Hoạt động ngân hàng tại Hoa Kỳ
Loading
Duy Anh
Mùa xuân 2010
Kinh T‰
Hoạt động ngân hàng của một quốc gia thường được ví như hệ thống tuần hoàn của một cơ thể, có nhiệm vụ duy trì một lượng máu (tiền) tối ưu cho nhu cầu của cơ thể. Trong y khoa, lượng máu quá dồi dào có thể gây ra những loại bệnh sung huyết và ngược lại khi bị tắt nghẽn thì có thể gây bệnh “stroke,” làm tê liệt hoạt động của cơ thể. Cũng vậy, khi lưu lượng tiền quá nhiều trong thị trường thì có thể đưa đến lạm phát và nếu bị thiếu hụt có thể gây ra những cơn khủng hoảng tài chánh khi hoạt động ngân hàng toàn cầu bị tắt nghẽn.
Mục đích của bài viết này nhằm tìm hiểu những nét căn bản về cơ chế hoạt động của ngành ngân hàng tại Hoa Kỳ. Từ đó có thể nắm được những yếu tố đã đưa đến cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay và những biện pháp chính phủ Hoa Kỳ đang áp dụng để cứu chữa.

Đại cương

Trong kinh tế học, lưu lượng tiền là tổng số tiền sẵn có để sử dụng trong một nền kinh tế tại một thời điểm nào đó. Để dễ theo dõi, lưu lượng tiền được phân loại thành các thành phần Ms bao gồm:
-M0: lượng tiền mặt, gồm tiền giấy và tiền keng đang lưu hành trên thị trường và cất giữ trong các ngân hàng thương mãi cũng như trong Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ (US Federal Reserve).
-M1: M0 + các tài khoản thanh toán ngân hàng (checkable deposits).
-M2: M1 + các tài khoản tiết kiệm, tiền ký quỹ có thời hạn (time deposits) dưới $100,000 và tài khoản money-market. Nói chung, M2 tượng trưng cho lượng tiền thật sự sẵn có và đang được sử dụng. M2 được các nhà kinh tế học sử dụng nhiều nhất để đánh giá tình hình chung về thị trường tài chánh và là một chỉ độ quan trọng dể đánh giá lạm phát.
-M3: M2 + những tài khoản ký quỹ có thời hạn lớn hơn $100,000, những quỹ money- market của các cơ sở tài chánh lớn và những tài sản tài chánh lớn khác. Vì các tài khoản lớn này thường không thay đổi nhiều nên hiện nay Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ (DTLB) không công bố M3 nữa vì chi phí thu thập dữ liệu không đáng với lợi ích sử dụng.

Trong những dữ liệu về Ms, M1 có tầm quan trọng nhiều nhất trong hệ thống ngân hàng tại Hoa Kỳ vì có liên quan trực tiếp đến các hoạt động thanh khoản, ký gởi của khách hàng, tồn trữ và cho vay mượn tiền. Nói về M0 tương đối dễ hiểu vì tiền giấy thì do US Bureau of Engraving in, còn tiền keng thì được US Mint đúc và phát hành ra. Tuy nhiên trong M1 thì cộng thêm các tài khoản thanh toán ngân hàng (TKTTNH), đây mới là điều khó hiểu vì các TKTTNH này ở đâu ra? Theo thống kê thì các TKTTNH chiếm hơn một nửa lượng tiền M1. Câu trả lời chắc chắn làm ngạc nhiên mọi người là phần lớn TKTTNH do các ngân hàng thương mãi và các cơ sở tài chánh tư nhân (gọi chung là NHTM) tạo ra từ thinh không! Trên thực tế, chính DTLB, còn gọi là Ngân hàng Trung Ương, trông cậy vào các NHTM tư nhân để cung ứng đủ tiền cho nhu cầu của nền kinh tế. Hiểu được điều này sẽ nắm được nguyên tắc căn bản của hoạt động ngân hàng tại Hoa Kỳ.

Phần trình bày sau đây sẽ nói về sự hình thành của hệ thống ngân hàng, một ví dụ hoạt động của ngân hàng thương, hoạt động của DTLB Hoa Kỳ và sau cùng là một số nhận xét về đặc tính của hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ.

