VŨ TRỤ GIÁO TRONG GỐM PERU THỜI TIỀN-COLUMBUS.
Nguyễn Xuân Quang
Qua bài viết Sự Tương Đồng Giữa Cổ Việt và Inca, ta đã biết văn hóa Inca và các nền văn hóa tiền Inca mà Inca được thừa hưởng dựa trên nền móng lưỡng hợp nòng nọc, âm dương và Vũ Trụ giáo giống như Cổ Việt. Các nền văn hóa này không có chữ viết (ký tự), họ đã dùng đồ gốm vẽ, khắc, chạm, nặn các hình tượng thay cho chữ viết. Tôi đặt tên cho đồ gốm Peru Tiền-Columbus là gốm hình-tượng ký (Picto-iconographic Ceramics) với nghĩa là các nền văn hóa này đã dùng đồ gốm thay cho chữ viết ghi lại các hình ảnh muôn mặt của đời sống từ tâm linh cho tới đời sống phàm tục hàng ngày của họ. Họ đã để lại cả trăm ngàn mẫu gốm. Đây là những tộc duy nhất đã dùng đồ gốm như một chữ viết, như một thứ hình ngữ, hình tự tức một thứ gốm hình ký. Ở một phương diện nào đó gốm Peru Tiền Columbus là một thứ sử gốm.
Vì thế đồ gốm của họ tất nhiên phải ghi lại một loại sử cổ nhất của nhân loại là các truyền thuyết, trong đó có các truyền thuyết về sáng thế dựa trên nguyên lý lưỡng hợp, Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo.
Bây giờ ta hãy kiểm chứng lại bằng các mẫu gốm.
.Hư Vô
Truyền thuyết sáng thế của họ khởi đầu từ một đấng sinh tạo là Viracocha trồi lên từ hồ nước Titicaca sau một trận đại hồng thủy tàn phá hết mọi cuộc sống và được cho là liện hệ với nước và bọt nước của hồ Titicaca. Nước là thái âm, bọt nước (khí-nước) là thiếu âm. Như thế đấng sinh tạo của họ thuộc về ngành âm, nòng tương ứng với ngành Thần Nông. Nói một cách khác hư không trung tính chuyển qua hư không âm trước. Hồ nước Titicaca là hình ảnh của biển vũ trụ sinh ra từ hư vô âm, hư không âm. Hư không ngành nòng âm sinh ra Mẹ nguyên khởi. Người Peru cổ cũng có hình bóng Mẹ Đời, Mẹ Tổ Loài Người ngồi ở thế sanh con hai tay đưa lên phía đầu do Trứng Vũ Trụ đẻ ra.
Gốm hình Trứng Vũ Trụ sinh ra Mẹ Đời nguyên khởi, Bảo Tàng Viện Larco, Lima, Peru.
Điểm này giống như Ai Cập cổ có biển vũ trụ (cosmic ocean) và có một truyền thuyết có Mẹ Đời, Mẹ Tổ Loài Người tên là Mut. Mut viết là Mu-t. Mu-t có nghĩa là người nữ Mu (-t là tiếp vĩ ngữ suffix chỉ phái nữ). Mu chính là Việt ngữ Mụ (người nữ, có một nghĩa là mẹ). Mut là Thiên Mụ, Mẹ Trời, Mẹ Tổ Loài Người tương đương với Mẹ Tổ Loài Người Dạ Dần của Mường Việt (Sự Tương Đồng Giữa Ai Cập cổ và Cổ Việt). Chúng ta cũng có hình bóng Mẹ Tổ Âu Cơ đột lốt Mẹ Đời hiện trưng bầy tại Viện Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam ở Hà Nội (Hình Bóng Mẹ Tồ Âu Cơ …) Động Đình Hồ của chúng ta tương đương với hồ Titicaca của Peru cổ, của Inca và biển vũ trụ của Ai Cập cổ.
2. Nhất thể, Thái Cực
Thái cực, Trứng Vũ Trụ là khi nòng nọc, âm dương còn quyện vào nhau dưới dạng nhất thể thấy rõ qua:
.Gốm Trứng Vũ Trụ đẻ ra Mẹ Đời đã nói ở trên.
.Bình gốm có cổ hình nòng vòng cung tròn và vòi hình nọc cắm lên cổ nòng tức âm dương nhất thể gọi là bình gốm có cổ và vòi hình móc bàn đạp lên ngựa (stirrup), (xem hình ở bình người hai mặt ở dưới).
.Bình gốm người hai mặt.
