Nhận định về tình hình kinh tế Hoa Kỳ giữa năm 2010
Loading
Duy Anh
22/8/2010
Kinh T‰
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Tuyên bố của Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ

Ngày 10 tháng 8 năm 2010 vừa qua, cơ quan Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ (US Federal Reserves), gọi tắt là Fed đã ra thông báo làm xôn xao thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Fed tuyên bố sẽ duy trì bản "cán cân tài chánh" (balance sheet) hiện có trong một thời gian không giới hạn nữa vì tình hình phục hồi kinh tế sẽ chậm lại trong sáu tháng cuối năm 2010. Ngoài ra không có dấu hiệu lạm phát, thậm chí còn có nguy cơ giảm phát

Từ hai năm nay, nhằm cứu vãn nền kinh tế Hoa Kỳ, Fed đã tung một khối lượng tiền mặt khổng lồ để mua vào các công khố phiếu (US Treasury bonds), các trái phiếu địa ốc độc hại và cứu những công ty "quá lớn để thất bại" (too big to fail). Lãi suất được đẩy xuống một mức thấp chưa từng thấy là 0 - 0.25% (kéo dài từ tháng 12/2008 đến nay) và làm phình to cân tài chánh của Fed từ $850 tỷ năm 2007 thành $2,300 tỷ hiện nay.
fedbalancesheet
nguồn trích dẫn: https://www.federalreserve.gov/monetarypolicy/bst_recenttrends.htm
Giải thích một cách sơ lược, cán cân tài chánh của Fed gồm phần lớn các công khố phiếu (bonds) ở tài khoản Có và lượng tiền mặt ở ngoài thị trường ở tài khoản Nợ:

                                          
                 


Trong trường hợp kinh tế quá nóng, Fed muốn hãm lại thì sẽ tung bonds ra bán để hút tiền vào lại ngân khố. Bán càng nhiều sẽ làm giá bonds càng hạ xuống và từ đó, đẩy lãi suất lên. Đến một mức nào đó thì các doanh nghiệp sẽ ngưng phát triển, vì các nhà đầu tư chuyển qua mua bonds nhiều hơn.

Trong trường hợp ngược lại, kinh tế bị suy thoái, Fed sẽ tung tiền ra thu mua bonds ngoài thị trường. Ngoài ra, với sự chấp thuận của Quốc Hội, Fed còn "xuất" tiền trợ giúp các công ty bị khó khăn. Tất cả những hoạt động này đã làm cán cân tài chánh Fed phình to như trong giai đoạn hiện nay.

Số tiền gọi là nhằm mục đích "kích cầu" (demand stimulus) trên thực tế được tạo ra từ thinh không (thin air), nghĩa là được Fed "vẽ" ra thành những con số trong tài khoản ngân hàng. Điều này tuy có một tác dụng tốt là tạo ra nguồn tài chánh dồi dào cho các doanh nghiệp được vay mượn với phí tổn thấp nhưng sẽ có hậu quả lâu dài làm lạm phát tăng vì quá nhiều tiền "săn đuổi" quá ít hàng hóa (too much money chasing too few goods). Vì vậy, từ khi phát động chính sách thả lỏng tiền tệ, Fed vẫn trấn an mọi người là sẽ thu hút trở lại lưu lượng một khi kinh tế đã ổn định và lạm phát có dấu hiệu nảy sinh ra.

Qua bốn quý liên tiếp (hậu bán 2009 và tiền bán 2010) với mức tăng trưởng GDP khả quan, các nhà kinh tế đều kết luận là nước Mỹ đã thoát ra khỏi khủng hoảng và chờ đợi Fed áp dụng biện pháp rút tiền ra khỏi lưu lượng, đánh dấu giai đoạn kinh tế Mỹ đã phục hồi một cách vững vàng.
20100730_GDP_large_prod_affiliate_91
Tuy nhiên, thông báo mới đây nhất của Fed cho thấy là nguy cơ nền kinh tế rơi trở về suy thoái vẫn còn đó. Hiện tượng này được gọi là "suy thoái với đáy kép" (double-dip recession) tuy hiếm nhưng đã từng xảy ra vào thời kỳ 1980-1982. Kinh tế Hoa Kỳ lúc đó bị suy thoái quý 2 và 3 năm 1980, phục hồi trở lại các quý tiếp theo rồi rơi trở về suy thoái vào quý 4/1981 và quý 1/1982. Điều khác biệt với hiện nay là có lạm phát và lãi suất cao.