Sự hình thành của hệ thống ngân hàng

Giống như phần lớn các quốc gia theo kinh tế thị trường khác, ngân hàng tại Hoa Kỳ hoạt động theo một hệ thống gọi là phân đoạn dự trữ (fractional reserve banking system), nghĩa là chỉ có một tỉ lệ nào đó của tổng lưu lượng tiền được dự trữ (hiểu theo nghĩa bảo kê) bằng tiền mặt. Nói cách khác, tiền mặt thực sự (M0) chỉ là một phần nhỏ của tổng số lượng tiền đang được sử dụng trên thị trường (M1, M2 và M3), phần còn lại là tiền “ảo” được tạo ra từ “thinh không.”

Nguyên nhân bắt nguồn từ thời xa xưa khi vàng được sử dụng như vật trao đổi trung gian cho những cuộc trao đổi và vai trò của những chủ “tiệm vàng” (goldsmiths) chuyên mua bán vàng. Vào khoảng thế kỷ thứ 16 cùng với sự phát triển của thương mãi thế giới, thương nhân nhận thức được rằng mang một khối vàng đi xa rất bất tiện. Lúc đó, các chủ tiệm vàng, phần đông là người Do Thái, nảy sinh ra sáng kiến nhận cất giữ vàng của doanh thương và trao lại giấy chứng nhận số lượng vàng lưu trữ. Đến nơi, doanh nhân có thể mang tấm giấy chứng nhận đến một địa chỉ nào đó để nhận lại số vàng ký gửi sau khi trả một số chi phí nhất định. Những loại giấy chứng nhận này chính là khởi thủy của tiền giấy.

Lúc đó, hệ thống ngân hàng phôi thai này được gọi là 100% dự trữ vì toàn bộ lượng tiền giấy phát hành được bảo đảm bằng vàng. Nhờ uy tín làm ăn nghiêm chỉnh của các chủ tiệm vàng nên dần dà, các doanh nghiệp không màng đến chuyện chuyển đổi giấy chứng nhận lấy vàng nữa mà trao đổi trực tiếp với nhau những tờ tiền giấy này. Kết quả là số lượng vàng dự trữ càng lúc càng nhiều lên. Do đó, một số chủ tiệm vàng mới nảy sinh ra sáng kiến phát hành tiền giấy nhiều hơn lượng vàng bảo đảm để cho vay lấy lãi. Từ đó phát sinh ra hệ thống ngân hàng phân đoạn dự trữ như ta thấy ngày nay. Ví dụ: một chủ tiệm vàng cất giữ $1 triệu bằng vàng của thân chủ và trao lại $1 triệu tiền giấy. Đồng thời, ông chủ tiệm vàng này có thể phát hành thêm $1 triệu tiền giấy nữa để cho vay lấy lãi. Như vậy, tổng số tiền phát hành $2 triệu được bảo đảm bằng $1 triệu tiền vàng mà thôi, hoặc 50%.

Đến khi việc bảo đảm bằng vàng (kim bản vị) được bãi bỏ thì tiền giấy trở thành vật trung gian trao đổi bảo đảm bằng uy tín của quốc gia phát hành tiền. Tuy nhiên, theo nhu cầu sử dụng ngày càng cao của kinh tế, chính các quốc gia này cũng chỉ phát hành một lượng tiền giấy vừa phải (M0), phần còn lại là tín dụng hay các loại tiền ảo khác chỉ được bảo kê một phần thật nhỏ bằng tiền thật (phân đoạn dự trữ) trong các ngân hàng trung ương.

