Loading
Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Væn ChÜÖng Ngày Mai VŠ XÙ Lå
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010

- Mai mày về bển rồi.

Tiếng nói rơi vào khoảng không mênh mông vùng ngoại ô thành phố. Chiều nắng rát mặt. Tôi ngồi trên chiếc cầu làm bằng hai tấm ván thô bắt ngang khoảnh đìa nhỏ, bên dưới ngập một thảm rau xanh rì, rợn gió. Chị tôi ngồi bên, ống quần vén lên tới đùi, để lộ hai cẳng chân với bắp chuối tròn mập, gót chân sần sùi nẻ nứt, đây đó những đường gân xanh và những vết sẹo xuống đến hai bàn chân rửa chưa sạch bùn. Trời đã xế chiều, đám rau muống vừa được xáo vội trong nước đục ngầu dưới đìa và tụm thành bó nằm sắp lớp một bên bờ nước. Mùi nhựa rau mới cắt bốc lên hăng hăng mũi, trộn lẫn mùi nước bùn. Chị vuốt những sợi tóc mai lấm tấm mồ hôi trên thái dương, lập lại một lần nữa câu nói trống không:

- Mai mày về bển rồi. Mới vậy mà lẹ dữ.

Tôi lặng im. Dư vị những ngày nghỉ về ở với chị vẫn còn đậm nét trong đầu. Nhìn lại, ba tuần lễ qua đi như chớp. Hai chiếc va li đồ đã sẵn sàng cùng tôi trở về xứ lạnh. Tôi lảng sang chuyện khác, lập lại một câu mấy tuần nay tôi vẫn nói:

- Thấy chị hồi này sống thoải mái em cũng mừng.

- Tao từ hồi nào tới giờ vẫn thoải mái. Tới đâu hay tới đó. Chỉ biết lúc nào Trời còn thương thì tao còn sống, vậy thôi.

- Chị ăn nói lẩm cẩm như bà già.

- Chớ sao. Mày không thấy tóc tao bắt đầu bạc rồi hả?

Tôi nhìn sang bên, im lặng, như đồng ý với lời chị nói. Quả thực. Những sợi tóc lưa thưa khô xác hai bên màng tang đã bắt đầu chịu thua ông thần thời gian, đành phai dần màu đen tuổi trẻ. Tôi nói trỏng:

- Hay tại nắng. Sao chị không mang nón? Cháy tóc hết.

Chị ngồi im không trả lời, hai bàn chân đung đưa cọ vào nhau cho bụi đất rơi trở lại xuống đám rau muống lao xao. Tôi nhìn bóng hai chị em đổ dài xuống mặt đìa, dường như đâu đó có những con cá nhỏ đớp nước, sủi tăm thành từng vòng nhỏ chập chờn. Tôi hỏi:

- Sao hồi nào tới giờ đâu thấy chị nói có nuôi cá...

- Cá nào?

Tôi chỉ mấy tăm nước. Chị cười:

- Đâu phải cá. Bọt nước dưới sình đó. Rau mọc đặc nghẹt như vầy cá đâu còn chỗ mà lội. Gái ơi Gái! Ra sắp rau con, hồi sáng này chú Bảy nói chiều tới sớm lấy rau đặng tối chú còn đi đám giỗ bên ngoại nè.
Con Gái trong nhà chạy ra, lẹ làng xắn ống quần ì ọp lội xuống đám rau lềnh bềnh. Những vửng bùn bị khuấy đục ngầu, sủi bong bóng. Nó hỏi vói lên:

- Chú Bảy có nói chừng nào chú tới không dì? Sao hồi bữa qua con hổng nghe chú ấy nói kìa?

- Thì hồi mai này thằng Bé vừa qua nhắn với tao. Chị quay lại nói với tôi: ‘Cái thằng Bảy. Lo làm lụi hụi, ngày đám giỗ cũng quên tiêu luôn.’

Con Gái ở với chị, vừa coi nhà, đi chợ, nấu cơm, vừa phụ chị trong việc vớt rau, rửa rau. Con Gái, tên khai sinh của nó là Kim Chi, chị gặp một sáng đứng lơ ngơ trên bến xe đò, chiếc rổ đựng mấy xâu bánh ú còn nóng phỏng tay vừa bị một thằng đầu tém lạng xe Dream ngang qua xớt mất. “Đồ lưu manh ở đâu ấy. Xe Dream gì mà thèm mấy cái bánh ú. Nó muốn chọc con nhỏ thì có.” Chị nói với giọng tức tối, như muốn chia sự phẫn nộ. Thấy nó tội nghiệp, chị hỏi gia cảnh, rồi cùng nó xuống tuốt Long An, tới nhà xin cho nó được về ở với chị, vừa giúp công việc nhà, vừa để có người hủ hỉ. Có con Gái ở bên, chị không còn sợ những đêm trở gió nhức đầu không có người cạo. Hơn nữa, bữa cơm có hai người cũng bớt cô quạnh. Trong một lá thư gửi sang cho tôi, lúc kể về con Gái, chị đùa: Tao bây giờ sống như tiên. Có người làm, còn hơn thời xưa. Tôi về thăm chị, rớt vào cảnh tiên, duy Tiên nữ cùng nàng hầu triền miên rau muống ao nhà và cá đìa hàng xóm.



