Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Loading
Phạm Tu Chính

Mùng Ba Tết Mậu Tý, anh Chủ bút Tập san Y Sĩ Canada gửi điện thư chúc Năm Mới, có yêu cầu PTC viết ít dòng về các thầy Y Khoa, đặc biệt về ngành Sản Phụ cho Tập San Y Sĩ số 178.

Trước đây mấy số báo, TSYS đã dành nhiều trang nhắc đến các Thày Y Khoa, các Ân Sư đã đào tạo anh em Y Sĩ khi xưa, số báo được hoan nghênh và Tập San quyết định ra một số tiếp để nói về nhiều người hơn .
Biết viết gì đây, viết ai, bỏ ai?

Việt Nam ta có câu ‘‘Không Thầy đố mày làm nên,’’  để nhắc lại các kỷ niệm xưa  đến các Ân Sư đã dạy dỗ, hướng dẫn  nhiều anh em Y khoa trên đoạn đường Y nghiệp mỗi người sinh viên Y khoa trên 7 năm ở trường thường có nhiều kỷ niệm chung hay riêng với các Thầy cũ, để khỏi phụ lòng anh Chủ Bút, sau khi trao đổi thư đi thư lại tôi được anh Chủ bút đồng ý viết bài - như Tạ Tỵ viết về các người đã đi qua quãng đời của Họa Sĩ, Văn Sĩ Tạ Tỵ - sau kể lại ít nhiều kỷ niệm các đàn anh, các Ân Sư đã dạy dỗ, hướng dẫn PTC và nhiều anh em trên đoạn đường Y nghiệp. Mong rằng có nhiều người sẽ kể lại trong những số báo của Y Giới như Tập San Y Sĩ Canada, Nội San Y Giới, các Đặc San các Hội Y Sĩ quốc gia.

GS Auguste  Rivoalen : Bệnh Viện Nội Khoa , Chợ Rẫy

Giáo sư Rivoalen, là Giáo sư người Pháp đã để lại khá nhiều kỷ niệm với anh em sinh viên, GS đã sống nhiều năm ở Hà Nội và Saigon,  Thầy làm việc  ở Bệnh Viện Nội Khoa Chợ Rẫy rồi Nguyễn văn Học. Anh em thường gọi Thầy là cụ Ri ! Thầy dạy thực tập lâm sàng ở bệnh viện bên giường bệnh nhân, bệnh lý Nội Khoa, rồi khi một Giáo Sư trường Y Paris trong phái bộ Pháp phụ trách 1 môn học chưa qua kịp Việt Nam, thầy Rivoalen đã dạy thế, thầy từng nói: “tôi polyvalent”, dạy học tận tâm, bài giảng rõ ràng, rất Bon Papa. Kỳ thi vấn đáp cuối năm, thầy hỏi 1 đề nếu sinh viên không thuộc nhiều, thầy ra đề 2 hay đề 3 sao cho anh sinh viên nói được, gặp anh bạn hơi yếu, thầy quay qua nói với Giáo Sư cùng chấm thi, ngồi bên cạnh và nói : “pas fameux’’, Thầy nghé mắt xem GS này cho mấy điểm và sẵn sàng cho điểm khá để cứu anh sinh viên. Gốc nhà binh nên Thầy rất thích mấy anh sinh viên Quân Y quân phục với lon, mũ áo quần chỉnh tề khi vào thi. Sau khi khám bệnh ở nhà thương cuối giờ Thầy hay ra hành lang, hút 1 điếu thuốc, khi đó luôn luôn có 1 anh sinh viên (cũng dân hút thuốc) rút bật lửa để Thầy châm thuốc, anh bạn sau này có kể trong tập Hồi ký là khi ra thi vấn đáp năm thứ Tư mặc dù trả lời bài không khá, song chắc Thầy trông mặt anh khá quen thuộc (đệ tử châm thuốc cho Thầy) anh đã được điểm tốt để qua cầu!!

Sửa soạn Luận án Y Khoa với tài liệu ở Bệnh Viện Nhi Đồng, tôi qua Bệnh Viện Nội Khoa Chợ Rẫy xin gặp Thầy để xin Thầy bảo trợ, Thầy vui vẻ chấp nhận và ngày trình Luận Án ở Thư viện trường Y, Thầy trông thấy cha tôi ở hàng ghế dưới, Thầy có nói ít câu về gia đình tôi khiến cha tôi rất vui vì Thầy ở cùng cư xá với người anh họ là cháu cha tôi (GS Thạc Sĩ Toán  Phạm Tỉnh  Quát)

GS Phạm Biểu Tâm : vị Khoa Trưởng lâu năm của trường Y Saigon, Giáo Sư trưởng khu Giải Phẫu BV Bình Dân.

