Trường Quân Y QLVNCH
Diễn Đàn Sinh Viên Quân Y
© 2010
Bài đăng
Tâm Sự của Một Sinh Viên Quân Y Đàn Em
Đàn em Phan Ngọc Hà xin kính chào quý niên trưởng,
Bạn Phạm Anh Dũng đã có cho đàn em trình diện với quý huynh trên diễn đàn từ ngày mới thành lập. Rất vui khi đọc lại những kỷ niệm của các niên trưởng.
Sinh sau đẻ muộn, vào Trường Quân-y vào năm thứ 2 Y-khoa cuối năm 1969 đầu năm 1970 với sự tiếp đón và chăm sóc khá tận tình của các anh Tô Phạm Liệu, Ngô Thế Khanh, Nguyễn Ngọc Anh, Alphonse Lê Quang Trọng,..., và nhất là võ sư Pham Gia Cổn và Lý Phương Lâm gần 9 tuần lễ trước khi được chính thức trở thành SVQY, đàn em cũng có vài kỷ niệm với quý niên trưởng. Anh Cổn võ nghệ đã cao cường (nhưng lại rất hiền) rồi mà còn hay đi chung với anh Thại nên ai cũng ngán; có lần vào mùa hè năm 71 anh lên thăm và phát lương cho các đàn em đang thụ huấn quân sự ở Thủ-đức cũng có anh Thại đi theo, anh Cổn nói là để làm "garde-corps” cho anh. Sau này lúc sắp mãn khoá, trong những giờ học HCQY do đàn anh Vũ Khắc Niệm phụ trách, anh Liệu, anh Cổn còn trở về trường để truyền bảo những kinh nghiệm quý giá khi đối xử với các ông đơn vị trưởng hay những kinh nghiệm khi đi hành quân, ...Những chỉ dẫn của các đàn anh Đỗ Trung Anh và Trang Châu cũng rất quý giá. "Văn kỳ thanh" anh Trấn Văn Tích từ những bài viết của anh trong Tập San Quân Y.
Mấy tháng ngắn ngủi ở đơn vị đàn em làm việc dưới trướng của anh Lê Thành Ý khoá 15 HD ở TD22 QY nơi ấy còn có anh Huỳnh Thiện Hậu khoá 18 và anh Lê Bá Quát K. 19. Trên đường di tản có gặp và được sự giúp đỡ của anh Kỳ khoá 18 khi ghé vào xin xăng ở Quân Y Viện Nguyễn Huệ Nha trang.
Trong trại cải tạo đàn em cũng có dịp làm quen anh Trần Thanh Toại và Nguyễn Mạnh Tiêu (người suốt ngày ôm cây đàn guitare); cũng có tìm cảm giác khi xoa thử các quân bài văn sách vạn, sắp xếp hoa hỷ nguyên hợp và chờ thời vận ở những ngọn gió Đông Tây nhưng không có nhiều cơ hội để trau dồi nghệ thuật nên không có kỷ niệm nào với mạc chược để chia xẻ với quý anh vậy nên chỉ có thể đóng góp bằng 2 bài thơ: Trường Dạ Nữ Vương và Thương Binh Lẻ Bạn.
Từ nguồn cảm hứng khi đọc mhững câu thơ tuyệt tác của Bác-sĩ Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, nhạc sĩ Phạm Anh Dũng đã soạn thành ca khúc "Dạ Quỳnh Hương" và hẹn gặp gỡ với tác giả, nhưng đã lỡ duyên hội ngộ vì nữ sĩ tài hoa đã "bất hứa nhân gian kiến bạc đầu".
Bài thơ sau được cảm tác sau những cảm xúc của tình cảnh ấy.
Trường Dạ Nữ Vương
Năm tháng; đường xa dãi tuyết sương,
Ngỡ lòng ai đã hết vấn vương.
Rộn rã đêm xuân mùi hương cũ,
Ngát toả thư phòng soi bóng gương.
Nhụy cong mường tượng cành trâm vắt;
Sắc khiết, đài thon, cánh mỏng vờn.
Nhạc thơ duyên cũ dường chưa trọn
Ngân khúc ly tao khách đoạn trường
(Phan Bảo Thư, Chicago mùa Đông năm Kỷ Sửu)
Một mình trên chiến trường vẫn là chiến sĩ, người thương binh đơn lẻ trong tàn cuộc quần thảo với quân Pháp vẫn còn sĩ khí của Nguyễn Tri Phương. Nhà thơ Tùng Thiện Vương đã đề bài thơ Tàn Tốt:
Tàn Tốt
Loạn thi tùng ý bạt thân hoàn.
Nhất lĩnh đơn y chiếu huyết ban.
Ỷ trượng độc cô sơn tửu điếm.
Tự ngôn sinh nhập Hải Vân Quan.
(Tùng Thiện Vương)
Tạm dịch:
Tàn Binh
Lê chiếc thân tàn vượt đèo cao.
Một mảnh chiến y thắm máu đào.
Chống gậy cô đơn bên quán núi.
Thầm hẹn ngày về Hải Vân Quan.
(Bằng Phong tức Phạm Vũ Bằng QYHD 20)
Thương Binh Lẻ Bạn
Tàn cuộc tung hoành ngoảnh lại thân,
Chiến bào ẩm huyết; sương Hải vân.
Vọng chiến trường xưa, cung kiếm cũ,
Rượu đắng sơn khê nát cõi long
(Phan Bảo Thư tức Phan Ngọc Hà QYHD 21)
Phan Ngọc Hà QY/SVQY21
Ngày 01/07/2010
QYHD Phan Ngọc Hà năm 1974