Chị đưa hai tay lên bóp be sườn, uốn lưng kêu lụp cụp. Hình ảnh một cô thư ký năm nào, tóc đen mượt dài đến ngang lưng dường như đã lùi xa vào một chốn nào đó trong ký ức. Nhìn sang chị, tôi chỉ tìm thấy một người đàn bà đang đi vào tuổi an phận. Chị đã qua khỏi tuổi bốn mươi một đỗi xa. Bốn mươi con gái xứ tôi kể như đã được xếp vào rương đồ cũ, chỉ chờ đóng nắp. Mười hai bến nước, long đong chẳng tấp được vào bến nào, còn nói gì trong với đục.

Ngày tôi về thăm, ngỡ ngàng khi theo chị về xóm. Xóm nhỏ, ít dịp đón khách từ xa đến. Chiếc xe tội nghiệp nhấp nhổm, bốn bánh cố tránh những ổ gà nhấp nhô trên đường đất vàng quạch. Đám con nít rồng rắn bu theo xem tôi từ ngoài đường cái vào tới trong nhà như đi xem hát hội. Lần đầu tiên tôi sống trong không khí vùng quê mà tưởng như mơ. Những kỷ niệm xưa trong gia đình, cùng cha mẹ và người chị đã mất hút theo căn nhà mấy năm trước đã sang cho người chủ mới. Từ cảnh sống ban ngày bon chen nơi xứ tạm dung, vật lộn với chồng phiếu xuất nhập để tối về nằm bẻ những ngón tay kêu lắc cắc và lo sợ nghĩ đến ngày hôm sau, bỗng dưng tôi bước vào những ngày thảnh thơi, chỉ có ba chuyện: ăn, chơi, và tán dóc. Thời gian dường như dài ra gấp mấy lần. Tôi hoàn toàn sống trong những cảm giác mới, mọi chuyện chung quanh như cùng một lúc ập vào đầy ngũ quan. Căn nhà mái tôn kêu răng rắc trong nắng trưa. Hai chiếc lu chứa nước mưa ngoài sân, ngó vào thấy lăng quăng trồi lên hụp xuống. Đìa rau muống cung cấp thức ăn mỗi ngày. Ngay cả ngôi mộ của má mấy tuần rồi tôi vẫn đi thăm, cũng còn rất mới và rất lạ với tôi. Có cũ chăng, chỉ là bầu trời đêm nhiệt đới đầy sao lấp lánh mà ở xứ người tôi không bao giờ thấy, bây giờ vừa tìm lại. Khác hơn mọi người, tôi trở về quê hương mà không tìm được những kỷ niệm xưa, trở về để chỉ thấy cảnh chưa bao giờ thấy, với những bộ mặt hàng xóm lạ hoắc lạ huơ. Ngay cả những vật dụng thân quen trong nhà, cùng chị tôi theo về địa chỉ mới, trong căn nhà vùng ngoại thành, cũng mang một bộ mặt của người lạ. Thật khó mà tưởng một người như chị tôi. Ngược dòng xã hội, chị chui rúc vào một xó như nữ tu dòng kín. Cho thắc mắc của tôi, chị chỉ đáp: “Ở đây rồi ai cũng thành đui điếc, hay thành sư cô nhu mì, nhà nước bảo sao răng rắc nghe vậy”. Có lẽ đúng. Ngay như tôi, chân ướt chân ráo trên phi cơ bước vào phòng làm thủ tục nhập cảnh, qua cửa hải quan, vừa nghe anh chàng mặc đồng phục màu cứt ngựa lèo nhèo rằng tờ khai vật dụng ‘không được rõ ràng’, tôi đã vội vã móc túi lấy tấm giấy năm đô mới toanh dúi vào tay anh ta, mặc dù trong va li, ngoài mớ đồ tùy thân, tôi chẳng có gì hơn mấy xấp vải hoa, ít hộp kẹo bánh và hai bộ quần áo mang theo làm quà cho người chị đã mấy năm không gặp. Lúc đó, tôi chợt hiểu ra rằng vì sao màu xanh cứt ngựa đã trở thành phổ thông trong quân đội khắp nơi trên thế giới. Có lẽ vì màu cứt ngựa tự nó đã toát ra một quyền uy khó giải thích. Mà quân đội lúc nào cũng tượng trưng cho quyền uy, cho dù có những đạo quân được gởi đi gọi là để duy trì hòa bình cho một vùng đất nào đó. Tôi mỉm cười với ý nghĩ vừa thoáng qua, khi so sánh quyền uy với một vật bẩn thỉu nhất.



