Trường Quân Y QLVNCH
Có Một Trường Quân Y
Thượng Sĩ Da Trâu (2)
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Thương tiếc gửi đến hương hồn của
Hà Khắc Nhân, Phạm Hữu Gia, Lê Thành Hồ
Hà Mạnh Tuấn
Bài Thượng-Sĩ Da Trâu đăng trong Tập San Y Sĩ số 172 Xuân Đinh Hợi đã cho tác giả nhận được nhiều diện thoại và e-mail góp ý và bổ sung. Xin chân thành cảm tạ ý kiến của các bạn. Đã gần nửa thế kỷ rồi còn gì! Qua bao dâu bể của một đất nước tang thương, chúng ta còn hiện diện nơi đây quả đã là một hạnh phúc lớn lao rồi! Ghi lại vài kỷ niệm cũ cũng chỉ là nhắc tới một chặng đường bên nhau...khi ta còn trẻ!!!
Thế là ba mươi mấy chàng Sinh viên Quân-Y, mũ áo xênh xang, lon lá đàng hoàng, Thượng-sĩ Hiện dịch chứ bộ, lần lượt trình diện Bộ Chỉ huy.
Lúc chúng tôi mới nhập ngũ thì là lúc Y sĩ Trung Tá Nguyễn Hữu Thư vừa bàn giao chức vụ Chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quân-Y cho Y sĩ Trung Tá Hoàng Văn Đức. Tướng mập mạp, cao lớn, với đôi kính cận khá dầy, miệng có chiếc răng khểnh, ông đã từng là Sinh viên Quân Y ngoài Ha Nội, khóa 1, hồi còn Pháp thuộc. Mỗi sáng thứ hai, lúc chào cờ, ông di chuyển bằng xe ô tô hiệu Peugeot 203 mầu đen đến tận sân cờ, nơi tất cả quân cán chính của đơn vị đã đứng sẵn vào hàng, có Trung Úy Hành Chánh Đặng Văn Đại hướng dẫn để đi duyệt hàng quân. Nghe nói ông cũng là một nhà thơ, sau này mới biết bút hiệu của ông là Hoàng Vũ Đức Vân. Ông không gần gụi chúng tôi nhiều, cũng không nhắn nhủ gì cả cho những anh chàng “blanc bec” lớ ngớ như tôi vừa ra khỏi trường trung học. Ông chỉ nắm chức vụ Chỉ huy Trưởng Trường Quân Y đến cuối năm 1963, sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, sau đó thì ông (bị?) giải ngũ và hiện đang sống tại tiểu bang California, Hoa-Kỳ.
Ông có hoài bão cải tổ toàn bộ Trường Quân Y, nhất là thành phần Sinh viên Quân Y, để sau này sẽ là Trường Quân Y kiểu mẫu cho toàn thể Dông Nam Á. Ông đặt rất nhiều kỳ vọng vào khóa chúng tôi, nghĩa là những anh sinh viên còn trong trắng (!) để đào tạo từ đầu, lúc mới còn trứng nước...Ông cho may lễ phục của Sinh viên Quân Y : quần đen có nẹp, áo trắng , ngù vai đỏ, nút đồng, thắt lưng đen, to bản, tay mang đoản đao, huy hiệu trên mũ là TỔ QUỐC và NHÂN LOẠI. Lê Đình Thuấn được gọi lên cho mặc lễ phục mới để chụp 3 “pô” ảnh đăng trên Tập San Quân Y của Quân Đội Cộng Hòa. Ngoài ra trong những năm sau đó, chúng tôi được gửi đi thụ huấn quân sự hè tại Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, dưới sự chỉ đạo của Đại Tá Trần Ngọc Huyến, một vị chỉ huy có lý tưởng quốc gia, rất được lòng các sinh viên Võ Bị kể từ khóa 16 trở đi, đó là các “CÙI” rất nổi danh sau này trong việc chiến đấu bảo vệ miền Nam. Ông chăm lo bổ túc đời sống văn hóa chúng tôi, tháng tháng diện lễ phục drill trắng đi ăn cơm tây ở Câu lạc bộ Sĩ quan An-Đông nghe diễn thuyết về đủ mọi đề tài. Thành phần diễn giả khá chọn lọc. Ông còn bắt chúng tôi phải học thêm vào buổi tối trong doanh trại, có mời các giảng sư, giáo sư Y, Nha, Dược ngoài dân sự vào dạy thêm...
