Loading
Bác sĩ Hoàng Cơ Lân, một đời mũ đỏ...

GIAO CHỈ-SAN JOSE

Huynh đệ chi binh

Sau cùng, dù ở phương trời nào thì người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa cũng tìm về bên nhau, bên lá cờ của đất nước và binh đoàn. Ðó cũng là câu chuyện của Đại tá Trần Ðình Vỵ và Ðại Tá Hoàng Cơ Lân tại Paris.

Cả hai ông một thời bên nhau trong đoàn quân mũ đỏ Việt Nam, sau đó ông Vỵ ra bộ binh làm trung đoàn trưởng, rồi tư lệnh phó sư đoàn 22, tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Bình Ðịnh. Qua Pháp ông được thu nhận vào quân đội và đã về hưu với cấp bậc đại tá của lực lượng Lê Dương (Légion Étrangère).

Phần Đại tá Hoàng Cơ Lân có tiểu sử vắn tắt như sau:

Ông sanh 30 tháng giêng 1932 tại Hà Nội. Trung học tại Lycée Albert Sarraut Hanoi và Lycée Yersin Dalat. Sinh viên trường Quân Y theo học đại học y khoa Hà Nội và Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp 1957 phục vụ 13 năm trong binh chủng Nhảy Dù dưới quyền 3 vị tư lệnh Nguyễn Chánh Thi, Cao Văn Viên và Dư Quốc Ðống. Phụ tá Quân y Lục quân tại Cục Quân Y/QLVNCH. Tốt nghiệp chỉ huy tham mưu cao cấp tại Fort Leavenworth, Kansas (1971-72). Chỉ huy trưởng trường Quân Y QLVNCH cho đến tháng 4/1975. Cấp bậc sau cùng của ông là Ðại tá.

Cùng định cư tại Paris, hai vị đại tá cao niên đã đứng bên nhau trong nhiều công tác nhằm xây dựng lại hình ảnh của người chiến binh miền Nam Việt Nam. Chúng tôi hỏi thăm và bác sĩ Lân cho biết: “Vì sự liên hệ giữa Pháp và Việt Nam trong quá khứ đã lâu dài và dưới nhiều hình thức hơn là với Hoa Kỳ. Cảm tình của người Pháp nói chung đối với nước mình nó khác. Ðiển hình là sự yểm trợ của tổ chức L’A.N.A.I. Ngoài 4 số báo ra hàng năm, Hội còn có website anai-asso.org, trong đó có rất nhiều tài liệu về Ðông Dương thuộc Pháp hồi xưa cho đến thời kỳ chiến tranh Ðông Dương 1946-1954.”
Ông cho biết thêm: “Hội ANAI còn giúp chúng tôi tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ của chúng ta vào ngày 2 tháng 11 hàng năm. Ðã bắt đầu từ năm 2002 tại nghĩa trang quân đội Nogent-sur-Marne ở ngoại ô Paris. Tại nơi hành lễ có chôn hài cốt lính Việt Nam trong quân đội Pháp tham dự cả 2 thế giới đại chiến 1914-18 và 1940-45. Riêng trong đại chiến 14-18, đã có 100.000 người VN sang Pháp làm “lính thợ.”  Họ phục dịch các cơ xưởng hậu cứ, một số nhỏ cũng đã tham dự chiến trận. Trong thời gian này, khoảng 30.000 đã chết và được chôn cất tại 8 nghĩa trang quân đội rải rác trên đất Pháp, Nogent-sur-Marne là 1 trong các nơi đó.

Lễ tưởng niệm này là do sáng kiến của Ðại tá Trần Ðình Vỵ và bác sĩ Hoàng Cơ Lân. Hai ông đi tìm nơi thuận tiện, rồi ngoại giao xin phép chính quyền địa phương và các hội đoàn cựu quân nhân Pháp để cùng thực hiện một nơi tưởng nhớ.


LANAI là gì?