Giờ đây, sau ba tuần lễ, lúc tôi bắt đầu quen với nhịp sống tĩnh lặng ở đây, đã cảm được những tối có muỗi vo ve trong mùng và tiếng nhái, tiếng dế ngoài đêm tù mù, nghĩ tới ngày mai trở về, nghỉ ba ngày, rồi lại chúi vào đống phiếu mỗi sáng nằm chình ình trên bàn làm việc, tôi ngán ngẩm. Chị tôi bỗng nói:

- Mày về nhớ cho tao gởi lời thăm thằng Thân. Ờ mà...

Câu nói vừa chợt buông ra bỗng tắc nửa chừng. Có lẽ chị vừa nhớ trực ra hoàn cảnh của tôi. Thân và tôi đã không còn là gì của nhau nữa. Lúc đón tôi ở phi trường lố nhố người, thấy tôi một mình đi ra, chị sửng sốt: “Thân đâu?”. Tôi ôm chị khóc nức, thú thật những điều vẫn giấu chị bấy lâu nay. Có những điều mình vẫn phải giấu nhau, tại sao thế nhỉ? Khi mẹ tôi mất, ba tháng sau tôi mới được tin của chị, kèm lời giãi bày: “Sợ cho mày hay rồi mày buồn”. Tôi đã âm thầm giận chị suốt mấy tháng ròng. Buồn trước hay buồn sau ba tháng có khác chi đâu. Nhưng sau đó không lâu, khi tôi và Thân chia tay nhau, bỗng dưng tôi cũng giấu bặt chị về sự tan vỡ đang làm tôi hụt hẫng. Có những chuyện giấu nhau đến giờ chót không phải để làm người đối diện ngạc nhiên. Có thể tôi sợ phải thú nhận sự bất lực của mình, như người ta vẫn sợ hãi và trốn tránh cái tôi trần trụi. Hay phải chăng tôi cũng muốn để cho chị cũng hiểu nỗi buồn phiền của tôi ra sao khi được lá thư chị gởi có kèm theo bản sao giấy khai tử của mẹ?

Khi biết tôi đã hoàn toàn dứt liên lạc với Thân, chị lặng người đi một thoáng, xong bảo tôi: “May mà chúng mày chưa có con với nhau.” May thật. May là chị không biết đứa con chúng tôi chưa kịp đặt tên, đúng ra là không muốn đặt tên, đã không được phép chào đời để thấy những xung đột giữa hai bên. Để khi đứa bé lớn lên không phải bị hai phe giành lấy, cố chứng minh phần phải về mình.

Bây giờ trong những ngày tôi về thăm, đôi lúc chị vẫn bất chợt nhắc tới Thân như một thói quen, như dòng chữ hỏi thăm vẫn viết vào đoạn cuối bức thư lâu dần chỉ còn như một tấm giấy báo cho người bên kia biết là mình vẫn còn sống, vẫn còn bình yên. Dường như cho đến hôm nay, đã mấy tuần qua rồi nhưng chị vẫn chưa thể chấp nhận một việc xảy ra mà chị không ngờ, và cũng ngoài tầm tưởng tượng. Thân, người đồng nghiệp của chị năm nào. Thân với giọng nói nhẹ, rụt rè, nhưng hay pha trò chọc hai chị em tôi. Thân hay đến nhà chơi, lúc đầu mượn cớ phải cùng chị tôi làm sổ sách thêm ở nhà, rồi chúng tôi thân nhau hơn, đã mấy lần bộ ba đi chơi, giỡn hớt nhau. Bất chợt Thân bỏ ra đi, trong làn sóng những người thấy quê hương không còn là nơi dung thân nữa. Tôi cũng ra đi sau đó không lâu, nhưng ra đi để cho ước nguyện của mẹ tôi được thành, là mong cô con gái cưng được rảnh chuyện áo cơm để lo việc xây dựng tương lai mình. Ba người chia ba nơi, nhưng những gì Thượng đế đã sắp đặt, bỗng dưng vẫn xảy tới không cần tìm kiếm. Trong lúc tôi đinh ninh đã đứt đoạn với Thân, như đã biệt tăm tin tức những đứa bạn còn ở lại, thì một lá thư chị tôi gởi sang hai năm sau buổi tôi đi đã kết nối tôi lại với Thân. Số Thân long đong, sau thời gian dài trên một hòn đảo có cái tên lạ hoắc, vừa được nhận định cư, và tình cờ đang ở cách tôi một khoảng không đủ xa để những người yêu nhau phải nản chí, thế rồi chúng tôi đã yêu nhau và cưới nhau vào mùa thu đầu tiên.