Điều “cách mạng” nhất trong đời sống Sinh viên Quân Y là ông bắt chúng tôi phải vào nội trú trong doanh trại “chuồng ngựa”! Đây là lý do ông bị các lớp đàn anh của chúng tôi chống đối. Từ trước đến nay, tuy mang danh là lính, ăn lương sĩ quan đều đặn, mà chỉ mặc quần áo lính vào mỗi sáng thứ hai để vào doanh trại chào cờ. Chào cờ xong lại thay quần áo dân sự đi thực tập nhà thương, đi bát phố. Có anh năm thứ tư, cấp bậc trung úy đàng hoàng, mà hàng xóm còn nghi ngờ sĩquan giả , bị kêu Quân Cảnh xét giấy!!!!
Tụi tôi, một lũ “xây lô cố”, mặt búng ra sữa, ôm đồ đạc lỉnh kỉnh vào doanh trại....
Từ đó, trong tôi bừng lên một mầm sống mới...
Từ đó, chúng tôi mới có dịp nhận diện nhau...
Trước hết , xin nói đến các sĩ quan đàn anh , các xếp, trong trường.
Khi đã tập trung vào nội trú là phải nói đến ăn cơm nhà thầu trong trường. Cũng như mọi quân trường khác, việc ăn uống là do nhà thầu đảm trách. Cũng vẫn những bàn dài song song nhau trong phạn xá. Lũ chúng tôi đông nhất. Càng lên các lớp trên thì nhân số cứ giảm dần đi. Các anh ít chịu vào ăn và ngủ trong doanh trại vì đã quen ở ngoài từ bao nhiêu năm rồi, nhưng vì lệnh trên bắt buộc nên phải miễn cưỡng vào ăn cơm phạn xá, còn chuyện ngủ đêm trong trại thì rất ít các anh tuân theo vì “chân cao, thấp” từ lâu “ngoài vòng cương tỏa”, nên cũng sinh ra bất mãn...
Chúng tôi ngồi chờ nhà thầu dọn cơm, lẽ dĩ nhiên là rất chậm chạp, chẳng biết làm gì bèn quấy phá, nghịch ngợm. Lấy muỗng, nĩa, dao kéo gõ leng keng, ồn ào không thể tả được, nhất là giờ đông sinh viên. Ít lâu sau đó, khi ngồi chờ ăn thì một đợt âm thanh nhịp bốn chạy dài từ bàn đầu đền bàn cuối ,lặp đi lặp lại không dứt : “ TẬP, THÀNH, BÌNH, TÌCH” rồi “KHA, KHÔI, NHÂM, THIỆN”. Cứ nhịp 4 đó kéo dài, ngân nga, dồn dập, đến khi nhà thầu dọn xong mới thôi...
Thì ra đó là những tên của các y, dược sĩ dàn anh chúng tôi trên Bộ Chỉ huy.
“TẬP” là Dược Sĩ Đại Úy Nguyễn Phúc Bửu Tập, nhân vật thứ ba sau Chỉ huy trưởng Y sĩ Trung Tá Hoàng Văn Đức và Chỉ huy phó Y sĩ Đại Úy Lê Phước Thiện. Dược sĩ Bửu Tập, người Huế, hoàng phái, người nhỏ con, trán cao, thông minh, đi rất sát Chỉ huy trưởng, nhất là về mục Văn hóa. Chúng tôi , ngành Y, nên không quan tâm mấy đến nhân vật này. Ông hiện ở Nam Cali, viết nhiều bài nghiên cứu đăng trên các báo.
“THÀNH” là nói đến Y sĩ Trung Úy Nguyễn Phúc Thành, vị chỉ huy trực tiếp của các Sinh viên Quân Y chúng tôi. Ông người cao, gầy, lưng hơi gù, môi thâm đen vì hút thuốc lá liên tu bất tận. Bận liên tục vì lũ sinh viên chúng tôi quấy rầy không ít, lo đủ mọi việc, thượng vàng hạ cám...Ông bị kẹt lại sau 30-4-1975 lúc đó đã là Y sĩ Trung Tá và đã mất tại Saigon. Lúc còn trong Trường Quân Y, ông cũng có cảm tình với tôi. Thấy tôi hay phát ngôn bừa bãi, ông thường lôi tôi vào một góc vắng khuyên nhủ nên lựa lời mà nói kẻo vạ vào thân!
