Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
|
Họa đồ triệu chứng bệnh Shingles (Herpes Zoster) |
|
|
Siêu vi khuẩn Herpes Zoster |
|
|
Mụn lở vùng hàm mặt |
|
|
Shingles vùng bụng |
|
|
Shingles vùng mắt |
|
|
Shingles ở lưng |
|
|
Một trường hợp nặng |
|
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
Năm trước, hãng thuốc Merck hãnh diện công bố thuốc chích Zostavax họ chế để ngừa bệnh shingles, dùng cho người 60 tuổi trở lên. Nay Medicare vừa cho các vị 65 trở lên dùng thuốc.
Bệnh shingles (phát âm “shing-gơlz”), còn có tên herpes zoster (tiếng Việt, có người gọi bệnh zona, bệnh giời ăn), là một bệnh da hay xảy ra. Riêng tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Tật bệnh (CDC) ước lượng mỗi năm có khoảng 600.000 đến 1 triệu trường hợp bệnh shingles. Bệnh đặc biệt chỉ tấn công một vùng da của cơ thể phụ trách bởi một dây thần kinh cảm giác.
Trong suốt cuộc đời, shingles sẽ đến thăm 10-20% chúng ta. Trẻ không tha, già không thương, nó đến thăm cả trẻ lẫn già, song càng lớn tuổi, ta càng dễ bị nó. Trẻ em dưới 2 tháng nếu nổi trái rạ, sau dễ bị shingles hơn các trẻ khác. Vì hai bệnh trái rạ và shingles gây do cùng một loại siêu vi trùng (virus).
Siêu vi trùng này tai quái lắm. Ở người nổi trái rạ (hay “thủy đậu”, tên Mỹ: “chickenpox”, “varicella”), khi bệnh khỏi, các siêu vi trùng gây bệnh không chịu ra khỏi cơ thể người bệnh. Chúng theo những thần kinh dẫn truyền cảm giác dưới da (cutaneous nerves), đi ngược vào các hạch thần kinh nằm phía sau cột sống. Chúng ẩn thân, chờ thời tại các hậu cứ này. Một lúc nào đó, lại rủ nhau dạo chơi, đi dọc theo thần kinh dẫn truyền cảm giác ra ngoài da, gây một hình thức bệnh khác gọi là “shingles”, tạo những bọc nho nhỏ mọng nước, rất đau ở một bên đầu, một bên thân, một bên tay hay chân. Đặt tên Việt cho shingles là bệnh “giời cắn” dễ hiểu hơn chăng?
Như vậy, shingles gây do các siêu vi trùng trái rạ, từ các hạch thần kinh trong cơ thể người trước từng nổi trái rạ, ra ngoài da dạo chơi (có khi 2-3 lần trong suốt cuộc đời người bệnh). Thế nên, siêu vi trùng gây bệnh được đặt tên “varicella zoster virus”, vừa gây bệnh trái rạ (varicella), vừa gây bệnh “giời cắn” (shingles hay herpes zoster). Bệnh hiếm khi lây trực tiếp từ người bệnh sang người khác.
Các vị có tuổi hay bị shingles hơn người trẻ, do cơ chế kháng cự (immunologic function) của cơ thể ta giảm dần theo tuổi tác, không đủ sức cản trở, ngăn cấm những siêu vi trùng trái rạ từ các hạch thần kinh, ra dạo chơi ngoài da. So với người trẻ, các vị có tuổi cũng hay đau lâu hơn, sau khi các vết shingles trên da đã lành.
Triệu chứng
Shingles thường diễn tiến qua 2 giai đoạn:
1. Giai đoạn trước khi nổi mụn (preeruptive phase):
4-5 ngày trước khi trên da xuất hiện những mụn gây do shingles, bạn thấy đau, ngứa, hoặc có cảm giác như phỏng ở chỗ sắp xuất hiện những mụn shingles.
Có khi bạn đau dữ lắm, khiến bác sĩ ngỡ bạn bị những bệnh nguy hiểm như viêm màng phổi (pleurisy), chết cơ tim cấp tính (myocardial infarction, nôm na là heart attack), nhức đầu một bên migraine (migraine headache), hoặc các bệnh nguy hiểm trong bụng. Cho đến lúc những vết shingles xuất hiện, bác sĩ mới thở phào nhẹ nhõm, xoa tay: “À, shingles.”
Trong giai đoạn “đau mà chưa thấy kẻ thù,” bị cắn đến chẩy nước mắt, nếu bạn tả kỹ vùng đang đau, may ra bác sĩ sẽ nghĩ đến shingles.
