Trường Quân Y QLVNCH
Có Một Trường Quân Y
Thượng Sĩ Da Trâu (3)
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Hà Mạnh Tuấn
Tiếp theo 2 bài trước, bài này xin nhắc tới các bạn cùng lớp tôi, những chàng sinh viên chập chững bước vào thế giới áo trắng”. Thực ra năm PCB (Lý Hóa Sinh) chúng tôi chưa hẳn là sinh viên Y khoa. PCB, cũng như chứng chỉ SPCN (Lý Hóa Nhiên) chỉ là một chứng chỉ bắt buộc để vào năm thứ nhất Trường Thuốc. Như đã kể ở bài 1, Trường Quân Y bấy giờ tọa lạc tại số 4 đường Hùng Vương. Từ đó chúng tôi đi học chứng chỉ PCB ở Trường Đại học Khoa học chỉ mất 10 phút đi bộ mà thôi, rất tiện lợi cho Sinh viên Quân Y nội trú.
Nhóm 30 mạng sinh viên đeo lon Thượng sĩ này rất đa dạng. Không những tuổi tác chênh lệch, mà còn tình trạng lý lịch, gia đình, cũng như trình độ, nhất là ngoại ngữ cũng khác nhau rất nhiều. Trong chúng tôi có các anh từng là hạ sĩ quan các binh chủng khác nhau, có anh là sĩ quan, có anh học chương trình trung học Pháp như Jean-Jacques Rousseau, Yersin (Đà Lạt)..., các trường do các sư huynh điều khiển như Taberd, Mossard (Thủ Đức), Pellerin (Huế), một số anh xuất thân từ Trường Thiếu Sinh Quân (Vũng Tầu), còn các anh học trung học Việt nam như Petrus Ký, Chu Văn An, Võ Tánh (Nha Trang), Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), Phan Chu Trinh (Đà Nẵng) thì chiếm đa số...
Chúng tôi được phân phối trong bốn dãy nhà trệt cuối cùng của doanh trại, sát đường Lý Thái Tổ. Có phòng khá rộng thì 4 anh ở chung, hẹp thì 2 anh, hoặc vài phòng nhỏ chỉ ở được 1 anh mà thôi. Cuối mỗi dãy có 1 phòng tắm chung gồm nhà vệ sinh và 1 hồ nước rất lớn, lúc nào cũng đầy nước. Những dãy nhà cách nhau 1 sân cỏ rộng chừng 5 thước. Phòng nào cũng 1 cửa ra vào và vài cửa sổ nhưng trong phòng không được sáng mấy vì là nền xi-măng, trần thấp, nhất là đồ đạc trong phòng toàn bằng gỗ tạp, ọp ẹp sơn một mầu nâu đậm...Mỗi người được cấp phát 1 giường sắt lò xo, có nệm độn cỏ, 1 tủ đứng 1 cánh hoặc 2 cánh (tùy anh nào nhanh tay “xí” trước), 1 bàn học có ngăn kéo, 1 cái ghế tựa... Thật ra thế là quá đủ cho 1 sinh viên nội trú rồi. Sau này vào giữa năm học, căn buồng chung đã tối lại càng tối hơn. Lý do là các anh muốn riêng tư học hành đã tự động giăng những tấm drap trải giường trên dây thép từ trên trần xuống đến đất để ban đêm ánh sáng của những ngọn đèn học không “làm phiền anh em đang cần yên lặng nghỉ ngơi”. Những anh ở xa cửa ra vào nhiều khi phải vạch hai ba lớp màn mới tới được “phòng” của mình. Nếu so với các quân trường khác, chúng tôi sướng như tiên vì không có màn khám phòng như Trường Võ bị Thủ Đức hay Đà Lạt. Về quân phục, chúng tôi mặc kaki vàng , quần dài, áo dài tay, đội casquette vàng, giầy đen ngắn cổ. Chỉ những khi lên tiếp xúc với Bộ Chỉ huy, nhất khi mỗi sáng thứ Hai chào cờ mới phải thật tề chỉnh mà thôi.