Hệ thống ngân hàng phân đoạn dự trữ đưa ra hai vấn đề đáng lưu ý:

1. Ngân hàng có thể tạo ra tiền bằng cách cho vay mượn. Ngày xưa, các chủ tiệm vàng tạo ra tiền khi cho vay lấy lãi dựa vào một phần vàng dự trữ. Ngày nay, tiền mặt không được bảo đảm bằng vàng nữa nhưng các ngân hàng phải dự trữ một tỉ lệ tiền mặt với ngân hàng trung ương để đề phòng trường hợp các thân chủ rút tiền ra. Sau khi thực hiện nghĩa vụ này theo luật định, các ngân hàng thương mãi có thể tạo ra tiền ảo dựa trên một số tiền ký gởi ban đầu bằng cách cho vay. Ngược lại cũng vậy, khi người vay thanh toán nợ, lưu lượng tiền lại bị hủy đi một khoản tương ứng.

2. Khủng hoảng tài chánh và điều lệ hoạt động. Khủng hoảng tài chánh sẽ xảy ra khi các thân chủ đồng loạt rút tiền ra vì các ngân hàng không còn khả năng thanh khoản nữa, vàng hay lượng tiền mặt dự trữ không đủ để thanh toán cho thân chủ. Hiện tượng này gọi là “ngân hàng chạy” (bank run) và đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử hoạt động ngân hàng Mỹ và Âu Châu. Do đó, chính phủ cần có những đạo luật diều hành hoạt động ngân hàng thích đáng và cơ chế ngân hàng trung ương cũng như bảo hiểm tương tự như FDIC (Federal Deposit Insurance Corporation) tại Hoa Kỳ.

Hoạt động tiêu biểu của một ngân hàng thương mãi tại Hoa Kỳ

Phần sau đây là phác họa một số hoạt động của một ngân hàng thương mãi tại Hoa Kỳ qua một ví dụ.

Bước 1: Thành lập
Ví dụ một nhóm doanh nghiệp quyết định thành lập một ngân hàng thương mãi tại một nơi nào đó và đặt tên là Vina. Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết, việc tiếp theo là họ gọi cổ đông, giả sử vốn ban đầu là $200,000, bằng cách bán cổ phiếu (stock shares). Những cổ đông bỏ tiền được nhận giấy cổ phiếu tương đương với số tiền bỏ ra. Bản cân đối tài chánh (balance sheet) lúc này sẽ là:

Cân đối tài chánh 1:

Tài sản có------------------- Nợ và trị giá cổ đông (Equity)
Tiền mặt: $200,000-------- E: $200,000

Bước 2: Xây dựng
Ban Quản trị quyết định sử dụng $100,000 để xây dựng cơ sở và $100,000 để trang bị. Bản cân đối lúc này có sự thay đổi như sau:

Cân đối tài chánh 2:

Tài sản có--------------- Nợ và trị giá cổ đông
Tiền mặt: $0------------ E: $200,000
Cơ sở: $200,000--------
Cộng: $200,000--------- Cộng: $200,000

Bước 3: Nhận ký thác

Nói chung các ngân hàng thương mãi có hai nhiệm vụ chính: nhận ký thác và cho vay. Giả sử ở giai đoạn ba này, ngân hàng Vina nhận ký thác $100,000 vào. Bản cân đối trở thành:

Cân đối tài chánh 3:

Tài sản có--------------- Nợ và trị giá cổ đông
Tiền ký thác (tiền mặt hoặc chi phiếu): $100,000--- Nợ: $100,000
Cơ sở: $200,000------- E: $200,000
Cộng: $300,000-------- Cộng: $300,000

Cho đến bước này, lưu lượng tiền trên thị trường không có gì thay đổi tuy bản cân đối tài chánh của Vina đã tăng thêm thành $300,000 tài sản có và $300,000 tài sản nợ và TGCĐ.

Bước 4: Ký gởi dự trữ tại ngân hàng trung ương (Federal Reserve):
Theo luật pháp hiện hành, tất cả các ngân hàng thương mãi tại Hoa Kỳ đều phải ký gởi một tỉ lệ tiền nhận của thân chủ với ngân hàng trung ương (NHTU). Tỉ lệ này gọi là tỉ lệ dự trữ (reserve ratio) được ấn định bởi NHTU theo từng thời kỳ khác nhau và tùy số tiền ký thác của thân chủ.

