Kỷ Niệm 4 Năm Nhật Trường "Còn Một Chút Gì... Để Nhớ Để Thương"
Nhåc
Loading
Trần Đức Tường
Nguyên Y Sĩ Tiểu ĐoànTrưởng TĐQY/SĐND

Tin Nhật Trường ra đi đã làm tôi thẫn thờ như người mất hồn. Như mất một người thân, rất thân trong gia đình. Ngồi nhìn những tấm hình chụp chung với Nhật Trường ở Hawaii năm nào khi Nhật Trường mới ra hải ngoại, mà lòng man mác buồn, nhớ những kỷ niệm xa xưa, của những năm 60, 70 thế kỷ trước....

Là một người lính, tôi yêu những bài hát của Nhật Trường Trần Thiện Thanh vì nó nói lên tâm sự của người lính. Những lời ca, điệu nhạc của anh sao mà gần gũi với cuộc đời xông pha chiến trận đến thế. Có ai trong chúng tôi, trong những lúc dừng quân ngồi bên ven rừng hay những cồn cát..., không từng ngắm những bông hoa "mắc cỡ" mầu tím nhạt, tua tua như hoa mimosa, không từng lấy ngón tay đụng nhẹ vào những nhánh lá dễ thương như lá me để thấy nó khép lại? Thế mà Nhật Trường đã đặt cho nó cái tên rất gợi hình, gợi cảm: "Hoa Trinh Nữ." "Nâng nhẹ một cây, lá khép trong tay, lá ngủ thật mê say..." Thật là tài tình.

Và như thế, từ những cuộc hành quân Lam Sơn ở Đông Hà, Chợ Cạn, Khe Sanh, Ashao... đến Khamjei ở Kontum, Đakto, Võ Định, Chu Pao..., bước chân tôi đi cùng nhịp với những nét nhạc của Trần Thiện Thanh. Tôi biết Trần Thiện Thanh quen với nhiều anh em trong đơn vị của tôi. Nhưng phải thú thật, sau cuộc hành quân Lam Sơn 719, nghe bài ca khóc Nguyễn Văn Đương, tôi mới hiểu được sự gắn bó của Trần Thiện Thanh với binh chủng Nhẩy Dù.

Từng lời ca cho người nghe cái cảm giác Trần Thiện Thanh đang có mặt trên đồi 31, lúc địch quân tràn ngập. "Ôi tiếng súng sau cùng đó, anh còn nghe tầm đạn đi không anh?" Tiếng súng sau cùng đó không phải là tiếng đại bác! Anh đã yêu lính Nhẩy Dù. Anh đã thương Nguyễn Văn Đương, đã thương Nguyễn Đình Bảo bỏ mình trên đồi Charlie. "Anh! Anh! Hỡi anh ở lại Charlie..." Anh đã yêu cô nhi quả phụ ngậm ngùi đưa tiễn chinh phu về nơi an nghỉ... "Đợi anh về chỉ còn trơ vầng trán đứa bé thơ tấm khăn sô... Bơ vơ, người góa phụ cầu được sống trong mơ..."

Tôi gần gũi nhiều với Nhật Trường trong Mùa Hè Đỏ Lửa. Lúc đó, thương binh nhiều, Nhật Trường hay vào Sư Đoàn trong các đoàn văn nghệ quân đội giúp vui, ủy lạo thương bệnh binh của Bệnh viện Đỗ Vinh. Mỗi lần anh tới là chúng tôi đã có những lần gặp gỡ, hàn huyên ở Quán Hoa Dù hay ở ngay trong Câu Lạc Bộ Tiểu Đoàn Quân Y của tôi. Lúc làm Tiểu Đoàn Trưởng, tôi theo Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn ra hành quân ở căn cứ Hiệp Khánh, Huế, nơi tôi có một bệnh viện dã chiến dưới hầm và một bệnh viện tản thương ở Phú Bài. Tôi lại có nhiều dịp gập Nhật Trường trong các đoàn văn nghệ trung ương ra tiền tuyến giúp vui thương binh.