Mùa thu năm nay 2010, tôi được bác sĩ Hoàng Cơ Lân gửi tặng viện Bảo Tàng một số báo LANAI, mấy tấm hình và bản dịch bài của báo viết về nghĩa trang Biên Hòa. Bác sĩ Lân đã viết bài tiếng Pháp đăng trên tạp chí LANAI. Phải nói đây là những tài liệu quý giá đối với chúng tôi đang tìm hiểu và sưu tầm về quân sử Việt Nam Cộng Hòa. Nếu quý vị tò mò muốn biết những hàng chữ viết tắt của tổ chức này thì chúng tôi xin liệt kê như sau:
Bia Tưởng Niệm tại Pháp - IRCC
L’Association Nationale des Anciens et Amis de L‘Indochine (LANAI).

Hội ANAI được bộ Quốc Phòng Pháp bảo trợ và có nhiều hội viên quân sự và dân sự hồi xưa đã phục vụ hoặc đã sống bên Việt Nam. Ðặc biệt nội san của LANAI phát hành hàng tháng tràn ngập hình ảnh bài vở về Việt Nam, của một thời gian xa xưa đầy kỷ niệm.

Số báo tháng 4-2007 Bác sĩ Lân viết bài về nghĩa trang quân đội Việt Nam tại Biên Hòa. Một năm sau, ông viết bài "60 năm một ngọn cờ vàng" (1948-2008) cho báo tháng 10-2008. Cũng trong số báo tháng 10 tôi lưu ý đến bài của tướng Guy Simon viết dưới hình thức lá thư gửi người bạn vô danh (Letter à X). Ðại ý ông viết: "Bạn biết gì về chiến tranh Ðông Dương, về những người bạn bị bỏ rơi. Hay bạn chẳng biết gì về quân đội Việt Nam. Bạn có thương đau nhỏ lệ cho các chiến hữu của chúng ta vẫn còn tiếp tục chiến đấu chống cộng sản?"

Ðọc những lời viết kể trên bằng Pháp văn, thứ ngôn ngữ chúng tôi đã xa cách hơn 50 năm, từ ngày anh hạ sĩ quan người Pháp cuối cùng rời khỏi đơn vị vào cuối năm 1954. Bài báo của tác giả Guy Simon có đăng hình một sinh viên sỹ quan võ bị cầm kiếm đứng trước hàng quân. Có hàng ghi chú: Major de promotion de L’Ecole de Dalat 1954. Tôi hồ nghi đây là hình ảnh tiểu đoàn sinh viên sỹ quan của khóa 10 trường Võ bị liên quân Ðà Lạt. Khóa 10 được đặt tên Trần Bình Trọng ra trường 1954, trước chúng tôi 3 tháng. Thủ khoa ngày nay có hình trên báo Pháp là anh Nguyễn Tấn Ðạt.

Ðọc những bài báo, coi những tấm hình. Tôi hết sức rung động. Tưởng chừng như cả một chân trời cũ hiện về. Quí bác thử nghĩ coi, thời đó tôi là cậu thiếu úy Bắc kỳ còn đeo lon Tây một gạch vàng chóe. Chỉ huy trung đội lính Nam kỳ một nửa là Miên. Lính thì đen hơn Ma rốc, quan thì mặt búng ra sữa.

Hàng ngày trung đội được lệnh tham dự cuộc hành quân thú vị nhất trần đời là ra bến tầu Sài Gòn đón đồng bào di cư. Nhiệm vụ của tiểu đoàn 530 là giúp bà già trẻ em đi cầu giây từ tầu xuống bến. Nhưng các thầy đội thầy cai của đơn vị chỉ lo cố gắng giúp đỡ thiếu úy lấy le với các tiểu thư di cư từ Hà Nội. Thấy cô nào đẹp là phải mời Lieutenant ra đón vợ. Anh trung sĩ Tây là hạ sĩ quan liên lạc mỗi buổi sáng trình diện chào lieutenant đúng tác phong quân trường. Anh thiếu úy Anam Bắc Kỳ măng sữa ngày xưa tưởng rằng rồi đây sẽ có cả cuộc đời binh nghiệp thời bình của miền Nam đầy hoa thơm cỏ lạ. Ngờ đâu ngày nay, vào cuối cuộc đời từ nơi xa xôi lại phải nói chuyện về một nghĩa trang của các chiến hữu tử sĩ còn nằm trong tay kẻ thù.