Tìm hiểu thêm về tỉ lệ dự trữ tại đây:
<https://www.federalreserve.gov/monetarypolicy/reservereq.htm>

Bây giờ, giả sử tỉ lệ dự trữ đang là 10%, như vậy Vina phải gởi lên NHTU số tiền là $10,000. Để tránh tình trạng bị thiếu hụt nghĩa vụ dự trữ và phòng hờ sẽ nhận thêm ký thác, Vina có thể gởi hết số tiền mặt hiện có lên NHTU (tuy không bắt buộc). Bản cân đối tài chánh lúc này của Vina sẽ là:

Cân đối tài chánh 4:

Tài sản có--------------- Nợ và trị giá cổ đông
Tiền mặt: $90,000-----
Tiền dự trữ tại NHTU: $10,000--- Nợ: $100,000
Cơ sở: $200,000------- E: $200,000
Cộng: $300,000------- Cộng: $300,000

Đến đây, nổi lên khái niệm Dự trữ thặng dư (Excess reserves) tức là số tiền dự trữ đã nộp (Actual reserves) - tỉ lệ dự trữ nghĩa vụ (required reserves) = $100,000 - $10,000 => $9,000. Đây là ngân khoản Vina có thể cho doanh nghiệp vay mượn.

Bước 5: Cho doanh nghiệp vay
Sau khi nghiên cứu tư cách tín dụng của một doanh nghiệp, ví dụ doanh nghiệp A, ngân hàng Vina quyết định cho A vay số tiền $90,000. Trên nguyên tắc, A sẽ được cấp một ngân khoản là $90,000 sau khi đã ký giấy nợ I.O.U mượn số tiền kể trên. Bản cân đối tài chánh Vina trở thành:
Cân đối tài chánh 5
Tài sản có---------------- Nợ và trị giá cổ đông
Tiền mặt: $90,000------
Tiền dự trữ tại NHTU: $10,000--- Nợ :$100,000
Giấy IOU: $90,000-------- Nợ tiền ảo cho vay: $90,000
Cơ sở: $200,000--------- E: $200,000
Cộng: $390,000--------- Cộng: $390,000

Chúng ta nhận thấy một hiện tượng lạ đã xảy ra là tài sản có của Vina đã tăng lên đột ngột một khoản tiền là $90,000 sau khi Vina cho doanh nghiệp vay số tiền đó. Lưu lượng tiền trên thị trường đã tăng lên “từ thinh không” sau động tác cho vay của Vina.

Nói cách khác, tiền đã được tạo ra trên khoản ký thác đầu tiên sau khi ngân hàng cho doanh nghiệp vay mượn. Dĩ nhiên đây không phải là lợi nhuận của Vina và trong bản cân đối có dự trù tài khoản phải trả $90,000 này (nợ tiền ảo đã cho vay). Lợi nhuận của Vina sẽ có khi doanh nghiệp A trả lãi trên số tiền đã mượn. Chú ý là ngân hàng Vina không cần phải đưa toàn bộ số tiền mặt $90,000 cho doanh nghiệp A mà chỉ cấp tín dụng, bảo đảm bằng lượng tiền mặt đang có.

Nếu doanh nghiệp A sử dụng số tín dụng được cấp ($90,000) mua hàng của doanh nghiệp B và B ký thác trở lại số tiền này vào ngân hàng Vina, ngân hàng này sẽ có thêm một khoản tiền nữa để cho vay sau khi ký gởi 10% cho ngân hàng trung ương. Lần này dự trữ thặng dư sẽ là $90,000 - $9,000 = $81,000. Tùy theo nhu cầu vốn của kinh tế, ngân hàng Vina có thể lặp đi lặp lại động tác cho vay và đồng tiền ký thác ban đầu được xoay vòng nhiều lần làm con số M1 tăng lên đáng kể.

