Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Lời giới thiệu của QYHD Lý Văn Quý-khóa 21
Bài "Tiểu Đoàn 3 Nhẩy Dù, Những Trang Quân Sử đầu tiên" do QYHD Hoàng Cơ Lân sưu tầm có nhắc đến một nhân vật đã có mặt đầu tiên trong những ngày đầu thành lập là Thiếu úy Lý Văn Quảng. Ông chính là thân phụ của hai anh em chúng tôi là nha sĩ Lý Văn Quán (khoá 19) và nha sĩ Lý Văn Quý (khoá 21).
Vào năm 2006, chúng tôi về thọ tang thân mẫu tại Sài Gòn thì được biết bà có lưu trữ một ít tài liệu cũ của ông cụ, trong đó có một bài báo do ký giả Bút Sắt đã viết cho tờ Đặc San Lực Sĩ, có lẽ vào khoảng năm 1960. Đọc lại tài liệu cũ, chúng tôi bùi ngùi tưởng nhớ một người cha thân yêu đã sống một cuộc đời đầy tự hào và trách nhiệm của một thanh niên thời loạn. Chúng tôi cảm thấy không bao giờ sánh được với ông nhưng luôn cố gắng noi theo tấm gương ông, có lẽ là cái gia tài lớn nhất mà một người cha có thể để lại cho lũ con. Nay xin mạn phép được chia sẻ và hầu chuyện cùng quý vị.
***************************
Những nhà hâm mộ thể thao thuộc thế hệ trước 1945, hẳn không xa lạ với cái tên "Tiểu Lý Quảng" biệt danh của võ sĩ Lý Văn Quảng, một tay vô địch về quyền Anh, nổi tiếng nhờ lối đánh "khoa học," trông rất đẹp mắt. Những trận anh đấu với các võ sĩ Bắc Hà như Lân, Khuê, Đường đã từng làm sôi nổi trong làng thể thao một thời.
Một thời gian khá lâu, bặt tin anh, tưởng anh đã "về hưu" như nhiều thể thao gia khác nhưng vừa rồi lại có dịp gặp anh dưới một bộ mặt mới: anh mặc quân phục và đeo lon Đại úy trong Liên Đoàn Nhảy Dù, nhưng tinh thần thể thao thì vẫn như xưa: chân đi nhanh nhẹn, gọn gàng, anh vẫn giữ vẻ trẻ trung, hoạt động như thời nào.
Chúng tôi không bỏ qua cơ hội, mời anh ghé qua hiệu giải khát kế nhà để phỏng vấn anh ba điều bốn chuyện nhơn dịp cho ra mắt Đặc san Lực sĩ.
-Anh cho biết do đâu anh gia nhập vào làng "đấm?"
-Đầu năm 1931, nhân được xem nhiều đêm đấu quyền Anh ở võ đài Pellerin (bây giờ là đường Pasteur Saigon) do nhà tổ chức René Tellier tổ chức và nhiều buổi tập dượt cũng tại đây.
Thuở đó mỗi khi có tàu ngoại quốc ghé bến Saigon thì đều có những cuộc so găng giữa những võ sĩ phương xa đến đấu với võ sĩ Saigon. Tên những võ sĩ ngoại quốc và Việt Nam ở Saigon lúc đó đều rất quen thuộc với khán giả Đô thành.
Võ sĩ ngoại quốc đại khái có những anh như: Diop Amadou, Kid Chocolat, (da đen), Sosa, Puncher, O' Campo, Young Aman (Phi Luật Tân) và võ sĩ Pháp thì hầu hết đều là quân nhân. Việt Nam cũng có nhiều anh để tên thật và có nhiều anh lại lấy tên ngoại ngữ như: Nguyễn Văn Tộ, Young Typhon v.v...
Tuổi thanh niên dễ kích thích lại được mọi người khuyến khích và giúp đỡ phương tiện nên sau nhiều lần tập dượt và chính thức lên đấu tại võ đài này, tuy vẫn chỉ là đấu những trận mở màn, hay "giáo đầu tuồng" cũng thế, không có tên trong tấm chương trình buổi đấu đó, nghĩa là nhà tổ chức đến phút chót muốn cho ai đấu cũng được, sau mỗi trận đấu như thế sẽ được lĩnh một số tiền thù lao khiêm nhượng năm ba đồng gì đó.