Bình người có hai khuôn mặt lưỡng hợp dòng âm, báo (human-feline duality), Bảo Tàng Viện Larco.
Bình mang tính lưỡng thể hợp nhất hay nhất thể có cổ và vòi hình móc bàn đạp leo lên ngựa, mang hình ảnh của các vị thần lưỡng tính phái như Thần mặt trời Ra của Ai Cập cổ, Brahma của Ấn giáo, lưỡng hợp chim-rắn như Hùng Vương, Bọc Trứng Lang Hùng có một khuôn mặt Nhất Thể. (Bọc là Nòng, không gian, các Lang toàn là con trai tức Nọc, mặt trời).
.Lưỡng Nghi:
Trứng Vũ Trụ, Thái Cực phân cực ra lưỡng cực, nòng nọc, âm dương.
-Nòng, âm, cái, nữ, cực âm nhìn tổng quát.
Ta thấy rõ điều này qua bình gốm Moche diễn tả những người nữ có bộ phận sinh dục hình vòng tròn nòng.
Bình gốm hình người nữ có bộ phận sinh dục hình chữ nòng vòng tròn O, Bảo Tàng Viện Larco (ảnh của tác giả).
-Cực Nòng âm, ngành âm nhìn theo diện có nòng nọc, âm dương.
Cực nòng hiểu theo nghĩa phía âm, ngành âm tức có âm có dương: có âm là âm của âm tức thái âm, về vật thể là nguyên thể của nước và có dương, là dương của âm tức thiếu âm, về vật thể là nguyên thể của gió. Trường hợp này thường biểu tượng bằng hình rắn nước trăn nước có bờm gió, có râu gió, có lông chim như hình bình dưới đây.
Bình trăn nước anaconda (metmuseum.org).
Bình có hình trăn mang tính thần kỳ có bờm có râu, trên người có chữ hai vòng tròn đồng tâm mang ý nghĩa nước, thái âm. Đây là con trăn nước anaconda thần có một khuôn mặt biểu tượng cho ngành âm nước-gió ứng với ngành Thần Nông (Thần là Nước, Nông là Gió).
Rắn lông chim Quetzal của Mễ và Kukucan của Maya có một khuôn mặt biểu tượng cho ngành nòng âm.
-Nọc, dương, đực, nam, cực dương nhìn tổng quát.
Tương tự bộ giống phái nam cũng được diễn tả dưới hình thức là một que nọc I đối ứng với bộ phận sinh dịc nữ hình nòng vòng O.
Bình gốm có bộ phận sinh dục nam diễn tả bằng hình que nọc thẳng đứng, Bảo Tàng Viện Larco (ảnh của tác giả).
Ở đây một lần nữa cho thấy rõ và sờ thấy được hai mẫu tự chính của chữ viết nòng nọc vòng tròn-que, một thứ chữ cổ nhất của nhân loại còn thấy ghi khắc lại trên trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn, có nguồn gốc nguyên thủy từ bộ phận sinh dục nữ nam.
Ngoài ra còn rất nhiều mẫu gốm diễn tả bộ phận nữ nam, trăng trời, rắn chim… diễn tả nòng nọc, âm dương.
-Cực nọc dương, ngành nọc nhìn theo diện có nòng nọc, âm dương.
Cực nọc hiểu theo nghĩa phía dương, ngành dương tức có âm có dương: có dương là dương của dương tức thái dương, về vật thể là nguyên thể của lửa vũ trụ và có âm của dương tức thiếu dương, về vật thể là nguyên thể của lửa đất thể gian. Trường hợp sau này thường biểu tượng bằng hình chim mang dương tính sống cả trên trời và trên núi.
Thổ dân Peru Tiền-Columbus thường chọn con chim condor có mào.
Bình chim condor.
Dĩ nhiên có thể còn nhiều lọai chim nọc khác nữa tùy theo mỗi tộc, mỗi nền văn hóa. Chúng ta chọn chim cắt, chim rìu, chim Việt.
.Tứ Tượng
-Tứ tượng chung.
Một bình gốm diễn tả cảnh hai người có chức vị cao (có trang phục đầu và hoa tai đặc biệt) đang làm tình dưới một kiến trúc giống như đền đài có mái bằng và bốn trụ cột có trang trí hình chữ nọc mũi mác (nổi và chìm)… Các nhà khảo cổ học cho đây là một cặp quí tộc đang làm tình với bốn người hầu. Nhìn dưới lăng kính Vũ Trụ giáo thì đây cũng có thể là một cảnh làm tình mang tính tế lễ trong Vũ Trụ giáo.
