Loading
Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Tin TÙc-Th©i S¿ Nh»ng vÃn ÇŠ ª Çàng sau các cu¶c rÓi loån tåi Ai CÆp
9260221-standard
72516415-egypt-unrest
02022011035059
Egypt unrest (33)
Egypt unrest death toll surpasses 100 a
egyptian-muslims-protest-women-110510jpg-0729b61162cebde3-441x300
some-demonstrators-in-egypt-pelted-police-with-stones
ss-110128-egypt-unrest-13-1024x757
ss-110201-egypt-unrest-eg-23_photoblog600
t1larg_egypt_shoes_afp_gi
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Nguyễn Tiến Cảnh


         Phẫn uất vì tốt nghiệp đại học mà không kiếm được việc làm, phải sống bằng nghề bán hàng rong trên đường phố nhưng lại bị công an cảnh sát tịch thu mất hết hàng hóa và đồ nghề, anh Mohamed Bouzizi 26 tuổi đã tự thiêu tại Sidi Bouzid, Tunisia để phản đối chính phủ, đã là mồi lửa bừng sáng đốt cháy khắp Trung Đông.

         Nhiều người so sánh hành động này với việc Gabrilo Princip ám sát hoàng tử nước Áo Franz Ferdinand năm 1914, cũng là cớ gây nên thế chiến I, để rồi sau đó biết bao biến cố dồn dập xẩy ra đã làm biến dạng toàn thể thế giới.

         Vì hành động hy sinh can trường của Mohamed Bouzizi mà Tổng Thống Tunisia phải bỏ nước ra đi, Tổng Thống Ai Cập Hosni Mubarak phải thoái vị và cứ vậy theo thế domino, những cuộc xuống đường phản đối chính phủ đã liên tiếp xẩy ra ở Jordan, Yemen, Bahrain, Algeria, Lybia và các nước Ả Rập; có chỗ phải đổ máu, đặc biệt tại Lybia nội chiến chết người đã xẩy ra giữa hai phe chống và ủng hộ Qaddafi khiến Liên Hiệp Quốc phải lên tiếng, Hoa Kỳ đem 5 tàu chiến vào sát nách Lybia trong Địa Trung Hải, sẵn sàng ứng chiến cho đến giờ chưa biết kết quả sẽ ngã ngũ thế nào. Nhiều nơi, chính phủ quá hoảng sợ đã ra lệnh dẹp thông tin mạng luới toàn cầu Internet và cắt đứt mọi đường dây điện thoại di động trên toàn  quốc để tránh lan truyền những tin tức biểu tình chống chính phủ. Có chỗ đã thấy xuất hiện xe tăng, quân đội trên đường phố để kiểm soát. Việt Nam, ngoài việc công an canh giữ khắp các ngã đường phố, chính phủ đã tung ra hàng loạt bắt giữ những nhà tranh đấu và bất cứ ai có máu mặt tỏ cử chỉ chống đối.

          Bên trong những biến cố lớn này, phải chăng có những âm mưu đen tối đang âm thầm xẩy ra. Kinh thánh có hé mở cho chúng ta biết được điều gì không? Mọi rối loạn rồi sẽ trở lại bình thường hay sẽ bùng phát trở lại và còn tồi tệ hơn nữa?

Ý NGHĨA THỰC CỦA NHỮNG BẤT ỔN

          Mohamed Bouazizi vẫn còn một chút xíu hy vọng ở tương lai mặc dù khổ công tìm mãi không ra được việc làm, nhưng anh ta lại có thể kiếm sống tạm thời bằng nghề bán hàng rong trên hè phố.

          Sự nản chí cùng đường của anh đã được hàng triệu người, không chỉ ở Tunisia mà cả thế giới Ả Rập cảm thông, vì họ cũng là những người dân bị áp bức, cơ cực đang trong lúc cơn giận dữ trào dâng cao độ vì chẳng còn mảy may cơ hội giúp cho cuộc sống của họ khá hơn, trong khi chính quyền, những người lãnh đạo quốc gia thì độc tài, tham ô. Gia đình, bạn bè và phe phái thì giàu sang phú quí, sống phè phỡn trên đau khổ lầm than của người dân. Sự phẫn uất này lại cũng thường đổ lên đầu các nước Tây Phương, đặc biệt là Hoa Kỳ mà họ cho là đang cố tình chèn ép chế ngự thế giới Hồi Giáo, làm ô uế cả văn hóa lẫn đạo lý của họ bằng cách yểm trợ nâng đỡ những chính phủ bù nhìn và cái quốc gia đáng ghét Israel.

