Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
|
Insigne de l'ASNOM (Association Amicale Santé Navale et d'Outre-Mer) |
|
|
L'École de Santé Navale à BORDEAUX |
|
Tưởng nhớ đồng nghiệp Phạm Vận
Nam Minh Bách
Thi xong PCB năm 1950 chúng tôi đứng xem tờ thông cáo dán ở Trường Đại Học Y Hà Nội, tuyển mộ sinh viên Y Sỹ Hiện Dịch, từ lớp xong PCB trở lên đi học Santé Navale tại Bordeaux Pháp, riêng PCB sẽ lấy theo thứ tự điểm thi. Học 6 năm, hoàn toàn miễn phí "Défrayé de tout," trở về sẽ gia nhập Quân đội Quốc Gia của Đức Quốc trưởng Bảo Đại.
Đó là thời xa, xa lắm, trước cả những ông Delattre và khóa I Nam Định, trước cả những trận kinh hoàng Việt Bắc. Phạm Vận và tôi nộp đơn ngay tức khắc vì gia cảnh nghèo nhất, chỉ cần nhìn chữ defrayé de tout và chữ Bordeaux, không cần suy nghĩ .Nhiều anh không nộp đơn, họ có những người yêu nàng dược sĩ này nọ không thể xa được 1 ngày, họ tính toán có những Học bổng Trần văn Hữu và Lê văn Hoạch. Và một năm sau họ vào Trại Khóa 1 Nam Định,ngậm một mối hối tiếc đắng cay.
Chúng tôi ra đi nhanh chóng chỉ có 1 tuần sau một khám nghiệm sức khỏe như trò hề của Quân Đôi Quốc Gia lúc đó còn trong thai nghén. Bay tới Sài Gòn làm giấy tờ rồi bay luôn Paris và tầu hỏa tới Bordeaux.
Trường Santé Navale Bordeaux nguy nga tráng lệ, thành lập từ 1890. Khóa đầu có ông De Lanessan sau làm Toàn quyền Đông Dương (Nhà thương Lanessan). Và những khóa sau sản xuất những ông Rivoalen, (Cụ Ri) , Huard, Montagné, tất cả Bác sỹ Grall và Lanessan, một số Bác sỹ Viện Pasteur Hà Nội Saìgòn đều ở lò này ra cả. Ăn ở tại trường nhưng học Y Khoa Đại Học Bordeaux, ông Massias nổi tiếng Hà Nội Sài Gòn cũng từ Đại Học này sang
Việt nam dạy học.
Việc đầu tiên là Huấn Nhục (Brimade) một truyền thống từ 50 năm trước.Trong 1 tháng trời ma cũ bắt nạt ma mới,muốn làm nhục gì thì làm. Mới là Bào thai (foetus) đứng nghiêm nghe ông cũ (Ancien) sỉ vả. Chúng tôi được Nhà Trường chỉ thị cho nhẹ tay nên các ông Messieurs les Anciens chỉ bắt đứng nghiêm nạt nộ cho lấy lệ. Nhưng Bào Thai Pháp thì vất vả ngày đêm chửi mắng dọa nạt. Để làm gì, về sau khi ở tù gọi là Học Tập Cải Tạo mới biết. Đó là cách giáo dục thanh niên vừa từ mái nhà êm đềm cha mẹ phụng dưỡng biết thế nào là ngoài đời nó bất công và tàn nhẫn lắm. Nhất là tuyệt đối phục tùng cấp trên, cả Quân Đội và Y Khoa đều cần thiết kỷ luật như vậy trong khi giảng dậy.
Trong Học Tập Cải Tạo của Xã Hội Chủ Nghĩa sáng ngời còn có mục bỏ đói cho một số chết để biết tay thế nào là Chuyên Chính Vô Sản.
Chúng tôi sống như sỹ quan hạ cấp tại chiến hạm. 4 người trong 1 "carrée" buồng vuông nhỏ,có bàn lớn để học, xung quanh là 4 gường nhỏ. Mỗi người 1 tủ nhỏ. Tôi cùng carrée anh Vận và ba anh khác. Khóa Việt nam có 10 người , 5 Bắc từ Đại Học Hà Nội tới, 5 Nam và Trung từ Đại Học Sài Gòn. Và các carrée bên cạnh giao lưu ngay, Sinh viên Sỹ Quan Pháp cũng tò mò không kém gì chúng tôi muốn biết bạn mới.