Khi qua học thực tập ở Bình Dân, làm việc ở trại 9 với GS Nguyễn Hữu, tôi thường phải lựa bệnh để trình GS Tâm mổ 2 hay 3 trường hợp trong tuần để bớt việc cho GS Hữu. Buổi sáng sau khi làm việc thường ngày đi coi bệnh, mổ vài trường hợp nhẹ như Hernie inguinale, abcès, phimosis, bướu kyste tiểu giải phẫu..., ra uống ly sữa rồi chờ 10 giờ rưỡi GS Tâm lo công việc hành chánh ở Trường Y, về BV Bình Dân, Thầy vào phòng mổ. Tôi được phụ mổ GS Tâm nhiều lần. GS vừa mổ vừa giảng rất từ tốn, giọng nói nhẹ nhàng,  truyền các kinh nghiệm cho đàn em.

Năm 1972 cha tôi sau khi điều trị ở Pháp phải trở về gấp vì chứng Ung Thư thực quản, tôi có nhờ Giáo Sư đến nhà coi để nhờ GS làm một cuộc giải phẫu gấp nuôi ăn trực tiếp đưa đồ ăn lỏng qua ống cao su vào thẳng dạ dầy. GS đã vui vẻ vào khám bệnh khi cha tôi vừa ở máy bay về nhà và rất linh động, GS  đã dùng phòng mổ của Bảo sanh Viện Hùng Vương nơi tôi làm việc và GS đã thực hiện vụ giải phẫu này, rồi hàng ngày GS đã đạp xe đạp thay vì đi xe hơi từ nhà riêng đường Ngô Thời Nhiệm ở Saigon vào thăm  cha tôi.

GS Nguyễn Hữu Giáo sư Giải phẫu và Cơ Thể học:

Sinh viên Y Khoa năm thứ Nhất và Hai qua môn Cơ Thể học Anatomie rồi bệnh lý Ngoại Khoa thường gặp ông thầy khả ái, giảng bài thuộc lòng không cầm giấy, vẽ rất đẹp trên khung vải đen, vẽ nét nào là y nguyên không có xóa bao giờ. Thầy giảng bài hay nói thêm vài câu vui để  sinh viên dễ nhớ, có kỳ Thầy đã lôi Tổng Thống Ngô Đình Diệm ra pha trò đưa duyên (khi nói đến le Trou Monro GS Hữu đã  cho tên là Trou  Marilyn Monroe, cô đào điện ảnh đang nổi tiếng, rồi thêm: “cái lỗ này Tổng thống mình không có biết nhé’’  khiến hôm sau Mật vụ đến cảnh cáo và yêu cầu Thầy stop không được chọc Tonton nữa.

Thầy Nguyễn Hữu ở cùng cư xá Công Lý với gia đình PTC nên ra vào PTC thường gặp Thầy. Rồi sau vụ tấn công của Việt cộng Tết Mậu Thân Thầy bỏ Việt Nam qua Pháp. Qua Pháp cần tiền để sinh sống, Thầy nhờ 1 bà bạn ở Saigon lo bán căn nhà, việc bán nhà rất khó khăn vì chủ nhà bỏ đi bất hợp pháp, sau PTC đã mua và lo chuyển tiền qua cô em ở Pháp đưa trả Thầy. Sau biến cố 1975, qua Pháp gặp lại Thầy và gia đình, nhiều kỷ niệm xưa đã  trở lại.

GS Phạm Gia Cẩn : Trưởng Khu Bệnh Lý Nhi Khoa Bệnh viện Nhi Đồng.