Bình Recuay diễn tả hai người đang làm tình trong một kiến trúc đền đài, Bảo Tàng Viện Larco.
Ta thấy kiến trúc là một thứ đền đài có bốn trụ cột ứng với Tứ Trụ, Tứ Tượng, tay cầm của bình hình trụ đầu tròn mang âm tính (hình âm đạo-tử cung), vòi ấm hình trụ nọc thẳng mang dương tính ứng với lưỡng nghi ngành dương. Kiến trúc mang ý nghĩa lưỡng nghi, tứ tượng của Vũ Trụ Tạo Sinh. Hai người làm tình, người nằm trên có trang trí hình cái mào mầu đỏ mầu mặt trời mang dương tính phía trên mũ, người dưới có mũi trắng trơn, mầu trăng mang âm tính. Hoa tai người nằm trên hình mặt trời và người nằm dưới hình ngôi sao (vật sáng hiện về đêm) mang âm tính. Hai người này mang hình bóng của hai vị thần sinh tạo, tạo hóa nam nữ ứng với lưỡng nghi và bốn “người hầu” mang hình ảnh của bốn vị thần con ngồi ở bốn góc sau cột thật cân xứng, vuông vắn là bốn vị thần Tứ Trụ ở Bốn Phương Trời ứng với tứ tượng liên hệ với Vũ Trụ giáo. Điểm này giống truyền thuyết Maya có bốn vị thần trụ chống trời ở bốn phương trời gọi là Bacobes (Bacaboobs) (Sự Tương Đồng Giữa Maya và Cổ Việt).
Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt đây có thể là hình điêu khắc ứng với Thần Nông và Viêm Đế hôn phối sinh ra bốn tổ phụ của chúng ta là Đế Minh, Kì Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương (truyền thuyết), vua tổ của Tứ Dân (Trung Hoa cổ gọi là Tứ Di) ở khắp bốn phương trời ứng với tứ tượng.
Nhìn thấp xuống hơn, đây cũng có thể là cảnh hai giáo sĩ đang làm tình trong một buổi tế lễ hay nhập đồng. Dù cho là cảnh vua chúa, quí tộc hay giáo sĩ thì cũng đều mang ý nghĩa nghi thức tế lễ nhìn theo truyền thuyết sáng thế.
Tóm lại nhìn theo duy tục thì đây là hai người quí tộc đang làm tình trong “biệt thự” có bốn người hầu ngồi chầu, nhìn theo tế lễ thì đây là hai vị tu sĩ đang làm tính để “cúng dường” và nhìn theo truyền thuyết thì đây là hai đấng sinh tạo, tạo hóa (lưỡng nghi) đang làm nhiệm vụ sinh tạo ra vũ trụ gồm có bốn vị thần con ứng với tứ tượng ở bốn phương trời. Người Peru cổ dùng gốm để diễn đạt, ghi khắc lại truyền thuyết.
-Tứ tượng riêng biệt.
.Tượng Lửa
Diễn tả bằng một loài chim mang dương tính biểu tượng cho lửa, mặt trời… chim condor to lớn, có mỏ to, có mào đỏ mang một khuôn mặt biểu tượng cho tượng lửa khi mang nghĩa thuần âm lửa.
.Tượng Nước
Thường biểu tượng bằng rắn nước, trăn nước anaconda trơn không có trang trí gì cả hay có chữ viết nòng mang nghĩa nước. Bình trăn nước ở trên cũng có thể có một khuôn mặt biểu tượng cho tượng nước. Rõ hơn nữa là rắn hai đầu mang nghĩa hai âm hay thái âm có một khuôn mặt nước như thấy trong văn hóa Maya.
Bình rắn hai đầu biểu tượng cho thái âm, nước. Lưu ý hình rắn hai đầu này đi đôi với các hình sóng cuộn (Bảo Tàng Viện Khảo Cổ Học, Nhân Chủng Học và Lịch Sử Peru).
.Tượng Gió
Có thể diễn tả bằng:
-một giống chim có bờm gió.
Thường hay dùng loài chim liên hệ với nước mang âm tính tức dương của âm hay thiếu âm, nguyên thể của gió như con cò là loài chim có dương tính sống bên bờ nước. Đúng nhất là loài cò có bờm biểu tượng cho gió (heron). Điển hình là con cò Lang có bờm rất cường điệu, bên trong có phụ đề bằng chữ viết nòng nọc vòng tròn-que trên trống đồng âm dương Ngọc Lũ I. Trong các gốm Peru cổ có thấy hình con chim có bờm gió rất cường điệu trên trang phục đầu của vị thần Toàn Năng Ai Apaec (xem hình ở dưới).