Không ai lịch thiệp như người Pháp trong việc giao hảo. Họ có biệt tài nói chuyện, lời lẽ văn minh nhã nhặn và tâm lý kín đáo nhưng bén nhạy. Bao giờ cũng tôn trọng quan điểm của nhau dù bất đồng ý kiến. Không bao giờ bác bỏ đối phương, nếu có thì dùng những danh từ dịu dàng nhất. Họ đọc văn chương của cả thế giới nên am hiểu lạ lùng về mọi chuyện, kể cả tâm lý mấy anh chàng Việt Nam ngơ ngác tới Trường họ.
Phạm Vận và tôi ngủ cạnh nhau hay được các bạn Pháp chiếu cố. Họ biết chúng tôi thích nói chuyện lịch sử và văn chương, có khi họ chạy sang hỏi một câu thơ Pháp họ quên xuất xứ từ đâu, chúng tôi trả lời được. Môt tác phẩm của Pearl Buck họ quên mất đề chúng tôi nói ra ngay. Người Pháp có một đặc điểm là rất coi trọng người nào biết văn hóa Pháp, không biết tiếng Pháp đối họ là môt trọng tội không thể tha thứ được. Và lúc đó anh chàng ngoại quốc sẽ được gán cho những danh từ bất lịch sự nhất, tiếng Pháp cũng rất phong phú những loại danh từ này.
Chúng tôi nhanh chóng chiếm được cảm tình của những bạn mới. Và nhất là mỗi tuần thi một lần, kết quả dán ở cửa ra vào, họ tới nói với chúng tôi "Với những điểm như vậy thì dù chúng mày không muốn độc lập chúng tao bắt phải độc lập." Truyền thống Santé Navale là mày tao thân thiện kiểu sinh viên Y Khoa tutoyer… Chúng tôi vội nói ngay, thi cử là nghề chúng tao hơn 1000 năm nay rồi. Thi cử có giải quyết được mọi sự đâu.Chúng tao chưa giải
quyết được cái khó nhất . Đó là thay đổi văn hóa từ xã hội Khổng giáo sang xã hôi tân tiến kiểu nào cách nào, ngay cả Nhật Bản cũng còn lúc chới với chứ nói gì tới Việt Nam và Trung Quốc.
Chúng tôi có những bạn mới gắn bó nhau tùy sở thích, Phạm Vận gắn bó với những anh chàng bài Belotte, cả đời anh thích đánh bài. Tôi vẫn hình dung được anh mặc áp lính thủy (năm đầu coi như quân dịch binh nhì lương tháng có 180 quan không được 2 đồng bạc và 16 bao thuốc lá Troupes cho lính), áo có yếm đằng sau lưng để khi có gió biển thì che cổ, mặc áo lính thủy đánh Belotte Rebelotte với mấy cha nội Pháp vừa chửi thề không kém gì lính thủy
chính cống.
Vẫn giữ được tâm hồn Việt Nam anh gia nhập xã hội Pháp như cá với nước, không một chút nào tự cao hay tự hạ.Và khi chơi Boule ở sân trường anh đo khoảng cách 2 Boule bằng thắt lưng cao xu của anh , dí dỏm ăn gian làm các ông tây cười bò ra. Anh thực sự được lòng anh em cả Pháp lẫn Việt.
Riêng tôi thì sau các anh trong lớp đến 2 hay3 tuổi nên tôi không được trưởng thành như Phạm Vận hay Trần Nguơn Phiêu. Tôi tới nơi hãy còn bồng bột trẻ dại, phải nhờ Santé Navale cả Pháp lẫn Việt dần dần uốn nắn mới được như ngày nay. Một người Pháp trên tôi 2 lớp đã ra công uốn nắn tôi, từ cử chỉ, nói chuyện nhìn vào mắt đừng cúi theo lối Khổng giáo, tư tưởng lời nói phải tuyệt đối đi đôi với việc làm, một nhược điểm của trí thức Việt Nam.
Nhưng chiến sự Việt Nam sôi bỏng, có Sỹ quan Santé Navale bị bắt làm tù binh hay tử trận cũng có. Lại có những "phỏng vấn” trao đổi ý kiến về vấn đề tế nhị này, Tế nhị đến nỗi trước khi chúng tôi tới đã có ẩu đả giữa sinh viên Pháp với nhau về vấn đề sinh viên Việt đến học tại Trường.