Rồi chúng tôi lại xa nhau, cũng vào một mùa thu. Tôi đã vứt hết những bài thơ tình mùa thu lời lẽ sáo mòn, có áo dài tím và lá vàng rơi mà tôi đã nắn nót chép đầy hai cuốn tập, vào sọt rác.

Bây giờ, nhìn lại quãng đời đã đi qua, tôi tự hỏi phải chăng mình đã quá vội vã? Lấy Thân dường như chỉ để giải quyết nỗi cô đơn của đời con gái trong một xã hội ai cũng thèm muốn kết thân với nhau nhưng lại không đủ can đảm và cũng không có hứng bước ra khỏi nhà mỗi buổi chiều trời sụp xuống kéo không khí lạnh về. Thuở đó tôi mướn phòng ở chung với con bạn. Phương nhỏ hơn tôi năm tuổi, tính tình lí lắc, hồn nhiên. Phương đi cùng chuyến tàu vượt biển, từ ngày đầu tiên tôi đã thầm cảm phục sự can đảm và gan dạ của cô gái một mình đi tìm tự do, và cũng do hoàn cảnh, chúng tôi thân nhau ngay, sau khi được ghép chung vào một căn phòng trong trại tiếp cư. Chúng tôi rời trại, cũng lại hai đứa chung nhau một nhà. Buổi sáng chúng tôi đi làm, không kịp chào nhau. Buổi tối về, lắm hôm mệt nhoài, để nguyên quần áo, bò ra giường ngủ, nửa đêm lò mò kéo nhau dậy mang bánh mì ra quẹt mứt quẹt bơ và ngó nhau ăn. Cuối tuần dắt nhau đi lượn cửa hàng, hay đi bơi, té nước đùa nhau chí choé. Thỉnh thoảng chuyền thư gia đình cho nhau xem. Cuộc sống thật đơn giản. Cả hai đứa đều không có bạn trai. Hoặc có chăng, chỉ là một vài hẹn hò vớ vẩn mà đoạn kết đã biết ngay từ đầu.

Một đêm đổi mùa, trời trở bão, gió lay giậu cây thông bên hông nhà vật vã và hú qua dãy mái nghe u u, giữa cơn mơ hồng tôi bỗng chợt thức giấc trong cảm giác căng cứng của cặp nhũ hoa và một bàn tay đang mân mê đầu núm nhột nhạt. Tôi gạt bàn tay ra, tốc mền ngồi phắt dậy, gai ốc nổi đầy sống lưng. Tưởng gì, hóa ra con ranh con giở chứng. Tôi gắt:

- Mày làm cái trò gì kỳ vậy?

Tiếng Phương nói như khóc:

- Thảo ơi, tao cô đơn quá Thảo ơi!

Tôi không dám bật đèn, sợ phải nhìn khuôn mặt bẽn lẽn của nó. Nằm vật xuống, tôi kéo mền lên cổ, mò tìm bàn tay nó, bàn tay có những ngón dài và ẩm mồ hôi, bóp nhẹ. Tôi an ủi:

- Thôi ngủ đi.

Phương không nói gì thêm, nhưng tôi đoan chắc tôi nghe được cả những cái chớp mắt của con nhỏ, cả giọt nước mắt rơi xuống gối.

Tôi nằm ngửa ra, lót hai tay xuống đầu, nhìn lên trần nhà, nghe gió vặn khung cửa kêu răng rắc. Tôi chợt hiểu ra. Chúng tôi tuy có nhau đấy nhưng cũng có nhiều lúc như không. Có những điều tôi không thể chia xẻ với cô bạn cùng chung phòng và tôi biết Phương cũng có những suy tư không thể nào tỏ lộ với tôi hay với đám bạn của nó. Có ai ngờ trong tận cùng tâm hồn của một con nhỏ lí lắc, hồn nhiên lại có những thầm kín phức tạp như thế! Lúc ấy, tôi bắt đầu biết sợ và tự nghĩ biết đâu chừng sẽ có một ngày mình chắc cũng phát điên và làm trò nỡm như con nhỏ Phương vừa làm với tôi. Thời may, Thân đến đúng lúc tôi đang bềnh bồng trong những ưu tư của đời con gái nở hoa đang mòn mỏi chờ những hạt phấn bay vào. Đám cưới tổ chức sau đó không lâu. Đơn giản. Sau khi lấy Thân, nhiều đêm co người nằm ôm chồng, như phản xạ, trong đầu tôi lại hiện ra hình ảnh đêm đó. Phương xoay người lại, len lén kéo chiếc gối trên đầu xuống, co chân ôm vào lòng cố dỗ giấc ngủ đến nặng nhọc. Mặc dù ngày hôm sau hai đứa lại giỡn với nhau, như quên hết những gì vừa xảy ra vài giờ trước đó, lại kéo nhau đi lượn cửa hàng, và tôi cũng không hỏi gì thêm, nhưng hình ảnh khoảng lưng trần của Phương quay về phía tôi, dưới chiếc áo ngủ xộc xệch, cứ ám ảnh tôi hoài. Hôm chia tay về địa chỉ mới, Phương ôm chặt tôi, chúc tôi hạnh phúc. Mắt nó đỏ hoe. Tôi chẳng có gì chúc lại ngoài lời chúc may mắn. Bây giờ Phương vẫn ở một mình. Hàng đêm chắc nó vẫn còn nằm ôm chiếc gối trong chăn... Chắc lại khóc thầm. Không biết nữa.

