Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Nguyễn Đức Liên
Đại-hội Y Giới năm 2010 tương đối thành công về tổ-chức học tập chuyên môn.
Khi nhìn về nội-dung thì đây là lần đầu, sau 23 năm lập Hội, người điều khiển có dụng ý cắt bỏ (phút mặc niệm) nghi thức tưởng nhớ các chiến sĩ vô danh. Phút Mặc Niệm nhắc nhở mọi lứa tuổi nhớ tới anh linh các chiến-sỹ quốc-gia, Dân và Quân, bao gồm cả Y Nha Dược Sĩ, nhân-viên y-tế đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Đất Nước.
Người chiến sĩ hiến dâng mạng sống, mưu cầu độc lập tự-do cho Tổ-quốc Việt Nam.
Tôi miên man lục lọi hình ảnh những anh hùng vị quốc vong thân, BS Đoàn Mạnh Hoạch, BS Trương Bá Hân, BS Đỗ Vinh, BS Nghiêm Sỹ Tuấn, DS Trần Mạnh Anh, BS Thái Văn Châu, KS Y-tế Nguyễn Xuân Trường, HQ Thiếu Tá Ngụy Văn Thà, hạm trưởng và 58 thủy thủ thuộc cấp HQ10... các bậc Thầy: GS Trần Quang Đệ, Nguyễn Hữu, Nguyễn Văn Hồng; biết bao vị Đàn Anh khả ái: GS Trần Anh, Nguyễn Ngọc Huy, Đinh Văn Tùng, Trần Văn Bảng, Cao Xuân An, Vũ Ngọc Hoàn, Văn Văn Của, ...rồi lại thấy các Đồng-nghiệp, Bằng-hữu tuổi đời già hơn hay trẻ hơn, đã dầy công tôi rèn đào tạo các chuyên gia Y Nha Dược cho trở thành Người Hữu Ích, hoặc từng gắn bó, hỗ trợ chỉ dẫn chúng tôi trên bước đường phụng sự Chánh-nghĩa, phục vụ Tổ-quốc và Đồng-loại, ... Sao hôm nay, khi không, hình ảnh, anh linh Quí Vị trông ra chiều nhạt nhòa, mờ ảo; vóc dáng gầy gò, sương khói lung linh; hùng khí hiên ngang trở nên xanh xao, thinh lặng?
Quí Vị buồn bởi vì hậu duệ lãng quên, hay vì Dân Tộc ta vẫn bần cùng, lạc hậu dưới tay chế-độ thống trị vô-tổ-quốc mặc cho hy sinh vời vợi của hàng triệu Chiến-sĩ Vô-danh!
Lớp Hậu Duệ Mỏi Mòn.
Tôi tham khảo vấn đề với ít đồng nghiệp trẻ, cảm tưởng của bạn thế nào ? có nên bỏ phút mặc niệm không ? tiếng đàn gió nghĩa lý ra sao mà cứ mỗi lần hội họp đông đảo không khi nào bỏ sót điệu kèn phút mặc niệm; chỉ mới lần này?
Một bạn trẻ đặt ngược câu hỏi cho tôi: Bác có nghĩ tiếng kèn buồn quá chăng? - Tất nhiên, tiết điệu Hồn Tử Sĩ vốn dĩ là một bản nhạc buồn.
Ý kiến khác: hay người tổ chức sợ đại hội dính vô chánh trị? - Không lẽ phi chánh trị cả với Người Chiến Sĩ Vô Danh đã hiến dâng thân xác trên chặng đường chánh nghĩa?
Nhiều người bất bình: "ai cho phép quên phút mặc niệm? Lần sau, tôi đứng lên thách thức."
Ai Người Chiến Sĩ?
Trong cuốn sách biên khảo tựa “Chính Đề Việt Nam”, tác-giả Tùng Phong dành trọn trang mở đầu, in một câu duy nhất, lời trăn trối của Đức-phú Tô-phong “một dân-tộc hùng cường là dân-tộc giầu chiến sĩ vô danh”
Kẻ viết bài này tham dự, lần thứ nhất, nghi thức mặc niệm các Chiến-sĩ Vô-danh và nghe bản nhạc hồn tử sĩ khi dự lễ mãn khóa Sĩ-quan Võ-bị Đà Lạt, 1963. Khung cảnh uy nghiêm, lời xướng ngôn mạch lạc, nhạc trầm hùng, lễ nghi quân cách... từng yếu-tố tiết tấu với nhau, cảm xúc phấn chấn. Ngàn người đứng chật các khán-đài. Vũ-đình-trường nín thở, tình hoài niệm rưng rưng.