Nicolas grand père của tôi, anh số 816 từ Khóa năm 48 hơn tôi hai lớp và tôi số 116 khóa 51, con môt Y sỹ Đại Tá phục vụ tại Việt Nam, một con người rất hiền lành nói với tôi và Phạm Vận: "Tao rất là hối hận, thuở nhỏ tao có một thằng bạn nhỏ Việt Nam chơi bên sông tao suýt nữa làm nó chết chìm nhưng nó chết thì người Pháp ở Việt Nam sẽ bênh vực tao, không môt việc gì sẽ xảy ra. Người Pháp chúng tao đã lầm lỗi nhiều ở nước chúng mày."
Chúng tôi đối đáp ngay, lầm lỗi là cả hai bên, bên chúng tao trí thức cũng mù quáng từ Minh Mạng Tự Đức dựa vào Trung Quốc, Ngay cả Phan bội Châu Đông Du dựa vào Nhật Bản thử hỏi Nhật Bản có bán đứng cụ cho Pháp không, Năm 42 Nhật Bàn chiếm Việt Nam có vô cùng độc ác với nhân Việt Nam không. và nay trí thức Việt Nam dựa vào Liên Xô Trung Quốc liệu có hơn gì Pháp không?
Chúng tôi còn trẻ không biết nhiều về chủ nghĩa Cộng Sản hồi đó. Nhưng Phạm Vận có một trực giác rất nhạy cảm, hơn chúng tôi nhiều lắm. Anh biết xét người, anh có tài phán đoán con người ngay thật hay xảo trá rất cao. Anh biết nhân dân Việt nam chọn chủ nghĩa Cộng Sản dành Độc Lập là đi vào đường cụt tuy trong Chiến tranh chủ nghĩa Cộng Sản rất hào nhoáng và có vẻ đạo đức.Phải khi chiến thắng xong chính quyền trong tay, Đảng Cộng Sản sẽ tha hóa không phương cứu chữa, quy luật là thế. Lúc đó đã quá muộn cho Nhân dân Việt. Dân Việt phải chịu tới 5 lần biến thể tha hóa từ năm 54 tới nay và hiện nay cơ bản là Tư sản Đỏ không còn gì là Mác Xít nữa, chỉ cò bộ phận Công An Lê nin nít bảo vệ Chính quyền. Phạm Vận không biết lý thuyết nhưng biết sự thật từ hồi 50, anh không bao giờ lầm lẫn.
Chúng tôi cũng trấn an Nicolas và các người Pháp khác, mỗi lần "phỏng vấn" là một vòng cả Foetus lẫn Anciens vây xung quanh nghe. Chúng mày không nên mặc cảm về những lầm lẫn, không có ông Yersin làm sao chúng tao có được cây quinquina chữa sốt rét, cây cao su cho kỹ nghệ, làm sao có được Đà lạt, 4 viện Pasteur nguy nga đẹp đẽ cho tới ngày nay, làm sao có được Đại Học Hà Nội và Trường Y Dược Khoa Hà Nội. Không có Paul Doumer làm sao có được hệ thống Quốc Lộ 1 và xe lửa xuyên Việt chỉ trong vòng 5 năm, năm 1905 đã xong. Nicolas yên lặng bước đi và nhìn khoé mắt mọi người tôi biết chúng tôi đã thành công.
Nicolas tử trận ở Hải Dương năm 1953 cách nơi tôi đẻ không xa. Nhưng căn bệnh của Nicolas, trầm kha nay đã lan rộng trên nước Pháp. Mặc cảm tộì lỗi thực dân trút lên đầu người Pháp, bắt họ ăn năn hối cải như trước Tòa Án Dị Đân (Inquisition) thời Trung Cổ.
Tôi lại sắp đi Bordeaux dự lễ Trường sắp đóng cửa vì rời nơi khác, mỗi lần họp lại nhắc lại những lời nói với Nicolas, đừng mặc cảm tội lỗi nữa, dân ViệtNam lập đền thờ ông Yersin từ lâu rồi. Lúc ông chết thời Nhật có 500 trẻ cưỡi trâu đi trước, cả làng đánh cá đi sau linh cữu, thử hỏi có lãnh tụ Việt Nam nào được nhân dân thương mến như vậy không.
