Kỹ Thuật Cấy Răng Giả (Implant) trong Nha Khoa


Loading
Y T‰


Implant là gì?

Implant trong Nha Khoa (Dental Implant), hay gọi nôm na là Implant Răng, là một kỹ thuật đã được các nha sĩ sử dụng từ hàng chục năm nay nhằm thay thế một hay nhiều răng bị mất trong miệng. Đối với những người đã mất toàn bộ các răng và đang mang răng giả toàn hàm, implant giúp cho những hàm răng giả được bám tốt hơn vào xương hàm qua những "chốt" implant cắm trong xương hàm trên cũng như dưới.

Implant được sản xuất dưới nhiều dạng và cỡ, đa số bằng kim loại titanium nhằm tránh hiện tượng phản ứng của cơ thể có thể thải trụ implant ra.
Các loại trụ implant răng
(nguồn trích dẫn)
Sau khi trụ implant được cắm vào xương hàm, một cái mão (crown) răng giả bằng sứ (porcelain) được chụp lên phần ló ra ngoài miệng của (chốt implant) để thay thế cái răng bị mất. Trụ này có lòng rỗng để nha sĩ có thể siết một cái chốt (post) vào làm chỗ bám cho răng giả.

Trong trường hợp làm cầu răng (bridge) implant, hai implant răng được cắm vào làm trụ cầu và một cầu răng giả được gắn lên, thông thường là ba đơn vị (units) cầu răng.

Răng sứ có thể được gắn cố định lên chốt implant bằng một loại xi măng (cement) riêng, hoặc gắn bằng một đinh vít nhỏ xuyên qua răng giả vào lòng của trụ implant. Phương pháp sau này giúp cho việc "clean-up" định kỳ được kỹ lưỡng hơn. Nha sĩ có thể tháo mão răng sứ ra, rửa trụ implant sạch sẽ rồi "vít" trở lại mão răng giả. Tuy nhiên vì sự nhiêu khê tháo ra gắn vào, kỹ thuật này được bỏ dần và phương pháp gắn chết luôn được các nha sĩ (và bệnh nhân) ưa thích hơn.
Bên trái: Kỹ thuật vặn vít vào Implant. Bên phải: Kỹ thuật dán răng giả vào Implant
(Nguồn trích dẫn: bên trái, bên phải)
Hiện nay, kỹ thuật implant trong Nha Khoa đã có những tiến bộ đáng kể và nhiều công trình nghiên cứu cho thấy tỉ lệ thành công trong năm nay lên tới 95% cho hàm dưới và 90% cho hàm trên. Lý do tỉ lệ thấp hơn ở hàm trên vì mật độ xương loãng làm hiện tượng "hòa cốt" (osseointegration) khó khăn hơn.
Implant răng cửa hàm dưới
(trích nguồn)
Implant để đeo răng giả toàn hàm. Chú ý là bộ răng giả toàn hàm vẫn tháo lắp ra vào được.
Các chốt implant chỉ giúp cho hàm răng được "bám" hơn vào xương hàm.
(trích nguồn)
Tiến trình làm Implant Răng

Để quyết định Implant có thích hợp đối với bệnh nhân hay không, nha sĩ cần xem xét một số yếu tố như tthể trạng, điều kiện sức khỏe (bệnh tiểu đường và đề kháng thấp không thích hợp làm Implant), tình trạng miệng và khẩu xoang v.v...

Sau đó, nha sĩ cần nghiên cứu những bộ phim quang tuyến răng (XRays, Panorex) và "Computer Tomography Scans" (CT scans) để bảo đảm xương có đủ độ dày chịụ đựng trụ implant. Quan trọng nhất là xác định những vị trí cần tránh như các ống dây thần kinh, vùng xoang mũi... Nếu thiếu xương, có thể thực hiện ghép xương và chờ cho xương được tái tạo đầy đủ trước khi làm implant.

Tiến trình căn bản thực hiện Implant Răng gồm ba bước (steps):

- Nha sĩ khoan một lỗ hướng dẫn (pilot hole) vào vị trí xương hàm đã định trước. Đường kính lỗ này nhỏ hơn chốt implant titanium một chút. Thao tác này rất quan trọng vì có thể quyết định phần lớn sự thành công của implant. Kinh nghiệm và tay nghề của nha sĩ đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuyện này.

Trụ implant được cắm vào lỗ đã khoan, để lú ra một phần ngắn. Vì trụ implant rỗng nên một cái "nút" được vặn vào che đầu trụ implant lại.

Sau đó, toàn bộ trụ implant được khâu kín lại trong một khoảng thời gian từ ba đến sáu tháng để xương hàm từ từ bao chặt lại qua hiện tượng hòa cốt (osseointegration).