Hiện tượng "Suy thoái với đáy kép" được dùng để diễn tả tình trạng kinh tế đã phục hồi nhưng sau đó một thời gian ngắn (vài quý) lại rơi trở xuống suy thoái. Trên biểu đồ sẽ thấy hình W với hai đáy.

Lý do thông báo của Fed gây hoang mang cho giới đầu tư vì cho thấy cơ quan này chưa sẵn sàng áp dụng "chiến lược thoái lui" (exit strategy), chứng tỏ sự phục hồi kinh tế đã chậm lại. Fed còn tiên đoán là sự phát triển kinh tế cho 6 tháng cuối năm 2010 sẽ kém hơn dự trù một mức độ dáng kể.

Quả thật vậy, ngày 19/08/2010 thống kê của Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang vùng Philadelphia (Federal Reserve Bank of Philadelphia) cho biết chỉ số sản xuất (Philadelphia Fed manufacturing index) bất ngờ tụt giảm -7.7 trong tháng 8 từ mức +5.1 của tháng 7. Vùng Philadelphia được coi như một trong những vùng trọng yếu của nước Mỹ về sản xuất.

Vấn nạn Thất Nghiệp

Nói chung, tổng sản lượng quốc gia (GDP) là con số thường dùng nhất để đánh giá hiệu quả kinh tế của một quốc gia. Con số này có liên quan đến hai yếu tố quan trọng là phương tiện sản xuất (bao gồm nhà máy, trình độ KHKT v.v...) và số lượng người lao động.

Vì luôn luôn có sự hiện diện của một số người nào đó bị thất nghiệp tự nhiên (natural unemployment), một tỉ lệ vào khoảng 3% số lượng lao động bị thất nghiệp được coi là lành mạnh và nền kinh tế đã đạt mức "có công ăn việc làm cho mọi người" (full employment).

Với tỉ lệ thất nghiệp hiện nay ở mức 9.5%, kéo dài ở mức trên 9% đã một năm nay, nền kinh tế nước Mỹ đang hoạt động ở mức dưới tiềm năng GDP (potential GDP) một mức khá xa. Nếu tỉ lệ thất nghiệp không giảm thì khối lượng không lao động không những làm gánh nặng cho ngân quỹ quốc gia qua những chương trình trợ cấp thất nghiệp, huấn nghiệp, mà còn làm giảm nhu cầu tiêu thụ của xã hội, và từ đó làm giảm GDP.
us-joblesschart
Muốn giảm tỉ lệ thất nghiệp thì phải có công ăn việc làm. Muốn có công ăn việc làm thì các công ty phải có nhu cầu thuê mướn lao động vào. Muốn các công ty thuê mướn thì phải có nhu cầu tiêu thụ hàng hoá. Oái ăm thay là muốn có nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thì người dân phải có công ăn việc làm. Cái vòng xoắn ốc này có lúc đi lên do yếu tố trước thuận lợi tác động vào yếu tố sau, đẩy kinh tế phát triển theo đường xoắn ốc lên. Tuy nhiên khi một yếu tố bị suy giảm, vòng xoắn ốc sẽ bị đảo ngược và chiều hướng kinh tế lại đi xuống.

Hầu hết các biện pháp kinh tế nhắm vào việc thúc đẩy yếu tố tổng nhu cầu (aggregate demand) tăng lên với hi vọng sẽ lôi kéo các yếu tố khác lên theo. Chương trình “New Deal” của TT F.D. Roosevelt các năm 1933-1938 nhằm đối phó hậu quả Đại Khủng Hoảng 1929 với việc xây cất ồ ạt các công trình hạ tầng cơ sở như cầu cống, đường xa lộ, nhà máy thủy điện v.v… khắp nước Mỹ cũng nằm trong mục tiêu tạo ra nhu cầu này.

Đôi khi, có người cho rằng nhu cầu chiến tranh (nóng và lạnh) cũng là những hình thức tạo ra những nhu cầu tiêu thụ một cách không chính đáng.

Hiện nay, chính quyền Mỹ đã tìm cách nâng tổng nhu cầu để từ đó tạo ra công việc mới bằng cách tung tiền ồ ạt vào lưu lượng ngoài thị trường để các công ty làm ăn dễ hơn. Mặt khác, chính phủ giảm thuế, thậm chí “tặng tiền” cho người dân xài chơi nhằm thúc đẩy nhu cầu tăng lên.