Chúng tôi mất liên lạc khi Sài Gòn thất thủ. Tôi đi tù "cải tạo." Trong tù anh em hay bắt tôi hát những bài quen thuộc của Trần Thiện Thanh. Được thả về, sở y tế thành phố điều tôi về bệnh viện Phước Kiến, cải danh thành Nguyễn Trãi làm việc trong khoa Tai Mũi Họng. Nơi đây tôi lại có dịp tái ngộ Trần Thiện Thanh. Câu chuyện gặp lại người xưa cũng khá ly kỳ.

Vào năm 1978, tình cờ một hôm, có một thiếu phụ vào trong khoa xin được khám bệnh. Tôi ra gặp và nhận ra là kịch sĩ Kim Cương. Sau khi chẩn bệnh và điều trị, cô đưa tôi 2 vé mời xem kịch. Cô là giám đốc đoàn kịch Bông Hồng. Mấy hôm sau chúng tôi đi xem kịch. Tôi không nhớ đêm đó đoàn diễn vở gì. Nhưng tôi nhớ rõ Nhật Trường đã xuất hiện với bài hát "Con Kinh Ta Đào", nhạc "cách mạng!" (Ối giời ơi!). Sau khi hạ màn, tôi vào hậu trường hỏi Kim Cương xin gập Nhật Trường và hẹn anh hôm sau vào bệnh viện chỗ tôi làm việc.

Chúng tôi đã gặp lại nhau sau mấy năm xa cách. Mừng mừng tủi tủi. Vẫn dáng người hào hoa, Sơ mi trắng bỏ trong quần ủi thẳng. Vẫn cặp kính đen Ray-ban thật to. Tôi hỏi:

- Gớm sao diện thế? À mà đeo kính đen, họ kỵ lắm đấy

Cũng vẫn bằng một giọng Bắc không chê vào đâu được, Nhật Trường trả lời:

- Đến gặp ông anh thì phải ăn mặc tử tế chứ. Mấy năm rồi anh nhỉ? Em thây kệ ai muốn nói gì thì nói, em đeo kính đen có chết thằng chó nào đâu?

- Được đi hát từ bao giờ?

- Mới hai tháng nay thôi anh ạ.

- Dạo này có sáng tác gì không? Sao lại đi hát bài của "cách mạng" vậy? Tôi thấy cậu hát mà không thể tưởng tượng được đó là Nhật Trường.

- Em cũng nghĩ thế anh ạ. Em không được đi hát từ ngày "giải phóng" đến tận bây giờ mới được đó. Hát có điều kiện đấy. Từ 30/4 đến nay, em không viết bài nào cả. Em đã từng viết những bài cho Nguyễn Văn Đương, cho Nguyễn Đình Bảo thì làm sao em có thể viết cái gì được bây giờ?

Đó là cái tâm sự thầm kín của Trần Thiện Thanh. Tôi nói thêm:

- Thì viết những bài tình tự dân tộc. Chứ viết tình ca, họ bảo là "nhạc vàng" thì cũng mệt.

- Nếu tình trạng như bây giờ thì em không viết là yên thân.

Từ đó, Nhật Trường vào bệnh viện tôi mỗi tuần một hoặc 2 lần. Buổi trưa, chúng tôi thường ra chợ An Đông cùng với mấy cô y tá Tàu ăn cơm gà xiu xiu. Phòng tôi có máy lạnh, những ngày hè oi bức, Nhật Trường hay ngủ một giấc ngon lành đến chiều đi làm thẳng, không về nhà. Tôi làm ở đây, mỗi tháng lãnh lương được 80 đồng. Nhật Trường lãnh ít hơn. Vì thế mỗi khi đi khám bệnh "chui" cho những người Hoa bị đi "kinh tế mới" trồi về thành phố, không có hộ khẩu nên bệnh hoạn không vào bệnh viện được, kiếm được chút đỉnh, anh em chia nhau xài.

Cuối năm 1979, thấy có nhiều bác sĩ vượt biên, họ cho phép tổ chức văn nghệ trong ngành y tế và được hát những bài hát cũ. Họ đưa cho tôi cây kèn clarinette của Phạm Mạnh Cương để tập dượt. Thế là tôi đã thổi cho Nhật Trường hát. Nhật Trường có viết nhạc đệm cho tôi nữa. Có lần Như Thủy, em gái Nhật Trường vào thăm tôi. Cô bé vẫn nhớ câu nói của tôi: "Tiếng hát Như Thủy nhẹ như một làn khói thuốc Ruby." Và tôi cũng đã thổi kèn đệm để Như Thủy hát những bài của Trần Thiện Thanh...