Nhưng có sá gì chuyện đó, vì được đấu tại đấy là cả một vinh dự rồi.
-Anh có thể nhắc sơ lại một vài giai đoạn trong cuộc đời thể thao của anh?
-Qua năm 1934 được võ sĩ Young Typhon tức Nguyễn Văn Hiển (đã quá cố) chỉ dạy tại phòng tập riêng của anh tại Cholon. Sau thời gian nhiều tháng, thôi thì quyền Anh cũng đấu mà "võ ta" cũng không từ. Danh từ "võ ta" hồi đó có nghĩa là võ tự do bây giờ, nhưng khác cái là bất chấp sức nặng bao nhiêu, hễ hai bên bằng lòng là ban tổ chức cho đấu, vì vậy lúc đó tôi có 52 kilos (sức nặng năm 1934) mà đặng cáp độ với võ sĩ nặng đến 60, 62, 64, hay 68 kilos là thường.
-Qua được mấy năm, tôi đã dự đấu được rất nhiều trận và đoạt nhiều giải vô địch, mỗi giải là một cái "coupe" bằng bạc, tựa như "coupe" bóng bàn hay bóng tròn vậy. Thực tế hơn, tuy có tiếng nhưng tiền bạc chẳng có gì, nên thiệt thòi đủ mọi thứ. Bị lợi dụng một cách trắng trợn nên thua buồn với giới Quyền thuật lúc đó.
-Năm 1936 sắp sửa có tuần lễ thể thao, nhân dịp khánh thành đường xe lửa xuyên Đông dương và khánh thành hồ tắm Georges Rivoal, bây giờ là hồ tắm Đô thành (An đông) nên tôi đã ngả qua môn bơi lội. Tập dượt đầy đủ và đến ngày tranh đua tại hồ tắm Lido gần cầu Băng ky, bây giờ là Hội quán Sỹ quan Quân khu Thủ đô, tôi đã đoạt giải Critérium Indochinois 400 thước tự do trước các tuyển thủ Trung, Nam, Bắc. Kỷ lục Nam kỳ năm 1936, 100 thước ngửa tại hồ tắm Rivoal với 1' 32" và cũng năm đó, tôi về hạng tư giải "băng sông Saigon" (Traversée de Saigon à la nage) 5 cây số; khởi hành tại cầu Tân Thuận và mức đến là cầu Thị Nghè. Nhất Nhì là hai thủy thủ Pháp, hạng ba anh Nguyễn Văn Hoài; dự tranh có gần 60 tuyển thủ.
Sau mấy năm chơi môn này, đến cuối năm 1939, nhân xem tờ "Ngọ Báo" xuất bản tại Hà Nội, anh bạn Vũ Công Uẩn (hiện là nhân viên bộ Thông Tin và Thanh Niên) và Mạc Đoàn (đã quá cố) chủ trương trang thể thao của tờ báo nói trên, tôi thích thú nhất khi được đọc những tin quyền Anh do các anh tường thuật những trận đấu tại Bắc Việt như Hanoi, Hải Phòng, Nam Định...
Được liên lạc với các anh bằng thư từ đã nhiều lần thì trận đấu đầu tiên của tôi lại được thực hiện tại Hải Phòng vào đêm 15-8-1940. Trước trận đấu vài ngày, thôi thì báo chí, bích chương cũng như giấy quảng cáo tung bay khắp hai thành phố lớn của Bắc Việt. Buổi tối đấu, buổi sáng báo ra số đặc biệt bán một xu. Chỉ một hàng chữ Lý Văn Quảng Saigon (ở Saigon ra) đấu với Nguyễn Lân Hải Phòng là đủ hấp dẫn mọi tầng lớp đồng bào. Điều đáng nói là nếu có được kết quả nhiều về tài chính cho ban tổ chức là nhờ ở các bạn phóng viên thể thao cả.