Bài viết sau đây của Y sĩ Đại tá nhẩy dù Hoàng Cơ Lân, nguyên tác đăng trên báo Pháp. Xin các bác đọc để biết, những bạn người Pháp, chiến hữu cũ của chúng ta đã được thông tin ra sao?


Nguời lính canh Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa

Người ta để ý thấy từ năm1967, khi mặt trời đã lặn, “anh” hay lang thang trên những con đường nhỏ chung quanh nghĩa trang này và đột nhiên biến mất khi người hiếu kỳ muốn tiến lại gần. “Anh” vận quân phục và đi giầy trận, đeo súng trên vai, nhưng không bao giờ có cử chỉ dọa nạt những người nhìn thấy “mình”. Khi thời tiết nóng bức, nhiệt độ ban ngày lên tới 35 độ, một tay cầm nón sắt, một tay cầm bidon, “anh” đi gõ cửa các nhà xung quanh để xin nước uống. Mặt “anh” tư lự buồn bã và hình dung hệt như người lính tượng đồng đen, ngồi trước nghĩa trang lớn quân đội xây cất cạnh xa lộ Saigon-Biên Hoà...

Huyền thoại này đã được phổ biến trong dân gian trước 1975. Thời kỳ chiến tranh Nam Bắc huynh đệ tương tàn trên 20 năm. Câu chuyện nói lên sự u uất đau thương của mảnh đất này, không ngày nào không có quân nhân tử trận được đưa về.

Miền Nam Việt Nam hồi xưa có khoảng 50 nghĩa trang quân sự, con số quá lớn đối với một nước nhỏ bé. Gần thủ đô Saigon nhất là nghĩa trang Gò Vấp bắt đầu chật chội vào năm 1964. Chính quyền đã phải lo xây cất một cái mới lớn hơn. Nghĩa trang mới này được xây dựng gần Biên Hoà với sức chứa 30,000 mộ và sẽ mang tên Nghĩa trang Quốc Gia, nơi an nghỉ của những quân nhân đã hy sinh vì tổ quốc, và dành luôn cho cả những người, dân cũng như quân khi còn sống đã góp công bảo vệ hay làm việc lợi ích cho đất nước.

Công trường xây cất khởi đầu năm 1965 trên một khoảng đất rộng 125 hectares. Các ngôi mộ, những cơ sở dịch vụ, cũng như những công thự như mộ người chiến sĩ Vô Danh, được sắp đặt theo hình vẽ một con ong khổng lồ, đầu hướng về phía cửa chính. Nghĩa trang đã được tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khánh thành ngày 1 tháng 11 năm 1966. Tính đến 30 tháng 4, 1975 đã có 16,000 tử sĩ các cấp được an táng tại đây.

Nhưng tiêu biểu cho dân miền Nam vẫn là tượng đồng đen to lớn đặt trước cổng nghĩa trang. Tượng một người lính ngồi với khẩu súng đặt ngang đùi, nón sắt trên đầu hơi ngả về phía sau, bộ mặt buồn rầu tư lự, đêm ngày ngồi canh nơi an nghỉ của bao nhiêu đồng đội đã nằm xuống. Tác giả công trình kiến tạo đã được tuyển lựa này là một sĩ quan trừ bị, trung úy Nguyễn Thanh Thu, một nhà điêu khắc xuất thân trường Cao đẳng Mỹ thuật.