Tuy nhiên, mặc dù đã có bao nhiêu nỗ lực, số công ăn việc làm được tạo ra trong 5 tháng đầu năm 2010 sau khi tăng triển tốt đẹp đã rơi trở về vùng âm, tức công ăn việc làm đã không tăng mà còn bị mất thêm trong hai tháng 6 và tháng 7/2010.
jobloss
Nguồn trích dẫn: bộ Thống Kê Lao Động Hoa Kỳ
Nghiên cứu sâu hơn về các con số thì thấy số lượng người xin tiền thất nghiệp lần đầu trong các tuần vừa qua của tháng 8/2010 báo hiệu một con số không mấy khả quan về tỉ lệ thất nghiệp cho tháng tới.

Con số người xin tiền thất nghiệp lần đầu (initial jobless claims) mỗi tuần là một thông số khá chính xác để đo lường và ước tính tình trạng thất nghiệp. Một con số dưới 300,000 được coi là khả quan. Coi số này hiện đã lên trở lại 500,000. Vào lúc cao điểm nhất của cơn khủng hoảng 2008, con số này lên cao đến 650,000.
initialjc
Hình trích từ Bloomberg online
Các nhận định và ước đoán

Về khả năng double-dip recession (suy thoái với đáy kép). Các dữ kiện kể trên đã làm lo ngại nhiều nhà phân tích về kinh tế. Họ cho rằng sau hơn một năm phục hồi khả quan, kinh tế nước Mỹ đã có dấu hiệu khựng lại và nguy cơ rơi trở xuống suy thoái là có thật. Một cuộc khảo cứu mới đây nhất của ngân hàng Dự Trữ Liên Bang vùng Cleveland dựa vào yield curve phỏng đoán nguy cơ kinh tế Mỹ sẽ bị double-dip recession là 12.4%.

nguồn trích dẫn: https://www.nationalpost.com/news/Chance+double+recession+slim+skeptics+remain/3243181/story.html

Về nạn thất nghiệp. Vấn đề thất nghiệp sẽ vẫn là một bài toán nan giải, chưa thể giải quyết một sớm một chiều được và là trở ngại chính cho sự phục hồi kinh tế của nước Mỹ nói riêng và của cả thế giới nói chung. Nhóm Financial Forecast Center tiên đoán tỉ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục ở mức cao trên 9% và vượt 10% trong vòng một năm nữa.

nguồn trích dẫn: https://www.forecasts.org/unemploy.htm

Về tình hình kinh tế thế giới. Trong chiều hướng toàn cầu hóa hiện nay, kinh tế của các quốc gia có sự liên quan mật thiết với nhau và hỗ tương nhau để cùng phát triển.

Điểm qua khu vực Âu Châu thì tình hình khá xấu. Một số quốc gia theo đường lối dân chủ xã hội, điển hình là Hy Lạp (Greece) đã thật sự gặp khó khăn vì ngân khoản quốc gia không đủ sức gánh các phí tổn tiện ích xã hội. Người dân ngày càng "lười lao động" hơn, chỉ muốn sống dựa vào xã hội khiến mức độ sản xuất ngày càng giảm dần. Điều này cho thấy con đường dân chủ xã hội với sự can thiệp mạnh mẽ của chính quyền để phân chia quyền thụ hưởng đồng đều cho tất cả mọi người dân chưa hẳn là con đường đúng để phát triển đất nước.

Nhóm các quốc gia "PIIGS" (Portugal, Ireland, Italy, Greece, Spain) thuộc cộng đồng Âu Châu với những khó khăn đáng kể về tài chánh đang đe dọa sự phát triển của khu vực đồng Euro.

Điểm son còn lại của khu vực cộng đồng Âu Châu chính là nước Đức. Ngày 21 tháng 8/2010 vừa qua bộ trưởng Tài Chánh Liên Bang Đức tuyên bố kinh tế nước này sẽ phát triển mạnh hơn dự tính vào nửa năm cuối 2010. Cần nhắc lại nước Đức là nước chính yếu đứng ra bảo trợ cho các quốc gia Âu Châu bị khó khăn trong thời gian vừa qua. Các nhà phân tích đặt niềm tin vào sức mạnh kinh tế Đức sẽ đủ sức để chống đỡ về mặt Âu Châu.

nguồn trích dẫn: https://online.wsj.com/article/SB10001424052748703579804575440750758377456.html?mod=WSJ_economy_LeftTopHighlights

