Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Duy Anh
(Lưu ý: Bài viết này chỉ có tính cách thông tin, không nhằm mục đích quảng cáo cho bất cứ một dịch vụ tài chánh nào cả. Bất cứ ai sử dụng thông tin này có bị thua lỗ, tác giả hoàn toàn không chịu trách nhiệm!)
Ý tưởng đầu tư này bắt nguồn từ kỷ niệm ngày xưa mẹ tôi xây chuồng nuôi gà tại nhà. Mỗi tuần bà mua vào một lứa gà con và bán ra một lứa gà thịt đều đặn hàng năm trời cho đến một ngày đàn gà bị dịch và chết toi hết. Tuy thất bại nhưng mẹ tôi đã gây cho tôi một ấn tượng tôi còn nhớ mãi về một phương án làm ăn đặc sắc, đầu vào là một bầy gà con và đầu ra là một lứa gà trưởng thành, trừ đi các chi phí thức ăn, vẫn còn một khoản lợi nhuận đáng kể.
Kỷ niệm thời thơ ấu này đã giúp tôi phát triển thành một phương án đầu tư tài chánh gọi là "nuôi gà lứa" dựa vào một số yếu tố cần thiết như: (1) giá trị thời gian của tiền (time value of money), (2) hoãn thuế (tax-deferred), (3) chia đều phí tổn đồng đô la (dollar cost averaging), và (4) đa dạng hoá đầu tư (diversification).
Giá trị thời gian của đồng tiền (time value of money)
Thời gian là tiền bạc. Câu châm ngôn này rất đúng trong kinh tế tài chánh và đồng tiền ngày hôm nay luôn luôn có giá trị hơn đồng tiền trong tương lai nhờ yếu tố lãi suất. Lãi suất có nhiều loại tùy vào sự rủi ro nhưng có hai loại lãi suất đáng chú ý là lãi suất không rủi ro (risk-free interest rate) và lãi suất thị trường (market interest rate). Lãi suất không rủi ro dựa vào lãi suất của Công khố phiếu US (US Treasury bond, hiện nay vào khoảng 4.5%). Đây là lãi suất tối thiểu đồng tiền sẽ mang lại mà hoàn toàn không rủi ro nhờ có sự bảo đảm của chính phủ Mỹ.
Lãi suất thị trường rất đa dạng và tùy thuộc vào từng ngành nghề kinh doanh, tuy nhiên khi làm phương án tài chánh, một loại lãi suất thị trường trung bình được áp dụng, cao hơn lãi suất không rủi ro nhưng không quá cao như đối với các lãi suất khác, chẳng hạn như của thẻ tín dụng. Lãi suất thị trường thường dùng để tính toán lợi ích kinh tế (economic profit) của các dự án.
Công thức tính toán giá trị thời gian của đồng tiền là:
PV = FV / (1+i)^n
Trong đó:
PV = Present value (giá trị hiện nay)
FV = Future value (giá trị tương lai)
i = lãi suất
n = số thời kỳ
Bây giờ thử áp dụng vài con số vào công thức kể trên. Chẳng hạn $500 PV sẽ thành bao nhiêu trong 20 năm nữa với một lãi suất thị trường là 10%?
$500 = FV / (1 + 0.1)^20
FV = $500 x (1+0.1)^20 = $3,363
Ích lợi của yếu tố hoãn thuế
Hoãn thuế là một yếu tố hết sức cần thiết cho công việc đầu tư lâu dài. Lấy ví dụ trên nếu hàng năm một người đầu tư phải đóng thuế 30% trên tỉ lệ 10% lãi suất kiếm được, con số lãi suất thực tế sẽ chỉ còn là 7% và con số FV chỉ còn là:
FV = $500(1+0.07)^20 = $1,934 tức là kém đi hẳn:
$3,363 - $1,934 = $1,429 hay 42%. Thời gian càng lâu thì khoảng cách thiệt thòi càng xa.
Ích lợi của sự chia đều phí tổn đồng đô la (dollar cost averaging DCA)
Khi đầu tư vào cổ phiếu Thị Trường Chứng Khoán (TTCK), dù là một cổ phiếu được đánh giá là rất tốt và an toàn, người đầu tư thường gặp cái nhức đầu là giá cổ phiếu có thể bị giảm sút (dù là tạm thời) khiến có thể phải chịu lỗ trên giấy tờ (paper loss) hay lỗ thật (realized loss) nếu nản chí bán đi.
Một trong những phương án vượt qua trở ngại này là chia đều theo từng thời kỳ từng tuần hay từng tháng khoản tiền đầu tư để chia đều các phí tổn đầu tư và tận dụng được những lúc giá cả bị giảm sút.
Ví dụ:
Một người đầu tư bỏ ra $600 để mua 100 cổ phiếu của công ty ABC vào đầu năm với giá $6/cổ phiếu. Trong năm, giá cổ phiếu có lúc xuống tới $3 nhưng đến cuối năm, giá cổ phiếu này trở lại $6. Người đầu tư này coi như huề vốn.