Lên năm Thứ Ba Y Khoa qua thực tập BV Nhi Đồng  PTC làm việc tại lầu 1 với GS Phạm Gia Cẩn, học lý thuyết và lâm sàng thêm với GS Phan Đình Tuân, cùng các Giáo Sư Laplane, Marquézy, Clément  ở Paris qua dạy,  rồi sau nữa những năm thứ 5, 6 hay 7 tôi  thường hay trở lại BV Nhi Đồng để trau dồi thêm. Làm việc nhiều năm tháng ở Nhi Đồng nên có kỳ Võ Văn Tùng và PTC phải mỗi sáng ra phụ trách vài giờ ở phòng khám ngoại chẩn số 4 có trả lương vì bệnh viện có quá đông bệnh đến khám (3 phòng kia do BS Trương Duy Thụ, Vũ Thị Thoa, Bùi Thị Tuyết Nga phụ trách, phòng 4 không có Bác sĩ ). GS PG Cẩn khi đó là Giám Đốc, thường quan tâm đến bữa ăn của anh em Sinh Viên trực, GS bỏ tiền quỹ mật hay tiền riêng ? chi thêm để nhà bếp mua thêm giò chả hay thức ăn thêm cho bữa cơm của sinh viên, sau GS Phan Đình Tuân thay thế GS Cẩn làm Giám đốc cũng vẫn duy trì biệt lệ này. GS PG Cẩn hay thích các bệnh hiếm lạ và lưu giữ bệnh nhân lâu hơn ở trại để  làm đề tài Luận án. Khi nghe PTC ngỏ ý xin đề tài về bệnh Yết hầu trẻ em, GS có lẽ không thích lắm và nói: ‘‘có nhiều đề tài hay hơn sao em lại lựa bệnh này,’’ song khi nghe PTC trình bày lý do vì thấy trẻ em bị Croup tử vong  nhiều quá nên muốn làm đề tài này để có dịp trình bày sự cần thiết làm chương trình chích ngừa Yết hầu bắt buộc cho trẻ em Việt Nam, GS đã bằng lòng. Kết quả mấy năm sau đó Ủy ban Y Tế Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa đã dùng tài liệu Luận án này để ra Luật chích ngừa bệnh Yết hầu bắt buộc cho trẻ em Việt Nam.

Trong phòng mạch tư đường Đinh Tiên Hoàng GS P G Cẩn có treo trên tường  một bức ảnh khá lớn chụp GS và PTC đang khám bệnh 1 em bé, ảnh này đã được đăng trên tờ báo Thế giới Tự Do, do một anh phóng viên tờ báo rửa ra tặng GS. Khi thấy 1 trẻ bệnh ở gần  phòng mạch PTC đến xin GS chữa, GS hay chỉ vào tấm hình treo trên  tường và giới thiệu với bà mẹ là kỳ sau em bé bệnh thì có thể đến BS PTC khám chữa khỏi phải đi xa.

Tháng Tư 1975, Saigon giao động, vì đã từng biết Cộng Sản GS PGCẩn lo lắng tìm đường ra  đi. 9 giờ sáng ngày 22 tháng Tư sau khi gọi điện thoại cho PTC tối hôm trước Giáo Sư đã vào BSV Hùng Vương tìm gặp PTC để bàn chuyện tìm kế ra đi. Hai ngày sau, tôi rất mừng được tin GS và gia đình đã đi thoát và sau định cư ở Montréal, Canada. Mỗi lần qua thăm Montréal, GS thường lái xe đến đón PTC lại nhà riêng chơi, ăn cơm gia đình.

GS Trần Đình Đệ : Trưởng Khu Sản Phụ Khoa, Giám Đốc Bệnh Viện Từ Dũ. 

Sau khi đậu Thạc Sĩ ở Paris, GS về nước phụ trách dạy môn Sản Phụ Khoa, GS đã cải tổ cách dạy, chú trọng phần thực hành nhiều khiến anh em Sinh Viên sau này khi ra trường ai nấy đều có thể giải quyết các trường hợp dù khó khăn. Cũng như môn Nhi Khoa, tôi hay đi trở lại Bệnh viện Từ Dũ những năm 5, 6 hay 7. Được sự tín nhiệm và  giới thiệu của GS Phạm Gia Cẩn, dù mới là Nội Trú tôi được GS T D Đệ cho coi trại Trẻ sơ sinh thiếu tháng đi khám bệnh hàng ngày - khu này  GS Cẩn  chỉ có thể đến thăm 1 hay 2 lần trong  tuần thôi -.Kỷ niệm về GS T D Đệ chắc nhiều anh bạn khác sẽ viết, riêng PTC  năm 1972 nhân dịp VN tổ chức một Hội Nghị Quốc Tế về Dân Số, một hôm Nghi Sĩ Trần Văn Đôn xin đến gặp PTC ở BSVHùng Vương, Nghị Sĩ Đôn vừa ở Mỹ về nói là GS Trần Đình Đệ nhờ PTC lo sao để GS hiện đang ở Mỹ có thể có một giấy mời về tham dự hội nghị, và không bị làm khó dễ khi về và khi rời VN trở lại Mỹ, chúng tôi đã lo việc này với sư giúp đỡ của BS Oldham, trưởng phái bộ USAID và anh Tổng Trưởng Y Tế Trần Minh Tùng, anh Tổng Giám Đốc Y Tế Trương Minh Các, kết quả GS T D Đệ đã có giấy mời về họp và được mời ngồi trên bàn chủ toạ một phiên họp, cùng sự bảo đảm của BS Oldham, sau đó PTC có tổ chức một buổi nói chuyện để GS trình bày một đề tài chuyên môn về Sản Khoa tại BSV Hùng Vương khiến GS rất vui và bằng lòng. Sau này mỗi khi qua Paris, ông bà GS thường nhờ PTC tổ chức các bữa ăn họp mặt để GS gặp lại bạn cũ và môn sinh.