Trước hết, xin nói đến các anh trước đã là quân nhân, nay vào Quân-Y để đi học tiếp. Phải công nhận rằng các anh lớn này rất có chí, vài anh sĩ quan cũng bỏ cấp bực cũ để mang lon Thượng sĩ như chúng tôi. Các anh này đều lớn tuổi hơn chúng tôi ít nhất 5 hay 6 tuổi, có anh hơn chúng tôi đến 10 tuổi đời!!! Nhóm này có các anh Bùi Văn Bá, Phạm Hữu Gia, Hà Khắc Nhân, Lê Hữu Phương, Châu Hoài Mạnh, Nguyễn Xuân Phô...
Anh Bùi Văn Bá, còn gọi là Bá Già, sống khép kín, ít nói, cũng ít chơi với tụi nhóc con chúng tôi, nên tôi không biết nhiều về anh. Hình như anh đã mất ở Việt nam.
Anh Lê Hữu Phương, cũng có biệt danh là Phuơng Già, người cao và gầy, tóc xoăn như phi-dê. Đầu năm 1970 anh về Viện Thí Nghiệm Trung Ương trong Tổng Y Viện Cộng Hòa học khóa Thí Nghiệm và Giải Phẫu Bệnh Lý. Tốt nghiệp xong anh làm việc tại Tổng Y Viện Duy Tân, Đà Nẵng. Anh kẹt lại, sau khi cải tạo về, anh mở tại gia một phòng mạch nhỏ trước Bệnh viện Nguyễn Văn Học, Gia Định và làm thử nghiệm lai rai cho bệnh nhân, an hưởng tuổi già.
Anh Phạm Hữu Gia, trước ở quân chủng Không Quân, đã từng đi học bên Pháp, có tên là Gia Mặt Đỏ vì mỗi lần anh nhức đầu, lên tension là mặt anh đỏ gay lên như người say rượu. Anh là người gần nhất với tụi nhỏ chúng tôi, rất chịu chơi, nên tuy là cựu quân nhân sang Quân-Y nhưng không bị mang biệt danh “Gia già”!!!. Đêm đêm là anh ngồi kể cho chúng tôi nghe những chuyện Paris, các hộp đêm, Folies Bergères, Lido...Chuyện các cô đầm tóc vàng, sợi nhỏ, chuyện những cặp đùi các nàng mỹ nữ...
Anh dạy chúng tôi nhẩy đầm, các bước valse, tango...Chúng tôi cứ há hốc mồm mà nghe anh kể trăm thứ chuyện đâu đâu. Trí óc non nớt 18-19 tuổi của chúng tôi được anh dẫn dắt phiêu lưu đến những miền đất lạ, những chân trời chưa hề biết tới. Anh khá chăm chỉ trong bài vở, cùng chúng tôi tranh đua học hành. Tôi được hân hạnh được anh dắt đi đến nhà người yêu của anh, một trang thiếu nữ sắc nước hương trời!!! Sau này khi ra trường, anh lao vào chính trị. Có lúc anh đụng độ nặng nề với dân biểu Ngô Công Đức. Lúc nào ở tỉnh lên anh cũng ghé nhà tôi, theo sau là 1 xe Jeep với những đàn em hộ vệ. Sau 1975, tôi không có tin tức gì của anh cả. Mãi sau này gặp lại chị mới hay anh đã mất trong khi giải phẫu gan ở Alexandria, tiểu bang Louisiana. Thương tiếc anh, một người bạn thân, một đàn anh đã cho chúng tôi những bài học đầu đời...
Anh Nguyễn Xuân Phô, cũng từ Không Quân, vào học với chúng tôi chỉ 1 năm PCB thôi, rồi không thấy anh ở đâu nữa. Anh luôn luôn cười giỡn, cái miệng nhỏ trên gương mặt to, tròn, hình như không lúc nào không thấy nụ cười, Anh kể chuyện rất có duyên. Rất tiếc từ năm 1961 tới nay tôi không có tin tức gì của anh cả.
