Loading
Væn
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Nghe tại đây:
Nhạc phẩm "Lòng Mẹ" của Y Vân do Như Quỳnh trình bày

Me

Kính dâng linh hồn Me của con.

Từ trước tới nay, ở bất cứ nước nào, con số thi văn viết cho người Mẹ có thể nói nhiều không kể xiết. Mỗi người nhìn về Mẹ của mình không giống như người khác nhưng có lẽ tất cả mọi người đều đồng ý với nhau về câu nói của một nhà văn tôi không nhớ tên đã nói: ‘Kỳ quan vĩ đại nhất trên thế giới phải nói là trái tim của người mẹ’

Hôm nay, tôi xin phép được nói về Mẹ tôi và xin được dùng Mẹ tôi như ngôi thứ hai giống như tôi đang được hầu chuyện cùng bà. Phải tưởng tượng thôi vì Mẹ tôi không còn nữa, kỳ quan lớn nhất thế giới của riêng tôi vừa qua đời ở bên nhà, cách đây nửa vòng trái đất và tôi, tôi ngồi đây bất lực, thấy mình không làm được gì cho Mẹ cả ngoài những lời tôi muốn nói cùng bà, chỉ cầu xin linh hồn Mẹ tôi có linh thiêng đọc được những dòng chữ nầy của đứa con bất hiếu ... Tôi xin giải thích rằng tôi không gọi Mẹ tôi là Mẹ hay Má như những người Việt miền Nam khác mà lại gọi bà là Me, dĩ nhiên việc gọi Mẹ là Me cũng có sự tích của nó nhưng nó không nằm trong phạm vi của bài nầy nên xin không nói đến.

Có thể nói một cách chủ quan là không có bà mẹ Việt Nam nào nuôi con như Me đã nuôi anh em chúng tôi. Vừa dũng cảm chiến đấu đơn độc với cuộc đời để cung cấp vật chất cho lũ con tuy rằng chỉ đạt được ở một mức khiêm tốn của cảnh mẹ góa con côi, vừa phụng dưỡng cho bà Ngoại chúng tôi đã già. Me vừa đóng vai người cha đem chén cơm về cho gia đình, vừa đóng vai người mẹ, thương yêu, giáo dục, gần gũi anh em chúng tôi trong cái hoàn cảnh vô cùng đơn chiếc và khó khăn trong một cái xã hội chưa quen với cảnh người đàn bà đi ra khỏi nhà để đi làm nuôi gia đình.

Me ơi,

Ngày xưa, xưa lắm rồi, con có nghe Ngoại nói lại hồi còn con gái, Me đã từng từ chối bao nhiêu đám đi xin cưới Me, Me cho rằng chưa gặp người vừa ý, Ngoại cũng chìu ý Me vì Ngoại chỉ có một mình Me, Ngoại không muốn gả ép Me như những người cùng thời vẫn đã làm. Me được tự do lựa chọn người lý tưởng để trao thân gởi phận nhưng ... mẫu người lý tưởng của Me, không biết là rủi hay may, Cha vừa văn hay võ giỏi, nhưng lại là người thanh niên biết đau đớn trước đau khổ của người khác, biết căm hờn trước cảnh người Việt phải cúi đầu làm con dân một nước thuộc địa cho lũ thực dân, dám hy sinh niềm vui riêng của gia đình để can đảm ra đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc trong những ngày đầu của Nam Bộ Kháng chiến, và Cha đã hy sinh quá sớm trong khi Me trên tay còn một bầy con nhỏ dại mà con, đứa nhỏ nhất chưa đi được những bước chập chững đầu tiên của cuộc đời. Cho mãi tới sau nầy khi con đã khôn lớn, con có hỏi Me sao Me không bước đi bước nữa mà vẫn ở vậy nuôi con như vậy ? Me đã nở một nụ cười nhẹ: ‘Dễ lắm con à, Me đâu có thấy ai đáng so sánh với Cha con đâu mà Me chẳng ở vậy?’