GS Đặng Trần Hoàng*, Nguyễn Thị Nhị, Bảo Sanh Viện Hùng Vương :
BSV Hùng Vương thành lập sau năm 1954, với BS Hoàng Gia Hợp làm Giám Đốc và trở  thành bệnh viện thực tập của trường Y Khoa nhiều năm sau. Phụ trách việc giảng dạy là GS Đặng Trần Hoàng, và chị Nguyễn Thị Nhị. Chị Nhị là phu nhân của anh Hoàng và là Y Sĩ Thường Trú, phụ tá anh DT Hoàng (sau khi BS Hoàng Gia Hợp nghỉ hưu anh DT Hoàng là Giám Đốc đến năm 1967, anh GS Hoàng xin nghỉ bên Y Tế để chỉ lo dạy học bên trường Y và thực tập ở BSV HV). PTC và anh Hoàng có liên hệ họ hàng, được anh Tổng Trưởng Trần Lữ Y bổ nhiệm thay thế anh DT Hoàng xin từ nhiệm. Về làm việc ở BSV HV,  PTC đã được anh chị Hoàng, Nhị tận tình giúp đỡ phần chuyên môn, nhiều kỷ niệm thân tình trong thời kỳ cộng tác ở Saigon và sau này khi ra hải ngoại nữa. Tính tình nghiêm nghị, ít nói song làm nhiều !! Các đồng nghiệp khi được bổ nhiệm làm việc ở BSV Hùng Vương đều được anh chị Hoàng, Nhị huấn luyện lại phần chuyên khoa và giải phẫu, anh GS DT Hoàng đã dạy, chỉ dẫn bảo trợ nhiều luận án cho Sinh Viên Y Khoa hy vọng nhiều anh chị Sinh viên sẽ viết thêm.  (*LTS: GS Đặng Trần Hoàng vừa mất tại North Carolina ngày 12-06-2008, hưởng thọ 90 tuổi.)

GS Trần Lữ Y, GS Nội Khoa, Tổng trưởng Y tế :
Anh em sinh viên Y Khoa năm thứ 1 gặp anh Trần Lữ Y qua các buổi học Cốt Xương Ostéologie và thực tập ở bệnh viện Nội Khoa hay mổ xác chết ở Cơ Thể học viện. Tính tình vui vẻ,  ăn mặc xuề soà, chỉ dẫn tận tâm, sinh viên ai cũng ưa và thường coi anh như người anh ruột và gọi là “Anh Ba’’.  PTC đang làm việc ở bộ Y Tế thì anh Trần Lữ Y được mời làm Tổng Trưởng Y Tế thay thế BS Nguyễn Bá Khả. Tính tình bình dân, thích giải quyết vấn đề dù khó khăn cũng muốn làm cho nhanh, có kết quả ngay, nên nhiều hồ sơ anh thường gọi 1 BS (PTC là 1 trong những BS này)  đến văn phòng và giao cho nghiên cứu vấn đề rồi trình thẳng anh không qua mấy vị chức quyền; thích xông xáo anh hay đi thanh tra trực tiếp xuống tỉnh nhỏ hay quận, chi Y tế  xa xôi nhiều nơi đi đến rất nguy hiểm. Sau tháng Tư đen 1975 anh qua Pháp, hành nghề lại và thường sinh hoạt với anh em Y Giới. Anh qua đời đột ngột ở Montréal Canada năm 2000 để lại thương tiếc cho anh em.