-Qua bước thứ hai, implant được mở ra qua một động tác tiểu giải phẫu và một cái chốt (post) nhỏ được vặn vào lòng implant. Nướu răng sẽ lành trở lại chung quanh cái chốt. Chính cái chốt là phần sau này được dùng làm trụ cho một chiếc răng giả.

-Ở bước thứ ba và cuối cùng, một cái mão răng sứ được chế tạo và gắn lên cái chốt implant.

Những cải tiến (hay cải biên) trong kỹ thuật Implant Răng

Kỹ thuật lắp đặt implant răng nói trên là kỹ thuật căn bản, đã chứng tỏ có độ thành công cao và đáng tin cậy qua nhiều cuộc nghiên cứu theo dõi trong ngành Nha Khoa.

Hiện nay có một số cải tiến về kỹ thuật như đặt implant ngay sau khi nhổ răng nhằm tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên phương pháp này có cái thất lợi là lỗ nhổ răng thường to hơn trụ implant và nguy cơ nhiễm trùng cao hơn khiến "sôi hỏng bỏng không," lại còn tốn thêm thời gian và tiền bạc vì implant dễ bị cơ thể loại ra hơn.

Một số nha sĩ khác còn quan niệm đặt implant như đóng chặt một cái "đinh" vào xương hàm và tiến hành lắp răng giả vào ngay sau một thời gian ngắn. Chuyện này tạo ra những áp lực "stress" bất lợi vào phần xương hàm bao bọc implant và ngăn cản hiện tượng hòa cốt, khiến implant dễ "rụng" hơn.

Trên pháp lý, việc thực hiện implant không đòi hỏi điều kiện chuyên môn (specialty) nên tất cả các nha sĩ có giấy phép hành nghể tổng quát đều có quyền làm implant. Điều này đã đưa đến hiện tượng có một số "nha sĩ xấu" (bad dentists) thiếu kinh nghiệm và tay nghề kém cỏi, đã chạy theo lợi nhuận mà lắp đặt implants vô tội vạ, có khi hàng loạt trái với chỉ định, dẫn đến những "chuyện kinh dị" (horror stories) về implant răng nhiều khi không thể tưởng tượng nổi. Những vụ thưa kiện "tai nạn nghề nghiệp" (malpractice) khá phổ biến  trong lãnh vực này.
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Một trường hợp implant hàng loạt bị thất bại
Theo chiều dài nhận thấy được so với chân răng thật,
những implants hàm trên đã chọc lủng xoang hàm.
Các implants hàm dưới đều có dấu hiệu nhiễm trùng lởm chởm khá nặng
Trụ implant quá dài này để  thay thế  răng tiền hàm trên thứ  nhất
(dài gần gấp đôi chân răng hai bên)
đã "được" cắm vào xoang hàm trên
Khía cạnh tài chánh của Implant Răng

Hiện nay, phí tổn lắp đặt một implant răng thông thường tại Hoa Kỳ vào khoảng từ $1,000 đến $5,000. Phí tổn tái tạo toàn bộ hai hàm bằng implant tốn từ $24,000 đến $100,000. Sở dĩ có sự cách biệt khá cao vì tùy vào trình độ tay nghề, sự "tự tin" của các nha sĩ "chuyên viên" implant, và khả năng "P.R." (Public Relations) của văn phòng Nha khoa đó.

Dĩ nhiên "tiền nào của nấy!" nhưng lời khuyên chung là nên tránh những giá cả quá... thấp. Giá trung bình của một nha sĩ có chuyên môn (specialty) như Giải Phẫu Khẩu Xoang (Oral Surgery) hay Nha Chu (Periodontics) đã được huấn luyện từ 3 - 4 năm sau khi tốt nghiệp Bác Sĩ Nha Khoa (DDS), nằm vào khoảng trên dưới $2,500 một Implant.

Một số kinh nghiệm bản thân đối với Implant Răng

Bản thân chúng tôi không làm implant răng và luôn luôn giới thiệu những bệnh nhân cần là implant đến những nha sĩ có chuyên môn thích hợp. Tuy nhiên trong suốt 35 hành nghề nha khoa tổng quát, chúng tôi có được một số kinh nghiệm sau đây xin hầu quý vị.

Với trình độ kỹ thuật hiện nay và điều kiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cho phép, implant răng là một phương pháp đáng tin cậy nếu được thực hiện bởi những nha sĩ có kinh nghiệm và tay nghề cao. Chúng tôi đã từng thấy nhiều implant răng hoàn hảo nằm trong miệng bệnh nhân hàng 20 năm mà hoàn toàn tốt, đẹp và thực hiện chức năng nhai tuyệt vời.

Chúng tôi còn nhớ câu chuyện "cười ra nước mắt" mà một đàn anh là Nha sĩ Thiếu tá kể lại là anh có dịp được khám cho một vị tướng lãnh cao cấp của QLVNCH (khoảng đầu thập niên 1970) và khuyên ông qua Mỹ làm implant toàn hàm, trên và dưới.