         Chính những uất hận này đã như đổ dầu vào lửa nơi những người Hồi Giáo gốc và cơ bản
[1], họ luôn luôn sẵn sàng kích động dân nổi dậy làm cách mạng để cướp chính quyền hầu thiết lập một Cộng Đồng Hồi Giáo Toàn Cầu với những luật lệ riêng của Hồi Giáo.

         Đứng đầu những nhóm này là nhóm Hồi Giáo Huynh Đệ, xuất phát tại Ai Cập và hiện khá mạnh, có thể ảnh hưởng rất lớn trong bất cứ một cuôc bầu cử công quyền nào khả dĩ làm thay đổi thời cuộc vào thời kỳ hậu Mubarak. Chính người phát ngôn của nhóm này đã tuyên bố hủy bỏ hiệp uớc hòa bình với Israel biến hai quốc gia này trở lại thành thù nghịch với nhau
[2].

         Nhóm Hồi Giáo Huynh Đệ này đã thành lập nhiều tổ chức khủng bố khác nhau. Hiến chương Hamas hiện đang được thi hành tại Gaza với bàn tay sắt cho thấy “nó là một trong những cánh tay nối dài của Hồi Giáo Huynh Đệ tại Palestine.” Nó cũng có liên hệ với những nhóm đã nhúng tay vào cuộc thảm sát 58 khách du lịch tại Luxor, Ai Cập năm 1997 và việc ám sát tổng thống Ai Cập Anwar Sadat năm 1980 vì ông đã ký hiệp ước hòa bình với Israel. Đầu não vụ 9/11 tại Hoa Kỳ là Khalid Sheikh Mohammed và Ayman al-Zawahiri, cánh tay mặt của Osama bin Laden đều là những thành viên của Hồi Giáo Huynh Đệ cả.

CÓ THỂ CÓ MỘT IRAN THỨ HAI KHÔNG?

          Đối với người Tây Phương thì họ khó có thể nắm bắt và hiểu được cái cuồng tín nồng nhiệt về tôn giáo đến mê muội hiện đang lèo lái, kích động và hướng dẫn những biến cố xáo trộn xẩy ra tại nhiều xứ ở Trung Đông. Lý do là người Tây phương ít coi tôn giáo là quan trọng, thành thử họ khó có thể mường tượng được cái sâu thẳm của niềm tin tôn giáo đang nung nấu thúc đẩy rất nhiều người ở những miền đất nước này. Cũng rất khó làm cho họ hiểu được cái khác biệt quá lớn lao về văn hóa đã như là bức tường ngăn cách họ với người Hồi Giáo.

          Ngay cả chúng ta là những người đang sống trong một nền dân chủ tiến bộ của tây phương cũng thường tự nhiên bày tỏ cảm tình đối với những đòi hỏi của những người biểu tình ở Ai Cập, Tunisia, Jordan, Yemen và Lybia chỉ vì khát khao tự do dân chủ và cơm áo… Nhưng với tính cách con người thì người ta lại ngao ngán thương hại cho những hành động ấy.

          Cựu TT. George W. Bush đã học được bài học - và bây giờ TT. Barack Obama có lẽ cũng đã học được rồi - là thiết lập một nền dân chủ “ngay lập tức” chỉ là chuyện hoang đường và không tưởng. Đưa ra một nền dân chủ tự trị bất ngờ đến cho người dân mà qua nhiều thế hệ họ vẫn còn nằm sâu, chìm đắm trong một nền văn hóa chỉ biết gọi dạ bảo vâng, chỉ biết làm những điều người trên biểu làm; họ hoàn toàn chưa có một ý tưởng thế nào là tự do dân chủ, họ thường nhìn lên cao và chờ mong ở những người có quyền thế như là những vị cứu tinh, lại thường  bị chia rẽ vì những chống đối hiềm khích nhau từ cả ngàn đời rồi thì chỉ tạo ra thêm nhiều rắc rối cho vấn đề hơn là có thể giải quyết được nó.