Cha mất rồi, Me đã phải bắt đầu lăn lưng vào cuộc đời để tìm miếng ăn nuôi mẹ già và một đàn con nhỏ. Con nghe Ngoại kể chuyện lại rằng mỗi ngày, khi Me đạp xe đạp đi làm là con đã lăn đùng ra khóc lớn : ‘Con không muốn Me đi làm đâu..., con không muốn Me đi làm đâu ...’. Me nở nụ cười buồn nhẹ cố hữu: ‘Ước gì Me được ở nhà với con trai của Me như mấy bà mẹ khác ...’.  Là con út, lại có lẽ (chắc chắn chứ không có lẽ khi tôi lớn lên và hiểu biết) vì Cha mất sớm nên Me đã dành tình thương cho con nhiều hơn mấy anh. Con còn nhớ, mỗi lần chạy chơi bị té, nếu không có ai chung quanh thì con đã đứng dậy lẹ làng không sao cả, nhưng nếu có bất cứ anh nào bên cạnh là con khỏi thèm đứng dậy đi, cứ nằm lăn đùng ra khóc, phải có Me vừa dỗ vừa la rầy mấy anh, con mới nín! Tội nghiệp mấy anh con, mấy anh cũng cưng con lắm chứ không sao, cái gì mấy anh cũng nhường cho con, chơi cái gì cũng cho con phần hơn phần trước, nói gì ra đường, có đứa trẻ hàng xóm nào đụng tới con là mấy anh bênh liền không cần biết phải quấy gì hết ... Ai cũng khoe nói con là cục cưng của nhà mình ...và nhất là của Me ... Dĩ nhiên mỗi đêm con đều ngủ với Me ... mãi cho tới khi hai anh lớn ra khỏi nhà con mới sang ngủ chung với anh kế con ...

Hai anh lớn ra khỏi nhà trong hoàn cảnh đất nước chia lìa. Hầu như gia đình nào cũng không tránh được cảnh nồi da xáo thịt do sự lèo lái và đạo diễn của ngoại quốc. Nhà mình bị bọn cảnh sát khó dễ đủ điều. Đàn bà vừa trẻ vừa cô thế, Me làm được gì hay chỉ biết dọn cả gia đình ra một vùng ngoại ô hẻo lánh để tránh tai mắt của thành phố. Nỗi buồn xa các con trai lớn, Me có tỏ được cùng ai hay chỉ biết cúi đầu nuốt những dòng lệ rồi len lén lau nước mắt kẻo trong nhà thấy được. Bao nhiêu lần, con nghe Me đã thở dài, cái chịu đựng câm nín của một người đàn bà Việt Nam trong một hoàn cảnh đất nước ...

Con làm sao quên được mỗi buổi chiều khi con còn nhỏ, con vẫn ngồi trên thềm trước cửa nhà để trông Me đi làm về, khi tiếng chuông xe đạp Me reng reng ở đầu ngõ là con mừng rỡ chạy ra, hoặc dẫn xe đạp cho Me vào nhà, hay xách túi rau cải, thức ăn Me vừa ghé mua ở chợ trên đường về để sửa soạn cho bửa cơm chiều ... Hầu như mỗi ngày, con dành lấy phần rửa chén sau khi ăn cơm chỉ mong sớt bớt việc cho Me. Con rất muốn chia xẻ với Me bất cứ cái gì trong đầu Me làm Me suy tư nhưng lúc đó, con chỉ là một đứa trẻ 8, 9 tuổi, con chỉ biết mau mắn dành làm những công việc Me giao cho như chạy ra quán chạp phô đầu đường mua vài lon gạo, mấy ký than hay cọng hành, tép tỏi. Mỗi chúa nhật Me nghĩ làm, con đã ngồi nhẩn nha, hát ngêu ngao trong khi lau chùi, vô dầu mỡ cho xe Me đạp cho nhẹ, con đường từ xóm ngoại ô nơi nhà mình ra tới sở làm của Me đã xa thêm rất nhiều kể từ ngày mình dọn nhà. Con chỉ biết làm như vậy để giúp Me, con đâu biết làm gì hơn ? Có khi được Me thưởng cho nhân trong dịp bãi trường, Me đã đèo con vắt vẻo ngồi sau bọt-ba-ga (porte bagages) để Me chở vào sở Me làm để con có dịp vọc phá các máy móc (Me làm trong một Phòng Thí nghiệm thuộc Bộ Tài chánh của chính phủ) Me rất hảnh diện về con vì con nghe Me khoe với các cô các bác cùng sở làm rằng thằng con út của tôi học giỏi lắm ... và vì nó thông minh nên nó phá cũng dữ lắm ! Dĩ nhiên chỉ vào sở Me vài lần là việc chạy các máy móc thử nghiệm trong đó con đã ‘rành nghề’ tuy rằng con có biết trời trăng gì về các chất hóa học xanh đỏ đủ màu. Và con còn nhớ là hể có dịp là con được theo Me vào sở Me làm để chơi trong khi Me thì gò lưng trên cái máy đánh chữ cọc cạch ...

