy sao? Không biết người khác nghĩ sao, riêng Tấn, anh vẫn mong có sự thay đổi xảy ra cho dù có xấu hơn nhưng ít nhất, cuộc sống phải có chút gì sinh động để sống...
Tóc Mây
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010