         Chúng ta thử coi lại tình trạng ở Gaza Strip, cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên vào năm 2006 đã đưa nhóm khủng bố Hamas lên cầm quyền. Đây là cuộc bầu bầu cử đầu tiên và cũng là cuối cùng. Hãy nhìn vào Iraq và Afghanistan, người ta đã cố gắng thiết lập một thể chế dân chủ sau khi đã loại bỏ những tay sừng sỏ cứng đầu như Saddam Hussein và Mullah Omar để rồi chỉ chuốc lấy những thất vọng đắng cay.

         Giống như người dân ở Gaza, dân Iraq và Afghanistan luôn luôn tìm kiếm một biểu tượng tôn giáo để lãnh đạo họ, và họ luôn luôn ấp ủ, nuôi dưỡng trong đầu những rối loạn và chia rẽ mà thôi.

         Một thí dụ khác ở Iran là biến cố 1979. Lý do là sinh viên và thành phần tiến bộ trong xã hội Iran lúc đó vì bất mãn với chính quyền nên đã bùng lên làm cách mạng tương tự như ở Ai Cập mấy tháng trước. Đây thực sự không phải vì những cuộc biểu tình rộng lớn của dân chúng mà ông vua shah của Iran từng là người ủng hộ Tây phương, bị lật đổ mà vì bị chính những người tây phương từng ủng hộ nhà vua đã bỏ rơi ông, cuối cùng nhà vua phải rời xứ sở mình trong ê chề nhục nhã.

         Đôi khi - có thể rất ngắn và nhất thời - Iran cũng chứng tỏ là một chính quyền dân chủ tiến bộ. Nhưng chỉ được một tháng thôi, sau khi vua shah ra đi thì đám thần dân của Ayatollah Khomeini lên nắm quyền và một cuộc cách mạng của Hồi Giáo cơ bản thực sự lộ diện và hoành hành. Iran đã nhanh chóng trở thành một chế độ thần quyền thực sự.

        Ngày nay, sau ba thập niên, Iran vẫn còn nằm dưới quyền thống trị của Ayatollah Khomeini theo kiểu cha truyền con nối, gồm cả TT. Mahmoud Ahmadinejad là người đang cố gắng và chủ trương phát triển khí giới hạnh nhân chống lại Tây phương, reo rắc lo sợ cho  các quốc gia láng giềng.

TẠI SAO AI CẬP LẠI QUAN TRỌNG?

        Như chúng ta đã biết, người Hồi Giáo có mục đích và chủ trương thiết lập một Cộng Đồng Hồi Giáo toàn cầu theo chế độ thần quyền. Ai Cập có thể là trung tâm điểm và là mẫu mực cho cuộc cách mạng ấy. Với dân số 80 triệu người, Ai Cập là nước đông dân nhất trong thế giới  Ả Rập, lại là nước có tiềm năng quân sự mạnh nhất ở trong vùng, chỉ  sau Israel. Nó lại kiểm soát một trong những cửa ngõ chính cho tàu bè qua lại là kinh đào Suez mà hàng ngày có tới 2 triệu thùng dầu được chở qua để đi đến những thị trường béo bở và cần thiết ở các quốc gia Tây phương.

       Với một lịch sử đầy biến cố và truyền thống văn hóa quan trọng như vậy, Ai Cập hẳn phải giữ một vị thế đặc biệt trong tâm khảm của mọi tín đồ Hồi Giáo trên khắp hoàn cầu. Nếu Ai Cập quay lưng lại với chính quyền dân sự dân chủ để chủ trương thể chế Hồi Giáo cơ bản trên bình diện quốc gia - mà khi đầu phiếu nếu đa số dân chúng ngả theo chiều hướng đó - thì nó sẽ là một hồng ân vĩ đại để cho một cuộc cách mạng nữa xẩy ra.

       Lúc đó chẳng còn hồ nghi gì nữa, tuồng cũ đã diễn ra ở Iran sẽ lại được thực hiện ở Ai Cập và những nước khác ở Trung Đông để Hồi Giáo nhảy lên cầm quyền mà thôi. Trước tiên họ sẽ reo rắc bất mãn trong dân, gây cảnh hỗn loạn mất an ninh trật tự để lấy cớ cho dân chúng yêu cầu một giải pháp ổn định, khi đó họ sẽ nhảy vào đưa ra giải pháp cho những vấn đề mà chính họ là những kẻ đã tạo ra. Thế là thể chế độc tài toàn trị được khai sinh. Chỉ một khác biệt duy nhất là nhà cầm quyền sẽ theo chế độ thần quyền
[3].