Ngay sau khi Sài Gòn thất thủ, bức tượng đã bị lật đổ và phá vỡ. Trong những ngày tháng sau khi cưỡng chiếm miền Nam, người cộng sản bất chấp lòng tôn kính người đã khuất sâu đậm trong tâm hồn người Á Ðông, đã hèn hạ xâm phạm đất thiêng này! Nhiều ngôi mộ đã bị đào xới lăng nhục, người ta còn thấy cả vết đạn trên vài mộ bia…

Thật buồn nản khi ta nhận thấy trên đất Pháp có những nghĩa trang được thường xuyên tu bổ, dù đã chôn cất cả chục ngàn quân sĩ Ðức Quốc Xã, kẻ thù của nước Pháp trong đệ nhị thế chiến. Ði viếng những nghĩa trang quân đội bên Mỹ, mà thấy lính Nam Bắc của cuộc nội chiến tương tàn 1861-1864, được an nghỉ cạnh nhau, thì thấy người cộng sản Việt Nam quả thật kém “Văn Hoá,” Nếu ta phải dùng danh từ của chính họ. Với thời gian, sự ngột ngạt buổi ban đầu đã lắng dịu đôi phần, ngày nay, thân nhân các tử sĩ đã có thể đến hương khói nơi mộ người thân hoặc di chuyển hài cốt họ về quê quán.

Việt kiều về nước cũng đã bắt đầu viếng thăm thánh địa Biên Hòa. Chốn này và bức tượng “Tiếc Thương” dù đã bị phá hủy, đã trở nên một biểu tượng cho sự tranh đấu sống còn của miền Nam. Hiện nay số mộ còn lại ước lượng khoảng 8,000 đến 10,000 trên con số 16,000 kiểm kê hồi tháng 4, 1975. Nghĩa trang này hiện bị bao quanh bởi nhiều gia cư do người dân xây cất bừa bãi. Vì thế không còn được nhìn thấy từ ngoài đường cái. Phía trong nghĩa trang là cảnh điêu tàn, cỏ dại mọc nhiều nơi, có một số ít mộ được trùng tu cạnh nhiều ngôi mộ hoang phế, với tấm bia nghiêng ngửa…

Gần đây tin chính phủ Hà Nội dự định giao cho nhà chức trách dân sự địa phương “quản lý” nghĩa trang Biên Hoà, đã làm cho dân chúng hoang mang. Trường hợp đau buồn có thể xẩy ra, là phía dân sự có thể “rộng tay” giải tỏa nơi này như nghĩa trang Mạc đĩnh Chi ở Saigon, hay Phú Cam ở Huế để thành lập khu kinh tế thương mại chẳng hạn. Ðược vậy nhà nước CS sẽ lợi đôi bề: Nghĩa trang nằm ngay sát Sài Gòn, với đà kinh tế đang lên, giá đất sẽ đắt như vàng để quý vị tư bản đỏ thao túng. Mặt khác sẽ xóa bỏ di tích cuối cùng của miền Nam tự do thua trận năm 1975.

Làm sao đây? Ai có thể làm áp lực để di tích lịch sử này được tồn tại? Ai sẽ quan tâm đến những chiến binh đang nằm tại đây, những người đã chiến đấu để “bảo vệ tiền đồn của thế giới tự do.” Ðiều mà họ đã được bao lần nhắc nhở trước khi nằm xuống? Mong thấy sớm có một cuộc động viên tinh thần, một sự hồi tỉnh danh dự để những liệt sĩ của chúng ta đừng chết một lần thứ hai.

Bác sĩ Hoàng Cơ Lân,
Nguyên Y sĩ trưởng sư đoàn Nhảy Dù, QLVNCH
(Bản dịch bài “La sentinelle des Morts au Cimetière militaire de Biên Hoà”
đăng trong báo của hội ANAI ngày 1 tháng 4, 2007, phát hành tại Paris)

Bác sĩ Hoàng Cơ Lân,
một đời mũ đỏ...

