Giới Thiệu CD
Nhåc
Loading
Sao V¶i Nhåt Phai
Nhạc sĩ Nguyên Bích
Phạm Anh Dũng

Em đứng đó thật gần mà anh không với tới
Muốn nói cùng em mà không thốt nên lời
Nói yêu em sao môi mãi xa xôi
Muốn nhìn em mà mắt ngại gặp nhau

Em đứng đó dáng em gầy lả lướt
Anh trộm nhìn em lặng lẽ quay đi
Mắt sao cay như khói quyện bờ mi
Anh thờ thẫn bước đi lòng quặn đau...

(Lặng Lẽ Tình Tôi/nhạc Nguyên Bích, thơ Phạm Oanh)


Bài hát "Lặng Lẽ Tình Tôi" trên đây có cái lối yêu lãng mạn, yêu thầm nhớ trộm dù người yêu vẫn... lạnh lùng. Cái kiểu yêu đương trong câm lặng, yêu "một chiều," yêu lặng lẽ như vậy ngày xưa có vẻ phổ thông. Thời bây giờ chắc phải khác nhiều, ngày nay yêu nhau thì có lẽ tình cảm thường "nóng" lắm, chứ không "nguội" như vậy đâu!

Bài thơ của thi sĩ Phạm Oanh thật ra không có đề tựa. Lời thơ nguyên thủy là một bài thơ 8 chữ như trong đoạn hai ở trên. Vẫn giữ ý thơ, nhưng để cho dòng nhạc đỡ nhàm chán, nhạc sĩ Nguyên Bích đã tài tình, xoay sở đổi thêm chữ. Có những câu đã thành 9 chữ, có khi lại 10 chữ hoặc kéo dài đến...11 chữ trong câu cuối của bài hát.

Hai khúc nhạc trên có dòng nhạc đi đều đều như một tiếng thở dài, buồn, chán nản vì đã yêu một cách si mê, một cách say đắm, mà không biết làm sao bầy tỏ và đành trở thành một mối tình câm.

Dù sao chăng nữa, dù thế nào chăng nữa, người đàn bà vẫn đẹp tươi thắm như hoa hồng mãi mãi, người yêu vẫn muôn đời sáng ngời như trăng sao, vẫn muôn thuở nhẹ nhàng như mây vương vấn...

Do đó, ở đoạn cuối của bài hát, bất ngờ dòng nhạc của Nguyên Bích chợt vút lên thật cao:

Em như trăng sao trên trời một đêm vào hạ
Em như mây vương khi chiều đổ xuống bờ đê
Em như bông hoa yêu kiều gợi ngàn sắc thắm
Yêu em si mê làm sao em thấu được tình anh.

(Lặng Lẽ Tình Tôi/nhạc Nguyên Bích, thơ Phạm Oanh)

Lặng Lẽ Tình Tôi là bản nhạc đầu tiên trong mười bản tình ca của nhạc sĩ Nguyên Bích trong CD Diễm Xưa 154 Sao Vội Nhạt Phai, mới thực hiện gần đây. Trong CD, ca sĩ Vũ Khanh đã trình bầy "Lặng Lẽ Tình Tôi" rất tình cảm, hay đến mức tuyệt hảo.

Là cháu ruột của nhạc sĩ Hùng Lân, Nguyên Bích có tên thật Nguyễn Văn Bích. Anh là một bác sĩ y khoa Việt Nam, đang hành nghề y khoa gia đình ở Houston, Texas. Người nghệ sĩ Nguyên Bích sáng tác nhiều những dòng nhạc chứa chan tình yêu, có lẽ nhiều đến khoảng năm hay sáu mươi bản tình ca.

Trong số đó, có mười bài hát tiêu biểu của nhạc Nguyên Bích được trình bày ở CD mới phát hành này.

Hãy nghe những dòng thơ nhạc bốc lửa của Hiến Chương Yêu (nhạc Nguyên Bích/thơ Du Tử Lê, Hiến Chương Tình Yêu Ngày 14-2) với tiếng hát điêu luyện, đậm đà của Tuấn Ngọc:

Khi em lạnh tôi biến thành ngọn lửa
Ðốt yêu thương than nóng hực ân tình
Khi em đọc tôi biến thành chữ viết
Cả nghìn chương chỉ chép chuyện đôi ta...

Hay là Thanh Hà đắm đuối diễn tả nét thơ nhạc của Bâng Khuâng (nhạc Nguyên Bích/thơ Nguyễn Minh Ðức):

...Còn đâu nữa nét xuân tình bứt rứt
Sóng dâng tràn lên bốn ngả liêu trai
Ngày nay đã hết những nồng nàn háo hức
Những năm buồn vui phung phá mộng tương lai...

CD Sao Vội Nhạt Phai không những chỉ thật hay và còn rất đặc biệt.

Không phải đặc biệt vì những tiếng hát thật tuyệt diệu của La Sương Sương, Thanh Hà, Tuấn Ngọc và Vũ Khanh. Không phải đặc biệt vì những vần thơ sầu muộn muôn đời của thi sĩ đã nổi danh Du Tử Lê. Không phải đặc biệt vì có hòa âm rất vững vàng và mới mẻ của nhạc sĩ trẻ, tài hoa Nhật Trung.

Phải nói trước, không thể phủ nhận những đóng góp của các nghệ sĩ có tài và có tiếng vừa kể, để tạo thành một tác phẩm có phẩm chất đáng kể như CD Sao Vội Nhạt Phai.

Nhưng, suy nghĩ thật kỹ, nếu chỉ có như vậy CD Sao Vội Nhạt Phai sẽ chẳng có gì đặc biệt cả và sẽ cũng như hàng trăm hay hàng ngàn những CD thương mại khác, đại khái giông giống nhau trên thị trường âm nhạc Việt Nam ở Hải Ngoại mang nặng tính chất thương mại, hát đi hát lại một số bản nhạc tuy hay nhưng nghe đã quá nhiều và trở thành nhàm chán mà thôi.