Ngoại càng già càng yếu và càng khó tánh cũng như hay bệnh rề rề, anh em con càng lớn thì nhu cầu càng tăng, xã hội Việt Nam thì với những tham nhũng cũng như cuộc sống với vật giá leo thang nên gia đình mình càng ngày càng sa sút, thức ăn trên mâm cơm mỗi ngày một vắng đi, Me ơi, con làm sao quên được nhiều bửa ăn Me ăn với nước mắm kho quẹt để Ngoại và tụi con có được thức ăn rồi còn nói tại vì lâu không ăn nên Me thèm ăn cơm với nước mắm kho quẹt ! Mỗi tối, Me bắt anh em con lấy bài ra học trong khi Me ngồi may vá quần áo cho cả nhà. Ngoại thì khó tính, chỉ mặc được quần áo chính tay Me may, còn anh em con thì lớn như thổi trong tuổi dậy thì, quần xuống lai không kịp, quần xanh đồng phục ở trường công lập của anh em con có từng khoanh ở lai quần với màu đậm lợt khác nhau do ảnh hưởng của những đợt xuống lai hàng năm. Áo thì Me may trở bâu áo mặt trái ra ngoài sau khi mặt phải sờn đi do thời gian và mồ hôi, cũng như áo trắng đi học của anh em con, nhất là con (cứ làm rách áo hoài!) màu trắng cũng khác nhau do những miếng vá liên tục ... Me giải thích cho anh em con là không bao giờ hổ thẹn vì áo quần vá, lành cho sạch, rách cho thơm, quý hồ áo quần đi học hay đi đâu không dơ dáy bẩn thỉu là tốt, còn vá nhiều mảnh chỉ là do gia đình mình nghèo mà thôi. Có hổ thẹn chăng là Me đi làm cực nhọc nuôi tụi con mà tụi con học hành không ra gì ... Hồi còn nhỏ, Me còn đủ trình độ kèm anh em con học, lớn lên một chút, học cao hơn một chút, Me không còn đủ sức để kèm học nữa và Me thường nói giá mà Cha tụi con còn sống thì mới kèm tụi con được, Me học không nhiều nên tụi con phải cố gắng tự học lấy, người ta có tiền mướn người về kèm con học, còn Me, nếu các con không tự lo được thì Me cũng không biết phải làm sao ... Chỉ có điều an ủi cho Me là anh em con học giỏi cho Me mừng. Me còn hứa là đứa nào mỗi tháng đem về cho Me tấm Bảng Danh Dự  sẽ được Me thưởng cho một vé xi nê ! Con thì tháng nào cũng đem Bảng Danh Dự về đều đều cũng như năm nào mặt Me cũng rạng rỡ khi con đưa Me cái giấy Trường mời Me vào tham dự Lễ Phát Phần Thưởng cuối năm. Nhưng làm sao con quên được có tháng sau khi đưa cho Me Bảng Danh Dự nhưng Me vẫn không cho tiền mua vé xi nê, Me nói nhẹ nhàng : ‘Tháng nầy Me không có tiền, con cho Mẹ nợ tháng sau Me sẽ cố cho con hai vé xi nê cùng lúc nha..’  Lúc đó, con đâu có hiểu nỗi khó khăn của Me, con chỉ biết Me đã thất hứa với con vì rõ ràng Me đã ra giải thưởng là đứa nào đem về cho Me Bảng Danh Dự thì sẽ được thưởng một vé xi nê vậy mà tại sao con lại không được Me thưởng cho dù chỉ là cái vé cá kèo của một rạp chiếu bóng bình dân ở gần nhà ?

