Loading
Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
US Patent & Trademark Office Logo

US Patent & Trademark Office Logo

US Copyright Office Seal

US Copyright Office Seal

Copyright symbol

Copyright symbol

Nguyễn Nguyên

Ngày nay, ở nhiều nước trên thế giới, quyền sở hữu trí tuệ (intellectual property - IP) của tác giả thường được luật pháp bảo vệ và người trong hay ngoài nước tôn trọng. Việc bảo vệ và tôn trọng này căn cứ vào một số điều đã được quan tâm và thực hiện. Trong số các điều này, ba điều thiết thực sẽ được bàn đến sau đây: đó là minh định bản quyền (copyright), phân biệt bản quyền với ‘của chung’ (public domain) và phân biệt bản quyền với ‘sử dụng hợp lý’ (“fair use”).

Minh định Bản quyền

Bản quyền (hoặc tác quyền) là một số quyền lợi mà tác giả được luật pháp thừa nhận đối với tác phẩm của mình.

Luật Bản quyền không bảo vệ một ý tưởng (idea) - như công thức e = mc2 của Einstein, mà chỉ bảo vệ cách thức biểu hiện (the actual expression of an idea) trong tác phẩm. Để được hợp lệ, một tác phẩm có bản quyền phải có tính độc đáo và sáng tạo.

Là một hình thức của quyền sở hữu trí tuệ (IP), bản quyền được công nhận theo Công ước Berne, theo luật pháp ở Mỹ "The 1961 Report of the Register of Copyrights on the General Revision of the US Copyright Law" và "Section 107 of the Copyright Act", hoặc theo Đạo luật Bản quyền năm 1968, ở Úc.

Đạo luật này ở Úc đã được áp dụng đối với sản phẩm gồm các công trình như công trình văn học, kịch bản, tác phẩm âm nhạc; và các công trình nghệ thuật; và chủ đề khác như: phim ảnh, ghi âm, chương trình phát sóng, và các phiên bản khác.

Bản quyền của một tác phẩm được luật pháp bảo vệ qua việc cấm người khác sao chép (reproduce), phỏng tác (adapt), phiên dịch (translate), phân phối (distribute), trình diễn (perform), hoặc hiển thị (display) các tác phẩm ấy trong công chúng nếu không có sự cho phép của người sở đắc bản quyền (rights holders).

Tác giả không cần nêu Bản quyền qua các dấu như Copyright, ©, hoặc “dấu nước” (watermark) mà chỉ cần lưu trữ hồ sơ để làm bằng chứng.

Phân biệt Bản quyền với “Của chung” (public domain)

1. Theo định nghĩa,“của chung” (“public domain”) bao gồm các tác phẩm không được - hoặc không đủ điều kiện để được - bảo vệ về tác quyền, hoặc các tác phẩm với bản quyền đã hết hạn sau khi đăng ký.

2. Các loại tác phẩm không được luật liên bang US bảo vệ bản quyền gồm:

-Ý tưởng và sự kiện;

-Tác phẩm với quyền tác giả đã hết hạn;

-Công trình (works) liên quan đến đạo luật cũ về tác quyền mà không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ quyền tác giả, nghĩa là, thông báo, đăng ký, và yêu cầu đổi mới;

-Công trình (works) của Chính phủ Mỹ (dự án bằng văn bản của tác giả phi chính phủ với sự tài trợ của liên bang có thể bảo vệ bản quyền);

-Các nguyên tắc khoa học, định lý toán học, công thức, quy luật tự nhiên;

-Phương pháp nghiên cứu khoa học và phương pháp nghiên cứu khác, thống kê kỹ thuật và quy trình giáo dục;

-Luật, quy định, ý kiến tư pháp, tài liệu của chính phủ và báo cáo lập pháp;

-Từ ngữ, tên, số, ký hiệu, dấu hiệu, quy tắc văn phạm và ngữ pháp, và chấm câu.

Cách minh định Bản quyền tại Hoa Kỳ căn cứ vào thời gian:

1. Xuất bản trước 1923
: Tác phẩm được xuất bản tại Hoa Kỳ trước năm 1923, được xem là thuộc về “của chung” (“public domain”).

2. Xuất bản giữa năm 1923 và 01 tháng ba 1989: Các tác phẩm xuất bản từ năm 1923 và 01 tháng ba 1989 được phân định tùy theo một số thủ tục pháp lý nhất định đã được thực hiện hay chưa; chẳng hạn như cung cấp một thông báo (notice) về quyền tác giả trên tác phẩm hoặc tái tục bản quyền cho một thời hạn theo luật định. Cụ thể là:
a) Xuất bản giữa 1923 và 1978 mà không hề thông báo: Tác phẩm được xuất bản tại Hoa Kỳ giữa năm 1923 và 1978 mà không hề thông báo, được xem là “của chung” (public domain). Trái lại, nếu có thông báo, các tác phẩm xuất bản trong thời gian vừa nêu được bảo vệ trong 95 năm kể từ ngày xuât bản.

b) Xuất bản giữa năm 1978 và 01 tháng ba 1989 mà không thông báo (notice) và đăng ký (registration): Tác phẩm được xuất bản tại Hoa Kỳ giữa năm 1978 và 1 tháng 3 năm 1989 mà không hề thông báo và đăng ký sẽ bị xếp vào “của chung” (“public domain”). Nếu tác phẩm xuất bản trong thời gian này chỉ có một thông báo (notice), nhưng không đăng ký (registration), tác phẩm đó sẽ được bảo vệ trong 70 năm kể từ ngày tác giả qua đời.

c) Xuất bản giữa 1923 và 1963: Tác phẩm được xuất bản tại Hoa Kỳ giữa năm 1923 và 1963 với thông báo, nhưng bản quyền không được gia hạn, sẽ bị xếp vào “của chung” (“public domain”).