Cái đặc biệt của CD Sao Vội Nhạt Phai là sự đa dạng của nhạc Nguyên Bích với những nét chấm phá mới, táo bạo của tình ca Việt Nam.

Có những bản nhạc có vẻ "cổ điển" kiểu nhạc tiền chiến là sở trường của Nguyên Bích, rồi những dòng nhạc dân ca quê hương, qua ý nhạc Blue của người da đen, đến âm điệu của thánh ca...

Tình Si (nhạc Nguyên Bích/thơ Mùi Quý Bồng) có âm điệu nhạc tiền chiến, có lẽ là bản thơ phổ nhạc có nhạc điệu hay nhất trong CD:

Chiều nay anh biết không mưa rơi lạnh lùng
Ở bên anh, mưa có rơi hay nắng đang lên
Chắc anh đang đắm say tình mới
Ðâu biết phương này em nhớ mong...

Chỉ cần nghe tiếng nức nở, tiếng nấc nghẹn ngào của Thanh Hà trong đoạn gần cuối của bản nhạc là thấy người hát, bằng cả khối óc và con tim, như đã sống thật trong bản nhạc.

Ðến bản Ước Vọng (nhạc Nguyên Bích/thơ Shushanig Gourghenian do Mùi Quý Bồng chuyển dịch), một bài hát có âm hưởng đặc biệt thánh ca được La Sương Sương trình bầy, rất xuất sắc với tất cả rung động, thành khẩn:

Xin giá lâm đây hồn em mở rộng
Xin đón chào vị thánh Chúa của lòng em

Trên con đường đời khi nào anh thấm mệt
Tim em đây xin anh ngự giá á a...


Ðây là một lý thú khác do Nguyên Bích đem lại. Dùng nhạc có âm hưởng thánh ca để diễn tả sự yêu thương tôn sùng người yêu như "vị thánh Chúa," chắc chưa có nhạc sĩ nào trong quá khứ đã có cùng một tư tưởng.

Mười bản nhạc trong CD phần lớn chậm, buồn. Ở khoảng giữa chừng, tự nhiên nẩy ra một bài nhạc vừa vui vui, dí dỏm và lại có âm hưởng dân ca ngũ cung Việt Nam. Vũ Khanh với kỹ thuật cao cùng với một La Sương Sương tuyệt vời, cùng sống động diễn tả Giã Từ Quạnh Hiu (thơ Phạm Anh Dũng, nhạc Nguyên Bích):

Nàng là nàng nàng ơi, mùa Thu đã đến chưa em
Mà mây trên trời, mây trên trời đã bàng bạc trôi

Chàng là chàng ơi, nhìn xem cây lá quanh ta
Lá trên cành đã thay màu, màu lá vàng tươi...

Ðúng là hết lý thú này đến lý thú khác. Lý thú cuối cùng có lẽ tìm thấy trong bản nhạc mang tên chủ đề cho CD Sao Vội Nhạt Phai. Với bản nhạc Sao Vội Nhạt Phai (nhạc và lời Nguyên Bích) có âm hưởng nhạc Blue của người da đen, sở trường của Tuấn Ngọc trong những bản nhạc buồn và có âm vực rộng đã thật rõ ràng. Ngay từ những nốt nhạc đầu tiên cao ngất, dòng nhạc đã có cái vẻ buồn mênh mang, xa vắng. Rồi tiếng nhạc cứ đi từng hai chữ, ba chữ một như những tiếng than thở, giận hờn:

Sao em đi mà không nói với nhau một câu
Ðể cho anh hoài trông ngóng bóng em từng giờ
Từng buổi chiều đợi chờ bước chân
Nhìn cay đắng qua đi nghẹn lời...

Vào đến đoạn điệp khúc, giọng hát quyến rũ của Tuấn Ngọc đã theo ý nhạc đổi hẳn thành những lời oán trách, đớn đau:

Em yêu ơi sao hững hờ lạnh lùng
Em nghe chăng tiếng lòng gọi nhớ tên em
Trưa hôm nao tay ôm ấp dư hương còn đây
Mới đêm nào mùi ân ái vẫn còn chưa phai...

Mười bản tình ca Nguyên Bích trong CD có những điều thú vị lạ kỳ khác nhau.

CD Diễm Xưa 154 Sao Vội Nhạt Phai của Nguyên Bích có giá trị nghệ thuật cao và rất đặc biệt, đặc biệt vì chính Nguyên Bích đặc biệt...

(Bài viết này đã đăng trên đặc trưng.net)
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
nb_title
(Double click for larger image)
nb_dn-1
Nhạc sĩ Nguyên Bích
QYHD Khóa 17
nb_vk
Nguyên Bích và Vũ Khanh
Trích trong CD
"Sao Vội Nhạt Phai"
(Diễm Xưa 154)
01. Lặng Lẽ Tình Tôi (Nguyên Bích phổ nhạc thơ Phạm Oanh)

03. Hiến Chương Yêu (Nguyên Bích phổ nhạc thơ Du Tử Lê)

06. Giã Từ Quạnh Hiu (Nguyên Bích phổ nhạc thơ Phạm Anh Dũng)

07. Tình Si (Nguyên Bích phổ nhạc thơ Mùi Quý Bồng)

08. Sao Vội Nhạt Phai (nhạc và lời Nguyên Bích)

09. Ước Vọng (Nguyên Bích phổ nhạc thơ
Shushanig Gourghenian do Mùi Quý Bồng chuyển dịch)

nb_tn
Nguyên Bích và Tuấn Ngọc