Tôi xin gửi kèm theo bài này một bức hình hết sức thú vị và tình cảm, hai ông cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa đứng bên nhau vào ngày tưởng niệm tại Paris. Ðại tá Trần Ðình Vỵ và Đại tá Hoàng Cơ Lân. Ông mũ đỏ, ông mũ xanh. Huy hiệu bằng dù và huy chương trên ngực áo. Niềm hãnh diện của tuổi hoa niên còn nguyên vẹn. Phía trời Tây, đã 8 năm qua, hai bác âm thầm thu xếp để hình thành một ngày tưởng niệm trở thành truyền thống. Nhớ về những người lính không còn nữa.
Đại tá Trần Đình Vỵ và Y sĩ Đại tá Hoàng Cơ Lân
Lễ Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong tại Pháp - IRCC
Tượng Tiếc Thương trước 1975 và lúc bị CSVN triệt hạ
Lời nói đầu

Xin gởi đến quý vị một bài viết về niên trưởng Y sĩ Đại tá Hoàng Cơ Lân do nhà văn Giao Chỉ trên tờ Viet Mercury. Một niềm hãnh diện của các Cựu Sinh Viên Quân Y và của Quân Y Nhẩy Dù.

Đặng Vũ Báy - QYHD Khóa 18 - Nguyên Y sĩ TĐ3ND
13/08/2010
Tài LiŒu
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
quany_nhaydu (800 x 846)
"Một Ngày Mũ Đỏ, Một Đời Mũ Đỏ"
Nhạc Phạm Gia Cổn
Thơ Hà Huyền Chi
Tiếng hát Quốc Anh
biaMD
Hình ảnh cho thấy cờ vàng ba sọc bay cạnh cờ tam tài, những chiếc nón kê pi viền vàng của tướng lãnh, những nón bọc vải trắng của lính lê dương. Và những người Việt lưu vong. Một lần nữa mầu sắc đưa anh em ta về thời quá khứ. Trước 75, tôi chưa có dịp làm quen ông bác sĩ mũ đỏ. Bây giờ, hơn 30 năm sau 75 mới có duyên văn tự qua đề tài chung sự và mộ chí, thực là quá muộn màng. Tôi hỏi thăm anh em ở Cali, ai cũng nói rằng ông là người mê quân đội hơn cả nghề thầy thuốc. Có người lại nói rằng ông Lân đi lính mũ đỏ trước khi vào trường quân y.

Ngày nay, người ta đem ông ra khỏi quê hương nhưng không ai có thể đưa ông ra khỏi nhẩy dù. Nhẩy dù Việt Nam đã tan hàng cố gắng, nhưng Đại tá Hoàng cơ Lân muôn đời vẫn là Y sĩ trưởng của sư đoàn mũ đỏ. Suốt bao nhiêu năm, tấm lòng hăng hái nhiệt thành của bác mũ đỏ không hề mỏi mệt.

Xin cho tôi gửi cái bắt tay đến bác mũ xanh Trần Ðình Vỵ. Ông đã từng tung hoành tại Việt Nam mà qua Pháp còn làm đến đại tá binh đoàn Lê Dương thì quả thực hết sức ngoạn mục.

Xin gửi tặng hai bác những lời tâm sự và một vần thơ mà 50 năm trước không hề nghĩ tới:

“Tuổi trẻ và danh vọng rồi cũng qua đi.
Ai rồi cũng chỉ còn lại một mình.
Khi ra đi lần cuối
Cũng chỉ có một mình."

Tất cả quý niên trưởng và chúng tôi ai cũng muốn sống lại cái thời đeo lon cấp Úy của tuổi hoa niên. Phải mà được làm lại từ đầu thì chúng ta sẽ làm biết bao nhiêu điều tử tế hơn, đẹp đẽ hơn, cho bản thân, cho chiến hữu và cho đất nước.

“Tuổi hoa niên, cùng mặc áo chinh y.
Lòng mở rộng, giữa dòng đời ấm áp.
Tám mươi năm, kiếp người như gió thoảng.
Chiều cô đơn về chậm, hồn cao niên.”

[GC-SJ]