Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
TÔN KÀN
Đầu thập niên 60, đời sống ở Saigon tương đối an nhàn, sinh viên lè phè ngày đi học, chiều và ngày nghỉ đi bát phố, tối nếu có tiền thì la cà Brodard hay Givral. Rủng rỉnh hơn thì vô Baccarat nghe cậu Jo hát Aline, ôm đào lả lướt xì-lô hay biểu diễn be-bop theo nhạc điệu Rock "around the clock." Đi boum mà nhảy be-bop với đào Tường Tuyết hay Mai Đen thì được coi là hết sẩy!
Đến năm 63 thì tình hình chính trị bắt đầu thối hoăng, đảo chánh chỉnh lý từ đó loạn cào cào, sinh viên tuyệt thực biểu tình xuống đường rầm rầm.
Song song với những biến cố chính trị, tình hình chiến sự cùng bắt đầu nổ bùng lên như lửa gặp rơm, quân đội Huê Kỳ đổ bộ vào Việt Nam ào ào,nền kinh tế trở nên xáo trộn, các thanh niên nhớn nhác kiếm chỗ trú thân.
Trường Y khoa Saigon hồi đó là một biệt thự lớn tọa lạc tại đường Trần Quý Cáp (Testard). Sinh viên Dân Y và Quân Y đều học chung tại đây. Thời đó sinh viên Quân Y đi học mặc thường phục, ít có anh nào ăn diện đồ nhà binh ra đường.
Nổi bật trong đám sinh viên dân y thời đó là anh Nguyễn Vô Kỷ.
Giống như tên của anh, me xừ Kỷ này là một thanh niên phóng khoáng, không thích bị ràng buộc bởi những luật lệ lỉnh kỉnh phiền hà. Thỉnh thoảng anh cạo đầu trọc lóc như sư cụ, lại để tí ria mép, làm các vị Thầy Cô bảo thủ nhức mắt khó chịu. Thế nhưng anh rất nhiều tài, đàn giỏi hát hay, nói giễu rất có duyên nên hay chọc cười thiên hạ. Những party bùm có anh thật là vui nhộn, anh thường được anh em bắt hát bài Mexico, Mexico, giọng điệu không khác gì ca sĩ Cao Thái, vĩ cầm anh kéo mê ly thống thiết,các bà các cô khoái tít thò lò!
Kỷ thuộc gia đình cự phú, nhưng anh rất bình dân, không thích ngồi những nhà hàng mắc tiền, không có đào ca sĩ ca nhe, ăn mặc xuề xòa, thích ngồi quán cóc uống cà phê bí tất, lê la ăn hủ tiếu cơm tấm lề đường. Kỷ rủ tôi về ở chung trên gác thượng của một biệt thự khổng lồ nằm trên đường Công Lý vì anh nghe đồn tôi học thi đâu đậu đó, muốn bắt chước cách học của tôi.
Nhà đầy đủ tiện nghi, máy lạnh chạy ào ào, cơm bưng nước rót. Tiếc thay, kỳ thứ tư năm thứ hai, anh thi rớt nên bị loại ra khỏi Trường Y.
Kỷ bàn với tôi trốn đi Pháp.Đi du học ở Tây là giấc mộng vàng của phần đông trai trẻ thời đó, ít người thích đi Mỹ, vì đang bị ảnh hưởng nặng của J.P. Sartre, Albert Camus, khoái xem phim Brigitte Bardot, Alain Delon, Jean Paul Belmondo, mê giọng hát của Charles Aznavour, Dalida... Thiên Đường là ngồi uống cà phê ở Les Deux Magots, đi nhẩy đầm dưới các hầm ở Rive Gauche.
Thế nhưng tôi còn bà mẹ già. Tôi đưa Kỷ trốn qua Cao Mên theo ngả Chợ Trời Gò Dầu Hạ, rồi quay trở về Saigon.