Là con trong một gia đình không có đàn ông, nhà cứ bị người ta hiếp đáp hoài nên lớn lên một chút, con sinh ra cái bệnh nóng tính. Ỏ hàng xóm thì ít hơn, còn trong trường thì con cứ hay đánh nhau. Làm sao con quên được mỗi lần đi học đánh nhau mang thương tích về nhà, Me đã vừa săn sóc những vết thương của con vừa chảy nước mắt, Me vẫn van xin con nên ‘hiền lành, nhẫn nhục’ ở trường học để khỏi đánh nhau với bạn nhưng tánh con vừa ngang, vừa nóng nên chuyện đánh nhau ở trường học xảy ra như cơm bửa, cũng may là con học giỏi, nếu không có lẽ con cũng đã bị đuổi ra khỏi trường từ lâu. Nhưng việc con bị cấm túc ngày chúa nhật hay việc Me phải vào trường ký giấy bảo lãnh cho con cũng không phải là ít. Rồi Me chỉ còn nói với con : ‘Anh con nó tuy học không giỏi như con nhưng nó ngoan và làm cho Me vui hơn con nhiều. Cha mất sớm, Me phải đi làm khổ cực lo cho con mà sao con cứ làm khổ Me hoài vậy ? Bộ con không thương Me hay sao ?’  Con có hứa với Me là sẽ ráng nhịn, sẽ không đánh nhau nữa ... nhưng năm con 17 tuổi, con bị du đảng chém một vết thương rất dài ở trán phải vào bệnh viện để khâu lại. Con không bao giờ quên được nét mặt của Me khi Me vừa đạp xe đạp về nhà và thấy con cái đầu chít băng trắng kín mít ! Con không có đủ chữ nghĩa để diễn tả nó ra nhưng con thấy hối hận vô cùng. Con chỉ biết là tự hứa sẽ cố nhẫn nhịn với bất cứ giá nào để không đánh nhau, sẽ không để Me buồn nữa, và quả nhiên, chỉ một vài trường hợp đặc biệt sau đó, con đã không còn đánh nhau nữa ... Ngày sau con lập gia đình và có những đứa con của chính con, con mới hiểu được cái đau đớn của người làm cha mẹ, nhất là người mẹ khi thấy con mình bị đau đớn thì mình còn đau hơn cả chính mình bị đau nữa. Con mới thấm hiểu cái đau đớn của Me qua cái nhìn của Me khi Me mỗi ngày săn sóc vết thương trên trán con.

Dĩ nhiên, Me cũng rất nhiều lần cho anh em con đòn roi, vì chủ trương học trên hết nên những lỗi ở trường làm tuột hạng cũng là một trong những lý do bị đánh đòn, cũng giống như nghịch ngợm hay đánh nhau vậy. Biết bao nhiêu lần hai anh em con nằm cúi dài trên bộ ván gõ mỗi khi phạm lỗi cho Me đánh đòn nhưng sau nầy con cũng có con của chính con, nên con biết đánh con đau Me còn đau hơn. Nhưng vì không có Cha nên Me phải đóng cả hai vai ông Thiện và ông Ác để giữ gìn nếp nhà.

Con còn nhớ vào những năm cuối ở Trung học, anh em con đã rất cực nhọc để giúp Me trong mọi việc nhà vì tụi con cũng đã khá lớn. Buổi sáng đạp xe đi học, buổi chiều tưới nước trồng rau, nấu ăn, quét dọn nhà cửa, giặt dũ các cái vì nhà không có con gái, anh em con phải chia tất cả việc nhà ra làm. Rồi sau cơm chiều, riêng con, con còn lóc cóc đạp xe đi ‘kèm trẻ tại tư gia’ để kiếm thêm tiền, có khi 3 đêm mỗi tuần, có khi cả 6 đêm luôn khi nào con có 2 nhà mướn con tới dạy kèm trẻ con của họ. Con sung sướng đem tiền làm được về đưa Me và con cũng đọc được cái sung sướng trong mắt Me khi Me cầm đồng tiền con đưa cho. Không phải cái sung sướng của Me ở chỗ đang cần tiền mà có con đưa cho Me tiền nhưng cái sung sướng đó rõ ràng ở chỗ Me thấy con biết nghĩ tới Me, vui vẻ đưa hết tiền cực nhọc làm ra được cho Me để giúp Me. Con cũng cảm thấy sung sướng khi thấy Me sung sướng nữa Me ơi.