Giả sử Vina cho doanh nghiệp C vay, bản cân đối tài chánh của Vina tăng lên thành:

Cân đối tài chánh 5b

Tài sản có---------------- Nợ và trị giá cổ đông
Tiền mặt: $81,000-------
Tiền dự trữ tại NHTU: $19,000---- Nợ :$100,000
Giấy IOU từ A: $90,000------------ Nợ tiền ảo cho A vay: $90,000
Giấy IOU từ C: $81,000------------ Nợ tiền ảo cho C vay: $81,000
Cơ sở: $200,000-------- E: $200,000
Cộng: $471,000--------- Cộng: $471,000

Bước 6: Doanh nghiệp trả nợ
Trong trường hợp doanh nghiệp thanh toán nợ nần thì một số tiền tương ứng sẽ bị tiêu hủy đi. Ví dụ, khi doanh nghiệp A và C trả lại số nợ cho ngân hàng Vina, bản cân đối tài chánh Vina sẽ trở lại như ban đầu:
Cân đối tài chánh 6
Tài sản có----------------- Nợ và trị giá cổ đông
Tiền mặt: $81,000---------
Tiền dự trữ tại NHTU: $19,000---- Nợ :$100,000
Cơ sở: $200,000--------- E: $200,000
Cộng: $300,000--------- Cộng: $300,000

Kết luận phần này, chúng ta thấy ngân hàng thương mãi có khả năng tạo ra tiền khi cấp tín dụng cho khách hàng, cũng như tiền sẽ bị tiêu hủy đi khi khách hàng trả nợ ngân hàng. Trường hợp khách hàng bị phá sản không trả được lãi và nợ, tiền cũng bị tiêu hủy đi và ngân hàng sẽ chịu lỗ toàn bộ.

Có một nhận xét nhỏ nữa là Vina có thể gởi toàn bộ số tiền ký thác ban đầu lên DTLB một mặt để tránh tình trạng bị thiếu hụt nghĩa vụ phải đi vay qua đêm chỗ khác. Mặt khác vì DTLB giữ nhiệm vụ thanh toán các ngân phiếu nên cất tiền tại DTLB tiện lợi hơn.


Nhiệm vụ của DTLB trong hoạt động ngân hàng

Thanh toán ngân phiếu

Tại Hoa Kỳ, nhiệm vụ thanh khoản ngân phiếu thuộc về các nhà băng khu vực của Federal Reserve. Những tấm ngân phiếu được gởi lên Fed thanh lọc, kiểm tra và thanh toán. Ví dụ doanh nghiệp A ký môt tấm séc $90,000 để mua một số vật dụng xây cất cho doanh nghiệp B có tài khoản tại ngân hàng Amer. Ngân hàng Amer gởi séc lên và Fed trừ trên dự trữ thặng dư của Vina số tiền $90,000 đi, đồng thời cấp cho Amer số tiền $90,000.

Thực hiện chính sách tiền tệ của chính phủ

DTLB có thể ảnh hưởng đến lưu lượng tiền bằng ba biện pháp:

1. Mua bán bonds trên thị trường tự do. Khi chủ trương chính sách tiền tệ thả lỏng để kích thích kinh tế, DTLB ra sức thu mua bonds ngoài thị trường tự do, đẩy giá bonds lên và làm hạ lãi suất xuống. Đồng thời lưu lượng tiền được bơm vào hệ thống tài chánh làm tín dụng dồi dào hơn, các doanh nghiệp dễ vay mượn hơn. Ngược lại khi muốn siết chặt tiền tệ, DTLB làm ngược lại là bán bonds ra, hút tiền ra khỏi lưu lượng đang có ngoài thị trường.

2. Ấn định tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mãi. Khi muốn thả lỏng, DTLB hạ thấp tỉ lệ nộp dự trữ khiến các ngân hàng có nhiều vốn hơn để cho vay và ngược lại khi muốn siết lại thì DTLB nâng cao tỉ lệ này lên.

3. Lãi suất ưu đãi (discount rate). Một trong những nhiệm vụ chính của DTLB là cho các ngân hàng vay với lãi suất ưu đãi. Lãi suất này do DTLB ấn định và chỉ dành cho một số ngân hàng lớn có “làm ăn” thường xuyên với DTLB.

Tìm hiểu thêm tại đây:
<https://www.federalreserve.gov/monetarypolicy/discountrate.htm>
Lãi suất ưu đãi này được DTLB ấn định mỗi 14 ngày và hiện nay là 0.50%.