-một giống chim mang dương tính của ngành lửa nhưng có cổ khoang tương đương với bờm. Chim condor có cổ khoang trắng cũng có thể có một khuôn mặt lửa của ngành âm tức thiếu âm gió của ngành nọc lửa.
.Tượng Đất
Thường được diễn tả bằng một con thú bốn chân sống trên mặt đất, thổ dân Peru cổ chọn con báo puma.
Bình gốm báo Puma, Bảo Tàng Viện Larco.
.Tam Thế Bình
Tứ tượng dương giao hòa với tứ tượng âm sinh ra Tam Thế gồm có Ba Cõi Thượng Thế biểu tượng bằng loài chim bay, Trung Thế biểu tượng bằng loài thú bốn chân sống trên mặt đất và Hạ Thế biểu tượng bằng loài rắn, trăn nước.
Giới cai trị Moche (văn hóa tiền Inca) tự cho mình là những nhân vật thế gian hiện thân của thánh thần. Vị thần chính của Moche, Larco gọi là Ai Apaec (“The Powerful”, Toàn Năng). Hình gốm dưới đây diễn tả Thần Toàn Năng Ai Apaec mang dạng người có răng nanh loài mèo, báo (feline) ứng với báo puma biểu tượng cho cho Trung Thế, có nịt hình sóng nước ứng với rắn nước anaconda biểu tượng cho Hạ Thế và trang phục đầu hình chim có bờm gió cường điệu biểu tượng cho Thượng Thế.
Thần tổ Toàn Năng Ai Apaec (“The Powerful”) của Moche, mang dạng người có răng nanh loài mèo, báo (feline) ứng với báo puma biểu tượng cho Trung Thế, có nịt hình sóng nước dấu ngã (có góc cạnh mang dương tính, chuyển động mạnh) ứng với rắn nước anaconda, biểu tượng cho Hạ Thế và trang phục đầu hình chim có bờm lông gió cường điệu biểu tượng cho Thượng Thế (Bảo Tàng Viện Ngân Hàng Dự Trữ Trung Ương).
Lưu ý:
Chim có bờm gió cách điệu biểu tượng cho Thượng Thế ngành nòng tương ứng với Thần Nông, Chim gió có bờm cách điệu này giống như những con cò (loài chim mang dương tính sống ở bờ nước biểu tượng cho dương của âm tức thiếu âm, nguyên thể của gió) có bờm gió cũng rất cách điệu trên trống đồng âm dương Ngọc Lũ I. Đây là những con cò gió Lang không phải là cò nước Lạc, không phải là ngỗng Lạc, không phải là CHIM LẠC như các nhà làm văn hóa Việt Nam hiện nay gọi sai lầm như vậy.
.Cây Tam Thế (Cây Vũ Trụ, Cây Đời Sống).
Tam Thế được diễn tả bằng một cây gọi là Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống).
Hình dưới đây cho thấy hai nhân vật cao cấp, hai chức sắc hay hai vị thần đang giao hợp nẩy sinh ra một thứ cây mà nhà khảo cổ học Rafael Larco gọi là ulluchu.
Hai chức sắc giao hợp nẩy sinh ra cây Ulluchu, Bảo Tàng Viện Larco (ảnh của tác giả).
Có tác giả giải thích hình này diễn tả hai người đang làm tình ở bên một cây trong lúc đang “phi” với thuốc ảo giác mà hai người đứng trước đang đưa cho. Cây này chính là cây có quả dùng làm thuốc ảo giác. Đây là cách giải thích theo duy tục.
Thật vậy, vì cây này còn thấy trên nhiều bình gốm khác dưới hình dạng khác:
Bình gốm có hình cây ulluchu ba tầng và quả dùng tế lễ, Bảo Tàng Viện, Larco (ảnh của tác giả).
Hiện nay các nhà khảo cổ không biết đây thật sự là cây gì. Theo tài liệu ở Bảo Tàng Viện Larco thì đây là cây ulluchu. Tên này do Larco đặt ra bằng cách lồng (coinage) hai từ Quechua: “uchu“ là “ớt” và “ullu“ là “dương vật” chỉ một giống cây có quả giống ớt này nhưng không có liên hệ gì với loại cây dùng trên gốm bởi người Moche. Cây này trên gốm thường thấy liên hợp nhiều với hiến tế và mắn sinh.