3. Sau 1 Tháng Ba, 1989, tất cả các tác phẩm (đã và chưa xuất bản - published and unpublished) đều được bảo vệ trong 70 năm kể từ ngày tác giả chết. Riêng đối với tác phẩm thực hiện qua sự thuê mướn của một công ty, thời hạn tối đa của bản quyền là 95 năm từ ngày xuất bản, hoặc 120 năm từ sau khi sáng tác.

Ứng dụng của sự phân biệt vừa nêu:

1. Không cần có sự cho phép cần thiết để sao chép hoặc sử dụng “của chung” - “public domain.”

2. “Của chung” - “public domain” có thể dùng làm nền tảng cho tác phẩm mới được sáng tạo và có thể được trích dẫn rộng rãi. “Của chung” - “public domain” cũng có thể được sao chép và phân phối cho các lớp học hoặc đăng trên các trang web mà không cần trả tiền nhuận bút.

3. Tất cả các bài vở, âm thanh, hình ảnh trên mạng không hẳn là “của chung” - “public domain”, dù có hay không có dấu chỉ Copyright, ©, hoặc “dấu nước” (watermark).

Phân biệt Bản quyền với "sử dụng hợp lý" - “fair use”

Bản quyền có một số giới hạn trong các phần (section) 107 đến 118 của luật bản quyền (Tiêu đề 17, Bộ luật Hoa Kỳ - title 17, U. S. Code).

Một trong những hạn chế quan trọng là sự cho phép “sử dụng hợp lý" (“fair use”). Tuy nhiên, cách tốt nhất để tránh vi phạm tác quyền là sự xin phép tác giả (hay nhà xuất bản) trước khi sử dụng một tài liệu (material) có bản quyền. Điều này càng đáng được lưu ý là vì chính Văn phòng Bản quyền tác giả (The Copyright Office) tại Mỹ cũng không thể cung cấp sự cho phép này, và việc người dùng xác nhận nguồn gốc - bằng cách nêu “Source” của tài liệu có bản quyền - cũng không thể thay thế sự cho phép của chính tác giả (hoặc nhà xuất bản). Nếu việc xin phép tác giả (hay nhà xuất bản) không thể thực hiện được thì nên tránh sử dụng tài liệu có bản quyền.

Mặt khác, khi có tranh chấp về tác quyền, nêu lý do "sử dụng hợp lý" (“fair use”) để biện hộ (defense) cho cách dùng tác phẩm cũng không phải là thượng sách.
Phần (section) 107 của Bộ luật bản quyền dù có nêu danh sách các mục đích khác nhau mà sự trích sao của một công trình cụ thể có thể được xem là hợp lý, ví dụ như chỉ trích, bình luận, báo cáo tin tức, giảng dạy, học bổng, và nghiên cứu. Phần (section) 107 cũng có đưa ra bốn yếu tố để xác định một sử dụng có “hợp lý” - “fair” hay không:

1. Mục đích và tính chất việc sử dụng, bao gồm cả việc sử dụng có tính chất thương mại hoặc là cho các mục đích giáo dục phi lợi nhuận;

2. Tính chất của chính tác phẩm có bản quyền;

3. Số lượng và thực chất của phần được đem sử dụng đối với toàn bộ tác phẩm có bản quyền;

4. Ảnh hưởng của việc sử dụng đối với tiềm năng thị trường, tiềm năng, hoặc giá trị thực của tác phẩm được tác quyền.

Dù vậy, sự khác biệt giữa việc "sử dụng hợp lý" (“fair use”) và sự vi phạm tác quyền vẫn có thể không rõ ràng và khó xác định. Khi đem trích dùng, rất khó biết chắc về số luợng chữ, số hàng chữ, hoặc số ghi chú - cần (hoặc không cần) sự cho phép của tác giả. Ngay cả Văn phòng Bản quyền tác giả (The Copyright Office) tại Hoa Kỳ cũng không thể xác định tính "sử dụng hợp lý" và cũng không nhận tư vấn về các vi phạm tác quyền. Do đó, nếu có nghi ngờ về tác quyền, việc tham khảo ý kiến luật sư là thượng sách vì sẽ ít tốn kém hơn việc tranh tụng về bản quyền.

Tóm lại, về việc trọng bản quyền và tránh trang tụng, cần nắm chặt hai điểm trên và chú tâm vào một điểm dưới - "sử dụng hợp lý" (“fair use”). Nếu có nghi ngờ, xin nhớ đến 3A: Ask Attorney, don’t Assume.

Bài viết này chỉ là một đóng góp nhỏ vào ‘của chung’ (public domain)

N. NGUYEN

References:

<https://www.universityofcalifornia.edu/copyright/publicdomain.html> (Accessed 26 Mar 2011)

<https://www.copyright.gov/fls/fl102.html> (Accessed 26 Mar 2011)
Fact Sheet - fl-102: Library of Congress · U. S. Copyright Office · 101 Independence Ave SE · Washington, DC 20559-6000

<https://www.austlii.edu.au/au/legis/cth/consol_act/ca1968133/> (Accessed 26 Mar 2011)

<https://www.copyright.gov/circs/circ03.pdf> (Accessed 26 Mar 2011)

<https://www.librarycopyright.net/wordpress/punbb/viewtopic.php?id=1672> (Accessed 26 Mar 2011)
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Images Source
Bän quyŠn hay