ĐẶC TÍNH

Ưu điểm

1. Khả năng tạo ra tiền. Ưu điểm rõ nhất là khả năng tạo ra tiền của hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ. Khả năng tạo ra tiền này tuỳ thuộc vào yếu tố nhân số tiền tệ (money multiplier). Nhân số này được tính toán theo công thức:

Money Multiplier = 1/tỉ lệ dự trữ bắt buộc
hay:
m = 1/R

Nếu R là 10% như ví dụ trên, m sẽ là 10. Từ đó ta có thể nhìn thấy là trong trường hợp ngân hàng Vina, khả năng tối đa tạo ra tín dụng từ số tiền ký thác ban đầu $100,000 với một tỉ lệ dự trữ 10% sẽ là:
D (tổng lưu lượngtiền) = E (tiền ký thác ban đầu) x m =
$100,000 x 10 = $1 triệu

Nói tóm lại, từ số tiền $100,000 ban đầu ngân hàng Vina có khả năng tạo ra thêm $900,000 để doanh nghiệp vay mượn. Dĩ nhiên, trên thực tế còn tùy thuộc nhu cầu các doanh nghiệp cần vay bao nhiêu và kết quả cuối cùng là tốc độ xoay vòng vốn (money velocity) của đồng tiền tính trong một năm. Cách tính đơn giản nhất của vận tốc xoay vòng của tiền tệ trong một quốc gia là chia GDP với M0, M1, M2 hoặc M3. Con số thường dùng nhất là GDP/M1. Tại những quốc gia phát triển (Mỹ và Tây Âu) vì đồng tiền được sử dụng hữu hiệu và sự thông dụng của thẻ tín dụng nên con số này có thể lên tới 9-10. Ví dụ tại Mỹ:

(Xem hình 1 bên cạnh)

1.Họa đồ của (Kelly, B.,2009)

Tại những quốc gia kém phát triển, không có thống kê rõ ràng về các Ms và có sự tồn tại mạnh mẽ của một nền kinh tế “bóng tối” (shadow economy) thì vận tốc xoay vòng chính thức của tiền tệ thấp hơn. Ví dụ tại Việt Nam, theo báo cáo của IMF, velocity của M2 là 0.9 (IMF. 2009, trang 26). So sánh với Mỹ là (GDP) $14.33T/(M2) $7.7T = 1.86

(Xem hình 2 bên cạnh)

2.Họa đồ của Federal Reserve Bank of New York (2009)


(Xem hình 3 bên cạnh)


3.Họa đồ của Hewitt, Mike (2008)


2. Sự liên quan giữa hệ thống ngân hàng tư nhân và ngân hàng trung ương (DTLB) thuộc quyền kiểm soát của chính phủ. Có một sự kết hợp hài hòa giữa khu vực tư nhân và nhà nước. Từ sau cuộc Đại Khủng Hoảng 1929, vai trò chỉ đạo của nhà nước thông qua hệ thống DTLB được nâng lên nhưng vẫn tôn trọng những nguyên tắc căn bản của kinh tế tự do.

Ngân hàng trung ương hoạt động như một tổ chức tư nhân với các cổ đông và thành viên là các ngân hàng thương mãi tư nhân. Khi muốn thay đổi lãi suất thị trường, DTLB dùng biện pháp mua bán bonds thông qua hoạt động kinh tế thị trường mở rộng (open market operations), nghĩa là với tiềm năng khổng lồ, DTLB mua bán trái phiếu theo giá thị trường để tác động vào lãi suất bên ngoài. Trong phạm vi sẵn có, DTLB cho các ngân hàng thành viên được vay tiền theo lãi suất ưu đãi (discount rate) của mình, từ đó cũng tác động làm giảm lãi suất bên ngoài. Khi muốn kềm hãm kinh tế thì DTLB nâng lãi suất ưu đãi này lên.