Hè 51 bãi trường nghỉ hè nhưng cũng vì thế mà tai họa kéo tới.Sở mật thám báo cáo vớì Trường là có ông vào Hội Chợ của Đảng Cộng Sản Pháp (gái Cộng sản rủ vào) và tên anh em có trên danh sách một số Tổ chức thân Cộng. Lúc đó Đảng Cộng Sản Pháp đày rãy mọi nơi và Sinh viên Việt Nam phần nhiều chống Pháp vì Chiến tranh Việt Nam. Trường bị áp lực của Mật Thám Pháp dự định nói với anh em xếp va li trở về Việt Nam. May thay Tòa Đại Sứ Việt
Nam ra tay chạy vòng trên Chính Phủ Pháp còn tại Trường chúng tôi có bạn bè Pháp bênh vực, công nhiều nhất là Vị Linh Mục Tuyên Giáo Trường. Kể cả anh bạn thân Paul Mattern trên tôi 2 lớp dám cả gan lên gõ cửa ông Tướng Quân Y chỉ huy trưởng nói là Mật Thám Pháp lầm rồi.
Và Tòa Đại Sứ cho đại diện tới, biết là chỉ vì nhàn cư vi bất thiện nên có kế hoạch. Anh em Việt Nam Santé Navale sẽ thay mặt cho tòa Đại Sứ tại Bordeaux do Phạm Vận làm Đại Diện. Kể từ nay sinh viên Việt Nam Bordeaux lãnh tiền học bổng hay Thẻ Thông Hành Tòa Đại Sứ sẽ gặp Đại Diện Phạm Vận mà lấy. Ai không đi được thì Phạm Vận sai chúng tôi đi phát. Và ông Tổng Lãnh Sự Phạm Vận ra đời. Diệu kế! Bordeaux chỉ có mấy sinh viên nhận Học
Bổng. Họ không dám nhận tiền Quốc gia mà lộ liễu như trước nữa.. Và anh em Santé Navale đứng rõ ràng vớí Chính phũ Quốc gia, mấy ông "yêu nước" không dám chơi nữa. Họ để chúng tôi yên.
Nhưng Phạm Vận dành khá nhiều thờì gian tiếp "đồng bào" vào những ngày thứ bảy hay chủ nhật. Mỗi khi Trung sĩ ngoài cổng điên thoại vào mời Sinh viên sỹ quan Phạm Vận ra ngoài có khách là mấy ông tây cười ha hả gọi lớn Mr. le Consul. Có khi đang ăn cơm bị gọi ra. Có khi đang đánh bài bị gọi ra không bao giờ anh cự nự.
Có trường hợp ông công nhân bến tầu vì quá hăng chống Pháp bị đuổi về Việt Nam, anh chàng trốn trên tàu thủy trở lại Bordeaux vì vợ con còn ở Bordeaux, ông Tổng Lãnh Sự động lòng thương xin Đại Sứ cho khoan hồng người đã hối cải. Có trường hợp lưu manh xin Đại Sứ trợ cấp tiền bạc.
Cho đến năm thứ hai Tòa Đại Sứ sợ mất quá nhiều thời giờ dành cho học hành nên cho anh thôi. Anh đã thực sự giúp khá nhiều đồng bào, không vụ lợi, không khoe khoang , không cần ai biết.
Sau này về nước anh làm chức vụ gì chăng nữa cũng kín đáo khôn ngoan giúp mọi người. không vụ lợi, không cần ai biết. Không đòi hỏi quyền cao chức trọng, chức vụ anh là do công lao tỉ mỉ từ lâu, không phải thế lực đảng phái nào hay lãnh tụ nào. Anh khôn ngoan biết là bộc phát là bộc tàn. Làm lợi cho nhiều người nhưng không làm hại một ai vì thế đời anh tai qua nạn khỏi, hưởng thái bình 84 năm. và ngày 14 tháng 3 năm 2011 anh khoan thai ung dung từ biệt chúng ta nhẹ nhàng như người về quê mẹ hưởng thái bình vĩnh viễn. Anh khôn ngoan hơn chúng tôi nhiều lắm.
(Virginia, ngày 19 tháng 3 2011)
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
|
Hải Quân Y Sĩ Đại Tá Phạm Vận, cựu CHT trường Quân Y QLVNCH |
|