Sử dụng từ ngữ trong truyền thông
Loading
Hoàng Giang
Trong truyền thông, việc sử dụng từ ngữ đóng một vai trò tối quan trọng. Từ ngữ là cánh cửa dẫn người nghe/đọc đến vấn đề muốn truyền đạt. Từ ngữ sử dụng có đúng trình độ và đồng điệu với sự cảm nhận của đối tượng thì cánh cửa nhận thức mới mở, đưa đến sự tiếp thu ý tưởng và phán xét vấn đề.

Tiếng Việt là tiếng đơn âm, mang đặc điểm là có nhiều từ đồng âm dị nghĩa. Thêm vào đó, người Việt thường vay mượn Hán tự để diễn tả những ý niệm trừu tượng, hay khi muốn diễn đạt tư tưởng một cách văn hoa. Nhưng Hán tự lại cũng là một ngôn ngữ đơn âm với vấn nạn nêu trên. Thực trạng này một phần đã làm hố ngăn cách giữa hai miền Nam Bắc khó lấp đầy, khác với người Đức. Ở họ, bức tường Bá Linh đã không là một di họa lớn trong việc truyền thông giữa Đông và Tây Đức sau ngày thống nhất, vì ngôn ngữ sử dụng ở cả hai miền có một nguồn chung. Cũng như trong lịch sử Việt Nam, một trăm năm Trịnh Nguyễn phân tranh cũng không đưa đến sự bất đồng ngôn ngữ, vì đa phần dân Việt khi đó chỉ sử dụng Hán tự trong văn bản và sách vở, còn việc học trong cả nước đều dựa trên một gốc, là thuyết Khổng Mạnh, với Tứ Thư Ngũ Kinh... viết bằng chữ nho.

Trong cuộc chiến Việt Nam, suốt giai đoạn phân chia Nam Bắc, truyền thông giữa hai bên bị cắt đứt hoàn toàn. Trong chiến tranh tâm lý, việc sử dụng ngôn từ ở hai miền đã tự phát triển theo hai hướng khác nhau. Dường như cả hai bên đã cố tránh né không sử dụng từ ngữ của nhau. Trong chiến tranh, điều này có lợi trước mắt là chỉ trong một câu nói, qua từ sử dụng, người ta biết ngay đối tượng thuộc bạn hay thù. Vì lý do này, hoặc do ý định phân ranh giới tuyến tới tận cùng, trong cả hai miền Nam lẫn Bắc Việt Nam đã dần hình thành một kho từ ngữ riêng. Sự khác biệt có khi chỉ là cách xếp đặt trước sau (bảo đảm/đảm bảo, triển khai/khai triển), có những từ người nghe hay đọc có thể đoán ra nghĩa không khó khăn (phẩm chất/chất lượng, phim hài/phim diễu)…, nhưng cũng có những từ mang nghĩa hoàn toàn khác biệt (tham quan: viên chức cao cấp tham nhũng [Nam], đi thăm hay xem xét một nơi, một thắng cảnh [Bắc], khẩn trương: nhanh, gấp [Bắc], căng thẳng [Nam]…).

Chỉ trong một khoảng thời gian không dài (21 năm, từ 1954 tới 1975), những khác biệt lớn trong việc sử dụng từ đã khiến dân trong một nước Việt đã thống nhất lại gặp phải thảm trạng "không hiểu nhau". Từ "biệt phái" đã làm một số giáo chức miền Nam lao đao trong trại cải tạo. Những từ "đặc biệt" chỉ được sử dụng ở miền Bắc, nhất là những từ "nôm na" (từ "tốt" được sử dụng trong những trường hợp tiếng Việt đã sẵn có một từ thích hợp rõ nghĩa hơn) hay mang tính hài hước (phần cứng, phần mềm, muốn thưa chuyện với ai cũng bắt đầu bằng "báo cáo") vẫn luôn luôn được người miền Nam, nhất là những người Việt hải ngoại mang vào đối thoại với ngụ ý chế diễu.

Dù muốn dù không, sự chung đụng và đụng độ trong từ ngữ là chuyện tất yếu phải xảy ra sau năm 1975. Sự chung đụng đã mang đến lọc lựa. Tiến trình lọc lựa này chắc chắn là một đề tài hấp dẫn những nhà nghiên cứu sự phát triển của ngôn ngữ. Sự lọc lựa trong nhiều trường hợp dường như bất chấp những áp đặt từ hệ thống cai trị của nhà nước. Từ ‘Sài Gòn’ chẳng hạn, vẫn hiên ngang đối đầu với mọi thử thách. Văn hóa và sinh hoạt thường ngày của người dân đã tự chọn cho mình con đường riêng, đó là con đường cảm nhận và giao ước giữa những thành viên trong cộng đồng xã hội. Giao ước này có thể chối bỏ cả nghĩa thực của từ, như từ hải quan (mặc dù được sử dụng ở sân bay là nơi không có biển) hay từ nội thất cũng được dùng cho xe hơi, mặc dù đây không phải là cái nhà.