Tuy nhiên, nếu người này chia đều $600 thành 12 món tiền nhỏ là $50 và đầu tư mỗi tháng thì có thể cùng một số tiền mà mua được nhiều cổ phiếu hơn lúc giá đang xuống. Rốt cuộc thì khi cuối năm giá cổ phiếu trở lại $6 thì đã có lời rồi.
Xem bảng thí dụ tại đây
Như vậy, nhờ chia đều phí tổn đồng đô la mà người thứ hai đã có lãi $174.99 hay 29%.
Điều trở ngại trong phương pháp này là thay vì giảm sút, giá cổ phiếu lại tăng lên trong năm để rồi cuối năm lại trở về $6 khiến người đầu tư bị lỗ. Cách giải quyết duy nhất là phải có khả năng đầu tư lâu dài vì nếu sự thực công ty tốt, trước sau gì giá cổ phiếu cũng vượt lên trên giá ban đầu là $6 và người đầu tư có thể chờ để bán lấy lãi (cash out profit) khi nào giá cao hơn $6.
DCA còn gây nhiều tranh cãi vì nhiều người cho rằng đã đầu tư lâu dài thì khi nào có sẵn tiền cứ việc đầu tư, không cần thiết phải chờ vì giá trị thời gian của đồng tiền sẽ không được tận dụng. Chẳng hạn một người đầu tư có một món tiền lớn sau khi bán một cái nhà, bây giờ chỉ đầu tư từng tháng một món tiền nhỏ và để phần còn lại nằm chết trong tài khoản ngân hàng thì không hợp lý.
Tuy nhiên phương pháp "đầu tư theo lối nuôi gà lứa" dựa vào trường hợp những người chỉ có khả năng dành dụm một số tiền nhỏ hàng tháng để đầu tư cho tương lai.
Đa dạng hóa đầu tư (Diversification)
Không bao giờ bỏ tất cả trứng trong một cái giỏ! (Never put all your eggs in one basket!). Câu châm ngôn bất hủ này luôn luôn đúng trong TTCK. Có những công ty lớn tưởng chừng như không bao giờ có thể bị phá sản như Enron, GM, Chysler, AOL, Salomon Brothers, Washington Mutual v.v... rốt cuộc cũng bị sập tiệm làm sạt nghiệp biết bao nhiêu nhà đầu tư.
Cách vượt trở ngại này là không bao giờ đầu tư lâu dài vào những công ty cá biệt, dù đó là AAPL hay GOOG! Cách đa dạng hóa hay nhất là đầu tư vào những cổ phiếu hay quỹ đầu tư (mutual funds) có tính cách tượng trưng cho các chỉ số như Dow Jones, S&P 500, Nasdaq composite hay có nhiều rủi ro lắm là những ETF (Exchanged-traded fund) như Nasdaq 100. Lịch sử đã chứng minh là với thời gian dài từ 12 năm trở lên, những chỉ số TTCK luôn luôn vượt qua mức độ đạt được trong 12 năm trước đó.
Đầu tư vào đâu hội đủ các yếu tố kể trên?
Chúng ta có một số chọn lựa có thể hội đủ 4 yếu tố kể trên:
1. Về tỉ lệ lãi suất hàng năm lâu dài trên dưới 10%: Những quỹ đầu tư chỉ số (index mutual funds) như Fidelity Spartan 500, Fidelity Spartan Total Market Fund, Vanguard S&P500... đều có nhiều khả năng đạt được những mức lời trung bình nhưng vậy.
2. Về yếu tố hoãn thuế: Vì trong suốt thời gian dài đầu tư, chúng ta không bán những cổ phiếu của các quỹ đầu tư này nên không phải khai thuế, ngoại trừ một số thuế rất nhỏ vì nhận cổ tức (dividends). Số cổ tức này sẽ được tái đầu tư nên khả năng lãi suất có thể cao hơn thực tế tuy không nhiều lắm.
3. Về yếu tố DCA. Mỗi tháng chúng ta có thể ấn định một số tiền nhất định lấy thẳng từ trong tài khoản ngân hàng. Số tiền này có thể thay đổi tùy khả năng mỗi người.
4. Về yếu tố đa dạng hóa đầu tư. Những mutual funds kể trên theo sát những chỉ số chung của TTCK và đầu tư vào một số lớn các công ty nên khả năng bị mất trắng không bao giờ xảy ra.
Giải thích về phương pháp "Đầu Tư Theo Lối Nuôi Gà Từng Lứa" (The CFS explained)
Đại cương
CFS thích hợp cho những người với thu nhập vừa phải, có thể để dành được mỗi tháng những món tiền tương đối không nhiều để dành khi về hưu, trang trải những phí tổn cho con cái khi lên Đại học, hay sử dụng trong lúc khẩn cấp. Theo luật pháp, chúng ta đều có quyền để dành cho quỹ về hưu (retirement fund) hay quỹ học vấn (educational fund) cho con cái với những thuận lợi đặc biệt về thuế má, tuy nhiên số tiền cho phép thường bị hạn chế và điều kiện lấy ra có những sự bó buộc nhất định. Sau khi đã tận dụng những phương tiện này mà vẫn còn thừa một ngân khoản chưa biết để dành ở đâu, CFS là phương án tốt nhất trong trường hợp này.