Nước Nhật với sự khủng hoảng triền miên từ hai thập niên nay, đưa đất nước từ ngôi vị sức mạnh kinh tế thứ hai sau Mỹ xuống hàng thứ ba sau Trung Quốc, không thể đóng vai trò cứu tinh cho kinh tế thế giới được. Với món nợ quốc gia chiếm tới 192.1% GDP và một dân số già nua, nước Nhật còn vất vả chống đỡ những khó khăn nội tại qua những chương trình cải cách kinh tế. Tuy nhiên, với một chế độ phóng khoáng và dân chủ theo lối Tây phương, người ta vẫn tin tưởng kinh tế nước Nhật sẽ giúp cho khu vực Á Châu đứng vững trước cơn phong ba đang hoành hành.

nguồn trích dẫn: https://www.theodora.com/wfbcurrent/japan/japan_economy.html

Mọi con mắt hiện nay đang nhìn về phía Trung Quốc với tỉ lệ phát triển GDP hàng đầu thế giới trong nhiều thập niên qua. Ngay trong cơn khủng hoảng tài chánh toàn cầu 2008 vừa qua, Trung Quốc vẫn giữ được tốc độ phát triển 9% GDP (năm 2008). Tuy nhiên, chế độ độc tài đảng trị và ước mộng bá chủ của Trung Quốc vẫn làm các quốc gia lân cận và toàn thế giới lo ngại bị lệ thuộc vào chính trị khi làm ăn với nước này.

nguồn trích dẫn: https://www.theodora.com/wfbcurrent/china/china_economy.html

Kết luận chung

Kinh tế Hoa Kỳ sắp tới đây sẽ còn nhiều khó khăn. Trong chức năng ổn định kinh tế, chống đỡ lạm phát và mang lại công ăn việc làm cho mọi người, có vẻ như Fed đã thức hiện tất cả những gì có thể làm được nhưng dường như bất lực trước tình hình chung.

Điều này nói lên lý thuyết tiền tệ (monetary theory) mà nước Mỹ đã dựa vào để hoạch định các chính sách kinh tế từ sau kỳ Đại Khủng Hoảng năm 1929 đến nay đã không mang lại những hiệu quả mong muốn nữa.

Trò chơi "tung hứng" với lãi suất của Fed -lúc thì tăng để kềm hãm kinh tế, lúc thì giảm để kích thích kinh tế- đang bị khủng hoảng trầm trọng. Con quái vật -kinh tế- đang vùng lên, bất trị. Đáng ngại hơn nữa là giải pháp tăng cường sự can thiệp của chính quyền vào sinh hoạt kinh tế tự do của người dân không phải là một giải pháp tối ưu qua kinh nghiệm của những quốc gia theo đuổi chủ nghĩa dân chủ xã hội như Hy Lạp và một số các quốc gia nhỏ vùng biển Baltic như Lithuana, Estonia v.v... Những quốc gia này đang gặp khủng hoảng vì ngân sách chính quyền luôn luôn bị thâm thủng do bởi chi phí trợ cấp xã hội quá cao.

Con đường xã hội chủ nghĩa Mác Lê nin với sự can thiệp toàn bộ của chính quyền vào đời sống của người dân đã dứt khoát được khẳng định là một cuộc thử nghiệm đầy máu và nước mắt và đã bị dứt bỏ khắp nơi trên thế giới.

Vì sự can thiệp của chính quyền vào khu vực tư nhân đã làm trở ngại cho sự phát triển kinh tế như vậy nên nhiều nhà phân tích tự hỏi phải chăng chính sách cứu vớt những công ty được mệnh danh là "quá lớn để mà thất bại" của chính quyền Hoa Kỳ vừa qua là một giải pháp sai? Nước Mỹ đã phải gánh thêm một mối nợ khổng lồ không biết bao lâu mới thanh toán nổi và có thể là một mầm mống cho một sự đổ vỡ toàn diện trong tương lai.

Tuy nhiên, trong cơn bão khủng hoảng năm 2008 vừa qua khi các công ty lâu đời thi nhau bị phá sản, các nhà lãnh đạo nước Mỹ đã không dám bỏ rơi các công ty lớn còn lại và đành nhắm mắt tung tiền ra để củng cố lại niềm tin của giới tiêu thụ.

Nói cho cùng, kinh tế của thế kỷ 21 hoàn toàn dựa vào niềm tin của người dân vào một hệ thống tài chánh bao gồm một mớ “tiền ảo,” những tờ giấy không được bảo chứng bằng một giá trị cụ thể nào cả, ngoài “uy tín” của chính quyền phát hành ra những tờ giấy đó. Ngày nào niềm tin này mất đi thì cả hệ thống tài chánh toàn cầu sẽ sụp đổ nhanh chóng.