Đối với người Việt (tị nạn) tại hải ngoại, việc khó chấp nhận những từ "lạ tai," ngoài lý do bắt nguồn từ vô thức là không muốn sử dụng ngôn ngữ của kẻ thù, còn mang thêm một ý nghĩa: nỗi lo sợ mất đi bản sắc văn hóa họ đã mang theo như hành trang tinh thần trong xứ tạm dung mà mọi người cảm thấy có bổn phận phải bảo tồn và lưu truyền sang thế hệ sau, mặc nhiên coi đó như một chuẩn mực văn hóa, xã hội.

Trong thập niên ‘80 của thế kỷ trước, người Việt hải ngoại cố tránh tối đa việc sử dụng từ ngữ phát xuất từ xã hội miền Bắc, những bài phát biểu nếu có chen vào những từ này, cho dù vô tình cũng sẽ dễ dàng bị chụp cho một cái mũ không mất tiền mua. Kể từ đầu những năm 1990, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa, nhiều người Việt hải ngoại khi về thăm gia đình đã vấp phải cảnh "nói chuyện như người ở hành tinh khác đến."

Từ đó, nhiều người đã để ý đến vấn đề cải biến ngôn từ sử dụng để khai mở truyền thông. Hơn nữa, trong lãnh vực tin học, kỹ thuật, theo đà tiến hóa phát triển chung, thông tin bắt buộc phải cập nhật lẫn hiện đại hóa bằng những từ mới, những từ này phần lớn đã được dịch nghĩa qua chữ Hán, và như thế lại hình thành hai kho từ ngữ mới: hải ngoại và trong nước.

Kho từ ngữ mới này, tuy có làm tiếng Việt phong phú thêm, nhưng với thế hệ thứ hai thứ ba… sẽ là một cản trở, cũng như với người Hòa Lan muốn học tiếng Việt, lằn ranh từ ngữ đã làm cho họ lẫn những người dạy khổ công khi phải soạn hai bài khác nhau dạy cho một thứ ngôn ngữ, tùy theo đối tượng (thí dụ những từ như quả/trái, quyển/cuốn, một trăm lẻ một/một trăm linh một…).

Tuy nhiên, với thời gian, sự lọc lựa sẽ bắt buộc phải xảy ra ở khắp mọi nơi. Nhất là trong trào lưu toàn cầu, Việt Nam buộc lòng phải để thông tin và báo chí có nhiều tự do hơn, khi đó sự lọc lựa càng mãnh liệt. Không một ai có thể đoán trước rằng từ nào sẽ được toàn khối người Việt chấp nhận. Quá trình này cần một thời gian hàng chục năm. Trong giai đoạn sàng lọc, vấn đề sử dụng từ ngữ trong truyền thông vẫn là một cân nhắc cho nhiều người, và trong cuộc tranh thủ nhân tâm, người ta đã nhận thấy rằng: việc sử dụng từ ngữ của "bên kia" không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa "theo lập trường bên đó." Sử dụng từ đúng "tần số" của đối tượng là nâng hiệu năng tuyên truyền lên một nấc.

Tuy nhiên, đây là vấn đề tế nhị, và nhiều khi nguy hiểm, nếu trong sinh hoạt và liên lạc giữa các tổ chức hay đoàn thể còn thiếu sự tin tưởng lẫn nhau. Do đó, con đường trung dung mà nhiều tờ báo, tạp chí, đài truyền thanh hiện nay đang chọn là đa dạng hóa, bằng cách chấp nhận những bài của mọi khuynh hướng, chấp nhận phong cách sử dụng từ và lối diễn đạt riêng của từng tác giả. Riêng các tác giả, họ cũng đang "tự kiểm duyệt" bằng cách xác định "đối tượng của bài là ai." Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở đây. Lấy một thí dụ: khi đọc hay nghe một bài viết về xứ "đất thấp hơn biển," ở thời điểm hiện tại (2003), nhiều người Việt tị nạn tại Hòa Lan vẫn còn cảm thấy khó chịu với từ "Hà Lan" vì họ cho rằng từ này biểu tỏ phần nào "lập trường chính trị" của tác giả, mặc dù báo chí và đài truyền thanh truyền hình Việt ngữ trên thế giới ngày càng ít sử dụng từ "Hòa Lan" trong thông tin.

Hoàng Giang - QYHD khóa 20

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Væn Hóa