Sau này tôi được biết Kỷ bị ngồi tù ở Nam Vang 5 năm, chạy chọt mãi mới thoát qua Paris. Kỷ vừa đi làm vừa đi học Triết ở Sorbonne, lấy được bằng Cử Nhân rồi đi dạy học.
Mùa Hè Đỏ Lửa năm 72, tôi lại gặp Kỷ ở Saigon! Anh chàng trở về để dạy Triết ở Đại Học Vạn Hạnh.
Sau 75, Kỷ bị kẹt lại ở Saigon, ăn cơm Việt Cộng mờ mắt, mãi đến 1982 mới thoát được qua Paris. Lúc này, Kỷ đã sa sút nên phải đi làm lao động để sinh nhai. Tuy vậy, anh vẫn hăng hái tham gia chống chế độ Cộng Sản ở quê nhà. Kỷ và tôi có bắt lại được liên lạc với nhau, tôi có qua thăm Kỷ, Kỷ cũng qua thăm tôi, anh mướn một chiếc xe cùng vợ chạy từ Montreal qua tớí Cali, lên Vancouver rồi lái trở về Montreal. Dọc đường bạ đâu ngủ đấy, thỏa được cái tính ngang tàng thích giang hồ vặt của anh!
Đến 2008, tôi được tin anh bị bạo bệnh. Tôi hẹn sẽ thu xếp để gặp anh tháng7, lặn lội kiếm được nhà anh ở ngoại ô Paris, hai đứa lặng lẽ ôm nhau, vợ con anh âm thầm đứng vây quanh.
Hôm sau, đang ở Amsterdam thì chị Kỷ báo tin cho biết anh đã lìa đời. Tôi có linh tính như anh chờ gặp tôi rồi mới vĩnh viễn ra đi.
Thương thay cho một người bạn đa tài mà mệnh yểu .
x
x x
Trong thập niên 60, Sinh viên Quân Y sống trong doanh trại thanh Ô MA, nằm tại góc đường Trần Bình Trọng và Lý Thái Tổ. Trại là một "caserne" cũ, cũng khá đầy đủ tiện nghi,rộng rãi và yên tĩnh. Chỉ Huy Trưởng QY và Chủ Trại là Trung Tá Nguyễn Hữu Thư. Tôi chơi với Bình, con trai Trung Tá Thư, mất liên lạc sau khi Bình đi Pháp du học.
Trung Tá Thư cũng có mấy cô con gái khá xinh xắn, tôi cũng ngấp nghé nhưng không dám thả lời ong bướm vì ngán xếp lớn!
Sinh viên được chia phòng nhỏ 2 người, phòng lớn từ 4 đến 6 người,mỗi đứa một giường sắt có nệm. Tôi thỉnh thoảng mới ghé vào đây ngủ sau một đêm du hí mút mùa, cho nên chẳng nhớ mình ở chung với anh chàng nào.
Chỉ nhớ loáng thoáng cách 2 phòng có Hồ Trí Dõng và Sơn Bột hay Sơn Đĩ (vì lúc nào cũng xức nước hoa thơm nồng nặc). Hai trự này nay đã ra người thiên cổ.
Phòng ngay kế bên là phòng anh Hà Thúc Nhơn, không nhớ ở chung với ai. Lâu lâu tôi mới gặp anh Nhơn, anh trên tôi 2 hoặc 3 lớp. Anh dáng người mảnh khảnh nhưng cao ráo, diễn xuất lầm lì không chào hỏi chuyện trò với ai bao giờ.
__._,_.___
Anh và tôi đôi khi đụng đầu nhau trong hàng lang thì tỉnh bơ coi như pha.