Mặc Niệm để tưởng nhớ các chiến sĩ vô danh. Những người từng tham gia sự nghiệp bảo vệ và phát triển Đất Nước. Không riêng các chiến sỹ, mà tất cả mọi người, nhà binh hay dân chính, tiến hành cuộc chiến giữ an ninh cho những khu kỹ-nghệ, từng trung tâm chế xuất, bảo về hậu-phương cho các em cắp sách tới trường, không cho VC xâm phạm sinh mạng Đồng-bào. Các chiến dịch đánh duổi bọn ngoại xâm đe dọa chủ-quyền độc-lập, vẹn-toàn lãnh thổ và tài-nguyên thiên nhiên của Tổ-quốc.
Người chiến sĩ vô danh cống hiến sinh mạng cho Lẽ Sống tự do của Dân Tộc.
Ta nhớ Họ trong giây phút lặng thinh, quen gọi là phút mặc niệm.
Nội Dung Phút Mặc Niệm.
Rất đơn giản. Cho tới nay, phần lớn phút mặc niệm thực hiện bằng 2 nghi thức:
1.Khởi đầu, Người xướng ngôn mời nghị-trường đứng yên nghiêm chỉnh. Lời xướng danh nhắc tới anh linh những Chiến-sĩ đã góp công hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ-quốc.
2.Tiếp đó, một khúc nhạc ngắn 60 giây, âm điệu buồn và chậm, âm giai sol-thứ; đàn gió thay cho lời ca “...Hồn ai đang phảng phất trên không...” “Cùng nhau khấn Non Nước thiêng liêng.” **
Thông lệ kể trên có thể biến cải. Có nơi thay khúc nhạc “hồn tử sĩ” bằng “Việt Nam Minh Châu Trời Đông”. Hướng-Đạo và một số tổ-chức văn-hóa, tín-ngưỡng, thanh-thiếu-niên hát đoản khúc nhẹ nhàng “chúng tôi dâng Lời Thề xây đắp Quê Hương” thay cho "hồn tử sĩ". Nhiều phiên họp ít người của các cơ-chế hiệp-hội, Hội Y Giới chẳng hạn, phút mặc niệm thường nói về những bước ngặt nghèo mà các ân-nhân của Hội can đảm vượt qua.
Truyền Thống Văn Hóa.
1.Người Việt xa rời Tổ-quốc mang theo chánh nghĩa Tự-do. Tính cách chính-trị, xã-hội nặng hơn kinh-tế, triết-học. Kỷ-niệm thời-sự in sâu trong tim trong óc dù Người Việt thế hệ 1, thế-hệ 1 rưỡi, thế-hệ 2, v. v. vẫn đều gìn giữ chức năng văn-hóa trên vai.
2.Nhiều sắc dân tới Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc-châu định-cư theo diện di-dân, đoàn tụ gia đình, tị-nạn chính-trị, ức-hại tôn-giáo, chủng-tộc, xã-hội, .. những đặc tính chủng-tộc của Họ mang theo tới Mỹ, tới Tây Âu đã mau chóng tan biến. Họ hòa nhập đại-khối dân địa-phương nội 1 hay 2 lớp tuổi.
3.Điều 2 trên đây không áp dụng cho cộng đồng Người Việt tị-nạn chính-trị. Người Việt tới Úc, tới Âu, tới Mỹ từng đợt. Triệu người ùn ùn nội vài thập kỷ, tụ hội thành những tập-thể đông đúc, mấy ngàn tới mấy trăm ngàn.
4.Tập tục văn-hóa từ quê mẹ được Người Việt lưu giữ chặt chẽ hơn so với các nhóm Cubans, Polish, Mexicans, Nigerians, Portoricans. Nếp sống phần nào tương đồng với các nhóm gốc Á khác Ấn, Hàn, Tầu…
5.Người Việt bị chèn ép nặng nề nhưng không phản ứng ồn ào như cung cách lên tiếng các gia tộc Do-thái, Ả-rập. Cận-đông, …thường làm.
Nhiều giới chức văn-hóa khuyến cáo khối chuyên-gia trẻ (5 trăm ngàn tốt nghiệp trên 4 năm đại-học) hãy nỗ lực tôi rèn tính khí văn hóa Việt-nam kiểu như người Israel Đông Âu phát huy tính khí Do-thái. Dân-tộc Jews lang thang, chục thế-kỷ đọa đầy khắp mặt địa-cầu, bị vùi dập chẳng chùn tay. Văn-minh Do-thái ngày càng mạnh.
Năm (5) động cơ trên đây gợi ý và nhắc nhở cho mỗi một và hết thảy Người Mỹ gốc Việt, Người Úc gốc Việt, Người Âu gốc Việt ôn lại nguồn gốc, ghi nhớ hoàn cảnh khắc nghiệt Việt-tộc đã trải qua, lý cớ đẩy đưa Ta tới Xứ Người.