Từ tủy sống (spinal cord) nằm phía sau cột xương sống (spine), tỏa ra một hệ thống thần kinh cảm giác đi khắp cơ thể, song song với hệ thống thần kinh vận động. Hệ thần kinh vận động điều khiển sự hoạt động của các bắp thịt và nhiều cơ quan. Còn hệ thần kinh cảm giác có nhiệm vụ dẫn truyền cảm giác từ các cơ quan về tủy sống (rồi từ tủy sống, sẽ có những thần kinh khác tiếp nối, dẫn truyền cảm giác lên óc). Hai hệ thống thần kinh cảm giác và vận động làm việc phối hợp, nhịp nhàng.
Các thần kinh cảm giác của da chia nhau phụ trách việc dẫn truyền cảm giác từ da về tủy sống. Khi siêu vi trùng shingles ra dạo chơi ngoài da, chúng đi từng đàn theo sợi thần kinh cảm giác (vừa đi vừa gặm sợi thần kinh nên gây đau), do đó, sẽ chỉ gây bệnh ở vùng da do thần kinh cảm giác đó phụ trách. Bệnh xảy ra ở một bên người: một bên đầu, một bên mặt, một bên thân người, hoặc một tay hay chân, rất hiếm khi ở cả hai bên người.
Cùng với cái đau trong giai đoạn “bị cắn nhưng chưa thấy ông giời đâu cả,” có khi bạn cũng nóng sốt, nhức đầu, uể oải, nổi hạch ở gần vùng đau. Khi các triệu chứng nóng sốt, nhức đầu, uể oải, nổi hạch giảm dần, những bọc mọng nước nho nhỏ của shingles bắt đầu xuất hiện.
Giai đoạn “đau mà chưa thấy kẻ thù, bị cắn nhưng chưa thấy ông giời đâu cả” có thể không xảy ra, nhất là ở trẻ con.
2. Giai đoạn nổi mụn (eruptive phase):
4-5 ngày sau khi bạn bắt đầu cảm thấy đau, “giời” bỗng xuất hiện. Vùng đau trở nên đỏ, sưng. Trên một nền đỏ, sưng như vậy, nổi những bọc mọng nước, to nhỏ khác nhau. Nước trong các mụn này, đầu tiên trong, nhưng đục dần trong vòng 3-4 ngày. Các bọc nước quây quần, tụ tập với nhau thành từng nhóm, tiếp tục xuất hiện cho đến 7 ngày sau. Rồi chúng bể vỡ, đóng vẩy, lành dần. Các vẩy rụng đi trong vòng 2-3 tuần khi căn bệnh rút lui.
Nếu chỉ có vậy, vài tuần sau, câu chuyện bạn bị shingles đã thuộc về quá khứ. Ở nhiều người, nhất là các vị có tuổi, hoặc các vị yếu sẵn vì bệnh tật, shingles ác hiểm hơn, tạo không ít khổ đau cho họ. Những chỗ da sưng, đỏ vì shingles rộng lớn hơn, với nhiều bọc mọng nước hơn, dễ bể thành những bọc máu. Da chỗ có shingles chết đi (skin necrosis), và có thể nhiễm trùng, mưng mủ. Da có lành, cũng đầy thẹo.
Bệnh “giời cắn” shingles hay cắn mình ta: ở một bên lưng chạy vòng ra phía trước ngực hoặc bụng (theo đường dây thần kinh cảm giác, phát xuất từ tủy sống phía sau cột sống, chạy vòng ra phía trước), y như bệnh trái rạ cho nhiều vết trái rạ ở mình hơn ở tay chân. Nhưng, trong nhiều trường hợp, shingles không thích cắn ở mình, mà cắn một bên đầu hoặc một bên mặt. Ngại nhất là khi nó cắn vùng trán, và mũi gần mắt. Vì nó có thể bò cả vào mắt, cắn nát các màng bao phủ mắt, gây mù. Người ta nhận thấy khi một bên mũi hay chót mũi có những vết thương gây do shingles, shingles thường tạo những tổn thương nặng nhất cho mắt.
Tại mặt, có dây thần kinh mặt (thần kinh số 7) gồm hai nhánh: nhánh cảm giác dẫn truyền cảm giác từ mặt về óc, nhánh vận động điều khiển các bắp thịt mặt. Có khi, siêu vi trùng shingles, tấn công nhánh cảm giác gây mất vị giác ở hai phần ba phía trước lưỡi, thừa thắng xông lên, tấn công luôn cả nhánh vận động của dây thần kinh mặt, làm liệt các bắp thịt một bên mặt (Ramsay Hunt’s syndrome). Người bệnh mắt khép không kín, khi cười, nụ cười không tròn. Trong đa số các trường hợp, sau vài tuần hay vài tháng, mặt sẽ trở lại bình thường.
Shingles, nếu cắn vùng bụng dưới và háng (sacral zoster), ngoài cái đau, còn có thể gây khó hoặc bí tiểu.