                                    
Còn tôi, lời chúc hạnh phúc của Phương dành cho cũng đã bay đi mất. Thân có thể dịu dàng, chiều chuộng tôi, ban ngày cũng như ban đêm, nhưng mang một tính người nữ nào cũng khó ưa. Thân chi ly bần tiện. Khi khám phá điều này, tôi có cảm tưởng những chiều chuộng Thân dành cho tôi đều là giả dối. Nhìn những món quà Thân thỉnh thoảng mua tặng, tôi không thể ngăn nổi ý nghĩ là Thân đã suy tính rất nhiều trước khi đi đến quyết định. Hoặc giả đó chỉ là những lời xin lỗi ngầm, một hối hận không hơn mười phút sau mỗi lần phạm điều răn thứ bảy. Bởi nếu Thân chỉ có tật xấu là chi ly với tôi thì có lẽ tôi đã cố nhịn, với an ủi dù sao cũng có người chồng biết lo liệu tài chánh cho gia đình, dù cái lo có hơi khe khắt một chút. Tôi đã mấy năm như con ngựa sút chuồng, muốn kéo về tàu bắt ăn món cỏ khô khốc lạt lẽo cũng cần phải có thời gian. Nhưng sau tôi bỗng khám phá ra, cũng tình cờ do mấy đứa mách lẻo, rằng Thân gian díu với một vài cô bạn của chúng. Trong tứ đổ tường, sách giáo khoa dạy rượu chè và thuốc sái là hai thứ tồi bại nhất, nhưng tôi không tin. Tôi chỉ thấy đám bạn trai tán gia bại sản vì casino. Còn riêng phái nữ chúng tôi kỵ nhất là thói trăng hoa của chồng. Tôi hỏi. Thân chối. Nhưng những mối tình hờ của Thân dần dà không thể che dấu được, một khi tôi đã cố tình theo dõi. Tôi làm dữ, hạch đến nơi đến chốn. Lúc đó Thân mới chịu. Lời thú nhận mang một giãi bày:

- Ừ thì anh có này kia với mấy cô ấy nhưng đó chỉ là qua đường thôi mà.

Tôi hực lên. Làm dữ. Thân trả lại. Đã chửi bới. Đã lăn xả vào nhau. Lúc ấy tôi mới biết trong người đàn ông còn có con quỷ dữ ẩn mình. Căn nhà trở thành địa ngục khi quỷ hiện hình. Lúc tỉnh lại chỉ còn hai con người ê chề, trơ trẽn đang nhìn vết sẹo của mình và của người đang thấm vào hồn đau rát.

Qua đường. Qua đường. Tôi không nghĩ Thân có một bộ mã đủ để quyến rũ người khác phái leo lên những chiếc giường nhơ nhớp mà không có một sự đổi chác nào khác. Là đàn bà, tôi biết tên đàn ông chẳng làm được trò trống gì khi chiếc túi lép kẹp. Như vậy có nghĩa là những con đàn bà khốn nạn kia hẳn đang phởn phê với những món quà Thân mua tặng. Thân đã giả dối với tôi. Nếu Thân cũng giả dối với mấy con lăng nhăng đĩ thõa đó thì lũ chúng nó cũng đồng một số phận với tôi. Còn nếu Thân thành thật với chúng? Tôi không dám nghĩ thêm, vì sợ những điều nghĩ thêm sẽ làm máu tôi sôi lên mất. Bây giờ, trong đầu tôi vẫn nhiều khi còn lẩn vẩn câu hỏi: “Nếu mà Thân chiều chuộng, rộng lượng hơn với tôi, sự thể sẽ ra sao? Có thể tôi sẽ dễ dàng chấp nhận những lần bí mật xé rào, và trở về ấp úng không giải thích được sự hờ hững khi nằm cạnh vợ, trong chăn lẩn quẩn mùi nước hoa lạ?...” Câu hỏi sẽ không có câu trả lời, khi tôi không phải là vật đổi chác để lấy những món quà Thân tặng. Tôi phải có một điểm gì hơn những đối thủ chứ, ngoài tờ giá thú không có mấy giá trị trong xứ này. Có lúc tôi đã cố nghĩ rằng mình cao thượng, có lòng tha thứ. Nhưng chính những lúc đó tôi biết rằng khi tự cho mình cao thượng, tôi đã vô tình hạ Thân xuống trong nấc thang đo con người. Khinh rẻ nhau là con rắn độc giết tình yêu. Hơn nữa, trong tận cùng, tôi dường như vẫn nghe đâu đó lời của lòng: “Cho đáng đời. Mày chỉ lấy chồng để lấp cô đơn ban đêm thôi.”