Bất cứ ai quen con đều nhận xét về Me rằng, Me rất lạnh lùng và bình tỉnh trước mọi sự, không, hơn ai hết, khi con lớn khôn, con hiểu Me nhiều hơn, con biết Me rất dễ xúc động như mọi người đàn bà khác trên cỏi đời nhưng khi Cha mất đã quá lâu và cuộc đời lại không cho Me có cái quyền yếu đuối, Me là cây cột trong nhà cho mọi người nương tựa chứ Me không có cây cột nào để Me dựa cả, Me phải tập và cố chịu đựng mọi việc xảy ra một mình nên Me như gồng mình, như câm nín, như gói kín những cảm xúc đau, buồn, hờn, giận của Me vào trong lòng ... Có ai đâu để Me san xẻ hay nương tựa ? Me phải đóng kịch suốt cuộc đời Me bằng gương mặt lạnh lùng, cái nói chuyện nhẹ nhàng và cung cách lặng lẽ ở bất cứ nơi nào Me đến. Anh con ra trường Võ Bị, suốt năm suốt tháng sống ngoài chiến trường, làm sao Me không lo được ? Nhưng Me vẫn không nói gì cả, chỉ thấy Me len lén thở dài mỗi khi xem báo thấy có đánh lớn ở vùng anh con đồn trú. Những lúc đó, mắt Me đầy suy tư. Rồi tới đứa con cuối cùng của Me là con, ra trường không lâu là con bị bắt làm tù binh trong một trận đánh lớn mà số người thương vong của cả hai bên đều rất cao, xác người chết tràn đường trở thành khô héo không ai nhận diện được, đơn vị báo về cho Me hay, ai cũng nghĩ là con chết ngay cả chính con cũng không nghĩ mình sống sót trở về, con nghe anh con nói lại là Me vẫn giữ cái bình tỉnh và lặng lẽ cố hữu, ai cũng khen là Me can đảm vô cùng. Anh con có nói, không một người thấy được của Me một giọt nước mắt khóc con hết nhưng chỉ một thời gian ngắn, Me đã mất đi 5, 6 kí. Người Me sút hẳn đi ... Thượng Đế ơi, có ông đó không? Tại sao Me lại chịu đựng một số phận hẩm hiu ghê gớm như vậy? Ly nước chịu đựng, chịu đựng, suốt đời chịu đựng của Me có bao giờ tràn? Chồng chết lúc tuổi còn xanh, chừng 5,7 năm sau, những đứa con lớn lại bỏ nhà ra đi, Me vẫn nhẫn nhục nuôi những đứa con còn lại cho tới khi chúng cũng đã trưởng thành và học hành thành tài để rốt cuộc, chúng nó vẫn bị  lôi vào cuộc chiến để đứa lớn thì cho Me lo lắng trằn trọc suốt năm suốt tháng và đứa nhỏ nhất lại mất tích trên chiến trường. Anh con kể lại nhà mình như có đám tang thường trực chỉ thiếu có cái quan tài. Gần như chưa ai, không ai ngoài gia đình mình thấy Me khóc cả nhưng nhất là con, con biết, khi có tin được báo về cho nhà hay là con đã mất tích ngoài chiến trường thì con dư tưởng tượng để biết Me đã phải khóc thầm trong đêm, bao nhiêu đêm Me nằm trong mùng và lúc đó, Me sống hoàn toàn riêng tư và Me là của chính Me, Me đã khóc cho hả, cho thoả mãn cái chịu đựng tức nước vỡ bờ của số phận, cho cái hẩm hiu, cái bất công của định mệnh rơi xuống Me để sáng ra, Me trở lại là con người cứng rắn, bình tỉnh và cam chịu, leo lên xe đạp lại lóc cóc tới sở làm như một con trâu tiếp tục kéo cày cho dù bất cứ tình huống nào xảy ra chung quanh cũng không thay đổi được gì cả ... Ngày con được trao trả tù binh trở về, Me ra thăm con ở tận vùng 1 xa xôi, gặp con, Me vẫn bình tỉnh, Me nắm tay con, xoa đầu con và chỉ hỏi nhỏ : ‘Con có khoẻ không con ?’  Tất cả bạn tù binh trong Trại An dưỡng Vùng 1 đều thán phục là Me can đảm nhưng ai cũng biết cái tâm trạng của một người mẹ có con vừa chết đi sống lại như thế nào.