Nhiều tác giả đã cố nhận diện cây ulluchu này xem là cây gì.
S. Henry Wassen của Gothenburg Ethnographical Museum cho đây là cây đu đủ dại (Carica candicans) và cho rằng nó có tính chất chống đông máu dùng làm cho máu các nạn nhân hiến tế không đông đặc lại để sau đó các tu sĩ uống trong lúc tế. Điểm này giống như hồi nhỏ tác giả thấy lấy dọc lá chuối đem nước sơ qua rồi vắt lấy nước để “hãm tiết canh” tức dùng để cầm cho máu loãng khi làm tiết canh của người Việt. Tục ăn tiết canh của người Việt là di tích của sự hiến tế máu này. Rainer W Bussmann và Douglas Sharon phủ nhận là cây đu đủ dại và cho đây là cây thuộc giống Guarea (Meliaceae) cũng có tính chất làm loãng máu, chống đông máu dùng trong hiến tế. Nhưng cây này lại có hạt đem nghiền ra bột dùng để hít gây ra ảo giác dùng trong hiên tế, nhập đồng. Ngoài ra chúng còn có tác dụng làm tăng huyết áp và làm cương cứng dương vật. Điều này giải thích tại sao trong nhiều hình ảnh tù nhân đem hiến tế có dương vật cương cứng.
Đoàn tù binh ở Huaca El Brujo có bộ giống phái nam cương cứng (ảnh của Rainer W. Bussmann).
Dù gì thì tất cả các tác giả đều chấp nhận chung một điều đây là một cây tế lễ (ceremonial plant), một thứ cây thần bí (mystic plant).
Theo tôi, nhìn dưới lăng kính Vũ Trụ giáo thì đây là Cây Tam Thế, (Cây Vũ Trụ, Cây Đời Sống) vì những lý do sau đây:
.Cây này là cây thần bí liên hệ với tế lễ, hiến tế ăn khớp với Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống) trăm phần trăm.
.Ở hình hai người làm tình, cây có chim đậu ở phía mặt dưới cành cao nhất đụng trang phục đầu của người lom khom (biểu tượng cho Thượng Thế), thú bốn chân con khỉ (Trung Thế), rắn (Hạ Thế) mang hình bóng Cây Tam Thế (Cây Vũ Trụ, Cây Đời Sống) trăm phần trăm.
Xin lưu ý, con thú bốn chân ở đây là con khỉ, thủy tổ sinh ra loài người. Thật là quá lý thú, người cổ Peru cũng đã biết như vậy.
.Theo nhận xét của Bảo Tàng Viện Larco là thấy cây này liên hợp nhiều với hiến tế và mắn sinh. Ta thấy hai ý nghĩa này đều nằm trong ý nghĩa của Cây Tam Thế (Cây Vũ Trụ, Cây Đời Sống). Mắn sinh hiển nhiên là ý nghĩa của sinh tạo, tái sinh của Cây Đời Sống. Hiến tế hiển nhiên là một hình thức trong Vũ Trụ giáo.
.Ở bình gốm cây và quả ở trên ta thấy cây chỉ có ba tầng và bình dưới đây cây cũng chỉ có ba tầng ăn khớp trăm phần trăm với Cây Tam Thế.
Bình gốm có cây Ulluchu ba tầng (Psychonaut.com).
Ở hình hai người làm tình cây có bốn nhánh thay vì ba nhưng ta thấy rõ hai nhánh có hai con khỉ cùng biểu tượng cho Trung Thế cõi đất. Ở đây Trung Thế chia ra làm hai tầng là đất dương, đất núi, đất lửa và đất âm giống như trên trống đồng âm dương Ngọc Lũ I, Trung Thế cũng chia ra hai tiểu thế: mặt trống là phần đất dương có cảnh sinh hoạt nhân sinh trên đất dương và phần bầu tang trống là phần đất âm có cảnh thuyền, chim nước.
.Trong hình hai người làm tình cây nầy nẩy sinh ra giữa hai người chứ không phải ở sau hai người như tác giả trên đã nói.
.Peru cổ và Inca có nguyên lý lưỡng hợp hanan và hurin thì có Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống) là chuyện tất nhiên.