Chẳng nhất thiết phải đoàn-kết chặt chẽ. Chỉ cần gắn bó hợp tác, tôi rèn chức năng thiên phú định mệnh khoác lên vai, học hỏi thêm những tinh hoa tiếp thâu từ nền Văn-minh Tây-phương. Và nếu làm được như vậy thì kiếp lưu đầy của 3 triệu dân tị nạn chắc chắn không khi nào uổng phí.
Vốn văn minh không nhỏ, Dân-tộc Việt vô cùng giầu Chiến Sỹ Vô Danh.
Hình thức Mặc Niệm nào thích hợp ?
Khó mà lựa được mẫu số đồng thuận cố-định để trả lời câu hỏi trên đây.
Mỗi đoàn-thể văn-hóa, tôn-giáo, thương nghiệp, chuyên môn... cần thiết lập cho tập thể mình, và đừng ngại nếu phải tu chính sau này, phương thức nhắc nhở Con Dân ý chí gầy dựng truyền thống Chiến Sĩ Vô Danh, bảo toàn các yếu tố văn minh và tài nguyên thiên nhiên của Tổ-quốc. Ta có thể:
1. Giữ nguyên lề lối cũ với nội dung và nghi thức không thay đổi, hoặc.
2. Biến cải thích hợp với bối cảnh văn-hóa. Giấc mơ cân xứng tập thể 3 triệu người.
Điều chủ yếu: đừng khi nào quên lịch-sử. Anh linh Tiên Tổ vẫn lởn vởn quanh Ta.
Anh Linh các Chiến Sĩ.
Hải-quân Thiếu-tá Hạm-trưởng Ngụy Văn Thà, Phó-hạm-trưởng Đại-úy Nguyễn Thành Trí và 58 Thủy-thủ của Hộ-tống-hạm HQ 10 anh dũng nhận chìm tầu hải-quân của Trung-cộng cướp nước. Hải-chiến Hoàng Sa, 19/1/1974.
Kỹ-sư Nguyễn Xuân Trường và đoàn nhân-viên Diệt-trừ Sốt Rét Vùng II, đang phun thuốc diệt muỗi, bị VC phục kích hạ sát khi công tác tại quận Lệ Thanh, tỉnh Pleiku. Ngoài ra, hàng ngàn nhân-viên chương trình Diệt-trừ Sốt-rét, Malaria Irradication Program, của 4 Vùng Chiến-thuật bị sát hại trên đường chống bịnh tật, bảo vệ sức khỏe Người Dân.
Cả triệu nhân-viên Quân-lực, Cảnh-lực, Hành-chánh, Tư-pháp, Tự-vệ, Tài-chánh, Nông-nghiệp... đã bỏ mình. Sáu (6) triệu chiến-sĩ khác mang chiến-thương do Cộng sản gây nên.
Ngành Y-tế VNCH, trên 70 Y Nha Dược Sĩ, hầu hết là Bác-sĩ Y-khoa, hiến dâng mạng sống trong chiến-cuộc hoặc trên đường công-vụ, bảo vệ Tổ-quốc. Hàng ngàn Sĩ-quan Trợ Y, Hành-chánh, Y-Nha-Dược-tá, Phụ Y-tế, dân-sự, nữ tu, thiệt mạng dưới lằn đạn tấn công do Cộng-sản xâm lược.
Trên đây, chỉ mới kể con số các chiến-sĩ vong thân, làm thí dụ.
Không hẳn chỉ các Công-dân đã nằm xuống mới là Người Chiến Sĩ!
Có biết bao người phục vụ trong gian khổ. Những Chiến Sĩ Vô Danh này hoặc đang tồn tại trong cuộc sống với chúng ta, hoặc đã ra đi sau thời gian hình phạt tù đầy.
Xin kể hầu các Bạn một câu truyện sống. Một trong số các Bác-sĩ Việt-nam đã trải qua.
Bác-sĩ Nguyễn Ngọc Ấn nhìn biết mối hiểm nguy đang tới nhưng Ông coi nhẹ nỗi đe dọa cho mạng sống cá nhân. Ông từ chối di tản, quyết định ở lại săn sóc thương-binh. Và kể từ giây phút dấn thân đó, BS NNA đặt bàn chân mình lên cuộc hành trình Quốc-lộ I, giữa Hải-lăng - Quảng-trị, trải qua khúc đường đầy thịt xương, máu và nước mắt từng mang tên Đại Lộ Kinh Hoàng.