Thời  gian Me sung sướng một chút thật chẳng bao lâu. Ra trường bao nhiêu năm anh kế con mới cóp nhóp mua được cái nhà cho Me ở, tưởng gì, mới vài năm sau, sau ngày 30/4, anh con lại bị chế độ mới cho đi tù suốt bao nhiêu năm trời, cái nhà anh mua cho Me ở cũng bị bán đi để nuôi anh trong tù, còn Me với Ngoại đã già lắm rồi phải đi ở đậu với người ta. Lúc Me bán nhà, anh em con đã can gián Me hết lời (lúc nầy hai anh lớn của con đã từ ngoài kia trở về) nhưng Me đã nói : ‘Cái nhà nầy nó mua cho Me ở cho sung sướng nhưng Me có thể nào sống tiện nghi  thoả mái trong khi nó đang kh1ổ sở trong tù ? Nhà nầy cho dù nó mua cho Me nhưng vẫn là nhà của nó, nay Me phải bán đi để lấy tiền đi nuôi nó trong đó mới đúng ...’  Ba lần chị dâu đi thăm anh ngoài Bắc là 3 lần Me thức đêm thức hôm, làm thức ăn các cái bao nhiêu cần xé để chị dâu con khi đi thăm anh có mà đem theo cho anh. Mỗi lần đi thăm tù, Me đều ra lệnh cho anh em con luân phiên đi theo bà chị dâu vì Me không muốn đàn bà con gái lặn lội đường xa một mình và để giúp chị ‘cộ’ hết bao nhiêu cần xé thức ăn đi hết xe lửa tới xe đạp thồ ở ngoài Bắc. Cái nghèo của Me, con biết Me còn chịu đựng được nhưng chuyện con cái cứ hết đứa nầy đến đứa khác hết sống xa nhà tới bị nạn liên tiếp đúng là làm cho Me chết dần chết mòn tuy lúc nào Me cũng dấu kín nỗi đau ở trong lòng ...

Me có 4 đứa con trai nhưng từ khi thằng con út của Me lên 8 tuổi, Me không bao giờ có được cả 4 đứa cùng gặp Me một lượt. Kể ra thì Trời cũng còn ngó lại một chút xíu là sau bao nhiêu năm chiến tranh, tất cả mấy anh em con đều còn sống đủ. Năm 75 thì các anh lớn trở về thì anh kế con lại đi tù. Ỏ ngoài, vì hoàn cảnh, con lại bỏ xứ ra đi để khi anh con ở tù về lại nhà thì Me lúc nào cũng  có đứa ở xa để cho Me trông, Me lo, và Me nhớ.

Me ơi, cách đây gần 17 năm, khi bỏ xứ ra đi, con vẫn nghĩ là tuy ở xa nhà nhưng với số tiền hàng tháng con gởi về cho Me cũng có thể tạo cho Me một cuộc sống vật chất sung sướng nhưng qua những lần con về quê hương thăm Me, con đã thấy mình lầm. Me đã không bao giờ nói ra, con cũng làm ngơ đi để tự dối mình nhưng cả Me và con đều biết rằng Me cần con hơn là đồng tiền của con, hạnh phúc của Me là ở gần con chứ vật chất không có nghĩa gì cho người Mẹ sống xa con. Nhất là con, đứa con út không cha từ tấm bé mà Me hết mực thương yêu, con có làm được gì đâu cho Me ngoài số tiền bé nhỏ gởi về hàng tháng. Ngoại sau khi con đi không bao lâu thì cũng đã mất rồi, Me lại cô đơn với cuộc sống nội tâm của Me. Me tuy chưa già lắm nhưng cũng đã về hưu không còn đi làm gì nữa, sống trong nhà anh lớn con nhưng Me thấy là không ai hiểu Me được như con hiểu Me, mọi người sau 75 ai cũng bận rộn vì sinh kế thì Me lại đâm ra nhàn rỗi để suy nghĩ, để nhớ và để lo. Đứa con ở gần trông thấy đỡ lo, đứa đi xa, cho dù đi tù hay đi biển hay đã đến xứ người rồi, nó có làm sao không ? Dưới mắt của bất cứ bà mẹ nào cũng vậy, không đứa con nào trưởng thành cả mà lúc nào chúng nó cũng cần sự săn sóc của bà. Me tuy không nói ra nhưng con biết Me vẫn lo lắm để rồi Me ngã bệnh.