        Dĩ nhiên cách mạng kiểu đó sẽ không chỉ ngừng ở một nước Iran. Nếu Ai Cập, nước đông dân nhất và có sức mạnh quân sự lớn nhất trong thế giới Ả Rập mà bị rơi vào cuộc cách mạng như vậy thì những quốc gia lân bang trong vùng chẳng mấy chốc cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự. Giống như thế đổ Domino, các chế độ quân chủ Ả Rập và những “người hùng” ở Libya, Algeria và Morocco ở về phía tây, Jordan, Saudi Arabia, Yemen, Oman, Qatar, Liên hiệp Ả Rập Emirates, Kuwait, Lebanon, Syria và Iraq ở về phía đông và đông bắc sẽ tuần tự sụp đổ mà thôi.

        Chỉ trong vòng vài ngày hay vài tuần là toàn thể Trung Đông sẽ bị biến đổi toàn diện tận gốc rễ. Lúc bấy giờ, Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương không những chỉ phải đối đầu với một mình Iran là nước chuyên xuất cảng khủng bố và theo đuổi khí giới hạnh nhân mà còn phải đương đầu với cả hàng tá hoặc hơn nữa những nước thù nghịch tương tự như vậy.

        Nếu những suy đoán đó xem ra có vẻ khó có thể xẩy ra thì, xin nhớ rằng những biến cố giống như vậy đã từng xẩy ra và đã lật đổ các nhà cầm quyền ở Tunisia và Ai Cập thì nó cũng có thể xẩy ra ở Jordan, Algeria và Yemen vậy.

KINH THÁNH NÓI GÌ VỀ NGÀY TẬN THẾ Ở TRUNG ĐÔNG?

        Nếu Trung Đông nằm hoàn toàn trong tay Hồi Giáo cơ bản, thì Tây phương, Hoa Kỳ và Kitô giáo/Công Giáo nhất là Israel khó có thể sống vui an bình được. Thế chiến III có thể xẩy ra ở Trung Đông? Rất có thể lắm, bởi vì Trung Đông là trung tâm điểm của các biến cố, sẽ có nguy cơ dẫn đến ngày tận cùng của những chế độ trần thế vì không biết cai trị một cách công minh phải lẽ để rồi cần phải có Chúa Giêsu Kitô xuất hiện lần thứ hai mới mong vãn hồi được trật tự.

        Thật vậy, Trung Đông sẽ phát khởi ra những biến cố ghê gớm làm xáo trộn và bất ổn cho cả vùng và toàn thể nhân loại. Iran vì say men chiến thắng sẽ tung bom nguyên tử làm kinh hoàng thế giới? Chính chúa Giêsu Kitô đã báo trước: “Khi ấy sẽ có nhiều sự gian nan khốn khổ đến độ từ khai thiên lập địa cho đến giờ chưa bao giờ xẩy ra và sẽ không bao giờ xẩy ra như vậy nữa. Nếu những ngày ấy không được rút ngắn lại, thì không ai được cứu thoát; nhưng, vì những kẻ được chọn nên các ngày ấy sẽ được rút ngắn lại.” (Mt.24:21-22).

        Chương 11 sách tiên tri Daniel đã nói đến sự xuất hiện của một vị thủ lãnh từ vùng đất Trung Đông: “Vào thời cùng tận, vua phương Nam sẽ chạm trán với vua phương Bắc, và vua phương Bắc với xa mã, kỵ binh, thuyền bè vô số kể sẽ  tấn công vua phương Nam như vũ bão. Hắn sẽ xông vào các xứ, tràn ngập như nước lũ” (câu 40). Vua phương Nam này chính là thủ lãnh của liên minh các quốc gia Hồi Giáo vào thời cùng tận
[4].