Tiếp theo đó thì là những trận đấu Quảng-Thường, Quảng-Đường, Quảng-Khuê v.v... đều được tổ chức tại Hà Nội.
-Trong đời thể thao, chắc anh có ghi lấy một vài kỷ niệm khó quên?
Qua các trận đấu với các võ sĩ Bắc Việt hồi đó, gác bỏ phần kết quả về kỹ thuật ra ngoài, tôi đã được đại đa số thanh niên mến chuộng. Một vài kỷ niệm được kể là sung sướng nhất đời như sau. Hiện thời lâu lâu tôi vẫn hình dung, "còn thấy" và tưởng chừng như việc xảy ra cách đây rất gần:
1) Nhà chị tôi ở phố Hàng Ngang Hà Nội, một hôm tôi ngồi chơi ngoài cửa hàng, bỗng tầm mắt nhìn thấy trong tủ kê cạnh tường, có bóng hai cậu học sinh lối 15 hay 16 tuổi đương trò chuyện và chỉ chỏ vào nhà tôi. Sau lúc đó hai cậu cùng đi ngang mặt tôi và một cậu, trịnh trọng giở mũ chào và hỏi:
-Thưa ông, phải ông là võ sĩ Lý Văn Quảng không?
-Phải tôi đây, cậu muốn hỏi gì?
Được tôi trả lời, nhưng cậu nọ không nói gì thêm nữa và nắm tay kéo cậu kia đi thẳng, còn nói thêm với nhau:
-Thế là tôi được "nhớ!" (nhớ trong tiếng Bắc ngày xưa có nghĩa là nhé, [phụ chú của Ban Biên Tập])
Lúc ban đầu hơi ngạc nhiên, sau nghĩ ra thì là đó chỉ là một số bạn trẻ "hâm mộ" mà thôi.
2) Một buổi chiều trời oi ả. Sau trận tái đấu với anh Nguyễn Lân ở Câu lạc bộ Thể thao Hà Nội ít lâu. Tôi và mấy người bạn rủ nhau lên Cổ Ngư thuê chiếu ngồi hứng gió ở bờ đê, bỗng phía sau chúng tôi, có hai chú bé bán lạc rang, tuổi độ 12 hay 13 gì đó đi tới.
Tiếp tục câu chuyện dở dang đang nói của hai chú khi đến ngang chỗ chúng tôi ngồi.
-Được rồi, tao làm Lân mày làm Quảng sợ gì.
Hai đàng ưng thuận và hai thùng lạc tháo bỏ để xuống đất, thứ thùng thiếc đựng dầu lửa.
Rồi thì cũng thủ, cũng công, hai chân nhảy có nhịp có nhàng, đó là mấy chú bắt chước lối chơi "jeu de jambe" của các võ sĩ. Đấm nhau rất mạnh mà lại không có găng. Chúng tôi vô tình được xem một trận đấu có thể nói là rất kịch liệt gay go, nhưng kết quả, dường như đã được... định sẵn; vừa định can hai chú ra, vì để đánh mãi như thế, e nguy hiểm chứ chẳng chơi, tuy họ chỉ là... đóng kịch. Bỗng nhiên, chú đóng vai Quảng trượt chân ngã và chú kia leo lên lưng ngồi, nhưng tiếp tục... đấm.
Chú nằm dưới kêu oai oái:
-Ơ kìa! Tao làm Quảng thì phải được chứ.
Ngoan ngoãn và chắc là biết...lỗi của mình nên chú kia tụt xuống nằm song song bên cạnh... võ sĩ Quảng, để rồi chú này leo lên đấm thêm vài quả.
Anh bạn ngồi bên tôi kể như... trận đấu đã kết liễu, nắm tay chú nọ giơ lên và... tuyên bố:
-Võ sĩ Quảng thắng điểm!
Hai chú bé đồng đứng giậy phủi quần áo và cưới khề khề rồi thì hai thùng lạc lại chế ngự lên hai cái vai bé bỏng và giắt tay nhau cùng đi.