Khuyết điểm

1. Yêu cầu đòi hỏi tách rời hoạt kinh tế tự do ra khỏi sự kiểm soát của chính phủ. Mức độ tác động của nhà nước vào lãnh vực tư nhân vẫn là một đề tài tranh cãi từ bao lâu nay tại các quốc gia theo kinh tế thị trường. Chủ thuyết “laisser faire” từ sau thế kỷ 19 và tự do tuyệt đối của tư nhân trong kinh tế rõ ràng đã thất bại qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế. Chuyển qua chế độ Cộng Sản với sự kiểm soát toàn bộ của nhà nước trong lãnh vực kinh tế lại là một sự sai lầm nghiêm trọng đã được chứng minh trong cuối thế kỷ 20.

Từ đầu thập niên 80, kinh tế nước Mỹ với sự lãnh đạo của TT Ronald Reagan và kinh tế gia Milton Friedman (Nobel kinh tế 1976, cha đẻ của chủ thuyết tiền tệ), đã phát triển vượt bực trong hai thập niên nhờ áp dụng một công thức hài hòa tôn trọng qui luật kinh tế tự do, đồng thời giữ quyền kiểm soát của của chính phủ ở mức độ vĩ mô. Tuy nhiên, khuynh hướng đòi hỏi hạn chế quyền lực nhà nước (deregulation) đã dần dần đẩy hệ thống ngân hàng tư nhân vào những lãnh vực hoạt động nguy hiểm, thúc đẩy bởi lòng tham lợi nhuận.


2. Mặt trái của kinh tế tự do. Lòng tham lợi nhuận là động cơ thúc đẩy nhưng cũng là mặt trái tai hại của kinh tế tự do. Lợi dụng cơ hội lãi suất thấp được duy trì trong một thời gian dài, một số ngân hàng “sáng tạo” chương trình cho vay nhà đất với điều kiện dễ dàng và lãi suất cao hơn bình thường (subprime lending) và tranh đua nhau “tạo” ra tiền cho vay vô tội vạ. Không phải là họ không biết sự nguy hiểm việc làm của họ nhưng những món tiền cho vay này được gom thành những chứng khoán nhà đất (mortgage securities) và được bảo hiểm qua những “default swaps” bảo kê bởi những hãng bảo hiểm như AIG.

Đồng thời những hãng bảo hiểm cũng lại gom lại những mặt hàng bảo kê thành những chứng khoán bán lại cho các ngân hàng khác. Vì những trái phiếu nhà đất và default swaps được trả lãi hậu hĩ (do tiền lời và tiền đóng bảo hiểm hàng tháng) nên các cơ sở tài chánh mờ mắt, đẩy mạnh thêm các chương trình này thành một tình trạng bong bóng chỉ chờ dịp bị bùng nổ. Tình hình này có thể được ví dụ như một quả bom đã châm ngòi được đẩy qua đẩy lại, ai cũng tưởng mình sẽ không bị ảnh hưởng nhưng khi quả bom nổ bùng thì mọi người chết hết.

3. Thiếu kinh nghiệm và hiểu biết về kinh tế học để đáp ứng kịp thời với thay đổi môi trường kinh tế. Kinh tế học liên quan trực tiếp đến đời sống của con người và thay đổi không ngừng theo sự tiến hóa của văn minh nhân loại. Mỗi thời kỳ đều nảy sinh ra những vấn đề mới mà hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ chưa có kinh nghiệm để đối phó và phòng ngừa. Lần khủng hoảng tài chánh toàn cầu lần này được ví như một cơn bão hoàn chỉnh (perfect storm) đòi hỏi sự hội tụ của một loạt những yếu tố kinh tế, chính trị, nhân văn… mà thiếu một trong những yếu tố đó thì đã không xảy ra.

Những yếu tố này có thể được liệt kê như chính sách thả lỏng tiền tệ của cựu chủ tịch DTLB Alan Greenspan quá lâu đã khiến tình trạng cho vay subprime có cơ hội phát triển bừa bãi. Chính sách giúp người nghèo có nhà của đảng Dân Chủ Hoa Kỳ, lòng tham không đáy của doanh nghiệp Mỹ và sự thiếu cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn của nhà nước trong lãnh vực tư nhân cũng là những yếu tố tác động đến sự hình thành của cơn bão hoàn chỉnh.