        Lời tiên đoán của Daniel bao trùm nhiều thế kỷ, từ thời đế quốc Ba Tư/Persia cho đến ngày tận cùng, lúc chúa Giêsu Kitô trở lại. Cũng ở chương 11 này, danh hiệu vua phương Nam và vua phương Bắc, nguyên khởi là ám chỉ hai vị tướng nối nghiệp Alexander Đại Đế sau khi ông này băng hà, đã tuyên bố đế quốc của Alexander Đại đế ở phía Nam và phía Bắc Đất Thánh là giang sơn của mình
[5].

       Nhưng qua nhiều thế kỷ, lời tiên tri đã ứng nghiệm, các vua phương Nam và vua phương Bắc, cũng như các lãnh thổ mà họ đã từng thống lãnh đã thay đổi. Các liên minh, vương quốc, đế quốc và triều đại cũng có nhiều thăng trầm đổi thay
[6]. Cho đến nay, sau đệ II thế chiến, đế quốc cộng sản đã xụp đổ, chiến tranh lạnh đã chấm dứt, thế giới đã toàn cầu hóa, các quốc gia Âu Châu thành lập Liên Âu, tình trạng Hồi Giáo đang cố vươn mình quyết trở lại thời hoàng kim xa xưa nên chúng ta không thể thu gọn vua phương Bắc và vua phương Nam nằm ở Đất Thánh nữa. Vào thời tận cùng, vua phương Bắc lúc này phải là thủ lãnh của liên hiệp các quốc gia Âu Châu, tức Liên Âu, một tân siêu cường mới xuất hiện [7]. Ông vua này và vua phương Nam ngày tận cùng sẽ chạm chán nhau vì những bất đồng khó giải quyết.

XUNG  ĐỘT GIỮA CÁC  NỀN VĂN MINH

        Tiên tri Daniel viết: “Vào ngày tận cùng, vua phương Nam sẽ tấn công hắn (vua phương Bắc); và vua phương Bắc với xe tăng tàu bò, tàu chiến, kỵ binh sẽ đánh trả lại như vũ bão; hắn sẽ xông vào các xứ, tràn ngập như nước lũ” (Dn 11: 40).

        Vua phương Nam tấn kích vua phương Bắc, vua phương Bắc/Liên Âu, Khối Nato sẽ trả miếng tấn công lại và nhảy vào xâm chiếm Trung Đông: “Hắn (vua phương Bắc) sẽ đi vào vùng giang sơn gấm vóc
[8] , và nhiều quốc gia sẽ bị triệt hạ; nhưng họ sẽ chạy thoát khỏi tay hắn: Edom, Moah và những nhân vật quan trọng Ammon” (Dn 11: 41).

        Edom, Moah và Ammon là dân Jordan hiện nay, như vậy có thể là binh lực của vua phương Bắc sẽ chiếm đóng Israel nhưng ngừng lại ở đó không lấn chiếm Jordan.

        Nhưng hãy để ý đến những câu 42, 43 kế tiếp của Daniel nói về việc chiếm đóng của vua phương Bắc: “Hắn vươn cánh tay dài trên các quốc gia và Ai Cập cũng sẽ không chạy thoát được. Hắn sẽ làm chủ những kho tàng vàng bạc chân châu quí giá của Ai Cập.  Dân chúng Lybia và Ethiopia thì đi theo hắn” (Dn 11: 24-43).

        Lybia là nước nằm sát Ai Cập về hướng Tây; còn Ethiopia thì ở phía Nam. Như vậy rõ ràng là vua phương Bắc, để trả miếng đã xâm chiếm cả vùng để rồi kiểm soát luôn cả Ai Cập, Lybia và Ethiopia, và có lẽ cả North Africa nữa.

ĐÔI LỜI KẾT

        Khi mà binh lực chiến đấu của Hồi Giáo chưa xuất hiện, thì không có thể nói trước được điều gì. Nhưng qua cuộc cách mạng ở Iran năm 1979 và chủ trương liên kết lại tất cả các tín đồ Hồi Giáo trên toàn thế giới dưới bóng cờ Hồi Giáo thì chúng ta thấy rằng phong trào Hồi Giáo có vẻ như đang gia tăng chuyển động để tiến lên hầu nắm trọn các nước ở Trung Đông và liên kết các tín đồ Hồi Giáo lại để chống Tây Phương.