Trận đấu cuối cùng của tôi là trận đấu với Bertoux, võ sĩ được vào chung kết giải vô địch Pháp quốc Tài tử năm 1947 vào tháng 7 năm 1948 tại Salle Japy quận thứ X Paris. Trận đấu kết quả hòa.
Sở dĩ có trận này, là nhân dịp thời gian tôi tòng học tại trường Cao đẳng Thể dục Joinville, lợi dụng sức lực đầy đủ cũng như bạn bè khuyến khích nên mới nhận đấu.
-Xin anh cho chúng tôi ghi lại một vài thành tích anh đã thâu đoạt trên võ đài
Thành tích do Tổng cuộc Quyền thuật Nam Kỳ công nhận ngày 19-12-1946
Võ sĩ quyền Anh Lý Văn Quảng, biệt danh "Tiểu Lý Quảng"
Tổng cộng các trận đấu: 157
-Thắng: 131 trận, trong đó có 36 trận thắng điểm và 95 trận đánh ngã đối phương (KO)
-Hòa điểm: 20 trận
-Thua điểm: 6 trận
Các chức vô địch:
-Vô địch tỉnh Sa Đéc năm 1934
-Vô địch Nam kỳ năm 1935
-Vô địch Trung kỳ năm 1940-41
-Vô địch Bắc kỳ năm 1941-42
-Vô địch Nam kỳ năm 1942-43
-Vô địch Nam kỳ năm 1943-44
-Vô địch miền Nam Đông dương năm 1943-44
-Nếu chúng tôi không lầm, cuộc đời thể thao chắc có ảnh hưởng ít nhiều đến xu hướng nghề nghiệp anh hiện giờ?
-Anh nhận xét có phần đúng, sở dĩ ở ngoài đời tôi cũng chọn nghiệp "võ" như anh thấy hiện nay là vì đặng trui luyện trong lò thể dục và thể thao nên thích hoạt động và tranh đấu. Mà đã thích hoạt động thì thì chọn nghề "làm nhà binh" là việc dễ hiểu. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Thể dục Joinville tôi đã nhập ngũ vào quân đội Cộng Hòa được hơn 9 năm nay và đã phục vụ trong binh chủng Nhảy dù gần 7 năm nay.
-Trên phương diện thể dục và thể thao anh có nhận xét gì đối với thế hệ thanh niên hiện tại?
Về mặt này lẽ dĩ nhiên là có nhiều tiến bộ. Nước nhà đã độc lập thật sự, chính phủ cũng thực sự phục vụ thanh niên (chẳng hạn chính phủ đã giúp các anh mở phòng thể dục để các bạn trẻ tập khỏi tốn tiền) vì tiền đồ của Tổ quốc, chứ không như thời thực dân phong trào khỏe của Ducoroy chỉ lợi dụng nhiều hơn là phục vụ thanh niên.
Tôi thấy sung sướng đặng thấy ngày nay thanh niên lân la đến các phỏng thể dục hoặc đến vận động trường nhiều hơn là đến các quán rượu các hiệu khiêu vũ. Bây giờ nếu anh cho phép tôi tâm sự với các bạn trẻ một vài lời thì tôi xin nói thêm:
"Các anh luyện tập thể dục, chơi thể thao để khỏe mạnh, đó là điều rất tốt nhưng các anh đừng quên rằng giá trị của người thanh niên là biết hướng cái [khỏe] ấy vào những công cuộc gì có tích sự cho xã hội, quốc gia, chứ không phải tập cho [khỏe] để gồng vai ưỡn ngực đi [biểu diễn] ở ngoài phố."
Bút Sắt
Đặc San Lực Sĩ
|
Lý Văn Quảng và vợ |
|
|
Võ sĩ Tiểu Lý Quảng |
|
|
Vô địch bơi lội Nam Kỳ 1936 |
|
|
LVQ (thứ 3 từ trái), Paris 1945 |
|
|
KO Camille |
|
|
LVQ hòa Bertoux tại Paris |
|
|
Người VN đầu tiên đậu Institut National des Sports |
|
|
LVQ trở về nước |
|
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010