Lần về thăm nhà sau cùng năm 97, Me đã không còn đi đứng được dễ dàng như hồi 3 năm trước. Me phải vịn vào một cái gì để đi nhưng lại không chịu để cho ai dìu dắt. ˆn uống thì quá tệ rồi. Số lượng thức ăn Me dùng một ngày tính ra không bằng một chén cơm. Me chỉ uống nước được thôi nhưng Me cũng không uống được nhiều nước súp  do các chị nấu. Tình trạng sức khoẻ của Me xuống dốc trông thấy. Mọi cái về Me đều phải có người nâng đỡ. Con biết là không ổn rồi vì Me vẫn không thích ai làm cái gì cho Me cả. Me nói không được bình thường nữa vì sau mấy lần tai biến mạch máu não thì nửa người của Me dù có chữa chạy cách nào cũng không trở lại bình thường được. Nhưng cái vui của Me khi thấy con về vẫn lộ ra, con ngồi ở chân giường, đặt hai chân Me trên đùi con để con xoa bóp. Me đã dùng bàn chân khều vào bụng con rồi vừa cười vừa nói:‘Bụng bự quá !’ Vậy mà con mãi mới hiểu Me muốn nói gì. Mỗi lần con đấm lưng cho Me, Me lại cho rằng chỉ có con đấm lưng là Me thấy bớt đau lưng ... Rõ ràng cái ý Me muốn được ở gần con nhưng con không biết phải làm sao ... Ngày con thưa Me ra đi trở qua bên nầy, con biết và con biết chắc là Me cũng biết nữa, đây là lần cuối Me con mình thấy nhau, bởi vậy con chỉ còn biết cầu mong cho Me có ra đi, xin Me được ra đi trong yên bình ...

Bên nầy bây giờ là mùa Mother Day, tụi con không được ở gần Me để mừng tuổi Me như người Mỹ họ làm, tụi con chỉ biết ngóng về quê hương với hình ảnh Me bên đó để mừng tuổi thầm trong bụng mà thôi. Mới cách đây mấy hôm, con còn ra gởi tiền hàng tháng về cho Me có tiêu xài nhưng ... Me đã không còn nữa ... Anh em con càng lớn lên, ngay cả đứa con út của Me cũng ngoài 50 thì làm sao Me còn trẻ được? Tuổi hạc càng cao, bệnh càng chồng chất, mà cái nặng nhất là cái nội tâm của Me, cái câm nín chịu đựng của Me càng làm Me ngã gục mau hơn nữa. Nhưng ít nhất bây giờ, tuy Me đã phải câm nín vĩnh viễn nhưng Me không còn phải chịu đựng bất cứ cái gì xảy ra trên cuộc đời nầy nữa.Me đã không thể sống kéo dài chờ con về ở bên Me, lo cho Me như ngày xưa được nữa rồi. Me ơi !

Ngồi viết những hàng chữ nầy mà nước mắt con tuôn rơi, con nhớ Me quá đi thôi ! Làm sao con còn được nằm để cho Me đánh roi vào mông vì tội ngông cuồng ? Làm sao con còn được ngồi dưới chân Me như lần về VN thăm Me lần trước để Me xoa đầu con như ngày con còn nhỏ dại ? Nhớ như in tiếng chuông xe đạp Me reng reng ngoài đầu ngõ ...

Bên ngoài hoa vẫn còn nở của một mùa Xuân xứ lạ mới bắt đầu. Trước nhà tôi có bụi hoa trắng nở rộ giờ đã bắt đầu tàn, những cánh hoa trắng rơi đầy đất ... Me đã ra đi vĩnh viễn nhưng Me ơi, bao giờ Me cũng ở trong lòng của con cho tới ngày con nhắm mắt ...

Mother’s Day 97
Nguyễn Ngọc Ấn