                 
Không khí gia đình đã bắt đầu trôi nổi giữa trần gian và địa ngục, không có lối thoát. Cho đến một hôm, sau khi nghe Thân mớ trong đêm và gọi tên một cô gái tên Thúy, hôm sau tôi đã đặt thẳng yêu sách với Thân. Thân phải chọn tôi hay chọn những mối tình hờ qua đường. Thân không nói gì, chẳng phân giải, lặng lẽ thu đồ vào trong chiếc túi thể thao, đi biệt hai ngày mới về. Như một cách trả lời gián tiếp. Tôi ôm gối vào phòng riêng, khóa cửa lại, mặc những lời năn nỉ tôi đã thuộc nằm lòng. Một tháng sau, tôi biết mình đã cấn thai. Nhưng thủ tục ly dị với sự đồng ý của cả hai người đã đi được hơn nửa phần đường. Cây cung tôi đã căng giây, không còn tháo trở lại được nữa. Một quyết định sai lầm ngày hôm nay thường đưa tới một quyết định sai lầm khác cho ngày mai, chỉ vì người ta khó thể tự cho mình lầm lẫn, hoặc tự phủ nhận mình.

Hôm chúng tôi thực sự chia tay, tôi còn nhớ vào một ngày thứ bảy, trời nắng. Thân đến lúc tôi đang loay hoay dọn phần đồ của mình để về căn nhà trọ mới, vừa túi tiền. Vẫn điệu bộ lúng ta lúng túng. Chiếc xe Van cót két hạ bửng xuống, tiếng khóa cửa mở lách cách. Tôi làm ra vẻ thản nhiên, lặng lẽ xếp đồ từ tủ bếp vào mấy chiếc thùng carton lượm ngoài siêu thị. Tuy thế, tôi vẫn biết, vẫn nghe, vẫn cảm nhận những gì đang xảy ra quanh mình. Thân nói trống không: “Anh tới mang đồ đi”. Tôi im lặng. Tuồng như có một bức tường vô hình chắn đôi gian phòng khách nhỏ. Thân đi ra đi vào, không lời trao đổi, như người máy, mang ra xe những thùng sách, chồng đĩa hát để chung với chiếc máy nhạc, một thùng nhỏ đựng mấy cái đĩa và dao nĩa kêu leng keng, hai cái ghế, một chiếc bàn nhỏ mặt bàn bị nứt một hôm chúng tôi gây gổ và Thân đã dằn mạnh nắm tay lên đó khi tôi đứng dậy bỏ đi. Những thứ đó giờ đang từ giã tôi không một lời nhắn nhủ. Gian phòng khách đã gần trống trơn. Còn một thùng đồ cuối cùng, ló lên hai cái khung hình. Hôm thu dọn đồ, Thân đã gỡ hai tấm hình ra đưa cho tôi và tôi đã lẳng lặng, một cách hơi tàn nhẫn, vò nát cả hai và đút vào thùng rác. Còn một thùng đồ cuối. Thùng đồ cuối cùng. Và sau đó là chấm dứt. Thân sắp đi, đi khỏi không gian này. Nhưng đến bao giờ Thân mới đi khỏi ký ức tôi đây? Thân chợt bỏ thùng đồ xuống, bước lại gần. Tôi nghe tiếng chân đi lần đến, rụt rè. Thân đặt lên bàn bếp hai chiếc chìa khóa cửa, và nói nhỏ:

- Thôi anh đi.

Đáng lẽ tôi đã òa lên khóc khi nghe những lời cuối ấy. Tôi biết chẳng bao giờ tôi nghe lại cái giọng rụt rè, nhẹ như gió ấy một lần nữa. Tôi cũng sẽ chẳng thèm nghe, mặc dù biết rằng đôi khi mình vẫn nhớ. Cho dù đến mấy chục năm sau. Nhưng hình ảnh những ngày cấu chí nhau bỗng ùa về làm tôi nóng bừng mặt. Tôi thốt ra một câu không cần suy nghĩ:

- Thôi từ giờ anh tự do rồi, anh muốn theo con đĩ Thúy ấy thì anh cứ tự nhiên. Đừng quấy rầy tôi nữa.

- Em biết Thúy là ai không mà nói vậy?

Tôi bĩu môi:

- Là ai tôi không cần biết. Cái thứ cướp chồng người...

- Thúy là chị Thúy của em.