Biến chứng
1. Đau lâu (postherpetic neuralgia):
Biến chứng đau lâu khiến nhiều người khổ sở nhất. Cao tuổi, dễ bị shingles, lúc căn bệnh bỏ đi rồi, các mụn shingles đã lành mặt, người có tuổi cũng hay đau lâu, nhiều tuần, tháng, năm sau đó.
Người trẻ dưới 30 tuổi ít khi đau lâu do shingles. Ở tuổi 40, một phần ba số người bệnh đau hơn 1 tháng sau khi shingles đến viếng. Lên đến tuổi 70, 74% (ba phần tư) số người bệnh vẫn còn đau sau 1 tháng. Bệnh shingles trên mặt dễ gây đau lâu, và đau hơn là bệnh shingles ở những chỗ khác. Cơ chế gây đau lâu do shingles chưa được biết rõ.
Có vị hàng tháng, hàng năm sau vẫn đau dữ lắm, ngay tại vùng trước bị shingles. Đau dữ dội (severe), đau không ngớt (intractable), đau phát mệt (exhausting). Đau mất cả ngủ, ngủ được vài tiếng, lại bị những cơn đau như dao đâm, điện xẹt đánh thức dậy. Có người tuyệt vọng, đi đến tự tử, nếu không được an ủi và khuyến khích.
Lắm khi bác sĩ phải dùng đến thuốc giảm đau có chứa chất nha phiến (Tylenol số 2, số 3, Vicodin, Percocet, Percodan...) giúp người bệnh bớt đau. Các thuốc thuộc nhóm chống sầu buồn (antidepressants, như Elavil, Pamelor, Tofranil, Norpramin), và nhóm chống kinh giật (anticonvulsants, như Dilantin, Tegretol, Neurontin), dùng với lượng thấp, có thể phụ giúp giảm đau. Kem thoa Zostrix chứa chất capsicin, giúp đa số người bệnh bớt đau khổ rất nhiều, sau 4 tuần thoa thuốc đều (thoa 3-5 lần mỗi ngày, mua không cần toa bác sĩ). Miếng dán chứa chất lidocaine (lidocaine patches) cũng giúp bớt đau tạm thời được 4 đến 12 tiếng.
Thỉnh thoảng, có trường hợp người bệnh đau quá, mất ăn mất ngủ, thuốc uống, thuốc thoa đều không kết quả, phải nhờ đến bác sĩ giải phẫu thần kinh (neurosurgeon) mổ, để tách xẻ những sợi thần kinh gây đau.
Người đau lâu vì shingles, rất cần những nâng đỡ về tinh thần (emotional support), ít ra cũng vài tháng.
2. Yếu bắp thịt (muscle weakness):
5-12% số người bị shingles yếu các bắp thịt vùng có vết shingles. Do các siêu vi trùng shingles, từ sợi thần kinh cảm giác, chồm sang các dây thần kinh vận động gần đấy, làm tổn thương luôn các thần kinh này. Các dây thần kinh vận động này điều khiển sự hoạt động của các bắp thịt vùng đau, nên khi chúng thương tổn, các bắp thịt đó tất nhiên sẽ yếu. Như trường hợp liệt nhánh vận động của dây thần kinh mặt ta đã biết ở một đoạn trên.
Cũng may, sự yếu liệt ấy thường tạm thời, và trong 75% (ba phần tư) các trường hợp, các bắp thịt yếu liệt sẽ hồi phục lại như trước. Quí vị cao niên, trong khoảng tuổi 60-80, hay có biến chứng này. Shingles tấn công trên mặt hay gây biến chứng yếu bắp thịt hơn ở các vùng khác của cơ thể.
3. Chết da, nhiễm vi trùng, và gây thẹo:
Chúng ta đã biết, ở một số người không may, nhất là các vị lớn tuổi, shingles có thể rất nặng. Nó làm chết chỗ da nó gặm, khiến các vi trùng (bacteria) sinh sống quanh đó, nhảy vào ăn có, tạo những vết loét có mủ. Khi lành, chỗ da làm độc do vi trùng mang thẹo rất xấu. Có thẹo rất lớn. Nếu ở cổ, thẹo có thể làm da mất tính mềm mại, co dãn, khiến cổ khó xoay trở, cần đến giải phẫu lóc bớt thẹo.
“Da làm độc vì vi trùng? Lo gì, bác sĩ, lúc nào nhà tôi chẳng có sẵn “Ampi”. Bị gì tôi cũng đem nó ra dùng.” Thưa bạn, đa số các vi trùng, nhất là các vi trùng ngoài da đã cười khinh Ampicillin từ lâu. Phải dùng các trụ sinh như Erythromycin, Dicloxacillin, Keflex, Duracef... mới trị được bọn chúng. Nhưng trước khi dùng trụ sinh, bác sĩ sẽ cẩn thận lấy chút mủ ở nơi làm độc đem cấy trùng, xem đích thị vi trùng nào là đứa thừa nước đục thả câu gây loạn. Để nếu sau vài ngày, trụ sinh đang dùng không kiểm soát được tình thế, ta sẽ đổi trụ sinh khác cho thích ứng.