Thế nhưng có một hôm anh đã làm một việc khiến tôi mến phục anh đời đời. Số là ở loanh quanh đó có một chàng tên Mẫn. Chàng này cũng qua đời đã lâu. Chàng ta thuộc Hạ sĩ quan Không Quân được biệt phái qua Quân Y. Chàng người to lớn lềnh kềnh, đi chiếc Lambretta. Một hôm không biết sao tôi quẹt phải xe anh ta, thế là anh hùng hổ la lối đòi xông vào đánh tôi. May thay lúc đó anh Nhơn đứng gần đó, anh nhảy ra trước mặt anh Mẫn quát lớn:
-Mầy to con hơn nó sao lại ăn hiếp nó? Có giỏi thì chơi với tao!
Thấy anh chàng Mẫn líu ríu rút lui, anh dằn mặt thêm:
-Tao cấm mày đụng tới nó! Xe hư thì sửa, tốn kém bao nhiêu tao chịu!
Rồi không đợi tôi cám ơn, anh nhảy lên xe dông tuốt.
Sau này khi nghe tin anh gặp nạn, chết tức tưởi, tôi nghi với tính tình ngang tàng hào sảng của anh, anh đã bị đám ma đầu tham nhũng thông đồng ám hại.
“On dit que les meilleurs s'en vont.”
x
x x
Viết về mấy tên ngổ ngáo mà không đươc pha chè mặn thì vô duyên. Vậy xin lỗi mấy bà mấy cô cho mỗ được phép đi vài đường nham nhở.
Quân Y Rằn Ri có nhiều nhân vật quỷ quái nhất. Tỉ như về Lính Thủy Đánh Bộ thì có Trần Hùng Hải tự Hải Mù, can tội cận lõ đít. Một hôm đang ngồi học có thằng bạn ghé qua phòng cười toe toét báo cáo rằng:
-Tao vừa đi qua nhà vệ sinh, nghe thấy ĐÉT một tiếng. Chạy vào thấy cậu Hải đang đứng tè, trên tường có con dán chết nát bét! Cậu đã dùng của quý đập chết dán!
Chỉ có Chị Hải mới biết hư thực truyện này.
Bên Dù thì có Trần Lâm Cao. Anh này bị thương, tay bị bắn nát. Không di tản, ở lại Nha Trang, đang diện bích vì người yêu mới mất.
Hồi đi học Quân sự ở Thủ Đức, hắn và tôi bị nhốt tù liên miên vì trốn đi bãi, ở Câu lạc Bộ uống la de lạnh với sữa đặc.
Có đứa báo với tôi:
-Thằng Cao đi cầu ngoài bãi luôn luôn phải mang theo cái trạc.
-Ủa, làm chi dzậy?
-Dựng trạc lên để vắt của quý, nếu không nó lòng thòng chạm đất!"
Bên Biệt Động thì có anh Ngô Vi Dương. Anh làm tới Quan 5 lận! Người ta học 7 năm, chứ anh Dương học tới 15 năm mới ra trường, chỉ vì can tội mê mạt chược. Khi anh đậu Bác Sĩ thì bạn anh đều làm Tướng cả! Gặp anh dưới Cần Thơ, đi xe Jeep có cần câu, cận vệ đeo AK hộ tống ông thầy, trông mà khiếp! Bạn bè có tặng 2 câu thơ:
Làng ta có anh Ngô Vi
Dương v… to quá các dì chết mê!
TQLC còn có cậu Trần Xuân Dũng, hiện đang cư ngụ tại Melbourne, Úc.
Dũng là tác giả tập thơ SÓNG THẦN và của CHIẾN SỬ QUÂN Y và THỦY QUÂN LỤC CHIẾN.
Hồi còn Sinh Viên, cậu đã làm hai câu thơ bất hủ, anh em đọc đều lăn ra cười:
"Đà Lạt sương mù vây phủ quanh
Có nàng thiếu nữ ngứa vagin !"
Phải là dân Trường Thuốc mới thở ra thơ nặng mùi cơ thể học như vậy!
x
x x
Bên Dù tụ tập khá đông những nhân vật ngổ ngáo, không phải người phàm.