Phải chăng đã lúc văn minh nhân loại cần những lý thuyết và kinh nghiệm tốt hơn nữa về kinh tế tài chánh hầu giảm bớt hậu quả của thăng trầm trong các chu kỳ kinh tế?

Kinh tế muôn đời vẫn là một vấn đề hết sức phức tạp và là một phạm trù bao gồm tất cả những khía cạnh của con người, từ tinh thần đến vật chất, từ cá nhân đến xã hội, từ người dân đến chính quyền, thành thử có khả năng biến đổi theo từng thời kỳ cùng với sự tiến bộ của văn minh nhân loại.

Cho tới nay, chưa có một nhà kinh tế học có thể giải thích nổi tại sao có những chu kỳ kinh tế và mọi sự dự đoán về tương lai có vẻ như chỉ có thể trúng được 50%, có nghĩa là đoán mò "phóng phi tiêu" cũng có kết quả tương tự.

Tuy nhiên, có vẻ như có một chân lý. một mẫu số chung mà các nước phát triển thường có, giúp cho họ tăng trưởng kinh tế một cách đều hòa và tránh được những hậu quả tai hại của những thời kỳ suy thoái. Đó là một hệ thống luật pháp nghiêm minh, có biện pháp chế tài nhưng có tính nhân bản, thích hợp với các điều kiện cụ thể của từng quốc gia một. Điều quan trọng nhất là hợp ý dân vì do dân thiết lập ra. Chúng tôi muốn nói đến các trường hợp của nước Đức, Singapore và một số các nước Bắc Âu.

Để chấm dứt, và cũng để trở về đề tài chính là tình hình kinh tế của Hoa Kỳ, chúng tôi xin gởi đến quý vị một đoạn video diễn tả cơn bão thất nghiệp đã quét qua nước Mỹ như thế nào từ tháng 1/2007 cho tới tháng 5/2010 và chưa hề có dấu hiệu chấm dứt.
nguồn trích dẫn: https://www.youtube.com/watch?v=9ssIhiD8kKM&feature=player_embedded
Tài liệu tham khảo:


About.com: Business Finance (2010). ADouble-Dip Recession. Truy cập ngày 22/8/2010 tại:
https://bizfinance.about.com/od/currentevents/a/Double_Dip_Recession.htm

Bloomberg (2010). Interactive chart. Truy cập ngày 22/8/2010 tại:
https://www.bloomberg.com/apps/quote?ticker=INJCJC:IND#chart

BLS Bureau of Labor Statistics (2010). The employment Situation - July 2010. Truy cập ngày 228/2010 tại:
https://www.bls.gov/news.release/pdf/empsit.pdf

Boards of Governors of the Federal Reserve System (2010). Recent balance sheet trends. Truy cập ngày 22/8/2010 tại:
https://www.federalreserve.gov/monetarypolicy/bst_recenttrends.htm

Countries of the World (2010). China Economy 2010. Truy cập ngày 22/8/2010 tại:
https://www.theodora.com/wfbcurrent/china/china_economy.html

Countries of the World (2010). Japan Economy 2010. Truy cập ngày 22/8/2010 tại:
https://www.theodora.com/wfbcurrent/japan/japan_economy.html

MichNews.com (2010). The Federal Reserve's Historic Announcement. Truy cập ngày 22/8/2010 tại:
https://www.michnews.com/Guest_Commentary/fk081810.shtml

National Post (2010). Chance of double recession slim, but skeptics remain. Truy cập ngày 22/8/2010 tại:
https://www.nationalpost.com/news/Chance+double+recession+slim+skeptics+remain/3243181/story.html

The Financial Forecast Center (2010). U.S. Unemployment Rate Forecast. Truy cập ngày 22/8/2010 tại:
https://www.forecasts.org/unemploy.htm

The Huffington Post (2010). How the Unemployment Swept Across America (video). Truy cập ngày 22/8/2010 tại:
https://www.huffingtonpost.com/2010/08/17/how-unemployment-crisis-h_n_685143.html

The Wall Street Journal (2010). Berlin to Lift Its Forecast for Growth. Truy cập ngày 22/8/2010 tại:
https://online.wsj.com/article/SB10001424052748703579804575440750758377456.html?mod=WSJ_economy_LeftTopHighlights

The Wall Street Journal (2010). Jobless Claims Jump in New Sign Recovery Is Sputting. Truy cập ngày 22/8/2010 tại:
https://online.wsj.com/article/SB10001424052748704476104575439172480870774.html?mod=WSJ_economy_LEADStorySecond
Assets Liabilities
Government bonds Cash in circulation