Năm 1980, tôi vượt biên. Điều làm tôi bực nhất là hôm tôi đi, Nhật Trường không vào bệnh viện để kéo anh cùng đi với tôi. Đâu dám nhắn nhe với ai. Thế là lại mất liên lạc cho đến một ngày...

Ngày đó là ngày Kỷ Niệm Quốc Tổ Hùng Vương tại Hawaii khi Nhật Trường mới ra hải ngoại. Ban tổ chức đã mời được Nhật Trường, Don Hồ tới hát. Tôi gặp Nhật Trường và Mỹ Lan trong niềm vui khó tả. Tôi hỏi:

- Nhật Trường định hát những bài gì?

- Em định hát bài đầu là bài "Chiếc áo bà ba" em sáng tác lúc sau này khi họ cho phép em viết bài hát.

- Cậu ơi! Ở ngoài này, đồng bào còn giữ hình ảnh Nhật Trường với "Anh Không Chết Đâu Anh," "Người ở lại Charlie..." chứ không ai biết "Chiếc áo bà ba" cậu mới sáng tác mà tôi tin chắc cũng sẽ rất hay. Vậy tôi đề nghị như thế này nhé.

- Thế ra anh muốn làm "metteur en scène" cho em đấy hả?

- Không dám, nhưng tôi đề nghị thế này nhé: Sau khi MC giới thiệu một ca sĩ đã vắng bóng 18 năm, nay đã trở về với khán giả. Mở màn, sân khấu trống rỗng. Sẽ chiếu retro hình một thiếu phụ cắp nón lá đứng bên dậu tre đan nhìn ra xa như mong đợi chồng về thì nhạc sẽ trổi lên bài "Anh Về Với Em..." Và Nhật Trường sẽ hát nửa câu nhạc đầu trong hậu trường. Rồi vừa hát tiếp, vừa đi ra... Chịu không ?

- Hết xẩy anh ơi. Em "nhất trí" ngay thôi.

- Bỏ cái điệu nói đó đi nghe không ông tướng.

Buổi trình diễn của Nhật Trường đã được khán giả đứng lên vỗ tay hồi lâu, và mỗi lần bài mới được cất lên lại một lần những tràng pháo tay vang dậy.

Kể từ đó, mỗi lần ghé Nam Cali, tôi thường tới gặp Nhật Trường ở trung tâm băng nhạc của anh. Nhật Trường tặng tôi nguyên bộ CD các bài của anh và của Mỹ Lan thu ở Hải Ngoại. Giờ đây, ngồi viết những giòng này, tai còn nghe "Lâu Đài Tình Ái," "Tình thư của lính..."

Nhật Trường Trần Thiện Thanh không còn nữa. Trong tang lễ anh, đại diện binh chủng Nhẩy Dù đã trịnh trọng đặt trên nắp quan tài chiếc mũ đỏ mà anh thương quý. Đã nhiều lần anh trình diễn với chiếc mũ này, với bộ quân phục hoa rừng của binh chủng. Lúc đó chỉ là diễn xuất. Bây giờ, chiếc mũ đỏ đã thật sự là của anh. Thật khó tưởng tượng Nhật Trường không đội chiếc mũ đỏ. Nếu anh đã từng nói Nguyễn Văn Đương "Anh không chết đâu anh..." Vì người lính dù không bao giờ chết, anh ta chỉ khuất bóng mà thôi, thì "Nhật Trường ơi! Anh không chết đâu anh! Anh vẫn sống trong lòng chúng tôi, những người lính Dù, trong lòng mỗi người lính VNCH và nhất là trong lòng mọi người dân Việt Nam. Một ngày lính dù = Suốt đời lính dù. (Para un jour = Para toujours)

Nguồn: https://www.mautam.net/forum/viewtopic.php?p=179661#179661

Nhật Trường và Trần Đức Tường.
nhattruong-tuong-1
Nhạc phẩm "Lệ Hoa"
Phạm Gia Cổn phổ nhạc thơ của Phan Xuân Hiệp
Người trình bày: Nhật Trường
Tranthienthanh1123a
Nhật Trường Trần Thiện Thanh
(Trích nguồn)
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010