       Đối với họ, Âu Châu vẫn là mối đe dọa lớn của Hồi giáo. Hiện nay, Osama bin Laden thuộc phe Hồi Giáo gốc vẫn cứ nhắc đi nhắc lại rằng Tây phương vẫn còn ảnh hưởng Trung Đông  bằng cách tiếp tục “thập tự chiến” vớí mục đích huỷ diệt Hồi Giáo.

       Có những bộ mặt khác nữa của Hồi Giáo thì đã công khai nói về việc Hồi Giáo “xâm chiếm” Âu Châu. Phần lớn họ nghĩ đến một giải pháp rất là hòa bình, là làn sóng di dân Hồi giáo ồ ạt vào Âu Châu rồi sinh con đẻ cái tràn đầy và trở thành những công dân Âu Châu. Họ xâm nhập, hòa mình vào dân địa phương để rồi phát động “chiến tranh”, và thánh chiến Jihad nếu cần
[9].

       Trong bầu khí căng thẳng hiện nay với sự đe dọa Tây phương bằng nguyên tử của TT. Iran Mahmoud Ahmadinejad, chủ thuyết Hồi Giáo gốc và Hồi giáo cơ bản vẫn đang lan truyền sâu rộng khắp nơi, tranh chấp bất đồng giữa Hồi Giáo và Tây phương thì ngày càng lớn, và rất có thể các chính phủ dân sự ở các nước Ả Rập sẽ bị lật đổ và thay thế bằng một chế độ thần quyền Hồi Giáo thì sự xung đột giữa các nền văn minh và nguy cơ chiến tranh mở rộng ở Trung Đông xem ra  không phải là chuyện  khó có thể xẩy ra.

       Đúng vậy, dù sao chúng ta cũng phải để ý coi chừng những vấn đề ở Trung Đông. Khi viết bài này thì những rối loạn ở Ai Cập vẫn còn mù mờ chưa được sáng tỏ lắm; có thể xáo trộn sẽ tạm thời lắng dịu hoặc sẽ bùng phát trở lại và còn tồi tệ hơn.

       Cho dù có xẩy ra thế nào đi nữa, và nếu nó không xẩy ra ngay bây giờ thì những biến cố, tin tức hiện tại cũng cho ta thấy tình trạng các nước ở Trung Đông rất là bấp bênh,   nó có thể thay đồi cấp kỳ, bất ngờ và bất cứ lúc nào, đúng như những lời tiên đoán của tiên tri Daniel, như chính Chúa Giêsu Kitô cũng đã truyền dạy trong Tin Mừng thánh Luca: “Anh em hãy luôn luôn tỉnh thức và cầu nguyện để có đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xẩy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21: 36).

      Ước mong tất cả mọi người chúng ta đều làm được như vậy.

Fleming Island, Florida  5-3-2011
NTC



[1]
Islamic Radicals và  Islamic Fundamentalists
[2] Thời TT. Sadat và  Mubarak, Ai Cập và Israel đã ký kết Hiệp Ước sống chung hòa bình với nhau.
[3] Quyền hành trong nước nằm trong tay các vị lãnh đạo tôn giáo, ở đây là Hồi Giáo.
[4] Nên nhớ rằng mục đích chính và nguyên thủy của Hồi Giáo cơ bản là kết hơp lại tất cả mọi tín đồ Hồi Giáo dưới sự thống lãnh theo một luật chung của Hồi Giáo.
[5] Do đó mới có danh hiệu vua phương Nam và vua phương Bắc.
[6] Chúng tôi sẽ có một bài riêng nói về ngày tận thế qua các lời tiên tri trong kinh thánh.
[7] Liên Âu/Liên Hiệp Âu Châu trong tương lai sẽ rất có thể trở thành siêu cường số 1, thay thế Hoa Kỳ.
[8] Tức Đất Thánh ( Holy Land) thường là ám chỉ quốc gia Israel bây giờ.
[9] Chúng ta thấy Âu Châu, đặc biệt Pháp hiện đang  phải vật lộn, điên đầu vì nạn di dân cả hàng triệu  người Hồi; họ sinh con đẻ cái, gây biết bao xáo trộn trước mắt về văn hóa, xã hội, giáo dục, chính trị và kinh tế….

Tác giả Nguyễn Tiến Cảnh

Tác giả Nguyễn Tiến Cảnh

Một số hình ảnh dân chúng nổi dậy tại Ai Cập