“BÌNH” là Y sĩ Trung Úy Lê Đình Bình, phụ tá Bác sĩ Nguyễn Phúc Thành, lo điều hành các Sinh viên. Ông người hơi thấp, ăn nói cũng khá “dùi đục chấm mắm cáy”, vả lại phụ trách kỷ luật sinh viên, nên ít được lòng đám sinh viên ba trợn. Những lần diễn hành Lễ Quốc Khánh 26-10 là ông dẫn đầu toán Sinh viên Quân Y, tay cầm kiếm, nên những khi tập dượt cùng chúng tôi thấy ông cũng cực khổ không kém đám sinh viên. Bạn Lê Văn Công, trong i-meo, có nhắc đến những tối trước ngày diễn hành, phải thức dậy từ 2-3 giờ sáng , mặc y phục đại lễ, ngù vai đỏ, găng tay trắng leo lên GMC đến đầu đường Thống Nhất ngủ gà ngủ gật bên hè đường chờ sáng!!!
“TÍCH” là Y sĩ Trung Úy Trần Văn Tích, người cao, gầy, nho nhã, dáng dấp thư sinh, người gốc Quảng Trị. Ông có tướng đi khá nhanh, khi thoắt khi hiện, ít tiếp xúc với Sinh viên trong trại. Lúc đó tôi chưa biết ông là một học giả, viết rất nhiều bài khảo cứu giá trị sau này. Ông ở Trường Quân Y không lâu , sau về làm việc ở Bộ Tổng Tham mưu. Ông hiện định cư ở Đức Quốc. Những lần ông sang sinh hoạt, hội thảo ở Paris tôi đều được gặp và trò chuyện cùng ông. Trước ông cộng tác thường xuyên với tờ Làng Văn ở Canada, xuất hiện nhiều lần trên Tập San Y Sĩ CANADA với luận điệu đanh thép, chống Cộng có bài bản.
“KHA” là Y sĩ Trung Úy Đinh Đại Kha, có mặt trong Bộ Chỉ huy Trường Quân Y, nhưng tôi không biết giữ chức vụ gì. Ông nói năng nhỏ nhẹ, lúc nào cũng giữ nụ cười trên môi. Hình như ông đang định cư ở vùng Vancouver, Canada.
“KHÔI” chỉ Y sĩ Đại Úy Hoàng Ngọc Khôi. Ông dáng dấp bảnh trai, cao lớn, đẹp trai, nói năng từ tốn, hay mỉm cười, nên dễ gây cảm tình với sinh viên. Ông phụ trách tờ Tập San Quân Y của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa nên sinh hoạt mật thiết với Dược Sĩ Đại Úy Bửu Tập. Hai người này lúc đó đang dịch đăng dần trên Tập San Quân Y cuốn truyện “Of Mice and Men” của John Steinbeck mà hai ông đề nhan tiếng Việt là “Của Chuột Và Người”. Tưởng cũng nên vinh danh Tập San Quân Y này vì trong đó có đăng nhiều bài về Y học, Khoa học và Văn chương, in đẹp, khổ nhỏ, trình bày typo chữ sắc và không có lỗi, do chính Trường Quân Y chủ biên dưới sự chỉ đạo của Bác sĩ Hoàng Văn Đức.
“NHÂM” là Y sĩ Đại Úy Ngô Văn Nhâm. Ông ít nói, không cười đùa, cũng không liên hệ trực tiếp gì với sinh viên. Tôi không nhớ ông giữ vai trò gì trong Trường Quân Y. Mươi năm trước đây, trong dịp Đai hội Y Nha Dược Thế Giới ở Montréal, tôi có dịp gặp lại ông ở Vancouver, Canada. Ông vẫn khỏe mạnh và xoa mà-chược còm 2 lần mỗi tuần.
“THIỆN” chính là Y sĩ Đại Úy Lê Phước Thiện, Chỉ huy phó Trường Quân Y. Ông to lớn, đeo kính cận thị nặng độ. Chúng tôi hầu như không bao giờ tiếp xúc với ông. Trong “Danh sách Y sĩ Việt nam trên Thế giới- năm 2002 thì ông đang định cư ở Montréal, Canada.
"Ơ kìa, Da Trâu là gì, chưa thấy nói đến?
Những nickname của các bạn sẽ được kể ở bài sau.
Xin liên lạc email : tuanhasj@yahoo.com"
(Xem tiếp phần ba)
Huy hiệu Trường Quân Y