Kết luận

Sự hình thành của hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ không phải một sớm một chiều mà đã trải qua hàng trăm năm và được cải tổ liên tục để có được ngày hôm nay. Hệ thống này đã giúp cho nước Mỹ trở nên một cường quốc về kinh tế và làm kim chỉ nam cho sự phát triển kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 20. Tuy nhiên bước qua thế kỷ 21 với sự thay đổi toàn cầu về nhận thức chính trị và phát triển khoa học kỹ thuật, hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ đã lộ ra những mặt yếu kém nhất định và không thích ứng kịp với sự thay đổi môi trường chung quanh. Văn minh nhân loại không ngừng tiến hoá và thúc đẩy những hoạt động kinh tế phải biến chuyển để kịp thời phục vụ cho nhu cầu của con người ngày một cao hơn về mọi mặt.

Ngoài ra, sự tranh chấp về quan điểm chỉ đạo của nhà nước và hoạt động tư nhân vẫn là một vấn đề nhức nhối đối với các kinh tế gia cũng như những nhà nhân bản học. Có lẽ sẽ không bao giờ có một giải pháp tối ưu tương quan ảnh hưởng giữa tư nhân và nhà nước và quá trình tương tác sẽ nảy sinh ra những khiếm khuyết cần sửa chữa. Có những lúc ảnh hưởng của nhà nước cần được củng cố mạnh mẽ hơn nhưng cũng có những lúc nhà nước phải lui bước để tư nhân nắm quyền quyết định chính. Nói cho cùng, nhà nước do dân bầu lên để phục vụ cho quyền lợi chung của mọi người, không thể nào được trở thành một thực thể riêng biệt của một nhóm thiểu số hoặc đảng phái nắm quyền phục vụ cho quyền lợi riêng lợi ích nhóm.

Nắm được một số khái niệm về hoạt động ngân hàng Hoa Kỳ nói riêng và của các quốc gia kinh tế phát triển nói chung có lẽ sẽ gợi ý cho một sự thay đổi và cải tổ hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Giữ những mặt mạnh và học hỏi những mặt yếu có thể phần nào giúp kinh tế Việt Nam hội nhập được với sân chơi lớn chăng? Tuy nhiên phần này chúng tôi xin hẹn một lần khác vậy.

Tài liệu tham khảo:

Federal Reserve Bank of New York (2009). The Money Supply. Truy cập ngày 22/05/2009 từ:
<https://www.newyorkfed.org/aboutthefed/fedpoint/fed49.html>

Hewitt, Mike (2008). Global Money Supply (2008 update). Truy cập ngày 22/05/2009 từ:
<https://www.gold-eagle.com/editorials_08/hewitt071408.html>

International Monetary Fund (2009). Vietnam. IMF Country Report No 09/110, April 2009. Truy cập ngày 22/05/2009 từ:
<https://www.imf.org/external/pubs/ft/scr/2009/cr09110.pdf>

Kelly, B.,2009. US Economy: Velocity of Money and M1 Multiplier Paint a Mixed Picture. Daily Markets, May 4, 2009. Truy cập ngày 19/05/2009 từ:
<https://www.dailymarkets.com/economy/2009/05/03/us-economy-velocity-of-money-and-m1-multiplier-paint-a-mixed-picture/>

The Federal Reserve Board (2009). Reserve Requirements. Truy cập ngày 22/05/2009 tại:
<https://www.federalreserve.gov/monetarypolicy/reservereq.htm>

The Federal reserve Board (2009). The Discount Rate. Truy cập nag2y 22/05/2009 tại”
<https://www.federalreserve.gov/monetarypolicy/discountrate.htm>
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
velocityofmoney
moneysupply
Ms
Hình1.Họa đồ của Kelly, B.(2009)
(double click for enlargement)
Hình 2.Họa đồ của Federal Reserve Bank of New York (2009)
Hình 3.Họa đồ của Hewitt, Mike (2008)