Chẳng hạn như Tính Điên. Biệt hiệu là điên thì phải khiếp đảm lắm. Tôi không chơi thân với anh chàng này, chỉ nhớ mang máng là một trự to con, nói năng ông ổng như lệnh vỡ.
Tôi nhớ có đi tập bắn với cha nội này,anh em nhìn anh ta quơ khẩu Garant thấy mà ớn quá, mạnh thằng nào thằng nấy lánh xa, chỉ sợ ông ấy nổ cò bậy thì bỏ mẹ! Khi ra trường ông ấy về Nhẩy Dù, sau lên tới Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn QY Sư Đoàn 7.
Tôi nhớ có chịu ơn anh chàng này một lần. Số là hồi đó tôi có ông anh vợ làm Đại Đội Trưởng Đại Đội Thám Sát, đi hành quân mút mùa lệ thủy nhưng sắp lấy vợ. Anh ngỏ ý sau đám cưới muốn ở lại hậu cứ ít lâu để hú hí. Tôi nhờ người lên nói với Tính Điên cấp cho ông giấy phép nghỉ duỡng bệnh một tháng. Tính có nhắn về:
-Ai nhờ thì không biết, chứ cậu Khánh chửi nhờ thì moa sẵn sàng giúp!
Ông anh vợ được toại nguyện, tôi có điểm tốt với đấng bề trên, nhưng chưa có dịp đền đáp cậu Tính. Nghe đâu cậu đóng đô ở Texas. Điên mà ở Texas là đúng chỉ số. Mong có ngày gặp cậu mời cậu một ly rượu ngon để đáp ân tình năm xưa.
Người ngổ ngáo đáng thương nhất là Thường Fakir.
Ốm nhom ốm nhách, pignet xấu mà lại nhập Nhẩy Dù. Cả làng nghe tin cười hô hố:
-Thằng Thường nhẩy dù không rơi xuống đất mà lại bay bổng lên Trời!
Thường có tài làm thơ yêu đương ướt át, nên anh em còn tặng thêm biệt hiệu là Thi sĩ Trữ Tình.
Thường còn thêm tài vẽ truyền thần rất tài tình ngoạn mục.
Chẳng hiểu sao anh chàng này lại rất tốt với tôi, thỉnh thoảng dúi cho vài ngàn đi uống rượu nhảy đầm!
Sau 75, Thường bị kẹt lại, và bị đưa đi học tập. Thường tìm cách mua chuộc cán bộ. Trong những dịp lễ, anh vẽ hình “Bác” tuyệt đẹp, kẻ chữ kẻ bảng ra điều sốt sắng tham gia. Rồi nhân dịp vợ vào thăm, Thường cải trang giả đàn bà tìm cách chuồn.
Không may âm mưu bị bại lộ, chúng nhốt Thường trong thùng Conex hành hạ cho đến phải tự tử mà chết. Không biết vợ con Thường lưu lạc nơi nao?
Viết đến đây, nhớ đến người bạn hiền, mắt tự nhiên mờ đi.
x
x x
Sau 75, rất đông Lang Tây tụ tập tại Montreal và lập nghiệp tại đây.
Một số anh em trong nhóm này đã hăng hái xông ra làm việc cộng đồng và văn hóa. Họ nắm các chức vụ then chốt trong các hiệp hội, họ tổ chức các buổi họp mặt văn nghệ ra mắt sách, thuyết trình, họ nhảy ra viết văn làm báo làm thơ làm nhạc rất xôm trò.
Họ đã nâng cao trình độ văn hóa Việt tại hải ngoại, thắt chặt thêm tình thân hữu của đồng bào tha phương. Tờ Tập San Y Sĩ và tờ Truyền Thông là những sáng tác được nhiều người trên thế giới hưởng ứng và nâng đỡ nhiệt liệt.
Trong đám văn nghệ sĩ cây nhà lá vườn này, đa số là bạn thân của Tôn mỗ. Mỗi lần mỗ về chơi Montreal là đám này dìu xuống hầm tra tấn bằng mạt chược, thua hộc xì dầu ộc ra toàn xầu, vì vậy còn được tặng thêm biệt danh là Thầy Cúng!
Mỗ không muốn nêu danh tánh những tên này trong bản Phong Thần, vì sợ chúng vênh váo nực cựa, nên có làm bài thơ sau đây, quý bạn đọc xem có đoán ra là những ai:
"Montreal có bốn ma bùn
Một chàng mặt sắt vừa lùn vừa đen
Một chàng tướng mạo hom hem
Ngồi xoa mạt chược lèm bèm vài câu
Môt chàng có để chút râu
Lén vợ hút thuốc làm rầu thầy lang
Một chàng ăn nói sỗ sàng
Mặc quần xệ rốn cả làng thất kinh!”
__._,_.___
Bên Dù còn thêm một nhân vật tuổi xồn xồn, có tiếng du côn ngang ngửa với Tôn Kàn. Đó là Phạm Gia Cổn, tự Cổn Lù, hiện đang đóng đô tại quận Cam ở Cali.
Nghe biệt danh có vẻ âm thịnh dương suy, nhưng chớ lầm! Chàng này hùng dũng nghênh
ngang lắm vì có võ, đã huấn luyện cho các con biểu diễn võ thuật tại Đại Hội YND tổ chức tại Montreal. Nghe đâu lại còn thổi Saxo (tranh tài các em nhé!), hát hỏng văn nghệ văn gừng ra rít!
Tôn mỗ mới bắt được liên lạc với Lù, hắn có e-mail nhắc khéo là khi xưa, có lần mỗ mượn stethoscope để thi Clinique, các anh em rất NGẠC NHIÊN là sau đó, mỗ đã đem ống nghe trả lại cho Cổn! Ý hắn muốn nhắc là hồi đó, mỗ có tật mượn tiền ít khi trả. Tiền đâu mà trả, rách như cái mền! Có tiền đưa cho cậu đi ăn chơi sung sướng phả phê, còn lầu bầu cái gì? Đó là lý luận ngang phè củn mỗ thời đó, nhiều tên nghe cũng thấy thương, mà nhiều người nghe lấy làm xì nẹc khó chịu!
Đang hẹn kỳ này qua Cali, sẽ gặp nhau ít ngày bù khú đấu hót tưng bừng, nhớ lại những ngày giang hồ năm xưa.
Cổn có khuyên mỗ đừng từ bỏ chửi, chỉ nên bớt thôi, “giữ lại một chút để làm duyên với đời," mỗ thấy lời khuyên này dí dỏm đáng yêu, nên có lẽ sẽ tuân theo.
x
x x
Nếu định nghĩa lối sống ngổ ngáo là chấp nhận một nhân sinh quan vượt qua những ràng buộc và những giá trị bình thường thì Kàn tôi cho rằng ít ai có thể ganh đua với hai nhân vật sau đây.
Nhân vật thứ nhất là anh Trần Đức Tường, tự Tường Vợ. Anh học trên tôi một lớp, nhưng chúng tôi rất thân với nhau, vì cùng đi làm công tác xã hội trong những năm ở Trung học. Chúng tôi từng đóng kịch tại rạp Thống Nhất để gây quỹ cho Hội Saint Vincent de Paul.
Cuối tuần chúng tôi đi theo các Bác sĩ chẩn bệnh phát thuốc miễn phí cho dân nghèo, đi phát chẩn gạo và quần áo cho các đồng bào di cư ở khu Ngã Ba Ông Tạ.
Anh là người tài hoa, nói chuyện dí dỏm có duyên, đủ ngón đờn ca hát xướng. Biệt tài của anh là thổi đủ loại kèn, từ clairon qua clarinette saxophone tới trompette. Anh đã dạy tôi thổi Saxo Alto, hai đứa đã từng thổi bài Holy Night Silent Night trong Thánh Lễ nửa đêm Giáng Sinh tại sân trường Taberd, thổi xong cả khán trường trắng xóa khăn mùi xoa!
Anh có biệt danh là Tường Vợ vì mới đậu Tú Tài là đã ẵm một mợ rồi đẻ đái tùm lum, con đàn cháu đống!
Sau này anh là Tiểu Đoàn Trưởng cuối cùng của Quân Y Dù.
Sau 75, Tường bị kẹt lại ở Việt Nam, bị đưa đi học tập mờ mắt. Trong tù, anh đã ngăn anh em không "thịt" một tên "mouchard." Khi được trả tự do, anh vận động đua vợ con gia đình qua tị nạn tại Pháp.
Ở Paris, anh đã không lo mở phòng mạch tả chấm, mà lại dấn thân vào phong trào Kháng Chiến chống Cộng. Anh trở nên một lãnh tụ có uy tín trong hàng ngũ Kháng Chiến tại Âu Châu và trên thế giới. Anh là người đã kiếm ra mộ của vua Duy Tân tại Trung Phi, chuyện này anh có kể cho tôi nghe, thật là kỳ thú hấp dẫn.
Nhân vật thứ hai mà tôi mến phục là anh Phạm hữu Trác.
Anh này đóng đô tại Montreal. Cũng như anh Tường, anh Trác đã không chạy theo mãnh lực đồng đô, mà lại dấn thân làm việc cộng đồng và văn học. Chính anh đã gây dựng Hội Y sĩ Việt Nam tại Canada và Hội Y Nha Dược Việt Nam Thế Giới Tự Do. Có năm anh đã giữ ba chức vụ Chủ Tịch một lúc. Anh có tài tổ chức và điều khiển các Hội Đoàn, tính tình anh hiền hòa dễ thương, ai ai cũng quý mến. Anh đã vận động tích cực trợ giúp các đồng nghiệp mới qua Canada, chỉ dẫn cho họ các thức học tập và làm thủ tục giấy tờ.
Tờ Truyền Thông do anh điều khiển và xuất bản đã đóng góp nhiều bài khảo cứu rất công phu, đặc biệt và hấp dẫn.
Tỉ như những tài liệu sưu tầm sự yểm trợ của Trung Quốc và Mao trạch Đông trong chiến tranh Việt Nam, hay những bài thơ chữ Nho do Nguyễn Du sáng tác được phiên dịch ra tiếng Việt. Những công trình này đã đưa Văn Học Việt Hải Ngoại đến chỗ thượng thừa.
Anh Tường và anh Trác thật là hai nhân vật ngổ ngáo. Đốc tờ mà kiếm ra bạc là chuyện thường. Không chạy theo đồng tiền, ăn cơm nhà vác ngà voi, mới là ngoại lệ đáng phục!
x
x x
Kàn tôi vinh dự may mắn được quen biết một số nhân vật nổi tiếng trong Y giới vì tật này hay tài khác.
Viết về họ để ghi nhớ một vài kỷ niệm năm xưa, cũng như để cho các thế hệ sau tìm hiểu thêm về một số các đàn anh.
Những nhân vật này tuy cũng đã một thời oanh liệt nhưng họ cũng không từ bỏ cái tính TẾU truyền thống của dân Trường Thuốc.
Cũng như Tây đã viết: "C'est ca qui nous fait humain."
Hơn nữa, còn một số người qua nhân sinh qua đặc biệt của họ, đã giúp cho ngành Y Việt Nam thoát khỏi nhưng khuôn khổ chật hẹp gò bó của một lối sống bảo thủ.
Họ đã đặt nền tảng cho một ngành Y nói riêng và Văn Hóa Việt Nam hải ngoại nói chung dựa trên những giá trị nhân bản trong đó bao dung và tự do là những mãnh lực chính yếu.
Đầu năm 2011
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
|
Cổng Trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn trước 1975 |
|