Anh Hà Khắc Nhân là một “nhân vật” trong bọn chúng tôi. Anh cũng có biệt danh là “Nhân Già” như các anh đã ở trong quân đội từ trước. Đặc biệt anh có chiếc đầu khá to, mũ nồi bê-rê (béret) của anh đội số 58. Đầu chải tóc khá mượt, người tầm thước, cũng khá điển trai. Anh hơn hẳn chúng tôi và các bạn đồng khóa là anh đã có vợ và một bầy con. Anh ở hẳn nội trú với chúng tôi, có lẽ để chăm lo việc sách đèn cho dễ dàng. “Chim có bầy tiếng hót mới hay, ngựa có bạn nước đua mới mạnh” chăng? Anh có một đam mê rất mạnh, đó là “trò chơi may rủi”. Từ tài bàn, tổ tôm đến tứ sắc, bài cào, mạt chược, xì phé...Không món gì mà anh không biết. Anh là “chưởng môn” của tất cả chúng tôi về đường ăn chơi này. Khi không đủ tay để xoa thì anh ngồi bàn, úp các quân bài xuống rồi thì “mó” để dùng xúc giác đầu ngón tay cái để đoán quân bài. Chán rồi, anh rủ chúng tôi đánh cờ tướng...Khi cấm trại, anh tổ chức sòng bài cào, la hét om sòm, náo động cả một khu nhà.
Về sau, khi gác nội trú các bệnh viện, anh cũng làm rùm beng phòng trực các nhà thương cũng là mục này. Ai là sinh viên Y khoa trực gác những năm 1964-1966 cũng đều biết tiếng anh, ngay cả các sinh viên dân y. Anh ít khi về nhà riêng, mỗi khi anh về nhà lại kéo lũ chúng tôi gồm Bùi Quang Chương, Nguyễn Thanh Hà tức Hà Khmer (để phân biệt với Lê Thanh Hà tức Hà Gà), Lê Thành Hồ...để đánh phé!!! Chị Nhân rất chiều chuộng chồng, làm cơm nước linh đình cho chúng tôi ăn, dù chỉ ăn rồi lại đánh bài tiếp!!! Không những anh là bậc thầy về môn “cờ bịch” mà anh còn là người đã dắt chúng tôi đi ăn những món ngon Bắc kỳ như bún vịt xáo măng, chả cá, phở gà, tiết canh...Đâu đâu anh đến, chủ nhân hàng quà đều niềm nở tiếp đón, dọn ra những món đúng “gu” anh như phở bò thì phải nước trong, chả cá thì phải xối mỡ liên tục cho nóng...
Về sau, khi chúng tôi không còn bị bắt buộc phải ở nội trú nữa thì anh dọn ra Câu lạc bộ Sĩ quan An-Đông cùng những anh khác như Trần Văn Tính, Lê Văn Công, Lê Đình Thuấn, Nguyễn Hùng Anh, Trần Tiến Nam, Nguyễn Hữu Thường (người y sĩ nhẩy dù nhỏ con đã bị bức tử trong trại cải tạo, người họa sĩ tài hoa vẽ truyền thần tuyệt đẹp, nhất là vẽ hình tài tử Brigitte Bardot)... mướn phòng ở tiếp. Nhiều khi thấy vắng anh 2-3 hôm, chúng tôi đến nhà tìm anh, thì các con anh trả lời: “Bố cháu về nhà của Bố rồi”. Chúng tôi ngạc nhiên hỏi tiếp: “Nhà Bố con ở đâu?” thì nghe trả lời: “Nhà Bố con có lính gác đó!!!” À, thì ra tụi nhỏ muốn nói tới Câu lạc bộ Sĩ quan An Đông, quả nhiên có lính đứng gác ngoài cổng vào!!! Lâu lắm rồi, tôi có đọc được một bài viết của anh Nguyễn Đức An, một sinh viên cùng thời, nói đến quãng đời rất đặc biệt của anh Hà Khắc Nhân với lời văn dí dỏm, dễ thương, đầy tình ưu áivề một Sinh viên Quân-Y đặc biệt này. Sau khi tốt nghiệp ra trường, anh phục vụ tại binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Sau biến cố 30-4-1975, anh cũng bị kẹt lại và mất 5 năm sau vì bệnh ung thư gan.