Vị tướng đó nghe lời. Đi Mỹ về,ông ta thích quá ký thưởng cho anh lên Thiếu tá trước thời hạn.

Chẳng dè một năm sau, implant của vị tướng bị nhiễm trùng và rơi rụng từng chiếc một. Dĩ nhiên cần coi lại những chuyện khác như bệnh nhân có thực hiện oral hygiene và khám định kỳ đều đặn hay không nhưng đàn anh đã bị vị tướng gọi điện thoại mắng là: "Khuyên bậy làm phí cái lon Thiếu tá của tôi cho!"

Thật vậy, như các công trình nghiên cứu kể ở trên đã chứng minh, chúng tôi nhận thấy tỉ lệ thất bại có vẻ đúng là cứ 10 cái implant răng, sau 5 năm là có một cái bị thất bại. Những trường hợp thất bại rất đa dạng, có khi là vì tay nghề của nha sĩ quá kém, chọc thủng xoang hàm trên, chọc vào ống thần kinh hàm dưới (mandibular nerve) làm bệnh nhân bị tê thường trực hàm dưới cùng bên, hoặc bị nhiễm trùng có khi rất nặng đưa đến hoại xương (osteo necrosis), sưng não (brain abscess) hay nhiễm trùng máu (septicemia),... Có lần chúng tôi thấy một implant cắm sai hướng phần đuôi chọc lòi cả ra ngoài xương hàm và nướu. Đúng là chuyện kinh dị.

Ngoài ra thì thể trạng hay thói quen chăm sóc răng miệng của bệnh nhân cũng đóng góp nhiều vào sự thành bại của implant. Không ít bệnh nhân có quan niệm sai về Nha khoa là một khi đã làm răng giả, dù là bằng kỹ thuật thông thường hay implant, là mọi vấn đề đã được giải quyết và răng giả sẽ tồn tại...vĩnh viễn trong miệng.

Chúng tôi vẫn phải vui miệng giải thích cho bệnh nhân là làm răng giả mới (theo lối thông thường hay implant) giống như tậu một cái... xe mới! Mới mua thì rất tốt, giúp chúng ta di chuyển hàng ngày, tương tự như cái răng giả giúp ta nhai đồ ăn hàng ngày vậy. Như vậy, vấn đề bảo trì hết sức quan trọng. Chiếc xe quý vị bỏ xe để bảo trì và rửa xe, chẳng hạn, 3 tháng một lần thì tại sao không đi khám và rửa răng mỗi 6 tháng một lần? Ngoài ra, mỗi hai năm cũng nên rửa kỹ (detail wash) cái xe một lần thì hàm răng hai năm được rửa kỹ (deep clean) một lần cũng tốt thôi.

Hơn nữa, một chiếc xe chạy trên 5 năm coi như là xe cũ rồi và có khả năng nằm đường bất cứ lúc nào. Răng giả cũng vậy, sử dụng được 5 năm cũng được coi là đạt yêu cầu lắm rồi và các hãng bảo hiểm sẵn sàng trả tiền cho bệnh nhân làm cái khác. Dĩ nhiên là nếu còn sử dụng được lâu hơn thì quá tốt.

Sau cùng, chúng tôi có một lý thuyết (chưa được kiểm chứng) là Ông Trời cho con người có một bộ răng sử dụng được 50 năm vì lúc khởi thủy, loài người chỉ sống trung bình đến 50 năm là ngủm củ tỏi. Chẳng qua vì khoa học tiến bộ, tuổi thọ được kéo dài và nói chung con người sống lâu hơn (outlive) bộ răng của mình. Trên nguyên tắc, sau 50 năm là người ta trở thành "hăng rết" và phải đeo răng giả toàn hàm. Thậm chí dân gian còn lưu truyền là nếu ông bà lớn tuổi mà còn nhiều răng là sẽ "ăn hết" của cải con cháu.

Ngày nay tại Mỹ, chúng tôi có thấy nhiều người lớn tuổi còn khá nhiều răng nhưng đa số ngoài 60, 70 tuổi là cũng chẳng còn mấy chiếc trong miệng, bất kể thuộc chủng tộc nào.

Vì vậy quý vị nào trong Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y (hầu hết ngoài 60 tuổi) mà còn nổi 50% sức nhai tự nhiên (vào khoảng 20 chiếc răng) là coi như có diễm phúc lắm rồi và nên đi...khám răng thường xuyên hơn!

ĐIện thoại liên lạc là 1-800-KHÁM RĂNG NGAY. Hi hi, xin mạn phép đùa chút thôi:)

QUY VAN LY, DDS, FADI, FPFA, MBA
Member of ADA, CDA and Harbor Society Dental Association
9/2010
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng