Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Người bạn đã ra đi
Vài tuần lễ sau ngày mãn khoá, trong buổi lễ chọn nhiệm sở, Thái Văn Châu quyết định về Tiểu đoàn 22 Quân-y cùng với ba người bạn đồng khoá khác: Lê Vĩnh Thịnh, Phan Ngọc Hà, Nguyễn Khánh Hỷ, và Dược sĩ Đàm Xuân Diễm (khoá 16 trưng tập).
Sự vụ lệnh bổ nhiệm bắt buộc các quân y nha dược sĩ phải trình diện nhiệm sở ngay mà không có một ngày phép cuối khoá nào. Tuy nhiên Thái Văn Châu đã được Cục Quân-y cho phép trình diện trễ hơn vì anh phải trình luận án tốt nghiệp vào trung tuần tháng 3 năm 1975.
Trình luận án xong, thu xếp việc nhà, Châu ra trình diện Tiểu đoàn 22 Quân-y ngay tuy nhiên anh vẫn không được tiếp đón niềm nở mấy vì dưới mắt của vài vị sĩ quan trong bộ chỉ huy anh đã chậm trễ (mặc dù lý do rất chính đáng ) so với những người bạn đồng khoá. Chiến sự lúc bấy giờ đã khá căng thẳng nên mọi sự chậm trễ dù bất cứ lý do gì cũng được xem như thái độ thiếu thiện chí.
Sau vài ngày tập làm quen với cuộc sống mới, Châu đã được bổ nhiệm về Đại đội 224 Quân-y đang theo bộ chỉ huy trung đoàn 42 đi hành quân ờ Bình-khê. Sáng hôm ấy đích thân anh Lê Thành Ý, Tiểu đoàn trưởng 22 Quân-y, với sự tháp tùng của Lê Vĩnh Thịnh (Thịnh "điếc") đưa Châu ra vùng hành quân trình diện Đại-tá Thông, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42. Thịnh "điếc” được ưu ái để làm quen với vùng lửa đạn vì theo sự sắp xếp của bộ chỉ huy tiểu doàn 22 Quân y thì chàng sẽ ra phụ tá cho Bác sĩ Minh ở Đại đội Quân y của Trung-đoàn 40.
Theo cảm nhận của Thịnh "điếc" và vài lần gặp gỡ sau cùng thì Châu rất vui lòng về Đai đội 224 Quân-y vì được làm việc với Bác-sĩ Nguyễn Thọ Trường (khoá 20 Hiện dịch), một quân y sĩ rất đạo đức; và Trung đoàn 42 là Trung đoàn thiện chiến nhất của sư đoàn 22 Bộ binh tuy có nhọc nhằn và nguy hiểm vì đang theo đơn vị đi hành quân.
Nhưng tình thế biến chuyển thật lẹ làng. Quyết định ngu xuẩn trong việc triệt thoái Quân đoàn 2 ra khỏi Cao nguyên chẳng những đã không duy trì được lực lượng tác chiến mà còn làm rối loạn hậu phương và cũng chẳng có một lợi ích chính trị nào hết nếu không muốn nói đến sự phá sản của mọi mặt khi quân bài domino bắt đầu đổ vỡ.
Trung đoàn 42 đang cầm cự một cách anh dũng với Sư đoàn 3 Sao vàng của Bắc Việt ở mặt trận Bình-khê thì được lệnh phải di tản về Nha trang để yểm trợ cho Lữ đoàn 3 Nhảy Dù đang cầm chân Cộng quân ở Khánh-dương.
Lui binh bao giờ cũng là vấn đề khó khăn của các nhà quân sự từ Đông Tây kim cổ. Tài ba và mưu lược như Gia-cát Lượng mấy lần vào Kỳ sơn như chỗ không người; oai dũng kiêu hùng như Napoléon cùng đoàn quân viễn chinh dưới chân Kim Tự tháp tự hào rằng lịch sử đang chiêm ngưỡng tài danh vẫn không khỏi khốn đốn khi phải rút lui khi trận địa không còn ưu đãi.
Trung đoàn 42 nói riêng và Sư đoàn 22 nói chung đã chiến đấu kiên cường biết bao với Cộng quân nhưng khi phải rút lui họ lại tơi tả dường ấy; mọi kế hoạch không diễn tiến đúng như như những bàn thảo ban đầu. Thành phố Qui-nhơn hỗn loạn sớm hơn dự tính vì đã có sự trà trộn của các đặc công và sự quấy phá của các Việt cộng nằm vùng. Tàu Hải quân đã không dám đậu gần bờ để bốc đoàn quân di tản, Đại-tá Thông, Trung đoàn trưởng đã không kịp di chuyển ra bờ biển; những người lính chậm chân đã phải tìm mọi phương tiện để làm phao bơi ra tàu làm bia cho xạ thủ địch quân.
Những quân y tá sống sót về kể lại rằng Bác sĩ Thái Văn Châu đã tìm được một tấm ván để bơi ra tàu nhưng chỉ mới loay hoay chừng vài thước thì đã bị trúng đạn: nằm sấp trên tấm ván, khẩu súng Colt 45 mang bên hông phải đã chỉ điểm cho địch quân rằng anh là một sĩ quan, mục tiêu ưu tiên của hoả lực trên bờ.
Đã mấy mươi năm qua rồi, chuyện như mới xảy ra ngày hôm qua và đúng như:
Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn!
Phan Ngọc Hà - QYHD Khoá 21
Phan Ngọc Hà
Huy hiệu Sư Đoàn 22 QLVNCH
Y sĩ Trung úy Thái Văn Châu
Tiểu đoàn 22 Quân Y