Cuối cùng trong nhóm cựu quân nhân xin nhắc đến anh Châu Hoài Mạnh. Như lệ thường anh mang tục danh là “Mạnh Già”. Anh hơn chúng tôi từ 8 đến 10 tuổi. Anh đã là sĩ quan, lại là sĩ quan Quân-Y nữa. Trong nhóm chúng tôi có anh lúc nộp đơn thi vào Quân-Y ở Nha Quân-Y, Gò Vấp, đã nhận diện được anh Mạnh là viên Trung Úy đã nhận đơn thi của mình mà sao nay lại tháo lon Trung Úy để đeo cấp bậc Thượng Sĩ để đi học với mình!!! Anh Mạnh luôn luôn cắt tóc rất ngắn, người tầm thước, đôi môi hơi dầy nhưng kể chuyện rất lôi cuốn người nghe. Lúc anh đi học với chúng tôi, anh vẫn còn độc thân, sau này anh mới kết duyên với một dược sĩ, cũng người miền Nam như anh. Anh vô nội trú như mọi sinh viên khác mặc dù anh thừa sức xin miễn với những quen biết của anh trong giới Quân-Y thời đó. Anh lái chiếc scooter Lambretta 150 phân khối trong khi chúng tôi chỉ có xe đạp, hay khá hơn là những xe gắn máy hiệu Sachs, Puch, Capri hay Solex hoặc Velovap mà thôi. Anh cũng như mọi cựu quân nhân khác đều đặc biệt rất có chí, chăm học, luôn thi đua với tụi nhóc chúng tôi. Ra trường, anh phục vụ một thời gian ở Mộc Hóa, Kiến Tường, rồi về Saigon làm y sĩ riêng cho Thủ tướng Trần Thiện Khiêm. Lúc tôi phục vụ tại Viện Thí nghiệm Trung Ương trong Tổng Y Viện Cộng Hòa, thỉnh thoảng vẫn gặp anh trong chiếc xe Peugeot 403, mặc quần áo dân sự ra vào công tác.
Do một cơ duyên nào đó, sau này tôi lại gặp anh ở Paris lúc tôi vừa ngơ ngác đặt chân lên đất Pháp năm 1981. Anh rất mừng, chăm lo phần đời sống rất nhiều cho tôi. Lúc đó anh đã tốt nghiệp bằng Certificat d ‘Etude Spéciale (CES) de Stomatologie, Đại học Paris 6 chung với anh Trần Công Phát, cùng khóa với chúng tôi. Cái CES này trước đó chỉ có hai bác sĩ Việt Nam có mà thôi, đó là bác sĩ Hoàng Cơ Bình và giáo sư Trịnh Văn Tuất, khoa trưởng Nha khoa của Đại học Saigon. Giáo sư Tuất hiện đã nhiều tuổi, ngụ tại Sceaux, ngoại ô Paris. Cũng chính anh đã hỗ trợ tinh thần tôi để đi học lại và lấy bằng này...Trong lúc trà dư tửu hậu, anh Mạnh vui miệng kể chuyện thời gian anh ở Paris và Lyon để đi học khóa Hành chành Quân-Y những năm 1950. Anh thực tập và ở luôn trong bệnh viện Val-de-Grâce, Paris tương đương với Walter Reed ở Washington, D.C. của Mỹ. Trong khuôn viên nhà thương có nhà thờ, đó cũng là nơi anh được rửa tội bằng chính những ly chén...của vua Louis 14 của Pháp!!! Anh đã về hưu, hiện vẫn ở ngoại ô Paris, gần EuroDisney. Các con anh học rất giỏi: 2 con gái nối nghiệp cha làm bác sĩ bên Mỹ và cậu con trai tốt nghiệp X tức trường Bách Khoa Polytechnique của Pháp.
Hà Mạnh Tuấn
LTS: Kính các anh, tác giả Hà Mạnh Tuấn gửi bài và nhờ Tập San Y Sĩ viết đoạn cuối bài này câu :
Câu chuyện về trường Quân Y còn rất nhiều kỷ niệm cần được kể lại nhưng vì khuôn khổ của TSYS có giới hạn nên kỳ này tạm chấm dứt ở đây. Hẹn các bạn số sau và thân mến chúc các bạn một mùa hè thật vui vẻ. Riêng đối với các bạn được nêu tên trong bài viết của tôi, nếu có điều gì làm quý bạn phiền lòng, đó là điều ra ngoài ý muốn của tác giả và xin quý bạn vui lòng đại xá cho người bạn ngày xưa.
Huy hiệu Trường Quân Y