Tôi bỗng quỵ xuống, lỗ tai lùng bùng. Lúc tôi tỉnh dậy thì Thân đã đi mất, bỏ lại tôi bèo nhèo trong chiếc ghế bành kê một góc căn phòng khách trống không, một tấm mền đắp lên người vừa tuột xuống đùi. Thân bỏ đi, từ đó tôi không còn gặp, và cũng không bao giờ muốn gặp Thân để lại rùng mình nghĩ đến những phút cuối cùng ấy. Hôm từ biệt chúng tôi đã không hôn nhau. Thật còn tệ hơn những lần tôi phải hôn xã giao giã biệt những người khách trong buổi tiệc mà tôi biết chắc chẳng bao giờ còn gặp lại.


Có lẽ vì thế tôi đã giấu không cho chị tôi biết những gì đã xảy ra giữa chúng tôi. Mỗi lần nghĩ đến, tôi không cản được hình ảnh Thân đã cùng chị chết mệt với nhau. Có thể lắm chứ. Trong sự ghen tuông, thật không có gì khác biệt giữa người thân và kẻ lạ. Tôi buột miệng:

- Chị vẫn còn yêu anh Thân à?

Tôi thấy mắt chị bỗng thoáng mờ đi. Chị chối:

- Bậy nà. Tao với thằng Thân đâu có cái gì nào.

- Vậy là chị hạnh phúc lắm đó. Thân ngủ mớ mà cũng gọi tên chị nữa.

- Sao? Chị thảng thốt. Mày đừng có chọc cái thân già này.

- Thiệt đó. Em mà nói dóc thì...

Thấy vẻ mặt của tôi, chị biết tôi không nói đùa:

- Bộ mày ghen hả?

- Em đâu có biết.

Tôi bắt đầu kể lại về những ngày cuối cùng của chúng tôi. Chị lặng im ngồi nghe. Rồi kết luận:

- Thôi thế cũng xong.

Câu nói chẳng ăn nhập vào đâu. Hai chị em lại ngồi nhìn ra trời nắng và nhìn xuống đìa nước màu xanh rêu tìm những con cá tưởng tượng. Tôi nói:

- Em xin lỗi chị.

Sự thực, tôi cũng chẳng biết tôi có lỗi gì. Lỗi của tôi, nếu có, chỉ là đã không giữ được yên lành trong gia đình như chị tôi vẫn hằng mong. Chị tôi nói nhỏ:

- Lỗi gì. Cũng tại trời xui.

- Sao chị với Thân lại chia tay nhau vậy? Tôi bỗng bật ra câu hỏi tò mò vẫn chôn trong đầu, mà quên đi cái giận của kẻ ăn thừa.

- Mày còn nhớ hôm Thân đi không?

- Lâu quá rồi em cũng chẳng còn nhớ nổi nữa. Sao chị?

- Thân nói đi thoát được sẽ bảo lãnh tao sang bên ấy. Mà trong nhà thì chỉ có tao với mày. Tao đi thì má sống với ai?

Tôi định nói: “Thì má sống với em.” Nhưng tôi nhớ trực ra hoàn cảnh gia đình hồi đó. Chẳng lẽ tôi lại bỏ học, lao ra kiếm sống, nuôi bà mẹ với chứng bịnh suyễn kinh niên? Một chọn lựa nan giải. Ngay cả trong những ngày tháng đó, khi lớp học chỉ còn những buổi cả thầy và trò chán ngắt trong những cuộc lên gân qua bài học chính trị nhồi sọ. Nhưng những đứa ngu dại như tôi vẫn bám trường, bám lớp, chỉ vì run sợ trước cảnh tranh sống không tình người đang xảy ra hàng ngày. Như thế, có thể nào tôi chịu nhào ra đời để cho chị tôi đi dung dăng dung dẻ với anh chàng Thân bên một xứ nào đó? Chắc là không? Chỉ trừ phi ba má tôi ra lịnh. Hay trừ phi tôi là bà nữ thánh đầy lòng từ bi.
Quyết định ở lại của chị tôi thực ra cũng là một nước cờ. Tôi đi thoát, thì chị tôi cũng có thể đoàn tụ với Thân, nếu cơ hội đến. Và rồi mẹ tôi sẽ có thể sống nhờ vào sự giúp đỡ của hai chị em tôi nơi xứ người. Nhưng cả chị lẫn tôi đều quên mất một yếu tố. Mẹ tôi với những cơn suyễn. Thời gian qua nhanh, mang theo cả sức khoẻ về cõi hư vô. Từ ngày mẹ tôi trở bệnh lần cuối, chị không dám rời căn nhà nửa ngày. Có những yếu tố xem ra rất nhỏ nhặt, nhưng chính chúng đã quyết định mọi việc thay cho con người. Chị tôi đã không thể chờ. Thân cũng không thể chờ. Chờ và mong đợi trong trường hợp chị tôi nhiều khi đồng nghĩa với bất hiếu.