4. Sưng óc (encephalitits):
Sưng óc là một biến chứng rất nặng, nếu xảy ra, sẽ xảy ra trong vòng 2 tuần kể từ lúc có các vết shingles xuất hiện trên da.
Những trường hợp dễ đưa đến sưng óc khi bị shingles: shingles tấn công trên mặt, vùng phụ trách bởi dây thần kinh số 5 (trigeminal nerve), người yếu sẵn (đang mang bệnh AIDS, bệnh ung thư, đang dùng thuốc làm giảm sức đề kháng của cơ thể).
Tử vong gây do sưng óc vì shingles: 10-20% (cứ 100 người, đến 10-20 người chết). Đa số những người sống sót sẽ hồi phục hoàn toàn.
Chữa trị
1. Thuốc Zovirax:
Thuốc Zovirax, dùng sớm trong vòng 72 tiếng khi mới bắt đầu có những mụn shingles trên da, sẽ nhanh chóng làm giảm đau, ngăn chặn các mụn xuất hiện nhiều thêm, đồng thời khiến những mụn đã xuất hiện mau lành. Ở người lớn, lượng thuốc là 800 mg ngày uống 5 lần, dùng 5 đến 7 ngày. Khi dùng thuốc, nên uống nhiều nước.
Thuốc Zovirax rất đắt, nên trong những trường hợp shingles nhẹ, có lẽ ta không phải dùng đến nó. Nhưng với những vị đang yếu sẵn vì bệnh, tuổi tác, người có sức đề kháng cơ thể suy giảm (immunosuppressed), có những mụn shingles xuất hiện trên một vùng rộng lớn, ta nên dùng Zovirax để chữa. Người có những mụn shingles ở trán và mũi gần mắt, có thể shingles tấn công luôn cả mắt, cũng cần được chữa với thuốc Zovirax. Trường hợp này, người bệnh cũng nên được gửi đi xem bác sĩ chuyên khoa mắt (ophthalmologist) để xem mắt tổn thương chưa, có cần được chữa thêm với thuốc nhỏ mắt chứa chất diệt siêu vi trùng shingles hay không.
Thuốc Zovirax chữa đau cấp thời gây do shingles, song có ngăn ngừa được cái đau kéo dài sau này, khi shingles đã bỏ đi hay không, việc này còn đang trong vòng nghiên cứu.
Gần đây, hai thuốc mới Famvir, Valtrex cũng hữu hiệu không kém Zovirax, lại tiện hơn, chỉ uống 3 lần một ngày. Có điều, chúng đắt hơn Zovirax.
2. Thuốc steroid:
Ở Mỹ, thuốc steroid hay được dùng là Prednisone, do Prednisone ít độc hơn các thuốc steroid khác, lại dễ dùng.
Thuốc steroid cũng có tác dụng làm giảm đau trong giai đoạn shingles cấp tính. May ra, thuốc còn ngừa được cái đau kéo dài sau này, tuy điều này chưa ai dám quyết. Có lẽ nên dùng thuốc steroid cho các vị trên 50 tuổi, vì các vị ấy hay đau lâu hơn người trẻ. Quyết định dùng thuốc steroid, ta nên dùng sớm, khi các mụn shingles mới xuất hiện, và dùng lâu đủ trong 3 tuần.
Ngoài ra, các thuốc chống đau cũng cần được dùng để chữa đau khi bị shingles. Một số trường hợp, bác sĩ chích thuốc tê vào những vùng đau, hoặc vào những hạch thần kinh (stellate ganglion block), có khi vào cả màng epidural của cột sống (epidural block) để giúp người bệnh bớt đau.
Bệnh shingles hay xảy ra, lại kinh thế, liệu có ngừa được không? Một tài liệu cho biết, những người chưa từng nổi trái rạ, tức chưa bao giờ nhiễm siêu vi “varicella zoster”, nếu chích ngừa trái rạ, sau sẽ ít bị shingles hơn người trước đã nổi trái rạ. Thành thử, đây là một cách tốt để ngừa trái rạ, và cả shingles sau này. Nay chúng ta có thêm thuốc Zostavax dùng cho các vị 60 tuổi trở lên, có thể ngừa shingles, hoặc bệnh nếu vẫn xảy ra, cũng nhẹ hơn. Thuốc đắt, nhưng may, Medicare vừa cho các vị 65 tuổi trở lên dùng thuốc.