Lấy ví dụ một người đầu tư có khả năng để dành được $400 mỗi tháng trong một thời gian 20 năm (240 kỳ) với lãi suất trung bình của thị trường 10%.
Món tiền $400 ban đầu sẽ trở thành: $400 (1+0.1/12)^240 = $2,931 sau 20 năm.
Trên lý thuyết, sau khi đầu tư đủ 20 năm, người đó sẽ có thể lấy ra mỗi tháng một số tiền là $2,521 mãi mãi (forever) sau khi tiếp tục bỏ vào lại hàng tháng $400. Thậm chí sau khi người này đã qua đời vẫn có thể để lại cho con cháu tiếp tục được hưởng món tiền này (một cách vô tận). Đây chính là nguyên tắc hoạt động của dạng bảo hiểm nhân thọ "whole life." Người thụ hưởng sau khi đóng đều dặn hàng tháng một số tiền nào đó, sau khi đạt được 15 hay 20 năm sau thì không cần phải đóng thêm nữa vì khoản lời hàng tháng thừa để đóng vào rồi.
Nếu trong trường hợp có chuyện khẩn cấp cần tiêu pha, người này đã có sẵn một số vốn khá lớn có thể sử dụng được ngay, hay tạm mượn ra của chính mình ra mà xài.
Trên nguyên tắc, đóng $400 hàng tháng sẽ mang lại một khối tiền là N:20x12; I/Y:0.1/12; PMT:400 ---> FV = $306,278. Vốn bỏ ra là $400 x 12 x 20 = $96,000.
Để tránh ảnh hưởng của lạm phát, số tiền đóng góp hàng tháng cần được điều chỉnh phù hợp với tỉ lệ lạm phát.
Trong trường hợp dành cho một quỹ học vấn riêng, ví dụ sau khi sinh một đứa con và dự trù ngân khoản cho con học đại học 18 năm sau, số tiền để dành có thể được coi như là một quỹ annuity có thể lên tới N:18x12; I/Y:0.1/12; PMT:400 ---> FV = $242,227 (so với số vốn bỏ ra là $400 x 12 x 18 = $86,400). Số tiền này chắc hẳn sẽ đủ để đài thọ cho đứa trẻ hoàn tất những chương trình đại học tại những trường danh tiếng nhất trên nước Mỹ!
Vấn đề "thu hoạch" (cash out) thành quả
Những ví dụ kể trên dựa trên tỉ lệ tăng trưởng của S&P 500 làm chuẩn và luôn luôn nằm yên ở 10%. Trên thực tế, chuyện này không bao giờ có vì có những năm S&P 500 bị lỗ là đàng khác. Tuy nhiên sẽ có những năm S&P 500 sẽ cao hơn 10% để bù trù lại.
Do đó, vấn đề thu hoạch thành quả, tức bán lứa gà thịt cũng phải tùy thuộc vào giá cả của thị trường. Theo CFS, khi bắt đầu thu hoạch chúng ta chỉ bán số lượng cổ phiếu đã mua vào lúc đầu tiên theo nguyên tắc FIFO (First In First out).
Trong những tháng TTCK bị giảm sút, số tiền bán được sẽ thấp hơn dự trù nhưng bù lại trong những tháng TTCK lên cao, số tiền thu được sẽ vượt trội. Bán thịt gà cũng vậy thôi, phải chịu ảnh hưởng của thị trường. Cũng có những phương pháp để "bảo đảm" (hedge) thành quả bằng cách sử dụng "trái phiếu nảy sinh" (derivatives) nhưng chúng tôi nghĩ rằng vấn đề này nằm ngoài phạm vi bài này.
Đối với quý vị "lão niên" đã hay sắp về hưu (trên dưới 60) thì phương pháp CFS không còn thích hợp nữa vì thời gian tối thiểu cần đầu tư phải là 12 năm trở lên, tối ưu là 30 năm mới phát huy hết hiệu quả được.
Ví dụ: món tiền $400 kể trên sau 30 năm có thể trở thành:
FV = $400(1+0.833)^360 = $7,935
Sau đây là bảng thống kê tỉ lệ tăng trưởng của TTCK (S&P 500) trải qua lịch sử từ lúc thành lập (1926) cho đến 2008.
Xem bảng tại đây
Chú ý: Năm 2008 là năm S&P 500 bị thiệt hại nặng nề nhất (39.3%) chỉ sau kỳ Đại Khủng Hoảng (1929-1931) mà tỉ lệ tăng trưởng trung bình trong 25 năm qua vẫn đạt được 9.61%.
Năm 2009 S&P 500 đã tăng mạnh 26.5% và năm nay 2010 đang lên 11.6%. Điều này chứng minh là mục tiêu đạt lãi suất trung bình trên dưới 10% trong một thời gian dài là khả thi.
Orange County, California Tháng 12/2010