Trong chớp mắt, cả quãng đời quá khứ chợt quay trở lại. Tôi như người ngoại cuộc xem lại cuộn phim do mình đóng. Tôi hiểu những điều trước đây không nghiệm ra, nhưng thật sự có nghiệm ra, tôi cũng không thể nào xoay lại được. Từ chối Thân ư? Tôi sẽ chọn ai trong hàng ngàn, hàng chục ngàn con người đã tự chôn quá khứ của mình, đã cố quét lên dĩ vãng của mình một lớp sơn tự chọn. Chuyến vượt biên đối với nhiều người quả thực đã đưa đến kết quả bằng trăm lần lời xưng tội trong nhà thờ.

Chị ngậm ngùi bảo:

- Tao đâu ngờ chúng mày lại ra như thế.

Tôi cười gượng trả lời chị, bằng một giọng rất lạ:

- Chứ chị nghĩ nếu chị lấy anh Thân thì sẽ không có chuyện ấy xảy ra sao?
Chị tôi ngồi lặng. Hẳn chị cũng đã nhiều lần tự đặt câu hỏi ấy và có lẽ chị vẫn còn đang tìm câu trả lời.

Buổi tối cuối cùng. Chúng tôi lặng lẽ ăn cơm quanh chiếc bàn tròn. Đĩa rau muống luộc, mấy khứa cá lóc chiên và chiếc đầu cá nấu canh chua thơm. Buổi trưa con Gái vừa đạp xe lên chợ mua thêm một gói thịt quay. Tôi hỏi con Gái mai này tôi đi nó có nhớ tôi không. Nó toét miệng cười, không nói. Hình như câu hỏi quá khó với nó. Có lẽ trong cuộc đời nó chưa biết nhớ là gì. Cho tới giờ, tôi chỉ thấy nó quanh quẩn trong xóm, chơi đánh đũa với mấy con nhỏ cùng tuổi mỗi khi xong việc, hay loay hoay với hộp đồ trang sức có mấy cây son và phấn nụ rẻ tiền, cuối tháng ôm bọc quần áo cùng túi quà Sài Gòn trở về xóm nhà cũ dưới Long An. Chị tôi lột bưởi, ân cần đưa cho tôi. “Bưởi ổi trên Biên Hòa đó mày biết không. Ngọt lắm. Ăn đi rồi qua bên đó đừng có nhớ”. Tôi lua vội tô cơm cuối. Con Gái thu chén, chị tôi giăng mùng sẵn cho tôi, cẩn thận tấn mùng xuống chiếu như ngày xưa mẹ tôi vẫn làm. Lần thứ hai kể từ khi tôi về chị giăng mùng cho tôi. Chẳng biết đến bao giờ chị sẽ giăng cho tôi lần nữa?

Đêm đã xuống. Cái nóng ban ngày còn lảng vảng. Tôi nghe tiếng một con thằn lằn tắc lưỡi trên rui nhà. Tiếng loạt soạt của hai con chuột đuổi bắt nhau. Tôi ước mình cũng được sống vô tư như chúng, như con Gái hiện giờ, như tôi những ngày cuối nơi căn nhà thân yêu giờ không còn nữa. Tôi trở mình. Trên chiếc võng mắc ngang cửa sổ, chị tôi hỏi với sang: “Mày chưa ngủ hả?” Tôi thoái thác:

- Nghĩ tới lúc phải đi làm lại sao em ngán quá.

- Hay mày về ở với tao. Có chị có em với nhau. Tao đủ sức nuôi mày mà.

Tôi vẫn tiếp tục nhìn lên nóc mùng. Mình sẽ không thể thay chỗ con Gái, tôi nhủ thầm, mặc dù tôi đang thèm cuộc sống đơn giản, vô tư của nó hiện nay. Tôi đã không còn có thể vô tư trở lại như ngày xưa. Ngày mai tôi về rồi. Chị tôi muốn gởi gì theo? Có thể, rất có thể chị đã mua sẵn cho Thân một món quà gì đó, hiện đang cất kỹ trong một ngăn tủ chỉ có chị biết. Khi tôi đi rồi, chị sẽ thỉnh thoảng mở ngăn tủ ra rờ rẫm món đồ đã mua không bao giờ có dịp gửi. Hay chị chỉ muốn gửi một lời hỏi thăm? Lời hỏi thăm tôi cũng không thể mang theo. Hay là chị sẽ cố chờ? Chờ trong vô vọng một ngày Thân tự dưng nhớ ra còn một góc tim gởi lại ở quê nhà. Nhưng nếu chuyện này xảy ra, chị sẽ phải chọn lựa nữa. Giữa tôi và Thân, lúc đó chị sẽ chọn ai đây?

Nguyễn Hiền
Woman with book - Picasso

Woman with book - Picasso

Ngày Mai Về Xứ Lạ
Audio Version do Hồng Vân đọc trên VOA