Theo tôi đây là Cây Tam Thế (Cây Vũ Trụ, Cây Đời Sống) dù cho trong thiên nhiên nó có là giống cây nào đi nữa cũng không quan trọng, chỉ là thứ yếu. Mỗi tộc chọn một giống cây làm Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống) như Việt Nam là cây si, cây đa, nấm (trống đồng vũ trụ nòng nọc, âm dương Nguyễn Xuân Quang VI tức Heger I có hình cây nấm), Maya là cây bông gòn ceiba, yaax-che… Ngoài ra cũng có những cây biểu tượng cho Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống) hoàn toàn mang tính truyền thuyết, thần bí, không có trong thiên nhiên như hình cây thánh giá của Maya, hình chữ T của Ai Cập cổ.
.Trục Thế Giới, Trục Vũ Trụ
Trục nối liền Tam Thế, có một phần ở cõi thế gian nằm trong Núi Trụ Thế Gian, thường diễn tả bằng hình núi nhọn hay hình tháp có hay không có tầng, có bậc.
Bát gốm dưới đây diễn tả bốn hình tháp có cấp bậc ở bốn góc. Tháp có bậc mang một khuôn mặt Trục Thế Giới, Núi Trụ Thế Gian dùng làm đường về Cõi Trên giống như tháp Zoser có bậc cấp của Ai Cập và ở các nền văn hóa khác ở châu Mỹ như Aztecs, Maya…
Bát với tháp bậc cấp, Thời Thành Hình Cuspisnique (1250 TTL-1STL), Bảo tàng Viện Nghệ Thuật Peru (MAP) (ảnh của tác giả).
Lòng bát lõm biểu tượng cho cõi đất âm, nước. Rốn bát là rốn vũ trụ, tâm Trục Thế Giới. Bốn tháp có cấp bậc ở bồn góc là Trục Thế Giới của Tứ Dân ở bốn phi7ơng trời. Bát này trải ra mặt bằng tạo thành một loại hình chữ thập có tâm mang ý nghĩa Trục Thế Giới, Trục Vũ Trụ và ngay cả Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống). Hình này là tiền thân của hình chữ thập Inca gọi là Chakana, biểu tượng của Đế Quốc Inca.
Một ngôi nhà Peru có chữ thập Inca gọi là Chakana (ảnh của tác giả).
Người Inca quan niệm họ ở trọng tâm vũ trụ còn loài người gồm có Bốn Người tức Tứ Dân ở bốn hướng tức bốn nhánh của chữ thập Chakana. Vòng tròn ở tâm chữ thập Chakana là tâm vũ trụ nơi người Inca ở. Đế quốc Inca về sau chọn đế đô ở Cuzco làm đế triều và là trục đầu não của đế quốc chia ra làm bốn vùng, tất cả đều qui về chính quyền trung ương ở Cuzco. Ý nghĩa của từ Cuzco cho thấy rõ điều này. Cuzco có nghĩa là cái Rốn (vũ trụ). Người Inca ở Rốn vũ trụ cai trị Tứ Dân ở bốn phương trời. Vòng tròn ở tâm chữ thập Chakana là thiết diện của Trục Thế Giới. Mặt trời ở tâm chữ thập là mặt trời ở thiên đỉnh zenith trên đỉnh Trục Thế Giới (Sự Tương Đồng Giữa Cổ Việt và Inca).
…….
Nói tóm lại gốm cổ Peru chuyên chở triết thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo.
Kết Luận
Gốm cổ Peru Tiền-Columbus là một kho tàng quí giá, một thứ sử gốm giúp kiểm chứng lại bằng hiện vật các truyền thuyết, cổ sử của Peru cổ. Từ đó ta có thể dùng kiểm chứng lại truyền thuết, cổ sử của cổ Việt vì cả hai tương đồng với nhau qua mẫu số chung Vũ Trụ giáo. Xin các nhà văn hóa Việt Nam hãy dùng những gốm này mà sửa lại những sai lệch, thiếu sót về cổ sử Việt Nam (ví dụ nên dùng nền văn hóa rắn nguyên thủy cổ xưa của chúng ta còn thấy ở đầu các con thuyền trên trống đồng âm dương Ngọc Lũ I và các trống họ hàng hơn là dùng văn hóa rồng long của Trung Hoa, một nền văn hóa có rất muộn sau văn hóa rắn nước).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
.Rainer W. Bussmann, Naming a phantom – the quest to find the identity of Ulluchu, an unidentified ceremonial plant of the Moche culture in Northern Peru, 2009 Mar 31;5:8.
.Wassen H. “Ulluchu, ” Moche Iconography and Blood Ceremonies: The Search for Identification, Göteborg Etnografiska Museum, Annals 1985/86. 1987.