GS Bùi Quốc Hương GS bệnh Thần Kinh, BV Chợ Rẫy:

Tôi gặp GS B Q Hương lần đầu tiên khi theo học PCB ở Hà Nội trong dịp khám bệnh lập hồ sơ sức khỏe, khi đó anh mới ra trường và phụ trách phòng khám Sinh Viên trường Đại Học Hà Nội. Sau lại gặp anh khi đi thực tập Nội Khoa ở lầu 22 bệnh viện Chợ Rẫy, khi đó anh là Trưởng khu bệnh lý. Sau này qua Pháp gặp lại anh ở Paris, anh thường tham dự, vui vẻ nhận lời thuyết trình các đề tài chuyên môn hay tham gia các buổi sinh hoạt Tết, hội họp của Hội Y Giới Pháp. Tính tình cẩn thận nên trước khi quyết định làm việc gì anh thường hay điện thoại bàn với tôi, nhiều kỷ niệm thân tình nên khi anh từ trần đột ngột trong khi đang đi chơi du lịch ở Mỹ khiến chúng tôi bàng hoàng, thương tiếc.

GS Trần Văn Bảng : bệnh truyền nhiễm  Bệnh viện Chợ Quán

Thời gian PTC học Y Khoa thì BS Trần Văn Bảng không ở trong ban giảng huấn, mà là Giám Đốc Bệnh Viện Chợ Quán. Sau này, GS trở lại trường Y, ông là BS Nghiệm Trưởng Chef de clinique của Trường Y. Sửa soạn luận án Y Khoa về bệnh Yết hầu, PTC qua BV Chợ Quán để ngồi tham khảo các hồ sơ bệnh Yết Hầu ở người lớn, gặp BS TV Bảng để xin phép, Ông coi dàn bài GS Rivoalen hướng dẫn cho PTC, BS Bảng đã gợi ý là nên làm thêm về  réaction de Schick để tìm phần miễn nhiễm bệnh Yết hầu ra sao ở trẻ em Việt Nam. Lo được thuốc thử Toxine diluée do viện Pasteur Paris cung cấp, PTC còn được  BS Bảng cho mượn một xe, 1 thư ký đi theo đến các cô nhi viện, các trường tiểu  học ở Saigon để thử nghiệm làm Test Réaction de Schick trên 4000 trẻ em. Chính nhờ phần khảo cứu đặc biệt này mà khi thi lại văn bằng Docteur d’Etat ở Paris, GS Besançon ở Đại Học Paris đã không cho đề tài mới và đồng ý để PTC trình lại luận án đã trình ở Trường Y Saigon. Thời gian trước 1975, BS TVBảng là chủ bút Tập San Y Học của Nghiệp đoàn Y Sĩ VN và PTC là Ủy viên lo tài chánh, kinh tài để in ấn phát hành Tập San gửi biếu đến tất cả các BS Quân Y và Dân Y trên toàn quốc.

Tháng Tư, 1975, Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam, BS Trần văn Bảng bị kẹt lại. Sau những năm tháng ở Saigon với Cộng Sản, BS Trần Văn Bảng qua được Pháp, BS thường sinh hoạt với anh em Y Giới, viết bài cho các Đặc san, Tập San Y Giới ở Pháp, Canada, Mỹ và PTC thường là người được GS gửi bài viết tay để PTC gõ mỏ cò trên máy điện toán. Thời gian này ở Pháp, BS Trần Văn Bảng hăng say sáng tác văn thơ, rồi ông chủ trương Sách Thư Mục Y Giới Văn Thi  Nghệ Sĩ, đang thai nghén sách thì GS T V Bảng đột ngột từ trần sau một cuộc giải phẫu (22- 11- 1996), song tuổi đời đã khá cao, 88 tuổi nên GS T V Bảng đã lo, tính trước, trối trăn lại ủy thác 2 hội Y Sĩ Pháp và Canada cùng anh Phạm Ngọc Tỏa, Phạm Hữu Trác, Hồ Quang Nhân, Mạc Văn Phước cùng PTC lo hoàn tất quyển sách nếu chẳng may GS qua đời. Sau sách đã được phát hành nhân kỳ Đại Hội Quốc Tế Y Nha Dược 1977 ở Montréal, Canada.

Quãng đời sinh viên Y Khoa dài 7 năm, nhiều Thầy đã dạy anh em sinh viên về chuyên khoa, Y đạo nêu gương sáng mọi người  đều công nhận  là nhờ công ơn đó, mà sau này khi ra đời hay ra hải ngoại, việc làm lại cuộc sống, thi lại lấy bằng hành nghề có kết quả là nhờ các ân sư. Còn nhiều đàn anh khác song trang giấy có hạn, và nhiều đồng nghiệp sẽ viết thêm nên chúng tôi xin tạm ngưng để dành trang cho các đồng nghiệp khác.

(Paris , 17/03/2008 )


K› NiŒm XÜa: Nh»ng Ân SÜ
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010