Từ chối cơ may di tản cuối cùng, lựa chọn con đường hiểm nguy trong danh-dự và trách nhiệm, BS NNA bắt đầu đoạn đời địa ngục trầm luân, cái khoảng không gian mà 2 nhà-văn, Phan Nhật Nam - Bernard Falls đặt tên "quãng đường tuyệt vọng", là "đại lộ kinh hoàng". Đại-lộ kinh hoàng nhận chìm Con Người bác-sĩ A kiếp tù đầy miệt mài, khốn khổ, dẫn vào những quãng đời bất hạnh tiếp nối không ngừng, ***
Còn biết bao người phục vụ trong gian khổ chưa nhắc tới tên, đã khuất hay vẫn còn. Những Chiến Sĩ Vô Danh này hoặc đang có mặt trong cuộc sống với chúng ta, hoặc đã ra đi sau thời gian hình phạt tù đầy. Họ thực hiện lòng nhân đạo, tự nguyện và đáng kính. Tôi mượn một đoạn ngắn của tập hồi ức, kinh nghiệm sống 60 trang, vị bác-sĩ quân-y, y-sĩ một Liên-đoàn BĐQ vùng III chiến thuật tăng phái cho vùng I, kể lại:
" Khi đi ngang trại bịnh, một thương-binh rằn ri nắm lấy chân tôi (anh ta nằm dưới đất)
-Tới ông thầy cũng bỏ tụi em nữa hay sao, ông thầy?
Câu nói này đi vào tâm khảm. Suốt đời không bao giờ tôi quên. Vì chính câu nói đó đã thay đổi cả cuộc đời cûa tôi sau này. Tôi đã vì nó mà quyết định ở lại Quảng Trị. Vì ở lại Quảng Trị mà đời tôi phải quẹo sang một ngõ khác, và rủi may cơ hồ như lẫn lộn ... Chỉ biết lúc đó, tôi thấy lòng mình chùn xuống, sao ta lại có thể bỏ những thương binh ở lại để trốn chạy trước như vậy được ? Lương tâm người y-sĩ ở đâu ? Tôi mơ hồ như quên hết các dây liên hệ bản thân như gia-đình, vợ con, và cuộc đời của mình mà chỉ thấy trước mặt là danh dự, trách nhiệm mà thôi … Tôi quay ra ngoài sân gọi các bạn: Thôi tụi mày đi đi, tao ở lại. Đi đường bình an nhé!…
… Tôi cúi đầu quay trở vào, và cầu nguyện thầm Xin vong hồn Cha phù hộ cho con… Rồi lặng lẽ trở về với thương binh…"
Lời Kết.
Mấy dòng trên đây trích từ bản hồi-ức, một chút trong các tình tiết kinh nghiệm sống của, đâu phải chỉ một mà của hàng triệu người, Chiến Sĩ Vô Danh đã trải qua trong lịch-sử. Người Chiến Sỹ cũng sống bằng xác-thân, yêu thương bằng cảm quan, đắn đo bằng tri-giác, như ta. Khi đứng trước cảnh can qua binh lửa của Tổ-quốc, Người Chiến Sĩ đã sẵn lòng hy sinh, kể cả mạng sống mình, vẹn tòan trách nhiệm công dân trong danh dự, cho dù thắng hay bại.
Quí Vị nhận quyền lãnh đạo tập-thể. Chức năng lãnh đạo buộc quí vị hướng dẫn tập-thể phát huy truyền thống chiến sĩ, những công dân biết hy sinh cho chánh nghĩa, đem Đất Nước lên hiện-đại hùng cường. Dân-tộc Việt hùng cường nếu Người Dân ý thức nghĩa vụ lịch sử, nỗ lực làm giầu truyền thống Chiến Sĩ Vô Danh.
Người lãnh đạo nào cố tình bỏ bê nghĩa vụ tôn vinh các chiến sĩ tiền bối, kẻ đó chà đạp nguyên tắc đạo lý xã hội, và vi phạm phẩm cách làm người.
Cố-tình bỏ quên công ơn các Chiến Sĩ tiền bối là hành động coi thường đạo-lý, là chà đạp phẩm cách làm người.
Ghi Chú:
(*) Chính Đề Việt Nam, Tùng Phong, pp thủ bản Đồng Nai xuất bản, 1964. Hùng Vương tái bản 1988 (LA, CA), Links tái-bản lần 2, 2009.
(**) Hồn Tử Sĩ, Lưu Hữu Phước,
“Đêm khuya âm u ai khóc than trong gió ngàn.
‘Xác quân Trưng Nữ Vương rơi ngổn ngang bên nước tràn.
‘Hồn ai đang phảng phất trên không.
‘Hồn Quân Nam đang khóc non sông.
‘Sát khí ngất đất bao lớp thây trong bóng huyền.
‘Không gian như lắng nghe bao oan hồn đang xao xuyến
‘khóc thương hai Nữ Hoàng trẫm thân.
…. Cùng nhau khấn Non Nước thiêng liêng.,. “
(***) "7 Ngày Ở Quảng Trị, hồi ức" Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y Hiện Dịch.
|
Bức Tượng Thương Tiếc |
|
Chiến Sĩ Vô Danh - Nhạc và Lời Phạm Duy - Trình bày: Elvis Phương, Tuấn Ngọc và Duy Quang